Tác phẩm của Nguyễn Gia Trí về hình tượng thiếu nữ trên tranh sơn mài nổi tiếng ngay từ khi ra đời vào những năm 30 – 40. Thời hoa niên, trên những nẻo đường thực địa, ông tìm về làng quê để ghi lại phong cảnh, kiến trúc dân gian đình chùa cổ kính, tỉ mỉ nghiên cứu từng lá tre, khóm dọc mùng, ao sen mùa tàn úa.
Cảnh vật xứ Đoài và rung cảm nghệ thuật mà Gia Trí thụ đắc được thuở ấy sẽ lan man đắm đuối đến tận cuối đời ông. Sau những tìm tòi về chất liệu, Nguyễn Gia Trí đã nhìn ra khả năng kỳ diệu của sơn mài khi thể hiện những chủ đề gần gũi thân mật từ ngọn cỏ, lá cây đến đền đài, chùa cổ, lễ hội, gợi lên trong người xem những hoài niệm vang vọng từ quá khứ xưa cũ.
Thế nhưng, Nguyễn Gia Trí không ấn tượng nhiều về các tác phẩm ấy. Thứ lắng đọng trong tâm hồn ông lại là những sáng tác trừu tượng. Ông ưng nhất thể loại này và cho rằng sơn mài là một chất liệu tuyệt hảo để chuyên chở.
Khi có người hỏi ông nhớ những tranh nào nhất của mình, Nguyễn Gia Trí khẳng định: “Tôi chỉ nhớ những tranh trừu tượng của tôi vì nó là unique (duy nhất – HY). Tôi vẽ nó bằng chính ruột gan tôi, không có sự can thiệp nào của ngoại vật. Sự imitation (bắt chước – HY) đã làm mất bản thân tôi quá nhiều.” (Trích trong vựng tập An Ocean Apart, 1991, triển lãm tại Mỹ).
Những băn khoăn trừu tượng đến với Nguyễn Gia Trí không thuận chiều như khi ông khám phá ra cái linh biến của sơn mài truyền thống, cách tân sơn mài mỹ nghệ trở thành nghệ thuật tạo hình đầy vẻ đài các, quý phái. Ông muốn bảo vệ cái unique, chống imitation nên đã tìm đến trừu tượng, tiếp cận nó từ khái niệm đến nghệ thuật trong hội họa. Lúc sinh thời, Nguyễn Gia Trí giỏi chữ Hán và khía cạnh tượng hình của nó. Điều này giúp ông đỡ lúng túng khi biểu đạt trừu tượng trên tranh của mình. Tuy vậy, là người đã đắm chìm trong tạo hình tác phẩm, chăm chú từng dáng vẻ thiếu nữ lả lướt bay bướm trong không gian lãng mạn với những ngọn cỏ, lá cây lay động dưới bầu trời tỏa nắng, Gia Trí chưa thực sự có cái mạnh mẽ xao động như bản chất của trừu tượng. Nó chưa chạm tới những cảm xúc mãnh liệt như các tác phẩm trừu tượng nổi tiếng mà chứa đựng trong đó ám ảnh hung hãn của chiến tranh, cử chỉ hội họa cuồng nhiệt hay nhịp điệu bi kịch, màu sắc dữ dội không hình thể, đề cao vẻ đẹp hình ảnh thị giác.
Tham luận của nhà nghiên cứu Lý Đợi trong hội nghị về Nguyễn Gia Trí năm 2018 tại Hà Nội nhận định: “Trong lờ mờ suy tưởng, Nguyễn Gia Trí gián tiếp cho rằng tinh thần trừu tượng cũng gần với tinh thần thủy mặc, tinh thần thiền, tinh thần giác ngộ. Việc vẽ trừu tượng – “vẽ cái không”, vì vậy, cũng giống như một hình thái hành thiền, nhằm tiệm ngộ với đạo. Nguyễn Gia Trí khẳng định: “Người vẽ không suy nghĩ, mà chỉ làm. Khi đã nghĩ mình vẽ trừu tượng, thì bức tranh lại không còn trừu tượng nữa. Lúc ấy sáng tác đã bị phân hai, giữa tranh và người vẽ tranh”.
Suốt gần nửa thế kỷ, Nguyễn Gia Trí sáng tác về những chủ đề quen thuộc: thiếu nữ, phong cảnh, lễ hội… Bảng màu hội họa của ông bình ổn khi đã vượt qua ngôn ngữ mỹ nghệ vàng son. Quá khứ của Nguyễn Gia Trí đầy ắp kỷ niệm thầy trò rong ruổi trên từng nẻo đường nghiên cứu. Ấn tượng về những đám lá tre từng hàng, từng rặng bao quanh xóm làng, những mái chùa cổ kính, cột nghi biểu sừng sững lạnh lùng tôn giáo, từng vệt nắng buổi bình minh, hoàng hôn lướt trên hoa thảo đã thổi hồn vào hội họa của ông.
Ở tuổi xế chiều, trải qua nhiều thăng trầm số phận, đôi bàn tay người họa sĩ hăng hái thuở nào trên từng tấm sơn mài lộng lẫy biến hóa cả không gian thời gian vẫn muốn tiếp tục hành trình sáng tác. Và thẩm mỹ trừu tượng là một tìm kiếm cuối đời của Nguyễn Gia Trí, tuy ông còn luyến tiếc những đường nét xưa. Đến với trừu tượng, theo ý của Thái Bá Vân sau này, Nguyễn Gia Trí quan niệm “hiện thực không phải là cái ta nhìn thấy bằng con mắt mà là cái ta tâm tưởng”. Nó gần với quan niệm của Picasso: “Tôi không tìm, nhưng tôi thấy”.
Dù vậy, chất lửa, sự giằng xé nội tâm vừa đau đớn, vừa ngạo nghễ với đời chưa đậm nét trên tranh trừu tượng Gia Trí. Vẳng đâu đây vẫn là đường nét mảnh mềm dịu dàng, những đường lượn mơ hồ của ảo ảnh từ ký ức xa xôi lãng mạn một thời Tự Lực văn đoàn. Đường nét trên tranh trừu tượng của Gia Trí vẫn là những đường cong mềm mại, rối rít đan cài, chứa đựng ý tưởng sáng tác muốn tuôn trào, chối bỏ sao chép, miêu tả để bảo vệ cái unique.
Khi nhập môn nghiên cứu sáng tác sơn mài với nhiều công đoạn kỳ bí, ngẫu hứng, Gia Trí tìm thấy chất của trừu tượng chính là chất của sơn mài. Sơn mài không có cái gì thực cả, nó tối bưng. Phải nhờ bàn tay hăng hái của người nghệ sĩ mà từng vệt màu, từng hình khối mới hiện lên. Thủ pháp tạo hình mặt phẳng không chú trọng tạo không gian ba chiều để diễn tả độ sâu hun hút của sự vật mà sử dụng không gian tượng trưng, ước lệ như gợi ý cho nghệ sĩ làm sơn mài về tính đặc thù của chất liệu này khi tìm đến trừu tượng trong tương lai.
Nguyễn Gia Trí tự bạch: “Mỗi bức tranh sơn mài là tự mình đề ra một bài học để giải quyết: độ chuyển của nét, sự thay đổi màu nền: đen trên son, đỏ trên đen, đen trên bạc… Hội họa gần với tôn giáo vì nó xuất phát từ tâm người ta. Nó không phải làm bằng óc hay bằng tay” (Trích trong Họa sĩ Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo, họa sĩ Nguyễn Xuân Việt ghi lại, NXB Văn học 1988).
Bước vào trừu tượng từ những năm 60, phải trải qua một thời gian dài với nỗi ám ảnh về những vòng tròn căng nở trên hiện thực sống động cùng đôi chút ảnh hưởng của Jackson Pollock (Mỹ), Nguyễn Gia Trí mới thoát khỏi ranh giới chật hẹp của thẩm mỹ phương Đông để tìm đến những đường nét cứng cỏi, các vệt chải dứt khoát ở thể loại trừu tượng.
Nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí bắt nguồn từ cội rễ nền văn hóa truyền thống Á Đông cùng sự tiếp xúc với hội họa phương Tây. Ông quan niệm hai yếu tố cần thiết của một bức tranh là “sự thành thật của rung cảm” và “sự thông minh, tinh tế của nét vẽ”. Cả hai yếu tố ấy đều hiện diện trên tranh Nguyễn Gia Trí ở mọi chủ đề, nội dung. Và trừu tượng là cảm nhận cuối cùng của Nguyễn Gia Trí về nghệ thuật, lúc này đã phảng phất tư duy của thiền, giác ngộ trong cuộc đời nơi trần thế.
Nguyễn Gia Trí tìm thấy điều kỳ diệu trong sơn mài khi đến với Trường Mỹ thuật Đông Dương, rồi ông tìm thấy chất trừu tượng trong sơn mài và khép lại cuộc đời hội họa với trừu tượng – một kết thúc ĐẸP của con người mang tên Nhất Trí trong trào lưu Tân nghệ thuật hồi đầu thế kỷ XX ở Việt Nam.
(*) Chú thích: Tư liệu ảnh chụp trong sách Hội họa Hà Nội – Những ký ức còn lại, tác giả Nguyễn Hải Yến, do PICTURE Art foundation xuất bản tại Mỹ năm 2010.
NGUYỄN HẢI YẾN