Tham gia nhiều hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật Hưng Yên, tôi có nhiều cơ duyên gặp họa sĩ trẻ Nguyễn Thái Cớ. Mỗi lần trao đổi về nghệ thuật, tôi đều có ấn tượng về tố chất nghệ sĩ, phong cách sáng tác với các tác phẩm tranh sơn mài đặc sắc, thể hiện giao cảm và những nét độc đáo của họa sĩ Nguyễn Thái Cớ. Đặc biệt, tác phẩm “Hội cầu mưa” đoạt Giải B (không có giải A) tại Triển lãm mỹ thuật khu vực Đồng bằng Sông Hồng lần thứ 28 năm 2023 tại Hưng Yên
Họa sĩ Nguyễn Thái Cớ sinh năm 1976 ở xã Minh Hải, huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên), là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hưng Yên, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hiện nay công tác tại Trường Trung học cơ sở Lạc Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên. Ban đầu họa sĩ Nguyễn Thái Cớ chủ yếu sử dụng “bút pháp” mang khuynh hướng của trường phái ấn tượng để vẽ những khoảnh khắc đời thường tại quê hương, như lễ hội, hội chợ, phiên chợ, mùa gặt… Hay những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa của quê hương, đất nước như: Chùa Nôm, Đền Mẫu, Chùa Chuông, Hương Tích, Cầu Thê Húc… đều thể hiện cảnh vật xong tác phẩm “Hội cầu mưa” cho ra mắt công chúng đã thể hiện những nét độc đáo và giao cảm của thiên nhiên với con người. Bức tranh “Hội cầu mưa” (sơn mài, kích thước 100x 300cm, sáng tác năm 2023).
Trong hoạt động nghệ thuật gần đây, họa sĩ chủ yếu sáng tác chất liệu sơn mài truyền thống, với nhịp sáng tác chủ đề thể hiện khí – tiết các mùa trong năm, cũng đã được trưng bày triển lãm cá nhân mang tên “Gọi mùa” ở 29 Hàng Bài, Hà Nội, tháng 8 năm 2023. Cũng trong nhịp sáng tác ấy, hoạ sĩ đã sống và tìm hiểu về thiên nhiên, về các hoạt động của làng nghề, về lễ hội, về ước mơ của con người… nơi họa sĩ sinh sống. Và tác phẩm “Hội cầu mưa” là câu chuyện bằng ngôn ngữ hội họa, thông qua việc sử dụng thành thạo chất liệu sơn mài truyền thống. Tổng thể bức tranh là phông nền đỏ của son trai, son thắm, son nhì… Đó là gam màu tượng trưng cho may mắn, hạnh phúc và sức mạnh phương Đông, hình ảnh của tượng sư tử (ông Sấm) to lớn – bảo vật quốc gia, ở chùa Hương Lãng quê hương họa sĩ, cùng với Đức Phật trang nghiêm ngồi trên toà sen hiện lên rõ ràng. Bởi gam màu vàng ta sang trọng, lộng lẫy…Và ở đó, phía trên bên phải bức tranh, hình ảnh chạm khắc “Tiên nữ đầu người mình chim đang dâng hoa” (chùa Thái Lạc, Văn Lâm, Hưng Yên) và các vũ công như đang hòa nhịp tấu bản nhạc giao hưởng truyền thống, đậm chất dân gian. Xen kẽ, nhấp nhô không gian huyền ảo là con người nhỏ bé được cách điệu, vui nhộn trong lễ hội với các đức tối cao, các họa tiết thời Lý, Trần đang hoà quyện vào không khí tâm linh cổ truyền bao trùm toàn bộ bức tranh. Bức tranh “Hội cầu mưa” diễn tả được ước muốn của người ngư dân nông nghiệp trồng lúa nước về mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, gắn liền với tín ngưỡng thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Lôi) từ xưa đến nay. Thông qua những hình ảnh, màu sắc và bố cục bức tranh, hoạ sĩ đã tái hiện lại lịch sử, xã hội, cội nguồn của tự nhiên và con người. Đó là nơi kết nối cộng đồng, sợi dây gắn kết giữa các cá nhân, gia đình, dòng họ và làng xóm. Biểu dương được những giá trị văn hóa và sức mạnh của cộng đồng, bảo lưu và trao truyền các giá trị văn hóa từ hôm qua sang hôm nay. Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hưng Yên Chu Huy Phương, nhận xét: “Tác phẩm “Hội cầu mưa” của họa sĩ Nguyễn Thái Cơ đoạt giải B là 1 trong 2 tác giả đoạt giải cao tại Triển lãm khu vực Đồng bằng sông Hồng lần thứ 28 năm 2023, trong đó có Hưng Yên. Hưng Yên vinh dự đăng cai Triển lãm mỹ thuật khu vực Đồng bằng sông Hồng lần thứ 28 năm 2023, tại Triển lãm Hưng Yên có 35 tác phẩm của 31 tác giả được chọn treo. Tác phẩm “Hội cầu mưa” của họa sĩ Nguyễn Thái Cớ thể hiện được sự quan sát, cảm thụ về văn hóa kết hợp với hội họa tạo ra một tác phẩm có giá trị cho công chúng cảm thụ”
Năm 2023, họa sĩ Nguyễn Thái Cớ mở triển lãm “Gọi mùa” tổ chức tại Nhà Triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội để giới thiệu tới công chúng Thủ đô 32 tác phẩm sơn mài đặc sắc, thể hiện giao cảm, những nét độc đáo của từng mùa trong năm. Tại triển lãm, Chủ tịch Hội Mỹ Thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn, nhận xét: “Họa sĩ Nguyễn Thái Cớ có cách gọi mùa rất lạ. Đĩa màu cứ thả dần xuống đáy vóc trong sâu đen thăm thẳm, khó biết đâu là chỗ tận cùng. Rồi cứ theo mùa, khẽ khàng và nồng nàn gọi mùa lên. Ngữ điệu trừu tượng đeo bám Xuân, Hạ, Thu, Đông gọi mắt ta nhìn và buộc ta thả lòng nhẹ nhõm theo hai mươi bốn tiết khí trong năm…”. Đúng như ý kiến đánh giá của Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm cá nhân của họa sĩ Nguyễn Thái Cớ thể hiện cảm quan của người họa sĩ trước sự giao hòa đặc biệt của thời tiết miền Bắc, với 4 mùa rõ rệt. Qua mỗi tác phẩm, bằng sự phối màu tinh tế và có nghề, người xem có thể cảm nhận nhịp sống, nhịp chuyển động của con người và thiên nhiên, như: “Đi qua tháng Mười”, “Không gian đỏ”, “Vào hạ”, “Ngày xuân”, “Hội cầu mưa”,… Là một họa sĩ sinh ra và lớn lên từ làng, Nguyễn Thái Cớ có những cảm nhận vừa nhạy bén, vừa bình dị về sự giao thoa đặc biệt ấy. Đây là dòng tranh mang đậm chất truyền thống Việt Nam nhưng không phải ai cũng dám theo đuổi, bởi quá trình sáng tạo sơn mài rất công phu với nhiều công đoạn tỉ mỉ, đòi hỏi người vẽ phải có sự kiên trì và cảm tường nghệ thuật, các kỹ pháp trong hội họa. Họa sĩ Nguyễn Thái Cớ, chia sẻ: “Việc lựa chọn tranh sơn mài khiến mình dễ đạt được những khoái cảm thẩm mỹ cả trong đời sống và nghệ thuật. Tranh sơn mài sử dụng những chất liệu như: sơn ta, son, vàng, bạc,… Sơn mài là một trong các chất liệu nghệ thuật độc đáo, có lịch sử gắn liền với dòng chảy văn hoá dân tộc Việt Nam đã hàng nghìn năm. Trước khi Trường Mỹ thuật Đông dương ra đời, chất liệu sơn mài chủ yếu được dùng làm các sản phẩm nội thất, gia dụng và đồ thờ cúng. Các nghệ nhân chủ yếu lặp lại các môtip đã có sẵn được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ khoảng năm 1930, Trường Mỹ thuật Đông dương nghiên cứu qui trình và kỹ thuật sơn ta, tạo sự chuyển mình cho chất liệu sơn mài từ thủ công mỹ nghệ sang nghệ thuật. Chất liệu vừa đẹp vừa thuần khiết này hấp dẫn những hoạ sĩ thử nghiệm và sáng tạo. Thay vì lặp lại những chủ đề mang tính biểu tượng, người nghệ sĩ đưa những kiến thức mới vào tác phẩm nhưng vẫn tuân theo những yêu cầu của chất liệu. Họ thay đổi những chuẩn mực truyền thống để thêm vào những ý tưởng và đường nét của mỹ thuật hiện đại. Nghệ thuật sơn mài Việt Nam gần một thế kỷ đồng hành cùng các họa sĩ tâm huyết luôn tìm tòi, nghiên cứu làm giàu thêm tiềm năng lớn lao của chất liệu tạo hình độc đáo này. Tính truyền thống ấy càng đậm đà hơn qua bàn tay điêu luyện và yêu nghề của các nghệ sĩ nhiều thế hệ đã biết tiếp thu tinh hoa nghệ thuật thế giới và dân tộc làm phong phú thêm ngôn ngữ của nghệ thuật sơn mài Việt Nam”.
Họa sĩ Thái Cớ muốn dùng những chất liệu đó theo hướng ít màu nhưng nhiều sắc độ, nhằm thể hiện giao cảm, những nét độc đáo của từng mùa trong năm. Các tác phẩm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Thái Cớ thể hiện bằng ngôn ngữ hiện đại, phác họa những lát cắt, những khoảnh khắc đặc biệt, riêng có của từng mùa trong năm. Đơn cử như bức “Hội cầu mưa”, theo họa sĩ Nguyễn Thái Cớ, nhìn lại nền hội họa dân tộc, từ lâu đã có những thành tựu đặc sắc như: tranh dân gian, chạm khắc đình làng, tượng điêu khắc của thời Lý, Trần, Lê,… Sử dụng ngôn ngữ hiện đại để thể hiện những đề tài truyền thống là một trong những vấn đề mà họa sĩ Nguyễn Thái Cớ luôn trăn trở, tìm tòi, sáng tạo.
Với hơn 20 năm hoạt động hội họa, họa sĩ Nguyễn Thái Cớ đi nhiều, vẽ nhiều và từng tham gia nhiều triển lãm nhóm với bạn bè, như: “Họa sĩ trẻ” năm 2002 tại Hà Nội; Triển lãm Mỹ thuật khu vực II và toàn quốc năm 2006; “Bạn bè” năm 2009 tại Quảng Trị; Triển lãm nhóm vẽ chân dung năm 2016 tại Hà Nội; “Điểm chạm” năm 2017; “Tết Mậu Tuất” năm 2018 và “Tết Tân Sửu” năm 2021 tại Hà Nội; Triển lãm “Gọi mùa” năm 2023 tại Hà Nội…đã và sẽ góp phần giới thiệu với công chúng yêu hội họa những tác phẩm mới mang giao cảm và những nét độc đáo.
Bùi Thanh Bình
Ban Lý luận phê bình, Hội VHNT tỉnh Hưng Yên