Hyo Lynn Yi – Trở thành giám tuyển là khả năng đa nhiệm của nghệ sĩ

 

 “Nếu ví mỗi nghệ sĩ, mỗi tác phẩm là một nhạc công trong dàn nhạc thì giám tuyển chính là vị nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc ấy để làm nên một bản hòa tấu tuyệt diệu. Và tôi muốn trở thành vị nhạc trưởng đó”, Hyo Lynn Yi chia sẻ.

Cầu nối giữa nghệ sĩ và khán giả

Hyo Lynn Yi (sinh năm 2005) được biết đến là một giám tuyển trẻ mang hai dòng máu Việt Nam và Hàn Quốc.

Hyo Lynn Yi luôn quan niệm mỗi tác phẩm nghệ thuật đều mang phong cách riêng của người họa sĩ nên chứa đựng những tiết tấu, giai điệu riêng. Tuy nhiên khi hòa nhịp trong một không gian triển lãm, chúng có thể tăng giá trị nghệ thuật và trở thành một bản hòa âm, mang phong cách đặc trưng và là chỉnh thể thống nhất.

Chính vì vậy, trở thành người giám tuyển, cái nghề được ví như “người đỡ đầu” cho các dự án, triển lãm nghệ thuật chính là đam mê cháy bỏng của Hyo Lynn Yi.

“Giám tuyển nghệ thuật giống như một người viết kịch bản kiêm đạo diễn. Tại Việt Nam, nhiệm vụ của nhà quản lý triển lãm đã tồn tại từ lâu nhưng khái niệm về giám tuyển nghệ thuật (Curator) vẫn còn mới.

Hầu hết những người quản lý triển lãm tôi biết họ thường xuất phát từ việc có kinh nghiệm trong thực hành nghệ thuật hơn là định hướng trở thành một nhà quản lý ngay từ đầu. Bởi vậy có nhiều trường hợp các họa sĩ muốn làm triển lãm nhưng không biết cách đứng ra xin giấy phép, cách tổ chức, sắp đặt và truyền thông như thế nào”, Hyo Lynn Yi chia sẻ.

Chân dung giám tuyển trẻ Hyo Lynn Y

Để hiện thực hóa ước mơ trở thành một giám tuyển, Hyo Lynn Yi đã nỗ lực tìm tòi, học hỏi. Hyo Lynn Yi dành nhiều thời gian đến các triển lãm tại một số bảo tàng lớn trên thế giới như Moma, Met Museum tại Mỹ, Louvre tại Pháp, MMCA, Leeum museum tại Hàn Quốc và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam…để học hỏi cách sắp xếp, trưng bày tại một buổi triển lãm  .

Hyo Lynn Yi còn nghiên cứu về các chất liệu nghệ thuật cùng với các nghệ sĩ có kinh nghiệm tại Việt Nam như chất liệu đồ hoạ với nghệ sĩ Vũ Bạch Liên; lịch sử mỹ thuật Việt Nam, chất liệu sơn dầu, acrylic với hoạ sĩ Đặng Việt Linh; chất liệu gốm với nghệ sĩ Nguyễn Thị Thuý Hường và học về chụp ảnh với nhiếp ảnh gia Ngô Xuân Phú.

Ngoài ra, tại ngôi trường quốc tế Concordia Hà Nội đang theo học, Hyo Lynn Yi còn tham gia câu lạc bộ gốm và câu lạc bộ mỹ thuật để nâng cao các kỹ năng. Hyo Lynn Yi còn được biết đến là chủ nhiệm câu lạc bộ dạy mỹ thuật “Kỷ Nghệ” cho trẻ em tự kỷ tại Hà Nội.

“Tính chất đa ngành trong chuyên môn lẫn sự đa nhiệm trong vai trò thực hiện nên đòi hỏi bản thân tôi phải có nền tảng kiến thức sâu rộng ở nhiều lĩnh vực. Ngoài đam mê nghệ thuật, tôi còn học thêm cách lý luận, phê bình các tác phẩm lẫn cách quản lý, truyền thông hiệu quả để có thể đảm đương, gánh vác nhiều khâu trong một sự kiện nghệ thuật. Người giám tuyển phải là người dung hòa và kết nối được những tiếng nói khác biệt, đa dạng, thậm chí là mâu thuẫn trong một triển lãm và trở thành cầu nối giữa nghệ sĩ và công chúng”, Hyo Lynn Yi chia sẻ.

Tác phẩm: Pseudo-home (2023), acrylic

Sáng tạo của Gen Z về thời đại hội nhập toàn cầu

Ấp ủ dự án từ tháng 3/2023 và mất 5 tháng để hoàn thành, “Defiant vision” chính là “đứa con tinh thần” đầu tiên của Hyo Lynn Yi.

Mang tinh thần đầy nhiệt huyết của những nghệ sĩ trẻ trong thời đại hội nhập toàn cầu, mỗi tác phẩm được giám tuyển Hyo Lynn Yi lựa chọn để trưng bày đều ẩn chứa những câu chuyện riêng biệt, thể hiện mối quan tâm và cảm xúc sâu lắng của từng tác giả đối với sự đa chiều của đời sống hiện tại.

Mặc dù là triển lãm đầu tay nhưng Lynn Yi đã áp dụng nhiều kỹ thuật từ các chuyên gia quốc tế và được hội đồng chuyên môn của Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá cao về ý tưởng, kỹ thuật và ngôn ngữ thể hiện.

Triển lãm trưng bày hơn 30 tác phẩm thể hiện tiếng nói mạnh mẽ của 14 tác giả trẻ muốn phá vỡ những sự gò bó và định kiến trong cuộc đối diện với sự sinh tồn.

Chia sẻ về quá trình thực hiện hoạt động giám tuyển trong triển lãm “đầu tay”, Lynn Yi cho biết tất cả các khâu từ tổ chức, sắp xếp đến truyền thông được phối hợp hài hòa.

“Tôi phải tìm hiểu rất kỹ về tiềm năng thành công của dự án, lên kế hoạch và tìm kiếm những đối tác là những nghệ sĩ phù hợp, các tổ chức hoặc hội nhóm có liên quan. Đặc biệt, do sinh sống tại Việt nam nên việc tìm hiểu kỹ chính sách của nhà nước là điều mà tôi dành nhiều thời gian hơn cả”, Hyo Lynn Yi chia sẻ.

Tại triển lãm “Defiant vision”, nhiều chất liệu từ tranh in đồ họa, tranh hội họa, tranh kỹ thuật số hay chất liệu gốm được lựa chọn và hội ngộ để hướng tới sự cởi mở và đa dạng về ngôn ngữ thể hiện, đồng thời phần nào phản ánh được sự thay đổi trong nhận thức và đời sống nghệ thuật của các tác giả.

Bên cạnh đó, một số tác phẩm khắc gỗ, sơn dầu có sự tìm tòi và nghiên cứu về thực tiễn đời sống Việt Nam để từ đó thể hiện tinh thần của cuộc sống thời đại mới.

Triển lãm Defiant vision, từ trái qua: Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, giám tuyển Hyo Lynn Yi và các hoạ sĩ trẻ

“Mối quan tâm của tôi là môi trường sống của xã hội hiện đại và các sức mạnh tiềm ẩn của con người với khả năng thích nghi trong thế giới đầy biến đổi liên tục. Trước khi thiết lập triển lãm, tôi đã tham gia một khóa học có tên Art Handling. Tại đó, tôi học cách lắp đặt tác phẩm hình ảnh từ các chuyên gia Indonesia và áp dụng thông tin, thông số về kỹ thuật. Từ cách gắn nhãn tác phẩm, việc thay bóng đèn chiếu sáng, cố định hình ảnh bằng dây kim loại, sơn tường đều là những kỹ thuật này”, giám tuyển Hyo Lynn Yi cho hay.

Tại triển lãm, họa sĩ Lương Xuân Đoàn – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận xét, đây là triển lãm chỉn chu về mặt tổ chức và có chuyên môn về mặt tuyển chọn tác phẩm, giới thiệu được nhiều nghệ sĩ trẻ có tiềm năng trong tương lai.

“Các bạn trẻ có quyền nghĩ khác, cảm nhận khác về xã hội đương đại. Tuy nhiên, ở sâu trong đó vẫn ẩn chứa tâm hồn Việt, văn hóa Việt, đó là cách các bạn gây ấn tượng với những tác phẩm của mình. Đây là may mắn của nền mỹ thuật Việt Nam đương đại, mà chính chúng tôi cũng không thể biết được”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn bày tỏ.

Điều đặc biệt ở triển lãm “Defiant vision”, 30% lợi nhuận từ tác phẩm được trưng bày và đấu giá tại triển lãm sẽ được trích ra để ủng hộ chương trình “Rescue Appeal – giải cứu nạn nhân mua bán người” của quỹ Blue Dragon.

Hyo Lynn Yi cho rằng, từ lâu nghệ thuật đã có tác động tích cực đến xã hội nên việc kết hợp từ thiện và nghệ thuật đã diễn ra rất nhiều ở nhiều nước. Bản thân Hyo Lynn Yi cũng từng có trải nghiệm này tại triển lãm tranh hàng năm ở trường trung học và đóng góp số tiền thu được cho trẻ em ở Campuchia.

“Với Defiant vision, tôi muốn tạo ra một không gian cho các nghệ sĩ trẻ có cơ hội tham gia và phát triển trong nghệ thuật. Đồng thời, tôi mong các bạn trẻ sẽ có cơ hội sử dụng tài năng nghệ thuật và sáng tạo của mình để đóng góp ý nghĩa vào việc giải quyết vấn đề xã hội. Còn điều gì ý nghĩa hơn khi phát triển khả năng nghệ thuật cùng với ý thức trách nhiệm với xã hội”, Hyo Lynn Yi bày tỏ.

Thy Trà 

 

Tin cùng chuyên mục

Triển lãm “Tôi yêu Sushi”

Thông tin từ ban tổ chức: Vào năm 2013, UNESCO đã ghi danh washoku — Ẩm thực Nhật Bản — vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể, với sushi là ví dụ điển hình. Sushi là một món ăn tinh tế, tốt cho...

Cầu đi bộ biến thành không gian nghệ thuật

NDO – Cầu dành cho người đi bộ trên phố Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã được trang trí thành không gian nghệ thuật ánh sáng với chủ đề “Nước”, thu hút sự quan tâm của...

Chính thức ra mắt Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (ĐHQGHN)

(Chinhphu.vn) – Việc chuyển đổi thành Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật với các chức năng và nhiệm vụ chính là tổ chức và triển khai các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học...

Triển lãm “Tái hình lập ảnh” tại VCCA

Từ ngày 20/04/2024, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) sẽ mở cửa triển lãm kỹ thuật số mang tên “Tái Hình Lập Ảnh”. Triển lãm giới thiệu các tác phẩm kinh điển của trường phái...

Vẻ đẹp nội Tâm trong hội hoạ Văn Chiến

Đường “link” dẫn dắt đến với hội hoạ trải qua 40 năm, mang đến cho hoạ sĩ một trái tim đầy rung cảm với nhiều trạng thái của cảm xúc mà tạo nên cú hích trong nghệ thuật mang sắc thái...

Có thể bạn quan tâm

"NGƯỜI VIẾT QUỐC CA" VẼ TRANH CHÂN DUNG "NGƯỜI VẼ QUỐC KỲ"

  Một lần, rất tình cờ tôi được anh Ngô Quỳnh Dũng, con trai họa sĩ Ngô Mạnh Quỳnh tặng cho cuốn sách “Văn nghệ và kháng chiến qua ống kính Trần Văn Lưu” do tác giả Nguyễn Huy Thắng và...

NHỚ VỀ KHOA LÝ LUẬN VÀ LỊCH SỬ MỸ THUẬT

  Tháng 12 năm 1978, Khoa Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật, trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, được thành lập. Đó là quyết định táo bạo của nhà trường, ông hiệu trưởng Trần Đình Thọ và...

NHỚ VỀ NHỮNG NGÀY THÀNH LẬP HỘI MỸ THUẬT VIỆT NAM

  Tiến tới Đại hội, Đại biểu Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024. Tạp chí Mỹ thuật xin đăng lại hai bài viết về những sự kiện, những hoạt động và những kỷ niệm của...

Xem “Màu nắng” thu Hà Nội

NDO – Triển lãm hội họa và điêu khắc với tên gọi “Màu nắng” của 6 nghệ sĩ: Đinh Khắc Công, Vũ Thanh Yên, Hoàng Ngọc Hà, Lê Ngọc Huyền, Lưu Thanh Lan, Nguyễn Nghĩa Cương sẽ khai...

Bài 4: Tăng ‘giáo dục trải nghiệm’ tại các bảo tàng, di tích

(Chinhphu.vn) – Gần đây, các bảo tàng đã chú trọng thay đổi về nội dung, không ngừng đa dạng hóa, đổi mới nhiều lĩnh vực hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu và đem đến những trải nghiệm...