Tiến tới Đại hội, Đại biểu Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024. Tạp chí Mỹ thuật xin đăng lại hai bài viết về những sự kiện, những hoạt động và những kỷ niệm của Hội Mỹ thuật những tháng năm xa xưa ấy.
Bài viết của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ – Tổng Thư ký đầu tiên của Hội Mỹ thuật Việt Nam (1957- 1958). Bài đã được đăng trên Báo Độc lập số 8, ngày 15 tháng 4 năm 1987.
Bài viết của họa sĩ Trần Khánh Chương – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam từ 1999- nay. Bài đã được đăng trong cuốn “Mỹ thuật Hà Nội Thế kỷ XX”, Nhà xuất bản Mỹ thuật 2012.
Mỗi ngày mỗi đổi mới, đó là quy luật của sáng tạo nghệ thuật. Tổ chức mỹ thuật Việt Nam là non trẻ so với thế giới. Những thiết chế được mở rộng ngày nay như: bảo tàng, vụ, viện, các trường đào tạo, các xưởng hoạ, các công ty và gallery… cũng không làm tôi quên được những ngày vận động và chuẩn bị thành lập Hội. Từ Việt Bắc về tiếp quản Thủ đô, phong trào hội hoạ đã mở được hai năm liền, Triển lãm toàn quốc 1954 và 1955 với 152 hoạ sĩ và nhà điêu khắc. Từ 240 đến 500 tác phẩm. Từ rừng về đồng bằng, sáng tác sôi nổi với vốn tích luỹ được qua chín năm kháng chiến, không lơ là với nhiệm vụ chính trị. Phong trào cần bao quát một mặt trận rộng lớn các địa phương, các phong cách nghệ thuật, phản ánh mọi sinh hoạt đất nước đang chia cắt thành hai miền. Một số anh em hoạ sĩ miền Nam ra tập kết ở Sầm Sơn, vừa học tập xong cũng về Hà Nội. Tôi nhớ nhất Nguyễn Hiêm gánh ra một bọc tranh lớn màu bột mà sau này anh còn thể hiện ra sơn mài: Trận Tầm Vu; Trận La Ngà, Chợ Chắc Băng, Hành quân qua cầu, Long Châu Sa, Long Châu Hạ… với những sinh hoạt bộ đội, những địa danh lạ tai, lạ mắt. Rồi đến Huỳnh Văn Gấm, với đôi tai rộng vênh lên, tôi nghe kể là anh đã từng làm bí thư tỉnh, từng vẽ giấy bạc. Hồ Văn Lái từng làm Chủ tịch tỉnh, ít vẽ nhưng vẫn thích kể chuyện trường xưa. Rồi Trần Văn Lắm, Hoàng Tuyển… Riêng Hoàng Kiệt từ khu V ra với một số chân dung dân tộc và cảnh tập kết ở bãi biển Quy Nhơn. Diệp Minh Châu ra Việt Bắc từ trước, vừa đi học ở Tiệp về thẳng Hà Nội. Hoạ sĩ, nhà điêu khắc từ Nam Bộ, Liên khu V, Liên khu IV, Liên Khu III, Việt Bắc, tất nhiên cả Hà Nội đều tập trung ở Thủ đô mới giải phóng. Phong trào sáng tác văn nghệ lúc này thường sinh hoạt chung, sôi nổi qua các cuộc gặp gỡ rộng rãi. Đại hội Văn nghệ Toàn quốc vừa xong là tiến lên thành lập trước hết Hội Mỹ thuật, trong lúc cuộc đấu tranh chống nhóm Nhân văn Giai phẩm đang còn diễn biến. Có ý kiến cho rằng Mỹ thuật ít nói, hiền lành hơn cả nên tổ chức Hội trước.
Tình hình đất nước còn chia đôi, cần phải có một tổ chức đoàn kết toàn bộ các nhà mỹ thuật dưới sự lãnh đạo của Đảng trong khi vừa hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, chuẩn bị tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tình cảm Bắc Nam lúc này thật thắm thiết. 1955 Trần Văn Lắm đã đã nặn xong tượng Cụ Hồ. Rồi đến nhóm tượng Cắm thẻ nhận ruộng. Phạm Xuân Thi có Nắm đất miền Nam với câu chuyện bà má gửi anh bộ đội tập kết ra Bắc nắm đất để tỏ lòng son sắt với Bác Hồ. Lúc này, các tác giả ít nghĩ đến hình thức và phong cách mà nghĩ đến tình cảm dân tộc, đến đất nước chia đôi, muốn chia sẻ nỗi niềm qua ngọn bút hay nét chạm khắc của mình.
Số hoạ sĩ và nhà điêu khắc tập trung ở Hà Nội khá đông, đến hơn 200 người, hội viên dự định kết nạp lên tới 100 người. Qua nhiều cuộc họp, thảo luận sôi nổi, từ tổ chức Hội sang đường lối nghệ thuật… Nhân có tranh vẽ về Tây Nguyên, nổi lên vấn đề vẽ khoả thân nên như thế nào. Hội hoạ Việt Nam thường vẫn giữ được tính khoa học và trung thực. Tuy lúc đó không bày tranh khoả thân như phương Tây nhưng Trường Cao đẳng Mỹ thuật vẫn nghiên cứu mẫu khoả thân, vẫn lấy mẫu người làm gốc học tập.
Tôi còn nhớ lúc đó ở miền Nam, Mỹ Diệm đang tố cộng dữ dội, vụ thảm sát Hướng Điền (1955) rồi vụ Phú Lợi tháng 12-1958 với vụ Hoàng Lệ Kha với luật 10/1959 và máy chém Diệm lê đi khắp các tỉnh đang gây xúc động trong dư luận cán bộ và nhân dân miền Bắc. Chỉ trong một đêm, anh chị em hoạ sĩ đã vẽ hàng nghìn áp phích và biểu ngữ để sáng hôm sau đi biểu tình diễu qua Ủy ban quốc tế giám sát đình chiếm đóng ở Bưu điện Bờ hồ bây giờ. Các lãnh tụ như Bác Tôn, đồng chí Trường Chinh dẫn đầu cuộc biểu tình bừng bừng khí thế. Hàng ngàn anh chị em văn nghệ sĩ và nhân dân biểu tình đấu tranh với rừng cờ, biểu ngữ và tranh cổ động.
Ngày 26/3/1957, Đại hội ngành Mỹ thuật họp ở nhà số 1 Bà Triệu (khách sạn Du lịch ngày nay) để thành lập Hội. 108 hoạ sĩ và điêu khắc gia là đại biểu chính thức. Họp ba ngày thật vui, kết thúc bằng tối liên hoan có cả nhảy múa và kịch câm. Nhiều tuổi nhất trong Ban Chấp hành gồm 21 uỷ viên lúc đó là bác Nguyễn Phan Chánh, cụ Nam Sơn. Ít tuổi nhất có lẽ là Nguyễn Sáng, Mai Văn Hiến. Về yêu cầu đoàn kết thì thành công khá rõ nhưng không phải không qua cuộc đấu tranh phức tạp vì những khuynh hướng sai lầm về nghê thuật hoặc quá tả hoặc quá hữu lúc bấy giờ. Vào lúc này Việt Nam đang tham gia một cuộc Triển lãm lớn về nghệ thuật Phật giáo ở Ấn Độ với nhiều tượng cổ như Phật bà nghìn tay nghìn mắt (Bút Tháp), các vị sư tổ Tuyết Sơn (chùa Tây Phương)… và nhiều tranh về Phật giáo do Nguyễn Đỗ Cung đem đi. Bác Đào Văn Can và hoạ sĩ Lưu Văn Sìn đều tham gia chuẩn bị triển lãm này bằng những công việc phục chế và sao chép tranh tượng cổ. Đây là cuộc triển lãm lớn về nghệ thuật cổ điển Việt Nam ở nước ngoài, gây tiếng vang lớn ở các nước châu Á.
Những triển lãm chính mà tôi nhớ mãi sau ngày thành lập Hội là cuộc triển lãm tranh cổ động ủng hộ cuộc kháng chiến giải phóng của nhân dân An-giê-ri. Nhiều tranh đẹp bày kín cả nhà triển lãm lớn 44 Yết Kiêu. Sau đó là triển lãm tranh Cổ động đấu tranh thống nhất năm 1957 vào dịp kỷ niệm Hiệp định Giơ-nê-vơ. Hội chuyển trụ sở về 38 Hai Bà Trưng. Ở đây , một sáng tác tập thể lớn do Bác Hồ đặt và duyệt phác thảo là bức tranh Xô Viết Nghệ Tĩnh do Nguyễn Đức Nùng, người dựng phác thảo, Phạm Văn Đôn, Sỹ Ngọc, Trần Đình Thọ, Huỳnh Văn Thuận, Nguyễn Văn Tỵ thể hiện. Một số tác giả đã về tận nhà cụ Hoàng Hanh ở Nam Đàn để nghiên cứu vẽ hình các tự vệ đỏ, về nghiên cứu trụ sở huyện Nam Đàn cũ mà tôi nhớ vẫn còn ghi chữ “Huyện Đỏ Nam Đàn!”. Bác đem bức sơn mài khổ lớn 4m25 này đi dự lễ kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng Mười và hiện nay bức tranh đó vẫn được bày ở Bảo tàng Lịch sử Matxcova trước Hồng trường.
Về sáng tác, cuộc đấu tranh cho đường lối nghệ thuật đúng không phải dễ dàng. Việc học nghệ thuật tạo hình hiện đại ở một trường có phương pháp hiện đại mà vẫn giữ được truyền thống dân tộc để truyền cảm được tới đông đảo quần chúng nhân dân, đem lại cái đẹp, cái thiện cho mọi người, không phải giản đơn. Đó cũng là giai đoạn kết tinh của những năm kháng chiến, của một giai đoạn học tập, nghiên cứu và sống sát với thực tế chiến đấu và đời sống nhân dân. Với kỹ thuật vẽ khá nhuần nhị, với tình cảm chân thành vì cuộc sống hiện thực, các hoạ sĩ đã vẽ được nhiều tranh đẹp. Sau những Triển lãm Toàn quốc 1955 và 1958, nhiều người còn e ngại chưa biết có nên đem đi đua tài ở triển lãm quốc tế các nước xã hội chủ nghĩa ở Matxcơva hay không. Hội quyết định cứ đem đi, thì quả nhiên, tranh Việt Nam là một phát hiện mới đối với giới tạo hình thế giới, nhất là ở các nước xã hội chủ nghĩa. Các nhà nghệ thuật cũng như quần chúng xem tranh đều nhiệt liệt tán thưởng, từ lúc mới dỡ tranh ở hòm ra cho đến những ngày khai mạc. Báo chí và các nhà phê bình nghệ thuật đều dành cho hội hoạ Việt Nam những lời tốt đẹp nhất. Một buổi sáng sớm: Bác Hồ, nhân đi họp ở Matxcơva, cùng đi với đồng chí Janos Kadar đến xem triển lãm Việt Nam và Bác cũng nhận được nhiều ý kiến khen ngợi nên Bác rất hài lòng. Khi về nhà , năm 1960, Bác đã tặng Hội Mỹ thuật Huân chương Lao động Hạng Nhất và sau đó Hội còn được Huân chương Jolio Curie của Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Thế giới tặng.
(Theo Báo Độc lập số 8 ngày 15 tháng 4 năm 1987)