Năm 2007, khi viết cuốn “Từ điển họa sĩ Việt Nam”, tôi có mở một từ mục viết về họa sĩ Trần Hữu Chất. Đó cũng là một trong 171 từ mục tôi viết về 171 họa sĩ Việt Nam.
Cuốn sách đã được xuất bản đầu năm 2008.
Sau đó, vào các năm 2011 và 2017, các họa sĩ Dương Hướng Minh, Quang Phòng, Nguyễn Cao Thương, Lê Huy Hòa, Xu Man, Lê Mai Khanh, Dương Viên, Lê Lam, Cổ Tấn Long Châu, Bửu Chỉ, Đỗ Sơn và Trần Hữu Chất – tổng số 12 người (những người đã có mặt trong cuốn từ điển nói trên) – đều đã được tặng (hoặc truy tặng) Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Riêng họa sĩ Nguyễn Gia Trí được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
* * *
Thực ra, tôi có mối tình thân với nhiều họa sĩ học ở Khóa Tô Ngọc Vân (1955-1957), mà giờ đây có một số người đã ra đi. Nhưng với họa sĩ Trần Hữu Chất, một trong những người ở khóa đó – thì lại không được như vậy.
Chú Trần Hữu Chất có biết tôi, và tôi cũng chỉ mới được trực tiếp gặp chú đôi lần. Có lần chú còn cho tôi địa chỉ và mời tôi đến chơi nhà chú. Ấn tượng của tôi về chú là ấn tượng về những nụ cười rất tươi, rất thân thiện của chú. Tôi rất quý chú, chú lại cùng tuổi và cùng quê Hà Tĩnh với mẹ tôi. Có lẽ chỉ còn thiếu cái duyên để hai chú cháu gần gũi nhau hơn.
Bây giờ nhớ lại, hóa ra tôi đã có ba lần, đúng ba lần, gọi điện cho chú Trần Hữu Chất. Và có lẽ, chỉ qua ba lần gọi ấy, tôi và chú mới thực sự có dịp để trò chuyện với nhau, và thực sự là đã “gặp” nhau.
* * *
Lần gọi đầu tiên: Tôi không nhớ chính xác, nhưng lần gọi đầu tiên ấy chắc chắn vào khoảng 1996-1997, khi tôi cùng họa sĩ Nguyễn Thế Vinh làm biên tập cho cuốn sách “50 năm Tranh tượng Liên khu V”, vì chú Trần Hữu Chất đã từng có nhiều năm hoạt động ở Trung Trung Bộ. Chú Vinh đã mất sau đó chỉ ít lâu. Nội dung trao đổi với chú Chất ngày ấy tôi cũng không còn nhớ, nhưng chắc chắn không nằm ngoài việc lấy tư liệu cho cuốn sách về Khu V. Vậy là đã trên 20 năm rồi!
Người nhấc máy là vợ chú Trần Hữu Chất. Và cũng y như mấy lần gọi sau, lần nào cũng như lần nào, vợ chú Chất luôn luôn là người nhấc máy. Và lần nào cũng như lần nào, bao giờ và cũng luôn luôn là như vậy, chỉ sau mấy giây, tôi đã được nghe thấy tiếng của chú Trần Hữu Chất, với một chất giọng miền Trung (An Tĩnh), khá nhẹ và sáng…
* * *
Lần gọi thứ hai: Lần gọi thứ hai, tôi cũng không thể nhớ chính xác về mặt thời gian, nhưng có lẽ vào khoảng 2008-2009. Hôm ấy là một ngày áp Tết, cỡ 27-28. Vậy là đã trên dưới 10 năm trôi qua!
Câu chuyện là như thế này.
Có một vài người, đều là phụ nữ, quãng gần trưa, đến tìm gặp tôi ở cơ quan (Tạp chí và Nhà xuất bản Mỹ thuật). Họ bảo rằng họ công tác ở Ban Dân vận (hay Ban Dân tộc Trung ương, đại loại như vậy), và đang cần rất gấp mấy bức tranh vẽ về Tây Nguyên để làm tặng phẩm nhân một sự kiện nào đó sắp sửa diễn ra, kèm theo một yêu cầu: Tranh phải quý, đẹp và người vẽ càng có tên tuổi càng tốt!!!
Vừa nghe xong, tôi đã nhớ ngay đến chú Trần Hữu Chất, một họa sĩ vẽ rất nhiều về Tây Nguyên, nhất là tranh sơn khắc, và tôi lập tức xác định chỉ có chú mới là “khả năng” duy nhất khả dĩ đáp ứng ngay được tình hình.
Chỉ có điều, cả tôi và mấy vị khách vừa lạ vừa bất ngờ ấy đều là những “kẻ quan liêu”. Một bên thì chỉ hỏi: “Có không?”, một bên thì chỉ trả lời: “Có”, mà không hề trao đổi thêm với nhau về bất cứ một điều kiện nào để thực hiện, nhất là về điều kiện “ĐẦU TIÊN”…
Sau khi khách để lại số điện thoại và ra về, tôi bèn gọi ngay cho chú Trần Hữu Chất. Người nhấc máy là vợ chú. Hehe. Rồi cũng y như lần gọi trước, chỉ sau mấy giây tôi đã nghe thấy thứ tiếng “An Tĩnh” tưởng như đã quen thuộc lắm của chú.
Được tin, chú Trần Hữu Chất tỏ ra rất hào hứng. Ồ, không, phải nói cho đúng là vô cùng hào hứng (bởi Tết cũng đến gần lắm rồi). Chú bảo chú có rất nhiều “tranh Tây Nguyên” và “cháu thu xếp giúp chú nhé”.
Giá tranh chú Chất đưa ra, cái giá mà các thương nhân ngày nay gọi là “giá kỳ vọng”, cũng vô cùng “nhân ái”. Có lẽ nó chỉ bằng một phần hai giá tranh theo cái ba-rem dường như chưa bao giờ “xởi lởi” của Nhà nước khi ấy (tức chỉ khoảng mấy triệu trên một bức).
Tôi khấp khởi vì chắc mẩm mình sẽ thu xếp được cho chú, và sẽ đem đến được cho gia đình chú một chút niềm vui trước khi Tết đến…
Đầu giờ chiều, tôi gọi cho mấy người khách đang cần mua tranh theo số điện thoại họ đã để lại. Thoạt đầu, họ cũng tỏ ra rất hào hứng, vì tôi đã sớm tìm được “giải pháp” cho những yêu cầu của họ.
Và rồi cũng đến lúc cái “ĐẦU TIÊN” phải được nêu ra, cho dù chỉ được nêu ra vào lúc cuối cùng.
Như chỉ chờ có vậy, từ đầu dây bên kia, các câu nói được phát ra liên tục: “Ối giời ơi! Tưởng vài trăm ngàn chứ tiền triệu thì chúng tôi làm gì có để mua”, “Có còn chỗ nào khác không hả anh?”, “Thôi, tranh tầm tầm cũng được anh ạ”, vân vân và vân vân. Tôi ù hết cả tai.
Để trả lời chú Trần Hữu Chất, tôi cũng phải suy nghĩ mất hồi lâu. Tôi muốn tìm một câu thật ấm áp để chuyện này như chưa từng có, hay đúng hơn, đó chỉ là một câu chuyện đùa vui, trong khi ta chờ những dịp vui “có thật” khác.
… Tôi bấm số điện thoại, và thấp thỏm nghe từng tiếng tút, tút. Máy đang rỗi. Và những tiếng tút, tút ấy nghe như những tiếng đập của sự mong đợi.
Người nhấc máy là vợ chú Trần Hữu Chất. Bao giờ cũng là như thế. Ồ, một tín hiệu của một gia đình hạnh phúc?! Và cũng chỉ sau có mấy giây, như mọi lần, tôi lại được nghe tiếng của chú Trần Hữu Chất…
– Cảm ơn cháu! Họ không mua cũng không sao hè! Vui mà! Nếu có gì hay hay cháu lại nhớ giúp chú nhé!
Câu chuyện quả tình đã được chú Trần Hữu Chất chốt lại, bằng một câu, đúng như thế.
* * *
Lần gọi thứ ba, lần gọi cuối cùng: “Cuối cùng” bởi vì chú Trần Hữu Chất đã vừa ra đi cách đây ít lâu.
Chú mất tôi không được biết, và cũng không được biết cả ngày tang chú.
Cái dự định của tôi đến thăm chú ở Khu tập thể Phương Mai, theo lời mời đã mấy chục năm của chú, thế là không bao giờ thực hiện được nữa.
… Ra Tết Mậu Tuất 2018 vừa rồi, tôi có tham gia biên tập cuốn “Mỹ thuật hiện đại Hà Tĩnh”. Sách do Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh và Nhà xuất bản Mỹ thuật phối hợp làm. Công việc đã được phân công như sau: Tư liệu về hầu hết các họa sĩ, các nhà điêu khắc, các nhà thiết kế có mặt trong sách đều do phía Hà Tĩnh cung cấp. Riêng tư liệu về các họa sĩ được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước (trong đó có họa sĩ Trần Hữu Chất) thì phía Nhà xuất bản lo.
Tính tôi thì vốn cầu toàn, cho dù đã có khá đầy đủ tư liệu về các họa sĩ theo yêu cầu, tôi vẫn cứ hy vọng sẽ tìm được những tư liệu hay hơn, mới hơn về các họa sĩ, mà một trong những họa sĩ tôi quan tâm nhất chính là chú Trần Hữu Chất.
Một buổi sáng, tôi gọi điện cho chú. Người nhấc máy vẫn là vợ chú. Hehe. Cô bảo tôi: “Dạo này chú hơi mệt”, rồi chuyển máy.
Qua cuộc trao đổi ngắn với chú Trần Hữu Chất hôm ấy, tôi được biết chú vẫn đang tiếp tục sáng tác, và đã bắt đầu có nhiều người mua tranh của chú. Mừng cho chú quá!!! Về công việc, chú bảo: “Nếu cháu cần ảnh chụp tranh mới thì chú không có sẵn. Nhưng chú sẵn sàng mời cháu đến chụp”.
Thật đáng tiếc, tôi đã không làm được việc đó, không phải do tôi, mà do thời gian bị chi phối bởi “tập thể”. Nếu không, tôi đã có ít nhất một lần đến thăm chú Trần Hữu Chất.
Khi sách ra, chú Chất chưa mất. Nhưng chú cũng chẳng kịp đọc cuốn sách ấy. Trong tiểu sử vắn tắt của chú in trong sách, vẫn chỉ có năm sinh.
Nhớ chú Trần Hữu Chất, tôi lại chợt nhớ đến một câu nói của nhà thơ Huy Cận, và rồi nó cứ văng vẳng mãi trong tâm trí tôi:
“Chúng ta sống cần quan tâm lẫn nhau, chứ đừng quay quanh nhau như những hành tinh chết”.
Trần Hữu Chất
(1933 – 2018)
Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật 2011.
Còn có bút danh là Hồng Chinh Hiền. Quê huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Sống chủ yếu tại Hà Nội.
Ông học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, “Khóa Tô Ngọc Vân” (1955 – 1957), tốt nghiệp đại học chính qui (1962-1967). Sau học tiếp tại Học viện gốm sứ Giang Tây Cảnh Đức Trấn, Trung Quốc (2 năm), Học viện Clermont Ferrand, Pháp (12 tháng).
Trong kháng chiến chống Pháp, ông từng là nhân viên mỹ thuật Phòng Thông tin Tuyên truyền huyện Kỳ Anh và tổ ấn họa Ty Thông tin Hà Tĩnh, tham gia minh họa báo “Quân địa phương” của Bộ Tư lệnh Liên khu 4.
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đi B vào Trung Trung Bộ, sau đó ra Bắc, công tác ở Viện Mỹ nghệ Dân gian và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Ông chuyên vào chất liệu sơn mài, nhất là sơn khắc, thể hiện các đề tài cách mạng kháng chiến, văn hóa các dân tộc thiểu số hoặc lễ hội ở các vùng miền khác nhau, với đường nét đồ họa tinh tế và màu sắc rực rỡ: Mùa xuân trên Tây Nguyên (1962, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), Bác Hồ đi chiến dịch (1990, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), Lễ hội người Chăm (1990), Múa rối nước đồng bằng Bắc Bộ (1992), Lễ đâm trâu Tây Nguyên (1992), Phiên chợ miền núi (1992)…
Quang Việt
(*) Bài viết đăng trên Tạp chí Mỹ thuật số 307-308, tháng 7-8 năm 2018.