Người chơi tranh, sưu tập tranh ở nước ta xưa nay thường có một trình tự sưu tập, cho dù chỉ là một trình tự mang tính tương đối, nhưng ít khi bị đảo ngược-như sau:
Đầu tiên: Tranh hoa, tranh tĩnh vật, tranh phong cảnh, tranh vẽ hình tượng thiếu nữ, thiếu nhi.
Thứ hai: Tranh sinh hoạt thường nhật, nhất là có thiếu nữ và trẻ em.
Thứ ba: Tranh chân dung nhân vật, nhất là các nhân vật nữ, ít hơn khi nhân vật là nam giới hoặc người cao tuổi, người già.
Thứ tư: Tranh bố cục theo một số đề tài nào đó, nhưng thường gắn với nội thất, phong cảnh. Tranh vẽ theo các thần tích, huyền tích, hoặc các mô-típ cổ.
Thứ năm: Tranh “đề tài”, tức là tranh vẽ về lao động sản xuất, xây dựng và chiến đấu. Các tranh liên quan tới công nghiệp, hoặc vẽ các cảnh chiến trận quá ác liệt ít được ưa chuộng.
Thứ sáu (cuối cùng): Tranh vẽ theo phong cách bán trừu tượng hoặc trừu tượng.
Ngoại lệ: Tranh cổ động, tranh vẽ về nước ngoài hoặc tranh của các họa sĩ nước ngoài.
Việc so sánh các bậc thấp cao nếu dựa trên trình tự trên, thực ra luôn luôn không công bằng đối với các nhà sưu tập, bởi giá trị thực sự của nghệ thuật không nằm ở sự phân loại đề tài. Vả lại, trình tự sưu tập tranh còn phụ thuộc, chịu sự chi phối bởi tiền bạc, và đặc biệt bởi phong cách và tên tuổi của các tác giả. Nhưng trên thực tế, bảng trình tự ấy vẫn có thể phản ánh phần nào một quá trình nhận thức và sự biến đổi thị hiếu của các nhà sưu tập.
Ở châu Âu, chỉ có các nhà sưu tập cỡ bự mới chơi các tác phẩm mang tính chất nghệ thuật bảo tàng, tức là những bức tranh có thể không phù hợp với “văn hóa phòng khách”, “văn hóa tư thất”, hoặc thậm chí không phù hợp với những kích thước của các kiến trúc nội thất nhỏ. Những tranh có chủ đề lớn về tôn giáo hoặc lịch sử, chính trị, xã hội thường là mục tiêu săn đuổi của các nhà sưu tập này.
… Có một thời kỳ dài, tranh “đề tài” (thứ 5) hầu như không gây được chú ý đối với các nhà sưu tập trong nước, trong khi có một số nhà sưu tập nước ngoài chỉ thích loại tranh này, kể cả tranh cổ động.
Xem bộ sưu tập của Nguyễn Phi Hùng, một nhà sưu tập ở Hà Nội, chúng ta có thể gặp một số tranh “đề tài”, chủ yếu đã được vẽ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Mặc dầu hầu hết đều được thực hiện bằng các chất liệu nhẹ như thuốc nước, chì hay khắc gỗ, mấy chất liệu điển hình của những năm kháng chiến, nhưng giá trị nghệ thuật và lịch sử, cũng như tính trực tiếp của chúng rất đáng để được trân trọng lưu giữ và sưu tập.
Đó là các tranh như của Thanh Châu, một họa sĩ đã có nhiều năm hoạt động ở khắp các chiến trường Nam Bộ, hoặc của các họa sĩ như Văn Bình, Đỗ Hữu Huề, Hoàng Trầm, những người đều đã ít nhiều đi thực tế sáng tác tại các vùng chiến sự ác liệt từ bắc vĩ tuyến 17 trở ra trong chiến tranh phá hoại…
Những hồi ức, hoài niệm về cuộc kháng chiến chống Mỹ lại tìm về trước những hình ảnh xác thực như còn vương khói bụi, nắng gió và hơi thở của cuộc sống chiến đấu nay đã lùi xa. Một sự thức tỉnh man mác mà không kém phần rung động sâu sắc trước lịch sử: Ai còn, ai mất, ai đã bị hy sinh trong những người đã được vẽ trong những bức tranh? Những người còn giờ đây đang ở đâu trên con thuyền số mệnh của riêng họ? Bản thân những người vẽ cũng người còn, người mất, đâu biết những bức tranh ấy của mình đang lạc về đâu?
Và có thể nói, đây là một bước đi rất đáng khích lệ của Nguyễn Phi Hùng trên con đường của một nhà sưu tập nghệ thuật, một con đường đòi hỏi nhiều công phu, nhẫn nại, nhiều kiến thức, kinh nghiệm, nhiều say mê, có cả niềm vui, nỗi buồn, thành công và thất vọng. Một nhà sưu tập nghệ thuật, suy cho cùng, cũng đồng thời là một người bảo tồn các tư liệu ký ức của con người và cho con người.
Hà Thái Hà
(*) Bài viết đăng trên Tạp chí Mỹ thuật số 307-308, tháng 7-8 năm 2018.