Nhớ họa sĩ Nguyễn Thụ, người thầy kính yêu!

Họa sĩ Nguyễn Thụ sinh năm 1930, tốt nghiệp Trường Mĩ thuật Việt Nam (tiền thân là Trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương) khoá Tô Ngọc Vân (1957 – 1962 ) cùng các hoạ sĩ Vũ Giáng Hương, Phạm Công Thành, Nguyễn Trọng Cát, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Ngọc Thọ, Đỗ Hữu Huề, Lê Thiệp …

Họa sĩ Nguyễn Thụ

Nói tới họa sĩ Nguyễn Thụ người ta liên tưởng ngay tới các tác phẩm lụa mềm mại, nhẹ nhàng, trong trẻo, giàu chất thơ của ông vẽ về con người và cảnh vật miền núi phía bắc Việt Nam. Với vóc người nhỏ nhắn, nụ cười hiền từ, lời nói chậm dãi, ông bày tỏ: ông đã sáng tác tranh bằng nhiều chất liệu như sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ, nhưng ông nhận thấy mình phù hợp với chất liệu lụa hơn vì nó nhẹ nhàng êm dịu, thế nên ông đã gắn bó với chất liệu lụa hơn nửa thế kỷ nay. Nguyễn Thụ hay vẽ trên lụa tơ tằm và lụa sồi. Với lụa tơ tằm, mặt lụa mịn bởi các sợi tơ được se kỹ, dệt khít, tạo ra nền lụa óng ả và có ánh vàng nhạt. Lụa sồi được dệt từ các sợi tơ thô hơn và thớ lụa to, khi vẽ tạo nên “ganh” lụa khá rõ và có nét đẹp riêng, khác với lụa tơ tằm.

Nguyễn Thụ. Tác phẩm Mùa xuân. Chất liệu: Lụa. 2008

Tác phẩm lụa của họa sĩ Nguyễn Thụ thường có bố cục ước lệ, mang tính trang trí. Cảnh sắc, nhân vật trong tranh thường được chắt lọc từ các ký họa hay từ trực giác quan sát của ông tạo nên các bố cục chặt chẽ, độc đáo. Về màu sắc luôn có độ chuyển một cách tinh tế, nhẹ nhàng. Ông hay sử dụng các gam màu hồng nhẹ, nâu, ghi, tím, điểm các đốm trắng của điệp óng ánh như rắc bạc. Đề tài trong tranh Nguyễn Thụ gần gũi, thân quên với cuộc sống, đặc biệt là phong cảnh miền núi, nhà sàn và các hoạt động thường ngày của các bà, các chị dân tộc vùng cao như: dệt vải, thêu, bế con, giã gạo… Dường như con người và cảnh sắc thiên nhiên là nguồn động lực cho các sáng tác không ngừng nghỉ của ông. Quả thật, ông đi đến đâu cũng quan sát, ghi chép những hình ảnh, con người nơi ông qua, kể cả những chuyến công tác ngắn ngày ở nước ngoài. Nguyễn Thụ đã vẽ biết bao ký họa, có bức ký họa thoáng nhanh như vừa gợi cảm xúc từ trực giác, có bức ký họa kỹ như một tác phẩm tranh hoàn thiện … chính các bức ký họa đã giúp ông xây dựng thành công nhiều tác phẩm.

Nhiều bạn bè, đồng nghiệp và các thế hệ học trò luôn kính yêu ông và phục tài vẽ lụa của ông. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn- Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: “Nguyễn Thụ là người họa sĩ có Tâm hồn Lụa bẩm sinh. Nhỏ nhẹ và dịu dàng, ông chỉ cười mỉm trong im lặng khi bỏ qua những chuyện thế sự vụn vặt thường ngày để giữ thật bình yên một cõi riêng cho sáng tạo. Ông cứ bước chậm rãi và an nhiên thả bút phơ phất như người thơ Đông phương trên mặt Lụa”.

Còn họa sĩ Uyên Huy – Nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật tp Hồ Chí Minh nhận định như sau: “Ở ông có nhiều đức tính chinh phục người xem:

Với mỹ thuật, cái tâm vì nét Mỹ;

với cuộc đời chữ Đức tỏa tài năng.

Người nghệ sĩ cả đời vì dân tộc.

Tấm Chân tình tỏa sáng, ngọt tình người…

Chính lòng yêu nghề, say mê hội họa, cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp mỹ thuật: họa sĩ, phó giáo sư, nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thụ luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ noi theo. Ông là bậc tiền bối mà lòng tôi hằng kính mến.”

Với số lượng tác phẩm không nhỏ và công lao nhiều năm đào tạo, vun trồng các thế hệ họa sĩ Việt Nam, họa sĩ Nguyễn Thụ được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001 cho các tác phẩm: Dân quân – Khắc gỗ (1960), Đấu vật – Khắc gỗ (1969), Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân – Tranh cổ động (1970 sáng tác chung với họa sĩ Huy Oánh), Bác Hồ đi công tác – Lụa (1980), Làng ven núi – Lụa (1976), Mùa đông – Lụa  (1995). Ông đã được phong hàm Phó Giáo sư – Nhà giáo Nhân dân cùng nhiều bằng khen và các giải thưởng có giá trị khác ở trong nước và quốc tế.

Nguyễn Thụ. Tác phẩm: Làng ven núi. Chất liệu: Lụa. 1976

Tôi nhớ, thời gian tôi học trong trường (1974-1984), họa sĩ Nguyễn Thụ đang làm hiệu trưởng. Trong một buổi liên hoan chia tay cuối khóa học, các thầy cô và cả lớp tôi rất vui, đầm ấm, mọi người lấy các dòng chữ lưu niệm giữa thầy trò và các bạn. Thầy Nguyễn Thụ có viết cho tôi dòng chữ: “Mong em sẽ trở thành người họa sĩ chân chính”. Sau khi ra trường, mỗi dịp hai thầy trò gặp gỡ, thầy hay bắt tay chúc mừng tôi trong công việc, tôi biết thầy rất hài lòng khi tôi đã trưởng thành như ngày hôm nay.

Năm 2016, được một nhà sưu tập tranh của họa sĩ Nguyễn Thụ mời làm chủ biên cuốn sách “Họa sĩ Nguyễn Thụ”, khi đó tôi có dịp thường xuyên gặp thầy và trao đổi với thầy về nội dung cuốn sách. Thời gian ấy thầy đã hơn 85 tuổi nhưng vẫn vẽ, vẫn muốn tìm tòi vẻ đẹp của con người và cuộc sống, đặc biệt nhắn tin, chụp ảnh trên điện thoại thông minh rất thạo. Một lần thầy cầm điện thoại nói nhỏ “để tôi chụp ảnh 2 thày trò làm kỷ niệm”, nhưng thầy tự chụp không có ảnh nào ưng, thế là đành nhờ cô Đỗ – vợ thầy ốm ngồi trên giường chụp hộ. Lúc đó cô cười nói “không biết bấm”, thế rồi cứ bấm bừa mà cũng chọn được một ảnh 2 thầy trò ưng ý để in vào sách. Sau đó không lâu thì vợ thầy mất. Cuốn sách “Họa sĩ Nguyễn Thụ” tôi làm đã nhận được giải C Sách Quốc gia năm 2018.

Năm 2022, khi tới thăm thầy, tôi biết thầy ốm liệt giường, em Vi con gái thầy luôn ở bên cạnh chăm sóc, nhưng do tuổi cao, sức yếu, thầy Nguyễn Thụ trút hơi thở cuối cùng lúc 21h14 phút ngày 24/6/2023 tại Bệnh viện Hữu nghị, hưởng thọ 93 tuổi. Chúng em xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt thầy! Các lớp học trò luôn biết ơn và nhớ tới thầy Nguyễn Thụ kính yêu! Cầu mong thầy thanh thản và bình yên ở cõi vĩnh hằng!.

Đặng Thị Bích Ngân (Bài viết đầy đủ đăng trên Tạp chí Mỹ thuật số 7-8/2023)

Tin cùng chuyên mục

Tiểu tự sự của Hoàng Đỗ Cường

Triển lãm cá nhân Họa sĩ và những người bạn của cố họa sĩ Hoàng Đỗ Cường (18/4/1959 – 15/2/2023) sẽ khai mạc lúc 17h ngày 17/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, kéo dài đến hết ngày...

Họa sĩ Đỗ Đức: Triển lãm và bán đấu giá tranh góp tiền xây trường cho trẻ em vùng cao

NDO – 50 năm lăn lộn với các tỉnh miền núi phía bắc trong vô vàn các chuyến công tác đã để lại trong họa sĩ Đỗ Đức những ký ức và cảm hứng để đến khi về hưu, ông đã dành toàn bộ...

Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu – Những vệt màu cảm xúc!

Triển lãm tranh sơn mài Nghe kể chuyện làng mình của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu đang diễn ra Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, kéo dài đến hết ngày 15/9, bày khoảng 65 tranh sơn mài, đa số khổ lớn. Trên địa...

Nguyễn Gia Trí – Một đời phiêu lưu với hội họa

Nhiều thập kỷ phiêu lưu trong hội họa, Nguyễn Gia Trí (1908 – 1993) thuộc lớp người xưa mang lại nhiều thành tựu to lớn cho nền mỹ thuật sơn mài hiện đại ở Việt Nam. Năm 1927, Nguyễn Gia Trí...

Họa sĩ Sophie Trịnh và hành trình sáng tạo 23 tác phẩm trong 6 năm

Họa sĩ Sophie Trịnh vừa trình làng triển lãm đầu tay mang tên “Lớp lang cảm xúc” tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (Hà Nội) của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Nữ họa sĩ đã dành hơn 6 năm để...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

Chờ “mùa gặt” mới của mỹ thuật xứ Quảng

Chưa đầy một tháng nữa, Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 28 năm 2023 sẽ diễn ra tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Lúc này, hàng chục hội viên Chi hội Mỹ thuật...

Triển lãm “Đối thoại với dòng tranh gỗ Nhật Bản Ukiyo-e”

(ĐCSVN) – Từ ngày 23/01 – 12/3/2024, triển lãm “Đối thoại với dòng tranh gỗ Nhật Bản Ukiyo-e” diễn ra tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám giới thiệu 38 tác phẩm...

GIẢI THƯỞNG TRIỂN LÃM MỸ THUẬT KHU VỰC VI (TP. HỒ CHÍ MINH) LẦN THỨ 26 NĂM 2021

                                               ...

HƯỞNG ỨNG CUỘC VẬN ĐỘNG SÁNG TÁC MỸ THUẬT ĐỀ TÀI LỰC LƯỢNG VŨ TRANG CHIẾN TRANH CÁCH MẠNG 2021-2025

  Những năm gần đây, nhiều hoạt động về văn hóa, văn nghệ, mỹ thuật và báo chí trong quân đội, trở thành quen thuộc trong đời sống nhân dân. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, Bảo tàng...

Nhà điêu khắc Nguyễn Hoàng Ánh – Người giữ nhịp cho nền điêu khắc miền Nam giai đoạn 1986 đến nay

  Lịch sử khai sinh và hình thành nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam nói chung từ thời kỳ nghệ thuật Đông Dương cho đến cuối những năm thập niên 80 của thế kỷ 20 đã sản sinh ra khá nhiều...