Những ký ức tháng năm

Khi tôi ra đời, ba tôi đã năm mươi tuổi. Ông vui mừng biết bao, sau bao năm ông mới có đứa con gái đầu lòng của chính mình. Ông coi tôi là viên ngọc quí và đặt tên con là Ngọc Huyền (Lấy cảm hứng từ ngôi sao bóng đá nổi tiếng Péle – Viên ngọc đen – của Braxin).

Hai năm sau ông có đứa con gái thứ hai: Ông đặt tên là Ngọc Hồng (biểu tượng của viên ngọc đỏ). Những đứa con là tài sản của ba mẹ.

Ba tôi đã trải qua biết bao mối tình, ly dị một đời vợ, nuôi bốn đứa con nuôi, kể cả chị tôi là con riêng của mẹ tôi, ba tính mình có 5 người con nuôi. Ba bảo chị tôi: Con có bố ruột của mình nên tất cả gọi bố nuôi là ba.

NĂNG HIỂN – Cả nhà đi sơ tán. 1972 Phấn màu 45x55cm Một bức tranh đẹp, được lưu giữ qua thời gian chiến tranh ác liệt khi bom Mỹ trút xuống Hà Nội. Người mẹ ôm trong lòng đứa con út bụ bẫm, mắt xoe tròn, bên cạnh là hai cô con gái. Cô lớn 11 tuổi (là con riêng của vợ họa sĩ) cô con gái nhỏ ôm búp bê là Ngọc Huyền lúc đó mới 2 tuổi. Sự lo âu trên gương mặt người mẹ, sự sợ hãi pha chút lo lắng của các cô con gái, còn em bé út thật vô tư bình thản. Bức tranh thể hiện tấm lòng yêu thương gia đình của họa sĩ.

 

NĂNG HIỂN – Con gái tôi 10 tuổi. 1980 Sơn dầu. 30x40cm Chân dung con gái Ngọc Huyền lúc 10 tuổi, đeo cặp kính cận, khuôn mặt bầu bĩnh biểu cảm đang độ tuổi mới lớn với lớp sơn mỏng, nền tranh màu xanh ngọc, nổi bật lên màu áo len đỏ, áo khoác ngoài màu sáng.

Khi ra đời, thấy chị tôi gọi như thế nên hai đứa chúng tôi cũng đều gọi là ba. Ba kể ngày xưa có một ông ké người dân tộc đã nhìn vào mặt ba mà nói: Ông ké này chỉ có mái mà không có trống, nên ông coi chuyện có con một bề là tất nhiên, không có gì mà phải buồn.

Ba yêu quý gia đình nên không tiếc công sức làm ra tiền để nuôi gia đình mình. Những năm tháng chiến tranh gia đình tôi sơ tán về quê ngoại làng Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Tây. Ba tôi vẽ bức tranh “Cả nhà đi sơ tán” để ghi nhớ những ngày tháng gian khổ đó. Thời bao cấp, ba lo cho các con không thiếu thốn thứ gì. Năm tôi lên 8 tuổi, em gái tôi 6 tuổi, ba cho chúng tôi đến Cung Thiếu nhi Hà Nội, nơi ông có người bạn họa sĩ Thẩm Đức Tụ đang là trưởng khoa mỹ thuật. Các họa sĩ của Cung thiếu nhi rất tâm huyết với nghề và yêu trẻ, đã vun đắp cho chúng tôi những ước mơ bay bổng.

Ba khoe những bức tranh non trẻ của chúng tôi với các bạn ba, họa sĩ Bùi Xuân Phái, bác Linh Chi, chú Đào Trọng Lưu, bác Thanh Ngọc… Được các bác các chú khen ngợi, chúng tôi vô cùng hãnh diện. Lớn thêm một chút nữa, ba đưa tôi đến học tại nhà họa sĩ Phạm Viết Song để luyện thi vào trường Đại Học Mỹ thuật Yết Kiêu. Họa sĩ Phạm Viết Song có cốt cách của một ông thầy đồ ngày xưa. Ông dạy chúng tôi rất cẩn trọng, dạy chúng tôi cách dựng hình vô cùng cơ bản, kỹ lưỡng. Về sau, tôi có dịp gặp gỡ các gương mặt họa sĩ tên tuổi của nền Mỹ thuật Việt Nam phần nhiều họ đều là học trò của thầy Phạm Viết Song.

NĂNG HIỂN – Hai chị em. 1975. Sơn dầu. 60x80cm Họa sĩ Năng Hiển vẽ con gái Ngọc Huyền 5 tuổi và Ngọc Hồng 3 tuổi. Bút pháp mạnh mẽ, mảng màu rực rỡ, đối lập nhau. Bức tranh lưu giữ những kỷ niệm về tuổi thơ hạnh phúc của hai con gái họa sĩ

 

NĂNG HIỂN – Chân dung Ngọc Hồng 10 tuổi. 1982. Sơn dầu. 45x60cm Chân dung con gái thứ hai của họa sĩ khi bé tròn 10 tuổi. Cô là mẫu cho rất nhiều bức tranh của họa sĩ vẽ đề tài trẻ em. Khuôn mặt bầu bĩnh đáng yêu, đôi mắt to tròn như nụ hoa chớm nở. Sưu tập Văn Đức

Năm 1989 tôi thi đỗ vào trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, còn em tôi đỗ vào trường Đại học Tổng hợp vừa đủ điểm đi nước ngoài học tập. Tôi vào trường Đại học Mỹ thuật thỏa ước mơ xưa, đó là niềm tự hào của ba. Trong quá trình học tập tôi có đầy đủ họa phẩm hơn các bạn cùng khóa. Tôi và ba tôi thường tranh luận trao đổi về những tác phẩm vừa vẽ xong, tôi được ưu ái vẽ mẫu nude cùng ba và các họa sĩ Trọng Niết, họa sĩ Thanh Ngọc…, được hướng dẫn chỉ bảo tận tình. Khi làm luận văn tốt nghiệp, ba đã có rất nhiều góp  ý giúp tôi có nhiều tư liệu hình ảnh quý làm phong phú thêm bài luận văn của mình.

Em gái tôi chia tay gia đình đi du học tại Liên Bang Nga. Thời kỳ này ba tôi đã bán đi các bức tranh và ký họa của bác Phái vẽ gia đình để lấy tiền gửi sang cho em tôi ăn học. Sau khi tốt nghiệp trở về, em tôi làm giảng viên tại Học viện Hành chính quốc gia. Chị gái tôi đi xuất khẩu lao động ở Tiệp Khắc. Gia đình tôi trở nên vắng hơn, căn nhà 41 Hàng Bài gắn bó với tuổi thơ chúng tôi khi lớn lên những ký ức chiến tranh còn đọng lại ở những ô cửa kính vỡ ba tôi che tạm bằng những bức vẽ dở dang. Thời bao cấp gian khó, cơm độn mì khoai, chúng tôi đã trải qua và trưởng thành đến ngày nay. Trước khi tôi về nhà chồng, ba có vẽ cho con gái mình một bức tranh sơn dầu tôi mặc áo dài trắng để làm của hồi môn.

Họa sĩ Lê Ngọc Huyền, 1996. Bên bức tranh chân dung mình, do người cha thân yêu vẽ – Triển lãm cá nhân lần thứ nhất của ông tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Ảnh tư liệu gia đình

 

Bên cửa sổ, 1980 Họa sĩ Năng Hiển bên cửa sổ nhà 41 Hàng Bài, Hà Nội khi bước sang tuổi 60. Ảnh tư liệu gia đình

 

NĂNG HIỂN – Chân dung Diệu Ảnh. 1981 Họa sĩ Năng Hiển vẽ bức chân dung Diệu Ảnh – con gái riêng của vợ họa sĩ, trước khi cô sang Tiệp Khắc học tập. Ảnh tư liệu gia đình

 

Buổi sinh nhật họa sĩ, 17-1-1984 Họp mặt sinh nhật họa sĩ Năng Hiển tại nhà riêng 41 Hàng Bài, Hà Nội. Từ trái qua phải: Họa sĩ Thế Đức, họa sĩ Văn Khôi, người cháu của họa sĩ là Khắc Huyến từ Mỹ về chơi, họa sĩ Năng Hiển, họa sĩ Thế Khang, họa sĩ Bùi Xuân Phái. Ảnh tư liệu gia đình

Tuổi cao nhưng ba tôi vẫn tham gia những chuyến đi sáng tác dài ngày do Hội Mỹ thuật tổ chức tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Cát Bà. Thời kỳ này họa sĩ Phạm Phi Châu đang công tác ở Quảng Ninh, chú tiếp đón các họa sĩ trong đoàn hết sức long trọng, chú cho xe đưa đón, chiêu đãi các bữa tiệc tùng. Ở đâu ba tôi cũng mang đến sự sôi động bằng những câu chuyện kể của mình, những câu pha trò dí dỏm, những màn ngâm thơ, diễn kịch làm mọi người thích thú. Họa sĩ Trần Nguyên Hiếu có cả một phóng sự về ảnh giới thiệu chân dung ba tôi suốt chuyến đi. Về nhà, ba tôi còn luôn nhắc lại sự nồng hậu nhiệt tình của họa sĩ Phạm Phi Châu. Những bức ảnh đẹp được ba tôi phô tô phóng to để làm kỷ niệm. Sau chuyến đi đó ba tôi lại tiếp tục theo chân đoàn làm phim lên tận Sapa. Mỗi chuyến đi những tác phẩm mới, những câu chuyện thú vị mới lại ra đời.

Năm 2002 ba tôi chuyển nhà về Khương Trung. Họa sĩ Nguyễn Đình Huống thường xuyên tới chơi, hai người thường nhắc lại những kỉ niệm xưa, khi ba còn đóng kịch, chú Huống còn là cậu bé con trèo thang chữa cháy để vào xem không bỏ buổi nào. Chú Huống còn chở ba đi chơi trên Hồ Tây, ngắm chim sâm cầm buổi hoàng hôn, cùng đàm đạo về nghệ thuật.

Họa sĩ và con gái Ngọc Huyền, 1993 Sau giải phóng miền Nam 1975. Ba tôi có đôi lần vào Sài Gòn thăm gia đình người em gái út Lê Kiều My. Mãi đến năm 1993 ông mới cho tôi vào chơi, lúc này Sài Gòn đã đổi tên là Tp. Hồ Chí Minh. Ngồi trên tàu chạy suốt từ Bắc vào nam, cho tôi biết bao cảm xúc về đất nước mình tươi đẹp. Đặt chân đến nơi đã từng là Hòn ngọc Viễn đông, tôi cảm nhận được nhịp sống năng động với những con người thân thiện của thành phố đang trên đà phát triển. Ảnh tư liệu gia đình

 

Thúy Nga và con gái nuôi, 1962 Cô Thúy Nga bế Thúy là con gái nuôi thứ tư của Thúy Nga Năng Hiển. Ảnh tư liệu gia đình

 

Vợ chồng họa sĩ Năng Hiển, 2008 Vợ chồng họa sĩ Năng Hiển trong tết Mậu Tý 2008 bên nhau đầm ấm. Trải qua những xúc cảm thăng giáng của cuộc đời từ lúc đầu xanh cho đến khi tóc đã bạc màu. Đây là bến đỗ bình yên tuổi xế chiều, hưởng niềm vui bên con cháu, trong ngôi nhà hạnh phúc. Bức ảnh này là nguồn cảm hứng để họa sĩ vẽ nên bức tranh sơn dầu “Tình già 2008” ghi dấu ấn kỷ niệm vàng son giữa hai người. Ảnh tư liệu gia đình

 

Bạn bè tới thăm gia đình họa sĩ, 2002 Năm 2002 họa sĩ Năng Hiển chuyển đến nơi ở mới tại Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội. Bạn bè tới chúc mừng gia đình họa sĩ. Từ trái qua phải: ông Hoàng Vinh, họa sĩ Nguyễn Đình Huống và vợ chồng họa sĩ Năng Hiển. Ảnh tư liệu gia đình

Khi ba tôi trở bệnh, ông bảo tôi mời chú Huống tới để giúp ông làm di chúc. Ba tôi nắm t ay chú Huống và bảo: Cậu viết điếu văn cho mình. Chú Huống gạt đi: Anh đừng nói gở, anh đang khỏe lại. Tình cảm đồng điệu giữa hai người bạn vong niên đã hiểu nhau sâu đậm đến phút cuối đời ba tôi còn gửi gắm. Khi ba tôi ra đi, bài điếu văn của chú Huống đọc trong đám tang vô cùng xúc động.

Được chứng kiến những tình cảm của bạn bè dành cho ba tôi thật đáng trân trọng, họ luôn nhớ đến ông từ nghệ sĩ Zuy Nhất đến họa sĩ Năng Hiển với lòng khâm phục. Ông là một tấm gương sáng đam mê, làm nghệ thuật cho đến tận cuối đời. Ông để lại cho đời một gia tài đồ sộ, với hơn 300 tác phẩm đủ các thể loại sơn mài, sơn dầu, lụa, bột mầu, pastel, tượng tròn… Chưa kể một khối lượng lớn những ký họa ghi chép, bằng chì, than… Và tranh khắc gỗ. Tôi luôn trân trọng, gìn giữ các tác phẩm của ông và mong muốn có một ngày đưa ra cho công chúng yêu nghệ thuật thưởng lãm. Tôi như thấy hình ảnh của ba tôi vẫn luôn hiện hữu bên mình, với những cảm xúc dạt dào biết bao ký ức năm tháng cứ ùa về, tôi ghi chép lại những kỷ niệm, những câu chuyện được thấy, được nghe kể lại… Tôi không phải là nhà văn nên khi viết còn lúng túng với câu chữ, từ ngữ còn vụng dại, nhưng trên hết là tình cảm kính yêu của người con dành cho người cha, tôi muốn con cháu mình sau này sẽ hiểu và tự hào về người cha, người ông – Họa sĩ Năng Hiển – Zuy Nhất.

Hà Nội, tháng 12 năm 2017

Con gái họa sĩ Năng Hiển – Họa sĩ Lê Ngọc Huyền

(*) Bài viết đăng trên Tạp chí Mỹ thuật số 307-308, tháng 7-8 năm 2018.

Tin cùng chuyên mục

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Ba lần gọi họa sĩ Trần Hữu Chất

Năm 2007, khi viết cuốn “Từ điển họa sĩ Việt Nam”, tôi có mở một từ mục viết về họa sĩ Trần Hữu Chất. Đó cũng là một trong 171 từ mục tôi viết về 171 họa sĩ Việt Nam. Cuốn sách đã...

Một hay nhiều sự thật

Đây là câu chuyện không có gì mới, đã diễn ra ở khắp nơi từ khi có thị trường nghệ thuật. Mà thị trường nghệ thuật (hay đồ cổ nói chung) thực chất cũng có ở Việt Nam đến hai ngàn năm...

Thị trường và thẩm định

Cách đây độ mươi năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có phòng giám định các tác phẩm nghệ thuật. Khai trương được hơn năm thì đóng cửa vì không có “đầu vào”. Tức là không có khách...

Sưu tập tranh kháng chiến nhân xem bộ sưu tập của Nguyễn Phi Hùng

Người chơi tranh, sưu tập tranh ở nước ta xưa nay thường có một trình tự sưu tập, cho dù chỉ là một trình tự mang tính tương đối, nhưng ít khi bị đảo ngược-như sau: Đầu tiên: Tranh hoa, tranh...

Có thể bạn quan tâm

Danh sách Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam; Giải thưởng Mỹ thuật Khu vực; Giải thưởng ngành Phê bình Mỹ thuật năm 2018

  Tổng số Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam: 05 giải thưởng: 01 giải Nhất, 01 giải Nhì, 03 giải Ba Tổng số Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật Khu vực và ngành Phê bình Mỹ thuật: 90 Trong...

Tranh cổ động một thời

Những họa sĩ tiền bối như Vũ Văn Thu, Nguyễn Hiếu, Nguyễn Hữu, Huỳnh Công Nhãn (Huỳnh Phương Đông), Nguyễn Thuận, Phan Thư, Linh Chi, Trịnh Kim Vinh, Văn Hoè, Đình Khang, Thang Trần Phềnh, Võ thành...

MỸ THUẬT VIỆT SOI TỪ PHÍA KHÁC

  (Lời dẫn trong cuốn sách cùng tên của tác giả Trần Hậu Yên Thế, Nhà xuất bản Mỹ thuật 2021)   Lịch sử mỹ thuật Việt, ngay từ ban đầu, được ghi chép lại qua con mắt của những...

Hội họa với nghệ thuật diễn xướng cung đình

 TTH – Nhân sự kiện kỷ niệm 30 năm Quần thể di tích Cố đô Huế và 20 năm Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối...

Thông báo về triển lãm mỹ thuật khu vực II Đồng bằng Sông Hồng lần thứ 26 năm 2021

 ...