TÌM LẠI TÁC GIẢ PHÙ ĐIÊU CHỢ BẾN THÀNH

 

Trường Mỹ nghệ Biên Hòa nổi tiếng với dòng gốm mỹ nghệ, một thời làm đẹp cho đời qua những sản phẩm gốm trang trí. Bên cạnh đó, trường cũng thực hiện nhiều công trình lớn, phù điêu Chợ Bến Thành là một trong những công trình tiêu biểu của trường còn tồn tại đến ngày nay.

 

Tìm lại người xưa

Trong quá trình tìm về lịch sử trường Mỹ nghệ Biên Hòa, cũng như dòng gốm Biên Hòa xưa. Tôi cũng may mắn tìm gặp lại được hai nghệ nhân gốm Biên Hòa, hai người đã trực tiếp lên gắn những bức phù điêu ở chợ Bến Thành năm xưa.

Mùa hè năm 2007, qua lời giới thiệu của một chị làm trong ngành gốm, tôi được gặp ông Nguyễn Trí Dạng (Tư Dạng), sinh năm 1932 tại Bửu Hòa, sống tại phường Thống Nhất, Tp. Biên Hòa. Qua vài lời nói chuyện làm quen. Tôi liền hỏi ông ngay: “Cháu nghe nói trường mình, trường Mỹ nghệ Biên Hòa, ngày xưa có làm phù điêu trang trí cho chợ Bến Thành?”. Ông Tư Dạng trả lời ngay: “Đúng, làm năm 1952, mẫu là sáng tác của ông Mậu, tôi và một người bạn là hai người trực tiếp lên gắn những bức phù điêu đó”. Được gợi về những năm tháng xa xưa, ông hào hứng kể lại vô số chuyện cũ. Chuyện về những người thầy, những thợ bạn và những sản phẩm gốm Biên Hòa xưa. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về gốm mỹ nghệ, nên từ rất nhỏ ông đã có dịp tiếp xúc với những người nghệ nhân của trường Bá nghệ, càng quan sát ông càng đam mê những đất, men. Năm 14 tuổi (1946), ông vào học trường Mỹ nghệ Biên Hòa, lúc này trường do ông Vỏ Kim Đôi làm hiệu trưởng, sau 4 năm học tập, ông tốt nghiệp ngày 11/7/1950, và cũng là khóa học trò cuối cùng của trường dưới sự điều hành của ông bà Balick. Sau khi ra trường, ông làm việc liên tục tại Hợp tác xã Mỹ nghệ Biên Hòa cho đến khi được tuyển vào trường Kỹ thuật Biên Hòa năm 1966, để làm thầy dạy ban gốm của trường. Cả đời ông gắn liền với nghề gốm.

 

 

Chợ Bến Thành, cửa chính hướng Công viên Quách Thị Trang. Ảnh: Nguyễn Minh Anh
Phù điêu con bò và hai con vịt ở cửa Đông (đường Phan Bộ Châu). Ảnh: Nguyễn Đình
Phù điêu con bò và con heo ở cửa Đông (đường Phan Bộ Châu). Ảnh: Nguyễn Đình

Gặp được người nghệ nhân thứ nhất, tôi tiếp tục đi tìm người nghệ nhân thứ hai đã tham gia gắn những bức phù điêu đó. Sau nhiều cuộc tìm kiếm, cùng với sự hướng dẫn chỉ đường của ông Tư Dạng, tôi cũng tìm được người nghệ nhân này, gặp được ông tại Cù Lao Phố (Biên Hòa) vào một ngày trung tuần tháng 10. Ông là Võ Ngọc Hảo, sinh năm 1932 tại Tân Thành, Biên Hòa. Vào học trường Mỹ nghệ Biên Hòa năm 1945, sau bốn năm học tập, ông tốt nghiệp ban gốm của trường vào ngày 11/07/1949. Sau khi tốt nghiệp, ông ra làm thợ cho Hợp tác xã Mỹ nghệ Biên Hòa đến năm 1961, sau đó ông làm cho công ty cấp nước thành phố đến khi nghỉ hưu. Ông sống tại Bình Lục, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Nay hai ông đã là người thiên cổ.

Tại Cù Lao Phố (Biên Hòa), ngày 21/10/2007, hai người thợ gốm Biên Hòa năm nào, sau nhiều năm không liên lạc, ngày nào lên gắn những phù điêu tóc hãy còn xanh nay mái đầu đã bạc. Gặp lại, hai ông ôn lại những kỷ niệm năm xưa về mái trường Mỹ nghệ, nay chỉ còn trong ký ức. Và nhớ lại những ngày đi gắn những bức phù điêu, đó là những kỷ niệm không thể nào quên. Người viết bài này được phép ngồi cạnh hai vị nghệ nhân, dịp này xin thuật lại đôi điều về những ký ức đó!

 

Ký ức còn lại

Tôi đọc được một trang nhật ký của ông Trần Văn Là (Út Bùi), một cựu học sinh Trường Mỹ nghệ Biên Hòa niên khóa 1948 – 1952, ông ghi: “Ngày 1/9 (âm lịch) mưa cả ngày. Qua ngày 2/9 nước lên lẹ cấp kỳ. Nước xuống lần cho tới ngày 17/9. Đâu về đó”. Đó là những dòng chữ ghi lại nhật ký trận lũ lịch sử Nhâm Thìn (1952) tại Biên Hòa.

Sau trận lũ lụt Nhâm Thìn, ba ông Phạm Văn Ngà (Ba Ngà), Nguyễn Trí Dạng (Tư Dạng) và Võ Ngọc Hảo được Hợp tác xã Mỹ nghệ Biên Hòa cử lên Sài Gòn để gắn những bức phù điêu chợ Bến Thành. Những bức phù điêu này được nhà thầu chợ Bến Thành đặt trường Mỹ nghệ Biên Hòa làm. Thầy Lê Văn Mậu được giao sáng tác theo đơn đặt hàng, được sự giúp của những người thầy và những nghệ nhân lành nghề bên Hợp tác xã Mỹ nghệ Biên Hòa như: Sáu Sảnh, Tư Ngô, Hai Sáng, chủ Thạch, anh Tóc,… Ông Lê Văn Mậu sáng tác trực tiếp lên đất, sau đó chỉnh sửa với sự góp ý của những người nghệ nhân. Rồi những bức phù điêu đó, nhằm để tránh những sự vênh méo ở những sản phẩm có độ nung cao như gốm Biên Hòa, chúng được cắt ra theo từng miếng nhỏ riêng, để đem mang đi chấm men, đi nung. Lò đốt bằng củi thỉnh thoảng gây “hỏa biến” ở những đồ gốm, đặc biệt có ở những bức phù điêu chợ Bến Thành những màu men trắng ta, trắng ngà ngà vàng mỡ gà rất đẹp, rất hiếm gặp. Do những miếng nhỏ của những bức phù điêu được đặt ở nhiệt độ không đều nhau, tuy trong cùng một lò nung, nên khi ra lò nó có miếng màu nhạt, màu đậm là vậy.

Phù điêu con hình con cá đuối và nải chuối ở cửa Tây (đường Phan Chu Trinh). Ảnh: Nguyễn Đình
Phù điêu con hình con cá đuối và cá trê ở cửa Nam (Công viên Quách Thị Trang). Ảnh: Nguyễn Đình

Trước khi đóng thùng mang lên Sài Gòn bằng những chiếc xe công nhông. Những mẫu gốm của phù điêu chợ Bến Thành được mang từ trường trong (ngày nay là địa điểm trường CĐ Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai) ra sắp ngoài trường ngoài (ngày nay là địa điểm trụ sở UBND tỉnh Đồng Nai), bởi lò nung gốm được đặt ở trường trong. Những mẫu gốm của phù điêu được đem sắp ngay chỗ cột cờ, chỗ văn phòng thầy Mã Phiếu (trưởng phòng hành chánh trường Mỹ nghệ Biên Hòa) bước ra, sắp ra ở đó. Ông Lê Văn Mậu, chắp tay sau lưng, đi qua đi lại coi xem tấm nào nó bị vênh mới cho đục sau lưng cho nó mỏng để cho nó bằng. Xong xuôi đâu đó mới xếp vào thùng chuyển lên Sài Gòn. Rồi xuống dưới đó, chợ Bến Thành, nhà thầu khi họ xây dựng họ chừa lại những mảng tường cho mình để gắn những phù điêu. Và họ cũng làm sẵn cho mình những giàn ráo, những cô công nhân trộn cho những hồ vữa sẵn để mình chỉ tập trung gắn những phù điêu. Ông Phạm Văn Ngà – người thợ cả chỉ đạo gắn những bức phù điêu cho hai người thợ trẻ, ông Tư Dạng và ông Hảo, làm những công việc cần làm để gắn những bức phù điêu lên. Từng tấm, từng tấm, gắn từ những tấm ở dưới trước rồi dùng những cây chỏi để giữ cho nó gắn chặt với hồ vữa, đến khi hoàn thành một bức phù điêu, kiểm tra lại xem chổ nào còn hở thì trét hồ cho kín. Nhìn thấy công việc cũng không khó khăn lắm, cộng với nhiều công việc đang đợi mình ở Biên Hòa, nên ông Ba Ngà về trước, để lại những tấm phù điêu đó cho hai người thợ trẻ tiếp tục công việc.

Những thuận lợi ban đầu, khi ở Sài Gòn họ tạo điều kiện cho mình, nhưng bên cạnh đó gặp cũng không ít khó khăn. Ở cái cửa chính kế ga xe lửa, chỗ này về khuya cá biển về họ làm rầm rầm hơi nó bốc lên mà nó hôi tanh, muốn ói vậy, trong khi đó mình phải ngủ trên… những chiếc đồng hồ nơi cửa chính này. Ban ngày thì nắng chang chang, sáng có sương mù tối đến mưa phùn, những giấc ngủ lạnh buốt là thế nhưng những người nghệ nhân Biên Hòa này luôn cố gắng để hoàn thành công việc được giao. Theo trí nhớ của ông Tư Dạng, thì thời gian hoàn thành 12 bức phù điêu cho bốn cửa chính của chợ Bến Thành khoảng hai tháng trở lại chứ không có hơn, cũng mau lắm! Khi những bức phù điêu đã tương đối hoàn tất thì người thợ cả Ba Ngà xuống xem, chỉnh sửa lại đôi chỗ còn thiếu sót. Hai người thợ trẻ hoàn thành công việc được giao, họ phấn khởi, đó là những kỷ niệm một thời nay khó phai mờ trong ký ức!

Phù điêu Chợ Bến Thành 

Chợ Bến Thành với 12 bức phù điêu trang trí trên 4 cửa chính, được thể hiện bằng chất liệu gốm Biên Hòa, vừa mang vẻ đẹp sâu lắng vừa mang nét hiện đại, tô điểm thêm cho vẻ đẹp chung của chợ. Phù điêu chợ Bến Thành dùng chủ đạo hai màu men nổi tiếng của gốm Biên Hòa: men trắng ta và men xanh đồng (Vert de Bienhoa). Vert de Bienhoa, men màu xanh đồng nổi tiếng của gốm Biên Hòa, là men tro, chất tạo màu là hợp kim đồng. Không có toa men cụ thể về màu men này, đó là một hệ thống men xanh đồng (xanh ve chai, xanh lá, xanh ngọc,…) do thợ gốm Biên Hòa làm ra. Màu trắng ta, trắng ngà ngà vàng mỡ gà. Men tro trắng chấm lên xương đất có sắt tạo màu trắng ta.

Cửa Đông – số 13 (đường Phan Bội Châu) với phù điêu hình con bò và vịt ở giữa; bên trái là bò và heo; bên phải là vịt. Cửa Tây – số 5 (đường Phan Chu Trinh) với phù điêu hình con cá đuối và nải chuối ở giữa; bên trái là nải chuối; bên phải là cá đuối và cá trê. Cửa Nam – số 1 – cửa có tháp đồng hồ (Công viên Quách Thị Trang) với phù điêu hình con bò và con cá ở giữa; bên trái là cá đuối và cá trê; bên phải là bò và heo. Cửa Bắc – số 9 (đường Lê Thánh Tôn) với phù điêu hình vịt và nải chuối ở giữa; bên trái là vịt; bên phải là nải chuối. Theo một số tài liệu, các hình tượng trên các bức phù điêu này là tượng trưng cho sản vật vùng đồng bằng sông Cửu Long.

 

Lê Văn Mậu (1917 – 2003) – người nắn mẫu các bức phù điêu chợ Bến Thành

Sinh năm 1917 tại Vĩnh Long. Năm 1930, lên Sài Gòn ở nhà người cậu, là bác sĩ Quế để học trung học. Sau khi đậu “Diplôme” vào năm 1934, ông lên Biên Hòa xin học điêu khắc trong dịp hè với ông Balick, hiệu trưởng trường Mỹ nghệ. Ông bà Balick là thân chủ bác sĩ Quế nên rất quí ông và sắp xếp cho ông ở Cù Lao Phố. Khi ông Balick hứa sẽ xin cho ông học bổng học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, thì ông quyết định bỏ học ban tú tài mà theo học trường Mỹ nghệ. Trong thời gian học ở đây, những mẫu sáng tác của ông được Hợp tác xã Mỹ nghệ Biên Hòa chọn để đưa vào sản xuất. Sau những năm tháng học tập, thầy đậu hạng nhất kì thi tốt nghiệp khóa ngày 2/7/1937.

Được ông Balick giới thiệu, cuối năm 1937, ông đã vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương không phải qua thi tuyển. Năm 1940, báo Pháp La volonté indochinoise nhận xét phê bình: “Tác phẩm Đám rước của ông Mậu, do cách bố cục và sự tìm tòi trong cách thể hiện, đã báo hiệu một nghệ sĩ tài năng”. Sau nhiều trăn trở tính suy, mùa hè năm 1942, ông quyết định thôi học một năm trước khi thi tốt nghiệp, ông hiệu trưởng E. Jonchère cho ông một chứng chỉ với nhận xét rất tốt.

 

Ông Nguyễn Trí Dạng (bên trái) và ông Võ Ngọc Hảo – hai người trực tiếp lên gắn những bức phù điêu ở chợ Bến Thành. Ảnh chụp tại Cù Lao Phố (Biên Hòa) ngày 21/10/2007. Ảnh Nguyễn Minh Anh

 

Chân dung điêu khắc gia Lê Văn Mậu (tranh của Ngọc Phú vẽ năm 2018)

Theo thư mời của ông Balick, ông trở thành giáo viên dạy môn điêu khắc và môn vẽ cho trường Mỹ nghệ Biên Hòa kể từ năm 1944. Từ đó thầy gắn bó với trường Mỹ nghệ, với Biên Hòa tròn nửa thế kỷ. Năm 1963, thầy được cử làm hiệu trưởng trường Mỹ nghệ Biên Hòa, nhưng với tên mới là trường Kỹ thuật Biên Hòa. Năm 1973, trường Kỹ thuật Biên Hòa có sự xáo trộn, ông xin thôi chức hiệu trưởng. Sau đó ông làm giáo sư dạy giờ môn điêu khắc ở trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn. Sau 1975, ông tiếp tục dạy tại trường cũ, nhưng có tên mới là ĐH Mỹ thuật Tp. HCM, cho đến khi nghỉ hưu. Ông Nguyễn Hoàng, hiệu trưởng nhận xét: “Ông là người thầy đã đóng góp nhiều công sức để đào tạo cho đội ngũ điêu khắc ở miền Nam trước và sau giải phóng”.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình ông Lê Văn Mậu đã sáng tác hàng trăm tác phẩm lớn nhỏ. Hiện nay được lưu giữ trân trọng tại Bảo tàng Mỹ thuật Tp. HCM, Bảo tàng Đồng Nai, sưu tập tư nhân trong và ngoài nước. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông: Đức mẹ Maria (1951, Nhà thờ Biên Hòa), Napoléon xem binh thư (1954, Pháp), Phật Thích Ca (1954, Chùa Xá Lợi), Bóng xế tà (1964, BT Mỹ thuật Tp. HCM), Đại thần Phan Thanh Giản (1964, Vĩnh Long), Tượng trưng tài nguyên và kinh tế Biên Hòa (1967), Anh hùng Nguyễn Trung Trực (1968, đặt trước chợ Rạch Giá), Đài phun nước Cá hóa long (1968-1970, Công trường Sông Phố – Biên Hòa), Hùng Vương dựng nước (1989, Khách sạn Continental – Tp. HCM),… Ông ba lần làm tượng VIP đáng nhớ tượng Cựu hoàng Bảo Đại (1948), tượng Tổng thống Ngô Đình Diệm (1959) và tượng chân dung vợ tổng thống Thiệu (1970 – 1973). Ông là một trong những người tạo ra nhiều mẫu nhất cho dòng gốm Biên Hòa. Ông qua đời tại Vĩnh Long năm 2003.

Nguyễn Minh Anh

 

Tin cùng chuyên mục

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Ba lần gọi họa sĩ Trần Hữu Chất

Năm 2007, khi viết cuốn “Từ điển họa sĩ Việt Nam”, tôi có mở một từ mục viết về họa sĩ Trần Hữu Chất. Đó cũng là một trong 171 từ mục tôi viết về 171 họa sĩ Việt Nam. Cuốn sách đã...

Những ký ức tháng năm

Khi tôi ra đời, ba tôi đã năm mươi tuổi. Ông vui mừng biết bao, sau bao năm ông mới có đứa con gái đầu lòng của chính mình. Ông coi tôi là viên ngọc quí và đặt tên con là Ngọc Huyền (Lấy cảm...

Một hay nhiều sự thật

Đây là câu chuyện không có gì mới, đã diễn ra ở khắp nơi từ khi có thị trường nghệ thuật. Mà thị trường nghệ thuật (hay đồ cổ nói chung) thực chất cũng có ở Việt Nam đến hai ngàn năm...

Thị trường và thẩm định

Cách đây độ mươi năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có phòng giám định các tác phẩm nghệ thuật. Khai trương được hơn năm thì đóng cửa vì không có “đầu vào”. Tức là không có khách...

Tin cùng chuyên mục

Sôi nổi Hội thi vẽ “Tây Hồ quê hương em”

Hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4), sáng 17/4 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận Tây Hồ, quận Tây Hồ đã tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc quận Tây Hồ năm 2024. Phát...

“Tháng Tư hy vọng” – thắp sáng ước mơ hội họa cho trẻ tự kỷ

Triển lãm tranh của trẻ tự kỷ với chủ đề “Tháng Tư hy vọng” vừa khai mạc hôm nay (17/4) tại Hà Nội. Triển lãm mang đến cho công chúng Hà Nội hơn 60 tác phẩm của 13 “họa sĩ” là...

Đại diện Hội đồng Tăng – già Phật giáo toàn đảo quốc Sri Lanka gặp gỡ giao lưu với các nghệ sĩ thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam

Sáng 15/4, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Hòa thượng Mugunghwa Anuruddha, đại diện Hội đồng Tăng – già Phật giáo toàn đảo quốc Sri Lanka đã tới Nhà Triển lãm Mỹ thuật...

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Giới thiệu chất liệu truyền thống tại triển lãm mỹ thuật “Ngũ hình”

(Chinhphu.vn) – Ngày 30/3, tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội, Triển lãm mỹ thuật “Ngũ hình” của 5 họa sĩ đã giới thiệu tới người yêu mỹ thuật các tác phẩm bằng...

Có thể bạn quan tâm

Hội nghị thành lập Hội Mỹ thuật Việt Nam 1957

Năm 1954 hoà bình lập lại không miền Bắc Việt Nam, tại Hà Nội giới Mỹ thuật đã được tập hợp từ nhiều nguồn với số lượng ngày càng lớn. Các Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1954 và năm...

Phát hành bộ tranh cổ động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(ĐCSVN) – Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phát hành bộ tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024). Phát hành bộ tranh cổ...

MỘT HỌA SĨ CẨN TRỌNG

  Vào lúc 11h ngày 1/12/2018 tới đây tại Trung tâm Mỹ thuật đương đại (17 Thành Công, Ba Đình, Hà Nội), buổi ra mắt sách nghệ thuật Ủ của Hiền Nguyễn sẽ do Hội Mỹ thuật Việt Nam và NXB Mỹ...

Bộ sưu tập – Collection Tạp chí Mỹ thuật tháng 9-10 năm 2019

  Tư tưởng và nghệ thuật của Trần Duy diễn biến qua một mối tưởng phản: một bên là con người xuất thân từ tầng lớp quan lại phong kiến “con vua cháu chúa” ở Huế, một bên là con...

Bảo tồn tranh Hàng Trống: Kết nối nghệ thuật truyền thống và đương đại

(Chinhphu.vn) – Tranh dân gian Hàng Trống còn là dòng tranh tiêu biểu của Việt Nam và là dòng tranh dân gian của Thăng Long – Hà Nội xưa. Để bảo tồn, góp phần phát triển văn hóa, du lịch trên...