NHỚ VỀ KHOA LÝ LUẬN VÀ LỊCH SỬ MỸ THUẬT

 

Tháng 12 năm 1978, Khoa Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật, trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, được thành lập. Đó là quyết định táo bạo của nhà trường, ông hiệu trưởng Trần Đình Thọ và nhà phê bình Nguyễn Trân. Một quyết định còn táo bạo hơn là lấy ông Nguyễn Quân lúc đó là giảng viên tiếng Đức ở trường Đại học Ngoại ngữ về làm phó khoa. Với mỹ thuật, ông hoàn toàn là người tự học.

Tôi từ bộ đội trở về, sau chiến tranh Biên giới, đang băn khoăn có nên thi vào trường Đại học Tổng hợp hay không, thì gặp ông Triệu Bá Câu lúc đó là quản lý bếp ăn trường Mỹ thuật, gợi ý tôi nên thi vào khoa này. Từ tháng 4 đến tháng 7, năm 1979, chỉ còn ba tháng ôn thi, cũng may tôi được thầy Nguyễn Trường Lịch ở trường Tổng hợp kèm văn sử, thầy Lê Quốc Bảo kèm về kiến thức mỹ thuật. Do cũng đã chuẩn bị kiến thức xã hội từ lâu, nên việc đỗ vào trường khá dễ dàng. Trở thành sinh viên, mới thấy những khó khăn khủng khiếp, khi mới rời quân ngũ, nơi được bao cấp hoàn toàn, nghệ thuật cũng là một ngành mới mà tôi chỉ là một đứa trẻ. Nhà tôi chỉ có ba mươi thước vuông, mà hơn mười người sống, nên tôi phải xin vào nội trú, ở qua năm năm cả hè, lẫn tết. Có năm thầy Quốc Bảo thương gọi về nhà ăn tết cùng.

Ba khóa đầu, khá vui vẻ, khóa I (1978 – 1983), theo tôi nhớ (có thể không chính xác) có 25 người, phần đông là nữ rất xinh, họ bước lên bục văn nghệ nom như một vườn hoa. Khóa II (1979 – 1984), có 21 người, khóa III (1980 – 1985) có 16 người. Tôi học khóa II, do thời gian gần nhau, môn học tương tự, nên cũng thường học chung. Nhà trường thường xuyên cho đi thăm quan di tích và xem kịch, xem phim, bổ xung các kiến thức nghệ thuật rộng, tất nhiên là các triển lãm mỹ thuật.

Các Giáo sư, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật chụp ảnh kỷ niệm nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (1925 – 1995)

Thầy Nguyễn Trân học Lịch sử nghệ thuật từ Nga, làm phê bình ở báo Văn nghệ, làm trưởng khoa; thầy Lê Quốc Bảo vốn dậy Trung văn; thầy Triệu Thúc Đan vốn dậy lịch sử cho các lớp trung học, từ lâu đã làm trợ lý cho ông Nguyễn Phi Hoanh (dậy môn Lịch sử Mỹ thuật) nay một người dậy Mỹ học, một người dậy Lịch sử Nghệ thuật Thế giới. Thầy Nguyễn Quân dậy nghệ thuật học và lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Thầy Phạm Công Thành dậy nghệ thuật học, thầy Chu Quang Trứ (viện Mỹ thuật) dậy lịch sử Mỹ thuật Việt Nam. Các thầy cô giáo trung học cũ cũng biên chế vào khoa: Cô Ngọc dậy Khảo cổ học; cô Lê dậy lịch sử; thầy Thảo dậy văn học; thầy Khải dậy Nga văn. Ngoài ra, thường xuyên khoa mời nhà mỹ học Văn Khang, nhà mỹ học Tạ Văn Thành, nhà mỹ học Hoài Lam, thầy Phùng Văn Tửu dậy văn học phương Tây, nhà khảo cổ Nguyễn Lân Cường dậy khảo cổ, ông Nguyễn Đình Nghi dậy sân khấu và thầy Dương Viết Á dậy mỹ học âm nhạc. Dù còn nhiều cái không chuyên nghiệp, nhưng việc đào tạo như vậy là khá cẩn thận, bài bản và đủ kiến thức.

Đó là thời Bao cấp khắc nghiệt, việc học gì, ra trường có việc làm được ưu tiên hàng đầu, mà khoa này hoàn toàn mới mẻ, nơi nào sẽ nhận… nên sinh viên rất hoang mang. Thầy Trọng Cát thường lên chơi và ngâm câu thơ: Lý luận khoa bất tri hà xứ khứ (Khoa Lý luận biết đi về đâu? – thơ Đường của Thôi Hiệu: Hoàng hạc bất tri hà xứ khứ – Hạc vàng bay mất đi đâu). Anh Trương Duy Bích bèn ngâm rằng: Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ/Phải đi vào khoa Lý luận của Nguyễn Trân. Nhân có đoàn Mỹ thuật Đông Đức qua thăm, chúng tôi hỏi các Nhà Phê bình bên đó làm gì, còn ở đây không có tương lại nào cả. Họ trả lời (thầy Nguyễn Quân dịch): Các bạn hỏi vậy thì mười sáu ngàn Nhà Phê bình và Lịch sử Mỹ thuật Đông Đức biết làm gì. Hóa ra đó là một ngành lớn trên thế giới, mà ba lớp đầu có chừng 60 người đã lo thất nghiệp. Thực tế cho đến nay, khoa đã đạo tạo đến hơn trăm người, nhưng cái đích ban đầu mà thầy Nguyễn Trân mơ ước có một dàn khuôn mặt phê bình nghiên cứu mới, cho một nền nghệ thuật Việt Nam mới sau chiến tranh, mới chỉ được phần khiêm tốn. Thầy Hoài Lam bảo rằng: Các ngươi là những túp lều lý luận, còn ta mới là lâu đài.

Khoa Lý luận ra đời trong hoàn cảnh mà cuộc tranh luận về chủ nghĩa Hiện thực trong Mỹ thuật và các trường phái khác, chủ yếu là Nghệ thuật Hiện đại (Modern Art) đang căng thẳng, cũng như  tiếng kêu rên của gạo mỳ mắm muối hàng ngày. Đến năm 1980, thì sự ảnh hưởng của Chủ nghĩa Hiện đại (Modern Art) đã tràn ngập triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm đó, và người ta cũng bớt dần phê phán việc ảnh hưởng, cũng như chấp nhận cho thay đổi, ngoài phạm vi hội họa Hiện thực. Mặt khác thì đó là thời gian cuối của kinh tế Bao cấp, đời sống khó khăn vô cùng. Cô Ngọc bảo tôi: Nghệ thuật vừa vừa thôi, không có tiền thì nhục lắm cháu ạ! Hàng tháng Khoa được phân phối một đồ hàng gì đó. Tháng này được một cái phích, cả khoa tiến hành bắt thăm, thầy Nguyễn Trân trúng. Tháng sau lại được cái chậu sắt tráng men, thầy Nguyễn Trân bắt thăm lại trúng. Tối hôm đó, thầy Đan gọi điện nhắn cả Khoa đến nhà thầy Trân đòi lại cái chậu. Đoàn đi đòi công bằng gồm thầy Đan, thầy Quân, cô Ngọc và vài người khác tiến đến Hàng Gai rất khí thế, lên nhà thầy Trân. Gõ cửa, mở ra, đã thấy thầy Trân tay cầm cái chậu, tất cả không kịp nói câu nào. Thầy Trân bảo: Tôi cũng định sáng mai đem đến trả các thầy, nay may quá các thầy đến đây thì cầm về  luôn. Thầy nghèo, trò cũng nghèo. Tôi vốn khỏe mạnh và rất nghèo, vì thế nên được nhà trường mỗi năm nhờ đi chia củi cho giáo viên hai lần vào dịp tết và mùng 2 tháng 9; tiền công được vài chục. Kho củi gồm gỗ lạt kéo từ các nhà cũ rất nặng do cô Châu vợ thầy Huy Oánh làm thủ kho. Tôi phải chia thành 53 đống bằng nhau, mỗi đống chừng ba tạ củi, bầy ra đầy sân trường, sau đó, thầy nào không bê được về, thì cũng thường nhờ tôi kéo một xe đưa về. Sau khi đưa củi về tận nhà, thầy Khải nhất định bắt tôi đi uống trà và ăn kẹo lạc. Trong hoàn cảnh đó, thầy Thế Hùng thường hàng tuần đi mượn một bộ phim về chiếu cho cả trường xem. Những đêm đói, thầy Phạm Công Thành cúng sao giải hạn rồi gọi chúng tôi đến ăn cả mâm xôi chè.

Ba khóa đầu vui vẻ là vậy, nhưng đến khóa thứ IV, chỉ còn tuyển được năm sinh viên. Thầy Nguyễn Quân chuyển lên hội Mỹ thuật, thầy Triệu Đan về hưu, thầy Quốc Bảo và một số giảng viên cũng sắp nghỉ. Khoa thành ra vắng vẻ, đìu hiu, cả thầy lẫn trò đều ngao ngán. Cái lớp năm người đó, nếu nghỉ học một hai người, thì không ai muốn lên lớp nữa. Cô Vũ Giáng Hương lúc đó là hiệu phó, nói với tôi đưa lớp này đi học ở các di tích, sau đó đưa đi Huế, rồi cùng làm luận văn về nghệ thuật Nguyễn ở Huế (cũng nhân khu vực này chưa được nghiên cứu), cần tiền nong gì, trường sẽ cung cấp. Tôi cũng đã hoàn thành công việc. Sau đó, khoa Lý luận tạm dừng tuyển sinh hai năm, rồi tuyển một lớp Lý luận tại chức, cho những cán bộ đi học. Sinh viên phần đông lớn tuổi, đã học qua sư phạm Nhạc Họa, có người là họa sỹ có tên tuổi như anh Đinh Lực, Lê Tạo, Nguyễn Đồng Tuấn.

Lớp lý luận khóa V đi thực tập tại chùa Dạm, Bắc Ninh, năm 1992.

Thầy Phạm Công Thành và thầy Đặng Quý Khoa tham gia dậy nhiều hơn từ đó. Hai thầy đều là họa sỹ, có nghiên cứu, nên nhiều kinh nghiệm thực tế, hơn là lý thuyết, nhưng thiếu cập nhật và thiên về Đông phương học, trong khi đó thì tình hình nghiên cứu mỹ thuật thế giới đã thay đổi rất nhiều. Việc học và dậy ở khoa Lý luận trở nên lạc hậu. Dưới thời của thầy Trần Đình Thọ, thầy Nguyễn Lương Tiểu Bạch và thầy Lê Anh Vân làm hiệu trưởng, Khoa được chú ý nhiều hơn, nên chất lượng đào tạo và số lượng sinh viên cũng đông hơn, còn thời điểm khác, Khoa sa sút và vắng như chùa Bà Đanh. Y như bộ đội chúng tôi thường nói: Thủ trưởng thích bóng đá, thì bóng đá phát triển, thích văn nghệ, thì đội văn nghệ đàn hát om sòm. Thủ trưởng chỉ thích tiền thì chả có gì ra hồn cả.

Mặc dầu mọi người cứ gọi tắt là Khoa Lý luận, hoặc nói đùa là Khoa Lý sự, Lý thuyết suông, thì ngành Lý luận vốn không được coi trọng ở thế giới. Ông Thái Bá Vân nói rằng: Làm gì có thứ gì gọi là Lý luận, mà chỉ có Phê bình và Lịch sử mỹ thuật. Sau này, tôi cũng nghĩ nghệ thuật là ngành sáng tạo, thì không thể có một thứ lý luận chung cho nghệ thuật, mà chỉ có thể có lý luận của từng trường phái trong một giai đoạn nhất định, khi lý luận trở nên lạc hậu và kìm hãm sáng tạo thì phải bỏ đi. Ba ngành Lý luận (theory), Phê bình (critic) và Lịch sử mỹ thuật (art history) thực chất cũng đang tồn tại trên thể giới, nhưng thay đổi về bản chất từ lâu. Riêng ngành lý luận thì chính những người đưa ra các học thuyết này nọ về nghệ thuật cũng phủ định nó, vì không nghệ sỹ nào dùng lý luận để sáng tác cả, có thể họ tìm cách thấm nhuần một học thuyết triết mỹ nào đó thì đúng hơn. Thầy Nguyễn Trân cũng biết điều này, nhưng thầy cho rằng không thể đào tạo nhà phê bình, ai làm được phê bình đó là sự tự trưởng thành của cá nhân họ, về điều này thì ông cũng đúng. Ngành Lịch sử mỹ thuật hiện kết hợp chặt chẽ với ngành Khảo cổ học, người ta gọi là Khảo cổ học Lịch sử nghệ thuật, vì không thể xưng xưng rằng tác phẩm này của ông này vẽ vào năm này một cách cảm thấy được, mà cần có chứng cứ khoa học. Các thầy bên viện Mỹ thuật dậy chúng tôi hàng trăm đình chùa, mà được xếp niên đại theo kiểu dấu hiệu và cảm tính, và người ta cứ đương nhiên chấp nhận như vậy. Đây chính là điều tôi băn khoăn nhất, nên dù đã thừa đủ tư liệu, nhưng không dám viết một cuốn Lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Khi thành lập khoa chẳng có giáo trình gì, ngoài hai cuốn Lược sử Mỹ thuật Việt NamLược sử Mỹ thuật Thế giới của ông Nguyễn Phi Hoanh, bên Viện Mỹ thuật xuất bản được ba cuốn Mỹ thuật thời Lý, Trần, Lê. Thời Đông Sơn thì có cuốn Trống đồng Đông Sơn của thầy Nguyễn Văn Huyên. Thầy Nguyễn Trân và Nguyễn Quân nhanh chóng biên soạn tài liệu nội bộ: Nghệ thuật Tạo hình, cho môn Nghệ thuật học, sau này thầy Nguyễn Quân biên soạn thành Ngôn ngữ tạo hình và xuất bản dưới cái tên Tiếng nói của hình và sắc. Đến những năm 1983 thì thầy Nguyễn Quân in thêm cuốn Nghệ thuật Tạo hình Việt Nam hiện đại. Cô Quách Thị Ngọc sang bên Bảo tàng Mỹ thuật mua 10 tập ảnh về nghệ thuật Việt Nam. Thầy Triệu Thúc Đan có soạn một giáo án về Lịch sử Mỹ thuật Thế giới. Bộ sách Lịch sử Mỹ thuật Thế giới của viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cũng được dịch và in nội bộ, thầy Nguyễn Quân dịch cuốn Lịch sử Mỹ thuật Thế giới của Anphatov mới ở dạng viết tay. Ngay sau khi tôi ra trường, thầy Quân bảo làm cùng thầy hai cuốn Mỹ thuật của người ViệtMỹ thuật ở Làng. Chị Phạm Thị Chỉnh học khóa I, sau cũng biên soạn hai cuốn Lịch sử Mỹ thuật Thế giới Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam. Thầy Phạm Công Thành có cuốn Luật Xa gần. Đến năm 1993, viện Mỹ thuật cũng in được nốt cuốn Mỹ thuật thời Mạc.

Các thầy cô giáo và họa sinh lý luận khóa V, VI nhân kỷ niệm 70 năm thành lập trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (1925 – 1995)

Trong hoàn cảnh học chay dậy chay lúc đó, thì việc làm được như trên là vô cùng lớn lao. Thời gian Bao cấp, quan điểm về phương pháp sáng tác Hiện thực Xã hội chủ nghĩa chi phối sâu sắc các môn, các tài liệu nghiên cứu, người ta phê phán rất nặng nề Chủ nghĩa Hiện đại (Modern Art), và trong các môn học thì triết học Mác Lê Nin được coi là nền tảng tư tưởng, nên môn Mỹ học được gọi là Mỹ học Mác Lê Nin. Các nhà phê bình non trẻ luôn mang thước tầm thời đại ra đo vào tác phẩm làm cho họa sỹ chết khiếp, nên thầy Đan dù rất bảo thủ cũng nhắc nhở chúng tôi cất ngay cái thước tầm đó khi đi xem triển lãm mỹ thuật. Khi các sinh viên ra trường, va vào thực tế công ăn việc làm, tiền lương, sổ gạo, hộ khẩu…những thứ đó như là cái tát, dễ dàng làm tan biến mọi ước mơ cao đẹp của thầy Trân về những nhà phê bình mới đầy khí thế. Khi tôi tốt nghiệp, bố tôi đang nằm liệt giường, hỏi: Mày đã được bổ chưa? (cách dùng từ cổ, bổ là phân công công việc). Tôi trả lời: Con được giữ lại trường. Bố tôi dàn dụa nước mắt.

Nhìn lại những người thầy đã đào tạo chúng tôi. Thầy Nguyễn Trân rất tốt tính, thương yêu học trò, hiểu biết thời thế. Thầy có tiếng Nga, tiếng Pháp, kiến thức thì cơ bản, hơi máy móc, nhưng yếu điểm chính của thầy vẫn là người Nam bộ thích gần những người “nhậu nhẹt”. Thầy Triệu Thúc  Đan có thể nói rất sâu sắc, uyên bác, nói tiếng Pháp như một quý tộc, phần lịch sử mỹ thuật thầy dậy hoàn toàn từ cách nhìn của người Pháp, nhưng thầy khá khắc nghiệt, thủ cựu và rất ghét sự cách tân. Thầy Lê Quốc Bảo, biết tiếng Trung, là người chân chỉ, trực tính, dậy học bài bản và bám chặt vào Mỹ học Mác Lê Nin. Với cá nhân tôi, thì thầy như một người cha. Thầy Nguyễn Quân là người có tầm cỡ văn hóa, những việc thầy làm không chỉ chúng tôi mà cả giới mỹ thuật phải rất lâu mới hiểu. Thầy giỏi tiếng Đức, sáng tác chuyên nghiệp và là người đứng đầu ngành phê bình cùng với Thái Bá Vân, cũng như xuất bản sách nhiều nhất. Thầy đã mất nhiều công sức đào tạo tôi trong nghề này. Thầy Phạm Công Thành, biết tiếng Pháp và tiếng Hán, có nhiều kinh nghiệm thực tế nên lý thuyết thầy giảng rất thuyết phục cộng với cách trình bầy hài ước. Thầy yêu thương học sinh, nhưng cũng khá khắt khe với những đổi mới. Thầy Đặng Quý Khoa, biết tiếng Pháp, giỏi Đông phương học, rất thông tuệ trong nhận thức và đơn giản trong hành vi. Thầy Chu Quang Trứ là người cần mẫn, tận tụy với học sinh, chăm lao động và có kiến thức nền rất chắc chắn. Đó là những người gần và trực tiếp với chúng tôi trong suốt thời gian đi học. Khoa Lý luận cần rất nhiều nhiên liệu để vận hành, nên không thể không nói đến công lao của cô Vũ Giáng Hương (hiệu phó) và cô Quách Thị Ngọc (giáo vụ) đã làm cho nhà trường mở hầu bao với nhiều hoạt động của khoa.

Dàn giảng viên sau đó, như  Bàng Thục Bân, Trịnh Kim Dung, Trương Công Nguyên, Nguyễn Bích Thủy, Đặng Phong Lan, Bùi Thị Thanh Mai, Trang Thanh Hiền và tôi, nhìn chung thiếu một cơ sở kinh nghiệm và nhân văn như các thầy đi trước, dù có nhiều cái mới hơn và tiệm cận hơn với nghiên cứu nghệ thuật thế giới đương đại. Khoa Lý luận teo lại rất nhiều so với thời của thầy Nguyễn Trân.

Sinh viên của khoa hầu hết ra trường đi dậy học và làm báo. Một số có được công trình nghiên cứu, như Trương Minh Hằng – chủ biên tổng tập làng nghề Việt Nam truyền thống, rất giá trị. Phạm Thị Chỉnh với hai cuốn sách lịch sử mỹ thuật nói trên Ngô Xuân Bính thì trở thành viện sỹ về y học ở nước ngoài và nhiều công trình võ thuật, y học. Nguyễn Hùng làm Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật. Lê Quốc Hưng làm giám đốc đài VOV Cần Thơ. Phạm Trung tham gia hai công trình lớn là Mỹ thuật Việt Nam Hiện đại, thế kỷ 20 Nghệ thuật Đương đại Việt Nam. Nguyễn Hải Phong cùng nhóm nghiên cứu có Chạm khắc cổ qua các bản rập Việt Nam. Phan Thanh Bình trở thành hiệu trưởng trường Đại học Nghệ thuật Huế và các công trình nghiên cứu về khảm sành sứ Huế. Trang Thanh Hiền có sách Tượng Quan Thế âm Thiên thủ thiên nhỡn Cửu phẩm liên hoa. Quách Ngọc An có Lăng mộ Hoạn quan Thái giám thế kỷ 17, 18. Mai Ngọc Oanh làm tới Chánh văn phòng Hội Mỹ thuật; Bùi Thị Thanh Mai làm phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật; Hoàng Anh với nhiều công trình phê bình và là Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật hiện nay. Đặng Phong Lan hiện là hiệu phó của trường thân yêu… Nếu giờ này thầy Nguyễn Trân còn sống chắc cũng sẽ vui lòng với sự nghiệp của ông.

Các thầy Nguyễn Trân, Triệu Thúc Đan, Chu Quang Trứ đều đã về trời. Bạn học có Trương Minh Hằng, Nguyễn Hùng, Nguyễn Minh Hùng, Nguyễn Thái Lai cũng không còn và người trẻ mất rất sớm là Nguyễn Trường Thanh học khóa II. Tôi nay cũng đã ngoài 60, nhìn lại cuộc đời thấy giống như đám mây trôi hững hờ và hư vô, một ngày gặp những người thầy, người bạn, hăng hái làm việc này việc kia về nghệ thuật, rồi lại tan ra như đám mây.

Phan Cẩm Thượng

Tin cùng chuyên mục

Hoạ sĩ Thái Tĩnh trong sắc thu vĩnh cửu

Lắng đọng trong tâm khảm mỗi người nghệ sĩ, khi nắm bắt được ý tưởng trong sáng tạo nghệ thuật với sự chuyển hóa của mùa luôn mang sắc thái rất riêng và rất đẹp. Ý niệm đã sẵn có...

Hội Mỹ thuật thành phố Hải Phòng tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2023 – 2028

Sáng 10/9, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Hội Mỹ thuật Hải Phòng đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2023 – 2028. Tham dự và chúc mừng Đại hội có họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ...

Khai mạc triển lãm tranh “Sắc màu Non nước Cao Bằng”

NDO – Sáng 6/9, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Cao Bằng đã phối hợp Hội Mỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Văn hóa Thông tin Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức triển lãm tranh với chủ đề “Sắc màu Non...

Tình cảm của Lãnh đạo và nhân dân các nước trên thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các Di tích tưởng niệm Người  

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đi bôn ba khắp thế giới tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu lại những dấu ấn sâu đậm về tình hữu nghị, tình đoàn...

Triển lãm các tác phẩm nghệ thuật từ Đông Dương đến đương đại mang tên “Sắc màu thời gian”

NDO – Nhân kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9 và 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, Câu lạc bộ Sưu tập nghệ thuật Ngọc Hà, thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức triển lãm các tác phẩm...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

Hoạ sĩ Thái Tĩnh trong sắc thu vĩnh cửu

Lắng đọng trong tâm khảm mỗi người nghệ sĩ, khi nắm bắt được ý tưởng trong sáng tạo nghệ thuật với sự chuyển hóa của mùa luôn mang sắc thái rất riêng và rất đẹp. Ý niệm đã sẵn có...

Hành trình vạn dặm của rùa biển trong dự án bảo tồn hệ sinh thái của nghệ sĩ Cao Thanh Thà

Hưởng ứng Ngày rùa biển thế giới (16/6) và truyền thông kêu gọi hành động bảo vệ các loài rùa biển đang có nguy cơ tuyệt chủng – Tiếng chuông báo động về đa dạng sinh học biển môi...

Trao tặng 32 tượng chân dung chiến sĩ cách mạng cho Bảo tàng Côn Đảo

NDO – Tối 16/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ trao tặng 32 tượng chân dung các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước tại nhà tù Côn Đảo,...

Khai mạc triển lãm mỹ thuật “Dòng thời gian”

Ngày 29/08, tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội) nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2023), Bảo...

Khúc đồng vọng sáng tạo của 4 tên tuổi nổi bật – hội họa miền Nam nửa sau thế kỷ 20

Mỹ thuật miền Nam từ bao đời vốn là một thành tố thiêng liêng của vùng đất rộng. Nơi đây không thiếu người giỏi về mỹ thuật. Khu biệt lại chỉ trong giai đoạn những năm 1960 – 1970,...