Nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng trong một lần đến thăm mẹ Thứ năm 2006. |
Người gắn với những tác phẩm nổi tiếng
Đinh Gia Thắng là cái tên quen thuộc trong giới mỹ thuật, với nhiều tác phẩm gây tiếng vang. Nổi tiếng nhất và cũng được yêu thích nhất trong số các tác phẩm của ông là cụm tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đỉnh núi Cấm, thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, Thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Cụm tượng đài lấy từ nguyên mẫu Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ (Quảng Nam), là tác phẩm đem đến Giải thưởng Nhà nước năm 2022 cho nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng.
Đây là cụm tượng đài anh dành nhiều công phu và tâm huyết, bắt nguồn từ ý tưởng hình tượng người mẹ Việt Nam “Nhẫn nại nuôi con, suốt đời im lặng”, “Biết hy sinh nên chẳng nhiều lời”, với hình ảnh mẹ là suối nguồn bao la vô tận, là linh hồn của đất nước.
Để có được những hình dung chân thật nhất về mẹ Thứ, anh đã nhiều lần đến thăm, trò chuyện cùng mẹ, hiểu được và đưa ra được cái “thần” cho cụm tượng. Cụm tượng đài mô tả hình ảnh người mẹ Việt Nam Anh hùng gắn với vách núi đá và những dòng suối chảy vô tận, với những người con được gợi tả cách điệu hai bên vách núi.
Nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng vừa là tác giả, và cũng đồng thời tham gia thi công mỹ thuật công trình này. Cụm tượng đài khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 3/2015, thu hút đông đảo khách tham quan và trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Quảng Nam.
Gắn bó với mảnh đất miền trung, nhưng họa sĩ, nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng lại là một người con Hà Nội. Sinh năm 1957, sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, anh theo gia đình vào Đà Nẵng lập nghiệp.
Họa sĩ Đinh Gia Thắng đã có 28 năm gắn bó với nghề, chỉ riêng lĩnh vực điêu khắc, anh đã có nhiều tác phẩm gây được tiếng vang trong làng mỹ thuật: Tượng đài 7 dũng sĩ Điện Ngọc; Tượng đài Chiến thắng Khâm Đức; Tượng đài Xuân Mậu Thân 68; Tượng đài Liệt sĩ Tam Kỳ, Phú Ninh (Quảng Nam), Tượng đài chiến thắng Gò Hà (Đà Nẵng), trong đó cụm tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là nổi tiếng nhất.
Ít ai biết được, nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng cũng là con nuôi của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Người cha nuôi đặc biệt này đã dạy cho ông rất nhiều điều, cả trong cuộc sống và trong lao động nghệ thuật. Ông học được từ nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sự giản dị, khiêm tốn và hết mình trong lao động nghệ thuật.
Những tác phẩm với những phong cách mới
Không ngừng tìm tòi, sáng tạo là một trong những tiêu chí trong sáng tác của nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng. Chính vì thế, tại triển lãm “Nắng tháng 3”, ông mang đến 3 tác phẩm với những phong cách khác nhau.
Tác phẩm “Mộng Chiều Xuân”. |
Tác phẩm hội họa: “Mộng Chiều Xuân”, theo tác giả, xuất phát từ ý tưởng về giấc mơ đẹp mùa xuân với hình ảnh 3 thiếu nữ trong trang phục truyền thống bay bổng trong không gian nhiều lớp đồng hiện. Tác phẩm mang những sắc màu đặc trưng của mùa xuân với sắc hồng của hoa đào, sắc vàng của hoa mai ngày tết cổ truyền và sắc tím Lavender (hoa oải hương) nở cuối xuân ở Đà Lạt.
Hình ảnh trong tranh mang tính biểu tượng, với vẻ đẹp như những dải lụa của ruộng bậc thang ở Tây Bắc, nét đẹp của làng quê Việt Nam cùng ấm trà, cá vượt vũ môn, hoa sen, người nông dân dắt trâu về xa xa trên cánh đồng chiều tà…
Tác giả cho biết, đây là tác phẩm hội họa theo phong cách hiện đại, với lối bố cục, nhịp điệu của tranh hoành tráng, có sự pha trộn phong cách hiện thực, siêu thực và ấn tượng.
Nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng cho biết, bức tranh là thông điệp về khát vọng một thế giới hòa bình, hạnh phúc, nhân ái, đồng thời khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn, bình yên, hấp dẫn với bạn bè quốc tế.
Tác phẩm “Cội nguồn hạnh phúc”. |
Tác phẩm điêu khắc “Cội nguồn hạnh phúc” của ông mang phong cách hiện đại, hòa trộn một phần âm hưởng của điêu khắc truyền thống. Tác phẩm sử dụng hình ảnh chim Lạc như một con thuyền chở gia đình nhỏ đến bến bờ hạnh phúc.
Tác giả cho biết, ở tác phẩm này, qua một góc nhìn riêng, một triết lý riêng, tình yêu đôi lứa luôn gắn bó với tình yêu quê hương, đất nước, luôn hướng về cội nguồn.
Tác phẩm “Trong lòng đại dương”. |
Ở tác phẩm điêu khắc: “Trong lòng đại dương”, vẫn là phong cách hiện đại, nhưng có sự kết hợp của cả ngôn ngữ điêu khắc và ngôn ngữ hội họa. Ở tác phẩm này, họa sĩ Đinh Gia Thắng sử dụng sự kết hợp của khối và màu sắc, trên phần hình khối mô tả những con cá, ông đưa vào kỹ thuật khảm vỏ trứng, vàng, bạc thiếp và màu của sơn mài.
Tác giả cho biết, ông mượn hình ảnh cá lớn nuốt cá bé trong lòng đại dương, để nói về những vấn đề tồn tại như sự cạnh tranh không lành mạnh, thao túng và áp đảo trong kinh tế và địa chính trị hiện nay.
Mang những tầng lớp ý nghĩa sâu xa như vậy nhưng bức tượng được tạo hình hơi mang tính hài hước, ngộ nghĩnh, với những chú cá há miệng nuốt nhau. Họa sĩ, nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng cho biết, với hình tượng theo phong cách tượng trưng, ông muốn tạo nên một dáng dấp mới đối với ngôn ngữ điêu khắc để tạo nên một hiệu quả thú vị, vừa mang ý nghĩa sâu xa mà cũng vừa dí dỏm, hài hước đối với công chúng thưởng lãm tác phẩm này.
Đối với họa sĩ, nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng, sáng tạo nghệ thuật vừa là một cuộc chơi, cũng là một cuộc thử lửa, để với mỗi tác phẩm, ông có thể tìm thấy một khía cạnh khác của bản thân mình, vừa hấp dẫn thú vị, nhưng cũng hết sức nghiêm túc và hết mình.
LINH KHÁNH
Nguồn: Báo điện tử Nhân dân