KOSTAKI VÀ BỘ SƯU TẬP VỀ TRÀO LƯU TIÊN PHONG NGA

 

Khi nói về giới sưu tập nghệ thuật Nga, chúng ta không thể không nhắc tới Georgy Dionisovich Kostaki (1913-1990), một con người mà tầm nhìn về nghệ thuật và chính trị vượt trước thời đại hàng chục năm. Bộ sưu tập của ông có thể so sánh với những gì Tretyakov, Schukin và Morozov đã làm vào đầu thế kỷ 20. Sự khác biệt là đối tượng sưu tập. Đối tượng mà Kostaki chọn, trào lưu Tiên phong Nga và Nghệ thuật không chính thức Liên Xô, bị cấm đoán trong thời kỳ đỉnh cao sức mạnh chính trị của Liên Xô, vốn chỉ say sưa với hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nhưng, như chúng ta vẫn biết, trái cấm là ngọt ngào…

Cuộc đời từ một người tài xế

Georgy Kostaki sinh năm 1913 tại Moskva trong gia đình doanh nhân gốc Hy Lạp. Những năm 1930, ông làm lái xe tại đại sứ quán Hy Lạp. Bởi hay chở các nhân viên ngoại giao đến cửa hàng đồ cổ, ông dần dần tham gia vào việc sưu tập. Từ năm 1940, ông là tài xế tại Đại sứ quán Anh. Sau đó, ông chuyển đến Đại sứ quán Canada, nơi trong 37 năm, từ 1942 đến 1979, ông phụ trách bộ phận cung ứng, quản lý tài xế, người làm vườn, đầu bếp và người giúp việc, báo cáo hàng ngày cho quan chức trẻ nhất của đại sứ quán. Thời gian này, ông sưu tập tranh Tiên phong.

Chân dung Kostaki
LYUBOV POPOVA – Người lữ khách. 1915. Sơn dầu. Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Thessaloniki

 

OLGA ROZANOVA – Làn xanh. 1917. Sơn dầu Bảo tàng Kremli Rostov

Năm 1973, ông đi khắp thế giới với một loạt các bài giảng về nghệ thuật hiện đại Nga, trong đó có cả Bảo tàng Guggenheim New York. Năm 1977, ông cùng gia đình rời Liên Xô đến Hy Lạp. Cùng với sự ra đi này, phần do yêu cầu từ chính quyền, phần vì tự nguyện, ông đã tặng Bảo tàng Tretyakov một phần bộ sưu tập của mình.

Năm 1988, ông điều trị bệnh tại Stockholm bởi không tin tưởng các bệnh viện Hy Lạp, cũng như các bệnh viện Liên Xô. Ông mất năm 1990. Sau khi ông qua đời, nhà nước Hy Lạp đã mua một phần của bộ sưu tập Kostaki và đặt nó vào Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Thessaloniki.

Sự nghiệp sưu tập nghệ thuật

Kostaki đã sưu tập được một số lượng khổng lồ các tác phẩm thuộc trào lưu Tiên phong Nga – hơn 2000 tác phẩm. Nó có những cái tên tuyệt vời của tất cả các nghệ sĩ Tiên phong vĩ đại đầu thế kỷ 20: Kazimir Malevich, Vasily Kandinsky, Marc Chagall, Mikhail Larionov, Natalia Goncharova, Vladimir Tatlin, Lyubov Popova, Pavel Filonov… Nó có các tác phẩm của các nghệ sĩ tài năng nhưng vì những lý do khách quan mà ít được biết đến đương thời: Olga Rozanova, Ivan Klyun, Ivan Kudryashev… Bộ sưu tập có thể trở thành, và thực sự là, bảo tàng đầu tiên và duy nhất của trào lưu Tiên phong Nga. Một bảo tàng tạo thành vinh quang của nghệ thuật hiện đại Nga. Lý giải về sự lựa chọn “phân khúc” Tiên phong Nga, ông nói:

“Đầu tiên, tôi sưu tập tranh Hà Lan, đồ sứ cũ, bạc Nga, thảm và vải. Nhưng sau đó tôi nghĩ rằng nếu tiếp tục như vậy thì mình chẳng mang lại bất cứ điều gì mới cho nghệ thuật. Tất cả những gì tôi sưu tập được đều đã có trong Louvre, Hermitage, và có lẽ trong mọi bảo tàng lớn ở bất kỳ quốc gia nào, và thậm chí trong các bộ sưu tập tư nhân. Tiếp tục theo cách đó, tôi có thể trở nên giàu có nhanh hơn, nhưng cuối cùng tôi sẽ chẳng là ai cả. Và tôi muốn làm một cái gì đó phi thường. Một lần tình cờ, tôi đến thăm một người bạn sống trong một căn hộ ở Moskva. Lần đầu tiên tôi thấy vài ba bức tranh của các nghệ sĩ Tiên phong, một trong số họ là Olga Rozanova. Tác phẩm đã gây ấn tượng mạnh với tôi. Và thế là tôi mua chúng, mang về nhà treo bên cạnh những bức tranh cổ điển của những người Hà Lan. Sự kiện này đã thay đổi cuộc đời tôi, như thể đang sống trong một căn phòng có cửa sổ có rèm, và bây giờ mở to để mặt trời chiếu vào. Kể từ đó, tôi quyết định chia tay với tất cả mọi thứ mà tôi đã sưu tập để chỉ mua Tiên phong thôi. Nó đã xảy ra vào năm 1946.”

IVAN KLYUN – Phong cảnh chạy. 1913. Chất liệu tổng hợp. Bảo tàng Tretyakov

 

KLIMENT REDKO – Cách mạng. 1925. Bảo tàng Treyakov

 

EI LISITSKY – Phác thảo tượng đài Roza Luxemburg. Giấy, màu nước. Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại Thessaloniki

Bức tranh của Olga Rozanova đã thay đổi sự nghiệp sưu tập của Kostaki là bức “Làn xanh” (1917). Một bức tranh khác mà Kostaki rất yêu quý là bức “Khởi nghĩa” (1925) của Kliment Redko, được mua từ vợ của người họa sĩ quá cố. Ông đã viết đằng sau bức tranh khi chuyển tặng cho Bảo tàng Tretyakov rằng: “Bức tranh của thế kỷ, tác phẩm vĩ đại nhất của nước Nga. Georgi Kostaki. Moskva, ngày 14 tháng 4 năm 1977.”

Từ sự khởi đầu năm 1946, vào thời điểm Liên Xô mới thắng trận và dường như không ai dám nghi ngờ về triển vọng tuyệt đối của Hiện thực xã hội chủ nghĩa, Kostaki lại bốc cháy hết mình với một xu hướng đang bị cho ra rìa và hoàn toàn không có cơ hội ngóc đầu. Ông quyết định nghiên cứu lịch sử trào lưu Tiên phong Nga, vì theo lời thú nhận trung thực của ông rằng “chỉ biết những cái tên như Chagall, Kandinsky, Malevich, nhưng họ là loại nghệ sĩ nào, vị trí của họ trong lịch sử hội họa thì không biết”. Vì không có gì được viết về Tiên phong trong những năm đó (ngoại trừ lời tuyên bố đó là sự báng bổ nghệ thuật hàn lâm chân chính), ông phải đi hỏi những người hiểu biết, đặc biệt là Nikolai Khardzhiev, một người sống với văn hóa Tiên phong, mặc dù chính người này cũng vô cùng hoài nghi về triển vọng cho các hoạt động trong tương lai của nhà sưu tập.

Nhưng nó giống như tình yêu từ cái nhìn đầu tiên. Với con mắt tinh tường bẩm sinh và sự ngoan cường, Kostaki đã học được những bài học trong thời gian ngắn nhất, và chẳng mấy chốc đã hệ thống được các tác giả, tác phẩm của trào lưu Tiên phong. Tài liệu đã đủ. Nhưng rất ít các tác phẩm có mặt trong cửa hàng. Hầu hết các tác phẩm được giữ trong tay tư nhân – bởi chính các nghệ sĩ hoặc người thân của họ.

Kostaki đã tìm đến Ivan Klyun, một người theo phong cách tối giản và là môn đệ của Malevich, giúp họa sĩ thoát khỏi sự lãng quên bất công. Nhờ bộ sưu tập của ông, Klyun đã xuất hiện một cách khác biệt – không phải là một tín đồ bình thường của Suprematism (Tối thượng), mà là một họa sĩ tài năng và nguyên bản, đi theo con đường độc lập của mình. Ông mua tranh Klyun rất nhiều, đến nỗi ngay cả sau khi bộ sưu tập được chia ra, các phần của nó ở Liên Xô hay Hy Lạp đều là những bộ tranh lớn nhất về họa sĩ này.

Triển lãm bộ sưu tập của Kostaki tại Bảo tàng Tretyakov, Moskva

Một họa sĩ khác là Lyubov Popova, người đã chết một cách bi thảm vào năm 1924. Kostaki đã gọi người phụ nữ bất hạnh ấy một cách trìu mến: “Lyubochka”. Ông đã mua các tác phẩm của Popova từ anh trai bà, lúc đó sống ở khu Arbat. Nhưng phát hiện đáng kinh ngạc nhất xảy ra ở Zvenigorod, nơi con trai nuôi Popova sống. Cửa sổ trong chuồng gia súc được đóng bằng một bức tranh, một cái máng cũng được làm từ tranh nốt. Đương nhiên, những tác phẩm này đã được sum vầy trong bộ sưu tập Kostaki.

***

Nhờ có Kostaki, những nghệ sĩ Tiên phong tài năng có thể bị chôn vùi mãi mãi dưới tuyết của nước Nga, trở nên nổi tiếng ở phương Tây. Rốt cuộc, rất đông người nước ngoài đã đến thăm bộ sưu tập Kostaki ở Moskva – từ khách du lịch bình thường đến các nhà khoa học, nghệ sĩ và chính trị gia nổi tiếng. Sự nổi tiếng của ông ở phương Tây trong những thời điểm khó khăn đã trở thành một sự đảm bảo cho việc bảo tồn chúng ở Liên Xô. Để mắt đến phương Tây, chính quyền cũng bắt đầu dần dần hiểu được giá trị của “nghệ thuật không chính thức” và bắt đầu có ý thức lưu trữ trong bảo tàng.

Năm 1977, Kostaki cùng gia đình rời Liên Xô đến Hy Lạp. Ông đã tặng cho Bảo tàng Tretyakov một phần bộ sưu tập của mình. Ông nói: “Tôi đã sưu tập được nhiều tác phẩm. Đó là công sức và tiền bạc của tôi. Nhưng những bức tranh đó nên thuộc về Nga, nhân dân Nga! Tôi đã cố gắng cho đi những điều tốt nhất. Và tôi đã cho chúng đi.”

Con người chỉ cần một công việc tầm thường nhưng rất cần một sự nghiệp phi thường. Tại sao một nhân viên quèn của đại sứ quán lại trở thành một tên tuổi nổi tiếng khắp thế giới và khiến người đời sau phải ngưỡng mộ? Đó là vì tình yêu và tầm nhìn nghệ thuật đã tạo nên con người ấy.

Huệ Viên

 

 

Tin cùng chuyên mục

Louvre – Bảo tàng Nghệ thuật danh giá nhất thế giới

Nằm bên hữu ngạn sông Seine ở Thủ đô Paris của nước Pháp, Louvre là  một bảo tàng lớn nhất và nổi tiếng nhất trên thế giới, với khối kiến trúc tráng lệ và là nơi lưu trữ những kiệt tác,...

Champs-Elysées – Đại lộ danh tiếng nhất của nước Pháp

Nếu nước Mỹ nổi tiếng với đại lộ Danh vọng Hollywood, nơi những ngôi sao nổi tiếng nhất trong làng điện ảnh, sân khấu thế giới được vinh danh  gắn sao và tên trên đại lộ. Thì người Pháp...

Montmartre – Ngọn đồi thơ mộng của các nghệ sĩ 

Không phải ngẫu nhiên mà người ta cho rằng nước Pháp quyến rũ hơn những quốc gia khác. Đặc biệt là Paris được mệnh danh là thành phố của kiến trúc, nghệ thuật, thủ đô hoa lệ, kinh đô của...

Edinburgh – Thành phố của văn chương, nghệ thuật

Sau nhiều giờ bay và Transit tại Dubai chúng tôi đã đặt chân đến Edinburgh xứ sở Vương quốc Scotland. Lúc này là cuối chiều, thời tiết tháng 6 ở đây rất lạnh. Tuy vậy, chúng tôi vẫn tranh thủ...

Odilon Redon người tự minh họa giấc mơ

Odilon Redon (1840 – 1916) là một nghịch lý khuất lấp. Ông sống giữa thời đại Ấn tượng và hậu-Ấn tượng trăm hoa đua nở của những Renoir, Gauguin và Van Gogh. Song, ngoại trừ được công nhận trong...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

NHỮNG KỶ NIỆM VỚI NGƯỜI VẼ DẾ MÈN PHIÊU LƯU KÝ

  1. Lần đầu tiên tôi được gặp chú Ngô Mạnh Lân, nếu tôi nhớ không nhầm, thì vào ngày 17 tháng 6 năm 1994, tại lễ tưởng niệm 40 năm ngày Tô Ngọc Vân hy sinh trên đường đi lên chiến dịch...

Bìa Tạp chí Mỹ thuật số 319&320 tháng 7-8/2019

...

Thông báo về triển lãm mỹ thuật khu vực III Tây Bắc – Việt Bắc lần thứ 26 năm 2021

   ...

“Dấu thiêng” – triển lãm tranh sơn mài ấn tượng của họa sĩ trẻ Chu Nhật Quang

NDO – Ngày 25/9, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp Công ty cổ phần Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam Toàn cầu (Vietcom) tổ chức họp báo giới thiệu sự kiện...

Thẩm mỹ công nghiệp trong hội họa của Charles Sheeler

Charles Sheeler được coi là một trong những nghệ sĩ hòa hợp nhất với quá trình hiện đại hóa và công nghiệp hóa của Mỹ. Nghệ thuật của ông cho thấy tinh thần tiên phong của Mỹ đã chuyển từ...