Đấu xảo hoàn vũ Paris năm 1867 – Hội chợ triển lãm quốc tế đầu tiên có người Việt tham gia

Hoàn cảnh và lý do người Việt có mặt tại Đấu xảo Hoàn vũ ở Paris năm 1867
Sau Hòa ước Nhâm Tuất (05-06-1862), thực dân Pháp được quyền chiếm đóng và quản lý ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Vào tháng 1 năm 1865, quyền Thống đốc Nam Kỳ, đô đốc Pierre-Gustave Roze, ký quyết định thành lập một Ủy ban gồm 14 thành viên để nghiên cứu các vấn đề liên quan đến canh nông và thương mại của xứ thuộc địa mới. [1] Dù còn trong tình trạng kinh tế yếu kém và dân cư thưa thớt, song vùng đất này đã thuyết phục được những kẻ mới chinh phục và bình định về tiềm năng của nó. Tại cuộc họp đầu tiên vào ngày 24 tháng 6 năm 1865, Ủy ban Canh nông và Kỹ nghệ vừa được thành lập đã quyết định xuất bản một bản tin và chuẩn bị một kế hoạch cụ thể cho cuộc đấu xảo (hội chợ – triển lãm) nội địa đầu tiên, từ 25/2 đến 03/3/1866, tại Sài Gòn – một cuộc ‘tổng kiểm kê’ sớm nhất của người Pháp về sự giàu có của xứ Nam Kỳ.

Để quảng bá mạnh mẽ cho ‘miền đất mới chinh phục’, qua tới năm sau, Ủy ban này tiếp tục chuẩn bị cho thuộc địa mới tham gia cuộc Đấu xảo Hoàn vũ (Exposition universelle) ở Paris năm 1867 – cuộc đấu xảo được xem là lớn nhất thế giới cho đến thời điểm đó. Đồng thời, Ủy ban cũng lên kế hoạch chuẩn bị cho các cuộc đấu xảo khác nhau được tổ chức tiếp tại Sài Gòn và sự tham gia của Nam Kỳ tại các cuộc đấu xảo ở chính quốc. [2] Vậy là vào năm 1867, xứ Nam Kỳ có mặt lần đầu tiên ở một hội chợ triển lãm quốc tế: cuộc Đấu xảo Hoàn vũ (hay còn gọi là ‘đấu xảo chung’ theo ngôn ngữ báo chí quốc ngữ cuối thế kỷ 19), được tổ chức tại thủ đô nước Pháp, từ 01/4 đến 30/10. Để chuẩn bị cho các địa phương ở [ba tỉnh miền Đông] Nam Kỳ và những cá nhân Pháp/Việt đi dự đấu xảo, một thông báo (yết thị) đã được chính quyền cho đăng công khai trên một tờ báo quốc ngữ. [3]

Yết thị (thông báo) trên báo chí quốc ngữ về Đấu xảo Hoàn vũ năm 1867 tại Paris. ©Gia Định Báo, 01-04-1866.

Nội dung các hạng mục sản phẩm đấu xảo
Dưới đây là toàn văn bản thông báo về cuộc đấu xảo tại Paris năm 1867 đăng trên tờ Gia Định Báo, số ra ngày 15-4-1866 (với lối hành văn và phép chính tả quốc ngữ được giữ nguyên).

+++

YẾT THỊ VỀ HỘI ĐẤU XẢO CHUNG NĂM 1867
Hội đấu xảo chung các nước về các nghề ruộng đất cùng các nghề khéo léo sẽ lập tại kinh đô nước Pha-lang-sa ngày 1er Avril năm Đinh Mẹo (tức 01-04-1867, ND), chẳng những là chỉ về các đồ buôn bán, mà lại có ý chỉ về việc lễ nhạc phong tục cùng cho biết mỗi thứ dân cần dùng những vật gì, cách cư xử, ăn mặc, khí giái, đồ săn bắn, chài lưới, các dạng ghe thuyền, tài sản, các hiệu tiến văn đều phải có trong hội chung ấy, ở đó các sắc dân các nước có tài nghề gì khéo nhứt, thì phải bày ra mà thi.
Hội đồng có ý làm cho được lợi ích hơn nữa là hội các nước gởi những đồ nghề nghiệp, cùng các món đồ dùng chàng kì, đồ mới tân tạo. – Để cho thiên hạ đặng xem những đồ kim cổ; vả lại những đồ dùng dân cũ hơn khéo léo hơn cũng hay làm kiểu thức cho thiên hạ bắt chước.
Những đồ đấu xảo phân ra làm mười hạng.
NHỨT HẠNG – Đồ nghề
Nước vẽ, nước nhuộm, nước men, để tô chén bát, các thứ màu sắc. – Đồ sơn thết, chạm trổ, chạm nổi, chạm lọng, chỉ niễn. – Tiền thưởng, trân châu, ngà, ngọc, điêu trác. – Đồ hình nhà cửa, lâu đài bằng gỗ, bằng đất, cùng những đồ in chạm.
NHÌ HẠNG – Nghề nghiệp phong lưu
Cách thể in khắt. – Đồ thơ tịch, giấy lá, mực viết. – Đồ dùng mà vẽ vời, in chạm, đồ chạm, con dấu, đồ đúc, đồ nhạc. – Các thứ cân thước, đồ đo, tiền đồng, cân thăng bằng, bản đồ.
TAM HẠNG – Đồ tư trang vật dùng trong nhà
Ghế bàn tủ kệ, giường chõng, ghế luôn, trước ỷ. – Đồ bằng đá ngọc, liễn tượng, bình phuông, đồ trang sức để thờ phượng, đồ thuỷ tinh chạm vẽ, cùng đồ thêu thùa, mền nệm bằng bông nỉ tơ lụa, giấy in, giấy vẽ, tranh sáo. – Các thứ dao rựa, ảnh tượng bằng đồng, bằng kẽm. – Đồ độ thì khắc, đồng hồ cát, đồng hồ nước. – Khí nghệ, thợ rèn, khuôn đúc, các thứ đèn lồng, đèn sáp, đèn mỡ, đèn dầu. – Nước thơm, đồ ướp. – Đồ chơi, hộp lớn, hộp nhỏ, đồ cẩn xà cừ, cùng những đồ cần dùng, đồ tiện, đồ chạm cẩn bằng cây, bằng ngà, bằng vẩy, giần sàng, thúng mủng cùng đồ tế nguyễn.
TƯ HẠNG – Đồ y phục, nhung trang
Bông cán, bông sợi, các thứ vải, gai bố, vải bố ki nỉ, hàng bông hoa thêu thuà, tơ chỉ, hàng trơn, hàng bông, hàng dệt có thêu kim tuyến, gấm nhiễu, đồ hình trẻ nít chơi bời.
Áo quần đờn ông, áo quần đờn bà, nón đờn ông, nón đờn bà, giày, tất. – Đồ mặc riêng tư theo các đấng bậc người. – Đồ trang sức, vòng vàng, chuỗi hột, hổ phách, trân châu.
Binh khí vệ thân. – Thuấn khiên, giáp mão. – Đồ đỡ đánh, búa rìu, qua vác, gươm đao, giáo, lao, cung ná, mác, phản, súng ống, hoả hổ, trái phá, hành trang, dùi gậy, nừng xuyền, lưới, bao, nộm giấy, đồ chơi.
NGŨ HẠNG – Các vật tự nhiên và các đồ bởi trí khôn người ta bày ra
Các thứ đá, các giống bởi các mỏ mà ra, các thứ đất. – Sinh sống.- Muối mỏ. – Chai thường và chai bởi đá mà ra, các thứ thau, các đồ tự nhiên bởi mỏ mà ra như sắt, thau, thiếc, chì, kẽm, bạc và những thứ kéo ra mỏ. – Đồ mạ vàng, mạ bạc, bọc thao, bọc thép. – Đồ đúc như cái chuông, tấm sắt, tấm đồng, tấm chì, tấm thiếc.
Các thứ mủ cây trong rừng. – Các cây dùng mà làm nhà hay là đóng tàu, và cây để mà nấu, các thứ cây xốp, các vỏ cây cho được làm dây, các giống mà thuộc da, thuốc vẽ, thứ thuốc thơm, và củi đốt than. – Các đồ mộc, đồ tre.
Các giống săn như lông chim, lông thú vật, sừng, răng, ngà, xương, đồi mồi, xạ hương. – Các giống người ta làm ra bởi các vật dưới biển, dưới sông, như dầu cá voi, hổ phách, các thứ ốc. – Hột châu, ốc xà cừ. – Các thứ trái hay là các giống không phải trồng như nấm, rêu cây. – Vỏ và giống cho được làm chỉ dùng. – Sáp, chai vân vân. – Bông các giống dệt vải được. – Kén. – Các giống làm cho ra dầu. – Thuốc. – Bùi nhùi. – Các thứ muối. – Các đồ nhuộm. – Nước bởi mỏ mà ra, các thứ nước người ta đạt. – Các giống thuốc thang và thuốc hoàn. – Các thứ chỉ mà sắc. – Các sắc cho đặng nhuộm, chỉ vải, chỉ tơ.
Các đồ cho được thuộc da, dây đờn. – Gan bò.
LỤC HẠNG – Các đồ dùng mà làm các nghề nghiệp
Các đồ lò rèn lò đúc. – Các bản đồ trại. – Các đồ, các máy móc dùng làm cày cấy. – Các giống phân.
Khí giái, bẫy, các đồ đi săn, câu lưỡi câu, lưới, mò và mồi câu.
Các thứ máy nước. – Đồ kéo tơ kéo chỉ mà phải dùng tay. – Đồ để mà dệt. – Cửi thường dệt tơ vải. – Đồ mộc. – Đồ ngựa như khớp, yên ngựa vân vân. Đồ gỗ như cây, đồ kim thạch, vôi, vôi trộn, đá có nhiều sắc, ngói, gạch, gạch tàu.
Đồ để giữ cho cây gỗ khỏi hư. – Các đồ dùng mà đào. – Các đồ kinh đá, đồ thợ xây nhà, đồ thợ mộc.
Kiểu thức bản đồ việc công như cầu, bực đá, nhà quán, bến đỗ tàu các thứ ghe thuyền chạy dưới biển cùng trong sông. – Các thứ hoạ đồ mà xây nhà thuộc về việc thuỷ. – Các thứ ghe.
THẤT HẠNG – Các giống đồ ăn tươi khô muối
Gạo, bắp, các giống hột hay là bột. – Mỡ và dầu, thịt. – Cá khô, mắm và cá ướp. – Các thứ khoai, các thứ đậu. Cây hành tỏi. – Bầu bí. – Rau muối, ngâm đường, ngâm mật vân vân. – Các thứ trái cũng vậy.
Tiêu. – Quế. – Ớt. – Nước mắm. – Mắm thường. – Trà. – Đường. – Mứt. – Trái chanh thơm, cam. – Rượu nếp.
BÁT HẠNG – Các loài vật và các cách thức lập sự cày ruộng
Che làm đường. – Bọng dầu. – Ngựa, bò, trâu, dê, heo, thỏ, chim nuôi quen, chó, tằm, ong, con chồn, con cheo, dê rừng.
CỬU HẠNG – Các thứ cây trồng trong vườn, các thứ bông và cây tốt để mà chưng
Nơi trồng rau, hành, tổi, khoai và đậu. – Các cây có trái. – Các thứ hột cây mà trồng và các thứ mủ cây rừng. – Cây hoa để dùng trong chỗ có lửa
THẬP HẠNG – Các đồ để mà làm cho dân nên sang trọng và ích lợi.
Bản đồ các nhà trường, sách học, lịch. – Các đồ đờn ông, đờn bà, kẻ già, con nít dùng thường như áo, quần, nón, khăn. – Các nghề nghiệp nhứt trong mỗi xứ.
Cách cư xử trong nhà, theo bậc kẻ làm ăn trong các xứ.

+++

(Hết trích)

Toàn cảnh Khu Đấu xảo Hoàn vũ ở Paris năm 1867. ©Gallica.

Đọc lại các văn bản đăng trên tờ Gia Định Báo năm 1866, người đọc hôm nay có thể cảm nhận được sự chuyển ngữ/biên dịch thú vị của các cụ ta xưa liên quan tới nhóm thuật ngữ về mỹ thuật – canh nông – kỹ nghệ vào thời kỳ chữ quốc ngữ đang ở giai đoạn hình thành và phát triển.
Gần đây, qua khảo cứu thư tịch lưu trữ của Pháp và Việt Nam [4, 5, 6], chúng tôi đã xác định được một số văn bản gốc liên quan tới cuộc đấu xảo quốc tế Paris năm 1867 nói trên. Nhờ vậy, chúng tôi đã phát hiện được danh tính của những người Việt đầu tiên có sản phẩm tham dự một cuộc hội chợ – triển lãm quốc tế sớm nhất. Trong bản gốc tiếng Pháp, tên những người Việt được viết không dấu. Do đó, ở bài viết này, chúng tôi xin không ‘đoán mò’ mà giữ đúng nguyên văn. Tuy nhiên, chúng tôi chưa có đủ tư liệu nhằm xác minh xem các cá nhân này có dành được giải thưởng nào ở cuộc đấu xảo quốc tế này hay không, mặc dù có một vài văn bản cho biết “Đế quốc An Nam” (Empire d’Annam) đã tham gia trưng bày chung với Nam Kỳ, và được tặng Huy chương Vàng ở Hạng V – Nhóm 43 (Nông sản dễ bảo quản, không phải là thực phẩm) và một Bằng tưởng lệ chung [6,7]. Như vậy, ngoài các sản phẩm/hiện vật có xuất xứ Nam Kỳ thuộc Pháp, tại cuộc đấu xảo này cũng có những sản phẩm đến từ “Đế quốc An Nam” cho đến thời điểm đó vẫn chưa bị Pháp đô hộ.
Chúng tôi xin liệt kê danh tính những người Việt (tên không dấu) có sản phẩm tham dự Đấu xảo Paris 1867 cùng hạng mục mà họ tham gia. Các thuật ngữ được dịch theo văn bản Pháp – có tham khảo các tờ Gia Định Báo năm 1866-1867.

Một gian trưng bày trong khu thuộc địa Pháp tại Đấu xảo Hoàn vũ, Paris, 1867. ©Worldfairs.info.

Hạng mục 1 (NHẤT HẠNG)
– Nhóm 4 (Tranh vẽ trang trí) – các hiện vật thuộc về ngài Garnier và Ủy ban Canh nông [và Kỹ nghệ] (không nêu tên tác giả cụ thể người Việt nào ở nhóm này).
Hạng mục 3 (TAM HẠNG)
– Nhóm 14 (Đồ gỗ sang trọng): Nguyen-van-Thuoc, Cao-van-Hien, Dan-van-Tanh, Tian-van-Bon, Vo-van-Thu, Duong-van-Guoi, Nguyen-van-Day, Tuong-van-Cu.
– Nhóm 17 (Đồ gốm sứ, đất nung và các đồ kiểu): Nguyen-van-Nui; Nguyen-van-Lan;
– Nhóm 18 (Thảm, thảm trang trí và các loại vải dệt trang trí nội thất khác): Nguyen-van-Thap.
– Nhóm 20 (Dao kéo): Lé-van-Hon; Pham-van-Jao; Lé-van-Sanh; Tran-thi-Cat; Nguyen-van-Lam.
– Nhóm 21 (Đồ kim hoàn và bạc): Nguyen-van-Giay; Thong-tho-tho-Lich.
– Nhóm 25 (Nước hoa): Nguyen-van-Tru.
Hạng mục 4 (TỨ HẠNG)
– Nhóm 27 (Sợi và vải bông): Phan-tan-Gian, Nguyen-thi-Pahoé.
– Nhóm 31 (Lụa và vải lụa): Phan-tan-Gian, Pham-van-Hué; Nguyen-thi-Paoé; Nguyen-van-Than, Huynh-van-Huyen; Nguyen-van-Benh; Trang-van-Voi; Tran-van-Than; Pham-van-Hien; Nguyen-van-Tru; Ngo-van-San; Vo-van-Van, Nguyen-van-Chi; Tran-van-Bao; Tong-Tho.
– Nhóm 34 (Hàng dệt kim và nội y, phụ kiện quần áo): Pham-van-Bon.
– Nhóm 36 (Đồ trang sức, nữ trang): Pham-van-Sanh; Tran-van-Tai; Nguyen-van-Tran; Trang-Long-Than.
– Nhóm 39 (Bánh kẹo và đồ chơi): Nguyen-van-Toi.
– Nhóm 42 (Sản phẩm săn bắn, đánh cá và hái lượm):
o Bộ sưu tập chim muông và thú quý: Paul thi-Thu; Dau-Mot.
o Đồ sừng (Cornes): Nguyen-van-Binh.
Hạng mục 5 (NGŨ HẠNG)
– Nhóm 43 (Nông sản phi thực phẩm): Triều đình An Nam được thưởng 1 Huy chương Vàng ở nhóm này.
Hạng mục 6 (LỤC HẠNG)
– Nhóm 48 (Công cụ và nghề làm ruộng, đi rừng): Dang-van-Day; Nguyen-van-Ké; Lé-van-Tai; Lé-van-Hoa; Pham-van-Hao.
– Nhóm 62 (Dây cương và yên ngựa): Phu-Ca; Nguyen-van-Hoa; Lé-van-Hoa.
Hạng mục 7 (THẤT HẠNG)
– Nhóm 69 (Thịt thà cá mú; sữa và trứng): Cá: Nguyen-van-Song.
– Nhóm 72 (Gia vị và đồ kích thích; đường và các sản phẩm bánh kẹo):
o Các loại cà phê: Duong-van-Long.
o Đường dùng trong nội xứ: May-van-Cap.
– Nhóm 73 (Đồ uống lên men):
o Rượu vang, rượu táo, lê và đồ uống trái cây: Lam-van-Tong; Li-Man, Trang-van-Chung.
o Bia và đồ uống làm từ các loại ngũ cốc khác: Ta-minh-Huong.

Một đặc san của Pháp xuất bản nhân dịp Đấu xảo Hoàn vũ, Paris, 1867 ©François Doucuing.

Tạm kết
Sau thành công của Đấu xảo Hoàn vũ năm 1855, hoàng đế Napoléon III đã tổ chức cuộc đấu xảo hoàn vũ thứ hai của Pháp tại Paris vào năm 1867 để thể hiện rõ hơn quyền lực chính trị và sức mạnh công nghệ của Pháp. Đấu xảo này chính thức khai mạc vào ngày 1/4 và đóng cửa vào ngày 31/10 năm 1867. Có 41 quốc gia/vùng lãnh thổ đã tham gia cuộc Đấu xảo với 10 hạng mục sản phẩm (chia thành 95 nhóm/loại), và thu hút số lượng du khách lên tới hơn 9 triệu lượt người.
Là hội chợ triển lãm lớn nhất thế giới thời bấy giờ, cuộc đấu xảo Paris năm 1867 được giới báo chí Pháp và quốc tế hết sức quan tâm. Tường thuật về gian trưng bày của vùng đất thuộc địa mới của Pháp, một chuyên san phát hành ở Anh (năm 1868) cho biết:
“Mặc dù là thuộc địa trẻ nhất của Pháp, thế nhưng Nam Kỳ lại là một trong những thuộc địa có nhiều hứa hẹn nhất. Những hải cảng tuyệt vời, những dòng sông mênh mông thuận tiện cho giao thông vận tải, đất đai cực kỳ màu mỡ, và dân chúng hiền hòa, chăm chỉ – những yếu tố cần thiết hơn hết để biến vùng đất mới này thành một xứ sở thịnh vượng.

Chiếc lư hương bằng đồng của Nam Kỳ trưng bày tại Đấu xảo Hoàn vũ, Paris, 1867. ©Eugene Rimmel, 1868.

Nông sản chính của Nam Kỳ là lúa gạo; tuy nhiên, mía, bông, thuốc lá, lạc, trầu, cau, và hạt ca cao cũng được trồng khá phổ biến. Có tới hơn hai mươi loại lúa khác nhau được trồng ở miền đất này; một số có thể sử dụng để chế biến đường ăn, nấu rượu vang hoặc cất rượu mạnh.
Người bản xứ ở đây dường như rất quan tâm đến cuộc Đấu xảo [Paris] này, nên ngoài các nguyên liệu thô, họ còn gửi tới đây nhiều mặt hàng, chẳng hạn như các loại giỏ, cần câu, cơi đựng trầu, hộp thuốc lá, lư hương, v.v…”[8] Cuối cùng, xin tóm lược các kết quả khảo cứu mới của chúng tôi về cuộc đấu xảo này:
– Xác định được cụ thể số hạng mục cùng các nhóm sản phẩm mà xứ Nam Kỳ (và Đế quốc An Nam) đã tham gia: 6 hạng mục (1, 3, 4, 5, 6 và 7), phân bố trong 19 nhóm.
– Xác minh được danh tính 59 người Việt có sản phẩm/hiện vật trưng bày tại đấu xảo.
– Tìm được cứ liệu mới cho thấy: Ngoài việc chú trọng khai thác các nguồn tài nguyên quý và sản phẩm nông lâm ngư nghiệp phong phú của Việt Nam và xứ Đông Dương, người Pháp đã sớm chú ý tới đồ thủ công mỹ nghệ của những nghệ nhân tài ba nước Việt, mà cụ thể là ở 6 nhóm sau: Nhóm 4 (Tranh vẽ trang trí); Nhóm 14 (Đồ gỗ sang trọng); Nhóm 17 (Đồ gốm sứ, đất nung và các đồ kiểu); Nhóm 18 (Thảm, thảm trang trí và các loại vải dệt trang trí nội thất khác); Nhóm 21 (Đồ kim hoàn và bạc); Nhóm 36 (Đồ trang sức, nữ trang). Từ đó, có thế thấy rằng việc người Pháp sớm mở các trường dạy nghề thủ công mỹ nghệ và trường mỹ thuật ở Đông Dương và Việt Nam sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Tiến sĩ ANDREA TRẦN – Tiến sĩ PHẠM LONG

Tài liệu tham khảo
[1]. Chế độ thực dân pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954), Tập 2, Nguyễn Đình Tư, NXB THTPHCM, 2016.
[2]. Annuaire Illustré de la Cochinchine pour 1905, Claude et Cte. Editeurs, Saigon, 1905
[3]. Gia Định Báo, số ra ngày 15-04-1866, Sài Gòn.
[4]. L’Exposition Universelle de 1867 Illustrée, Doucing, Paris, 1867.
[5]. Exposition universelle de 1867 à Paris: Catalogue général (2e Édition, Revue et Corrigée), Commission Impériale, Imprimerie Paul Dupont, 1867.
[6]. Gia Định Báo, số ra ngày 01-03-1866, Sài Gòn.
[7]. Rapport sur l’Exposition Universelle de 1867 à Paris, Commission Impériale, Imprimerie Impérial, MDCCCLXIX (1869).
[8]. Recollections of the Paris exhibition of 1867, Eugene Rimmel, London: Chapman and Hall; Paris: Dentu, (1868).
[8]. Trong bản yết thị này có nhiều từ cổ hoặc mang tính địa phương mà hiện chúng tôi vẫn chưa tra cứu được, do đó, rất mong nhận được sự đóng góp của các nhà nghiên cứu và bạn đọc. Chúng tôi chỉ xin đưa ra ở đây một vài chú giải như sau: Pha-lang-sa: Pháp; chàng kì: lâu dài; khí giái: khí giới; tiến văn: văn minh tiến bộ; kiểu thức: kiểu dáng chuẩn mực; chỉ niễn: đường nét xoa, vuốt (trên đồ gốm sứ); in khắt: in khắc; trước ỷ: bàn ghế (ngai) thờ; bình phuông: bình phong; chưng: trưng bày; đồ độ thì khắc: dụng cụ đo thời gian.

(*) Bài viết đăng trên Tạp chí Mỹ thuật số 367-368, tháng 7-8 năm 2023.

Tin cùng chuyên mục

Những dấu ấn quy hoạch, kiến trúc của kiến trúc sư Ernest Hesbrard

Ernest Hébrard (1875 – 1933) sinh ngày 11/9/1875 tại Paris. Ngày 15/10/1891, khi 16 tuổi ông đã bắt đầu theo học tại xưởng vẽ của Trường Đại học Mỹ Thuật Paris (Ecole nationale et spéciale des Beaux Arts de...

Thành phố sáng tạo và nghĩa cử tri ân sự sáng tạo

Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến, với danh hiệu Thành phố vì Hòa Bình đang tiến về phía trước với mục tiêu trở thành thành phố sáng tạo hàng đầu trong khu vực. Trải qua nhiều cuộc chiến...

Biến chuyển cảnh quan truyền thống – hiện đại từ phù thế họa (ukiyo-e) đến phim của Ozu Yasujiro

Tranh khắc gỗ (Ukiyo-e, Phù thế hội) là thể loại độc đáo riêng có của hội họa Nhật Bản, thể hiện một cách đầy thi vị và đa diện về cõi phù thế của những thị dân Edo. Ukiyo-e cũng đã...

Đào tạo sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật trong đại học đa ngành

Các trường đại học đa ngành cùng tư duy liên ngành được kỳ vọng có thể đóng góp vào cách tiếp cận mới trong đào tạo đội ngũ sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật (VHNT). Ðó...

Triển lãm phác thảo tranh Nguyễn Gia Trí

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh danh họa Nguyễn Gia Trí, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm Những phác thảo tranh của họa sĩ...

Có thể bạn quan tâm

Một góc nhìn hội họa Việt Nam từ các phiên đấu giá quốc tế năm 2018

  Các phiên đấu lớn của Christie’s, Sotheby’s, Aguttes năm 2018 đã khép lại với nhiều bâng khuâng. Tuy không đạt đỉnh, đạt mốc kỷ lục như “The Family” của Lê Phổ với hơn...

Triển lãm “Ngũ hình” quy tụ 24 tác phẩm lấy cảm hứng từ chất liệu truyền thống

Sáng 30/3, tại di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm “Ngũ hình” quy tụ 24 tác phẩm của nhóm họa sĩ yêu thích những chất liệu truyền thống. 24...

TAM GIÁC MẠCH – TRIỂN LÃM NHÓM TẠI 16 NGÔ QUYỀN

  Hà Nội những ngày cuối xuân tiết trời còn dịu mát. Người yêu Mỹ thuật Hà Nội lại được ngắm nhìn những tác phẩm mới của nhóm Tam giác mạch. Những bông hoa tam giác mạch nhỏ xinh, màu...

ĐỖ HIỆP – NGHỆ SĨ LÀ TẤM HÌNH PHẢN CHIẾU TỪ XÃ HỘI

  Đỗ Hiệp: sinh năm 1984. tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật hà nội (2007). Cao học Đại học Mỹ thuật Việt Nam (2012). Hiện đang sống và hoạt động nghệ thuật tại Hà Nội. Chủ nhiệm...

 NHỮNG KÝ ỨC THÁNG NĂM

  Khi tôi ra đời, ba tôi đã năm mươi tuổi. Ông vui mừng biết bao, sau bao năm ông mới có đứa con gái đầu lòng của chính mình. Ông coi tôi là viên ngọc quí và đặt tên con là Ngọc Huyền (Lấy...