Thực hành giám tuyển trong giáo dục nghệ thuật

Với tư cách là một nghệ sĩ-nhà giáo dục, tôi ví vai trò cố vấn-hướng dẫn của mình giống như vai trò của một curate-người chăm lo,[1] được tin tưởng chăm sóc những sinh viên đại học bằng những mục tiêu lý tưởng dễ gây ấn tượng là thay đổi thế giới thông qua giáo dục nghệ thuật.

Tác giả Pamela Harris Lawton

Những vai trò này thường mang lại cho tôi cơ hội curate-giám tuyển[2] các cuộc triển lãm nghệ thuật ở nhiều địa điểm khác nhau, với các tác phẩm được sáng tạo bởi nhiều nghệ sĩ, từ trẻ nhỏ đến người lớn tuổi. Thông qua kinh nghiệm cá nhân thuật lại, bài viết này đề cập đến nhu cầu đào tạo chính quy về thực hành giám tuyển cho các nhà giáo dục nghệ thuật đang và chuẩn bị làm việc. Mùa thu năm đầu tiên tôi giảng dạy tại Đại học Virginia Commonwealth (VCU), Fred Wilson đã được mời đến với tư cách nghệ sĩ thỉnh giảng. Khán phòng chật kín giảng viên và sinh viên. Cuối bài giảng, ông yêu cầu các sinh viên nghệ thuật thuộc nhóm thiểu số cân nhắc việc trở thành giám tuyển, bởi có quá ít giám tuyển không phải người da trắng tổ chức triển lãm, cũng như có quá ít triển lãm trình bày quan điểm của người không phải da trắng và đương đầu với đại tự sự. Câu chuyện là một phương tiện giao tiếp mạnh mẽ và hiện vật chứa đựng trong chúng những câu chuyện. Cách các bảo tàng và phòng trưng bày sắp xếp các hiện vật để triển lãm thường kể một câu chuyện một chiều. Cung cấp cho học sinh K-12 (từ mẫu giáo cho tới lớp 12 – ND) trải nghiệm giám tuyển sẽ giúp họ nâng cao hiểu biết phúng dụ và khái niệm nghệ thuật, cũng như cách sắp xếp các hiện vật phản ánh hệ tư tưởng văn hóa chính thống. Khi nghĩ về yêu cầu của Wilson đối với sinh viên, tôi đã suy ngẫm về kinh nghiệm tổ chức các cuộc triển lãm tác phẩm của cả sinh viên và nghệ sĩ chuyên nghiệp. Lớn lên ở Washington, DC, xung quanh là các viện bảo tàng miễn phí và thường xuyên đến thăm chúng, tôi không nhớ mình đã từng gặp thuật ngữ ‘giám tuyển’ hay gặp giám tuyển cho đến tận năm thứ nhất trung học. Đây là năm mà nghệ thuật đã thay đổi cuộc đời tôi. Giáo viên mỹ thuật đã đăng ký cho tôi theo một chương trình trường học-bảo tàng đặc biệt mang tên Khám phá Đồ họa (Discover Graphics), hợp tác giữa Bảo tàng Nghệ thuật Hoa Kỳ Smithsonian, sau đó là Bộ sưu tập Mỹ thuật Quốc gia và 26 trường trung học ở Washington, DC, Maryland và Bắc Virginia. Mười lăm học sinh được chọn hàng năm để tham gia. Chương trình tổ chức trong không gian trưng bày của bảo tàng được trang bị như một xưởng in chuyên nghiệp, đã giới thiệu cho học sinh trung học các quy trình in chạm nổi, in khắc lõm, in lụa và in từ mặt phẳng. Năm đầu tiên tham gia chương trình, tôi đã học quy trình khắc aquatint, tạo ra một bức chân dung tự họa và một bức chân dung của Groucho Marx. Tôi lại tham gia với tư cách là học sinh cuối cấp và học về in thạch bản. Các cuộc triển lãm tác phẩm của sinh viên được tổ chức hai năm một lần tại một trong những phòng trưng bày của bảo tàng. Năm cuối cấp, tôi tham gia thiết kế catalogue cho triển lãm lưỡng niên, đồng viết bài phỏng vấn giám tuyển. Các học sinh được tham gia vào mọi khía cạnh của triển lãm, bao gồm cả việc giám tuyển các tác phẩm để trưng bày. Các giải thưởng từ các phòng trưng bày địa phương được trao cho kỹ năng và ý tưởng, đồng thời một số bản in đã bán được hoặc nhận được giải thưởng tiền mặt. Tôi đã nhận được giải thưởng từ một phòng trưng bày địa phương và đã bán được bản in ‘Groucho’ của mình – đó là khởi đầu cho mối lương duyên của tôi với nghề in ấn và bảo tàng.

Nhiều năm sau, sau khi lấy được bằng đại học và thạc sĩ về studio art và in ấn, với tư cách là một giáo viên nghệ thuật, tôi đã đồng giám tuyển một số cuộc triển lãm ở trường trung học với các đồng nghiệp của mình tại trường, trong khu học chánh và khu vực quanh trường học. Lúc đó, bất kỳ ai trong chúng tôi cũng không hề nghĩ đến việc đưa học sinh vào quá trình này; rằng việc học cách xem và lựa chọn các tác phẩm nghệ thuật, nhóm chúng theo những cách có hiệu quả về mặt thẩm mỹ và chủ đề, tất cả đều phải là một phần của nền giáo dục nghệ thuật toàn diện.

Sau ba năm dạy trung học, tôi bắt đầu học tiến sĩ về giáo dục nghệ thuật tại Trường Cao đẳng Sư phạm, Đại học Columbia. Khoa nghệ thuật và giáo dục nghệ thuật nằm trong khuôn viên của Phòng trưng bày Macy, mang đến cho sinh viên nhiều cơ hội để tổ chức các cuộc triển lãm, bao gồm cả Nghệ thuật Giảng dạy Sinh viên (Art of Student Teaching) hàng năm do các giáo sinh tổ chức. Cuộc triển lãm này trưng bày các tác phẩm của học sinh K-12 lẫn các tác phẩm nghệ thuật do các giáo sinh dạy các em tạo ra. Tuy nhiên, không có học sinh K-12 nào tham gia giám tuyển chương trình.

Khi còn là sinh viên, tôi được yêu cầu làm việc với một nghiên cứu sinh đến từ Kenya để tổ chức một hội thảo cuối tuần và triển lãm về nghệ thuật, giáo dục nghệ thuật và các nghệ sĩ đến từ Cộng đồng người Châu Phi; một nhiệm vụ to lớn. Ngoài việc lên kế hoạch các hội thảo về âm nhạc, khiêu vũ, kể chuyện, nghệ thuật thị giác và viết sáng tạo, chúng tôi còn tổ chức một cuộc triển lãm các tác phẩm của 26 nghệ sĩ, bao gồm cả chúng tôi và một số sinh viên da màu khác, trong Phòng trưng bày Macy.

Mặc dù kinh qua trải nghiệm tuyệt vời này khi còn là một sinh viên, hỗ trợ Điều phối viên Phòng trưng bày Macy, vốn cũng là một sinh viên, lẫn sau này với tư cách là một nhà giáo dục nghệ thuật, tôi vẫn chưa nhận ra rằng học cách giám tuyển một cuộc triển lãm là một kỹ năng quan trọng đối với bất kỳ sinh viên studio art, lịch sử nghệ thuật hoặc giáo dục nghệ thuật nào. phát triển. Việc giám tuyển tổng hợp một số bộ kỹ năng mà hầu hết sinh viên nghệ thuật có được như một phần của quá trình đào tạo chính quy, chẳng hạn như phê bình mang tính xây dựng, kiến thức thẩm mỹ, lịch sử và nghệ thuật; nhưng hiếm khi được vận dụng khi giám tuyển.

Sau này, khi làm Giám đốc Giáo dục Nghệ thuật ở Trường Cao đẳng Nghệ thuật và Thiết kế Corcoran, tôi có vinh dự được hợp tác chặt chẽ với các nhà giáo dục bảo tàng trong phòng trưng bày để tổ chức các hội thảo phát triển chuyên môn cho giáo viên địa phương, cộng tác trong các chương trình cộng đồng/trường học/bảo tàng, trao cơ hội thực tập và giảng dạy cho sinh viên giáo dục nghệ thuật, và tạo ra các phòng trưng bày tương tác kết nối với triển lãm – miễn là được giám tuyển phê duyệt. Tôi giám tuyển các cuộc triển lãm hàng năm với sự hỗ trợ của sinh viên đại học và sau đại học ngành giáo dục nghệ thuật trong không gian trưng bày của trường đại học. Tuy nhiên, trong chương trình thạc sĩ giáo dục nghệ thuật của chúng tôi không có khóa đào tạo chính quy nào về cách giám tuyển một cuộc triển lãm. Giám tuyển được hiểu là một quá trình trực quan, một quá trình mà bạn tự mình tìm ra bằng nỗ lực, giống như học cách trang trí bảng thông báo; điều mà người ta cho rằng tất cả giáo viên nghệ thuật đều đã biết cách làm.

Về nhu cầu đào tạo giám tuyển chính quy, ở Mỹ, chỉ một số chương trình đào tạo giáo viên nghệ thuật yêu cầu các khóa học về phê bình nghệ thuật và mỹ học, vốn chứa đựng một số dẫn nhập chính thức về lĩnh vực giám tuyển. Có những con đường khác để các nhà giáo dục nghệ thuật đạt được kỹ năng giám tuyển. Ví dụ, có 14 chương trình giáo dục giám tuyển ở Bắc Mỹ, kéo dài từ hai tuần đến hai năm tại các bảo tàng, tổ chức giáo dục đại học và các nhà đấu giá. Thậm chí còn có những chương trình giám tuyển dành cho học sinh trung học. Ngoài ra, còn có rất nhiều trường học đặt trọng tâm vào bảo tàng học. Nhiều bảo tàng và tổ chức văn hóa cung cấp chương trình đào tạo cho thanh thiếu niên, chẳng hạn như Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia, nhưng những chương trình này yêu cầu học sinh tham gia ngoài giờ chính khóa. Do thiếu các khóa học nghiên cứu về bảo tàng và thực hành giám tuyển ở cấp trung học, điều quan trọng đối với giáo viên nghệ thuật là phải chuẩn bị để dạy học sinh thông qua các ví dụ về sự giao thoa giữa studio art, lịch sử nghệ thuật, mỹ học và phê bình thông qua thực hành giám tuyển; để cung cấp cho học sinh hiểu biết sâu sắc hơn về thế giới nghệ thuật nói chung. Nếu không được đào tạo và có kinh nghiệm tương xứng, giáo viên nghệ thuật có thể cảm thấy chưa được chuẩn bị đầy đủ để dạy các yếu tố thực hành giám tuyển.

Phòng trưng bày Macy, nơi cung cấp các cơ hội thực hành giám tuyển cho giáo sinh

Giám tuyển là một khía cạnh của triển lãm. Có ít nhất bốn giai đoạn trong bất kỳ cuộc triển lãm kiểu gallery nào[3] đòi hỏi kiến thức chuyên môn với nhiều bộ kỹ năng khác nhau như lên lịch, sắp đặt/gỡ sắp đặt và quảng bá. Ở một mức độ nào đó, giáo viên nghệ thuật cần phải thành thạo từng kỹ năng này để dạy chúng một cách hiệu quả cho học viên. Burton bổ sung thêm giai đoạn thứ năm, triển lãm như một công cụ đánh giá và giảng dạy. Các giai đoạn của triển lãm theo phong cách gallery như sau:[4]

  1. Lập kế hoạch: bao gồm việc quản lý một chủ đề/trọng tâm; phát triển đội triển lãm; phân công vai trò; đảm bảo không gian triển lãm; điều phối lịch trình và thời gian; lựa chọn và chuẩn bị tác phẩm trưng bày.
  2. Sắp đặt: thiết kế triển lãm; chuẩn bị không gian vật lý/ảo; tạo nhãn và biển báo; sắp đặt và chiếu sáng tác phẩm.
  3. Quảng bá: quảng cáo triển lãm, áp phích, thiệp điện tử, bưu thiếp; tổ chức các sự kiện triển lãm, chiêu đãi, phê bình, bế mạc, tọa đàm, v.v.; viết đánh giá, phỏng vấn; sản xuất catalogue hoặc tài liệu quảng cáo.
  4. Hậu kỳ: gỡ sắp đặt; sửa chữa không gian, sắp xếp dụng cụ; đánh giá quá trình triển lãm và giám tuyển.

Burton cho rằng triển lãm như một hình thức đánh giá đích thực, trong đó quy trình triển lãm được mô tả ở trên cho phép học viên thể hiện những gì họ biết một cách trực tiếp, giúp giáo viên đánh giá chính xác hơn. Giám tuyển và trưng bày nghệ thuật của học viên không chỉ xây dựng sự tự tin của học sinh và dạy cho họ rằng nghệ thuật là một hình thức diễn thuyết trước công chúng, mà triển lãm còn đóng vai trò là công cụ vận động mạnh mẽ. Những trải nghiệm này tạo cơ hội cho học viên và giáo viên phát triển hơn nữa các kỹ năng giám tuyển, giúp rèn luyện kỹ năng ra quyết định. Vì vậy, cần phải có một số khóa đào tạo chính quy về thiết kế triển lãm và giám tuyển cho các giáo viên nghệ thuật.

Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia

Với tư cách là những nhà giáo dục nghệ thuật, chúng ta đã là những nhà curator-người chăm lo, những người bảo vệ và hướng dẫn cho những trí tuệ trẻ, nhưng nếu chúng ta muốn phát triển những kỹ năng cần thiết để trở thành những curator-giám tuyển và dạy cho học viên những kỹ năng này, thì một số chương trình đào tạo chính quy về giám tuyển và triển lãm sẽ hữu ích. Những người có bằng cấp studio art và thực hành nghệ thuật cá nhân tích cực đã phát triển các kỹ năng phê bình, giám tuyển và triển lãm. Những người khác phát triển một số kỹ năng giám tuyển theo thời gian thông qua việc tổ chức trưng bày tác phẩm của học viên với tư cách là giáo viên nghệ thuật. Tuy nhiên, việc đào tạo có chủ định hơn theo bốn giai đoạn được thảo luận ở trên, kết nối các kỹ năng phê bình và giám tuyển được phát triển trong đào tạo studio art với đào tạo giáo viên nghệ thuật sẽ giúp chuẩn bị tốt hơn cho các nhà giáo dục nghệ thuật, để họ cảm thấy tự tin khi dạy những kỹ năng này cho học sinh K-12, cũng như hiểu những kỹ năng đó sẽ cải thiện khả năng học tập nghệ thuật của học viên như thế nào.

Vậy đào tạo giám tuyển có thể áp dụng những hình thức nào? Các chương trình chuẩn bị cho giáo viên nghệ thuật trước khi làm việc thường bao gồm các buổi triển lãm tác phẩm do giáo sinh hỗ trợ tổ chức trong quá trình thực tập, nhưng điều này thường diễn ra vào cuối chương trình của họ. Khuyến khích học viên đề xuất và tổ chức các cuộc triển lãm về tác phẩm của chính họ và của bạn bè trong không gian trưng bày của trường đại học là một cách để phát triển kỹ năng giám tuyển. Học viên có thể làm việc với các cố vấn giáo dục nghệ thuật và studio để tổ chức triển lãm của riêng mình. Việc này thường xuyên hơn đối với các chuyên ngành studio art, nhưng không thường xuyên đối với các chuyên ngành giáo dục nghệ thuật. Một khả năng khác là bao gồm các buổi đọc, bài giảng từ các giám tuyển địa phương, giảng viên bảo tàng học và những người có kinh nghiệm giám tuyển trong các khóa học về phương pháp nghệ thuật, hoặc một khóa học nhỏ kéo dài 5 tuần về giám tuyển và triển lãm dành riêng cho nhóm K-12. Đối với giáo viên tại chức, các hội thảo phát triển chuyên môn về phê bình, giám tuyển và triển lãm có thể được tổ chức với các chuyên gia bảo tàng địa phương và giảng viên đại học. Việc tham gia vào các chương trình đào tạo với bảo tàng địa phương cũng có thể là một khả năng. Các nhà quản lý và nhà giáo dục bảo tàng, vốn cung cấp cái nhìn sâu sắc về tầm nhìn và thực tiễn giám tuyển, sẽ thường tiến hành đào tạo giảng viên.

Các khía cạnh then chốt của thực hành giám tuyển như phê bình mang tính xây dựng, phát triển thẩm mỹ và kiến thức nghệ thuật là những bộ kỹ năng mà giáo viên nghệ thuật có hiệu quả cao thể hiện và học viên nghệ thuật cần phải học. Qua mỗi cuộc triển lãm mà mình tham gia, tôi học hỏi được nhiều hơn, hiểu rõ hơn và đánh giá cao tầm quan trọng của việc phát triển các kỹ năng liên quan đến thực hành giám tuyển dành cho các học viên ngành giáo dục nghệ thuật trù bị và đang hành nghề. Tôi muốn chuẩn bị tốt hơn cho học viên của mình, để họ có thể dạy học sinh K-12 tốt hơn, những người một ngày nào đó có thể trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp và/hoặc người thụ hưởng nghệ thuật, tham gia diễn thuyết trước công chúng, về các chủ đề trải nghiệm con người nhằm nâng cao hiểu biết của họ thông qua việc thực hành nghệ thuật, chiêm ngưỡng và diễn giải nghệ thuật.

Phạm Minh Quân lược dịch từ bài viết ‘Curate1, curate2 | curator1, curator2: Curatorial practice in art education’ của Pamela Harris Lawton, đăng trên tạp chí Visual Inquiry: Learning & Teaching Art, 6: 1, năm 2017, tr. 95-105.

Tin cùng chuyên mục

Odilon Redon người tự minh họa giấc mơ

Odilon Redon (1840 – 1916) là một nghịch lý khuất lấp. Ông sống giữa thời đại Ấn tượng và hậu-Ấn tượng trăm hoa đua nở của những Renoir, Gauguin và Van Gogh. Song, ngoại trừ được công nhận trong...

Nhìn lại nỗ lực chuyển ngữ Curator sang tiếng Việt

Năm 1942 Giáo sư Hoàng Xuân Hãn trong Lời dẫn sách Danh từ khoa học đã có những bàn luận sâu sắc, định hướng cho hoạt động chuyển ngữ các danh từ khoa học phương Tây sang tiếng Việt (1). Trong...

Mối quan hệ giữa mỹ thuật ứng dụng và các loại hình nghệ thuật khác

Khi nói tới mối quan hệ qua lại giữa các ngành nghệ thuật, tới sự trợ giúp và ảnh hưởng lẫn nhau của chúng; cũng như sự tác động của các loại hình nghệ thuật khác tới sự sáng tạo mỹ...

Những dấu ấn quy hoạch, kiến trúc của kiến trúc sư Ernest Hesbrard

Ernest Hébrard (1875 – 1933) sinh ngày 11/9/1875 tại Paris. Ngày 15/10/1891, khi 16 tuổi ông đã bắt đầu theo học tại xưởng vẽ của Trường Đại học Mỹ Thuật Paris (Ecole nationale et spéciale des Beaux Arts de...

Thành phố sáng tạo và nghĩa cử tri ân sự sáng tạo

Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến, với danh hiệu Thành phố vì Hòa Bình đang tiến về phía trước với mục tiêu trở thành thành phố sáng tạo hàng đầu trong khu vực. Trải qua nhiều cuộc chiến...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

Triển lãm “Dương – Duyên”

Vào lúc 17h00 thứ Ba ngày 9 tháng 1 năm 2024, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ diễn ra lễ khai mạc triển lãm “Dương – Duyên”. Triển lãm giới thiệu tới công chúng hơn 50 tác phẩm trên chất...

GIỚI THIỆU SÁCH CÁC CẤU TRÚC TINH THẦN CỦA NGHỆ THUẬT CỦA VŨ HIỆP

    Lời nhà xuất bản Đây là cuốn sách của một tác giả 36 tuổi, còn quá trẻ để viết một cuốn sách lý thuyết như thế này. Một nhà nghiên cứu có thể không cần có quá nhiều thời gian...

Thông điệp môi trường qua sắc màu hội họa

Không chỉ bảo vệ môi trường qua những bức tranh tuyên truyền, hội họa chuyên nghiệp cũng thể hiện tinh thần xanh một cách sâu sắc. Điển hình như tại triển lãm Thú tiêu dao (đang diễn ra tại...

Bộ sưu tập collection Tạp chí Tết năm 2020

  JOSEPH INGUIMBERTY (1896-1971) Tác phẩm: Hai cô gái bên bờ ao Năm sáng tác: Khoảng 1940-1943 Chất liệu: Sơn dầu Kích thước: 106x81cm Thuộc bộ sưu tập Nghệ thuật Quang San, Tp. Hồ Chí Minh   Joseph...

TIẾNG VỌNG TỪ THIÊN NHIÊN

  Từ thuở sơ khai, con người và thiên nhiên đã luôn “chung sống” cùng với nhau, đó là mối quan hệ đặc biệt và gắn kết chặt chẽ. Con người lựa chọn, tạo dựng môi trường sống cho mình...