Những dấu ấn quy hoạch, kiến trúc của kiến trúc sư Ernest Hesbrard

Ernest Hébrard (1875 – 1933) sinh ngày 11/9/1875 tại Paris. Ngày 15/10/1891, khi 16 tuổi ông đã bắt đầu theo học tại xưởng vẽ của Trường Đại học Mỹ Thuật Paris (Ecole nationale et spéciale des Beaux Arts de Paris). Ngày 01/8/1892, ông đỗ Khoa Kiến trúc với thành tích học tập tốt và đạt được các giải thưởng danh giá về kiến trúc. Đến Hà Nội năm 1921, tới năm 1923 ông được bổ nhiệm nhiệm đứng đầu Sở Kiến trúc Quy hoạch đô thị trung ương (Đông Dương). Người viết dựa vào thông tin lưu trữ và bài viết “Hà Nội: Ernest Hébrard và vấn đề đô thị hóa ở Đông Dương” của Emmauel Pouille biên soạn nhân dịp 100 năm sự kiện này (1923 – 2023).

Đà Lạt đầu Thế kỷ 20.

Quy hoạch Hà Nội do kiến trúc sư danh tiếng của nước Pháp thực hiện

Trước khi đến Đông Dương, Ernest Hébrard đã nổi tiếng sau khi chủ trì quy hoạch cải tạo thành phố Thessaloniki tại Hy Lạp, một dự án hiện đại hóa thành phố lịch sử bị trận hỏa hoạn lớn phá hủy phần lớn vào năm 1917, ông đã hoàn thành đồ án này với sự hỗ trợ các kiến trúc sư Hy Lạp Aristotelis Zachos và Konstantinos Kitsikis. Hébrard còn được biết đến qua các dự án khác như là nâng cấp Casablanca và cung điện Diocletian tại Split.

Đến Đông Dương năm 1921, làm việc theo hợp đồng lao động ký với Toàn quyền Đông Dương ngày 11/7/1921, Hébrard sẽ thực hiện nhiệm vụ ở thuộc địa trong 6 tháng. Sau đó có thể gia hạn tiếp. Đến tháng thứ 5, Hébrard phải báo cáo Toàn quyền về kết quả công việc và 15 ngày sau, Toàn quyền sẽ thông báo cho Hébrard về việc để ông về Pháp hay giữ lại Đông Dương. Trong thời gian ở Đông Dương, mức lương được hưởng của kiến trúc sư là 600 đồng bạc Đông Dương và 6400 francs. Công việc đầu tiên của Hébrard tại Đông Dương là lập sơ đồ mở rộng và chỉnh trang thành phố Đà Lạt, cùng thời gian đó, (1921) ông Maurice Long (Toàn quyền Đông Dương) yêu cầu thành lập một Sở Kiến trúc Quy hoạch đô thị trung ương tại Hà Nội, để thực hiện luật quy hoạch đô thị của Pháp, (luật Cornudet – 1919): lập quy hoạch các thành phố có quy mô trên 10.000 dân như Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng và Phnôm Pênh. Năm 1923, Ernest Hébrard được bổ nhiệm đứng đầu Sở Kiến trúc Quy hoạch đô thị trung ương với trọng trách nắm bắt những quy định về chuẩn mực và những nguyên tắc quy hoạch đô thị được soạn thảo tại chính quốc để vận dụng cho phù hợp tại Đông Dương. Khi đó việc áp dụng Cornudet cũng mang lại cho ông cơ hội tổ chức hình thái đô thị không phải theo các cơ hội phát triển nhà đất và những luồng di dân mà theo một phương pháp quy hoạch dự đoán trước quá trình phát triển và coi trọng tính thẩm mỹ đô thị ẩn sau các nguyên tắc chỉnh trang.

Những nỗ lực vì sự đồng nhất trong kiến trúc quy hoạch Hà Nội

Bản sơ đồ quy hoạch tổng thể thành phố Hà Nội ra đời năm 1924 chắc chắn sẽ cho phép điều chỉnh sự tất yếu của một trong những thành phố quan trọng nhất của chính quyền thực dân trong những thập niên tiếp theo, đồng thời tạo ra một hình thái đô thị được xây dựng dựa trên một bố cục về cấu trúc chặt chẽ và mang tính biểu tượng, đặc trưng cho trường phái quy hoạch đô thị Pháp: trường phái hình học với những công trình có tính đột phá kết hợp hài hòa với những khoảng không gian công cộng và mở ra triển vọng xây dựng các công trình mang tính biểu tượng cao.

Bản đồ Hà Nội năm 1929.

Trước khi Hébrard tới Hà Nội thì thành phố đã có những sơ đồ năm 1890 do cán bộ Sở Giao thông công chính thành phố lập và bản đồ 1902 do Sở Địa lý Đông Dương lập. Hébrard áp dụng những nguyên tắc đơn giản có điểm chung với các chuyên gia đô thị ở các nước thuộc địa được đào tạo theo trường phái Pháp: “phân vùng” (zoning) – thuật ngữ rất thịnh hành kể từ 1910, không chấp nhận tính đơn giản của sơ đồ kiểu ô bàn cờ mà ông cho là “tệ hại”, bởi kiểu sơ đồ này không tôn được giá trị của các tòa nhà lớn qua hình thức phối cảnh công trình, bố trí những hàng cây thẳng tắp “theo kiểu Pháp” tạo nên cảm giác nghỉ ngơi và cho bóng mát, quy hoạch các công viên lớn và những khu tản bộ “theo gương thành phố Rangoon”, bởi giải pháp này có lợi thế tạo ra những khu đất dự trữ cho tương lai mà không biến dạng thành “những đầm lầy hôi thối”.

1924 – 1928

Đối với giải pháp phân vùng, vấn đề vệ sinh công cộng và phân bố các hoạt động của hai thế giới cần khu biệt trong một lãnh thổ, tại Hà Nội là khu phố Tây và khu phố Ta với những lý do hạn chế dịch bệnh lan truyền, song Hébrard cho rằng nhất thiết phải có sự tiếp xúc giữa hai khu vực này, giống như các thiểu thương và công nhân sống ở những thành phố hiện đại của chúng ta vẫn sống tách biệt với tầng lớp tư sản, mà không cần một ranh giới tuyệt đối nào. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận một thực tế “thật hiếm khi những người Âu sống trong những khu vực của người bản địa, ngược lại những người bản địa khá giả thường sống trong những khu vực của người châu Âu. Sơ đồ quy hoạch tổng thể do Ernest Hébrard vẽ năm 1924 có vị trí quan trọng trong lịch sử quy hoạch đô thị Hà Nội và có thể coi như một ý tưởng tiêu biểu việc nhu nhập vào lãnh thổ thuộc địa những quy định của chính quốc. Sơ đồ quy hoạch đã góp phần làm thay đổi bộ mặt thành phố, với ý tưởng quy hoạch các không gian công cộng, đề cao phép phối cảnh đô thị, quy hoạch khu trung tâm hành chính mới ở phía Tây của thành cổ và đẩy mạnh đô thị hóa về phía hồ Tây. Chính vào thời điểm đó, qua quá trình đô thị hóa, khu phố của người Âu đã bắt đầu thể hiện “tính hiện đai” của mình trước tính không đồng nhất của khu nhượng địa cũ.

Những tấm bản đồ Hà Nội do Sở Địa lý Đông Dương xuất bản trong những năm sau thấy rõ sự tuân thủ sơ đồ quy hoạch do Ernest Hébrard vẽ năm 1924. Cộng sự và cấp phó của ông: KTS Luis Geoges Pineau đã dành gần 20 năm chi tiết hóa sơ đồ tổng thể của Hébrard bằng sơ đồ quy hoạch “Hà Nội, giới hạn phía trong đường vành đai, tháng 01/1943”. Phần chú giải chia thành 7 khu vực khác nhau. Sơ đồ cũng nêu rõ các dịch vụ, đường cần mở hoặc mở rộng, khu vực công cộng, ao hồ hiện hữu… với khu đất lớn để xây dựng khu đại học và nhà ở cho công nhân hỏa xa.

Các công trình kiến trúc mang phong cách Đông Dương tại Hà Nội

Ernest Hébrard làm việc tại Hà Nội trong 10 năm, ngoài vai trò đứng đầu Sở Kiến trúc Quy hoạch đô thị trung ương, ông còn tham gia giảng dạy lớp đào tạo Kiến trúc sư tại Trường Mỹ thuật Đông Dương ngay từ khi mới thành lập (1926) và các hoạt động của Viện Viễn đông Bác cổ Pháp (EFEO – Ecole Francaise d’ Extreme -Orient) đã được ghi nhận có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu các di tích lịch sử trong việc tạo ra sự đổi thay lớn phát triển đô thị. Với sự nỗ lực các nhà khoa học khảo cổ, địa lý nhân sinh, nghiên cứu văn hóa lịch sử, nghệ thuật, nhân chủng… tại EFEO, năm 1925 đã nêu ra vấn đề ranh giới của các vùng và khu vực “sẽ gìn giữ chung quanh một số công trình và có liên quan tới hiệu lực xếp hạng (các công trình di sản được bảo vệ)” – Văn bản này có liên quan tới Angkor, song đã mở đường cho “tầm nhìn của một công trình xếp hạng” và “phạm vi bảo vệ” được đưa ra trong những điều luật tại Pháp từ năm 1943 – 1966 và ảnh hưởng tới những quy định bảo vệ di sản tại Việt Nam hiện nay. Kho tàng di sản văn hóa lịch sử phương đông từ Trung Quốc, Nhật Bản, Angkor, Chămpa và khắp các vùng miền Việt Nam đã để lại dấu ấn sâu sắc trong các tác phẩm kiến trúc do Hébrard thiết kế tại Hà Nội: Trường Đại học Tổng hợp Đông Dương (sau là trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), năm 1923 – 1926; Trường Viễn Đông Bác cổ (sau này là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam), 1928 – 1932; Nhà thờ Cửa Bắc, 1931; Sở Tài chính Đông Dương, 1925 – 1928 (nay là Trụ sở Bộ Ngoại giao Việt Nam); Viện Pasteur (nay là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), hoàn thành năm 1930;

 

Những đường phố mới mở hoặc mở rộng hơn theo quy hoạch của Ernest Hébrard năm 1928.

Tại Hà Nội, một phần lớn của sơ đồ quy hoạch tổng thể năm 1924 được Hébrard dành cho quy hoạch khu vực Phủ toàn quyền. Dự án được triển khai gần Hồ Tây trên những khu đất mua của công ty “La Fonciere” theo sáng kiến của toàn quyền Maurice Long, với dự kiến tập hợp các cơ quan nằm rải rác trong thành phố về khu vực mới. Hoàn toàn thoát ly với những sơ đồ quy hoạch đã có trước đó, Hébrard đã đưa hình mẫu đồ án đương đại như Canberra ở Australia hay New Delhi ở Ấn Độ vào quy hoạch Hà Nội. Đồ án tập trung vào khu trung tâm hành chính, gồm các công sở trung ương, đáp ứng yêu cầu của Maurice Long. Hébrard đề xuất tập hợp các công sở còn nằm phân tán trong thành phố giống như quy hoạch khu hành chính Rabat của Ma-rốc của kiến trúc sư Henri Prost. Nha Tài chính, Nha Học chính, Tư Pháp và Sở Nông nghiệp được bố trí theo trục đối xứng xuyên tâm. Phủ Toàn quyền mới nằm trục chính, còn toà nhà cũ giao cho Hội đồng Đông Dương. Đồ án được toàn quyền Martial Merlin phê chuẩn năm 1925 và bắt đầu thực hiện từ việc quy hoạch góc tam giác ở giao lộ Puginier.

Ngoài các công trình kiến trúc, quy hoạch thực hiện tại Hà Nội, Hébrard còn thực hiện Đồ án quy hoạch thành phố Đà Lạt, hoàn thành tháng 8 năm 1923; Kiến trúc công trình Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Thành phố Hồ Chí Minh. Có thể không nhiều về số lượng nhưng những tư tưởng tiên phong trong quy hoạch đô thị hiện đại, khai thác các yếu tố bản địa một cách chọn lọc của ông đã đóng góp rất giá trị, tạo ra một thành phố Hà Nội kiêu hãnh trong thập kỷ 1925 -1943: là một trong ba thành phố châu Á đẹp nhất thời kỳ đó (cùng với Tokyo và Thượng Hải).

 

Giao lộ Puginier (nay là phố Điện Biên Phủ) với đại lộ Giovaninelli (nay là phố Lê Hồng Phong), góc bên phải là tòa nhà Nha Tài chính (nay là trụ sở Bộ Ngoại giao). Ảnh chụp từ trên máy bay

Trải qua gần trăm năm lịch sử, các công trình do kiến trúc sư Ernest Hébrard thiết kế vẫn luôn được đánh giá là công trình kiến trúc đẹp, hài hòa, với hệ mái ngói nhiều lớp kiểu kiến trúc phương Đông, tiêu biểu cho phong cách Kiến trúc Đông Dương, tạo nên vẻ đẹp độc đáo góp phần tô điểm kiến trúc đô thị Hà Nội.

Kiến trúc sư TRẦN HUY ÁNH

(*) Bài viết đăng trên Tạp chí Mỹ thuật số tháng 9-10 năm 2023

Tin cùng chuyên mục

Thành phố sáng tạo và nghĩa cử tri ân sự sáng tạo

Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến, với danh hiệu Thành phố vì Hòa Bình đang tiến về phía trước với mục tiêu trở thành thành phố sáng tạo hàng đầu trong khu vực. Trải qua nhiều cuộc chiến...

Biến chuyển cảnh quan truyền thống – hiện đại từ phù thế họa (ukiyo-e) đến phim của Ozu Yasujiro

Tranh khắc gỗ (Ukiyo-e, Phù thế hội) là thể loại độc đáo riêng có của hội họa Nhật Bản, thể hiện một cách đầy thi vị và đa diện về cõi phù thế của những thị dân Edo. Ukiyo-e cũng đã...

Đấu xảo hoàn vũ Paris năm 1867 – Hội chợ triển lãm quốc tế đầu tiên có người Việt tham gia

Hoàn cảnh và lý do người Việt có mặt tại Đấu xảo Hoàn vũ ở Paris năm 1867 Sau Hòa ước Nhâm Tuất (05-06-1862), thực dân Pháp được quyền chiếm đóng và quản lý ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Vào...

Đào tạo sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật trong đại học đa ngành

Các trường đại học đa ngành cùng tư duy liên ngành được kỳ vọng có thể đóng góp vào cách tiếp cận mới trong đào tạo đội ngũ sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật (VHNT). Ðó...

Triển lãm phác thảo tranh Nguyễn Gia Trí

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh danh họa Nguyễn Gia Trí, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm Những phác thảo tranh của họa sĩ...

Có thể bạn quan tâm

Triển lãm trực tuyến gây quỹ xây nhà cho bà con khó khăn ở Quảng Nam và Thừa Thiên Huế

Triển lãm trực tuyến với chủ đề “Xuôi dòng sông Thu” năm 2023, diễn ra từ nay đến ngày 9-11, các tác phẩm trưng bày tại website www.xuoidongsongthu.com, và nền tảng mạng xã hội Facebook của nhóm...

NGUYỄN NAM SƠN – ÔNG GIÀ KIM LIÊN

  Họa sĩ Nam Sơn là người đã cống hiến suốt cuộc đời không hề mệt mỏi cho sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam đương đại. Ông đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng và có sức ảnh...

Xuân Gieo Vang – Vũ Tuyên

...

Triển lãm mỹ thuật Đông Dương quy mô lớn nhất tại Việt Nam

NDO – Từ ngày 14 đến 17/8, Sotheby’s tổ chức triển lãm mang tên “Mộng Viễn Đông” tại Park Hyatt Saigon, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây được xem là một trong những triển lãm nghệ thuật Đông...

NGUYỄN SÁNG, MỘT NGƯỜI CON CÓ HIẾU

  Trong một lần gặp gỡ tình cờ tôi quen biết bác Nguyễn Đình Tân (sinh 1936) là anh em cọc chèo với Nguyễn Sáng. Khi biết tôi làm ở báo Mỹ thuật, bác quý mến lắm. Thi thoảng, hai bác cháu gặp...