Triển lãm “Xuân” của ba họa sĩ trẻ: Trần Quang Thái, Đào Mai Ngọc và Nguyễn Đình Văn diễn ra vào những ngày đầu của năm Quý Mão – 2023, ấn tượng hơn cả trong triển lãm là những tác phẩm sơn mài truyền thống với đề tài, kỹ thuật và phương pháp mang dấu ấn riêng của từng họa sĩ.
Sơn mài được coi là một lĩnh vực sáng tác đầy khó khăn và “cực nhọc”, để hoàn thành được một bức tranh sơn mài đòi hỏi người họa sỹ phải bỏ ra rất nhiều công sức…, điều mà không phải họa sĩ trẻ nào cũng dám thử thách và đối mặt, chưa kể tới việc chuyên tâm đeo đuổi nó. Họa sĩ Lê Thiết Cương từng chia sẻ: “Gần 90% họa sĩ Việt thành danh là từ sơn dầu, phần còn lại là các chất liệu khác trong đó bao gồm sơn mài. Ai chọn sơn mài là cả sự đam mê và can đảm”
Đối với họa sĩ Trần Quang Thái, từ lâu đã ghi dấu bởi những tác phẩm sơn dầu nhẹ nhàng, bay bổng về các loài hoa, đặc sắc nhất là hoa sen, hoa quỳnh, nay điểm tô thêm các tác phẩm sơn mài – vốn là cũng là sở trường của anh. Bút pháp của Thái đơn giản, cô đọng, các mảng màu được kêt hợp tinh tế, càng tôn lên nét đẹp hoang sơ, và không gian văn hóa vùng cao lung linh, huyền ảo. Hơi thở sơn ta như len vào từng mảng vàng, mảng bạc, ánh đen sắc lạnh sâu thẳm nhờ màu Then, nhịp đỏ Son rung động trên má con gái miền sơn cước.
Họa sĩ Nguyễn Đình Văn tạo ấn tượng với người xem bởi sự tỉ mỉ và sắc nét trong từng hình, mảng. Những tác phẩm của anh hướng về hồn cốt lá hoa, cây cỏ, như một sự trở về và hòa quyện với tự nhiên. Cảnh sắc thiên nhiên qua bàn tay tài hoa của người họa sỹ, vốn được sinh ra trong gia đình có bề dày về nghệ thuật sơn mài càng như quyến rũ và thu hút hơn. Sơn mài của anh dẫn dắt người xem bước vào những khoảng trời thực mà không thực.
Với Đào Mai Ngọc, nữ họa sỹ lựa chọn cho mình con đường sáng tác riêng về các tác phẩm tĩnh vật: hoa hướng dương, hoa sen, hoa chuối… với đường nét dịu dàng, uyển chuyển, giàu thiên tính nữ. Là một họa sỹ trẻ nhưng Đào Mai Ngọc đã sẵn sàng dấn thân trên con đường nhọc nhằn, gian khổ của nghệ thuật sơn mài. Cô táo bạo tìm kiếm chất liệu, kỹ thuật mới, sẵn sàng thể nghiệm các phương pháp tạo hình khó khăn, để có được những tác phẩm về hoa, về tĩnh vật khác lạ trong không gian đẫm màu truyền thống.
Tất cả các tác phẩm được ba họa sỹ giới thiệu ở triển lãm lần này được sáng tác hoàn toàn theo kĩ thuật thuần truyền thống, tạo nên những họa phẩm sơn mài đậm bản sắc Việt. Chúng được sáng tác bằng chất liệu sơn ta, được mài phẳng, bề mặt để lộ ra những mảng màu trong trẻo và sâu thẳm, chứa đựng cả yếu tố ngẫu nhiên, bất ngờ tạo nên sự độc đáo của một tác phẩm hội họa riêng biệt và duy nhất.
“…Thể chất lộng lẫy của sơn mài làm thỏa sức nghệ sỹ khát khao đi tìm một chất phẩm mới, ngon mắt và xúc động mạnh hơn sơn dầu. Thể chất sơn cánh dán, sơn then, vàng bạc ở sơn mài linh biến, linh động, không còn là thể chất không hồn nữa. Màu của sơn mài đằm thắm, sắc nhị âm vang sâu rộng rung tới tận đáy lòng người xem… Sơn mài, một ngành hội họa mới do tay người Việt Nam dựng lên, sẽ đem lại cho thế giới hội họa sự điều hòa hình, sắc, chất mong đợi và sự điều hòa khuynh hướng trái ngược nhau đã gạt những nghệ sỹ thiết tha với cuộc sống ra từng nhóm tách biệt và mâu thuẫn”. (Thuyết trình của họa sỹ Tô Ngọc Vân tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, 1948). Như nhận định về tranh sơn mài của danh họa Nguyễn Gia Trí, có tác giả đã từng nói: “Tranh của nghệ sĩ Trí đặt cái cổ kính bên cạnh cái tân kỳ, cái lộng lẫy sang trọng cạnh sự giản dị mộc mạc, ý tưởng hy vọng đặt bên cạnh sự hoài niệm… Trên những màu hồng nhợt biến hóa, những sắc nâu óng ả, thẳm sâu, những vỏ trứng như đổi tất cả thể chất để thành quý vật. Những màu hoen hoen đứng cạnh nhau, cân đối dung hòa một cách tuyệt khéo, đem lại cho người biết hưởng cảm giác bồn chồn rạo rực….”.
Những tác phẩm tại triển lãm chính là những sáng tạo, những cá tính riêng, độc đáo của những họa sĩ nặng lòng và yêu mến nghệ thuật sơn mài. Hi vọng Triển lãm “Xuân” sẽ là khởi đầu may mắn, là nét chấm phá sơn mài rực rỡ trong năm Quý Mão – 2023.
Xuân Tiến – Tú Anh