Khi nhận được bản thảo đã lên ma-két của cuốn sách Bí danh Huỳnh Phương Đông của hai tác giả, hai người bạn trẻ mà tôi yêu mến : Phạm Hoàng Việt và Nguyễn Hùng Cường, thú thực là tôi rất bất ngờ. Và từ bất ngờ đi đến ngạc nhiên.
Ồ! Đây thực sự là một “cuốn sách” ư? Bởi vì nó không hề giống với những cuốn sách về nghệ thuật tôi đã từng làm hay đã từng đọc, ngoại trừ phần in các tranh vẽ của họa sĩ Huỳnh Phương Đông. Ít nhất cũng là như thế về mặt cảm giác.
Ngay cái tên sách cũng lạ, lạ ở chữ “bí danh”. Sao lại là “bí danh”? Nó khiến tôi tò mò và muốn tìm hiểu ngay các tác giả đã dàn dựng, giải quyết nội dung của cuốn sách như thế nào để chữ ‘bí danh’ ấy được sử dụng với lý do thuyết phục.
* * *
Và rồi, tôi như bị cuốn sách hút vào, cho dù có đến gần 1/3 nội dung đầu của sách cứ “trở đi trở lại”, thậm chí “lặp đi lặp lại”, “nhắc đi nhắc lại” những thông tin và tình tiết xoay quanh cái “bí danh” của họa sĩ Huỳnh Công Nhãn là Huỳnh Phương Đông, hoặc ngược lại, tên thật của họa sĩ Huỳnh Phương Đông chính là Huỳnh Công Nhãn.
Có lẽ phải yêu người họa sĩ ấy lắm, trân trọng người họa sĩ ấy lắm, hiểu kỹ người họa sĩ ấy lắm, các tác giả của cuốn sách mới có thể làm được điều đó mà không gây nhàm chán, vì cái mà tôi gọi là sự trở đi trở lại, lặp đi lặp lại ở đây thực ra có khác nhau ở bên trong, khác ở sắc thái trình bày, khác ở cảm hứng trình bày, và đôi khi, khác ở một vài chi tiết rất nhỏ, bình dị nhưng được sử dụng đắt giá, mà phải xem, đọc trong trạng thái thư thái mới lĩnh hội được chủ ý và cảm thụ được công phu của các tác giả.
Cuốn sách Bí danh Huỳnh Phương Đông của Phạm Hoàng Việt và Nguyễn Hùng Cường có lẽ đã ở bên ngoài các thể loại thông thường vẫn được gọi là mang “tính phụ thuộc cổ điển” hoặc “truyền thống”; chỉ được thực hiện dường như duy nhất bằng nhu cầu thể hiện tình cảm rất riêng của hai bạn đối với người họa sĩ mà hai bạn ngưỡng mộ, yêu thích, không còn câu nệ vào bất cứ nguyên tắc làm sách “cứng nhắc” nào nữa. Tôi tin rằng, cách nhìn, cách đặt chủ đề, cách truyền đạt bằng chữ và hình ảnh của hai bạn vì thế chắc chắn sẽ nhận được sự cảm thông, chia sẻ của đông đảo bạn đọc.
* * *
Nhân dịp này, tôi cũng muốn đóng góp thêm cho cuốn sách Bí danh Huỳnh Phương Đông của hai bạn Việt và Cường câu chuyện nhỏ của tôi ở tư cách vừa là người may mắn được chứng kiến một số thời kỳ lịch sử của ngành mỹ thuật nước ta vừa là người đã từng viết ít nhiều về họa sĩ Huỳnh Công Nhãn tức Huỳnh Phương Đông.
Trên thực tế, tôi đã được nghe đến danh tiếng của một họa sĩ có tên gọi là “Huỳnh Phương Đông” từ rất lâu trước khi được biết tên thật của ông là Huỳnh Công Nhãn. Thời kỳ ông Huỳnh Công Nhãn học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội, ông Quang Phòng bố tôi có tham gia giảng dạy tại đó, vào cuối những năm 50 của thế kỷ trước. Người đầu tiên nói cho tôi biết Huỳnh Phương Đông tên thật là Huỳnh Công Nhãn, “cậu Nhãn” – chính là bố tôi. Ông Nhãn kém bố tôi một tuổi, học xong ông đi B, rồi kể từ sau hòa bình ông ở lại hẳn miền Nam quê hương ông, nên bố tôi và ông rất ít có dịp gặp nhau.
* * *
Năm 1967, bố tôi (khi ấy là cán bộ của Nhà xuất bản Mỹ thuật – Âm nhạc) và ông Huỳnh Văn Thuận (Bí thư Đảng đoàn Hội Mỹ thuật Việt Nam) được cử sang Bắc Kinh để in ba tập ký họa : Miền Nam Việt Nam – Đất nước, Con người (ba tập ký họa này Phạm Hoàng Việt và Nguyễn Hùng Cường có đề cập đến trong cuốn sách Bí danh Huỳnh Phương Đông).
Trong sáu họa sĩ tác giả của bộ tranh : Cổ Tấn Long Châu, Lê Văn Chương, Huỳnh Phương Đông, Thái Hà, Lê Hồng Hải và Nguyễn Văn Kính, có lẽ chỉ có Huỳnh Phương Đông và Thái Hà, vốn từng sống, học mỹ thuật và làm việc ở Hà Nội, là những người bạn cũ của bố tôi và ông Huỳnh Văn Thuận.
Về chuyến đi công tác ấy, bố tôi đã từng viết :
“… Năm 1967, qua một đường dây liên lạc, Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật Việt Nam nhận được mấy bưu kiện tranh từ các vùng giải phóng miền Nam gửi ra, của sáu họa sĩ Huỳnh Phương Đông, Thái Hà, Cổ Tấn Long Châu, Lê Văn Chương, Lê Hồng Hải, Nguyễn Văn Kính… Tất cả hơn 200 tranh lập tức được trưng bày rất trân trọng tại trụ sở 51 Trần Hưng Đạo, Hồ Chủ Tịch, các ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đến xem và nhiệt liệt khen ngợi các họa sĩ miền Nam đã phản ánh rõ nét, tuy chỉ mới là một phần nào về cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân miền Nam…
… Tranh được xếp sắp thành ba tập : Chiến đấu quân sự – Đấu tranh chính trị – Hoạt động ở hậu phương và được đưa sang in ở Trung Quốc. Tám nhà in lớn ở Bắc Kinh đã khẩn trương làm việc suốt đêm ngày trong hai tháng để hoàn thành ấn phẩm đặc biệt quan trọng này – làm hậu thuẫn cho cuộc chuẩn bị tổng nổi dậy long trời lở đất của nhân dân miền Nam Tết Mậu Thân 1968.” (Mỹ thuật hiện đại Việt Nam, Nhà xuất bản Mỹ thuật, Hà Nội, 1996. Trang 61).
Với tôi, bố tôi còn kể : Ngày ấy Trung Quốc được xem là một cường quốc về ngành in. Tất cả các bản in của ba tập tranh kể trên đều được in bằng kỹ thuật “ống đồng”, nghe đâu in tới sáu màu, và đều được in từ bản chụp trực tiếp tác phẩm do đoàn Việt Nam mang theo sang. In thử xong, các chuyên gia nhà in Trung Quốc cho làm “bordure” viền quanh một số bản in và tranh thật tương ứng theo từng cặp, với tỷ lệ khuôn khổ như nhau, rồi đố hai ông bạn họa sĩ Việt Nam nhận ra đâu là bản in đâu là tranh thật, làm cho hai ông bạn Việt Nam “vã mồ hôi”, bởi họ in quá chuẩn. “Mấy nét phấn màu của Huỳnh Phương Đông cứ gợn lên óng ánh trên phiên bản giống thực tới mức chỉ sợ động vào dây ra tay” – bố tôi cứ xuýt xoa như vậy cho dù sự việc xảy ra đã mấy chục năm…
Tôi vẫn nhớ năm ấy bố tôi và ông Huỳnh Văn Thuận đi xuyên qua Tết (Tết Đinh Mùi). Đó cũng là cái Tết đầu tiên và duy nhất gia đình tôi phải xa bố tôi và ăn Tết ở nơi sơ tán thuộc ngoại thành Hà Nội.
Hiện tôi vẫn còn lưu lại bản đánh giá của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, viết bằng tiếng Trung, về chuyến công tác của hai họa sĩ Việt Nam tại Trung Quốc.
Năm 2008, trong cuốn Từ điển họa sĩ Việt Nam, cũng do Nhà xuất bản Mỹ thuật xuất bản, về họa sĩ Huỳnh Phương Đông, tôi đã viết :
“…Họa sĩ nổi tiếng qua hàng loạt tranh – ký họa về Miền Nam Việt Nam – Đất nước, Con người” trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật 2007.
Tên thật là Huỳnh Công Nhãn. Quê tỉnh Sóc Trăng. Hiện sống tại Thành phố Hồ Chí Minh…
… Ông có biệt tài vẽ nên những cảnh tượng chiến trận ác liệt qua cái nhìn “nhè nhẹ”, với một bút pháp nhạy bén, linh động và lối cắt cảnh tự nhiên – kết quả của một quá trình sáng tác lâu dài ngoài mặt trận, nơi ông trải nghiệm hội họa bằng những phương tiện giải quyết nhanh như thuốc nước, phấn màu, chì than.
Ngay từ 1958, ông đã có một tranh sơn dầu đáng chú ý : Xưởng đóng tàu (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam). Các tác phẩm thực hiện sau hòa bình : Tổ chiến đấu (1980, sơn mài), Tình đồng chí (1981, sơn dầu), Trận Ấp Bắc (1982, sơn dầu), Trận đánh phía nam cầu chữ Y, Mậu Thân 1968 (1985, sơn mài, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), Trận La Ngà (1994, sơn dầu), Trận Bình Giã, tiêu diệt chiến đoàn M113 (1999, sơn dầu, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) và một số tác phẩm điêu khắc”.
* * *
Theo cuốn sách của Phạm Hoàng Việt và Nguyễn Hùng Cường thì bí danh, bút danh “Huỳnh Phương Đông” cũng chính là tên người con trai duy nhất của họa sĩ, vốn được vợ chồng họa sĩ đặt theo tên gọi của con tàu vũ trụ Phương Đông. Riêng tôi thì nghĩ rằng, cái tên ấy có thể còn có ý nghĩa khác nữa : Phương Đông tức là “phía mặt trời mọc”, “hướng về phía mặt trời mọc”, và người họa sĩ của chúng ta muốn đi về phía mặt trời!
Đã có rất nhiều họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ đi vào chiến trường miền Nam với những bí danh, bút danh khác nhau, và cũng phần nhiều trong số họ chỉ sử dụng chúng như một phương tiện tạm thời của thời chiến.
Làm cho bí danh, bút danh của mình trở nên rực rỡ, vẻ vang bằng tài năng, tâm hồn và nhân cách của mình, gìn giữ nó xứng đáng trong suốt sự nghiệp của mình, những nghệ sĩ như thế không nhiều lắm, và họa sĩ Huỳnh Phương Đông là một trong những nghệ sĩ như thế.
Hà Nội, ngày 4.11.2021
Quang Việt