Câu chuyện 10 năm hoạt động nghệ thuật của Nhóm nghệ sĩ điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn
Lịch sử nghệ thuật tạo hình cho thấy, phần lớn hoạt động nghệ thuật của các nhóm nghệ sĩ thường tự tan rã trong khoảng thời gian dưới 10 năm, bất chấp tên tuổi, tầm ảnh hưởng của nhóm có thể tạo ra một trào lưu, thậm chí một chủ nghĩa nghệ thuật có tính quốc tế. Có lẽ, đặc thù của sáng tạo nghệ thuật khó có thể dung nạp cùng lúc nhiều lý tưởng, mục tiêu, quan niệm, cá tính, phong cách nghệ thuật càng lúc càng đòi hỏi sự khác biệt và tôn vinh cá nhân. Mặc dù vậy, nhiều nhóm nghệ sĩ đã đi vào lịch sử nghệ thuật tạo hình như những người mở đường để thế hệ hậu sinh tiếp tục viết nên câu chuyện văn hóa thời đại.
Nhóm nghệ sĩ điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn (hay Sài Gòn – Hà Nội) được thành lập từ 2010 theo ý tưởng và vai trò chủ xướng của nhà điêu khắc Đào Châu Hải (Hà Nội), nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn (TP. Hồ Chí Minh). Mục tiêu của nhóm nhằm xây dựng nền tảng riêng cho sự phát triển của điêu khắc đương đại, tức song song với các hoạt động tổ chức bởi các thiết chế nhà nước, những nghệ sĩ điêu khắc ở hai trung tâm muốn giới thiệu hoạt động sáng tạo của mình theo một mô hình độc lập, hai năm một lần luân phiên ở Hà Nội và TP. HCM. Nhóm tự đứng ra tổ chức triển lãm, tự lo kinh phí sáng tác, vận chuyển… đôi lần nhận được hỗ trợ về không gian trưng bày hoặc sự giúp đỡ của vài cá nhân, tổ chức.
Thành viên của nhóm hầu hết là những nhà điêu khắc tự do hoặc đã /đang là giảng viên các trường nghệ thuật chuyên nghiệp, có uy tín nghề nghiệp, tích cực hoạt động trong môi trường mỹ thuật quốc gia và nhất là phần đa họ đều quan niệm sáng tạo chú trọng tới tính đặc trưng của nghệ thuật Hiện đại (Modern Art): tính phổ quát (universality), khả năng biểu cảm /diễn giải độc lập của hình khối chất liệu và loại bỏ mục tiêu tự sự (narrative).
Triển lãm điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn lần thứ 6, từ 11/9 đến 8/10/2020 tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), Hà Nội, với 32 tác giả, 63 tác phẩm đã đánh dấu chặng đường 10 năm hoạt động của nhóm, một cột mốc để ghi nhận những chuyển biến, hạn chế và là một thời điểm phù hợp để (tái) nhận thức chặng đường kế tiếp.
Từ cuộc triển lãm lần thứ nhất năm 2010 tại TP. HCM cho tới triển lãm lần thứ 6 tại Hà Nội có thể thấy ngay sự mở rộng thành viên của nhóm, từ 15 nghệ sĩ tăng dần tới 32 nghệ sĩ. Thành viên và số lượng tác phẩm tham dự tăng gấp đôi, một biểu đồ cho thấy sức hút nghề nghiệp đối với các nhà điêu khắc, khả năng lan tỏa, ảnh hưởng tới môi trường nghệ thuật và nhìn xa hơn sẽ thấy nó mang theo kỳ vọng thúc đẩy sự dịch chuyển tích cực của bối cảnh văn hóa xã hội, chính sách hỗ trợ hoạt động sáng tạo nghệ thuật của nhà nước. Đáng chú ý là sự phát triển về lượng có sự tham gia của những nghệ sĩ trẻ hứa hẹn giàu năng lượng tìm tòi thể nghiệm: 11 nghệ sĩ sinh những năm 1980 và 5 nghệ sĩ sinh những năm 1990, chiếm một nửa tổng số thành viên của nhóm.
Sự biến đổi về lượng qua 6 cuộc triển lãm còn nằm ở sự đa dạng về phong cách tạo hình, chất liệu và chủ đề tác phẩm; từ trừu tượng, tối giản, siêu thực, biểu hiện, pop art, biểu tượng, tượng hình (figurative), tới ý niệm (conceptual art); từ chất liệu kim loại, gỗ, đá, gỗ sơn màu, giấy bồi, sơn đắp, gốm, tới composite, sợi thủy tinh, chất liệu tổng hợp… Chủ đề đi từ những khái niệm phổ quát như tự do, thời gian, chuyển động, hình /bóng, sinh sôi /biến đổi, thiên nhiên… cho tới những câu chuyện cụ thể về người nông dân, thị dân đương thời, ký ức tuổi thơ, sự cô đơn, khao khát tự do của con người hiện đại…
Sự phát triển trong hoạt động của nhóm nghệ sĩ điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn sẽ để lại dấu ấn trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam với vai trò là một tổ chức nghệ sĩ điêu khắc độc lập tiên phong, những người kích thích nỗ lực sáng tạo, mở rộng tiếng nói của nghệ thuật điêu khắc trong bối cảnh hạn chế nhiều mặt của môi trường văn hóa xã hội; nhưng trên hết, điểm nhấn cho đến thời điểm 10 năm hoạt động sẽ là sự ghi nhận các cá nhân, những người vượt ra tên tuổi của nhóm, định vị được tiếng nói riêng trong nghệ thuật tạo hình đương đại Việt Nam.
Tuy nhiên, sự biến đổi về lượng sẽ kéo theo kỳ vọng biến đổi (theo chiều hướng tích cực) về chất và nó sẽ là một áp lực tự nhiên đối với các nghệ sĩ. Nếu bước tiếp, con đường tương lai cần loại bỏ tính tự phát, ngẫu hứng, chú trọng sự đồng thuận cơ bản về lý tưởng /tuyên ngôn nghệ thuật; hay cụ thể hơn, mỗi kỳ triển lãm không chỉ là một event tập hợp các nghệ sĩ hai miền mà (cần phải) có những chủ đề chuyên biệt, những khái niệm /quan niệm nghệ thuật mới mẻ đòi hỏi, thách thức năng lực sáng tạo, thể nghiệm triệt để, ngõ hầu tác động tích cực tới môi trường mỹ thuật đương đại, tác động tới xã hội và khả năng trao đổi, hợp tác quốc tế.
Và trong những kỳ triển lãm sắp tới của nhóm nghệ sĩ điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn, mong đợi của công chúng sẽ là nhiều hơn (chỉ) sự phát triển về lượng hoặc giả đây là kỳ triển lãm cuối cùng của nhóm thì âu cũng là một câu chuyện quen thuộc trong lịch sử nghệ thuật – một sự kết thúc tốt đẹp cần thiết, khép lại vai trò rất đáng ghi nhận của một nhóm nghệ sĩ điêu khắc tiên phong ở Việt Nam.
Hà Nội, ngày 4, tháng 8, 2020
Vũ Huy Thông