Thành phố sáng tạo và nghĩa cử tri ân sự sáng tạo

Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến, với danh hiệu Thành phố vì Hòa Bình đang tiến về phía trước với mục tiêu trở thành thành phố sáng tạo hàng đầu trong khu vực. Trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt, Hà Nội may mắn còn bảo lưu được vài công trình kiến trúc tiêu biểu tri thức, có giá trị biểu tượng cao như Khuê Văn Các, Tháp Bút, và tòa nhà chính Đại học Đông Dương. Ba công trình này đều gắn bó với trí tuệ kiệt xuất, đó là Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành, danh nho Nguyễn Văn Siêu, kiến trúc sư Ernest Hébrard. Dường như sự tri ân dành cho những sáng tạo xuất sắc với các bậc tài danh đó vẫn chưa thỏa đáng, đặc biệt với tên tuổi của KTS Ernest Hébrard.

Khuê Văn Các. Ảnh tư liệu

Khuê Văn Các – biểu tượng tri thức Thủ đô

Kiến trúc không chỉ là một tòa nhà; một ngôi đền, đó là một hình thức giao tiếp và nghệ thuật, nó là một cấu trúc được con người xây dựng, đáp ứng những công năng cụ thể; và luôn phải đối diện trước thử thách của thời gian. Các công trình kiến trúc ngay từ buổi bình minh của nền văn minh và đã phát triển theo thời gian để thể hiện sức mạnh hoặc đưa nghệ thuật và khoa học vào một công trình. Các công trình kiến trúc trên khắp thế giới cung cấp cái nhìn sâu sắc về cuộc sống, văn hóa và các giá trị của tổ tiên chúng ta. Trong loại hình kiến trúc biểu tượng, những chiếc cổng thường được trở thành một loại kiến trúc biểu tượng (Symbolic architecture). Khải hoàn môn Paris, Brandenburg Gate Berlin hay cổng đền Itsukushima shrine của Nhật Bản từ một hạng mục kiến trúc trở thành công trình kiến trúc biểu tượng và hơn thế, đã thực sự trở thành một biểu tượng văn hóa của các quốc gia đó. Khuê Văn Các cũng như thế, đã trở thành biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.
Khuê Văn Các là một công trình kiến trúc đẹp nhất ở Văn Miếu. Văn Miếu là nơi thờ Khổng Tử, được xây dựng ở kinh đô Thăng Long vào năm Thần Vũ thứ hai đời vua Lý Thánh Tông (tức năm 1070). Tới năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập ngay bên cạnh Văn Miếu trường Quốc Tử Giám – là trường dành riêng cho con vua và con em hoàng tộc, các bậc quyền quý.

Qua sử liệu và sách vở ghi chép cho ta có thể hình dung về quy mô kiến trúc và lịch sử xây dựng của khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám chỉ từ thời Lê Sơ. Trong “Đại Việt sử ký toàn thư” vào năm Quý Mão, niên hiệu Hồng Đức thứ mười bốn (1483), Lê Thánh Tông, đã thực hiện một đợt đại trùng tu. Cũng theo bộ sử này, vào tháng 11 niên hiệu Hồng Thuận năm thứ ba (1511) vua Lê Tương Dực sai Nguyễn Văn Lang sửa lại điện Sùng Nho ở Quốc Tử Giám và 2 giải vũ, 6 nhà Minh luân, phòng bếp, phòng kho. Nhà bác học Lê Quý Đôn trong Kiến Văn tiểu lục (viết năm 1777) như sau: “cửa Đại Thành, nhà 3 gian 2 chái, lợp bằng ngói đồng (ngói ống), Đông vũ và Tây vũ hai dãy đều 7 gian, đằng sau cửa nhỏ 1 gian, điện canh phục 1 gian 2 chái, nhà bếp 2 gian, kho tế khí 3 gian 2 chái, cửa Thái học 3 gian, có tường ngang lợp bằng ngói đồng (ngói ống), nhà bia phía đông và tây đều 12 gian, kho để ván khắc sách 4 gian, ngoại nghi môn 1 gian, xung quanh đắp tường, cửa hành mã ngoài tường ngang 3 gian, nhà Minh luân 3 gian 2 chái, Cửa nhỏ bên tả và bên hữu đều 1 gian, có tường ngang. Nhà giảng dạy ở phía đông và phía tây 2 dãy, mỗi dãy đều 14 gian. Phòng học của học sinh tam xá ở phía đông và phía tây đều ba dãy, mỗi dãy 25 gian, mỗi gian 2 người.”. Qua ghi chép tỉ mỉ của Lê Quý Đôn có thể chắc chắn rằng chưa hề có Khuê Văn Các.

Với cương vị là Tổng trấn Bắc thành, là một vị danh tướng văn võ toàn tài, Nguyễn Văn Thành đã cho sửa sang lại Văn Miếu. Trên bức hoành phi ghi ba chữ đại tự Khuê Văn Các có dòng lạc khoản đề: Gia Long tứ niên, xuân (Làm tấm biển vào mùa Xuân, năm Gia Long thứ 4 – 1805).

Tháp Bút. Ảnh tư liệu

Tháp Bút – Đài Nghiên– biểu tượng khí phách trí thức Hà thành

Trong bài thơ Hà Nội của thần đồng thi ca Trần Đăng Khoa có đoạn thơ miêu tả cảm xúc của một cậu bé từ quê lần đầu ra thăm Hà Nội. Bài thơ này luôn được coi là một trong những bài thơ hay nhất về Hà Nội. Bài thơ vẽ lại chính xác và khái quát nhất những nét đặc sắc nhất Hà Nội. Cảnh sắc Hồ Gươm chỉ qua 4 câu thơ mà nói lên được khí phách và tinh hoa văn hiến của người Hà Nội:

Hà Nội có Hồ Gươm
Nước xanh như pha mực
Bên hồ ngọn Tháp Bút
Viết thơ lên trời cao

Hồ Gươm là không gian thiêng liêng của người Hà Nội, với mật độ đậm đặc các di tích lịch sử quanh hồ. Tháp Bút – Đài Nghiên gắn bó với Thần Siêu (danh nho Nguyễn Văn Siêu, 1799-1872) là một điêu khắc biểu tượng (symbolic sculpture) xuất sắc trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam thời Cận đại. Cùng với Khuê Văn Các, Bút Tháp-Đài Nghiên là hai công trình nghệ thuật có tính đại diện nhất cho văn hóa của Thủ đô Hà Nội.

Tháp Bút mang tính chất điêu khắc biểu tượng cao, gắn bó với danh nhân Nguyễn Văn Siêu. Tháp Bút nổi tiếng ngay từ khi khánh thành (1866), là biểu tượng hiên ngang, khí phách của kẻ sĩ. Cuốn sách “Điêu khắc hoành tráng Việt Nam thế kỷ XX-Thành tựu và vấn đề” đã không phải vô cớ chọn hình ảnh Tháp Bút của Thần Siêu ra làm bìa. Tháp Bút được xây dựng có chủ đích rõ ràng, chẳng những gắn bó với danh nhân Nguyễn Văn Siêu mà còn là một tuyệt tác nghệ thuật. Tháp Bút có hình tháp đá cao năm tầng cao 28m, phía trên ngọn tháp là phần ngọn chiếc bút lông. Cả cán và ngòi bút cao 0,9m. Trên thân ba tầng giữa có khắc theo chiều dọc ba chữ Tả Thanh Thiên mang nghĩa “Viết lên trời xanh”. Bài Bút Tháp chí do Nguyễn Văn Siêu soạn, khắc trên thân tháp ở tầng thứ ba mặt nhìn về hướng Tây ghi mục đích của việc lập ngôi tháp là tuyên dương võ công của chúa Trịnh Doanh và sự trường tồn của văn hiến.

Cùng với Tháp Bút, Thần Siêu cho xây Đài Nghiên tạo thành cặp Tháp Bút-Đài Nghiên. Nghiên được đặt trên tòa cửa đầu tiên dẫn vào đền, là một nghiên mực bằng đá xanh đẽo tạc theo hình nửa quả đào, cắt ngang theo chiều dọc, khoét lõm. Bề dài quả đào 0,97m, bề ngang 0,8m, cao 0,3m, chu vi 2m, có ba con thiềm thừ (con cóc) đội nghiên như ba cái chân kiềng. Hình ảnh những con cóc gắn với hình tượng thầy đồ Cóc mang ẩn dụ của kẻ sĩ gánh vác sự nghiệp văn hóa của dân tộc.
Đặc biệt trên thân của nghiên có khắc một bài minh mà tác giả lại cũng là Nguyễn Văn Siêu. Chỉ có 64 chữ Hán nhưng ý tứ rất hàm súc, lại được khắc bằng kiểu chữ lệ thư. Tháp Bút – Đài Nghiên ngay từ khi xuất hiện đã được công chúng chào đón nhiệt liệt, có rất nhiều câu ca, bài thơ về danh thắng này. Một trong những bài thơ sớm nhất là của Trần Tuấn Khải – bài “Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ”.

Tòa nhà chính Đại học Đông Dương – biểu tượng nền tân học

Đại học Đông Dương có quyết định thành lập từ năm 1906. Quá trình xây dựng diễn ra trong nhiều giai đoạn. Trong khoảng từ 1923-1928 là giai đoạn đỉnh cao, định hình diện mạo kiến trúc của Đại học Đông Dương. Cuốn “Việt Nam qua kiến trúc thuộc địa” (Vietnam à travers l’architecture coloniale) của tác giả Arnauld Le Brusq là một bức tranh toàn cảnh về các thành phố và kiến trúc các công trình ở Việt Nam trong những năm từ 1860 đến 1945. Cuốn sách tuy không quá dày nhưng đã khảo cứu những công trình quan trọng ở Việt Nam thời thuộc địa. Nổi bất trong số các công trình được tác giả khảo cứu kỹ lưỡng là tòa nhà Đại học Đông Dương. Kiến trúc sư Ernest Hébrard đã mất nhiều công sức thay đổi lại toàn bộ thiết kế mặt đứng và các chi tiết trang hoàng kiến trúc đã được phê duyệt năm 1924.
Bản vẽ mặt trước toà nhà trung tâm của Đại học Đông Dương do Charles Lacollonge, Kiến trúc sư-Chánh Sở Công thự lập năm 1924, rất ít những chi tiết phương Đông. Công trình này mở đầu phong cách “style indochinois” do KTS Ernest Hébrard làm thủ lĩnh với sự trợ thủ đắc lực của họa sĩ Victor Tardieu và họa sĩ Nam Sơn. Trong trào thẩm mỹ này, KTS Ernest Hébrard xứng đáng là người mở đầu và định hình phong cách thẩm mỹ mới ở Đông Dương. Gần đây, trong cuốn “Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc – Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương”, tác giả Trịnh Lữ có đưa ra một khái niệm “phong cách Mỹ thuật Đông Dương”. Phong cách Mỹ thuật Đông Dương được tác giả chuyển ngữ sang tiếng Anh là École des Beaux-Arts style. Như vậy, rất rõ ràng tác giả Trịnh Lữ muốn nói tới một phong cách thẩm mỹ do thầy trò Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương sáng tạo nên… Sẽ là thiếu sót khi nói tới phong cách Mỹ thuật Đông Dương trong kiến trúc mà không nhắc tới công trình Đông Dương học xá được phát triển từ đồ án của Tạ Mỹ Duật hay ngôi biệt thự ở số 6 Đinh Liệt của KTS Nguyễn Hoàng, do thế hệ kiến trúc sư là cựu sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ảnh hưởng của Ernest Hébrard tới các sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương là rất lớn, và vẫn tiếp tục có những ảnh hưởng đến ngày nay.

Trường Đại học Đông Dương. Ảnh tư liệu

 

Trường Đại học Đông Dương. Ký họa của Nam Long

Khuê Văn Các, Tháp Bút, tòa nhà chính Đại học Đông Dương là các công trình kiến trúc, điêu khắc có tính biểu tượng cho học vấn, tri thức. Hai công trình đầu thuộc về loại kiến trúc biểu tượng, điêu khắc biểu tượng, rất hiếm gặp ở Việt Nam thời quân chủ chuyên chế. Tòa chính Đại học Đông Dương vừa mang tính biểu tượng, vừa là công trình giáo dục thực sự.

Tấm biển ghi danh tại công trình

Dường như có một thông lệ rất hay ở phương Tây, trên mỗi công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, người ta thường gắn tấm biển nhỏ ghi tên và đôi dòng tiểu sử của người KTS đã thiết kế ngôi nhà. Đây là nghĩa cử cao đẹp của hậu thế để tri ân công lao các bậc tiền nhân. Thực tế là đã có hoạt động gắn biển di tích cách mạng tại một số công trình kiến trúc ở Hà Nội như ngôi nhà 48 Hàng Ngang, nhà Khai Trí Tiến Đức…Như ở ngôi nhà lịch sử 48 Hàng Ngang chỉ ghi những thông tin liên quan đến việc lãnh tụ Hồ Chí Minh đã từng ở đây và viết Tuyên ngôn Độc Lập. Nhưng bản thân lịch sử ngôi nhà này, gắn bó với tên tuổi của KTS Nguyễn Nghi, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc thì không được vinh danh. Trở lại với tên tuổi của Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành, danh Nho Nguyễn Văn Siêu, KTS Ernest Hébrard, thành phố Hà Nội và đặc biệt là Đại học Quốc gia Hà Nội phải có trách nhiệm tri ân các bậc tài danh đó. Riêng với KTS Ernest Hébrard, Hà Nội nên đổi tên vườn hoa Tao Đàn thành vườn hoa Ernest Hébrard, đặt ở đây pho tượng đồng nhỏ chân dung người kiến trúc sư đã khởi xướng một loạt các công trình kiến trúc tiêu biểu cho sự tích hợp tinh hoa Đông Tây. Thực ra, ngay từ năm 1937, Hà Nội đã có một quảng trường Ernest Hébrard. Viết về ông, trong cuốn sách “Việt Nam qua kiến trúc thuộc địa” (Vietnam à travers l’architecture coloniale) của tác giả Arnauld Le Brusq đã viết:
“Vào cuối những năm 1920, dưới sự lãnh đạo của Ernest Hébrard và nhóm của ông, phong cách Đông Dương đã mở rộng từ các công trình hành chính đến nhà ở cá nhân.” (Tr.215, Sđd).

Kiến trúc sư Ernest Hébrard với sinh viên. Ảnh tư liệu

 

Đội ngũ bộ môn Công nghiệp văn hóa – Sáng tạo, Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trong phần kết của bài viết, chúng tôi xin được nói riêng về trường hợp KTS. Ernest Hébrard. Năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội kỷ niệm 30 năm thành lập. Tòa nhà chính Đại học Đông Dương từ lâu đã trở thành biểu tượng của Đại học Quốc gia Hà Nội, đến nay cũng đã tròn 100 năm, cũng là 90 năm ngày mất của vị KTS tài danh ấy. Nhân sự kiện này, thành phố Hà Nội cùng với Đại học Quốc gia Hà Nội rất nên có một nghĩa cử thể hiện sự tri ân với những cống hiến to lớn của KTS Ernest Hébrard. Không có sự sáng tạo nào không kế thừa những thành quả của tiền nhân, người xưa từng dạy: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Dân tộc Việt Nam luôn đề cao đạo lý Uống nước nhớ nguồn. Cũng như Louis Pasteur, Alexandre Yersin là những nhà khoa học Pháp đã được thành phố Hà Nội đặt tên cho vườn hoa, tên phố, KTS Ernest Hébrard hoàn toàn xứng đáng để người Hà Nội mỗi lần đi ngang qua tòa nhà Đại học Đông Dương đều thầm nhắc tên ông.

Họa sĩ, Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Chiến Kiệt (2023) Quy hoạch đô thị và kiến trúc ở Đông Dương, NXB Mỹ Thuật
2. Ngô Kim Khôi (2021) Báo cáo của Victor Tardieu 1924: Về việc giảng dạy mỹ thuật tại Đông Dương và việc thành lập một trường vẽ tổng quát tại Hà Nội. Tạp chí Mỹ thuật, số 337&338 (1-2/2021)
3. Nguyễn Đức Hòa (chủ biên) (2019) Mỹ thuật Thăng Long – Hà Nội, Nxb Hà Nội
4. Trịnh Lữ (2023) Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc – Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương, Nxb Thế Giới
5. Trần Hậu Yên Thế, Trần Trung Hiếu (2018) Nét Việt trên bia Tiến sĩ Văn Miếu – Quốc tử giám, Nxb Thế Giới
6. Arnauld Le Brusq,Léonard de Selva (1999) Vietnam à travers l’architecture coloniale (Việt Nam dạo qua kiến trúc thuộc địa), Patrimoines et médias

(*) Bài viết đăng trên Tạp chí Mỹ thuật số tháng 9-10 năm 2023

Tin cùng chuyên mục

Những dấu ấn quy hoạch, kiến trúc của kiến trúc sư Ernest Hesbrard

Ernest Hébrard (1875 – 1933) sinh ngày 11/9/1875 tại Paris. Ngày 15/10/1891, khi 16 tuổi ông đã bắt đầu theo học tại xưởng vẽ của Trường Đại học Mỹ Thuật Paris (Ecole nationale et spéciale des Beaux Arts de...

Biến chuyển cảnh quan truyền thống – hiện đại từ phù thế họa (ukiyo-e) đến phim của Ozu Yasujiro

Tranh khắc gỗ (Ukiyo-e, Phù thế hội) là thể loại độc đáo riêng có của hội họa Nhật Bản, thể hiện một cách đầy thi vị và đa diện về cõi phù thế của những thị dân Edo. Ukiyo-e cũng đã...

Đấu xảo hoàn vũ Paris năm 1867 – Hội chợ triển lãm quốc tế đầu tiên có người Việt tham gia

Hoàn cảnh và lý do người Việt có mặt tại Đấu xảo Hoàn vũ ở Paris năm 1867 Sau Hòa ước Nhâm Tuất (05-06-1862), thực dân Pháp được quyền chiếm đóng và quản lý ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Vào...

Đào tạo sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật trong đại học đa ngành

Các trường đại học đa ngành cùng tư duy liên ngành được kỳ vọng có thể đóng góp vào cách tiếp cận mới trong đào tạo đội ngũ sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật (VHNT). Ðó...

Triển lãm phác thảo tranh Nguyễn Gia Trí

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh danh họa Nguyễn Gia Trí, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm Những phác thảo tranh của họa sĩ...

Có thể bạn quan tâm

NHỚ XUÂN QUÝ DẬU

    Người ta bảo “giàu nghèo có số”. Người ta cũng bảo “Nghèo muôn đời, giàu bất thình lình”. Tôi chả tin mà rồi cũng phải tin. Số tôi nghèo, có lẽ vì thế mà nhiều...

CHIẾC ĐỒNG HỒ CỦA BÙI XUÂN PHÁI

  Nhiều người đã bất ngờ và thú vị khi xem mặt sau của một bức họa vẽ trên giấy của họa sĩ Bùi Xuân Phái có dòng chữ do chính ông viết: “Tiến tới cần một xe đạp riêng và một đồng...

SIN YUN BOK VÀ TRANH PHONG TỤC THỜI JOSEON

  Sin Yun-bok (Thân Nhuận Phúc) hiệu là Hye Won (Huệ Viên) sinh năm 1758, năm vua Yeongjo (Anh Tổ) thứ 34 của triều I (Lý). Cha ông là Sin Han-pyeong (Thân Hán Bình) và ông nội đều là hội viên của đồ...

PHÓ GIÁO SƯ, HỌA SĨ VŨ GIÁNG HƯƠNG

  Phó Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú, Họa sĩ Vũ Giáng Hương sinh ngày 23 tháng 1 năm 1930 tại Hà Nội (theo gia đình, bà sinh ngày 23 tháng 1 năm 1929). Quê ở xã Đông Cao, huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh. Họa...

TRẦN LƯU HẬU – HOA

  Trần Lưu Hậu là một trong mấy họa sĩ đã xóa bỏ định kiến về tính “bảo thủ” của thế hệ ông, nếu không muốn nói ông là người duy nhất đã triệt để làm điều ấy. Suy cho cùng,...