Nhân loại ra đi chẳng một lần
Hợp tan nào khác mảng phù vân
Trên đà tốc độ siêu quang ấy
Một chuyến đăng trinh, một hóa thân.
(Vũ Hoàng Chương)
Dưới đây, thực ra, là “những câu chuyện kỳ lạ” (hoặc gần như “kỳ lạ”), nhưng riêng cái đầu đề, trong những trường hợp như thế này, có lẽ phải dài dài như thế mới hay.
Ồ! Dưới đây cũng thường là những câu chuyện buồn, mà ở góc độ nào đó, thì lại là những câu chuyện vui.
Chúng có là do tôi đã được nghe nhiều người kể lại, hoặc do tôi đã từng được tham dự vào đấy. Tôi viết hoàn toàn theo trí nhớ, có thể không đúng đến từng câu, từng chữ, nhưng tôi tin rằng những câu chuyện này đúng với sự thật đã xảy ra.
Nếu có ai đã biết rồi, hoặc biết chính xác hơn, người viết xin được lượng thứ.
1. Nguyễn Sáng – Đệ nhất tài, đệ nhất tính
Gần đây, một số họa sĩ, nhà nghiên cứu, nhà phê bình nghệ thuật đã khẳng định: Nguyễn Sáng là một thiên tài. Và điều đó thật xứng đáng.
Theo họa sĩ Trần Duy: “Nếu có một họa sĩ nào của nước ta đã đạt tới tầm thế giới – thì người đó chỉ có thể là Nguyễn Sáng”. Một họa sĩ “trẻ” không dễ phục ai, anh Cơ Chu Pin, cũng đã từng nói với tôi: “Nguyễn Sáng, là độc nhất vô nhị”.
Năm 2009, trong chuyến đi thăm Lào cùng với đoàn công tác của Hội Mỹ thuật Việt Nam, tôi có thử hỏi một số họa sĩ Lào xem họ có biết Nguyễn Sáng hay không. Họ đều lắc đầu. Thực đáng tiếc, nhưng đấy là sự thật.
Lần nào gặp tôi, họa sĩ Đỗ Hữu Huề cũng than: “Tại sao chúng ta vẫn chưa có một cuốn sách nào thật hay viết về Nguyễn Sáng?” Tôi đã trả lời ông: “Chúng ta vẫn còn đang nợ Nguyễn Sáng. Thật sự chúng ta có lỗi với Nguyễn Sáng”.
… Năm 1940, sau khi tốt nghiệp Trường Mỹ nghệ Thực hành Gia Định, Nguyễn Sáng đã ra Hà Nội để tiếp tục theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ngày ấy, Nguyễn Sáng mới 17 tuổi, là một chàng trai đẹp, một “sportif” chính hiệu, áo quần phẳng phiu, trắng lốp, giày da bóng lộn. Ông đã từng yêu một cô gái Pháp gốc Đức, hai người cũng đã từng sống chung với nhau ở một căn nhà thuê trên phố Lữ Gia, có một dạo thôi, bởi “cơm không lành, canh chẳng ngọt” do tính khí “chát chúa bất thường” của Nguyễn Sáng.
Cái máu nóng Nam Bộ của Nguyễn Sáng, kể từ ấy, ai ai cũng biết, nó rất khác so với cái máu Nam Bộ của Diệp Minh Châu hay Huỳnh Văn Gấm.
Ngày Nguyễn Sáng bị Inguimberty cho hai điểm không to tướng, ông đã xé luôn sổ điểm của mình ngay trước mặt ông “I”. Riêng về Nguyễn Sáng, ông Inguimberty đã từng nhận xét: “Cái anh này có thể đi bằng hai chân, nhưng lại cứ thích đi bằng hai tay”.
Năm 1946, tại Triển lãm Mỹ thuật Tháng Tám (Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc lần đầu tiên) tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội, trước ngày khai mạc, Nguyễn Sáng đã “tự loại” cả hai bức tranh sơn dầu vẽ về nông dân của ông, vì ông cho rằng tranh của ông đã không được treo “đúng vị trí”?!
Nguyễn Sáng từng nói: Hội họa Việt Nam chỉ có duy nhất một Nguyễn Sáng, còn “xia” hết!
Ông cũng đã từng nói: Nguyễn Sáng có thể vẽ không thua gì Picasso, miễn là được ăn tốt!
Một lần, trong khi đang chuếnh choáng đèo ông bạn rượu Nguyễn Sáng bằng xe đạp, Nguyễn Hải đùa: “Giờ mà anh em mình đụng vào đâu thì đi đứt cả hai thiên tài”. Nghe vậy, Nguyễn Sáng nhảy phắt xuống, bảo: “Trên xe này chỉ có một thiên tài”, rồi “thiên tài” cuốc bộ, không thèm lên xe nữa…
“Vẽ tức là thở”, “Mỗi bức tranh là một lít máu”, vân vân. Những câu khẩu hiệu kiểu như vậy của Nguyễn Sáng, sinh thời Bùi Xuân Phái rất kỵ. Bùi Xuân Phái đã từng viết trong nhật ký, rằng: “Ừ! Cứ để anh ta nói thế đi!”… Thế nhưng, đối với Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái vẫn cứ là “anh bạn đẹp của tôi”.
Theo lời kể của Nguyễn Tư Nghiêm, hàng xóm “tối lửa tắt đèn” của Nguyễn Sáng, cứ mỗi lần uống rượu say về, Nguyễn Sáng lại bíu vào tay vịn cầu thang, bước lên từng bước một, và cứ mỗi bậc bước lên, ông lại vừa tự vỗ ngực vừa thều thào: “Mô-đéc, mô-đéc, chỉ-có-thằng-Sáng-này-là-mô-đéc-thôi-nhé. Mô-đéc, mô-đéc, chỉ-có-thằng-Sáng-này-là… Mô-đéc, mô-đéc”. Ồ! Một kiểu “hò” để lấy sức và nhịp.
Nguyễn Sáng từng gọi tranh của Nguyễn Tư Nghiêm là “mi-ni-a-tuya” (tiểu họa), và ông cũng đã cho rằng, tranh đáng mặt gọi là “mô-nuy-măng-tan” (hoành tráng) thì chỉ có tranh của Nguyễn Sáng.
Có lần, trong lúc Nguyễn Sáng đang ì ạch leo lên từng bậc cầu thang, và như thường lệ, vừa tự vỗ ngực vừa thều thào: “Mô-đéc, mô-đéc, chỉ-có-thằng-Sáng-này-là… Mô-đéc, mô-đéc…” Nguyễn Tư Nghiêm buồn cười quá, bèn lẩm bẩm đùa nhép theo, bằng giọng xứ Nghệ: “Mô-đẹc, mô-đẹc… mô-đẹc-nịt, mô-đẹc-nạt…” Hì hì, một lối chơi chữ nửa tây nửa ta rất hay, có nghĩa là: “Hiện đại, hiện đại… hiện đại chủ nghĩa, hiện đại nát rượu…”
… Ngày Nguyễn Sáng rời Hà Nội lần cuối, 1987, sức khỏe của ông đã suy kiệt. Anh Hoàng Đình Tài, đệ tử ruột của ông, đã từ biệt ông, hồi ấy nghèo nghèo lắm, với mấy chiếc bánh mỳ “pa-tê” mua ở gần ga Hàng Cỏ. Nguyễn Sáng đã chia tay với Hà Nội trong một sáng buồn buồn mưa. Trong tay ông chỉ có duy nhất một chiếc áo tơi, bên trong có một bức tranh tự họa nhỏ (trông như một “E.T.”), bằng phấn màu, vẽ từ 1956. Tất cả số hành lý Nguyễn Sáng đã mang theo, trên chuyến tàu trở về cuối cùng ấy, hóa ra chỉ có vậy, không có gì hơn.
2. Đôi mắt của Sỹ Ngọc
Năm 2001, trong thời gian làm cuốn sách về 10 nghệ sĩ tạo hình được Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 2), tôi có đến thăm lại nhà ông Sỹ Ngọc ở trong Trường Mỹ thuật. Khi ấy ông Ngọc đã mất được gần 10 năm. Gặp cậu Minh “gồ”, con trai ông, tôi hỏi xin một bức ảnh chân dung của ông. Cậu Minh bảo: “Anh để thư thư cho em tìm nhé. Em thích có một bức ảnh nào đó có đôi mắt đúng với tinh thần của bố em nhất”.
Thế là, phải đi mất mấy lần, tôi mới lấy được bức ảnh chân dung của ông Sỹ Ngọc…
Thực ra, Sỹ Ngọc, Nguyễn Tư Nghiêm và bố tôi – ông Quang Phòng, vốn là ba anh em kết nghĩa. Có thể là sau sự kiện “Nhân văn”, cả ba ông đã không còn điều kiện để gần gũi nhau như xưa nữa.
Cuối năm 1979, trước khi đi bộ đội một năm, tôi có làm cho ông Sỹ Ngọc cái bìa của cuốn sách “Mỹ thuật Việt Nam hiện đại”, do ông viết. Hôm Sỹ Ngọc đến xem để cho ý kiến, ông bảo: “Được. Chữ màu xanh lá mạ rất Việt Nam”. Rồi ông rút ra một điếu thuốc “More” (thuốc lẻ, không có bao, màu nâu sépia, đang là mốt), mời tôi. “Có mỗi một điếu tao thưởng cho mày. Tao nhịn”, ông nói. Ngày ấy, tôi mới 20 tuổi, đã nghiện thuốc, nhưng chỉ quen hút “Sông Cầu”, “Cửu Long” hoặc thuốc lào chứ không chịu được mùi thuốc lá Tây. Thế là, ông Sỹ Ngọc cười, bảo: “Chú mày còn quê lắm”. Và rồi, ông châm điếu “More”, vừa hút vừa trịnh trọng nhả khói, trông rất “trưởng giả”…
Một lần, trong lúc ông Sỹ Ngọc đang đi đường, có một kẻ nào đó đã vỗ vào người ông, bảo cho châm nhờ điếu thuốc. Châm xong, hắn lặng lẽ bỏ đi. Ông Ngọc tức quá, không đành được, bèn đuổi theo, đập lại vào người hắn. Hắn quay lại, hỏi: “Có việc gì?”, ông Sỹ Ngọc đáp: “Không! Tôi chỉ muốn cảm ơn anh vì đã châm nhờ thuốc của tôi”.
Sinh thời, Sỹ Ngọc nổi tiếng là một người sắc sảo, quá sắc sảo. Có lẽ, ông lận đận cũng chỉ vì chữ “quá” ấy. Năm 1959, vì “sai lầm” (chữ của ông Sỹ Ngọc), nên Tết xong, ông đã phải đi “3 cùng” với công nhân ở mỏ Cẩm Phả (không rõ là 3 hay 6 tháng).
Trong một bức thư gửi nhà văn Đặng Thai Mai (đề Cẩm Phả, ngày 24/2/1959, hiện nằm trong sưu tập của kiến trúc sư Đặng Thái Hoàng), ông Sỹ Ngọc viết: “… Đến lớp học của Đảng sắp tổ chức cho anh em văn nghệ học, tôi có nguyện vọng thiết tha là sẽ được có mặt, để… củng cố và xác định lập trường quan điểm của mình cho được vững chắc hơn.”
Ồ! Thì ra ông Sỹ Ngọc cũng là một con người hiểu tình thế, vào cái lúc mà theo ông, số phận của ông chưa “được định đoạt rõ ràng”.
Năm 1962, Sỹ Ngọc sáng tác bức sơn mài “Đổi ca”. Bức tranh có thể được xem như bản “thu hoạch” của ông sau chuyến đi “thực tế lao động” tại mỏ Cẩm Phả trước đó ba năm. Và lâu nay, nó cũng vốn được xem như là một tác phẩm tiêu biểu của “nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa” về đề tài lao động sản xuất.
Tuy nhiên, nghệ thuật không bao giờ là đơn giản như vậy. Ngay cả “nghệ thuật hiện thực”, cho dù có “rõ ràng” đến đâu, thì vẫn có thể có những lời giải thích ở tầng sâu và đôi khi gây bất ngờ tới mức kinh ngạc.
Qua bức thư (đã kể trên) của Sỹ Ngọc gửi Đặng Thai Mai, tôi nghĩ chúng ta đã có những lý do để hiểu bức tranh “Đổi ca” từ phía sau, ở tư cách của một bức “chân dung tự họa” mang tính phân thân. “Hình trong gương” chính là một Sỹ Ngọc ở thì “hiện tại” (hiện tại ở thời điểm vẽ bức tranh), trá hình một nam công nhân đang giữ chiếc khoan trên vai. Ồ! Đó là một Sỹ Ngọc đã được “xác nhận” (xác nhận bởi một đám đông công nhân đứng chung quanh). Và “người soi gương” chính là ông Sỹ Ngọc “thực”, trá hình một nữ công nhân đang đứng một mình, lẻ loi ở phía trước, và đang tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Làm gì, hoặc như thế nào, công tác gì hoặc làm sao” (như Sỹ Ngọc đã từng viết trong bức thư). Ồ! Đó là một Sỹ Ngọc khác, chưa được “xác nhận” (cô đơn, với đôi mắt trầm tư).
Bởi vậy, bức “Đổi ca” của Sỹ Ngọc, về thực chất, là một bức tranh mang tính siêu hình, với cách xử lý không gian phi tuyến tính. Nó làm gợi nhớ tới bức “Quán rượu ở Folies-Bergère” nổi tiếng của Manet.
Với tôi, “Đổi ca” là một kiệt tác hiếm có!
… Xưa, ở Hiệu sách Quốc văn trên phố Tràng Tiền (còn gọi là Hiệu sách Hà Nội – Huế – Sài Gòn), có một thiếu nữ nổi tiếng xinh đẹp (mà vào thời ấy người ta hay ví với nàng “Na-ta-sa”, nhân vật của LevTolstoi). Cô gái đã được nhiều họa sĩ ca ngợi. Riêng Sỹ Ngọc phán: “Đẹp. Nhưng hai con mắt quá xa nhau”. Một dấu hiệu của định mệnh? Cuộc đời của cô gái ấy về sau, quả tình, không hề hạnh phúc…
Đôi mắt của ông Sỹ Ngọc đã mãi mãi khép lại trong một khoảnh khắc tuyệt đối cô đơn. Sỹ Ngọc đã một mình ra đi trong một thoáng chờ đứa con của mình đi mua rượu về cho ông. Nhưng, đôi mắt Sỹ Ngọc, đôi mắt của ông trong “Đổi ca” thì sẽ còn mở mãi mãi.
3. Chiếc xe đạp của Văn Cao
Gia đình ông Tạ Phước (hiệu trưởng đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam) đã từng có 40 năm là hàng xóm của gia đình tôi (cùng với gia đình ông bà Phạm Văn Đôn và Nguyễn Thị Kim) ở số nhà 12B phố Hai Bà Trưng, Hà Nội. Hồi bé, tôi cũng đã mấy lần được thấy nhạc sĩ Văn Cao đến thăm ông Tạ Phước. Văn Cao và bố tôi cũng đã biết và rất quý nhau từ ngày ở trên Việt Bắc. Ông Văn Cao cũng là anh em đồng hao của họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp, một người bạn vong niên của tôi.
Về Văn Cao, họa sĩ Trần Duy có kể lại nhiều kỷ niệm, đặc biệt trong thời gian diễn ra sự kiện “Nhân văn”. Ngày ấy, Văn Cao và Trần Duy thường hẹn gặp nhau ở “ba-ri-e” tàu hỏa trên phố Khâm Thiên (là điểm giữa đoạn đường ngắn nối nhà hai ông). Văn Cao hay có câu: “Có gì thì cứ thong thả nói xem nào”.
Cũng theo Trần Duy, có một người rất hay hỏi đùa Văn Cao, rằng: Cái cây thùy dương trong bài Suối mơ là cây quái gì vậy? (ý nói nó không phải là một loài cây sống ở nước ta).
Không bao giờ tôi thấy ông Trần Duy nói điều không phải về Văn Cao.
Văn Cao là một nghệ sĩ thuần túy. Trong suốt cuộc đời Văn Cao, theo tôi được biết, ông không hề giữ bất cứ một “chức vụ” gì, kể cả một chức “phó” nào đó. Ngày ông Lê Huy, nhà nghiên cứu âm nhạc, đặc biệt về nhạc khí Việt Nam (phu quân của bà Đoàn Thị Tình, nhà nghiên cứu nổi tiếng về trang phục) làm tổ trưởng tổ nghiên cứu âm nhạc của Viện Nhạc Múa (thuộc Vụ Nghệ thuật) – thì Văn Cao là tổ viên. Theo lời kể của ông Huy: Văn Cao sống cực kỳ thanh đạm (không hẳn vì thời ấy chúng ta còn quá nghèo, mà chủ yếu là do bản tính nho nhã của Văn Cao); buổi trưa, ở cơ quan, tác giả của “Thiên thai” thường chỉ uống có một chút rượu trắng (loại rượu “quốc lủi”), với một cái lòng đỏ trứng gà, thế là qua bữa… Để có thêm thu nhập, Văn Cao không nề hà bất cứ một việc gì, ông vẽ minh họa, làm bìa sách (hiện trong bộ sưu tập của ông Tô Ninh vẫn còn lưu giữ hàng trăm sáng tác đồ họa của Văn Cao). Năm 1985, khi đã 62 tuổi, Văn Cao còn thân chinh xuống tận Hải Phòng, cùng đạo diễn Vũ Minh dựng vở “Lịch sử và Nhân chứng” của Hoài Giao. Ông phụ trách phần thiết kế mỹ thuật, trong khi phần nhạc do Đặng Hữu Phúc (Phúc “te”)viết. (Ngày ấy, những việc kiểu như vậy người ta thường gọi là “đánh quả”).
Trong tập thơ “Lá”, Văn Cao đã có mấy câu rất hay nói về một thời đã hết tiếng “nổ” nhưng vẫn còn nghe thấy những tiếng “rạn”, thời chỉ có một con chim vụt bay mà như thấy ánh sáng vụt mất…
Vào cái thời ấy, có một giai thoại rất vui về Văn Cao.
Nghe nói, có một lần Văn Cao đi uống rượu ở phố Hàng Vôi. Uống xong, chắc đã chuếnh choáng, ông bèn lấy chiếc xe đạp “của mình”, rồi đi về nhà, bình an vô sự… Sau, có công an tìm đến tận nhà ông, vì ở quán rượu hôm ấy có người báo bị mất xe. Mà chiếc xe đạp “bị mất” ấy, quả nhiên, lại đang nằm ở nhà của ông Văn Cao. Ồ! Gay cho ông nhạc sĩ lớn quá!!!
Câu chuyện rốt cục là như thế này: Văn Cao đã lấy nhầm xe của người khác, để đi về… nhưng lý do quan trọng nhất để “thanh minh” cho ông, chính là ở chỗ: chiếc xe “của ông” để lại trên “hiện trường” lại có giá trị hơn hẳn chiếc xe mà ông đã đi nhầm. Nếu ngược lại thì không biết cơ sự ấy sẽ như thế nào đây?
… Những năm 1993, 1994 tôi có đến thăm nhà Văn Cao mấy lần và đều đã được gặp ông. Khi ấy, gia đình ông vẫn chưa dư giả gì. Ngay ngoài cửa ra vào vẫn còn có một cái bếp than tổ ong dùng để sắc thuốc. Riêng chiếc đàn dương cầm của ông, nghe nói, “không đánh được”, chỉ để bày cho có không khí “âm nhạc”. Qua các câu chuyện của Văn Cao, chốt lại có ba điểm: thứ nhất, có một thời có khá nhiều bạn bè cũ đã “lánh mặt” ông; thứ hai, ông chỉ vẽ chính thức đúng bốn bức chân dung bằng sơn dầu (chân dung nhà văn Đặng Thai Mai, chân dung ông Lâm Cà-phê, chân dung nghệ sĩ dương cầm Thái Thị Sâm, và cuối cùng, chân dung bà Thúy Băng – vợ ông); thứ ba, ông đồng ý (với tôi) là sẽ tự tay chép phóng to bản “Tiến quân ca”, trên nền những hình minh họa lịch sử do chính tay ông vẽ, để in và lưu lại cho đời sau.
Thật đáng tiếc, sau đó Văn Cao phải đi nằm viện liên miên… và ông đã ra đi mà không kịp thực hiện lời hứa ấy.
… Trên danh thiếp của Văn Cao, chỉ in đúng một chữ “Văn Cao”, chữ đen trên nền trắng, không màu, không danh phận. Với ai mà ông yêu quý, thì ông ký thêm một chữ “Văn Cao” ở mặt sau.
4. Những ngôi nhà của ông Trần Duy
Trong cuốn sổ ghi cảm tưởng về cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên của ông Trần Duy (Hà Nội, 1991), có một người xem đã viết: “Tại sao họa sĩ lại rất thích vẽ những mái nhà?”
Đối với ông Trần Duy, câu hỏi đó là một trong những lời tri âm bất ngờ và sâu sắc nhất. Và nó dường như cũng đã báo hiệu cho một câu chuyện rất dài về những ngôi nhà của ông Trần Duy về sau…
Nếu con số thống kê của tôi là đầy đủ, thì từ cuối những năm 1980 đến năm 2014 (năm ông Trần Duy mất), ông Trần Duy đã “sống một mình” trong 7 ngôi nhà khác nhau, và nếu chỉ tính từ năm 2002 thì con số thống kê ấy là 6, tức là cứ trung bình hai năm ông Trần Duy chuyển nhà một lần.
Riêng ngôi nhà ở làng Thanh Nhàn là nơi ông Trần Duy đã trụ lại lâu hơn cả, quãng trên dưới 10 năm.
Ông Trần Duy kể: Khi mua đất để làm ngôi nhà đầu tiên (trong làng Thanh Nhàn), ông hầu như chẳng có xu nào, phải “giật tạm” của ông Hoàng Việt Châu (tức Châu béo, một người bán tranh nổi tiếng ở Hà Nội thời ấy). Mảnh đất ông mua, tuy đã nằm giữa làng, nhưng vốn là một góc còn sót lại của một bãi tha ma cũ, vẫn còn khá nhiều mộ. Có thể vì ông Trần Duy đã rất chu đáo với người âm (khi chuyển mộ), nên cuộc sống của ông “bắt đầu tốt lên” – như ông nói. Tại ngôi nhà này, ông đã vẽ và bán được rất nhiều tranh, chủ yếu tranh lụa, không phải hàng trăm mà tới hàng ngàn bức. Cũng tại đây, ông Trần Duy cũng đã viết được hai cuốn sách cực kỳ hay về nghệ thuật, và mấy truyện ngắn, trong đó có truyện ngắn “Lụy” một thời gây xôn xao dư luận. Thực tế, Trần Duy cũng làm cả thơ. Thơ của ông “khô không khốc”, riêng tôi vẫn còn giữ được một bài, chỉ để làm kỷ niệm chứ không bao giờ đọc lại…
Ngôi nhà đầu tiên của ông Trần Duy ở làng Thanh Nhàn, lần đầu tiên tôi đến chơi, trông rất ấn tượng. Nó rộng chừng trên 100 thước vuông, được qui hoạch khá qui củ, có vườn cây cảnh và có cả… một nhà máy nước “mi-ni”, tiếng nước phun từ “ô-doa” qua không khí rơi xuống bể lọc kêu tanh tách, nghe rất vui tai.
Vì sống một thân một mình, bao giờ ông Trần Duy cũng có một người giúp việc (mà người ta vẫn hay gọi vui là “Ô-sin”). Ông cũng rất khổ vì “Ô-sin”.
Có lần, nhân ông Trần Duy “tuyển” được một “Ô-sin” mới, tôi hỏi ông: “Cô Ô-sin mới có hợp với cụ không ạ?” Ông đã trả lời, rất hay, rằng: “Ông chẳng biết hỏi. Tại sao nó lại phải hợp với tôi. Ông phải hỏi là tôi có hợp với nó không chứ”.
… Thế rồi, bỗng nhiên một hôm, ông Trần Duy gọi điện cho tôi, báo “đã bán nhà”. Khi ấy khoảng cuối 2001. Và kể từ độ ấy, ông chuyển nhà liên miên, lúc thì nhà mua, lúc thì nhà thuê, lúc thì nhà người ta cho “ở cùng” (nhà hai em Nhật, Thanh)…
Ngôi nhà cuối cùng ở làng Mọc là của chị Nguyên, con gái ông, cho bố mượn.
Năm 2002, ông Trần Duy bảo muốn mua đất ở chùa Thầy để ở gần tôi cho vui. Nhưng, hôm trước xem đất xong, thì hôm sau ông lại đổi ý, muốn mua đất bên tận làng Kiêu Kỵ, vì “đấy là quê (hay gì đấy) của ông Đinh Đăng Định chụp ảnh, bạn tôi”, nên có vẻ “an toàn” hơn – ông Trần Duy nói.
Cái lạ ở đây, chính là chuyện một ông già đã 82 tuổi mà vẫn còn tự tay “luộc gà, thổi xôi” để động thổ xây cho “một mình mình” một ngôi nhà mới, trên một mảnh đất “tha hương”. Chuyện này nếu không thấy “lạ”, thì hẳn cũng là chuyện “xưa nay hiếm”.
Và cũng vì lạ, quá lạ, đúng là lạ, nên ông Trần Duy cũng chỉ ở được trong ngôi nhà ấy khoảng 5-6 tháng, cho dù nó rất đầy đủ tiện nghi, và đủ chuẩn của cái mà người ta vẫn gọi là “biệt thự”.
… Lại một hôm, giống như rất nhiều hôm như thế, ông Trần Duy gọi điện, báo cho tôi: “Tớ về phố Đội Cấn rồi!”
Nhớ ngày nhà văn Nguyễn Đình Thi sang Kiêu Kỵ để thăm ông Trần Duy, thật tình cờ, ông Trần Duy thì mua bánh “xu-kem” để đãi khách, ông Nguyễn Đình Thi thì mua bánh… “xu-kem” để đãi chủ nhà, mà bánh “xu-kem” thì của cùng một hãng. Hehe.
Sau khi thăm nhà xong, Nguyễn Đình Thi đã nói với ông Trần Duy: “Anh giỏi quá. Tự tay anh đã làm được nhà cho mình. Chứ tôi suốt đời chỉ ở nhà của Nhà nước”.
Âu, đó cũng là một lời tri âm!
… Ông Trần Duy là em rể của họa sĩ Lê Thanh Đức. Ông và bà Tuyết lấy nhau từ trong kháng chiến chống Pháp. Hai người đã sống cùng nhau mấy chục năm, có bốn năm người con, và chưa bao giờ “bỏ” nhau. Thế nhưng, cái duyên số nó là vậy.
Nghe nói, trước khi mất ít lâu, ông Trần Duy có “trở về” ngôi nhà cũ của vợ chồng ông ở phố Khâm Thiên, nhưng… chỉ được có “một thoáng” rồi lại “đi”. Cho dù thân thiết với ông như thế, mà cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không hề biết ông Trần Duy đã chết ở đâu?!
Trong số những người bạn vong niên đã khuất của tôi, người tôi thương nhớ nhất chính là ông Trần Duy, có lẽ vì tôi thương nhớ cả những ngôi nhà nơi ông đã từng sống, những ngôi nhà của ông Trần Duy.
5. Ông Phan Tại người ngậm tẩu
Nói về ông Phan Tại, tôi muốn nói trước về hai người bạn của ông Phan Tại. Đó là nhạc sĩ Đặng Thế Phong và họa sĩ Phạm Khanh.
Đặng Thế Phong vốn rất thích học vẽ, nghe nói ông đã từng học lớp bàng thính tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Bởi vậy, ông mới chơi thân với ông Phan Tại, một sinh viên chính thức của trường này, bạn cùng khóa với Nguyễn Sáng, Nguyễn Siên và Diệp Minh Châu.
Theo lời kể của ông Phan Tại, ngày ở Hà Nội, Đặng Thế Phong sống vô cùng khó khăn. Ông đã phải ở chung với một người bạn (con nhà giàu) trong một căn nhà thuê ở phố Tô Hiến Thành (ngày nay).
Có hai việc Đặng Thế Phong không phải làm: thứ nhất, trả tiền trọ, thứ hai, trả tiền ăn. Bù lại, Đặng Thế Phong bắt buộc phải chấp nhận một điều kiện: không được ăn cùng bạn, và chỉ được phép ăn “vét đĩa” sau khi bạn ông đã ăn xong. (Ngày ấy, cơm ăn có thể đặt theo tháng, cứ đến giờ thì có người đem đến tận nơi rồi dọn đi, miễn là có đủ tiền).
Đặng Thế Phong mắc một căn bệnh khá kỳ lạ. Hễ cứ thiếu chất ngọt là ông bị “tăng động” ngay. Cũng bởi vậy, ông hay rủ bạn lên chơi phố Hàng Đường, mong được bạn mua cho chút kẹo, mứt hoặc ô mai, để ăn. Thầy thuốc chẩn ông bị “bệnh đường ruột”, nhưng lại không tìm ra thuốc chữa. (Một lần, đọc một bài báo nói về giáo sư Đặng Văn Chung, tôi mới được biết bệnh ấy có thể xuất phát từ một cái u nhỏ chỉ bằng hạt đỗ trong tuyến tụy). Trong tiểu sử vốn rất sơ sài về Đặng Thế Phong, người ta đã viết ông chết ở tuổi 24, vì căn bệnh “lao màng”, không biết có chính xác hay không?
Những câu chuyện kể của ông Phan Tại, ít nhiều, đều đã giải thích vì sao, một nhạc sĩ còn quá trẻ như Đặng Thế Phong, lại có thể sáng tác ra những bài ca bất hủ như “Giọt mưa thu” (tên gọi ban đầu là “Vạn cổ sầu”) hoặc “Con thuyền không bến”…
Về họa sĩ Phạm Khanh. Ông Phạm Khanh là bạn cùng quê Hưng Yên với ông Phan Tại, hơn ông Phan Tại năm tuổi, sau trở thành em rể của ông Phan Tại. Phạm Khanh cũng là người đã “khai trí” cho Phan Tại, đặc biệt về mặt nghệ thuật.
Ông Phạm Khanh từng học lớp dự bị tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, những năm 1935-1936, cùng với bố con ông Phạm Tú.
Tại “Salon 1936” (triển lãm SADEAI lần thứ hai), đích thân ông chủ tịch SADEAI Victor Tardieu đã chọn trên 30 bức hình họa chì than và sanguine của Phạm Khanh để trưng bày. Và cũng tại cuộc triển lãm đó, Phạm Khanh đã được xem như một “phát hiện” (révélation). Có người đã ví Phạm Khanh như một I-a-cốp-lép (một họa sĩ vẽ hình họa nổi tiếng thế giới) của Việt Nam. Những năm đầu 1950, trên tờ “Thế kỷ” xuất bản ở Hà Nội tạm bị chiếm, ông Phạm Khanh cũng đã có những bài nghị luận rất hay về nghệ thuật.
Khoảng 1960, ông Phạm Khanh đã bị đi “cải tạo” tới tám năm, mà không một ai biết ông “có tội” gì, bản thân ông cũng không hề biết. Năm 1969, ông bị chết do “ngã” từ trên gác cao xuống. Trong một cuốn sách của mình, nhà văn Tô Hoài đã viết rằng: Đó là một cú ngã do ông Phạm Khanh mải tập Yoga?!
Năm 1958, ông Phan Tại có vẽ một bức chân dung ông Phạm Khanh “đang ngậm tẩu”, bằng sơn dầu. Sau một người nước ngoài đã mua bức tranh rồi đem đi đâu không biết nữa…
Ông Phan Tại, như đã nói, từng học chính thức tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khóa 14, được một thời gian thì bỏ, đi làm phim và làm kịch. Phan Tại vốn là bạn thân của Nguyễn Sáng. Về Nguyễn Sáng, ông Phan Tại cũng có những câu chuyện kể rất hay…
Tuy là bạn cũ của họa sĩ Quang Phòng – bố tôi, nhưng tôi chỉ mới được biết ông Phan Tại từ những năm 1986-1987, khi ông đi chiếc xe đạp “độ” (giống như xe của trẻ con) đến nhà tôi để mời cô Hoàng Thúy Ngân, họa sĩ, vợ tôi, đóng vai “con Tuyết”, trong vở kịch “Số đỏ” mà ông đang chuẩn bị dàn dựng.
Ngày ấy, Hoàng Thúy Ngân, nói không ngoa, thì đúng là một cô gái trông “ngổ” nhất ở Hà Nội: tóc “con trai”, áo và quần “cả cây”, giày thể thao “bát-kết”…
Thế nhưng, trái với kỳ vọng của ông Phan Tại, vợ tôi đã nói: “Cháu không đóng vai Tuyết đâu”, để trả lời ông.
Ông Phan Tại lại nhờ bố tôi cố thuyết phục vợ tôi, bố tôi cũng đáp ngay: “Mắt ông thế nào ý. Chứ nó đâu phải là con Tuyết”… Thế rồi, cái duyên ở đời quả tình nó cứ chạy lòng vòng, lúc bén lúc không. Thay vì Hoàng Thúy Ngân trở thành một nhân vật trong một vở kịch của ông Phan Tại, về sau, chính lại là ông Phan Tại, chứ không phải là một ai khác, đã trở thành một nhân vật trong một bức tranh của Hoàng Thúy Ngân.
Ông Phan Tại cũng đã từng bị “ngồi tù”. Tù “oan”, nhưng khác với ông Phạm Khanh, em rể ông, là ông có “được ra tòa”. Ông đi tù “kỹ” tới mức, ông chỉ “thèm được nhìn thấy một đàn gà lục tục rủ nhau đi kiếm ăn” (như ông từng nói).
Về ông Phan Tại, có một câu chuyện khiến rất nhiều người cảm phục. Số là, sau khi ra tù, ông có nghe nhiều lời thị phi về bà Cẩm Vân, vợ ông, một người phụ nữ vốn nổi tiếng xinh đẹp. Thực hư thế nào không biết, chứ ông Phan Tại chỉ nói với bà Cẩm Vân vuông đúng một câu: “Tất cả những gì trở về trước, tính từ giờ phút này, chúng ta xóa sạch. Cuộc đời mới sẽ bắt đầu từ đây”.
Ông Phan Tại sinh năm 1920, Canh Thân. Ồ! Cái tuổi “Canh Thân” này?! Ông đã từng trải qua đủ các nghề: “phu bãi” (đội cát thuê ở bến sông Hồng), thợ mộc, rồi thợ “linh tinh”…
Khi đã gần 70 tuổi, ông Phan Tại bắt đầu làm một xê-ri tượng các văn nghệ sĩ, mà chủ yếu là các văn nghệ sĩ bạn ông như Nguyễn Tuân, Đoàn Phú Tứ, Tú Mỡ, Thế Lữ, Nguyễn Xuân Khoát, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Gia Trí, Vũ Trọng Phụng, Trúc Quỳnh…
Nói là tượng chứ đó chỉ là những tấm phù điêu các khuôn mặt (như “mặt nạ”), bằng xi-măng trắng, và khi treo lên, tôi vẫn cứ gọi đùa với ông Phan Tại là trông như “chém treo ngành”. Nay, nhiều bức trong số ấy đã được con gái ông tặng cho Bảo tàng Văn học Việt Nam.
… Cái tẩu thuốc thường là biểu hiện cho sự phong lưu, tự mãn, mãn nguyện. Vậy sao ông Phạm Viết Song “ngậm tẩu” thì hạnh phúc, mà những ông như ông Phạm Khanh, ông Phan Tại ngậm tẩu thì lại không được như vậy? Tôi không dám nói ông Phạm Khanh, ông Phan Tại là bất hạnh (vì hai ông đơn giản đều là những nghệ sĩ thực thụ), nhưng quả thực là cả hai ông đều đã gặp phải những điều rất “không may” trong đời.
Ông Phan Tại, chắc chắn, thích ngậm tẩu, vì chịu ảnh hưởng từ ông Phạm Khanh. Qua một cựu sĩ quan cao cấp của ngành công an, người đã từng tham gia thụ lý vụ ông Phan Tại, tôi đã được biết: Một trong những “tội” của ông Phan Tại – chính là ở … “cái tẩu”, và ở cái cách ngậm tẩu “nghênh ngang” của ông Phan Tại. Hay nói khác đi, cái tẩu ấy chính là “cái tôi”, “cái cá thể”, cái “lơ Moa” (le Moi) mà đã có thời người ta căm ghét nhất.
Ông Phan Tại đã từng làm phim (và có thể nói, ông là một trong những người đi đầu về làm phim ở nước ta). Ông Phan Tại cũng đã từng làm “mise en scène” sân khấu (những năm sau tiếp quản thủ đô, ông còn dám cải biên cả kịch Tây cho phù hợp với “nếp sống mới”, mà nghe nói ngày ấy ông chủ tịch thành phố Trần Duy Hưng rất thích).
“Phan Tại hay đấy. Rất có văn hóa”, bố tôi thường nói. Thế nhưng, bố tôi (cho dù là một người nghiện thuốc lá nặng) lại rất không thích ông Phan Tại đến nhà chơi, bởi một lý do duy nhất: ông xả khói và xả vụn thuốc, mà cho đến mấy ngày sau vẫn không hết mùi khét.
Cái “họa” ấy, riêng tôi và vợ tôi thì chịu được, vì thương ông.
Ông Phan Tại là người hành động. Căn nhà nhỏ cuối cùng, trên gác hai, ở phố Hàng Trống, ông đã bán, để hỗ trợ tinh thần và tài chính cho con gái và đứa cháu ngoại của ông. Ông đã chết trên đường đi lấy thuốc về, trên một chiếc xe ôm, không một lời trăng trối. Mà trăng trối gì, khi mà tất cả những người bạn của ông đều đã hiểu ông, và hiểu cả “cái tẩu” của ông nữa.
6. Mai Văn Hiến “người sống như chơi”
Ông Mai Văn Hiến, trong ký ức của tôi, quả nhiên, là một con người của chuyển động. Hồi ức về ông là hồi ức về một người chỉ có “đứng” và “đi”. Bực gì, phiền muộn gì, có vấn đề gì, hễ gặp ông là – “hạ sốt”.
Nhớ mãi những lần (và không biết bao nhiêu lần), và bất kể lần nào, hễ cứ thấy tôi đi ở ngoài đường, là ông Hiến lại giơ cao tay (giống như “kiểu chào của Đức Quốc xã”), giơ mãi, giơ mãi, giơ cho đến khi nào tôi nhìn thấy thì ông mới chịu thôi.
Người ta hay đồn về “tài rượu” của ông Mai Văn Hiến. Tôi thì lại nghĩ khác. Bởi vì, sự thật, ông đâu có uống được nhiều, chỉ là hay uống mà thôi.
Năm tôi 4-5 tuổi (thời ấy chưa có chiến tranh phá hoại), một lần, ông Hiến đi tiếp khách Tây ở Khách sạn Dân chủ. Ông gửi xe đạp ở nhà tôi. Thế rồi, nửa đêm, sau khi ông đã lấy xe và đã ra về, đột nhiên có người hàng xóm gọi cửa, báo nhà tôi có khách bị ngã ở ngoài đường. Tôi và bố tôi vội chạy ra, thì thấy ông Hiến đang đứng dựa vào một gốc cây, đầu nghẹo xuống, lật khật, người lấm bê bết. Hóa ra ông say quá. (Nay, đã hơn 50 năm, cái cây cổ thụ ấy vẫn còn. Nó là cây cơm nguội)…
Khi bàn về món “mộc tồn”, ông Mai Văn Hiến bao giờ cũng tỏ ra vô cùng hóm hỉnh. Ông bảo: “Ăn thịt cầy mà anh chỉ ăn ở một hàng là chưa biết ăn”.
Theo ông, mỗi hàng thịt cầy chỉ có từ một đến hai món ngon, bởi vậy, nếu muốn “hoàn hảo” thì anh phải cố công mà đi “sưu tầm”, mà đi “mua gom”.
… Thời “trẻ”, tôi hay đến chơi nhà ông Mai Văn Hiến. Mà đã đến ông rồi – thì không nên đến người khác nữa (trong khu nhà ông ở còn có mấy họa sĩ). Ông Hiến rất ghét thói “thăm tranh thủ”. Suốt cuộc đời ông, ông đã sống trong căn phòng nhỏ cà tàng dưới tầng hầm ấy. Đã từng làm “quan văn nghệ”, nhưng cuộc sống của ông thật thanh bần.
Nhớ lần, tôi cùng ông Lê Đình Chuyện (một nghệ nhân khắc gỗ số một của một thời) đến rủ ông Mai Văn Hiến đi uống bia, thì thấy ông đang đứng vẽ ở ngoài sân.
Ồ! Đó là “một thiếu nữ áo dài đang đi đằng sau một bức mành tre”. Tôi đùa hỏi ông: “Sao ngài lại vẽ thế này? Sao không cuốn cái mành lên?” Ông Hiến cười, đáp: “Phụ nữ là phải vẽ thập thò. Anh đừng có bố tướng”. Hehe.
… Bác Hiến gái mất sớm, cũng đã có một vài phụ nữ thích ông Mai Văn Hiến (như cô Tố Uyên), nhưng rốt cuộc ông chẳng “cùng” ai, hay nói khác đi, là họ chỉ “thập thò”, trong đời ông, thế thôi.
Ngày ông Hiến bắt đầu “phải ở nhà”, quãng từ năm 2000, vì bệnh suy tĩnh mạch ở chân, tôi có năng đến thăm ông hơn, vì biết ông cũng buồn. Một hôm, đang ngồi trước mặt tôi, bỗng ông Hiến chỉ vào hai bàn chân của ông, rồi mắng yêu: “Đi cho lắm vào!”
Ông bảo: Điểm yếu của ông, ngay từ thời trẻ, vẫn là ở hai bàn chân, cho nên chẳng có gì đáng buồn cả, khi chúng bị đau. Ông đã sẵn có một triết lý “tạm thời”, rằng: Nếu ngồi yên thì ông còn mong tồn tại được lâu, chứ nếu cứ liều đi như ngày xưa – thì ông phải chấp nhận “roạch” bất cứ lúc nào.
Ông “Ma” (tên gọi vui do tôi đặt, với hàm nghĩa ông vẽ đơn giản như Matisse), trên thực tế, đã “ở nhà” liền tù tì tới 6 năm, cho tới tận khi ông mất (2006).
Một bận khác, tôi đến thăm ông Hiến, thì ông đang ngủ. Cửa vẫn mở, ti-vi vẫn bật sáng choang. Tôi bèn ngồi xuống cạnh ông, im lặng, và bóp bàn chân cho ông một hồi lâu mà ông không hề hay biết… Tôi đành để lại mấy chữ cho ông, rồi ra về.
Lần sau, tôi đến thì thấy ông đang ngồi trên giường. Tôi nói: “Lẽ ra là ngài đã bị mất trộm ti-vi từ hôm nọ rồi đấy nhé.” Ông hiểu ý, bảo: “Sao không gọi… À, này, ti-vi nó sắp chiếu phim Công tố viên, chắc là hay đấy!”
Hôm ấy, tự nhiên tôi thấy có gì đấy “vời vợi”, vì phim bộ thường chiếu rất dài ngày, mà một ông già đau ốm như ông Mai Văn Hiến liệu “có còn” để xem được hết hay không?!
Với tôi, ông Mai Văn Hiến đã từng có lần thủ thỉ tâm sự: “Trên đời, có hai lĩnh vực mà người ta được phép nói dối. Đó là Tình yêu và Chiến tranh”.
Có một câu chuyện ông Hiến kể, nghe rất lạ, tôi chưa từng được nghe hay đọc thấy ở đâu.
Là một người đã từng là họa sĩ Ban tuyên huấn Chiến dịch Điện biên Phủ, cũng là người đã từng vẽ một tranh cổ động địch vận rộng tới 20 thước vuông dựng sát đồi Bản Kéo đêm 16/3/1954, ông Mai Văn Hiến cho biết: Trong Chiến dịch Điện biên Phủ, quân ta đã từng triển khai một kỹ thuật tác chiến hết sức hiệu quả. Đó là kỹ thuật “bắn tỉa”, mà mục tiêu không phải nhằm giết chết kẻ địch, mà là làm cho chúng chỉ “bị thương”. Bởi vì, một tên địch chết thì vẫn chỉ là một sự kết thúc “gọn”, chứ một tên địch bị thương thì lại kéo theo cả một lô vấn đề: cứu thương, phục vụ, vận chuyển… mà vì thế, địch sẽ suy kiệt nhanh hơn và thua nhanh hơn.
Câu chuyện của ông Mai Văn Hiến, tôi rất tin. Nhưng, quả tình, qua câu chuyện ấy, tôi mới hiểu thêm: Chiến tranh thật khủng khiếp, mà khủng khiếp hơn, vì nó đã tận dụng được “trí thông minh” của con người.
7. Nguyễn Tư Nghiêm “vị thầy tu”
Năm 1999, tôi có một bài phỏng vấn Nguyễn Tư Nghiêm đăng trên Tạp chí Mỹ thuật, số “Đại hội”. Khi báo ra, họa sĩ Lê Thanh Đức có gặp tôi, ông sướng “giãy đành đạch”. Ông bảo: “Hay kinh khủng! Câu nào của Nguyễn Tư Nghiêm cũng đa tầng, đa nghĩa. Tớ phục đấy”.
… Để có thêm bạn đọc, tôi bèn đưa bài báo ấy sang tờ “Thể thao & Văn hóa” để mong được đăng lại. Gặp anh Hà Thái (tên thật là Phan, lúc ấy là phó tổng biên tập, nay hình như là phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam), một người quen – thì sau khi đọc xong, anh Hà Thái, như có điều gì không tiện nói ở văn phòng – đã rủ tôi ra một quán cà-phê ở đầu phố Lý Thường Kiệt. Chưa kịp uống gì, anh Hà Thái đã nói ngay: “Bài báo này không đăng được đâu”. Tôi hỏi: “Tại sao không đăng được?” Anh Hà Thái trả lời: “Ở đây, trong bài này, ông Nguyễn Tư Nghiêm có nhiều điểm mâu thuẫn, nếu so với những bài khác đã viết về ông”. Ahaha!
Hình như có ai đã nói: Không có mâu thuẫn thì cũng sẽ không có vĩ nhân. Bởi vậy, tôi cũng không trách gì anh Hà Thái, vì có thể tôi tin Nguyễn Tư Nghiêm là một vĩ nhân, còn anh Hà Thái thì chưa tin?!
… Nguyễn Tư Nghiêm biết tôi từ khi tôi còn bé tẹo. Ngày ấy, ông rất thích xem tôi vẽ, mỗi khi ông đến chơi với ông Quang Phòng – bố tôi. Bố tôi kể: Bố tôi đã từng mượn một bức ký họa vẽ “nghé” của Nguyễn Tư Nghiêm để treo, sau ông Nghiêm đã đòi lại, vì sợ mất “con nghé”.
Xưa, Nguyễn Tư Nghiêm thường đi chiếc xe đạp nam, không rõ màu sơn. Trong tay ông, lúc nào cũng như lúc nào, bao giờ cũng cặp kè một cái túi, giả da, “kiểu phụ nữ”, vì ông luôn phải tự đi chợ. Có dòng máu của một “thầy thuốc” chảy trong huyết quản, Nguyễn Tư Nghiêm sinh hoạt, ăn uống rất lành mạnh, đúng cách. Thổi cơm, ông thường cho thêm ít đỗ đen hoặc đỗ xanh, “ăn mát, khỏe người”- như ông nói. Trong nhà ông bao giờ cũng có một cái hũ nhỏ, bằng sành, để đựng lạc, có khi đã rang sẵn, phòng khi có khách đến chơi thì “tóp tép” đôi chút, cho kịp.
Phong cách sống “độc lập, tự chủ” của Nguyễn Tư Nghiêm đã hình thành kể từ khi ông còn là học sinh, phải sống xa nhà, học ở trường Thăng Long ở Hà Nội. Để có thêm tiền phụ tiêu, ông cũng đã từng nhận cả chân “tiếp thị”, khi thì tiếp thị giấy, khi thì là nước mắm (loại nước mắm “xứ Nghệ” quê ông).
Lần thi đầu tiên vào Trường Mỹ thuật, Nguyễn Tư Nghiêm bị đánh hỏng. Ông không làm được bài trang trí, phải chờ ông Lê Phổ (người đã từng hướng dẫn ông học vẽ) tiếp viện, “ban-lê” bài qua cửa sổ, mà vẫn không xong, vì đấy chỉ là hình vẽ một con phượng mà người ta hay thêu trên áo gối. Khi đã gần 90 tuổi, mỗi khi nhắc lại chuyện này, y như rằng, Nguyễn Tư Nghiêm bao giờ cũng cười rung lên bần bật, y như bị “ma làm”…
Nghe nói, ngày Nguyễn Tư Nghiêm bị “vướng” vào “vấn đề” gì đó, ông có giả điếc. Ai hỏi gì, nhận xét gì, huấn thị gì, ông đều lắc đầu, bảo: “Nói to lên. Không nghe thấy gì cả”.
Có người bảo Nguyễn Tư Nghiêm “thâm nho”, e rằng cũng đúng. Nguyễn Tư Nghiêm đã không thích ai, thì ông tỏ rõ thái độ. Một lần, có một nhà phê bình khá nổi tiếng đến gõ cửa nhà ông, ông mở cửa ra trông thấy thì đóng lại ngay, không hề khách sáo.
Dù vậy, về căn bản, Nguyễn Tư Nghiêm vẫn là một người rất “dễ thương”.
Năm tôi mới 17, 18, đến chơi nhà ông, bao giờ ông cũng tiếp rất thân tình. Ông cứ để một chai rượu, một bao thuốc lá, và tất nhiên, một đĩa lạc, trước mặt tôi, rồi thỉnh thoảng lại đẩy chúng gần dần về phía tôi hơn, và luôn nói, bằng giọng xứ Nghệ: “Uổng đi… hụt đi… ẳn tí đi…”
Một hôm, tôi thấy Nguyễn Tư Nghiêm vừa vẽ vừa tự tay rán đậu, bằng bếp dầu, ngay ở đầu giường. Ông có vẻ ngượng, vội tắt bếp đi, thế là khói um lên. Hai bác cháu ho lụ khụ.
Một hôm khác, ông khoe, mới dùng cót “cơi” thêm được một chút diện tích ở bên ngoài, để cất tranh. Ông bảo: “Cơi tí thôi. Kẻo hàng xóm nó thụi cho” (ngày ấy, Nguyễn Tư Nghiêm vẫn còn đang sống trong một căn phòng nhỏ, chừng 16 thước vuông, có gác xép, trên tầng ba, ở 65 Nguyễn Thái Học).
Ngày ông chuyển về ở tại Khu tập thể Trung Tự (căn hộ vốn là của nhạc sĩ Trần Hoàn, nhà nước lưu chuyển cấp cho ông), năm 1993, tôi là một trong những người đầu tiên đến.
Căn hộ không mấy rộng, có vách ngăn đục “cửa ngó” hình số 7, rất ẩm thấp. Nguyễn Tư Nghiêm hỏi tôi: “Có thể ộp gạch men khắp nhà được không?” Tôi trả lời: “Cụ nghĩ thế nào, chứ cụ định biến nhà thành cái kho đông lạnh ạ”. Ông cười, lắc đầu: “Gay nhỉ?”
Về chuyện ông đã có vợ, cô Thu Giang, con gái của nhà văn Nguyễn Tuân, tôi hỏi: “Thế cụ có cưới xin gì không?” Ông chép miệng, đáp: “Cỏ chứ. Cỏ làm mẩy mâm cơm, để ra mắt họ hàng”.
Nhà Nguyễn Tư Nghiêm nuôi một con chó trắng, hình như là giống “Bắc Kinh”, ông đặt tên là con “Tốt”. Tôi hỏi tại sao. Ông trả lời: “Vì nó tốt thôi”… Con Tốt không theo ai, chỉ theo mỗi ông Nguyễn Tư Nghiêm. Khi có khách đến, con Tốt thường sủa dữ dội, nên ông thường vừa phải bế nó vừa tiếp khách.
Với cô Thu Giang, tuy kém Nguyễn Tư Nghiêm đến gần ba chục tuổi, nhưng ông luôn luôn tỏ ra trân trọng và trìu mến. Ông không bao giờ gọi cô bằng tên không, mà lúc nào cũng gọi “Thu Gieang”.
Từ ngày có cô Thu Giang, Nguyễn Tư Nghiêm cũng đã nghĩ ra một “chiến thuật” mới, mà khi ông sống chỉ có một thân một mình ông không thể nghĩ ra được: Khách nào đến chơi mà ông không muốn tiếp, thì ông bảo là cô Thu Giang đã khóa cửa rồi cầm chìa khóa đi đâu mất.
… Ngôi nhà cuối cùng của Nguyễn Tư Nghiêm ở phố Phan Bội Châu, tôi cũng đã đến, đúng một lần thôi. Và đó cũng là lần cuối cùng tôi được gặp ông.
Cũng ở ngôi nhà đó, hôm Chủ tịch nước đến thăm Nguyễn Tư Nghiêm, nghe nói, ông muốn vận “sơ-vin”, cho “oách”, nhưng lại không có… thắt lưng, vì ông có đi đâu bao giờ đâu.
Hàng xóm của ông thì tỏ ra rất ngạc nhiên, họ nói với nhau, rằng: “Không biết cái ông cụ gì hay vẽ vẽ là người thế nào, mà có cả Chủ tịch nước đến chơi nhỉ?”. Hehe.
Nguyễn Tư Nghiêm là vậy. Một con người “tối giản dị”. Cái “mộc mạc” của ông là cái mộc mạc của một “lão nông”, một “nhà nho”, một “chí sĩ”, một “nhà bác học”…
Nguyễn Tư Nghiêm đã sống suýt soát 100 năm. Nguyễn Tư Nghiêm cũng đã vẽ được ít nhất trên 75 năm. Vậy mà ông vẫn luôn luôn cảm thấy còn nặng nợ vì bị thiếu thời gian. “Vẽ với tôi là một nhu cầu. Không vẽ tôi thấy mệt, không sảng khoái”, Nguyễn Tư Nghiêm từng nói.
Riêng đối với tôi, Nguyễn Tư Nghiêm còn là một “vị thầy tu”, một vị thầy tu vĩ đại của nghệ thuật và của hội họa, hiếm có và khó có.
8. Trần Văn Cẩn bị “loại” tranh
Trần Văn Cẩn là một trong những họa sĩ “đa năng” đầu tiên của nước ta. Cho dù vẽ lụa, sơn dầu hay làm tranh khắc gỗ, tranh sơn mài thì ông cũng đều đã sớm có những sáng tác đỉnh cao không thể chối cãi.
Trước sau, trong sâu thẳm, Trần Văn Cẩn bao giờ cũng như bao giờ, luôn luôn là một nghệ sĩ thực thụ, thuần chỉ.
Bản tính ông hiền hòa, đôn hậu, nhưng cũng vì cho rằng Trần Văn Cẩn “ba phải” nên cũng có một số người không ưa ông.
… Năm 1960, khi đã bước sang tuổi ngũ tuần, Trần Văn Cẩn mới vào Đảng (trong khi cùng năm ấy, Nguyễn Tư Nghiêm thì lại xin ra). Và có thể nói, cái nghiệp chính trị, cái nghiệp làm quan của Trần Văn Cẩn, ít nhiều, mới thực sự bắt đầu từ đây.
Trần Văn Cẩn rất khoái một câu nói vui của ông Lê Đình Chuyện (một nghệ nhân khắc gỗ mà ông cũng rất quý). Rằng: “Vào đảng viên (sic) phải trong suốt như pha-lê…” Thế nhưng: “…Có gì trong bụng người ta nhìn thấy hết à?”
Và, cứ hễ có dịp nhắc lại câu nói vui ấy, Trần Văn Cẩn lại cười khùng khục. Ông bảo: “Nghe có lý đáo để… Đúng là thằng Chuyện lắm chuyện”.
… Về nghệ thuật của Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm đã từng nói: “Trần Văn Cẩn trước hay. Sau câu nệ. Lại đụng vào hiện thực xã hội chủ nghĩa”.
Ngày ông Ku-dơ-nhét-xốp, họa sĩ, chuyên gia Liên Xô – sang dạy ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, ông Ku rất hay chê Trần Văn Cẩn. Vốn là một họa sĩ “kinh viện”, ông Ku bảo: Tranh Trần Văn Cẩn bao giờ cũng có ít nhất một hai “lỗi” về hình họa?!
Trần Văn Cẩn tính “xuề xòa”. Khi vẽ, ông cũng rất thích lấy những hiệu quả “xuề xòa”, hoặc nói khác đi, là ông rất thích cái hoạt bát, cái bén nhạy, tươi rói, đậm chất “phác thảo” (mà Nguyễn Gia Trí cũng rất thích). Ông tối kỵ lối vẽ “rị mọ” (mà bây giờ, thay vì phải chôn đi, thì lại có cái anh chàng xấu xí nào đấy vẫn đang tự khoe rằng anh ta đã từng vẽ một bức tranh tới 9 năm)…
Bản thân tôi đã “may mắn” được chứng kiến gần như toàn bộ quá trình Trần Văn Cẩn sáng tác bức tranh sơn dầu “Đưa nước lên cao nguyên” (hiện treo ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam).
Ở giai đoạn đầu, bức tranh ấy đã được “lên” tràn trề hy vọng. Thế nhưng, càng được “đẩy sâu”, nó càng ì ra, và bắt đầu có những dấu hiệu bế tắc khó bề giải quyết. Riêng hình cái máy ủi Trần Văn Cẩn di chuyển liên tục, lúc đưa lên cao, lúc hạ xuống, thậm chí có lúc ông đã định xóa hẳn đi… Quả thực, khi ấy, tôi thấy lo cho ông, vì biết ông quyết tâm hoàn thành bức tranh để kịp tham dự triển lãm toàn quốc mà vào khi ấy đã đang đến rất gần (Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 1980).
Người ta thường bảo Trần Văn Cẩn vẽ “bợm”. Mà đúng ông “bợm” thật. Rốt cục ông cũng đã tạm thoát khỏi cái đận ấy, với kết quả mà người ta vẫn gọi là một bức tranh…
Điều ít có người nhắc đến: Thực ra, Trần Văn Cẩn rất nặng tình với Tây Nguyên. Tây Nguyên là nơi ông có nhiều kỷ niệm, và cũng là quê hương của họa sĩ Xu Man, một người học trò mà ông yêu nhất. Trong lần đổi tiền đầu tiên, do mải vẽ ở Tây Nguyên, Trần Văn Cẩn đã bị “mất toi” đến mấy ngàn đồng mà ông đã để lại ở Hà Nội. Về sau, ông bảo: “Tiếc thì có tiếc thật. Nhưng đó cũng là cái giá của một thứ tình yêu”.
… Quãng 1980-1986, tôi không nhớ chính xác, nhưng đúng là vào quãng đó, Trần Văn Cẩn đã có một lần bị “loại” tranh. Đó cũng là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong đời ông, ông đã bị “loại”, mà kỳ lạ thay, bản thân ông lại không hề hay biết.
Chuyện này nói ra, có lẽ ít có ai tin, bởi lẽ, cũng xưa nay, ai ai cũng biết, cái ông Trần Văn Cẩn ấy luôn luôn và bao giờ cũng là một ông “lớn”, một ông “chánh tổng”, mà từ trên cao chót vót, ông “cai trị” cả cái làng mỹ thuật Việt Nam.
Và cũng bởi vậy, cái ông lớn Trần Văn Cẩn ấy, ông chẳng tha đi chấm, đi tuyển, đi loại tranh của người khác thì thôi, huống hồ lại có người khác “dám” loại tranh của ông???
Vậy mà có thực đấy.
Số là, tại một cuộc Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô (triển lãm thường niên của Hội Mỹ thuật Hà Nội), Trần Văn Cẩn có gửi tới tham dự một bức tranh sơn dầu khổ khá lớn, vẽ “Bác Hồ với thiếu nhi”… Buổi chiều khai mạc (như thường niên), thì buổi trưa, theo thông lệ, bao giờ cũng có đại diện của Ban Tuyên huấn Thành ủy đến xem (để duyệt về mặt “chính trị”). Năm ấy, người đến “duyệt” là bà Nghiêm Chưởng Châu (nguyên giám đốc Sở giáo dục, khi đó hình như đang là phó Ban Tuyên huấn). Thế rồi, chẳng biết thế nào, sau khi xem xong, bà Châu đã đi đến một kết luận: Toàn bộ phòng triển lãm rất tốt… thế nhưng… có một bức tranh phải bỏ đi???
Nghe vậy, ban tổ chức triển lãm đứng ớ ra, vì không biết “một bức” ấy là bức nào, của ai, treo ở vị trí nào, và điều quan trọng nhất là “vì sao”.
Nói là làm, y như rằng, bà Nghiêm Chưởng Châu đã đưa toàn bộ ban tổ chức đi tới một bức tranh, treo ở chính giữa, mà Tây vẫn gọi là “cờ-lu” (cái đinh)… Ô hô! Đấy là bức của ông Trần Văn Cẩn. Bà Châu bảo: Không biết họa sĩ nào đã vẽ Bác Hồ mà chẳng thấy giống Bác Hồ tí nào, lại còn bị “lùn” nữa. Mọi người chung quanh vội trả lời: Đấy là tranh của anh Trần Văn Cẩn, và đề nghị bà Châu nể tình “châm chước” cho (vì đấy là một lối vẽ sáng tạo). Nhưng bà Châu dứt khoát không đồng ý, và chỉ thị cho ban tổ chức phải thực hiện theo đúng kết luận ban đầu của bà, rồi bà ra về.
… Buổi chiều, sắp tới giờ khai mạc. Ông lớn Trần Văn Cẩn, như mọi lần, lần nào cũng như lần nào, lại trịnh trọng chống ba-toong đi bộ từ nhà ông ở phố Nguyễn Thượng Hiền để đến xem triển lãm. Thoạt đầu, ông không để ý gì, vì việc gì ông phải để ý đến cái mà xưa nay đã trở thành “tất nhiên” đối với ông, tất nhiên như người ta vẫn thường gọi ông là Trần Văn Cẩn vậy. Nhưng rồi, chắc chắn ông bắt đầu phải để ý, vì không thấy tranh của ông, như mọi khi – là phải được treo ở chỗ trang trọng nhất.
Ông tìm, tìm mãi, và cuối cùng thì ông đã tìm ra bức tranh của ông (ồ! có thế chứ), được treo ở một góc. Mà cái góc ấy, ông đâu có biết nó chính là chỗ “tốt” nhất mà người ta đã chọn để “giấu” đi bức tranh của ông, phòng khi nhỡ đâu bà Nghiêm Chưởng Châu quay lại.
Ahaha! Hóa ra, ở trên đời, cũng như trong nghệ thuật, đúng như người ta vẫn nói: “Không có bệnh gì không có thuốc chữa. Chỉ trừ cái chết”. Sự “sống còn” mà ta thường hay cảm thấy, kỳ thực, đôi khi chỉ dựa trên cái mà ta không biết mà thôi.
9. Một buổi trưa của Bùi Xuân Phái
Năm 1983, trên một bức ký họa chân dung Trần Tuy vẽ Bùi Xuân Phái, Bùi Xuân Phái có viết: “Trần Tuy vẽ tôi – một con người tự ti quá đáng”.
Dòng chữ “phẩm đề” ấy, theo tôi hiểu, có thể có hai nghĩa. Thứ nhất, Bùi Xuân Phái đã nhận ra ông, qua bức tranh, “một con người tự ti”, chỉ thêm vào một chữ “quá đáng”. Thứ hai, Bùi Xuân Phái đã không nhận ra ông, và ông đã biểu thị điều đó bằng một dấu gạch ngang (dấu cách), mà ta có thể hiểu như là: “Anh Trần Tuy đã vẽ tôi thành một con người khác”…
Về tính “tự ti” của Bùi Xuân Phái, thực ra, chính bản thân ông cũng đã có nhiều lần thừa nhận, với bạn bè, chẳng hạn như với họa sĩ Lê Thanh Đức.
… Gần đây, anh Đặng Thái Hoàng có cho tôi biết: Ngày bà Điềm Phùng Thị từ Pháp về thăm Việt Nam lần đầu tiên (quãng những năm 1960), bà có mong muốn được gặp họa sĩ Bùi Xuân Phái và nhạc sĩ Văn Cao… Thế là, Bùi Xuân Phái và Văn Cao đã tới gặp nhà văn Đặng Thai Mai (người thầy cũ của bà Điềm Phùng Thị), phàn nàn rằng, cho dù cả hai ông đều rất vui và sẵn lòng được tiếp đón bà Điềm Phùng Thị, nhưng hiềm một nỗi “nhà chẳng ra nhà” thì biết tiếp đón bà Điềm ở đâu.
Nghèo sinh ra hèn. Nhưng, ở đây, cái nghèo đã sinh ra tính tự ti. Ôi! Thật đáng buồn, và cũng thật đáng thương, cho hai nghệ sĩ lớn Văn Cao và Bùi Xuân Phái.
Nếu ta đọc kỹ những cuốn sổ nhật ký và những cuốn sổ ghi chép về nghệ thuật của Bùi Xuân Phái, ta sẽ thấy “cái nghèo” về vật chất nó đã ám ảnh một con người như thế nào, đặc biệt là đối với một nghệ sĩ quá nhạy cảm như Bùi Xuân Phái.
Ông Trần Văn Lưu, một nhà nhiếp ảnh hồn nhiên, vui tính, nhà ở phố Hàng Bông, đã có lần kể với tôi: Vào những năm cuối 1950 đầu 1960 gì đó, Bùi Xuân Phái đã từng cùng ông Trần Văn Lưu nghiên cứu sản xuất mực viết, họ cũng đã từng mơ đến một ngày thành công, có tiền, thì sẽ đặt tên cho hãng mực là “Lưu Xuân” để sánh vai với mực “Hồng Hà – Cửu Long”. Chỉ tiếc mộng đã không thành.
… Cuối những năm 1970, đầu những năm 1980, nhờ một điều kiện khách quan, Bùi Xuân Phái đã có một chuyến lữ hành vào TP. Hồ Chí Minh.
Chuyến đi của ông dài bao lâu tôi không biết, chỉ biết chắc chắn có một hôm ông có đến thăm nhà Lưu Công Nhân. Hôm ấy, nghe nói, Lưu Công Nhân tiếp đón Bùi Xuân Phái rất thịnh tình và rất thịnh soạn. (Ngày ấy, gia đình Lưu Công Nhân đã rất khá giả, một trường hợp hiếm hoi của thời bao cấp, vì cũng nghe nói cơ quan của cô Phụng, vợ chú Lưu Công Nhân, đã bắt đầu liên doanh với một hãng dược phẩm lớn của Pháp).
Đến giữa trưa, đã đến giờ nghỉ, Lưu Công Nhân bèn dọn chỗ thật tử tế để mời Bùi Xuân Phái ngả lưng. Nhưng không hiểu sao Bùi Xuân Phái lại từ chối, bảo: “Cần phải đi”.
Bùi Xuân Phái đi đâu? Hay là ông còn có nhiều người bạn khác đang muốn gặp ông? Chứ một ông họa sĩ như Bùi Xuân Phái, có lẽ chẳng có việc gì khác ở cái thành phố xa lạ ấy, vào lúc ấy.
Sau Bùi Xuân Phái đã kể lại: Đúng. Ông chẳng đi đâu cả. Vì đúng, ông cũng chẳng có việc gì, nhất là vào giữa trưa. Cũng không muốn phiền ai, vào giữa trưa. Mà ông chỉ đi ngủ, chỉ không ngủ ở nhà Lưu Công Nhân.
Vậy Bùi Xuân Phái, vào cái buổi trưa hôm ấy, giữa cái đất Sài Gòn nắng nực ấy, ông đã ngủ ở đâu?
Cũng lại theo lời kể của Bùi Xuân Phái: “Mình ra cái vườn hoa hình như có tên là Tao Đàn, tìm một cái ghế đá, úp cái mũ cát lên mặt. Thế là ngủ”…
Rồi ông giải thích: “Mình vẽ có kém gì Lưu Công Nhân đâu. Nhưng số mình nó vất… Nếu ở lại nhà Lưu Công Nhân, trong cảnh giàu sang ấy, liệu mình có ngủ được không?”
Ồ! Một trải nghiệm, buồn, quá buồn, không chỉ của một họa sĩ lớn, mà của cả một con người. Bùi Xuân Phái tự ti ư? Cá nhân tôi không cho là như vậy. Ông tự trọng thì đúng hơn. Còn nếu nói Bùi Xuân Phái tự ti, thì đấy cũng chính là sự tự ti “thiêng liêng” mà Van Gogh cũng có. Van Gogh suốt đời đã cho rằng mình chỉ là một “họa sĩ hạng hai”, vì có rất ít người đã hiểu được ông, và sự thật, Van Gogh hẳn cũng đã tự sát chỉ vì cái mặc cảm “đói nghèo”. “C’est inutile. La tristesse durera toute la vie!” (Vô ích. Nỗi buồn sẽ đeo đuổi suốt đời!). Đó chính là câu nói cuối cùng của Van Gogh. Và nỗi buồn ấy cũng chính là từ mặc cảm đói nghèo.
Bùi Xuân Phái hạnh phúc hơn Van Gogh. Khác với Van Gogh, ngay từ lúc sinh thời, Bùi Xuân Phái đã được vô số người hiểu ông, yêu ông và hâm mộ nghệ thuật của ông.
Những năm 1980, đặc biệt kể từ sau cuộc triển lãm cá nhân lần đầu tiên của Bùi Xuân Phái (cuối 1984 đầu 1985), ông đã bắt đầu bán được tranh, cuộc sống của ông cũng đã ít nhiều trở nên dễ chịu hơn trước…
Vào một chiều áp Tết Đinh Mão (1987), tại cuộc liên hoan do bà Đôn Thư (người phụ trách Gallery số 7 Hàng Khay) tổ chức, để chiêu đãi các họa sĩ đã có nhiều đóng góp cho thành công của bà trong năm, tôi có được gặp Bùi Xuân Phái. Hôm ấy ông cực kỳ vui, rượu say la đà, và nói từng tràng tiếng Pháp… Thật không ngờ, chỉ hơn một năm sau Bùi Xuân Phái đã ra đi. Ông đã mất vào mùa hè 1988.
***
Yêu nghệ thuật trăm năm quá ngắn
Làm kiếp “người” một tuổi, dài ghê
(Đào Mộng Long)
Nghệ thuật, hội họa – phải chăng là ân điển của Thượng đế đã ban cho ta?
Đối với Matisse, hội họa là một cuộc chiến, và nghề vẽ là cái nghề kinh khủng nhất mà ông đã từng trải qua. Bản thân Matisse cũng đã thề rằng, nếu có kiếp sau, ông sẽ không muốn làm họa sĩ nữa.
Picasso thì đã từng coi “hội họa là một công cụ của chiến tranh”. Có lần, có người hỏi Pi: “Nếu bọn Đức quốc xã rượt đuổi theo chúng ta, để cản chúng, chúng ta phải làm gì?” Pi đã trả lời: “Chúng ta bày tranh cho chúng xem”. Hehe.
“Hội họa là một thói hư không bị trừng phạt”. Cézanne thì đã cho hội họa một định nghĩa như vậy. Ồ! Đúng! Hội họa không phải là một ân điển, hội họa quả đúng là một thói hư không bị trừng phạt mà Thượng đế đã ban cho ta – để chúng ta tự trừng phạt chính mình. Ok! Đúng như Nguyễn Gia Trí đã nói: “Vẽ là để xóa nghiệp!”.
Quang Việt
(*) Bài viết đã được đăng trên tạp chí số 289 & 290 tháng 1&2 năm 2017