Hiện thực hóa tầm nhìn Thành phố sáng tạo Hà Nội

(Chinhphu.vn) – Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và các địa điểm khác đã chính thức khép lại. Thành công lớn của lễ hội đã khơi nguồn và lan tỏa tinh thần sáng tạo từ giá trị di sản văn hóa, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn Thành phố sáng tạo Hà Nội.

Phát huy giá trị di sản văn hóa cho sáng tạo

Với 64 hoạt động văn hóa sáng tạo, gồm 4 công trình giới thiệu kiến trúc; 18 trưng bày và triển lãm; 15 hội thảo và tọa đàm, trong đó có 5 hội thảo quốc tế; 9 hoạt động nghệ thuật; 18 hoạt động sáng tạo cộng đồng, lễ hội được tổ chức tại tuyến địa điểm chính là Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu, Ga Long Biên và Ga Gia Lâm. Hàng loạt các sự kiện, hoạt động đều mang đậm dấu ấn văn hóa Thủ đô dưới một góc nhìn sáng tạo. Những địa điểm tổ chức sự kiện như: Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Tháp nước Hàng Đậu, cầu Long Biên đều là những di sản công nghiệp và di sản đô thị, được đánh thức sau một thời gian dài ngủ yên.

Tháp nước Hàng Đậu được sắp đặt với không gian nghệ thuật. Ảnh: VGP/Minh Anh

Trong số các triển lãm và trưng bày của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, các rạp và triển lãm kiến trúc vừa đóng vai trò là công trình điểm nhấn mang tính biểu tượng cho lễ hội, vừa truyền đi thông điệp: Thiết kế sáng tạo – Đánh thức di sản công nghiệp, giúp biến đổi các nhà máy, kho xưởng đang ngủ yên thành tổ hợp mang tính sáng tạo.

Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Quang, người cùng TOOB Studio thiết kế các rạp “Không gian Kiến trúc và Nghệ thuật Phân xưởng nóng” tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm cho biết: “Mục tiêu của lễ hội là giúp mọi người yêu di sản hơn và phát triển nó trong tương lai. Đó là lý do chúng tôi quyết định giữ nguyên hiện vật ở đây, hầu như không động gì vào, chỉ làm sạch và cung cấp những chú thích để công chúng hiểu về hoạt động của công xưởng. Qua đó, tôi muốn truyền tải thông điệp rằng, những máy móc này đã có thời kỳ phục vụ cho những người công nhân, cho nhà máy, là một phần lịch sử thú vị”.

Các hoạt động nghệ thuật, hoạt động trình diễn của cộng đồng tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm là sự kết hợp sáng tạo trên nền tảng truyền thống và đương đại. Hoạt động Hội chợ thủ công nghệ thuật là nơi quy tụ nhiều người trẻ đang theo đuổi các ngành nghề sáng tạo với những bản sắc riêng biệt của từng cá nhân, bên cạnh đó còn các nhóm sáng tạo, các không gian sáng tạo, nghệ nhân của các làng nghề truyền thống tham gia mang tới sân chơi cởi mở, kích thích sự sáng tạo cho mọi người. Đặc biệt, tuyến tàu “Hành trình di sản” kết nối hai bờ sông Hồng đã tạo ra điểm nhấn cho lễ hội, thu thú sự trải nghiệm của đông đảo người dân và du khách.

Một góc triển lãm Thủy Phủ tại Lễ hội. Ảnh: VGP/Minh Anh

Sự độc đáo, sáng tạo của không gian tổ chức cùng các hoạt động, sự kiện của lễ hội đã hấp dẫn đông đảo người dân Thủ đô cùng du khách trong và ngoài nước. Theo thống kê của Ban Tổ chức, lễ hội đã đón 200.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm các hoạt động tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm; 30.000 lượt khách tham quan Tháp nước Hàng Đậu. Cùng với đó, lễ hội cũng thu hút sự hưởng ứng, chủ động sáng tác của 2.000 nhà sáng tạo nội dung; 4 triệu thảo luận trên mạng xã hội. Còn theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, trong 12 ngày diễn ra lễ hội, có tới 26.000 vé tàu đã bán ra cho khách trải nghiệm tuyến tàu di sản; tuy nhiên, số lượng này vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của du khách. Điều này đã khẳng định tính hiệu quả của lễ hội khi phát huy giá trị di sản cho hoạt động sáng tạo.

Tinh thần sáng tạo được lan toả tới các quận, huyện và các làng nghề trên toàn thành phố với sự tham gia của chuỗi hơn 40 sự kiện văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo và đổi mới trên các địa phương, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân.

Hiện thực hóa các sáng kiến của Hà Nội

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 là một cơ hội đề cao giá trị thiết kế, khai phá nội lực sáng tạo, mang đến những giải pháp sáng tạo, bền vững và hài hòa cho cộng đồng trên nền tảng di sản của Hà Nội.

Đây là hoạt động thường niên của thành phố Hà Nội nhằm triển khai Kế hoạch thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, khẳng định vị thế tiên phong của Hà Nội ở tầm quốc gia, hội nhập với xu thế kinh tế sáng tạo quốc tế. Lễ hội cũng là hoạt động hiện thực hóa chủ trương của thành phố Hà Nội về khai thác nguồn lực văn hóa, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hoá góp phần phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô một cách bền vững.

Biểu diễn nghệ thuật trên tuyến tàu Hành trình di sản. Ảnh: VGP/Minh Anh

Đặc biệt, việc tổ chức lễ hội tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm mở ra hướng chuyển đổi các cơ sở sản xuất công nghiệp di dời ra khỏi nội đô thành không gian sáng tạo, khi chính sách di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội đô đã và đang để lại những di sản công nghiệp giàu tiềm năng chờ được đánh thức.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng khẳng định: “Thành phố Hà Nội đang hướng tới xây dựng Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội trở thành sự kiện thường niên mang tầm quốc tế và khu vực, tạo điểm nhấn trong năm, thu hút đông đảo nhà thiết kế, doanh nghiệp, du khách trong nước và quốc tế tham dự. Lễ hội nhằm kết nối sự sáng tạo và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, hướng tới hình thành trung tâm thiết kế sáng tạo, trung tâm biểu diễn nghệ thuật… phát triển ngành công nghiệp văn hóa dọc hai bên bờ sông Hồng. Đồng thời, đây cũng là sự kiện mà thành phố lan tỏa những vấn đề UNESCO mong muốn sau khi Hà Nội được công nhận là Thành phố Sáng tạo, tạo dựng một môi trường tốt để cộng đồng sáng tạo phát huy khả năng của mình”.

Có thể nói, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 đã ngày càng được khẳng định và góp phần truyền cảm hứng sáng tạo, hứa hẹn trở thành một bệ phóng cho sức mạnh sáng tạo của Thủ đô, hướng đến hoạt động kinh tế của tương lai, bền vững và có tính lan tỏa tạo động lực cho các ngành công nghiệp văn hoá, dịch vụ khác phát triển.

  Minh Anh

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ 

Tin cùng chuyên mục

Triển lãm “Tôi yêu Sushi”

Thông tin từ ban tổ chức: Vào năm 2013, UNESCO đã ghi danh washoku — Ẩm thực Nhật Bản — vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể, với sushi là ví dụ điển hình. Sushi là một món ăn tinh tế, tốt cho...

Cầu đi bộ biến thành không gian nghệ thuật

NDO – Cầu dành cho người đi bộ trên phố Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã được trang trí thành không gian nghệ thuật ánh sáng với chủ đề “Nước”, thu hút sự quan tâm của...

Chính thức ra mắt Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (ĐHQGHN)

(Chinhphu.vn) – Việc chuyển đổi thành Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật với các chức năng và nhiệm vụ chính là tổ chức và triển khai các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học...

Triển lãm “Tái hình lập ảnh” tại VCCA

Từ ngày 20/04/2024, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) sẽ mở cửa triển lãm kỹ thuật số mang tên “Tái Hình Lập Ảnh”. Triển lãm giới thiệu các tác phẩm kinh điển của trường phái...

Vẻ đẹp nội Tâm trong hội hoạ Văn Chiến

Đường “link” dẫn dắt đến với hội hoạ trải qua 40 năm, mang đến cho hoạ sĩ một trái tim đầy rung cảm với nhiều trạng thái của cảm xúc mà tạo nên cú hích trong nghệ thuật mang sắc thái...

Có thể bạn quan tâm

Tháng ba của Trần Thị Trường và Lê Thiếu Ngân

Khi những ngày đông tháng giá đã lùi vào phía sau nhường những tia nắng chan hòa khắp phố phường Hà Nội thì 16 Ngô Quyền có lịch triển lãm của hai nữ tác giả mang tên “Tháng Ba”. Trần Thị...

Những bức tranh đắt giá nhất thế giới

Trong số hàng triệu bức tranh đang tồn tại trên thế giới, có những bức đắt và hiếm đến mức đa số người yêu nghệ thuật không có cơ hội chạm đến. Theo The Collector, định giá tác phẩm nghệ...

Lịch khai mạc triển lãm mỹ thuật khu vực lần thứ 24 năm 2019

...

Bùi Trang Chước – Một bậc thầy của nghệ thuật tranh sơn khắc và đồ họa ứng dụng

Năm 2022, họa sĩ Bùi Trang Chước đã vinh dự được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Giải thưởng dành cho các mẫu thiết kế: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh,...

SIN YUN BOK VÀ TRANH PHONG TỤC THỜI JOSEON

  Sin Yun-bok (Thân Nhuận Phúc) hiệu là Hye Won (Huệ Viên) sinh năm 1758, năm vua Yeongjo (Anh Tổ) thứ 34 của triều I (Lý). Cha ông là Sin Han-pyeong (Thân Hán Bình) và ông nội đều là hội viên của đồ...