Bùi Trang Chước – Một bậc thầy của nghệ thuật tranh sơn khắc và đồ họa ứng dụng

Năm 2022, họa sĩ Bùi Trang Chước đã vinh dự được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Giải thưởng dành cho các mẫu thiết kế: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động; đặc biệt dành cho mẫu thiết kế Quốc huy Việt Nam và tác phẩm sơn khắc “Công trường xây dựng Khu gang thép Thái Nguyên”1. Đây là một sự kiện, một niềm vui lớn của toàn thể giới mỹ thuật Việt Nam nói chung, và của gia đình ông nói riêng, sau nhiều năm chờ đợi.
Nhân sự kiện này, có một số thông tin rất đáng ghi:
– Bùi Trang Chước thực ra họ Nguyễn: Nguyễn Văn Chước. Với Giải thưởng Hồ Chí Minh 2022, mặc nhiên ông đã chính thức được công nhận là tác giả của Quốc huy Việt Nam. Như vậy, cùng với nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến – người vẽ Quốc kỳ, nhạc sĩ Văn Cao (Nguyễn Văn Cao) – người sáng tác Quốc ca, Bùi Trang Chước là một trong ba tác giả “họ Nguyễn” đã sáng tạo nên ba biểu tượng quan trọng nhất của nước Việt Nam, Tổ quốc thân yêu của chúng ta.
– Bùi Trang Chước là một trong bốn họa sĩ đã được lấy tên để đặt cho một đường phố ở Thủ đô Hà Nội (cùng với Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái).
– Bùi Trang Chước là một trong bảy họa sĩ – giảng viên Trường Mỹ thuật Việt Nam ở Chiến khu Việt Bắc được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (cùng với Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Khang, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Văn Tỵ và Nguyễn Sỹ Ngọc). Đồng thời ông cũng là nghệ sĩ duy nhất trong 21 nghệ sĩ mỹ thuật được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong đó bao gồm cả các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.
Trường Mỹ thuật Kháng chiến tại Triển lãm ở Lào Cai giải phóng, 1951. Hàng đứng, từ trái sang: Tô Ngọc Vân, Trịnh Phòng, Bùi Trang Chước, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Thế Vỵ, Trần Đông Lương, Nguyễn Khang. Hàng ngồi, từ trái sang: Lê Nguyên Lợi, Lưu Công Nhân, Trần Quốc Ân (phía sau), Quang Phòng, Dư Tá, Phan Thông (phía sau) và Ngô Tôn Đệ. (Chú giải ảnh: Ngọc Linh)
* * *
Bùi Trang Chước sinh ngày 21 tháng 5 năm 1915 tại thôn Phú Xá, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Từ 1936 đến 1941, ông học và tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khóa 11 (cùng khóa với Hoàng Tích Chù – Giải thưởng Hồ Chí Minh, Nguyễn Tiến Chung – Giải thưởng Hồ Chí Minh, Trần Văn Lắm, Nguyễn Văn Tỵ – Giải thưởng Hồ Chí Minh). Ông là một trong những họa sĩ Việt Nam đầu tiên vẽ mẫu tem thư ngay từ trước 1945.
Sau cách mạng, Bùi Trang Chước tiếp tục vẽ mẫu tem thư và nhiều thể loại đồ họa ứng dụng khác: mẫu giấy bạc, mẫu huân huy chương, mẫu bằng khen và biểu trưng.
Thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, ông công tác tại Ty Thông tin Phú Thọ.2
Từ hòa bình lập lại (1954), ông chủ yếu công tác tại Vụ phát hành Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hội viên sáng lập Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Bùi Trang Chước từng tham gia giảng dạy tại Trường Mỹ thuật Việt Nam ở Chiến khu Việt Bắc (khoảng từ 1950 đến 1952, là một trong mấy giảng viên đầu tiên của trường, dạy về luật xa gần, trước khi tham gia vẽ giấy bạc cho Bộ Tài chính ở Tuyên Quang); sau đó ông tham gia giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội (khoảng từ 1955 đến 1957, dạy vẽ mẫu tiền và mẫu tem thư3), và từ 1959 đến 1964 dạy đồ họa ở Trường Mỹ thuật Công nghiệp.
Tác phẩm chính về đồ họa ứng dụng: Bộ tem kỷ niệm lần thứ 61 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1951); Bộ tem Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954); Mẫu Quốc huy Việt Nam (năm 2021, 112 phác thảo Quốc huy Việt Nam của ông đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia); Biểu trưng Tổng Công đoàn (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam); Mẫu Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động.
Tác phẩm chính về hội họa: Thiếu nữ (1939, lụa); Vịnh Hạ Long (1960, sơn khắc, giải Ba Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 1960); Công trường xây dựng Khu gang thép Thái Nguyên (1962).
BÙI TRANG CHƯỚC – Công trường xây dựng Khu gang thép Thái Nguyên 1962. Sơn khắc. 115x153cm. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Khen thưởng: Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Nhì; Huân chương ISALA của Cộng hòa Nhân dân Lào; Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam.
Bùi Trang Chước mất tại Hà Nội, ngày 27 tháng 2 năm 1992, hưởng thọ 77 tuổi.
MẤY NÉT VỀ HỘI HỌA CỦA BÙI TRANG CHƯỚC
Có một số họa sĩ mà sức nhìn và kỹ năng của họ có thể đạt đến những độ thấu đáo đáng kinh ngạc. Vậy cũng có nghĩa, ta dường như đang nói đến một chủ đề liên quan đến tính chi tiết của hội họa.
Cả người vẽ và người xem thường đứng thành hai phía: một phía thiên về đại thể, một phía thiên về chi tiết. Nhưng chắc chắn không có ai chối bỏ một câu hỏi: “Thế nào là cần và đủ?” – dành cho hội họa. Một bức tranh mà thiếu chi tiết thì dễ bị thiếu đi sự sinh động, tính tự nhiên, và khó tạo ra được sự vững tin ở người xem. Nhưng, ngược lại, một bức tranh mà thiếu đi đại thể thì người xem thậm chí không hiểu nó muốn nói lên cái gì cả. Bởi vậy, một bức tranh có đẹp, có hay, suy cho cùng – phải có cả hai cái đó.
Một trong những họa sĩ tiêu biểu mà ta có thể dẫn ra cho chủ đề này chính là Bùi Trang Chước.
BÙI TRANG CHƯỚC – Bộ tem kỷ niệm lần thứ 61 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1951)
BÙI TRANG CHƯỚC – Vịnh Hạ Long. (Bản mẫu cho tranh sơn khắc) 1960. Bột màu. 40x102cm. Sưu tập tư nhân
* * *
Chuyên chất liệu sơn khắc, ngoài một số tranh phong cảnh như “Chùa Thầy” (1980), Bùi Trang Chước đi sâu vào phong cảnh “công nghiệp”: “Vịnh Hạ Long” (1960), “Công trường xây dựng Khu gang thép Thái Nguyên” (1962, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), “Công trường Thủy điện Thác Bà” (1975), trong đó ông kết hợp cả luật viễn cận châu Âu lẫn phối cảnh ước lệ Á Đông, tìm chất thơ của lao động hiện đại trên nền thiên nhiên bao la còn nhuốm màu hoang dã.
* * *
Về mặt lịch sử, chúng ta thường hay nhắc nghệ thuật sơn khắc “Coromandel” có nguồn gốc từ Trung Quốc, với tính chất trang trí cố hữu của nó. Nhưng diễn biến hiện đại của nghệ thuật này ở Trung Quốc, nếu có, thì ta hầu như không được biết đến.
Kỹ thuật làm tranh sơn khắc ở nước ta, về căn bản, không khác gì mấy so với kỹ thuật làm tranh sơn khắc truyền thống của người Trung Quốc. Nhưng chúng ta khác hẳn người Trung Quốc ở ý thức, quan niệm và ngôn ngữ nghệ thuật. Nói điều đó là bởi vì: Các họa sĩ Việt Nam đã đưa được tranh sơn khắc xích lại gần hội họa, và biến nó trở thành một nghệ thuật “nửa hội họa, nửa đồ họa”, mà tác nhân quan trọng nhất của bước biến đổi này chính là cái tinh thần và sinh khí do chủ nghĩa hiện thực mang đến, đặc biệt trong những năm cuối 1950 và đầu 1960.
BÙI TRANG CHƯỚC – Phong cảnh chùa Thầy. (Bản mẫu cho tranh sơn khắc). 1982. Bột màu. 43x57cm. Sưu tập tư nhân
* * *
… Tranh sơn khắc của Bùi Trang Chước mặc dù có số lượng không nhiều, nhưng mỗi bức tranh của ông đều có thể đã đủ để tạo ra một đề tài nghiên cứu. Điều may mắn là mới đây, chúng tôi đã có dịp tiếp cận với một số “tranh mẫu” của ông, bằng bột màu (và một số màu có thể là màu đặc dụng trong kỹ thuật vẽ giấy bạc), vẽ trên giấy.
Cái tài và năng lực đặc biệt của người họa sĩ ở đây là chỉ qua các chất liệu “pha nước” và được vẽ bằng bút, ông đã tạo ra được những hiệu quả như của một bức tranh sơn khắc thật sự, với đủ mọi vẻ mạnh mẽ, dứt khoát, rắn rỏi, đanh, sắc, đầy chất thổ mộc, mà tưởng như chỉ có bằng dao và đục người ta mới tạo ra được. Bởi vậy, được xem các tranh mẫu này của Bùi Trang Chước cũng như đang được xem các bức tranh sơn khắc của Bùi Trang Chước vậy.
Ở đây, độ vân vi của muôn vàn chi tiết làm cho người xem thích thú, thậm chí khoái trá trước cái sự “tham” của người vẽ, vì có lẽ, chẳng mấy khi ta được thấy sự vật một cách chi li và được nghe thấy cả tiếng rì rào của chúng.
BÙI TRANG CHƯỚC – Công trường Thủy điện Thác Bà. (Bản mẫu cho tranh sơn khắc). 1975. Bột màu. 38x114cm. Sưu tập tư nhân
BÙI TRANG CHƯỚC – Tát nước. 1958. Màu nước. 37x58cm. Sưu tập Phúc Lâm, Hà Nội
Nếu ở tranh sơn khắc “Thôn Vĩnh Mốc” của Huỳnh Văn Thuận, ta đã được thấy những làn sóng biển, những con thuyền rong gió lộng, và hoạt động của con người trong cảnh êm đềm tưởng như vĩnh cửu của cuộc sống – thì ở tranh sơn khắc “Vịnh Hạ Long” của Bùi Trang Chước, vẫn là những cái ấy, nhưng đã gắn vào một không khí hiện đại, hối hả, bề bộn, tấp nập, với sắt thép, bê-tông, máy móc của thời đại công nghiệp hóa, điện khí hóa. Trong các tranh “Công trường xây dựng Khu gang thép Thái Nguyên” hay “Công trường Thủy điện Thác Bà”, ngay cả những đám mây trắng bồng bềnh bay trên nền trời cũng không “thoát” khỏi mục tiêu diễn tả của người họa sĩ.
Trong nghệ thuật tranh sơn khắc Việt Nam, sự kết hợp hoàn hảo này giữa phong cảnh “thiên văn” và phong cảnh “nhân văn” có lẽ chỉ thấy ở tranh Bùi Trang Chước là nổi bật nhất.
Khả năng của một họa sĩ, mà cách ngày nay đã trên dưới nửa thế kỷ, có thể tạo ra được những tấm “panorama” có tầm nhìn rộng, vừa tinh xảo về chi tiết, vừa quán chiếu đại thể, với độ phân giải cao (HD), tính đồng bộ – như của một công cụ quang học kỷ nguyên số như vậy, đặc biệt lại bằng chất liệu sơn khắc, quả thực thật hiếm có và khó có.
Bùi Trang Chước sinh ra như để làm đồ họa, làm tranh sơn khắc. Bản tính giản dị, khiêm nhường của ông cũng là một phẩm chất quý giá của nghệ thuật ông. Ông đã có một cách quan sát cuộc sống rất riêng, một cách tâm tình rất riêng với cuộc sống, từ tốn, nhỏ nhẹ mà đằm thắm, đầy đặn, chu đáo. Tìm đến nghệ thuật ông, nghệ thuật tranh sơn khắc của Bùi Trang Chước, tức là tìm đến một tấm lòng, một công phu lao động, một sự sáng tạo không ồn ào, không khoa trương, một con đường đi đầy khó khăn cần vô vàn nỗ lực để trở thành một cá nhân riêng biệt, độc đáo.
Sự chững lại của nghệ thuật tranh sơn khắc Việt Nam gần đây cho ta thấy, vấn đề không hẳn ở tranh sơn khắc, không hẳn ở tính “thiếu thích nghi” của nó trong bối cảnh đương đại, mà có thể là ở chỗ chúng ta đang thiếu những họa sĩ có đủ tâm thế, có đủ sự yên tĩnh để đi sâu vào một thể loại nghệ thuật vốn giàu tính triết lý Á Đông (và tính thủ công) này.
Bởi vậy, việc nhắc lại và đề cao các họa sĩ như Bùi Trang Chước sẽ càng ngày càng có ý nghĩa.
QUANG VIỆT
1. Trong một số tài liệu chính thức ghi “Khu gang thép Thái Nguyên” là thiếu chính xác.
2. Theo họa sĩ Ngô Mạnh Lân, sách “Dưới mái Trường Mỹ thuật thời Kháng chiến”, Nhà xuất bản Mỹ thuật, 2004.
3. Theo họa sĩ Trương Hiếu, cựu sinh viên “Khóa Tô Ngọc Vân” (1955-1957), Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam.

 

 

 

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

HỌA SĨ HUỲNH VĂN GẤM

KỶ NIỆM 100 NĂM SINH HỌA SĨ HUỲNH VĂN GẤM (1922-2022) GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VĂN HỌC NGHỆ THUẬT năm 2001 TỔNG BIÊN TẬP ĐẦU TIÊN CỦA TẠP CHÍ MỸ THUẬT TỪ 1977-1979   Giải thưởng Hồ...

Tin cùng chuyên mục

Nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng: Từ tượng đài đến những phá cách

NDO – Tại triển lãm “Nắng tháng 3” khai mạc ngày 16/4 do Hội Mỹ thuật Thành phố Đà Nẵng sẽ phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức tại Bảo tàng, nhà điêu khắc, tác giả...

Tác phẩm “Hội cầu mưa” của họa sĩ Nguyễn Thái Cớ thể hiện giao cảm và những nét độc đáo

Tham gia nhiều hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật Hưng Yên, tôi có nhiều cơ duyên gặp họa sĩ trẻ Nguyễn Thái Cớ. Mỗi lần trao đổi về nghệ thuật, tôi đều có ấn tượng về tố chất...

Dòng chảy âm thầm, sâu lắng trong tranh Nguyễn Ngọc Thọ

Cố họa sĩ Ngọc Thọ (1925-2016) thuộc thế hệ thứ ba của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, sau “Đông Dương” và “Kháng chiến”. Tên tuổi ông gắn với hội họa sơn mài, sơn dầu, mang bản...

Tiếng hót trong đêm

Trong những ngày Hà Nội vào độ cuối thu, Blue Space Gallery kết hợp với Manzi Art Space đã tổ chức một sự kiện văn hóa đặc biệt: triển lãm “Tiếng hót” kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố họa sĩ...

Quyện trong thế giới hội họa của Nguyễn Đình Tuyên

NDO – Không khoa trương, không ồn ào, không nổi loạn, Nguyễn Đình Tuyên đến với hội họa bằng một tình cảm chân thành hiếm có. Bút pháp của anh hòa quyện giữa tô và vẽ, giữa vẽ và bôi,...

Có thể bạn quan tâm

Tiến trình phát triển điêu khắc Phật giáo hệ Bắc tông và sự biến đổi kiến trúc ngôi chùa Việt

Chùa Việt là một trong những thực thể kiến trúc gắn liền với đời sống của người Việt, cùng với sự biến động và bồi đắp của lịch sử. Các ngôi chùa cổ ở Đồng bằng Bắc Bộ chính là...

BIỂU TƯỢNG CHUỘT TRONG CÁC NỀN VĂN HÓA

  Tái sinh Trong 12 con giáp, Tý (chuột) là linh vật đứng đầu, khởi tạo một chu kỳ thời gian mới. Ý nghĩa đó gần giống với biểu tượng cho sự tái sinh của chuột ở một số nền văn hóa...

Chuyện về hiệu trưởng Victor Tardieu và sinh viên Nguyễn Gia Trí

Vài lời rào trước: Bố tôi – cố họa sỹ Nguyễn Trọng Hợp (tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa XIII 1939-1944) từng là đệ tử của danh họa Nguyễn Gia Trí trong khoảng các...

KỶ NIỆM 130 NĂM SINH HỌA SĨ NAM SƠN (1890-1973): ĐẶT LẠI VẤN ĐỀ VAI TRÒ CỦA HỌA SĨ NAM SƠN TRONG VIỆC THÀNH LẬP TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỸ THUẬT ĐÔNG DƯƠNG

  Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của họa sĩ Nam Sơn, cũng nhân dịp cô Thụy Khuê, trước đây phụ trách phê bình văn học cho đài RFI tại Pháp, trong quyển “Lê Thị Lựu, ấn tượng hoàng hôn”...

CHUYỆN SƠN MÀI TRONG XƯỞNG HỌA CỦA NGUYỄN GIA TRÍ

  Danh họa Nguyễn Gia Trí (1908-1993) là một trong những họa sĩ đi đầu tìm tòi sáng tác, đưa chất liệu sơn ta truyền thống, vốn quen dùng trang trí, nâng thành chất liệu hội họa sơn mài. Ông là...