JOSEPH INGUIMBERTY (1896-1971)
Tác phẩm: Hai cô gái bên bờ ao
Năm sáng tác: Khoảng 1940-1943
Chất liệu: Sơn dầu
Kích thước: 106x81cm
Thuộc bộ sưu tập Nghệ thuật Quang San, Tp. Hồ Chí Minh
Joseph Inguimberty là một họa sĩ cổ điển lãng mạn Pháp. Ông đã từng sống, dạy học và sáng tác 20 năm ở Việt Nam. Nếu nói về một họa sĩ “Pháp nhất trong các họa sĩ Việt Nam, và Việt Nam nhất trong các họa sĩ Pháp”- thì có thể nói đó chính là Inguimberty. Ở Pháp, ông cũng đã được mệnh danh là “Renoir của xứ Bắc Kỳ”.
Thực ra, ban đầu, Inguimberty có thiên hướng về kiến trúc, nhưng thay vì kiến trúc, ông đã lựa chọn học ngành nghệ thuật trang trí. Chỉ từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất ông mới bắt đầu tập trung vào hội họa, và trước nhất là hội họa hiện thực. Năm 1924, ông đã giành Giải thưởng Quốc gia với bức tranh hiện thực khổ lớn: “Những người thợ bốc dỡ ở cảng Marseille”.
Trước khi sang Việt Nam, Inguimberty đã từng đi nghiên cứu và sáng tác ở nhiều nước: Hà Lan, Bỉ, Ý, Hy Lạp và Tây Ban Nha.
Tô Ngọc Vân từng nói: “Inguimberty là một người vẽ trung thực”. Và chữ trung thực ở đây phải được hiểu rộng về ý nghĩa chứ không chỉ giới hạn như một từ ám chỉ về phong cách.
Hội họa Inguimberty, cho dù luôn xuất phát từ hiện thực, từ cái cụ thể, thậm chí tôn trọng “tối đa” cái cụ thể, và bản thân ông vốn được xem như một họa sĩ bậc thầy của ngoại cảnh “nguyên vẹn”, nhưng không bao giờ vì thế mà sa vào chủ nghĩa tự nhiên hời hợt. Trái lại, khoảnh cách giữa sự thật và tranh ông, quả nhiên bao giờ cũng rất rõ ràng, nó cuốn hút người xem bằng một thứ âm sắc ngân nga, thực đấy mà cũng hư đấy, mắt thấy tai nghe mà ngỡ như đang ở trong một giấc mộng đẹp. Từ những đồ án mang đầy tính trang trí, với những đường nét đan xen, uốn éo vào nhau, làm vách ngăn cho những mảng bẹt được phân bố vừa tự nhiên vừa chính xác một cách đáng kinh ngạc- sự giản dị “không có gì ở đấy mà tất cả ở đấy” trong tranh Inguimberty vẫn thường đến hết sức bất ngờ như vậy… Tranh “Hai cô gái bên bờ ao” giới thiệu ở đây là một trong những tác phẩm khá điển hình cho phong cách hội họa ấy, một phong cách mà trên thực tế đã có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều họa sĩ Việt Nam Thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương, đặc biệt đối với Tô Ngọc Vân và Nguyễn Gia Trí.
F.A.M.
Lê Phổ (1907-2001)
Tác phẩm: Bình hoa tulip
Chất liệu: Sơn dầu
Kích thước: 92×65 cm
Bộ Sưu tập Nghệ thuật Quang San, Thành phố Hồ Chí Minh
Thế giới của Lê Phổ là một chốn bồng lai tiên cảnh giữa trần gian (theo Waldemar George), và tài năng hội họa hiếm có của ông đã khiến cho con người đặt niềm tin vào thế giới đó.
Ít ai vẽ hoa và thiếu nữ nhiều và đẹp như Lê Phổ. Hoa và thiếu nữ, đôi khi có cả trẻ em, trong tranh ông rất lạ, một trăm phần trăm thực mà cũng một trăm phần trăm hư, thân quen lắm mà cũng không biết đến từ đâu, trong “một vẻ đẹp mát rượi của hội họa”, vừa mang đặc tính Pháp, “phàm ăn”, thuần khiết giai điệu, vừa có cái ẩn hiện, cổ kính, liêu trai của Á Đông, đức tin, sắc thái tinh thần của cả Phật giáo và Thiên chúa giáo.
Những bức tranh như thế này của Lê Phổ cũng được xem là lãng mạn, tức là lý tưởng hóa hiện thực và nuôi dưỡng những ước mơ xa xôi. Đúng, nhưng dường như chỉ đúng ở góc độ khoa học phân loại, bởi vì trong tâm thức của chúng ta, đấy không phải là một đời sống vượt quá tầm với, mà là nơi chúng ta có thể hòa vào để hưởng sự an lạc, có thực, ngay lập tức.
Trên thực tế, Lê Phổ là một trong số ít họa sĩ Việt Nam đầu tiên đã thành công trên con đường quốc tế hóa, và bằng một thứ ngôn ngữ hội họa quốc tế do riêng ông sáng tạo ra, hình tượng người phụ nữ Việt Nam, với chiếc áo dài Việt Nam đã trở thành những “thực thể” nghệ thuật góp phần làm cho cả thế giới thêm cảm thông, yêu thích và ngưỡng mộ nền văn hoá rực rỡ và lâu đời của Việt Nam.
F.A.M.
LÊ THỊ LỰU (1911-1988)
Tác phẩm: Cô gái bên bờ suối
Năm sáng tác: 1973
Chất liệu: Lụa
Kích thước: 65x50cm
Bộ Sưu tập Nghệ thuật Quang San,Thành phố Hồ Chí Minh
Trong hội họa của Lê Thị Lựu, đề tài “Sơn nữ” chúng ta chưa biết có từ bao giờ, chỉ biết từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước, bà đã vẽ về đề tài này. Những cô gái mộng mơ này, về sau cũng đã trở thành những “típ” đại diện dễ nhận ra nhất cho phong cách hội họa Lê Thị Lựu, với một vẻ đẹp lạ lùng dường như không phải “tranh chấp” gì với vẻ đẹp của những người thiếu nữ trong tranh Lê Phổ, Mai Thứ hay Vũ Cao Đàm.
Có thể có người đặt câu hỏi: Tại sao đề tài “Sơn nữ” lại gắn liền với một họa sĩ Việt Nam sống ở trời Tây, và người họa sĩ ấy đã lấy đâu “tư liệu” để vẽ nên những cô sơn nữ ấy?
Câu trả lời ở đây, có lẽ là như thế này: Hãy hỏi một Nguyễn Nhược Pháp nhà thơ, hay một Văn Cao, một Trần Hoàn nhạc sĩ – xem họ có gì khác so với một họa sĩ như Lê Thị Lựu?! Mơ tưởng nào thì cũng ít nhiều giống nhau, và người nghệ sĩ bao giờ cũng tìm ra được cách để thể hiện nó bằng những phương tiện riêng có của mình.
Lê Thị Lựu như nhìn thấy tiên giới, cái hư cái thực trong tranh bà đã nối tiên giới ấy với tâm hồn con người ở cõi trần gian; là hư bởi trí tưởng tượng được dẫn dắt bởi thi ca và âm nhạc; là thực bởi bàn tay người nghệ sĩ cũng là bàn tay kiến tạo, có thể biến tình cảm, suy nghĩ thành hình ảnh, tựa như một thiên nhiên thứ hai đến từ thiên nhiên do bàn tay của tạo hóa.
Người phụ nữ vẽ Lê Thị Lựu quả là một họa sĩ như thế, đi từ chủ nghĩa cổ điển tới chủ nghĩa hậu ấn tượng, bà đã tôn Bonnard- bậc thầy của ánh sáng kỳ ảo và xúc giác êm ái- là người dẫn đường. Nhưng cũng như Lê Phổ, ít nhất là Lê Phổ, bà còn là một nghệ sĩ Á Đông- Việt Nam, và bằng một nền vẽ Á Đông- Việt Nam: Lụa- bà đã tìm ra tiếng nói riêng của chính mình. Phong cách, kỹ thuật vẽ lụa của bà (vẽ khô, chỉ bằng phấn màu), có thể nói, không giống ai, vừa sắc sảo trên từng nét vẽ, vừa mịt mùng sương khói, gợi nên hơi ấm còn sót lại vào những buổi hoàng hôn, cho người xem như thấy cả thời gian đang chuyển động qua những khoảnh khắc mong manh, trước khi sân khấu đóng màn. Chất nữ mềm mại, tình cảm biểu hiện hết sức riêng tư và dịu hiền trong tranh Lê Thị Lựu, khiến ta không khỏi phải thốt lên: Ồ, chưa gặp bao giờ!
F.A.M.
VŨ CAO ĐÀM (1908 – 2000)
Tác phẩm: Ngựa và giám mã
Năm sáng tác: 1967
Chất liệu: Sơn dầu
Sưu tập Hàn Ngọc Vũ, Hà Nội
“Ngựa”, “Ngựa và giám mã” hay “Kỵ sĩ” thực ra là một đề tài rất cổ, đặc biệt trong hội họa Trung Hoa và kho tàng văn hóa và nền thi ca phương Đông. Có thể vì vậy mà những bức tranh vẽ ngựa thường có tiếng vọng xa xăm, gợi nhiều liên tưởng sâu xa đối với con người.
Có rất nhiều họa sĩ hiện đại vẽ ngựa, nhưng tranh vẽ ngựa của Vũ Cao Đàm quả tình đã đạt tới một phẩm giá cao quý riêng biệt. Ngựa trong tranh ông tựa như ngựa thần, thường đi nước kiệu, khi uyển chuyển khoan thai, khi oai phong lẫm liệt, mà bao giờ cũng hiền. Nó như từ một thảo nguyên xa xôi nào đó lạc đến đây, và dường như chỉ xuất hiện vào những đêm trăng, dưới ánh sáng mờ ảo huyền bí.
Bức tranh “Ngựa và giám mã” ở đây thực ra chỉ là một thể nghiệm về bút pháp “vẽ như xóa”, không làm biến đổi tinh thần chung của tranh vẽ ngựa Vũ Cao Đàm, và cũng không phải một bước đi đến lối vẽ trừu tượng. Cần nhớ ông là một họa sĩ rất thích tìm tòi về kỹ thuật biểu hiện, chất màu sơn dầu của ông luôn luôn có đặc tính kỳ lạ, với bề mặt ráo xốp, hơi mờ mờ tựa như có phấn. Đặc tính này cũng góp phần quan trọng bậc nhất tạo nên phong cách nghệ thuật của ông.
F.A.M.
NGUYỄN GIA TRÍ (1908 – 1993)
Tác phẩm: Chiều hôm-những ánh vàng
Năm sáng tác: 1944
Chất liệu: Sơn mài
Kích thước: 37x45cm
Sưu tập tư nhân, Hà Nội
Sẽ là thiếu sót lớn nếu chúng ta cho rằng: Nguyễn Gia Trí là họa sĩ của “Thiếu nữ- Vườn cây- Lầu tạ”!
Đúng, ông nổi tiếng từ rất sớm và nổi tiếng lẫy lừng với đề tài ấy, và dường như cũng đã đóng một “cái đinh” cuối cùng cho sự nghiệp bằng đề tài ấy, không thể nói khác đi được. Vậy nhưng, như chính Nguyễn Gia Trí từng nói: Chỉ có các tranh trừu tượng của “Gia Trí” mới là “fini”, là “xong”, chứng tỏ tự ông cũng chưa thực sự cảm thấy viên mãn với những bức tranh hình tượng do ông vẽ ra, trong đó chắc chắn có cả tranh đề tài thiếu nữ.
… Thực ra, Nguyễn Gia Trí đã vẽ trừu tượng ngay từ Thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương. Ông đã từng dùng sơn mài để vẽ nên những cái ông gọi là “món súp màu”, mà ngay từ thời xa xưa ấy đã khiến cho nhiều người rất thích thú.
Và để đi đến hội họa trừu tượng thực sự, thuần túy, Nguyễn Gia Trí cũng đã phải trải qua nhiều thời kỳ trung gian, giống như hầu hết các họa sĩ trừu tượng khác, đặc biệt Kandinsky, tức là phải đi từ “Ấn tượng” (Impression) qua “Ứng tấu” (Improvisation) để đến điểm gút sau cùng là “Bố cục” (Composition) và “Bố cục Kiến tạo” (Compositionelle).
Bức tranh “Chiều hôm, những ánh vàng” ở đây, có thể nói, chính là một trong những tác phẩm điển hình đã được Nguyễn Gia Trí sáng tác trong một thời kỳ trung gian nào đó như thế, nó có thể được xem như một “ứng tấu”, mà theo ước đoán có thể đã được vẽ vào đầu những năm 1940. Trên một khổ tranh khá nhỏ, thậm chí dưới khổ trung bình, ông đã vẽ cả một cánh đồng mênh mông, trải rộng ngút tầm mắt. Bằng sơn mài mà ông vẽ vẫn thực hoạt bát, sinh động, thoải mái như một họa sĩ vẽ “pochade” bằng sơn dầu trực tiếp trước cảnh vật, gợi được cả gió trời và ánh sáng lung linh trên mặt nước, cùng mấy cô thôn nữ gánh đang tất tả trở về trên con đường mòn xa tắp…
Có lẽ không ở đâu như ở đây, người ta bị buộc phải choáng ngợp trước một vệt vàng kim chói sáng, được phẩy một cách tự nhiên, có khí và có thần, thanh thản bay như một nét phẩy bằng bút mực.
Vả lại, điều đặc sắc nhất trong những đặc sắc của bức tranh, là cũng ở đây, nghệ thuật tạo hình của Nguyễn Gia Trí có thể so sánh với nghệ thuật tạo chữ. Ông không chỉ lấy cảm hứng, căn cốt từ nghệ thuật thư pháp Trung Hoa cổ, mà hình như còn từ một cái gì đó xa xăm tựa như “contre écriture” (phản văn tự) của Roland Barther, thậm chí còn đi trước cả Barther, nhìn chữ viết dưới góc độ trực giác của tín hiệu học. Đối với một họa sĩ kỳ tài và uyên bác như Nguyễn Gia Trí, không có gì là không có thể. Ông luôn luôn làm cho tư tưởng và con mắt của chúng ta ngạc nhiên và thỏa sướng nhờ khả năng “hấp tinh đại pháp” hiếm có của ông.
F.A.M.
TRẦN VĂN CẨN (1910 – 1994)
Tác phẩm: Thiếu nữ mộng mơ
Năm sáng tác: 1941
Chất liệu: Sơn dầu
Kích thước: 50x43cm
Bộ sưu tập nghệ thuật Quang San, Tp. Hồ Chí Minh
Các tranh sơn dầu của Trần Văn Cẩn thời kỳ trước cách mạng hiện còn sót lại rất ít, nhưng mặc dầu ít thì vẫn đủ để chúng ta thấy được tài năng vẽ sơn dầu của ông đã bộc lộ từ rất sớm.
Trên thực tế, Trần Văn Cẩn là một trong những họa sĩ toàn năng đầu tiên của nước ta. Ông thành thục hầu hết các chất liệu vẽ (sơn dầu, sơn mài, lụa, khắc gỗ, thuốc nước, mực nho), và ở chất liệu vẽ nào ông cũng đều có tác phẩm xuất sắc.
Có người cho rằng: Phong cách hội họa Trần Văn Cẩn là “phong cách không có phong cách”, hoặc dễ hiểu hơn, vì đó là “một phong cách lồng nhiều phong cách”… Ông quả thực không bao giờ chịu dừng lại, và quá trình nỗ lực tìm tòi của ông phải được quy chiếu vào hệ thống thì mới sáng rõ.
Nói Trần Văn Cẩn là một họa sĩ cổ điển cũng đúng, hiện đại cũng đúng, hiện thực, lãng mạn hay ấn tượng cũng đúng, phương Tây hay phương Đông cũng đều đúng… để rồi rốt cuộc, Trần Văn Cẩn vẫn là Trần Văn Cẩn, độc đáo, thực chất, không ồn ào, phô trương, mà thầm lặng, kín đáo!
Qua bức tranh sơn dầu vẽ thiếu nữ này mới biết, có những lối vẽ cốt cách căn bản dường như đã được hình thành ngay từ thời kỳ đầu của một họa sĩ, và chính từ cái căn bản ấy người họa sĩ sẽ biến hóa nó đến vô tận nếu anh ta thực sự có tài năng. Một người vẽ hay thay đổi quá có thể là một người vẽ thiếu định kiến và không chắc đã hay. Một người vẽ chuyển hóa từ từ, chậm rãi, vững chắc, giữ được sự nhất quán thực ra mới là khó, và đôi khi vẫn trở thành họa sĩ bậc thầy.
Không chỉ ở chất liệu sơn dầu, mà hầu như ở chất liệu nào, mục tiêu của Trần Văn Cẩn cũng là bắt kịp sự tươi rói của cảm xúc, và điều hòa cảm xúc với nhu cầu biểu hiện theo khoa học hàn lâm.
Ông rất thích kết hợp bút pháp tả thực và trực tiếp của phương Tây với bút pháp Á Đông cổ, bao giờ cũng tìm ra được cơ hội để đưa vào tranh những nét chấm phá, tạo cảm giác sảng khoái, khoáng đạt, buông lơi trong hiệu quả như của những bản phác thảo. Một trong những cái đẹp, cái hay, cái thú vị nhất của hội họa Trần Văn Cẩn có lẽ ở đấy.
F.A.M.
PHẠM HẬU (1903 – 1994)
Tác phẩm: Vinh quy bái tổ
Năm sáng tác: Không xác định được
Chất liệu: Màu nước trên giấy
Kích thước: 27x64cm
Sưu tập Nguyễn Minh, Hà Nội
Năm 1935, ngay sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương một năm, họa sĩ Phạm Hậu đã giành huy chương vàng tại cuộc triển lãm lần đầu tiên của Hội An Nam khuyến khích Mỹ thuật và Kỹ nghệ (SADEAI). Về Phạm Hậu, báo Ngày nay (số 3, 20/2/1935) viết: “Ông Phạm Hậu có một lối vẽ riêng hẳn, không giống ai. Ông thật là một họa sĩ có tài quan sát, biết vẽ những cảnh thường ngày diễn ra trước mắt, người và vật, rất hoạt động như thật”.
Trên thực tế, Phạm Hậu là một trong những họa sĩ đi tiên phong trong lĩnh vực sơn mài, kết hợp kiến thức bác học châu Âu với sự cảm thụ tinh tế Á Đông, bằng một kỹ năng thủ công đặc biệt tinh xảo, với hiệu quả vô cùng hoàn thiện. Năm 1944, tại Hà Nội, ông đã bày chung tranh sơn mài với Nguyễn Gia Trí, và năm 1953, tại Triển lãm Nghệ thuật Quốc tế các nước Đông Nam Á tổ chức ở Thái Lan, tranh sơn mài của ông cũng đã được hoan nghênh nhiệt liệt.
Có thể vì đi sâu vào sơn mài, đặc biệt sơn mài ở dạng hội họa trang trí, nên các sáng tác bằng các chất liệu khác của Phạm Hậu rất ít được biết đến. Thực ra, ông vẽ sơn dầu và làm tranh sơn khắc cũng rất đẹp. Riêng ở đây, chúng ta còn được biết đến một thử nghiệm của ông bằng bút nhiệt trên gỗ, cũng ở thể thức trang trí, như là một dự án cho sơn mài hoặc sơn khắc, thể hiện một đề tài xưa, cho dù có hơi sáo cũ, nhưng về mặt tạo hình và diễn tả thì không kém phần sắc sảo, cho thấy nội lực thâm hậu và khả năng đa dạng của ông.
F.A.M.
NGUYỄN VĂN ANH (1914 – 2000)
Tác phẩm: Đọc sách
Năm sáng tác: 1937
Chất liệu: Lụa
Kích thước: 62x38cm
Sưu tập Hàn Ngọc Vũ, Hà Nội
Họa sĩ Nguyễn Anh (Nguyễn Văn Anh) sinh năm 1914 tại Sài Gòn. Ông học và tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa VI (1930-1935). Năm 1936, ông là giảng viên mỹ thuật Trường Chasseloup Laubat Sài Gòn. Từ năm 1937 đến 1945, là giảng viên Trường Trang trí Mỹ thuật Gia Định. Tiếp theo, ông đi tu nghiệp 5 năm tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật ở Paris, đoạt Giải thưởng Hội họa Hallmark. 1959-1960, ông nghiên cứu về mỹ thuật ở châu Âu nhờ một học bổng do UNESCO cấp, tham dự nhiều triển lãm ở Pháp, Ý, Bỉ, Đức, Brazil và Hoa Kỳ. Năm 1970, có một thời gian ngắn làm giám đốc Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn. Từ 1975, ông định cư ở Pháp và mất ở Pháp năm 2000.
Bức tranh “Đọc sách” ở đây được Nguyễn Anh sáng tác năm 1937, sau khi ra trường 2 năm, cũng vào đúng quãng giữa thời kỳ đỉnh cao của tranh lụa Việt Nam (1930-1940), với một số tên tuổi lớn như Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Tôn Thất Đào . . . Tranh “Đọc sách” thể hiện đề tài sinh hoạt, một đề tài khá thịnh hành khi ấy, qua
một bố cục giàu chất tâm tình, có hai nhân vật: một thiếu nữ và một trẻ em, mang đặc trưng giai thoại (những câu chuyện đẹp, quen thuộc) cố hữu của khuynh hướng cổ điển, mà muốn đánh giá người ta sẽ có rất nhiều tác phẩm mẫu mực để tham chiếu. Bằng hòa sắc lam tím nâu thanh đạm, cao quý, thuần khiết, vẽ hầu như không có nét, hay nói cách khác, là vẽ chủ yếu bằng phân mảng đậm nhạt (trong khả năng diễn tả sự vật có phần giới hạn của tranh lụa), mà vẽ được như thế này quả thực là một thành tựu: hình gọn, tầng lớp rõ, các chi tiết tách bạch mà mềm mại, gợi nên cả một bầu không khí êm dịu, yên tĩnh, tinh khiết, tôn cao chủ đề – một phong cách vẽ lụa hiện thực trữ tình mang đầy chất thơ và tính thời đại. Cái “vang bóng một thời” của nghệ thuật vẽ lụa, có thể nói, có thể thấy ở đây.
F.A.M.
LÊ QUỐC LỘC (1918 – 1987)
Tác phẩm: Phong cảnh làng chài
Năm sáng tác: Khoảng 1939-1940
Chất liệu: Sơn mài
Kích thước: 140x100cm
Sưu tập Nguyễn Minh, Hà Nội
Nếu nói về dư âm, dư vị của thể loại bình phong sơn Á Đông cổ trong hội họa sơn mài Việt Nam thì ta có thể lấy một số tranh của Lê Quốc Lộc làm ví dụ.
Sự kế thừa truyền thống Á Đông ở đây không chỉ ở thể thức trình bày, cách tổ chức không gian, mà còn ở cả sự lựa chọn đề tài, mô-típ, đặc biệt làm gợi nhớ đến nghệ thuật Nhật Bản.
Đây là một tác phẩm trang trí, thậm chí là mang tính trang trí tuyệt đối: Cái nền đỏ của tranh chỉ ứng với một ý đồ thực nghiệm, nó có thể được hoán đổi sang nền đen, hay một nền màu thích hợp bất kỳ nào đó, mà về cơ bản vẫn không làm khác đi tinh thần của bức tranh. Thực là thú vị!
Riêng trong hội họa sơn mài, về mặt kỹ thuật, không mấy ai sánh được với Lê Quốc Lộc, và cũng không mấy ai sánh được với ông trên phương diện ứng dụng các loại kỹ thuật tuỳ theo cách chọn ưu tiên cho từng đề tài.
Bằng sơn mài, Lê Quốc Lộc vẽ thật dễ dàng, mỏng manh mà vẫn vững chắc, mô tả tỉ mỉ, vân vi mà hiệu quả lại hết sức đơn giản, ngỡ như không cần chút kỳ khu nào.
Nhiều người vẽ tre tựa như rắc trấu, ông thì không, cho dù tỉa từng cái lá nhưng chúng vẫn quyện lấy nhau thành từng chòm, trước sau, trên dưới, với đủ mọi vẻ phong phú, đung đưa theo ngọn gió thoảng, lấp lánh ánh sáng. Và bởi tài năng thể hiện ấy, Lê Quốc Lộc luôn luôn biến được một bức tranh trang trí thành một tác phẩm mang nhiều tính hội họa.
F.A.M.
NGUYỄN KHANG (1911 – 1989)
Tác phẩm: Phong cảnh Bắc Bộ (Một góc Thác Bờ)
Năm sáng tác: 1935
Chất liệu: Sơn mài
Kích thước: 38x60cm
Sưu tập Nguyễn Minh, Hà Nội
Nguyễn Khang học khóa VI (1930-1935) Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ngay từ những năm 1932-1934, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng cho bước khởi đầu của hội họa sơn mài Việt Nam, đặc biệt trên phương diện cải tiến chất màu (colorant).
Bức tranh “Một góc Thác Bờ” ở đây, sáng tác năm 1935, bởi vậy cũng thuộc những tác phẩm sơn mài thời kỳ đầu tiên của ông.
Tranh sơn mài của Nguyễn Khang nổi bật ở tính trang trí, như sự kế thừa truyền thống của nghệ thuật sơn Á Đông cổ, nhưng tính trang trí trong tranh ông lại hết sức sống động, luôn luôn là kết quả của sự nghiên cứu kỹ lưỡng trực tiếp trước đối tượng, vừa bằng cảm thức phương Đông, vừa bằng phương pháp khoa học của phương Tây. Khác với các tranh sơn mài của Nguyễn Khang ở thời kỳ sau, ở thời kỳ đầu tiên này, ông vẫn chủ yếu sử dụng lối vẽ công bút đồ họa mỹ nghệ, giữ lại những yếu tố triết lý của nghệ thuật thủ công dân gian xa xưa, kết hợp mài- đắp- khắc, với bảng màu sáng khá rực rỡ, mà chỉ vì chúng ta đã quá quen với các tác phẩm của Nguyễn Khang về sau nên có thể thấy các tác phẩm ở thời kỳ đầu của ông hơi lạ.
Trong các họa sĩ Việt Nam hiện đại, có thể nói, Nguyễn Khang giống như một nhà “Thơ mới” trữ tình pha lẫn tính “cổ phong”, cổ kính và tân kỳ, với một phong cách độc đáo bậc nhất.
F.A.M.
DƯƠNG BÍCH LIÊN (1924 – 1988)
Tác phẩm: Nữ y tá
Năm sáng tác: Khoảng 1968-1972
Chất liệu: Bột màu
Kích thước: 70x50cm
Thuộc bộ sưu tập Nghệ thuật Quang San, Tp. Hồ Chí Minh
Bức tranh này có thể đã được Dương Bích Liên vẽ vào những năm 1968-1972, thời kỳ chiến tranh, trong khoảng thời gian ông vẽ bức tranh “Hào” nổi tiếng. Hành động vẽ ở đây như một thực nghiệm tư tưởng để chứng minh sự có mặt của người vẽ trong hiện thực cuộc sống mà vẫn giữ được cốt cách, cái nhìn riêng của mình trước cuộc sống, đơn giản mà đằm sâu, với vẻ bên ngoài tưởng như thoáng qua mà vẫn đầy sức ám ảnh, đã xem một lần thì nhớ mãi, không thể quên được.
Nhân vật và đạo cụ gắn với một cảnh huống cụ thể, nhưng không phải là câu trả lời mang tính mô tả, mà là một câu hỏi, không làm thỏa mãn về nội dung nhưng lại làm thỏa mãn về ý nghĩa: chiếc đèn bão phòng không, vốn là cái người ta cần theo quán tính hơn là cần theo nhu cầu- đã bị người vẽ bỏ đi chức năng, dường như không chiếu sáng gì cả, và đã trở thành một vật biểu tượng tượng trưng cho tinh thần tự định hướng; người nữ y tá phải chăng là hiện thân của người vẽ đang nhìn cuộc chiến để tìm chỗ đứng cho mình, không phải bằng ánh sáng bên ngoài, mà bằng một thứ ánh sáng tự thân tỏa ra từ bên trong.
Chỉ qua bức tranh nhỏ này, có thể nói, hội họa của Dương Bích Liên đã tiếp cận khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa đương thời ở tầng sâu như của phái biểu tượng, mang tính thời đại nhưng không làm mất đi nhân cách riêng của từng con người, từng nghệ sĩ.
F.A.M.
Bùi Xuân Phái (1920 – 1988)
Tác phẩm: Tĩnh vật ngày Tết
Năm sáng tác: 1983
Chất liệu: Sơn dầu
Kích thước: 50x40cm
Thuộc bộ sưu tập Nghệ thuật Quang San, Tp. Hồ Chí Minh
Quê hương bản quán ở cái nôi của dòng tranh đỏ Kim Hoàng, càng về cuối đời Bùi Xuân Phái càng biểu lộ ước muốn tìm về cảm xúc cội nguồn qua lối diễn hình tự nhiên, chất phác cùng bảng màu rực rỡ, tươi sáng của dân gian.
“Thẩm mỹ của Phái là thẩm mỹ Việt Nam, và ảnh hưởng châu Âu chỉ đúng một phần. Tạo hình của Phái là tạo hình Việt Nam”- Nguyễn Tư Nghiêm nói.
Thực ra, học tập, tiếp thu nghệ thuật châu Âu hiện đại thì ít nhiều, gần xa cũng là học tập, tiếp thu, “thẩm thấu ngược” nghệ thuật Á Đông, bởi vì chính nghệ thuật hiện đại châu Âu cũng đã lấy ở nghệ thuật Á Đông cho mình cái sinh khí mới, những chất liệu tinh thần mới.
Có thể vì Bùi Xuân Phái chỉ đi vào những đề tài “nhỏ”, “vĩnh cửu”, như phong cảnh, tĩnh vật, thiếu nữ, chèo- mà sự tìm tòi, cách tân trên tinh thần dân tộc của ông phải dò kỹ ở tầng sâu mới thấy.
Bức tranh này được Bùi Xuân Phái vẽ năm 1983, vào thời kỳ cuối cùng trước khi kết thúc vài năm. Ở đây, những nét đen, đường viền đen quen thuộc trong hội họa Bùi Xuân Phái đã được ông tiết chế tối đa, hầu như chỉ còn thấp thoáng trên các đường chu vi, hay nói cách khác, là nét đã bị các mảng, các hình diện màu lấn át; cảm giác về sự buông lơi rất rõ, thể hiện một tâm trạng nhẹ nhõm, thanh thản, niềm vui sống, lạc thú vốn là vĩnh cửu, hiện hữu mà người vẽ muốn truyền đến cho người xem ở mức độ tinh khiết nhất.
F.A.M.
Bùi Xuân Phái (1920 – 1988)
Tác phẩm: Chân dung cô Quý I
Chất liệu: Sơn dầu
Kích thước: 60x45cm
Sưu tập Nguyễn Minh, Hà Nội
Bùi Xuân Phái (1920 – 1988)
Tác phẩm: Chân dung cô Quý II
Chất liệu: Sơn dầu
Kích thước: 72x56cm
Sưu tập Nguyễn Minh, Hà Nội
HAI BỨC CHÂN DUNG VẼ CÔ QUÝ CỦA BÙI XUÂN PHÁI
Những năm sau ngày giải phóng miền Nam là những năm tháng khó khăn bậc nhất của đất nước. Nền kinh tế bao cấp kéo dài đã bộc lộ những điểm yếu nghiêm trọng, đặc biệt giai đoạn giữa hai lần đổi tiền vào năm 1977 và 1985, lại bị Hoa Kỳ cấm vận, cộng thêm hai cuộc chiến tranh khốc liệt bùng nổ liên tiếp ở biên giới phía Tây Nam và phía Bắc.
Nhưng cũng chính trong giai đoạn ấy, ở Hà Nội, các mốt thời trang lại bắt đầu nở rộ chưa từng thấy, và những thiếu nữ tân kỳ Hà Nội cũng đã bắt đầu xuất hiện, với phong cách khác hẳn trước, làm sinh động không khí Thủ đô vốn nghèo khó, nơi con người đang phải bươn trải sống bằng tem phiếu, sổ gạo và đủ các nghề phụ…
Hai bức chân dung thiếu nữ giới thiệu ở đây cũng đã được Bùi Xuân Phái vẽ trong giai đoạn ấy.
Người mẫu trong tranh là cô Quý, một thiếu nữ nổi tiếng đẹp, nhà ở phố Hàm Long, sau định cư ở Pháp. Hai bức tranh này cũng mới được gửi về từ Pháp.
Dễ dàng nhận ra, Bùi Xuân Phái đã vẽ người mẫu gần như ở cùng một góc độ, một tư thế, chỉ khác đôi chút về trang phục, và bức trước bức sau cũng chỉ được vẽ cách nhau hai ngày (27 tháng 1 và 29 tháng 1 năm 1981), nhưng về bút pháp thì đã cách nhau rất rõ, như một chủ ý của cả người vẽ lẫn người mẫu.
Công bằng mà nói thì bức đầu tiên hơi khô, gầy và cũng chưa phải “Bùi Xuân Phái” lắm. Với người mẫu, nó mới chỉ là “sự làm quen” của ông và là một bản vẽ thử, một bản phác trực tiếp, hay nói cách khác, là một bản vẽ để “chiều” người mẫu, “thành thực”, cho dù cũng khá sắc sảo, vì ông vốn dĩ là bậc thầy. Vả lại, bản thân người mẫu cũng vẫn còn e dè, chưa đủ tự tin để bộc lộ hết tính cách của mình trước họa sĩ.
Song sang bức thứ hai, tình thế đã khác hẳn. “Mãnh liệt-cộc lốc-nhanh chóng”, cái nhìn của Bùi Xuân Phái dường như đã tìm đúng trọng tâm, và nét bút của ông cũng đã trở về đúng đặc tính, chúng di chuyển theo linh cảm hơn là theo con mắt, hô ứng với mẫu, không hề doạn đi doạn lại, mà ta phải gọi là một phong độ chói sáng.
Lối vẽ trừu tượng hóa này của Bùi Xuân Phái thực ra đang ở trên đoạn cuối con đường hoàn thiện, báo hiệu cho những bức tranh chèo kiệt tác của ông sau đó vài năm.
F.A.M.
LƯU CÔNG NHÂN (1930 – 2007)
Tác phẩm: Phía sau nhà
Năm sáng tác: Khoảng 1960
Chất liệu: Sơn mài
Kích thước: 80x100cm
Sưu tập Hàn Ngọc Vũ, Hà Nội
Lưu Công Nhân đã được nhà văn Tô Hoài gọi tên là “người của dọc đường kháng chiến và bình yên”.
Cuộc đời Lưu Công Nhân tóm lại chỉ là những chuyến đi, trải dài qua hai cuộc kháng chiến cho tới nhiều năm sau hòa bình thống nhất. Ông đã vẽ hàng ngàn bức tranh thuộc đủ các thể loại-đề tài như chiến tranh cách mạng, chính trị xã hội, thiếu nữ thành thị, hoa, tĩnh vật, khỏa thân, các bố cục trừu tượng – nhưng có thể nói, nông thôn và người nông dân vẫn là nguồn cảm hứng chủ đạo, một đề tài ông đã trở đi trở lại qua nhiều thời kỳ, và cũng là nơi ông khởi đầu và kết thúc sự nghiệp. Ông say mê vẻ đẹp tưởng như bất tận của những mái đình, ngôi nhà ngói, góc sân gạch, cái cổng, ngõ xóm, bờ tre, con mương, những chiếc vó, chuồng chim câu, những cô thôn nữ chít khăn mỏ quạ, những anh lực điền, những lão nông, cảnh chăm sóc trâu bò, cảnh làm ruộng, những đống rơm… Ông từng nói: Một trong những thành công lớn nhất của ông là vẽ được con trâu cày của Việt Nam.
Bức tranh này đã được Lưu Công Nhân chuyển thể từ một tranh màu nước mà ông đã vẽ vào khoảng cuối những năm 50 đầu những năm 60 của thế kỷ trước, cảnh phía sau một ngôi nhà rất đặc trưng ở những vùng nông thôn nghèo đồng bằng Bắc Bộ ngày ấy, nơi cuộc sống thôn dã diễn ra vất vả, thầm lặng nhưng vẫn ấm áp, đầy chất thơ trữ tình, với hình bóng những cô thôn nữ trong một “típ” óng ả rất riêng của Lưu Công Nhân.
Thực ra, sơn mài rất gần với mực nho và màu nước, đều là những chất màu trong. Bởi vậy, việc chuyển một bức tranh màu nước sang một bức tranh sơn mài thường khá thuận lợi, và đôi khi, có cảm giác chúng khá trùng nhau về hiệu quả. Và đây chính là một trong những trường hợp như thế. Thực là, cái gì đã hay, đã đẹp rồi thì cho dù ở dạng “vật chất” nào cũng đều có thể giữ được giá trị vốn có của nó.
F.A.M.
Lưu Công Nhân (1930 – 2007)
Tác phẩm: Chân dung Ngọc
Năm sáng tác: Khoảng 1988-1989
Chất liệu: Sơn dầu
Kích thước: 80x50cm
Sưu tập tư nhân, Hà Nội
Họa sĩ Trần Dậu (1945-1991) vốn chơi rất thân với họa sĩ Nguyễn Sáng và một số nghệ sĩ nổi tiếng khác như nhạc sĩ Văn Cao, họa sĩ Lưu Công Nhân…
Lúc sinh thời, vợ chồng họa sĩ Trần Dậu và hai cô con gái Tuệ Thu và Tuệ Minh sống tại Thái Bình. Sau khi họa sĩ Trần Dậu mất năm 1991 gia đình ông hiện nay vẫn sinh sống tại đây.
Cô Nguyễn Thị Ngọc, vợ họa sĩ Trần Dậu, kể họa sĩ Lưu Công Nhân hay xuống Thái Bình chơi với gia đình. Mỗi khi đến họa sĩ Lưu Công Nhân thường hay bảo: “Ngọc ơi, em đi mua bánh hấp về cho vào cháo nhé”. Bánh hấp ăn cùng cháo là món ăn ưa thích của ông mỗi khi về nhà Trần Dậu chơi.
Bức tranh này được họa sĩ Lưu Công Nhân vẽ khoảng cuối những năm thập kỷ 1980. Cô Ngọc, vợ của họa sĩ Trần Dậu nhớ năm đó cô con gái đầu mang tên Tuệ Thu (sinh 1976) khoảng 12, 13 tuổi. Một vài năm sau thì họa sĩ Trần Dậu qua đời. Bức tranh vẫn ở nhà cô Ngọc đến thời gian gần đây.
Vốn là thợ may nên cô Ngọc thường ở nhà cả ngày. Họa sĩ Lưu Công Nhân vẽ bức tranh này trong đúng một ngày. Vừa vẽ vừa nghỉ uống rượu cùng Trần Dậu. Khi vẽ xong Lưu Công Nhân hỏi Ngọc: “ Em xem tranh thấy thế nào, chân dung có đúng với em không?”. Cô Ngọc vốn không hiểu biết lắm về hội họa cũng chỉ dám trả lời chung chung: “Đẹp lắm ạ, tranh rất đẹp, có tâm hồn…”.
Bức tranh sau đó được treo trang trọng giữa nhà cùng một vài bức tranh của các họa sĩ khác. Nhiều nghệ sĩ cũng đến chơi nhà và biết rõ bức tranh này.
Năm nay cô Ngọc (sinh năm 1951) gần 70 tuổi, đã hơn 30 năm kể từ ngày vẽ, bức tranh đã ngả màu thời gian nhưng khuôn mặt ưa nhìn, hiền hậu của người phụ nữ trong tranh ngày ấy với cô Ngọc bây giờ vẫn rất dễ dàng được nhận ra.
Đây là một bức tranh đẹp, dứt khoát là một bức tranh rất đẹp của Lưu Công Nhân…
F.A.M.
Thuận Hồ (1920-2008)
Tác phẩm: Hoa lay-ơn
Năm sáng tác: Khoảng 1960
Chất liệu: Sơn dầu
Kích thước: 60x40cm
Sưu tập tư nhân, Hà Nội
Theo cuốn “Niên giám Văn nghệ sĩ và Hiệp hội Văn hóa Việt Nam” 1969-1970, họa sĩ Thuận Hồ sinh ngày 16/4/1920 tại Long An. Ông theo học trường Trung học Mỹ thuật Gia Định và đỗ thủ khoa năm 1941. Năm 1955 ông đoạt giải tranh vẽ màu nước của Aliance Francaise (Sài Gòn). Sau đó giành được giải nhất của Salon de Peinture Esso và giải nhì của Salon de S.V.Y Stanvacco năm 1960 cũng tại Sài Gòn.
Từ năm 1944-1950-1960, các tác phẩm của ông đã được triển lãm tại Nhật Bản, Rome (Italia), Kuala-Lumpur (Malaysia) và Mỹ.
Trong khoảng những năm 1960 ông hay vẽ những bức tranh tĩnh vật hoa, quả trên các tấm toan vải bố dày và nặng. Các bức tĩnh vật của ông thoạt nhìn có vẻ đơn giản chỉ với hoa, quả hoặc thậm chí là cái gạt tàn nhưng lối vẽ rất phóng khoáng. Các lớp sơn thường được trát dày thành từng lớp cuộn vào nhau rất ấn tượng và đầy kỹ thuật.
Bức Hoa lay-ơn này được vẽ trong khoảng thời gian đó. Qua năm tháng, lớp màu đã ngả xuống, thời gian đã hằn rõ lên mặt tranh bởi các lớp màu dày đã rạn vài vết như chân chim vô hình trung tạo nên một vẻ đẹp mà chỉ có thời gian mới làm được.
F.A.M.
Nguyễn Lâm (1941)
Tác phẩm: Chân dung thiếu nữ thập niên 60
Năm sáng tác: Không xác định được năm sáng tác
Chất liệu: Sơn dầu
Kích thước: 50x60cm
Sưu tập Nguyễn Chí Sơn, Ninh Thuận
Họa sĩ Nguyễn Lâm tên thật là Lâm Huỳnh Long, sinh năm 1941 ở Cần Thơ. Ông tốt nghiệp Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn khóa 1960-1965, cùng khóa với một số họa sĩ nổi tiếng khác như Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Phước, Đỗ Trọng Nhơn…
Ông đã từng tham gia Triển lãm Mỹ thuật Quốc tế Lưỡng niên tại Paris năm 1961 và 1963. Từ 1963 đến 1972, ông cũng đã tổ chức 7 cuộc triển lãm cá nhân ở Sài Gòn và Malaysia. Năm 1965, ông được huy chương đồng Triển lãm Hội họa Công giáo. Từ 1973 đến 1975, ông tham gia giảng dạy tại Trường Quốc gia Trang trí Nghệ thuật Gia Định và một số trường khác ở Sài Gòn.
Cũng như nhiều họa sĩ Việt Nam ở Sài Gòn trước giải phóng, Nguyễn Lâm sớm tiếp xúc với các trường phái hội họa hiện đại phương Tây, và tìm con đường đi của mình bằng tư tưởng, tâm thế của một họa sĩ sống trong một thời kỳ lịch sử hết sức đặc biệt của dân tộc. Việc hình thành một tiếng nói riêng vào khi ấy phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, thường là phức tạp, nhất là giữa ngoại lai và dân tộc, hay giữa thủ cựu và cấp tiến, hoặc hàn lâm-kiểu cách hoặc hoài cổ, vân vân. Ngay cả kỹ thuật cũng có vô vàn khuynh hướng.
Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Lâm, bởi vậy, sớm đi vào tượng trưng, cũng là điều dễ hiểu. Nó xuất phát từ hiện thực, một thứ hiện thực hư ảo, sử dụng hình tượng, thường là hình tượng thiếu nữ, nhưng không hẳn là nghệ thuật khắc họa, mà cô đúc những trải nghiệm trước sự thực thành một “típ” khái quát như để vẽ chân dung tư tưởng của chính mình, đầy suy tư, dự cảm, thậm chí lo âu, trong ánh sáng phù du lấp loáng như hình ảnh in trên mặt tấm gương soi.
Nếu nói tranh của Nguyễn Lâm là những bài thơ thì đấy là những bài thơ mang vần điệu của triết học, nhiều khi gây cảm giác lặp đi lặp lại, nhưng có thể vì thế một ý niệm hội họa mới trở nên chắc chắn và khó phai.
F.A.M.
ĐỖ QUANG EM (1942)
Tác phẩm: Người phụ nữ và cây đèn dầu
Năm sáng tác: 1972
Chất liệu: Sơn dầu
Kích thước: 99×78,5cm
Sưu tập Hàn Ngọc Vũ, Hà Nội
Đỗ Quang Em và Nguyễn Trung là một trong hai họa sĩ đương đại đang sinh sống tại Sài Gòn Việt Nam có tranh được ưa chuộng trên sàn đấu giá quốc tế.
Đỗ Quang Em sinh năm 1942 tại Ninh Thuận, có mẹ là người gốc Chăm. Ông tốt nghiệp trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn khóa 1961-1965.
“Đỗ Quang Em là một họa sĩ của đời sống thường nhật, tâm hồn ông thuộc về thế giới đó, một thế giới tĩnh lặng, rực sáng ở bên trong, long lanh mà không hào nhoáng… Hội họa của ông “định vị” ra các nhân vật, các đồ vật, nhưng qua tài nghệ của ông, ông lại dành sự “xác nhận” về chúng cho người xem. Và có thể vì lẽ đó, cái tồn tại như những cái bóng của sự thật, ẩn hiện chập chờn trong sáng tối thời gian, không gian của nội tâm, và sức hút nằm ở những lời giải dường như không bao giờ chính xác…”(theo NPBMT Q.Việt).
Bức tranh “Người phụ nữ với cây đèn dầu” (sơn dầu, 99×78,5cm) này của Đỗ Quang Em được sáng tác năm 1972 và thuộc sưu tập của một Việt kiều. Người phụ nữ trong tác phẩm không ai khác chính là vợ của ông. Một người mẫu xuyên suốt trong hầu hết các tác phẩm của Đỗ Quang Em.
Trên thực tế, giá trị của các tác phẩm của Đỗ Quang Em sáng tác những năm đầu thập kỷ 70 luôn được đánh giá cao và kiếm tìm.
F.A.M
HỒ HỮU THỦ (1942)
Tác phẩm: Hai thiếu nữ
Năm sáng tác: 2007
Chất liệu: Sơn mài
Kích thước: 120x120cm
Sưu tập tư nhân
TRANH SƠN MÀI HỒ HỮU THỦ
…Đến cuối thập niên 1980, nhu cầu tranh sơn mài bỗng dâng cao từ nước ngoài, trong giới chơi tranh phương Tây và trong cộng đồng người Việt thành đạt tại hải ngoại. Họ là những người từng mơ ước có những bức tranh sơn mài cao cấp nhưng khi xưa không có điều kiện với tới. Một người Pháp tìm đến Sài Gòn và muốn mua tranh sơn mài một số họa sĩ đã từng nổi tiếng tại Sài Gòn mà ông biết tiếng như Nguyễn Văn Rô, Nguyễn Phước, Nguyễn Lâm, và Hồ Hữu Thủ. Các họa sĩ này được sáng tác theo ý thích của mình, không bị áp đặt về đề tài, nội dung nhưng điều kiện tiên quyết là phải sáng tác bằng chất liệu sơn ta. Họa sĩ Hồ Hữu Thủ đón nhận cơ hội này, cảm thấy hạnh phúc vì đã quay trở lại thời kỳ sơn mài. Ông nắm bắt chất liệu, hứng thú đi tìm những thể nghiệm mới, những cách biểu hiện khác lạ. Ông trung thành với hội họa ấn tượng rồi nâng lên dần khuynh hướng siêu thực. Đến 1985, ông chuyển qua các đề tài trừu tượng và nhận ra rằng sơn ta có thể biểu hiện tốt điều ông nghĩ, tâm thức ông cảm nhận. Đến một chặng đường trong sáng tác, ông không hài lòng với kỹ thuật truyền thống khi sáng tác bằng sơn ta, đó là mài phẳng để lộ các lớp sơn để thể hiện hình tượng, cảm xúc của tác giả. Ông cảm thấy cách thức đó đã có những hạn chế trong biểu đạt nên mạnh dạn cải tiến trên nền chất liệu sơn ta, vóc. Không nhất thiết phải mài tất cả, có thể không mài hay có khi chỉ một phần. Có thể dùng các chất liệu khác như bao bố, gỗ dán lên mặt tranh…Tất cả đều có thể dùng làm phương tiện biểu đạt, miễn hài hoà với nhau trong tranh và diễn tả được điều muốn thể hiện. Ông tự gọi đó là sơn ta tổng hợp cho những bức tranh của ông. Đối với riêng ông, đã qua thời kỳ sơn mài…
Phạm Công Luận
BỬU CHỈ (1948-2002)
Tác phẩm: Khoả thân xanh
Năm sáng tác: 1989
Chất liệu: Sơn dầu
Kích thước: 38x55cm
Sưu tập Nguyễn Chí Sơn, Ninh Thuận
Bửu Chỉ căn bản là một họa sĩ siêu thực, đối với ông mọi đối tượng vẽ đều bình đẳng về ý nghĩa tinh thần, từ con người, sinh vật, đến phong cảnh, đặc biệt là tĩnh vật.
Ông luôn đặt ra vấn đề không gian và thời gian sống của một đời con người, và nâng vấn đề ấy lên thành một phạm trù triết học, đôi khi rất cao cả, lộng lẫy.
Tạo hình, bút pháp và kỹ thuật của Bửu Chỉ cũng rất có đặc tính. Dù diễn hình thế nào thì ông cũng có xu hướng ngả về các hình kỷ hà, thu hút con mắt bằng sự khúc chiết, lý tính mạnh mẽ. Ông cũng rất giỏi tìm ra những màu ẩn dụ tương ứng với từng đề tài, mẫu vẽ, bề mặt tranh thường đanh ráp như bê-tông thô, phì nhiêu chất biểu cảm, và với một đồng bộ hình màu như vậy, tranh ông đầy âm vang, vừa tân kỳ vừa cổ kính, khiến người xem cảm giác như đang thưởng ngoạn những cổ vật quý báu mà từ đó tỏa ra một thứ ánh sáng u huyền, khơi gợi vô vàn suy tưởng sâu xa.
F.A.M.