Mãi đến gần đây, thông qua các cuộc đấu giá nghệ thuật ở nước ngoài, chúng ta dường như mới được biết đến một số bức tranh sơn mài của Trần Hà. Và cũng mới được biết, ngoài sơn mài, Trần Hà còn vẽ cả tranh lụa.
Việc biết đến Trần Hà như một nhà hội họa như vậy, quả tình là một sự kiện ít nhiều đáng ngạc nhiên. Phần vì ông mất đã lâu (Trần Hà mất năm 1974), thông tin về ông rất ít, phần vì ông vốn chỉ nổi tiếng ở tư cách người sáng lập và điều hành Công ty sơn mài Trần Hà một thời rực rỡ vàng son, chuyên sản xuất đồ sơn mỹ nghệ ở Thủ Dầu Một và có thương hiệu lớn ở Sài Gòn.
Trần Hà tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 6 (1930-1935), học cùng khóa với Nguyễn Khang. Thời kỳ ông học cũng đúng vào thời kỳ hội họa sơn mài Việt Nam bắt đầu hình thành và phát triển, cho dù chưa thể mạnh bằng hội họa lụa nhưng đã vô cùng khả quan. Khi hội họa sơn mài đạt tới thời kỳ đỉnh cao vào đầu những năm 1940 thì ông đã rời đất Bắc, trở về Nam.
Trên phương diện nào đó, “đất sống” của tranh sơn mài chủ yếu ở miền Bắc. Tuy nhiên, bằng quan điểm thực tế, khí chất, tâm tính, và năng khiếu tinh xảo tự nhiên về kỹ thuật của người Nam Bộ, trong hội họa sơn mài, các họa sĩ Nam Bộ đã có một hướng đi khá riêng.
Cùng chung ngôn ngữ sơn mài cổ điển đồng nhất (laque unie), nhưng tranh sơn mài của các họa sĩ Nam Bộ như U Văn An, Trần Hà vẫn riêng một sắc thái, với hiệu quả bề ngoài thường giản dị mà ẩn chứa ở bên trong nhiều pháp thuật tinh vi của nghề sơn, từ chất màu, chất sơn đến kỹ thuật thể hiện, bao giờ cũng thâm trầm, sâu thẳm mà vẫn không kém vẻ lộng lẫy.
Trần Hà có sở thích vẽ phong cảnh, lúc là cảnh nhìn gần, lúc nhìn xa, và thường áp dụng lối phối cảnh song song Á Đông hoặc phối cảnh đậm nhạt. Ông luôn luôn tìm được điểm nhấn đúng chỗ, trong một cảnh tưởng như dàn trải, thậm chí hơi mờ mờ, u ảo, ông vẫn tạo ra được những vùng sáng hút mắt, một sự xao xuyến khó quên.
F.A.M.
Lương Xuân Nhị là họa sĩ nổi tiếng về nghệ thuật trau chuốt mượt mà nhất một thời. Bằng con mắt tài hoa tao nhã của người trí thức thành thị, ông nhìn cảnh vật, đời sống, con người ở thành thị hay nông thôn bao giờ cũng đượm một vẻ đẹp thanh mát, yên ả, thuần khiết. Tranh ông vững vàng về thể chất, phong phú về cách diễn tả, có ánh sáng và nhiều hòa sắc, phối sắc tươi tắn gần gũi với thiên nhiên. Ngay trong thời gian còn đang học, toàn bộ tranh lụa của ông đã được chọn tham dự Đấu xảo Paris 1937.
Nghệ thuật Lương Xuân Nhị luôn luôn “giữ được bản sắc – như ông nói – bởi vì không chịu ảnh hưởng của nghệ thuật ngoại lai”.
Từ đầu những năm 1940, một trong những chủ đề Lương Xuân Nhị ưa thích chính là mùa xuân, đặc biệt là cái không khí nhộn nhịp của những ngày áp Tết trên phố phường Hà Nội, trong tiết trời se lạnh, mưa phùn lay bay, giữa những khung cảnh hơi xam xám, bỗng nổi lên những thiếu nữ thành thị mặc áo dài màu quý như ngọc, những cô thôn nữ lên phố chạy chợ trùm khăn mỏ quạ nâu, bên những cành đào khoe sắc thắm rung rinh trong gió nhẹ. Nhiều tranh của ông vẽ về đề tài này đã được chọn in thành phụ bản cho nhiều số báo Tết ở thời kỳ ấy…
Bức tranh giới thiệu ở đây là một trong những tranh Lương Xuân Nhị vẽ ở thời kỳ sau, thể hiện niềm vui trong những ngày áp Tết ở Hà Nội thời kỳ “bao cấp”.
F.A.M.
Trần Văn Thọ sinh năm 1917 tại Bắc Ninh, thời Lê gọi là trấn Kinh Bắc, là đất văn vật nhất của cả nước, cái nôi của nền Phật giáo Việt Nam, quê hương bản quán của dân ca Quan họ và dòng tranh dân gian Đông Hồ.
Ông từng theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, và có một thời gian, ông đã cùng với họa sĩ Nguyễn Văn Quế sang sinh sống và dạy học ở Campuchia. Từ 1954, ông trở về nước, dạy môn tranh lụa tại Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn.
Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện vẫn còn lưu một bức tranh lụa của Trần Văn Thọ vẽ năm 1940: “Thiếu nữ Mường tắm”, nhuốm màu nâu tía cổ kính, liêu trai – một phong cách vẽ lụa khá phổ biến ở vào thời kỳ ấy, khi người ta vẫn còn rất chuộng những giai thoại, điển tích và những hàng chữ nho, con triện trên tranh.
Một họa sĩ như Trần Văn Thọ cũng thường giống với một nhà biên đạo. Ông luôn đi tìm chất thơ trữ tình qua những cảnh sinh hoạt thôn dã, những phút giây nhàn tản, dựa trên những cấu tứ dường như định sẵn và một thứ cảm hứng mang đậm chất dân gian, tự nhiên, mộc mạc, thanh thản. Không khí tâm tình ở đây làm gợi nhớ đến những bức tranh Đông Hồ in nét đen trên nền giấy điệp trắng, thể hiện một cái nhìn sáng trong về cuộc sống, thấm đẫm phong vị ngàn đời của làng quê Việt Nam…
Trong các nguồn tư liệu được biết đến hiện nay, chúng ta vẫn chưa tìm thấy năm mất của họa sĩ Trần Văn Thọ.
F.A.M.
TRANH SƠN DẦU CỦA PHAN KẾ AN
Phan Kế An là một họa sĩ luôn luôn biết phát hiện những cảnh tượng có hình thái hấp dẫn, khác lạ. Năm 1946, tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc lần đầu tiên tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội, bức tranh sơn dầu “Cơn giông trên thành cổ Thanh Hóa” của ông đã khiến nhà văn Nguyên Hồng phải gài vào bên cạnh bức tranh một mảnh giấy nhỏ ghi dòng chữ: “Tôi rất thích bức tranh này”.
Cấu tứ văn học trong hội họa của Phan Kế An rất rõ, làm cho tranh ông có một sức hút đặc trưng.
Phan Kế An sinh năm 1923 ở Hà Tĩnh, quê ở làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội). Từ 1944 đến 1945 (tháng 3), ông học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, và từ 1960 đến 1962 ông thực tập về hội họa hoành tráng tại Viện hàn lâm Mỹ thuật Repin ở Leningrad. Nghệ thuật ông về căn bản dựa trên hệ thống cổ điển, chú trọng hiệu quả xa gần và tương phản sáng tối qua thuật diễn hình có không gian, rất vững vàng bởi năng lực tạo thể chất và biệt tài vẽ những đường nét gân cốt mạnh mẽ. Ông thường thành công khi vẽ những cảnh tượng hùng vĩ.
Nhắc đến Phan Kế An, người ta hay nhắc đến tranh sơn mài, nhưng thực ra ông sử dụng khá thành thạo hầu hết các chất liệu cơ bản khác như sơn dầu, lụa, khắc gỗ, chì than. Ông là một trong số rất hiếm họa sĩ Việt Nam, nếu không nói là duy nhất, vẽ tranh biếm họa bằng sơn dầu.
Qua một số tranh sơn dầu của Phan Kế An, có thể thấy ông muốn đi tìm sự hoạt bát, vẻ tự nhiên trong bút pháp để thể hiện những cảm xúc tươi tắn, trực tiếp – điều mà với sơn mài thì một họa sĩ như ông khó tránh khỏi phải vượt qua những vấn đề nan giải nảy sinh từ kỹ thuật.
Bởi vậy, ngoài hội họa sơn mài, hội họa sơn dầu (và lụa) cũng là một mảng riêng thú vị và đáng chú ý trong nghệ thuật của Phan Kế An.
F.A.M.
Ra đi năm 2020, thọ 92 tuổi, Trần Lưu Hậu đã để lại một số lượng tranh lớn. Có lẽ ít ai nghĩ rằng, thực ra ông chỉ mới thực sự chuyên tâm hẳn vào hội họa kể từ cuối những năm 1980 đầu những năm 1990. Ở thời kỳ này, ông đã từ bỏ vẽ lụa để tập trung vào 3 chất liệu “mạnh- trực tiếp” phù hợp nhất với tính cách hội họa của ông: bột màu, sơn dầu và acrylic. Và với 3 chất liệu này, ông đã khẳng định vị trí của mình như là một trong những họa sĩ tiêu biểu nhất cho khuynh hướng biểu hiện cá nhân ở nước ta cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21. Trong số các họa sĩ Khóa Kháng chiến, có thể nói, về tính hiện đại, chưa ai đi xa được như ông.
Bằng một tâm hồn sung mãn, sự từng trải, một bản năng trang trí được dẫn dắt bởi kiến thức sâu rộng và một thị hiếu tốt, lại được tiếp thêm nguồn cảm hứng từ các bậc thầy như Matisse, Soutine hay Bùi Xuân Phái – Trần Lưu Hậu đã nhanh chóng vượt qua nhiều thực nghiệm giản lược và sơ đồ hóa, tích tụ thế năng – để đi tới hình thái cuối cùng hầu như trừu tượng.
Xoay quanh các thể loại tĩnh vật, cây, hoa, biển, phong cảnh (đặc biệt phố cổ Hà Nội), khỏa thân – ông phô diễn những nhịp giật mãnh liệt của nét bút, chúng chèn lấn lên nhau, chen chúc vào nhau, ép mọi sự vật vào những không gian bão hòa, biến các bức tranh thành những “thực thể”, mà thoạt nhìn ngỡ rằng “hỗn độn” nhưng thực ra lại đồng nhất và cân bằng trong một đồng bộ nguyên sắc của các màu bổ túc và trắng đen. Từ đây nội dung căn bản của hội họa ông dường như chỉ còn màu và các xung phát ra từ cách bôi-quệt màu lên bề mặt (texture), không cần tô vẽ gì thêm.
F.A.M.
Hồ Hữu Thủ là một cái tên quá quen thuộc với gallery, nhà sưu tập và người yêu nghệ thuật. Viết như vậy để bạn đọc dễ hình dung về độ phủ khắp của ông.
Tranh của Hồ Hữu Thủ luôn thể hiện những chủ đề gần gũi như thiếu nữ, hoa sen, áo dài, trăng, mây, chim, ngựa. Với một số quan niệm thì đề tài này có vẻ “sến súa” nhưng quả thực, khi chúng được thể hiện trong tranh Hồ Hữu Thủ thì những hình tượng ấy dù ở chất liệu nào cũng đều toát lên vẻ ảo diệu.
Bức tranh “Thiếu nữ và hoa sen” giới thiệu ở đây được Hồ Hữu Thủ vẽ vào những năm cuối cùng của thập kỷ 1980. Lúc ấy, một số tác phẩm sơn mài của ông vẫn được làm hoàn toàn theo phương thức truyền thống. Cốt vóc dày, sơn chồng nhiều lớp, bề mặt bóng mịn, sâu thẳm. Sau này, ông làm sơn mài trên những tấm vóc mỏng hơn, nhẹ hơn do chính ông tìm tòi nghiên cứu. Bởi ông muốn làm trọng lượng tranh sơn mài nhẹ đi để có thể vận chuyển dễ dàng, thuận tiện… hướng tới mục tiêu tranh sơn mài được phổ biến rộng hơn nữa.
Bức tranh “Thiếu nữ và hoa sen” có một màu xanh dịu nhẹ, tươi mát. Ở thời kỳ ấy Hồ Hữu Thủ vẫn tạo hiệu ứng đặc biệt với “sắc màu trong như con sứa”. Điều này tương đồng với một họa sĩ rất nổi tiếng khác của miền Nam là Nguyễn Trung.
Điều đặc biệt trong bức tranh này chính là tinh thần của tác phẩm. Cũng chủ đề ấy, kỹ thuật ấy nhưng rõ ràng, sự dịu nhẹ của sắc, sự mong manh của hai nàng thơ “bán nude” với mái tóc biến thể từ những cành sen đã tạo nên sức hút lạ lùng. Hiệu ứng “màu trong như sứa” ấy kết hợp với các vết gạch xước dày đặc có chủ ý đã tạo sự tương phản về chất liệu khiến cho bề mặt tranh có nhiều sắc thái sinh động.
H.A.