Tiếng hót trong đêm

Trong những ngày Hà Nội vào độ cuối thu, Blue Space Gallery kết hợp với Manzi Art Space đã tổ chức một sự kiện văn hóa đặc biệt: triển lãm “Tiếng hót” kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố họa sĩ Trần Trung Tín.

Triển lãm “Tiếng hót” diễn ra từ 20/10 – 17/12/2023 tại số 2 ngõ Hàng Bún, Hà Nội. (Nguồn: Manzi Art Space)

Tròn mười năm kể từ “Bi kịch lạc quan” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, khán giả Thủ đô mới lại có dịp chiêm ngưỡng các tác phẩm của người nghệ sĩ tài hoa Trần Trung Tín, người được coi là tên tuổi lớn nhất của nghệ thuật biểu hiện nước nhà.

Dẫu mang tên gọi thơ mộng “Tiếng hót”, các tác phẩm được giới thiệu trong triển lãm lần này lại chất chứa cảm xúc u hoài. Hầu hết được vẽ vào những năm 70 thế kỷ trước – khi cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ đương hồi ác liệt, sáng tác của Trần Trung Tín phản ánh nỗi buồn, sự bơ vơ và mất mát. Quyết định không đi sơ tán mà trụ lại Thủ đô tạo cho họa sĩ góc nhìn ưu tư nhưng cũng đầy tính nhân văn về hiện thực khói lửa.

Đó là những “Không đề 1” (1972), “Báo động” (1972), “Không đề 2” (1972) có gam màu trầm tối, hình tượng tan tác, bất định, gợi cảm giác tang thương trĩu nặng. Đặc biệt với “Không đề 13” (1971), họa sĩ tái hiện một khung cửa sổ trông ra bầu trời đục màu cam đỏ với các vệt cọ đen, xám mạnh mẽ, nhắc nhớ bầu trời chiến tranh tối sập vì bụi bom, máu lửa.

Cũng trong triển lãm lần này, các tác phẩm trừu tượng giai đoạn đầu của Trần Trung Tín lần đầu ra mắt khán giả. Tiếng nói của thế giới hiện thực mờ nhòa, khiêm nhường, lặng lẽ, nhường không gian cho tiếng nói của thế giới tình cảm. Trần Trung Tín dạo chơi giữa miên man màu sắc: lúc trầm ngâm với xám (“Không đề 7” – 1971, “Không đề 8” – 1969), lúc lạnh lùng với lam (“Không đề 9”, “Không đề 10” – 1972), lúc lại ngộ nghĩnh rực rỡ (“Không đề 5” – 1973, “Không đề 6” – 1972, “Không đề 11” – 1978).

Khác với chuỗi “Bi kịch lạc quan” được giới thiệu mười năm trước chưng cất những khắc khoải chín muồi, những đau đáu thiết tha, các tác phẩm của “Tiếng hót” lần này cất chứa một tinh thần ấm áp hơn, nhẹ nhõm hơn, mở ra nhiều hơn mơ màng hy vọng.

Khán giả dự khai mạc triển lãm ngày 20/10/2023. (Nguồn: Manzi Art Space)

Trong “Tiếng hót”, sức lay động thổn thức nhất được khơi lên từ các bức phỏng thực về sinh hoạt đời thường, những sự vật bình dị thân thương. Trần Trung Tín vẽ về cái đẹp, về niềm vui nảy nở trong cuộc sống thời chiến. Cái đẹp ấy, niềm vui ấy không thoát ly hiện thực, không du đãng nơi mây trời viển vông, mà luôn ngậm buồn vì bị che lấp trong khói bom bão đạn. “Con bò của tôi” (1975) gồng căng lưng, cúi đầu, có đôi mắt đen tuyền vừa thảng thốt hãi hùng, vừa tuyệt vọng trống rỗng. “Đình Hà Nội” (1973) sắc màu trang nhã, dịu mát, mờ ảo như được vẽ ra từ nhạt nhòa ký ức bình yên. “Vệ nữ cam” (1972) giằng xé niềm yêu giản dị vẻ đẹp đầy đặn, đầm ấm của người phụ nữ giữa các nét cọ méo mó, mảng màu rực gai người…

Đáng chú ý hơn cả là các tranh Trần Trung Tín họa chân dung thiếu nữ Hà Nội, tranh chớp cảnh sinh hoạt của người Hà Nội buổi sáng sớm. Màu sắc đã ửng lên, tươi nhất, vui nhất so với loạt tranh trưng bày tại triển lãm lần này; nhưng ánh mắt, nét mặt nhân vật vẫn nguyên vẻ bàng hoàng, bất lực, chứa chan nỗi buồn. Các tác phẩm ấy là sự thể hiện “nửa hiện thực” về số phận con người mong manh giữa biến cố lịch sử khi niềm hạnh phúc, dẫu đã được nỗ lực vun vén, vẫn bé nhỏ tội nghiệp.

Nhưng không vì lẽ đó mà tranh Trần Trung Tín nhuốm cảm thức bi quan. Trái lại, niềm hy vọng, sự lạc quan, tình yêu cuộc sống vẫn luôn âm thầm ngân rung giữa những nét cọ dạt dào tình cảm, những sắc màu thấm đẫm chất thơ. Trên trang giấy của họa sĩ, cái Thiện lên tiếng nhỏ nhẹ nhưng kiên quyết: giống như đạn bom không ngăn được tiếng chim, đêm dài không ngăn được mong ngóng bình minh của con người.

Sáng tác của Trần Trung Tín có sức lay động mãnh liệt (Nguồn: Manzi Art Space)

Các tác phẩm của Trần Trung Tín bấy lâu nay vẫn nằm giữa lằn ranh “nghệ thuật” và “phi nghệ thuật”. Ông vốn là một “tay ngang” trong ngành, chỉ tìm đến hội họa để trú ẩn sau bao thăng trầm cuộc sống; và quả thực tranh ông có vẻ ngây ngô, nguệch ngoạc, trong trẻo như trẻ thơ. Nhưng chính nét hồn nhiên “trời cho” (chữ của Bùi Xuân Phái) nung nấu từ cuộc đời nhiều đắng cay ấy đã làm nên tiếng vang day dứt chỉ riêng có ở Trần Trung Tín.

Khán giả đến với ông để niềm đau được bao dung dịu dàng, nỗi hân hoan được nâng niu ấp ủ. Đạo diễn Tự Huy đã đánh giá thật đúng về sức mạnh của tranh ông: “Anh [Trần Trung Tín] đã tìm ra cách vượt lên trên cái thời khủng khiếp mà tất cả chúng tôi đang sống”. Lặng lẽ mà mãnh liệt, các sáng tác nửa buồn, nửa vui của người họa sĩ tài ba ấy đã nâng đỡ bao tâm hồn, đã dìu dắt bao tiếng chim cất lên long lanh giữa bóng đêm khắc khoải.

Hoàng Hải Ly

Tin cùng chuyên mục

Tiểu tự sự của Hoàng Đỗ Cường

Triển lãm cá nhân Họa sĩ và những người bạn của cố họa sĩ Hoàng Đỗ Cường (18/4/1959 – 15/2/2023) sẽ khai mạc lúc 17h ngày 17/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, kéo dài đến hết ngày...

Họa sĩ Đỗ Đức: Triển lãm và bán đấu giá tranh góp tiền xây trường cho trẻ em vùng cao

NDO – 50 năm lăn lộn với các tỉnh miền núi phía bắc trong vô vàn các chuyến công tác đã để lại trong họa sĩ Đỗ Đức những ký ức và cảm hứng để đến khi về hưu, ông đã dành toàn bộ...

Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu – Những vệt màu cảm xúc!

Triển lãm tranh sơn mài Nghe kể chuyện làng mình của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu đang diễn ra Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, kéo dài đến hết ngày 15/9, bày khoảng 65 tranh sơn mài, đa số khổ lớn. Trên địa...

Nguyễn Gia Trí – Một đời phiêu lưu với hội họa

Nhiều thập kỷ phiêu lưu trong hội họa, Nguyễn Gia Trí (1908 – 1993) thuộc lớp người xưa mang lại nhiều thành tựu to lớn cho nền mỹ thuật sơn mài hiện đại ở Việt Nam. Năm 1927, Nguyễn Gia Trí...

Họa sĩ Sophie Trịnh và hành trình sáng tạo 23 tác phẩm trong 6 năm

Họa sĩ Sophie Trịnh vừa trình làng triển lãm đầu tay mang tên “Lớp lang cảm xúc” tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (Hà Nội) của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Nữ họa sĩ đã dành hơn 6 năm để...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

BỨC TRANH “CHỢ GẠO BÊN HỮU NGẠN SÔNG HỒNG” CỦA NAM SƠN ĐANG Ở ĐÂU ?

  “Chợ gạo bên hữu ngạn sông Hồng” là một tác phẩm kinh điển  của họa sĩ Nam Sơn. Tranh được thực hiện vào khoảng năm 1928, với chất liệu mực nho, kích thước 100x140cm, tả...

Triển lãm những họa sĩ đương đại hàng đầu

  Cách đây mấy năm, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm có tổ chức một triển lãm những gương mặt xuất sắc của hội họa châu Á. Tôi không được xem triển lãm đó, cũng không được...

Triển lãm “Duyên” của họa sĩ Lê Thiết Cương

Sau hàng thập kỷ để lại dấu ấn trên văn đàn nghệ thuật Việt Nam, họa sĩ Lê Thiết Cương cuối cùng đã “chọn mặt gửi vàng” cho Sài Gòn sôi động bằng triển lãm cá nhân đầu tiên...

Hành trình của họa sĩ Pháp đầu tiên ở Đông Dương Gaston Roullet HÀNH TRÌNH CỦA HỌA SĨ PHÁP ĐẦU TIÊN Ở ĐÔNG DƯƠNG GASTON ROULLET

    Cuối thế kỉ 19, những chuyến du hành và viễn chinh của Pháp ngày càng mở rộng địa lí về phía Đông, đồng thời đã mở rộng khái niệm “phương Đông” mà trước đó thường...

“THINH” CỦA ĐÀO CHÂU HẢI

  ‘Thiên đường duy nhất là địa đàng đã mất’ – Marcel Proust. Bước sang thập kỉ thứ ba của thế kỉ 21, điêu khắc Việt dường như đang dần đánh mất chỗ đứng của mình trong không gian...