TỪ PABLO TRỞ THÀNH PICASSO

 

Trước khi trở thành ngôi sao thì Pablo Picasso cũng đã trải qua những cơn khủng hoảng mà ngày nay nhiều nghệ sĩ vẫn mắc phải: không tiền, không có phòng tranh, không được công nhận. Cuộc triển lãm ở Basel cho thấy, vào năm 1900, chàng thanh niên Tây Ban Nha phát hiện ra Paris và những nghệ sĩ tiên phong ra sao, ông phạm những lỗi gì rồi đi tới thành công để trở thành nhà họa sĩ thế kỷ. 

Làm thế nào để tiếp cận Picasso? Đã có hàng chồng sách viết, các cuốn phim quay, các cuốn truyện tranh vẽ về thần đồng thế kỷ này rồi. Họa sĩ nổi tiếng nhất thời hiện đại, người sáng lập trường phái lập thể, người vẽ những anh hề buồn và con chim bồ câu biểu tượng cho hòa bình trở nên bức tượng thánh.

Tốt nhất là hãy quay về thời đầu khi Picasso còn chưa là “Picasso” mà là một họa sĩ trẻ đang đi tìm một chỗ đứng cho mình trong cái thế giới hỗn độn này: mẫn cảm, khờ khạo, sợ sệt, kiêu ngạo, bị xua đuổi, nghèo túng và vô danh. Những năm đầu này không chỉ để mở mắt mà còn là chìa khóa để hiểu con người nghệ sĩ của ông. Chúng cho ta thấy bước đường tiến thân này không phải là dĩ nhiên, mà có những sự lạc lối, các cú ngã của số phận, thiếu thốn, sự khước từ, trước khi sự chấp nhận hoàn toàn cuối cùng đã đến. Quỹ Beyeler nay dành một Triển lãm cho giai đoạn hết sức xúc cảm trong cuộc đời Picasso Triển lãm “Anh thanh niên Picasso – giai đoạn lam và hồng” liên kết nhiều bức tranh thời đầu của ông để đưa về thời điểm khi với Picasso cũng bắt đầu thời hiện đại.

Picasso ở Paris. Thời kỳ 1901-1905

 

PABLO PICASSO. Cô gái trên quả cầu. 1904-1905

Tháng 10/1900 anh sinh viên mỹ thuật Tây Ban Nha Pablo Picasso, 18 tuổi và có tài năng tuyệt vời, rời tàu hỏa từ Barcelona để vào Paris, mắt mở to. Nhưng từ 15-16 tuổi ông đã có tranh theo phong cách hàn lâm mang triển lãm, được nhiều giải thưởng, ông được coi là thần đồng vì vốn đã theo học cha, tuy chỉ là một họa sĩ bình thường. Theo học mỹ thuật ở Barcelona, ông nhanh tiếp thu “chủ nghĩa hiện đại Catalagne”, kết bạn với giới họa sĩ & văn nghệ sĩ tiến bộ ở đó, ra những tạp chí đi tiên phong, đọc Nietzsche và tổ chức những triển lãm điên loạn ở tiệm rượu  yêu thích “Els Quatre Gats” của họ. Pablo cùng hai bạn nghệ sĩ Manuel Pallarès và Carlos Casagemas đến Paris, thành phố trong mơ của giới mê nghệ thuật và mạo hiểm vào năm 1900. Họ đến ở nhờ nhà người bạn nghệ sĩ Catalagne Isidre Nonell, ông này rất thực tế nên đã chuẩn bị cho họ ba “người mẫu” là Germaine, Antoinette và Odette, với ba cô này, những người trẻ Tây Ban Nha mới đến lao nhanh vào cuộc sống về đêm của Paris. Họ hầu như không nói được tiếng Pháp, Picasso thì không, nhưng nhảy giỏi, thử ma túy, sex tự do, đồng thời cố đưa những ấn tượng gây sốc ấy lên giấy hay toan.

Bức tranh đầu tiên Picasso vẽ ở Paris là một cảnh ở tiệm nhảy nổi tiếng “Le Moulin de la Galette”, “quán lưng chừng núi” đầu thế kỷ, nơi mà Van Gogh hay  Toulouse-Lautrec cũng đã từng hay lui tới. Họ là những vị anh hùng mới cho Picasso, đặc biệt là Toulouse-Lautrec với những cảnh vui thú điên cuồng của ông này. Sau này Picasso bảo: “Ở Paris tôi mới biết, Toulouse-Lautrec là người họa sĩ lớn như thế nào”. Ở Tây Ban Nha, ông còn chọn đề tài là cảnh đường phố, đấu bò tót hay chân dung thì nay là những phòng kín của nhà thổ, nhà hát, tiệm café, ông vẽ gái nhảy, người nghiện ma túy, các cặp ôm ghì nhau. Về đường nét, Picasso dao động giữa đường nét thanh xuân với đường viền nhẹ của Edvard Munch, phái hiện thực bẳn tính của Toulouse-Lautrec với phái pointilism lấp lánh của Van Gogh, nhưng ông cũng thích để những vị thầy cổ Goya, Velázquez, El Greco, Delacroix…mà ông học được ở Prado và Louvre cùng hoà tấu.

PABLO PICASSO. Phòng ngủ lam. 1901

 

PABLO PICASSO. Tự họa. 1901 (trích)

 

PABLO PICASSO. Anh hề và bạn. 1901

Về tài chính, người mới Paris đạt đến thành công ngay: bán những bức tranh bột màu cho nhà kinh doanh nghệ thuật Berthe Weill và nhà sưu tập tranh Catalagne Pere Manach, ông này còn ký hợp đồng cho Picasso giao tranh cho ông và trả 150 Francs/tháng. Nhưng hai tháng sau Picasso về lại Tây Ban Nha theo ý người bạn Casagemas, đầu óc anh này dần bị loạn ở Paris: phải lòng Germaine, nhưng bị cô ta từ chối, bị trầm uất, liệt dương, uống cho say mèm rồi dọa tự tử. Picasso đưa anh ta về nhà mình ở Malaga, rồi về nhà cha mẹ anh ta ở Barcelona. Còn Picasso đến Madrid, cộng tác với tạp chí nghệ thuật “Arte Joven”, nhưng ông thấy ở đó còn bảo thủ hơn Barcelona.

Giữa những suy tư này thì nổ ra tin Casagemas đã tự tử: ở Barcelona tình trạng của Casagemas chẳng khá lên, anh ta gửi thư xin kết hôn với Germaine, cô ta từ chối, anh đi đến Paris, cô ta nhất quyết cự tuyệt nên anh ta bị đứt cầu chì: lấy súng lục bắn vào người yêu và vào đầu mình. Germaine thoát chết, anh ta thì không, nhưng thế là nhóm tan.

Dù bị dày vò vì cái chết của bạn, dẫu cảm thấy có lỗi ở việc ấy, Picasso xử lý nó theo cách riêng của mình và vẫn lao vào công việc, ông vẽ như điên. Đầu tiên còn là những quang cảnh boudoir-phòng khách của phụ nữ, những cocotte-người đàn bà lẳng lơ với những bộ mặt nghiêm nghị và bộ váy phồng thỗn thện, bà lùn đánh phấn chói mắt, một người đàn bà mặc đồ xanh, một cô gái gọi trang điểm kỹ, đội mũ rộng vành và váy thùng thình gợi ta nhớ tới Goya-Chân dung Nữ hoàng Maria Luisa.

PABLO PICASSO. Lễ cầu hồn (Đám ma Casagemas). 1901

 

PABLO PICASSO. Jeanne. 1901

 

PABLO PICASSO. Tiệm nhảy Cối xay Bánh kẹp. 1900

Khởi đầu gặp may. Vollard bán được quá nửa số 64 tranh Picasso trưng bày đầu tiên. Ở triển lãm Picasso làm quen với nhà thơ Max Jacob, người bạn Pháp đầu tiên sau này đưa ông vào giới nghệ thuật Paris. Bây giờ thay vì Pablo Ruiz Picasso, bên dưới bức tranh ông ký  Yo Picasso- Tôi là Picasso! Sau hàng tháng im lặng, vụ tự tử của người bạn đã bắt chặt ông, ông vẽ một loạt các bức tranh Casagemas chết, trong đó đáng kể là bức “Đám tang Casagemas”. Rồi bức tranh vẽ người thanh niên trần truồng với bộ mặt của Casagemas ở tranh “La vie”- Cuộc đời. Đây là giai đoạn lam của Picasso. Nhưng rõ nhất cho giai đoạn lam này là bức chân dung tự họa:  “Tôi là Picasso!“. Ông vẽ người đàn ông trong cơn khủng hoảng.

Về lại Barcelona, Picasso vẽ các cô gái ăn sương ở Saint-Lazare. Tây Ban Nha đang cơn khủng hoảng kinh tế, 100.000 công nhân biểu tình, Picasso làm cho tạp chí mỹ thuật “Pel&Ploma”. Trong khi đó ở Paris, Berthe Weill mở triển lãm tranh thứ hai dù tác giả vắng mặt, 15 tác phẩm mà không bán được tác phẩm nào.

Mùa thu 1902 Picasso trở lại Paris. Không có triển lãm, không có tiền. Ông muốn bán những bức tranh màu lam, nhưng không có kết quả. Vollard hoàn toàn không nhận, Berthe Weill chỉ nhận một ít ở dạng ký gửi, nhưng không bán  được bức tranh nào ở một triển lãm tập thể vào cuối năm đó. Tình hình rất bấp bệnh cho Picasso.

PABLO PICASSO. Ông già chơi đàn ghi-ta. 1903

 

PABLO PICASSO. Cuộc đời. 1903

 

PABLO PICASSO. Chân dung Gertrud Stein. 1906

Picasso về lại Barcelona, ít nhất có bà mẹ giặt giũ quần áo bẩn cho ông. Và bạn bè ca ngợi những vụ phiêu lưu của ông ở Paris. Ông gặp được hai người bạn, anh em Junyer Vidal, thừa kế một cửa hàng vải lớn, họ phục tài năng ông nên đứng ra tài trợ cho các dự án cũng như hào phóng hỗ trợ tài chính. Picasso hay vẽ những mô-típ sex lên mặt sau danh thiếp cho họ.

1904 Picasso trở lại Paris. Ông đưa theo Sebastia Junyer Vidal, người cũng muốn thành một họa sĩ của Paris, một người bạn đường giàu có và hào phóng. Họ thuê một phòng lớn làm xưởng họa trong một ngôi nhà ở khu Montmartre, vốn là xưởng dương cầm, rồi xí nghiệp cơ khí và từ 1889 đã trở thành nơi trú ngụ của văn nghệ sĩ, diễn viên, thợ giặt và người bán rau quả. Ở đây ông gặp Fernande Olivier, sớm trở thành người mẫu rồi người bạn đời đầu tiên của ông. Vốn đã  làm người mẫu cho Degas, “la belle Fernande – cô Fernande xinh đẹp” nhanh chóng quen với công việc tại xưởng họa của Picasso.

Còn có một người phụ nữ khác trong cuộc đời Picasso: Madeleine, bà làm mẫu cho những bức chân dung suy ngẫm. Có lẽ vị trí gần rạp xiếc nên ở thời kỳ này, Picasso cũng có nhiều đề tài liên quan với nó. Dù bán được tranh, Picasso vẫn nghèo.

Mùa thu 1905, Picasso quen người phụ nữ làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông:  nữ văn sĩ Mỹ Gertrud Stein, rất giàu, người nâng đỡ quan trọng nhất cho tài năng của ông. Ngoài những người sưu tập Đức Wilhelm Uhde và Nga Sergey Schutkin,  ngay cả Ambroise Vollard cũng phát hiện sự thay đổi của thời gian, bỏ ra 2000 Francs để mua đến mức làm cho xưởng vẽ gần trống. Một thời kỳ mới của Picasso đang bắt đầu.

Ngụy Hữu Tâm

(dịch từ ART, tháng 2.2019)

 

 

Tin cùng chuyên mục

Louvre – Bảo tàng Nghệ thuật danh giá nhất thế giới

Nằm bên hữu ngạn sông Seine ở Thủ đô Paris của nước Pháp, Louvre là  một bảo tàng lớn nhất và nổi tiếng nhất trên thế giới, với khối kiến trúc tráng lệ và là nơi lưu trữ những kiệt tác,...

Champs-Elysées – Đại lộ danh tiếng nhất của nước Pháp

Nếu nước Mỹ nổi tiếng với đại lộ Danh vọng Hollywood, nơi những ngôi sao nổi tiếng nhất trong làng điện ảnh, sân khấu thế giới được vinh danh  gắn sao và tên trên đại lộ. Thì người Pháp...

Montmartre – Ngọn đồi thơ mộng của các nghệ sĩ 

Không phải ngẫu nhiên mà người ta cho rằng nước Pháp quyến rũ hơn những quốc gia khác. Đặc biệt là Paris được mệnh danh là thành phố của kiến trúc, nghệ thuật, thủ đô hoa lệ, kinh đô của...

Edinburgh – Thành phố của văn chương, nghệ thuật

Sau nhiều giờ bay và Transit tại Dubai chúng tôi đã đặt chân đến Edinburgh xứ sở Vương quốc Scotland. Lúc này là cuối chiều, thời tiết tháng 6 ở đây rất lạnh. Tuy vậy, chúng tôi vẫn tranh thủ...

Odilon Redon người tự minh họa giấc mơ

Odilon Redon (1840 – 1916) là một nghịch lý khuất lấp. Ông sống giữa thời đại Ấn tượng và hậu-Ấn tượng trăm hoa đua nở của những Renoir, Gauguin và Van Gogh. Song, ngoại trừ được công nhận trong...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

ANDY CAO – XAVIER PERROT: CẢNH QUAN NHƯ NHỮNG CẤU TRÚC CỦA TÂM TRÍ

     Xuất thân từ chuyên ngành kiến trúc cảnh quan, và có nhiều năm làm việc với phong cảnh ở nhiều dự án và công việc khác nhau, Andy Cao người Mỹ gốc Việt cư trú tại Los Angeles (Hoa Kỳ) là...

‘Hà Nội trong tôi’ – Triển lãm tranh màu nước kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô

...

Hội Mỹ thuật thành phố Hải Phòng tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2023 – 2028

Sáng 10/9, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Hội Mỹ thuật Hải Phòng đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2023 – 2028. Tham dự và chúc mừng Đại hội có họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ...

Thế giới ấm áp trong tranh của trẻ tự kỷ

Bộ bài “Bí kíp hồn nhiên” bao gồm 50 thẻ bài in tranh vẽ nguyên bản của trẻ tự kỷ của doanh nghiệp xã hội Tòhe, cùng những thông điệp ngộ nghĩnh, chân thật, hồn nhiên về những quan sát thú...

Bộ sưu tập Collection Tạp chí Mỹ thuật tháng 9-10 năm 2020

    Mãi đến gần đây, thông qua các cuộc đấu giá nghệ thuật ở nước ngoài, chúng ta dường như mới được biết đến một số bức tranh sơn mài của Trần Hà. Và cũng mới được biết,...