BỨC TRANH “THIẾU NỮ CẦM QUẠT” CỦA NAM SƠN

       

 

Nam Sơn, 1943, tư liệu gia đình, ©NGÔ Kim-Khôi

Lụa là một trong những chất liệu ưa thích của Nam Sơn. Theo bút tích gia đình còn lưu giữ, vào năm 1930 và 1935, bộ Giáo Dục và Mỹ Thuật Pháp đã mua hai bức tranh của ông, một vẽ mực nho “Hồng Hà hữu ngạn mãi mại mễ xứ” (Chợ Gạo sông Hồng) và một bức tranh lụa vẽ một người thiếu nữ nông thôn.

Ông bày tỏ niềm tự hào : “…và khi tôi được giải thưởng huy chương bạc, có 25 người được thưởng trong hàng vạn bức họa, tôi được xếp hàng thứ tư, tôi lấy làm tự hào dân tộc Việt Nam đã ganh đua với nhiều nước ở Paris và báo chí đã khen ngợi mỹ thuật Việt Nam…”

   Bút tích của Nam Sơn

Đối với tranh lụa, Nam Sơn sáng tác nhiều tác phẩm [1], một trong số đó là “Thiếu nữ cầm quạt” (Tonkinoise à l’éventail).

Bức tranh được vẽ khoảng 1935 / 1936, với kích thước 43 x 61,5cm, thể hiện chân dung một cô gái đang ngồi trên phản, tay phải cầm một chiếc quạt bằng giấy mỏng màu trắng, có vẽ cành lan. Chân trái xếp bằng, chân phải co lên, cô mặc áo dài xanh, quần mầu trắng, cổ đeo kiềng. Gương mặt cô dịu dàng, mang vẻ đẹp kín đáo, thanh lịch, tao nhã, phong cách tỏa ra dáng dấp của một cô gái thành thị.

Thiếu nữ cầm quạt” búi tóc theo kiểu miền Bắc. Thông thường, để thêm quyến rũ và làm cho khuôn mặt thanh tao hơn, phụ nữ miền Bắc bọc mái tóc dài của họ trong một mảnh vải màu đen hoặc nhung the, sau đó vấn tròn quanh đầu như một cái vương miện. Đôi khi họ để đuôi tóc vương bên má, được gọi là bỏ đuôi gà. Sau đó, thời trang thay đổi, họ không dùng vải mà vấn tóc trần như thiếu nữ trong tranh.

Nhìn chung, “Thiếu nữ cầm quạt” toát ra vẻ đằm thắm, bởi nhan sắc nhẹ nhàng vương vấn của người mẫu. Đôi mắt cô trong sáng, lại như muốn thỏ thẻ bao tiếng lòng, rằng đường vào tim cô còn thênh thang lối mộng ? “…khi ấy em còn thơ ngây, đôi mắt chưa vương lệ sầu…” (“Thơ ngây” – Anh Việt).

Cô cười, như không cười, khóe miệng thể hiện nét bí ẩn của Mona Lisa, nhưng gương mặt tràn đầy hạnh phúc. Phải chăng cô đang yêu ?

NGUYỄN NAM SƠN, Thiếu nữ cầm quạt – Tonkinoise à l’éventail Khoảng 1935 – 1936

Nét bút của Nam Sơn lộ rõ ra trên thần thái xinh đẹp của cô gái. Bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm, con gái thứ ba của Nam Sơn, ngày nay 87 tuổi, khi nhìn tranh cho biết bà nhận ra người mẫu này, nhưng không nhớ tên. Bà kể chuyện mỗi khi người mẫu đến nhà, các con gái trong gia đình ít được tiếp xúc, chỉ gọi tên người mẫu là “cô mô-đen“, và không biết tên thật.

Màu sắc trong tranh hài hòa, sang trọng, nhiều màu lạnh, mang cho khách thưởng ngoạn những tình cảm nhu mì, mát mẻ. Áo cô xanh biếc màu ngọc bích, ánh nắng hắt vào làm cho vạt trước trở nên mỏng manh và sáng hơn, thấp thoáng màu trắng của quần. Phải chăng đây là không khí trong trẻo bảng lảng trời thu và nắng vàng, thắm thiết lời ca “…anh mong chờ mùa Thu, tà áo xanh nào về với giấc mơ“? (“Thu quyến rũ” – Đoàn Chuẩn, Từ Linh).

Dưới đất hờ hững đôi guốc mộc cổ truyền. Áo dài và guốc mộc là dấu ấn thân quen khó phai mờ trong tâm hồn của nhiều thế hệ người Việt.

Điều đáng lưu ý là nền tranh vẽ nét vân thủy (雲水) làm hậu cảnh, như một tấm màn gấm, mang lại cho “Thiếu nữ cầm quạt” nét quý phái, xưa cổ. Phong cách vẽ trang trí này đã được nhìn thấy trong một bức tranh lụa khác của Nam Sơn, chứng tỏ khả năng bậc thầy của ông khi dạy môn “trang trí” (art décoratif) tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Quả nhiên, chúng ta có thể đọc được trong “Những trường Nghệ Thuật Đông Dương” (Les Écoles d’Art de l’Indochine, Nha Học Chính, toàn quyền Đông Dương xuất bản, Hà Nội 1937), trang 16 :

Việc dạy vẽ đồ họa và trang trí được đảm nhiệm bởi một giáo sư chuyên ngành bậc hai, ông Nam Sơn, là một trong hai người sáng lập trường Mỹ thuật Đông Dương [2]. Ông Nam Sơn đã đạt được những thành quả đáng khen ngợi trong việc đào tạo giáo dục và đóng góp một phần quan trọng trong việc phục hưng nền Mỹ thuật truyền thống An Nam, đồng thời đó cũng là chủ thuyết và hiến chương của toàn Trường“. (Bản dịch Nguyễn An Kiều, con trai thứ của Nam Sơn).

 “Les Écoles d’Art de l’Indochine”, trang 16

Góc trái phía dưới, chữ ký quốc ngữ “NGUYỄN NAM SƠN“. Trên chữ ký là một con dấu tròn cách điệu, trong vòng tròn ghi 寒松, “Hàn Tùng“, nghĩa là “Tùng trong giá lạnh“, chỉ đến người quân tử, cũng có thể nói rằng tranh hoàn tất vào “mùa đông“. Bên phải, lạc khoản tiếng Hán 臣剑湖阮南山, “Thần Kiếm hồ Nguyễn Nam Sơn“, người ngụ bên hồ Hoàn Kiếm tên là Nguyễn Nam Sơn. Dưới là một triện rất đẹp hình chiếc lá, trên lá viết 剑湖, “Kiếm hồ“, nghĩa là “Hà Nội” (Nơi có hồ Hoàn Kiếm danh tiếng).

Bức tranh được trình bày trong chiếc khung nguyên thủy. Sau tranh là mộc của nhà sản xuất khung : “Tam Thọ Bồi Tranh – Bùi Ngọc Lưu – 58, phố Bắc Ninh (rue Maréchal Pétain), Hà Nội“. Nhà Tam Thọ nổi tiếng với việc đóng khung tranh và đặc biệt là phương pháp bồi tranh lụa theo kỹ thuật làm hồ dán cổ truyền. Nam Sơn có thói quen đặt khung ở đây và thậm chí còn gửi con gái lớn của mình là Nguyễn Thị Kim Thoa đến học kỹ thuật bồi tranh danh tiếng ấy.

Phố Bắc Ninh thời Pháp có tên Maréchal Pétain, sau này đổi tên đường Nguyễn Hữu Huân. Xưa lắm, phố Bắc Ninh còn có tên Bè Thượng, cùng các phố chung quanh như Hàng Tre, Hàng Muối, Bờ Sông…, là trung tâm buôn bán đồ gỗ. Nhà Tam Thọ mở cửa hàng sản xuất khung tranh ở đây cũng là điều bình thường và hữu lý.

Thiếu nữ cầm quạt” thuộc bộ sưu tập của Tiểu đoàn trưởng Fernand Mallet, đóng quân tại Hà Nội từ ngày 24/01/1936 đến ngày 28/4/1938. Bức tranh lụa này được mang về Pháp từ năm 1938 và gia đình lưu giữ cho đến ngày hôm nay.

Nét kiêu sa của “Thiếu nữ cầm quạt” chinh phục nhà đấu giá Aguttes, trong vựng tập (catalogue) đã trìu mến đưa cô lên bìa, và trang trọng dành riêng mười trang để ca ngợi nhan sắc kiều diễm của cô.

Vào ngày 22/10/2018 sắp tới, Aguttes dìu bức tranh lụa của họa sĩ Nam Sơn thướt tha bước lên sàn đấu giá tại trung tâm Drouot danh tiếng đất Paris, với giá khởi điểm là 50.000€ / 80.000€. Bao nhiêu người tự hỏi không biết sự quyến rũ của cô sẽ đưa đến giá gõ búa là bao nhiêu ? Hai tuần nữa chúng ta sẽ có câu trả lời.

Paris 06/10/2018

NGÔ Kim-Khôi

 

[1] Trong hội họa Việt Nam, tranh lụa giữ một vai trò quan trọng. Đi trước Nguyễn Phan Chánh, tấm tranh lụa “Về chợ” (Retour du marché) của Nam Sơn sáng tác vào năm 1927, hiện nay vẫn là tranh lụa đầu tiên trong lịch sử hội họa Việt Nam, (Nguyễn Văn Tỵ, “Tranh lụa và hội họa Việt Nam“, Tạp chí Nghiên cứu Nghệ Thuật, số 02, tháng 01-02-03/1974, trang 4). Nhưng các chuyên gia đến nay vẫn coi những bức “Chơi ô ăn quan” và “Lên đồng” của Nguyễn Phan-Chánh, được vẽ vào năm 1931, là những tranh lụa đầu tiên của nước nhà. Điểm sai lầm này có thể do ở các nhà chuyên môn không có đủ tài liệu chính xác !

[2] Tài liệu này chứng nhận vai trò đồng sáng lập trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương của Nam Sơn. Tuy không phải là nghị định chính thức, không xuất hiện trên công báo, nhưng cũng là tài liệu viết và in bởi Nha Học Chính, Toàn quyền Đông Dương (Instruction Publique de l’Indochine), với tính quan trọng và sức thuyết phục không thể chối cãi được của chính nó.

Tin cùng chuyên mục

Tiểu tự sự của Hoàng Đỗ Cường

Triển lãm cá nhân Họa sĩ và những người bạn của cố họa sĩ Hoàng Đỗ Cường (18/4/1959 – 15/2/2023) sẽ khai mạc lúc 17h ngày 17/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, kéo dài đến hết ngày...

Họa sĩ Đỗ Đức: Triển lãm và bán đấu giá tranh góp tiền xây trường cho trẻ em vùng cao

NDO – 50 năm lăn lộn với các tỉnh miền núi phía bắc trong vô vàn các chuyến công tác đã để lại trong họa sĩ Đỗ Đức những ký ức và cảm hứng để đến khi về hưu, ông đã dành toàn bộ...

Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu – Những vệt màu cảm xúc!

Triển lãm tranh sơn mài Nghe kể chuyện làng mình của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu đang diễn ra Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, kéo dài đến hết ngày 15/9, bày khoảng 65 tranh sơn mài, đa số khổ lớn. Trên địa...

Nguyễn Gia Trí – Một đời phiêu lưu với hội họa

Nhiều thập kỷ phiêu lưu trong hội họa, Nguyễn Gia Trí (1908 – 1993) thuộc lớp người xưa mang lại nhiều thành tựu to lớn cho nền mỹ thuật sơn mài hiện đại ở Việt Nam. Năm 1927, Nguyễn Gia Trí...

Họa sĩ Sophie Trịnh và hành trình sáng tạo 23 tác phẩm trong 6 năm

Họa sĩ Sophie Trịnh vừa trình làng triển lãm đầu tay mang tên “Lớp lang cảm xúc” tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (Hà Nội) của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Nữ họa sĩ đã dành hơn 6 năm để...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

MẤY CÂU CHUYỆN VỀ CÁC NGHỆ SĨ THỜI BAO CẤP Ở HÀ NAM NINH

  Năm 1976 tỉnh Ninh Bình sáp nhập vào Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh. Đã hơn 45 năm qua, tôi cũng như bè bạn hoạt động trong giới văn học nghệ thuật tỉnh nhà vẫn còn lưu giữ những hồi niệm...

Thông báo số 10 của Ban Chấp hành TW Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa VIII (Nhiệm kỳ 2014 – 2019)

HỘI MỸ THUẬT VIỆT NAM                        CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM      Số: 118/19/BCH                                                 Độc lập...

Tia- Thủy Nguyễn – Nghệ sĩ độc lập và tự chủ về tài chính dễ sáng tác và tự do hơn

  Tia-Thủy Nguyễn: sinh năm 1981, lớn lên ở Hà Nội, hiện ở TP. Hồ Chí minh. Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 2006. học bổng du học tại Học viện Nghệ thuật và Kiến trúc...

TRÒ CHUYỆN CÙNG HỌA SĨ MỘNG BÍCH: NGƯỜI PHỤ NỮ VẼ LỤA ĐI GIỮA HAI THẾ KỶ

Đúng hẹn, tôi cùng Hoàng Anh-Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật, đến thôn Na, xã Hiên Vân (Tiên Du, Bắc Ninh) vào 8 giờ sáng ngày 29/12/2020. Nắng đẹp, gió thổi mát rượi, chưa có dấu hiệu gì của...

DIỆN MẠO BỘ SƯU TẬP TRANH LỤA CỦA BẢO TÀNG MỸ THUẬT VIỆT NAM

  Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam do họa sĩ – nhà nghiên cứu Nguyễn Đỗ Cung sáng lập năm 1966 là nơi trưng bày, gìn giữ những tác phẩm quý về nghệ thuật tạo hình cổ đại – hiện đại...