Sự ra đời của hình ảnh rồng – tiên trong mỹ thuật

Việt Nam là một đất nước có thể tự hào với truyền thống văn hóa đặc sắc. Trong những truyền thuyết của người Việt chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, chuyện Cha Rồng Mẹ Tiên lý giải sự hình thành dân tộc Việt. Truyền thuyết Rồng Tiên đã đi vào chính sử – Đại Việt sử ký toàn thư. Đó là một tiền đề quan trọng tạo nên sự bùng nổ hình ảnh Rồng Tiên trong nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVI, XVII và XVIII.

Có thể ví bộ Đại Việt sử ký toàn thư như tờ giấy khai sinh hợp pháp của triều đình phong kiến Việt Nam cho đồ án này. Nếu căn cứ vào ngày tháng của tờ giấy khai sinh này thì hiển nhiên nó đã có từ thời Lê Sơ. Nhưng chúng ta vẫn không hề thấy một hình ảnh nào cho thấy nó đã được cụ thể hóa bằng đường nét, màu sắc câu chuyện kỳ ảo này. Không phải thời Trần mà ngay cả thời Lê Sơ cũng không thấy xuất hiện hình tượng này. Không phải câu chuyện huyền sử đẹp đẽ nào của dân tộc cũng được thị giác hóa, được cụ thể, được in dấu lên đá, lên gỗ. Ví dụ như huyền thoại Thánh Gióng hay cuộc chiến vì tình của Sơn Tinh và Thủy Tinh mãi tới thế kỷ XX mới được xuất hiện trong nghệ thuật tạo hình. Cũng là điều bình thường, rất nhiều huyền thoại về sự ra đời của các dân tộc chỉ tồn tại trong thế giới văn học truyền khẩu và văn chương mà không đi vào mỹ thuật. Người Khmer đã say sưa tác vào đá những câu chuyện trong sử thi Mahabharata và Ramayana của Ấn Độ mà quên đi chính những câu chuyện về sự ra đời của dân tộc mình. Hàng ngàn mét vuông của các bức phù điêu ở Borobodua (Indonesia) cũng say mê kể cuộc đời đức Phật mà không cho ta biết gì về tổ tiên của người Java. Không mấy dân tộc như Trung Hoa từ rất sớm (thời Hán) đã ngợi ca sự đản sinh của dân tộc mình qua hình tượng Phục Hy và Nữ Oa.

Đối chiếu với mốc thời gian, vào thời Trần (của Lĩnh Nam chích quái) và thời Lê Sơ (Đại Việt sử ký toàn thư) thì những bức chạm Rồng Tiên phải tới thời Mạc mới xuất hiện. (mặc dù ở thế kỷ XV, ở thời điểm hầu hết các quốc gia dân tộc đã định hình thì hình ảnh tổ tiên các dân tộc đó cũng chưa chắc đã xuất hiện. Cho dù hình ảnh Rồng Tiên hết sức đẹp đẽ, bay bổng nhưng cho đến nay chưa thấy có hình ảnh nào về đồ án này trong không gian cung đình, dù ở Thăng Long hay Thuận Hóa. Mặc dù tính chất quan phương của Đại Việt sử ký toàn thư thì không có gì phải nghi ngờ nhưng sự thiếu vắng hình ảnh của huyền thoại sinh thành dân tộc này dường như không có chỗ đứng trong không gian quyền uy cung đình.

Bản vẽ Tiên nữ cưỡi rồng đình Viên Đình, Hà Nội. Tác giả: Trần Hậu Yên Thế

Liệu những con rồng uy dũng, ngạo nghễ thời Lê Sơ có chấp nhận để các nàng tiên điệu đà ngồi trên lưng không, liệu có thể chấp nhận những nàng tiên chân đất đầu trần đè đầu cưỡi cổ không. Sẽ có thể có ai đó nói rằng vì cung điện thời Lê Sơ đã thành tro bụi nên không thể xác quyết là có hay không. Nhưng trên những tấm bia thời Lê Sơ chúng ta cũng tuyệt nhiên không thấy hình ảnh đồ án này. Nếu ta thử hình dung trên trán bia lăng Khôn Nguyên Chí Đức lăng Ngô Thị Ngọc Giao mẹ của đức vua Lê Thánh Tông có xuất hiện hình Rồng Tiên. Lê Thánh Tông đã vượt qua những phép tắc thông thường để cho chạm khắc hình rồng năm móng trên tấm bia này nhưng vẫn chưa thể cho phép có hình tượng Rồng Tiên ở đây. Mặc dù Lê Thánh Tông là bậc minh quân vĩ đại trong lịch sử dân tộc, nhưng e rằng ông cũng chưa thể bước qua những giới hạn lịch sử, của ý thức hệ Nho giáo đương thời.

Sự tương đồng giữa trang trí kiến trúc và trang trí bi ký. Sự thiếu vắng hình tượng Rồng Tiên trên bi ký có thể suy đoán nó cũng chưa từng xuất hiện trên cung điện thời Lê Sơ. Rõ ràng từ hình tượng trong văn học truyền khẩu và văn học thành văn trong sử sách đến những bức tranh bức chạm ở Việt Nam luôn có một khoảng cách không hề nhỏ. Nhưng tại sao chỉ sau đó không lâu, thời Mạc và thời Lê Trung hưng, chúng ta đã chứng kiến sự bùng nổ của hình tượng Rồng Tiên này.

Tiết mục múa Tiên, rối nước. Tác giả: Nguyễn Bá Ngọc

Đồ án tiên nữ xuất hiện phổ biến trong trang trí kiến trúc các không gian tâm linh của người Việt. Sự bùng nổ hình ảnh tiên nữ trong khoảng ba thế kỷ từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, theo chúng tôi liên quan đến vô thức tập thể và hoàn cảnh xã hội đương thời hơn là kết quả trực tiếp của Lão giáo hay đạo Mẫu hay một sắc lệnh nào của triều đình.

Ở đây, chúng ta có thể phải cùng nhìn lại bối cảnh văn hóa, đường lối chính trị của nhà Lê Sơ. Mặc dù một triều đại mới đã mở ra cho nước Đại Việt bằng bản Cáo Bình Ngô vô cùng hào sảng. Nhưng lạ thay, những ông vua đầu tiên của thời Lê Sơ lại sẵn sàng vong bản, sẵn sàng du nhập ồ ạt mô hình chính trị, đường lối văn hóa của Đại Minh. Sự say mê mô hình chuyên chế tập quyền kiểu Đại Minh. Nhà Lê chia quốc gia thành nhiều tỉnh. Tỉnh là cấp hành chính của nhà Minh vốn kế thừa từ nhà Nguyên. Nhà Lê Sơ cũng mở đầu triều đại của mình bằng các cuộc tàn sát công thần khai quốc Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo rồi đến Nguyễn Trãi như Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, Minh Thành Tổ Chu Đệ đã làm bên Trung Hoa. Có lẽ vì thế mà con rồng Đại Việt thời Lê Sơ giống hệt con rồng Đại Minh, cũng luôn toát ra vẻ hung tợn, hăm dọa.

Bản rập trán bia hình Tiên nữ cưỡi rồng, chùa Keo Hành Thiện, Nam Định. Tác giả: Xuân Như

So với hình rồng, hình tiên cưỡi rồng ít xuất hiện trên bia đá. Cũng có thể nói rằng đồ án Tiên cưỡi rồng mang màu sắc dân gian, là sáng tác tập thể, ít chịu sự chia phối của triều đình. Thật khó mà nói rằng do Toàn thư đưa hình tượng Lạc Long Quân vào chính sử mà các phường thợ đã đưa đồ án này lên các mảng chạm trang trí kiến trúc. Qua tìm hiểu di tích khảo cổ ở Hoàng thành Long, hay khảo sát ở các di tích thời Lê Sơ ở Lam Kinh Thanh Hóa, tuyệt nhiên không thấy bất cứ đồ án rồng tiên nào. Cho nên, để lý giải sự xuất hiện đồ án rồng tiên thời kỳ này, chúng ta chỉ hoàn toàn dựa vào sự nổi lên của thế lực Mường, Thái trong tầng lớp thống trị thời Lê Sơ là chưa đủ. Nhưng chắc chắn sự hưng thịnh của Nho giáo, đặc biệt là việc loại bỏ kỷ Hồng Bàng trong sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục của vua Tự Đức đã dẫn tới sự biến mất của đồ án này.

Kể từ cuốn Toàn thư về sau, mặc dù đã rất nhiều cuốn sử khác đã mặc nhiên công nhận sự hình thành dân tộc – quốc gia của truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. Nhưng tới vua Tự Đức thời Nguyễn truyền thuyết này đã bị bác bỏ. Chuẩn tấu những lời của sử quan, vua Tự Đức đã nhận định đây là những “câu truyện đề cập đến ma trâu, thần rắn, hoang đường không có chuẩn tắc” và cương quyết loại Kinh Dương và Lạc Long ra khỏi chính sử bằng cách đưa xuống phụ chú dưới niên kỷ Hùng vương, để “cho hợp với cái nghĩa lấy nghi truyền nghi”.

Bản vẽ Tiên nữ trên bệ Phật chùa Hoa Long, Thanh Hóa. Tác giả: Trần Hậu Yên Thế

Tuy hình tượng rồng tiên không xuất hiện trong trang trí kiến trúc, nhưng trong thơ ca, trong các diễn ngôn thời Nguyễn thì biểu tượng rồng tiên vẫn xuất hiện. Năm 1914, Nguyễn Huy Hổ đã viết hai câu đối trên đền Thượng (đền Hùng):

Non nước cao sâu, tưởng bóng Long tiên còn thoáng đó

Khói hương ngào ngạt, động lòng sơn hái biết yêu nhau.

Một câu đối khác bằng chữ Nho, được dịch là:

Trong chốn cỏ cây có làng tẩm, hồn thiêng cha Rồng mẹ Tiên, cứu dỗi hậu nhân lâm lỗi

Xưa nay thấy núi này sông nọ, sáng tạo của Thánh Tổ Thân Tông, ôi! Tiền vương bất vong!.

Đôi câu đối thờ Triệu Đà ở đền Đồng Xâm (Thái Bình) cũng nhắc đến huyền tích Rồng Tiên, đã được dịch là:

Cơ đồ sáng chói dựng bởi mẹ cha Tiên Rồng, con cháu giữ gìn, ngang cùng Hán xây nghiệp đế vương

Vùng quê ngoại dựng nên cung khuyết, linh khí tốt trà rượu hóa thành sông, ngoài Phiên Ngung đây đệ nhất thân kinh

Từ lâu truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ đã đi sâu vào văn hóa người Việt, thành ngữ “Con rồng cháu tiên” là một ví dụ. Bởi thế nên Triệu Đà vốn sinh từ phương Bắc, nhưng đền thờ ông, một vị đế vương nước Việt tất phải có nhắc đến tích Cha Rồng Mẹ Tiên.

Ở đền Vua Đinh, Vua Lê ở Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình, dù không có câu đối nào có nhắc tới huyền tích rồng tiên, nhưng ca dao đất cố đô từ xưa đã có câu ca dao:

Ai là con cháu Rồng Tiên
Tháng Ba mở hội Trường Yên thì về
Về thám đền cũ Đinh – Lê
Non xa nước biếc bốn bề như xưa

Não trạng của vua Lê Thánh Tông và vua Tự Đức rất khác nhau, hoàn cảnh xã hội, chính trị cũng không giống nhau. Nhưng có lẽ, quan trọng hơn, nhu cầu “tái tạo lại truyền thống” (“reinvention of tradition” chữ của Guy Beiner) thể hiện “một quá trình sáng tạo liên quan đến việc đổi mới, diễn giải lại và sửa đổi các huyền thoại của vua Lê Thánh Tông để củng cố một cộng đồng mới bao gồm nhiều sắc tộc. Theo lý thuyết về “Những cộng đồng tưởng tượng” (Imagined Communities) của Benedict Anderson, hay mới hơn là thuyết “Sắc tộc biểu tượng luận và Chủ nghĩa dân tộc” của Anthony D. Smith; thì đó là một thủ thuật chính trị khôn ngoan, nhận được sự đồng thuận của các thế lực chính trị đương thời và dựa trên tâm thức cộng đồng mới. Đứng ở thế kỷ XV, xét bối cảnh xã hội chính trị đương thời, đó là một hiện tượng vô tiền khoáng hậu. Dù ông vua có sáng suốt tới đâu, sử quan có kiến văn quảng bác tới đâu, thì việc đưa huyền thoại vào trong chính sử cũng cần những bệ đỡ của tâm thức cộng đồng. Khác với thời Lý, thời Trần, tới đời vua Lê Thánh Tông thời Lê Sơ thì thế lực miền núi đã rất lớn mạnh. Không chỉ có ông vua Lê Thái Tổ có gốc gác Mường mà cũng có nhiều danh Nho không phải là người Việt (như Thân Nhân Trung là những nhà Nho người Tày). Suốt một giải miền ngược từ Phú Thọ, Hòa Bình, Thanh Hóa có nhiều truyền thuyết vế nữ thần, mẫu thần. Cũng từ đó dẫn đến tục thờ Nữ thần, mẫu thần. Ví dụ tục thờ Tam vị nữ chúa Mường sau này đã gia nhập vào phủ điện của Đạo Mẫu. Một tác động quan trọng của thế kỷ XVI – XVIII là thương mại quốc tế đã tạo điều kiện cho sự nâng cao vị thế của người phụ nữ – một nhân tố quan trọng trong mạng lưới thương mại toàn cầu.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Văn Cương (2006), Mỹ thuật đình làng – Đồng bằng Bắc Bộ, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  2. Đinh Hồng Hải (2018), “Totem trong nghệ thuật’, Tạp chí Giáo dục Nghệ thuật số 24/2018
  3. Lê Văn Hưu, Phan Phù Tiên, Ngô Sỹ Liên, Phạm Công Trứ, Lê Hy (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, 2, Ngô Đức Thọ dịch, Hà Văn Tấn hiệu đính theo mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  4. Nguyễn Tiến Lương (2022) Giải nghĩa câu đối chữ Hán của các di tích lịch sử văn hóa, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, Tr.12
  5. Trần Thế Pháp (1960) Lĩnh Nam chích quái, Nxb Khai Trí, Sài Gòn
  6. Nguyễn Mạnh Tiến (2021) Khai nguyên rồng tiên, Nxb Hội Nhà văn
  7. Tạ Chí Đại Trường (1989) Thần người đất Việt, Nxb Văn Nghệ, USA
  8. Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (2007), Giới có phải là vấn đề? Nxb Mỹ thuật

Website

Trần Trọng Dương (2019) Nguồn gốc người Việt: Một lược sử tư tưởng, Tạp chí Tia sáng https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/nguon-goc-nguoi-viet-mot-luoc-su-tu-tuong-18523/

Họa sĩ, Tiến sĩ TRẦN HẬU YÊN THẾ

Tin cùng chuyên mục

Hoa văn kể chuyện năm Rồng

Con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của dân tộc Việt Nam. Hình tượng rồng Việt vì thế hiện diện đa dạng trong mọi mặt đời sống xã hội từ...

Gia đình và Bốn mùa

Trong nền văn học – nghệ thuật cổ điển của chúng ta xưa, các tác giả và người thưởng thức luôn có một quan điểm chung là: “Thi trung hữu họa, họa trung hữu thi” (trong thơ có họa, có...

Tranh cổ động một thời

Những họa sĩ tiền bối như Vũ Văn Thu, Nguyễn Hiếu, Nguyễn Hữu, Huỳnh Công Nhãn (Huỳnh Phương Đông), Nguyễn Thuận, Phan Thư, Linh Chi, Trịnh Kim Vinh, Văn Hoè, Đình Khang, Thang Trần Phềnh, Võ thành...

Tranh Tết những ngày độc lập

Cứ mỗi lần Tết đến, lại thấy những bức tranh có những màu sắc thô mộc, vui tươi, chân thật và biểu dương được cả một tinh thần dân tộc. Những tranh tết đó có từ lâu rồi, và cứ hàng...

Đá nhân tạo Biên Hòa

  Năm 1933, ông Robert Balick, hiệu trưởng trường Mỹ nghệ Biên Hòa thành lập một tổ chức gọi là La Société coopérative artisanale des potiers et fondeurs de Bienhoa (Hợp tác xã Mỹ nghệ thủ công của...

Tin cùng chuyên mục

Những dấu ấn quy hoạch, kiến trúc của kiến trúc sư Ernest Hesbrard

Ernest Hébrard (1875 – 1933) sinh ngày 11/9/1875 tại Paris. Ngày 15/10/1891, khi 16 tuổi ông đã bắt đầu theo học tại xưởng vẽ của Trường Đại học Mỹ Thuật Paris (Ecole nationale et spéciale des Beaux Arts de...

Thành phố sáng tạo và nghĩa cử tri ân sự sáng tạo

Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến, với danh hiệu Thành phố vì Hòa Bình đang tiến về phía trước với mục tiêu trở thành thành phố sáng tạo hàng đầu trong khu vực. Trải qua nhiều cuộc chiến...

Biến chuyển cảnh quan truyền thống – hiện đại từ phù thế họa (ukiyo-e) đến phim của Ozu Yasujiro

Tranh khắc gỗ (Ukiyo-e, Phù thế hội) là thể loại độc đáo riêng có của hội họa Nhật Bản, thể hiện một cách đầy thi vị và đa diện về cõi phù thế của những thị dân Edo. Ukiyo-e cũng đã...

Đấu xảo hoàn vũ Paris năm 1867 – Hội chợ triển lãm quốc tế đầu tiên có người Việt tham gia

Hoàn cảnh và lý do người Việt có mặt tại Đấu xảo Hoàn vũ ở Paris năm 1867 Sau Hòa ước Nhâm Tuất (05-06-1862), thực dân Pháp được quyền chiếm đóng và quản lý ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Vào...

Đào tạo sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật trong đại học đa ngành

Các trường đại học đa ngành cùng tư duy liên ngành được kỳ vọng có thể đóng góp vào cách tiếp cận mới trong đào tạo đội ngũ sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật (VHNT). Ðó...

Tin cùng chuyên mục

Triển lãm cá nhân “Ảnh xạ” của họa sĩ Trang Thanh Hiền

Triển lãm cá nhân “Ảnh xạ” diễn ra từ ngày 07 đến 15/11/2023 tại phòng Bảo tàng, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, số 42, Yết Kiêu, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Triển lãm cá nhân lần thứ hai của...

Bài 5: Cần sự đầu tư xứng đáng cho bảo tàng

(Chinhphu.vn) – Câu chuyện bảo tàng vì sao vắng khách tuy không mới nhưng luôn nhận được sự quan tâm của các nhà chuyên môn bởi bảo tàng có vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa...

Bài 4: Tăng ‘giáo dục trải nghiệm’ tại các bảo tàng, di tích

(Chinhphu.vn) – Gần đây, các bảo tàng đã chú trọng thay đổi về nội dung, không ngừng đa dạng hóa, đổi mới nhiều lĩnh vực hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu và đem đến những trải nghiệm...

Bài 2: Để bảo tàng thực sự ‘hữu xạ tự nhiên hương’

(Chinhphu.vn) – Nếu như trước đây, bảo tàng không nằm trong danh sách những nơi cần phải đến của khách du lịch khi đến Việt Nam, hay của chính những người dân Việt Nam, thì nay mọi thứ đang...

Bài 1: Vì sao bảo tàng đìu hiu vắng khách?

(Chinhphu.vn) – Bảo tàng, di tích là nơi chúng ta có thể biết được nhiều điều nhất, học được nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất. Nhưng trên thực tế, trong khoảng thời gian dài, bảo tàng...

Có thể bạn quan tâm

Hoạ sĩ Tô Ngọc Thành tổ chức triển lãm tranh cá nhân tại Hà Nội

Tại triển lãm tổ chức tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội, hoạ sĩ Tô Ngọc Thành đã trưng bày các tác phẩm đậm chất trữ tình, mơ mộng, có vẻ đẹp tươi sáng. Tranh của hoạ sĩ...

Triển lãm “Những người khổng lồ mong manh”

Những bức tượng động vật khổng lồ đã xuất hiện dọc đại lộ Haussmann trong cuộc triển lãm ngoài trời “Những người khổng lồ mong...

Triển lãm mỹ thuật “Giao mùa”

...

Thể lệ Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và Luật phòng chống tác hại của thuốc lá trên toàn quốc

BỘ Y TẾ  QUỸ PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc Lập – Tự do – Hạnh phúc   Hà Nội, ngày 08 tháng 01 năm 2019   THỂ LỆ  Cuộc thi sáng tác tranh...

Họa sĩ Đinh Quân trở lại với triển lãm tranh sơn mài trừu tượng tại Tp. Hồ Chí Minh

Từ ngày 27 tháng 5 đến ngày 05 tháng 6 năm 2023, tại An Gallery – 159 Đồng Khởi, Quận 1, Tp HCM, sẽ diễn ra cuộc triển lãm tranh sơn mài mang tên Genesis – Thiên Khải của họa sĩ Đinh Quân. Sự trở...