Con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của dân tộc Việt Nam. Hình tượng rồng Việt vì thế hiện diện đa dạng trong mọi mặt đời sống xã hội từ kiến trúc, trên trang phục, đồ mỹ thuật ứng dụng cho đến sinh hoạt lễ hội.
Cội nguồn rồng tiên
Trong truyền thuyết Hồng Bàng thị, người Việt coi rồng là biểu trưng của nguồn cội, của ý thức giống nòi và tinh thần đoàn kết dân tộc. Trong tâm thức của người Việt, rồng biểu trưng cho sức mạnh siêu nhiên: thần mưa, gió, có ảnh hưởng và chi phối mạnh mẽ tới nền văn minh lúa nước với những khát vọng thực tế, đó là cầu cho mưa thuận gió hòa, đời sống ấm no, vui vẻ, hạnh phúc. Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, đây là một triết lý rất nhân văn, thể hiện sự tôn trọng và hòa hợp với thiên nhiên.
Qua các triều đại phong kiến như Lý, Trần, rồng hiện hữu ở những vị trí trang trọng nhất trong các tác phẩm, công trình nghệ thuật, như trên bệ tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích, trong tháp Chương Sơn (Nam Định), cánh cửa chùa Phổ Minh (Nam Định)…
Thời Lê Sơ, hình tượng rồng được chạm khắc phổ biến trên các chất liệu đá như: rồng đá ở điện Kính Thiên – Hoàng thành Thăng Long, rồng đá trên bia tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc tử Giám, trên các bia tại lăng mộ vua Lê (Lam Kinh, Thanh Hóa).
Từ thời Hậu Lê về sau đến thời Nguyễn, hình ảnh rồng được trang trí nghiêm cẩn trong cung vua, phủ chúa, lăng tẩm; trong không gian tín ngưỡng của người Việt như trên kiến trúc đình/ chùa miếu/đạo quán; trên vật dụng cung đình như kim ngọc/bảo tỷ, sách đồng, sắc phong, phẩm phục; trên vật dụng hàng ngày như nghiên mực, ống bút, bình, đĩa, tô, chén; trong sinh hoạt lễ hội như múa rồng, trò chơi dân gian “Rồng rắn lên mây”…
TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TPHCM, phân tích: “Qua thời gian, biểu tượng rồng đã được con người thay đổi theo điều kiện tự nhiên và xã hội, được sử dụng theo những mục đích khác nhau, có những sự khác biệt nhất định trong từng giai đoạn lịch sử Việt Nam. Sự khác biệt ấy thực chất chính là sự điều chỉnh của cư dân Việt Nam nhằm biến đổi và phản ánh không gian tự nhiên – xã hội của Việt Nam”.
Nét văn hóa từ sinh hoạt dưới nếp nhà
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, biểu tượng rồng trong cung đình được quy định một cách nghiêm ngặt, khắt khe về cách thể hiện, trang trí; còn trong đời sống dân gian, rồng được thể hiện một cách đa dạng, phóng khoáng và sinh động hơn trong các loại hình đồ dùng sinh hoạt, với những ẩn dụ để rèn luyện tính cách cao đẹp trong mỗi người.
Điều này thể hiện khá rõ qua hơn 100 hiện vật trưng bày trong chuyên đề Long Vân khánh hội đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM. Theo đó, câu chuyện về hình tượng rồng trong đời sống hàng ngày thể hiện qua nhiều vật dụng gia đình làm từ gốm Chu Đậu, Bát Tràng, gốm Cây Mai như chén, đĩa, bình, hũ, bình vôi… với các đề tài cá hóa long, long mã, long vân…
Hai dĩa gốm Chu Đậu với đề tài Cá hóa long và Long mã khiến chị Hoàng Phương Uyên (34 tuổi, nhân viên đồ họa, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) dừng lại khá lâu để chụp ảnh và tìm hiểu.
Chị Uyên chia sẻ: “Đồ cổ bằng gốm thu hút người ta bởi chất men và hoa văn trên đó, chất men thì có dòng gốm đến bây giờ gần như đã thất truyền, còn hoa văn được vẽ lên như cẩn vào đó một thông điệp. Sự tích Cá hóa rồng đã quá quen thuộc, trong nhà mà có một chiếc dĩa như vầy, mỗi bữa cơm cũng là cách người xưa răn dạy con cháu rằng cá chép phải vượt qua các thử thách và kỳ thi khó khăn để hóa rồng. Tuổi trẻ cũng vậy, phải học hành bài bản và rèn luyện bản lĩnh kiên cường vượt qua các kỳ thi hay áp lực trong cuộc sống để bản thân trưởng thành, vững vàng”.
Hay chiếc đĩa gốm Chu Đậu với đề tài Long mã cũng ẩn chứa một ngụ ý văn hóa của người xưa, sự kết hợp rồng và ngựa là hài hòa âm – dương, biểu hiện sự chuyển hóa không ngừng trong vũ trụ. Rồng thường ở trên trời cao, lúc ẩn lúc hiện trong mây, cai quản khắp trời biển, ngựa là con vật đời thường, chạy nhanh trên mặt đất. Vì vậy, long mã – ngựa hóa rồng là con vật mang trong mình đầy đủ sự kết hợp âm – dương, không gian – thời gian, long mã chạy là biểu hiện cho vũ trụ vận động, đồng thời tượng trưng cho thánh nhân.