Thực trạng một số triển lãm mỹ thuật quy mô quốc gia tại Việt Nam

Các triển lãm mỹ thuật quy mô quốc gia đã được duy trì trong nhiều năm qua, là một phần không thể thiếu trong hoạt động mỹ thuật tại Việt Nam. Mỗi cuộc triển lãm đều thu hút số lượng đông đảo các tác phẩm của nhiều nghệ sĩ từ khắp nơi trên cả nước. Tuy nhiên, mỗi kỳ triển lãm diễn ra lại nhận được không ít những phản ứng trái chiều đến từ giới nghệ sĩ lẫn công chúng. Nguyên nhân là do chất lượng nghệ thuật, vấn đề giải thưởng hay quy trình tổ chức? Khán giả kỳ vọng như thế nào về những triển lãm này, liệu đó có phải là tiêu chuẩn cho việc sáng tác nghệ thuật trong nước hay chỉ còn là những hoạt động mang tính phong trào? Một số triển lãm sẽ được đề cập đến trong bài viết này, bao gồm Triển lãm mỹ thuật Việt Nam và Festival Mỹ thuật trẻ.

Một tác phẩm video art được trưng bày trong Triển lãm mỹ thuật Việt Nam năm 2020. Nguồn: Tác giả

Vài nét về các triển lãm và giải thưởng mỹ thuật quy mô quốc gia tại Việt Nam

Các triển lãm mỹ thuật quy mô quốc gia của Việt Nam được chủ trì và giám sát bởi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giao trách nhiệm cho các cơ quan nhà nước tổ chức, trong đó Cục Mỹ thuật và Nhiếp ảnh là đơn vị tổ chức các cuộc triển lãm lớn nhất hiện nay, bao gồm Triển lãm mỹ thuật Việt Nam (TLMTVN) và Festival Mỹ thuật trẻ (FMTT). Triển lãm mỹ thuật Việt Nam trước đây được tổ chức 5 năm một lần, từ năm 2020 diễn ra 3 năm một lần, cho đến nay đã trải qua 19 kỳ triển lãm. Đối tượng tham dự là “Các họa sĩ, nhà điêu khắc Việt Nam ở trong nước và họa sĩ, nhà điêu khắc là Việt kiều ở nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật tạo hình từ 18 tuổi trở lên là công dân Việt Nam và người Việt Nam ở nước ngoài.” [1]. Quy trình xét duyệt tác phẩm diễn ra trong hai vòng, ở vòng 1, các tác giả gửi ảnh chụp tác phẩm của mình. Sau khi có kết quả tuyển chọn ở vòng 1, tác phẩm sẽ được gửi đến để Ban tổ chức xem xét và chấm giải trực tiếp. Nhiều ý kiến khẳng định rằng “Triển lãm Tháng Tám” năm 1946 là kỳ triển lãm toàn quốc đầu tiên bởi sự kiện này mới quy tụ các họa sĩ trên khắp đất nước và có thêm năm nghệ sĩ Việt kiều tham dự. Trong những năm tháng chiến tranh, triển lãm vẫn tiếp tục được tổ chức, cho thấy sự quan trọng của sự kiện này. Triển lãm năm 2020 là kỳ triển làm gần đây nhất, tuy nhiên cũng là một kỳ triển lãm gây ra không ít những tranh cãi.

HÀ PHƯỚC DUY – Thế giới riêng. Sơn dầu. 140x340cm. Festival mỹ thuật trẻ năm 2017. Nguồn: Vựng tập triển lãm

Một sự kiện khác là Festival Mỹ thuật trẻ, dành riêng cho các nghệ sĩ trẻ. Kể từ lần đầu tiên tổ chức vào năm 2007, FMTT đã có 6 kỳ triển lãm (2007, 2011, 2014, 2017, 2020 và 2022) với nhiều thay đổi từ định dạng chương trình, đơn vị tổ chức tới hình thức và nội dung các tác phẩm được trưng bày. Đúng như tên gọi, đây là một lễ hội nghệ thuật dành cho nghệ sĩ trẻ tìm kiếm cơ hội thể hiện khả năng của mình. Festival Mỹ thuật trẻ 2007 diễn ra tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (tên gọi trước đây của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) với đơn vị tổ chức là Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) dưới sự bảo trợ của Bộ Văn hóa – Thông tin. Kinh phí tổ chức được vận động từ các đơn vị tài trợ, trong đó phần lớn đến từ Quỹ Thụy Điển – Việt Nam phát triển văn hóa (SIDA) và Quỹ Phát triển và Trao đổi Văn hoá Đan Mạch – Việt Nam (CDEF). Đây cũng là kỳ festival duy nhất có các cá nhân đứng ra với vai trò giám tuyển là Trần Lương và Đào Minh Tri. Hơn 50 nghệ sĩ tham gia festival được tuyển chọn từ những gương mặt nổi trội đến từ ba trung tâm nghệ thuật của cả nước là Hà Nội, Huế và TP.HCM. Lần tổ chức này không trao giải thưởng và triển lãm chỉ diễn ra trong 4 ngày. Festival lần tiếp theo diễn ra vào năm 2011, được đổi tên thành Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc dưới sự tổ chức của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, chỉ dành riêng cho tác giả dưới 35 tuổi. Sự kiện có dáng dấp một cuộc thi với giải thưởng, tác phẩm được lựa chọn từ những hồ sơ gửi đến cho Ban tổ chức, tương tự như TLMTVN. Từ năm 2014, Festival Mỹ thuật trẻ được công bố là sự kiện sẽ định kỳ diễn ra ba năm một lần, sau này là 2 năm một lần từ năm 2020.

Các triển lãm quốc gia đặt ra những tiêu chí riêng về nghệ thuật. Nếu như trước đây, triển lãm chỉ có các tác phẩm loại hình truyền thống như hội họa, đồ họa và điêu khắc thì những năm gần đây, đã có sự đa dạng về loại hình. TLMTVN đã chấp nhận tác phẩm sắp đặt, trình diễn và video art từ năm 2010. Với Festival Mỹ thuật trẻ, ngay từ kỳ đầu tiên năm 2007, số lượng tác phẩm đa phương tiện đã rất đông đảo. Các triển lãm Mỹ thuật toàn quốc trước năm 1976 còn trưng bày tranh cổ động, tranh truyện, đồ mỹ nghệ… nhưng về sau, một sự kiện dành riêng cho các thể loại này được tổ chức, đó là Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng. Việc các loại hình nghệ thuật sắp đặt, trình diễn, video art được chấp nhận tại triển lãm mỹ thuật toàn quốc cho thấy tư duy cởi mở của các nhà tổ chức và đã mở rộng khái niệm “mỹ thuật”. Trước năm 2007, chưa có hoạt động mỹ thuật nào mang tính chính thống và có quy mô quốc gia có hạng mục dành cho các loại hình này. Các triển lãm dành riêng cho nghệ thuật sắp đặt mặc dù đã xuất hiện từ thập niên 1990 nhưng đều do cá nhân tổ chức hoặc mang tính thể nghiệm. Năm 2004, một festival trình diễn quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam mang tên Lim Dim, nhưng diễn ra với quy mô nhỏ tại một số trung tâm văn hóa nước ngoài như Viện Goethe, Hội Đồng Anh và Ryllega Gallery. Đặc biệt thời điểm đầu những năm 2000, khi nghệ sĩ và công chúng bước đầu quen dần với các hình thức nghệ thuật mới, các tác phẩm đương đại có mặt tại triển lãm quy mô quốc gia phần nào là sự khẳng định cho sự thay đổi của nghệ thuật nước nhà. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các loại hình này bên cạnh các tác phẩm tranh, tượng tại các triển lãm này đôi khi cho thấy sự không phù hợp. Các lý do kể đến như chất lượng tác phẩm còn chưa thực sự tốt và không có không gian và điều kiện trưng bày thích hợp. Trong những năm gần đây, các loại hình này dần vắng mặt trong các kỳ triển lãm. Cụ thể như với FMTT năm 2007 có 39 trên tổng số 54 tác phẩm tham gia triển lãm là loại hình sắp đặt, trình diễn, video art, chiếm tỷ lệ 70%, nhưng tỷ lệ này giảm dần trong những lần sau. Thậm chí từ Festival năm 2014 đã hoàn toàn không có nghệ thuật trình diễn. Trong TLMTTQ năm 2010, chỉ có 5 tác phẩm sắp đặt trên tổng số 836 tác phẩm, chiếm tỷ lệ 0,5%. Điều này có lẽ phản ánh sự thay đổi trong khuynh hướng sáng tác cũng như những biến động tất yếu của đời sống nghệ thuật.

Trưng bày tại Triển lãm mỹ thuật Việt Nam năm 2020. Nguồn: Tác giả

Giải thưởng cũng là một vấn đề đáng lưu tâm đối với các triển lãm quốc gia này. Các giải thưởng được quyết định bởi Hội đồng nghệ thuật là các nghệ sĩ có uy tín đến từ các cơ quan nhà nước về nghệ thuật và cả các nghệ sĩ độc lập. Mặc dù vậy, luôn có những tranh cãi về giải thưởng, thậm chí có những ý kiến yêu cầu bỏ giải thưởng để những triển lãm này được phát huy tinh thần tôn vinh nghệ thuật một cách thuần túy thay vì định đoạt vị trí cao thấp. Trong lịch sử của TLMTTQ, chỉ có năm 1995 và 2005, bên cạnh giải thưởng của hội đồng nghệ thuật còn có giải của Quỹ Thụy Điển – Việt Nam phát triển văn hóa (SIDA). Festival Mỹ thuật trẻ chỉ có lần đầu tiên tổ chức không trao giải thưởng. Thực chất, giải thưởng của các triển lãm quốc gia vốn được coi là một thành tựu có ý nghĩa với sự nghiệp sáng tác của các nghệ sĩ. Nhưng không ít lần giải thưởng được cho là không xứng tầm, mang tính hình thức.

Một số hạn chế của các triển lãm và giải thưởng mỹ thuật quy mô quốc gia tại Việt Nam

Các hạn chế chỉ ra tại đây không nhằm mục đích đánh giá về giá trị hay tầm ảnh hưởng của các triển lãm và giải thưởng này mà đưa ra những nhận định khách quan để nhìn nhận vấn đề một cách thẳng thắn. Có rất nhiều tồn tại chưa thể được khắc phục qua các kỳ triển lãm, dù trước đây đã có những ý kiến chỉ ra hạn chế nhưng những sai sót vẫn tiếp tục lặp lại. Những năm gần đây, các triển lãm này càng chỉ ra sự thiếu nỗ lực trong việc đổi mới hình thức triển lãm và sự thiếu phù hợp với thực trạng phát triển chung của nền nghệ thuật Việt Nam. Có thể chỉ ra một số vấn đề sau đây:

Chất lượng nghệ thuật của các tác phẩm
Trong những kỳ TLMTTQ và FMTT đã qua, không thiếu những tác phẩm có chất lượng và nhận được phản hồi tốt sau khi trưng bày. Một số tác phẩm được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua lại và lưu giữ trong bộ sưu tập cố định. Sự xuất hiện của các tác phẩm chất liệu tổng hợp như nghệ thuật sắp đặt hay đa loại hình cũng đã làm thay đổi diện mạo của các triển lãm. Nhiều tác phẩm cho thấy sự đổi mới về kỹ thuật cũng như tư tưởng của nghệ sĩ. Bên cạnh đó là sự đa dạng về chủ đề các tác phẩm, từ các câu chuyện cá nhân cho đến những vấn đề của xã hội đương đại. Dấu ấn thời đại thể hiện khá rõ nét qua nhiều tác phẩm như vấn đề đô thị hóa, ô nhiễm môi trường, sự tác động của công nghệ thông tin, giá trị của con người trong thời đại hàng hóa hay cập nhật vấn đề thời sự như dịch bệnh Covid-19…
Mặt khác, những hạn chế về chất lượng nghệ thuật vẫn tiếp tục hiện diện cho nhiều kỳ triển lãm. Một trong số đó là sự lặp lại trong nội dung tác phẩm, có quá nhiều nghệ sĩ cùng khai thác một chủ đề khiến tác phẩm trở nên quen mắt dù cách thể hiện có khác nhau [H1-2]. Đặc biệt là các chủ đề mang tính xu hướng, nội dung tác phẩm quá dễ đoán trong khi nhiệm vụ của nghệ sĩ là phải chỉ ra được những phần chìm sâu mà chưa ai từng thấy trước đó. Nhiều tác phẩm lại cho thấy sự cũ kỹ về mặt tư duy như thể đã được sáng tác từ vài thập kỷ trước đó thay vì mới đây. Sự không tương xứng giữa nội dung tác phẩm và ý tưởng của tác giả muốn trình bày cũng là một vấn đề khiến nhiều tác phẩm trở nên khiên cưỡng. Nghệ sĩ muốn áp đặt suy nghĩ của mình lên cảm nhận của khán giả. Nhiều tác phẩm có nội dung mơ hồ, phụ thuộc vào statement (bản chú thích về tác phẩm) như một sự diễn giải bằng ngôn từ bù đắp cho những thiếu hụt về chiều sâu.

NGUYỄN HOÀNG VIỆT – Bột. Festival mỹ thuật trẻ năm 2014 Nguồn: http://soi.today

 

HỮU HẢI – Kỷ nguyên của những sáng kiến. Sắp đặt Festival mỹ thuật trẻ năm 2011

Về hình thức, vẫn tồn tại những tác phẩm với lối vẽ hồn nhiên, bản năng, chưa thể hiện được trình độ của nghệ sĩ. Trong khi chỉ có khoảng 10% tác phẩm được trưng bày so với số lượng tác phẩm gửi về nhưng vẫn còn quá nhiều tác phẩm có chất lượng trung bình. Điều này là do mặt bằng chung của nghệ thuật Việt Nam vẫn còn thấp hay triển lãm chưa thu hút được những nghệ sĩ tốt? Sự hạn chế về hình thức thể hiện rõ hơn cả ở các tác phẩm sắp đặt và video art. Dù loại hình này đã du nhập vào Việt Nam 30 năm qua nhưng nhiều tác phẩm lại vẫn dừng ở mức thể nghiệm. Những sai lầm trong sáng tác như trình bày theo kiểu minh họa, thiếu chắt lọc, không truyền tải được ý niệm nghệ thuật hay không chỉn chu trong việc lựa chọn chất liệu, tạo ra một tổng thể kém chất lượng, dễ dãi về hình thức [H3-4].
Có lẽ, các kỳ triển lãm mỹ thuật quy mô quốc gia trong thời gian tới cần đặt ra tiêu chí cao hơn nữa trong việc lựa chọn các tác phẩm trưng bày để nâng cao chất lượng tổng thể của triển lãm. Sự thay đổi trong phương thức xét duyệt là cần thiết, đã đến lúc để các curator độc lập tham gia và phát huy vai trò của mình, giống như cách các triển lãm quốc tế thường kỳ trên thế giới đã làm.

Sự bất hợp lý trong hình thức trưng bày triển lãm
Một tác phẩm nghệ thuật dù có đòi hỏi không gian đặc biệt để trưng bày hay không thì việc đặt nó vào đúng chỗ để tôn vinh được giá trị nghệ thuật của tác phẩm mà không bị tác động bởi ngoại cảnh là điều cần thiết. Với quy mô của một triển lãm quốc gia, các triển lãm kể trên thường thu hút được lượng tác phẩm tham gia khổng lồ nhưng điều đó làm nảy sinh một vấn đề là không có không gian triển lãm nào có đủ điều kiện để đáp ứng được nhu cầu trưng bày. Hầu hết các triển lãm này đều diễn ra ở Hà Nội, nơi thiếu vắng những không gian nghệ thuật rộng lớn. Các nghệ sĩ thường phải chờ 5 năm để gửi tác phẩm tham dự TLMTVN, số lượng tác phẩm để xét duyệt thường lên đến hàng nghìn. Năm 2010, có 836/5000, năm 2015, số tác phẩm có giảm bớt là 409/4076 tác phẩm, tương tự như vậy, năm 2020 có 497/3571 tác phẩm. Những năm gần đây, TLMTVN thường tổ chức tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Hà Nội). Tại đây có khu vực triển lãm trong nhà và không gian ngoài trời để tổ chức sự kiện, thường diễn ra các hoạt động như hội chợ, giới thiệu sản phẩm, biểu diễn ca nhạc và thậm chí là nơi tổ chức đám cưới. Việc các sự kiện diễn ra cùng một lúc thường xuyên xảy ra, hơn nữa, không gian trong nhà hoàn toàn không phù hợp với triển lãm nghệ thuật. Đặc biệt là hệ thống chiếu sáng trên trần khi phản chiếu xuống sàn gạch bóng ở dưới sẽ tạo ra vô vàn những vệt sáng in lên mặt kính của khung tranh, ảnh hưởng đến việc chiêm ngưỡng tác phẩm [H5]. Sự chật hẹp đối nghịch với số lượng lớn tác phẩm, khiến cho các bức tường không còn đủ chỗ để treo tranh. Sự bức bối về không gian đặc biệt gây ảnh hưởng tới các tác phẩm sắp đặt, video art vốn có những yêu cầu khắt khe hơn về mặt trưng bày. Nhiều trường hợp tác phẩm sắp đặt không có không gian phù hợp hoặc phải tranh chấp không gian với tác phẩm khác, tạo ra những trải nghiệm thị giác không toàn vẹn. Khu vực dành cho video art được ngăn cách bởi các tấm vải đen chắn sáng nhưng không có cách âm [H6-7]. Đó là một thực trạng cần phải thay đổi để nâng cao chất lượng của các cuộc triển lãm này.

Một tác phẩm video art được trưng bày trong Triển lãm mỹ thuật năm 2020. Nguồn: Tác giả

 

NGUYỄN TRƯỜNG AN – Một sáng Chủ nhật. Sơn mài. 80x135cm. Festival mỹ thuật trẻ năm 2017 Nguồn: Vựng tập triển lãm

Những tranh cãi về quá trình tổ chức
Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2020 đã xuất hiện những vấn đề về quy trình tổ chức. Nhiều tác phẩm bị hư hại trong quá trình vận chuyển, hay thậm chí bị thất lạc. Nguyên nhân đưa ra là số lượng tác phẩm quá lớn, thời gian chuẩn bị gấp rút và đội ngũ vận chuyển, treo tranh không phải là những người chuyên nghiệp. Những tranh cãi còn xảy ra khi liên tiếp có những trường hợp tranh sao chép được trưng bày, thậm chí được trao giải thưởng, chỉ đến khi có khán giả phát hiện ra thì các tác phẩm này mới được hạ xuống. Có thể thấy, việc lựa chọn tác phẩm qua hàng nghìn bức ảnh khiến cho những sai sót là không thể tránh khỏi, thực sự là bài toán khó cho Hội đồng nghệ thuật và nhà tổ chức.
Những vấn đề này cần phải được giải quyết để nâng tầm uy tín của các triển lãm và giải thưởng quốc gia. Trong những năm gần đây, các triển lãm dường như không được khán giả đón nhận như trước. Nhiều kỳ triển lãm không còn quá nhiều nghệ sĩ có tên tuổi tham gia, đặc biệt là những họa sĩ trẻ đã thành danh và khẳng định mình trong thị trường nghệ thuật. Mặc dù họ vẫn thường xuyên có mặt tại các triển lãm tại phòng trưng bày tư nhân và sự kiện quốc tế nhưng lại thiếu sự quan tâm đối tới triển lãm quy mô quốc gia. Một trong những mục đích được đưa ra tại thông báo của Triển lãm MTTQ năm 2020 là “tổng kết đánh giá những thành tựu sáng tác, thực trạng lực lượng, xu hướng sáng tác, năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ sáng tác mỹ thuật hiện nay” [1] và “Qua Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam, Nhà nước và xã hội có cái nhìn toàn diện về nền mỹ thuật Việt Nam” [1]. Những tiêu chí này đã được phản ánh đầy đủ trong các cuộc triển lãm này hay chưa? Nếu như những triển lãm vừa qua chính là thực trạng của nền mỹ thuật Việt Nam thì chắc chắn sẽ không làm người yêu nghệ thuật hài lòng. Một trong những điều đáng tiếc nhất của các cuộc triển lãm quốc gia là không có sự thay đổi rõ rệt thể hiện qua các tác phẩm. Nhiều năm trôi qua, khán giả vẫn thấy những chủ đề quen thuộc, cách thể hiện không mới lạ, những hạn chế cả về nội dung và hình thức vẫn còn đó. Trong khi thị trường nghệ thuật bên ngoài vẫn vô cùng sôi động, các nghệ sĩ không ngừng tìm tòi, khám phá với rất nhiều tác phẩm chất lượng. Như vậy, nếu chỉ nhìn vào những kỳ triển lãm này, không thể hình dung về sự phát triển của MTVN.

Kết luận
Từ những triển lãm mỹ thuật quy mô quốc gia đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam đã chứng tỏ sự quan tâm của nhà nước đối với hoạt động nghệ thuật, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ được trưng bày tác phẩm và được công chúng biết đến. Trước giai đoạn mở cửa năm 1986, khi mà các nghệ sĩ chưa thể được tự do trưng bày tác phẩm, TLMTVN thật sự là sự kiện quan trọng và danh giá. Trải qua những biến động trong đời sống nghệ thuật, các triển lãm này đáng lẽ cần phải vận động theo. Tuy nhiên, cách tổ chức vẫn được duy trì bất biến, mặc cho những sự bất hợp lý xuất hiện ngày càng nhiều. Điều này còn làm nảy sinh những tranh cãi như có nên duy trì những triển lãm này hay không? Hay giải thưởng đặt ra có thực sự quan trọng với hình thức triển lãm kiểu phong trào này? Trong thế giới nghệ thuật muôn màu, việc đặt các nghệ sĩ lên bàn cân thông qua một vài giải thưởng hay đặt ra một tiêu chuẩn về nghệ thuật thông qua các kỳ triển lãm quốc là có phần phiến diện? Trên thế giới, có những cách khác nhau để xếp hạng nghệ sĩ, mỗi giải thưởng sẽ do một cơ quan, đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm với những tiêu chí riêng. Nghệ sĩ có thể được đánh giá dựa trên chất lượng tác phẩm, cũng có thể là tiêu chí của thị trường nghệ thuật. Trong nước, những năm gần đây đã vắng bóng những giải thưởng tư nhân trước đây từng làm mưa làm gió như giải thưởng Philip Morris dành cho mỹ thuật Việt Nam, ASEAN nhưng đã xuất hiện các giải thưởng của các tổ chức và không gian nghệ thuật như The Factory hay Hanoi Grapevine, mới gần đây là giải thưởng “Painting of the year” do Ngân hàng UOB lần đầu tiên khởi động tại Việt Nam. Mặc dù ở quy mô nhỏ nhưng những giải thưởng này thể hiện cái nhìn khá cập nhật về những xu hướng mới trong nghệ thuật Việt Nam. Vì vậy, các triển lãm mỹ thuật quy mô quốc gia tại Việt Nam cần có sự thay đổi về phương thức tổ chức để phù hợp hơn với thực trạng phát triển của nền mỹ thuật nước nhà hiện nay.

Trần Hoàng Ngân 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Đức Hòa (2012), “Triển lãm mỹ thuật toàn quốc Việt Nam – Tư liệu và bình luận”, Tạp chí Nghiên cứu mỹ thuật số 4, tháng 12 năm 2010.
2. Trần Thị Hoàng Ngân (2019), “Biểu hiện của chủ nghĩa Hậu hiện đại qua các tác phẩm tại Festival Mỹ thuật trẻ từ 2007 đến 2017”, Đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (2020), “Thông báo số 1 về Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020”, https://tapchimythuat.vn/hoat-dong-hoi-my-thuat-viet-nam/thong-bao-so-1-ve-viec-trien-lam-my-thuat-viet-nam-2020.

(*) Bài viết đăng trên Tạp chí Mỹ thuật số 367-368, tháng 7-8 năm 2023.

Tin cùng chuyên mục

Vẻ đẹp nội Tâm trong hội hoạ Văn Chiến

Đường “link” dẫn dắt đến với hội hoạ trải qua 40 năm, mang đến cho hoạ sĩ một trái tim đầy rung cảm với nhiều trạng thái của cảm xúc mà tạo nên cú hích trong nghệ thuật mang sắc thái...

Dám – Trong “Khoảng lặng II” của họa sĩ Dũng trống

Những bức tranh này hay quá, cả nội dung và màu, xem rất thích. Vị khách ngắm tranh thốt lên khi gặp các tác phẩm mới của hoạ sĩ Dũng Trống, thành quả anh vẽ gần hai năm nay, anh âm thầm sáng tác...

Mạn đàm về sáng tác mỹ thuật đề tài “Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng”, đánh giá và giải pháp

Có thể khẳng định rằng tranh – tượng về đề tài Lực lượng vũ trang & Chiến tranh Cách mạng (LLVT & CTCM) đã hiện diện trong đời sống và lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam trước...

Mỹ thuật ứng dụng: Tiềm năng lớn để phát triển ngành công nghiệp văn hóa

Mỹ thuật ứng dụng là một lĩnh vực rộng, đã và đang chạm vào mọi mặt của đời sống xã hội. Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, việc phát triển mỹ thuật ứng dụng, với các sản phẩm, thiết...

Vẻ đẹp ký ức qua “Thiên đường hoàn hảo” của họa sĩ Lưu Tuyền

NDO – Thuộc thế hệ họa sĩ đương đại lứa 8x, sáng tác của họa sĩ Lưu Tuyền chứa đựng trong đó các giá trị văn hóa truyền thống dưới những góc nhìn khác nhau về đời sống xã hội. Anh...

Có thể bạn quan tâm

Bảo quản, phục chế: Khoảng trống của thị trường mỹ thuật Việt Nam

(SGGP) Nhiều tranh của các danh họa Việt ở nước ngoài sau đấu giá trở lại cố hương, nhưng công chúng hiếm có dịp chiêm ngưỡng. Một lý do là chủ sở hữu lo ngại công tác bảo quản, phục chế...

NGHỆ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI VIỆT NAM VẪN LÀ MỘT DẤU HỎI

“Nghệ thuật Đương đại Việt Nam” (Vietnamese Contemporary Art) đã thực sự là khái niệm hiện hữu trên hệ thống truyền thông quốc gia và quốc tế. Nhưng thực tế ở Việt Nam, nghệ thuật đương...

NGƯỜI NẶN TƯỢNG BÁC HỒ

Cách mạng tháng Tám đã mở ra một chân trời xán lạn cho các nghệ sĩ, trong đó có tôi. Con đường nghệ thuật chói chang ánh sáng cách mạng khiến tôi không khỏi xúc động. Tôi đắm mình trong nguồn...

TRÒ CHUYỆN CÙNG HỌA SĨ ĐỖ HỮU HUỀ: KHÓA TÔ NGỌC VÂN VÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN KHÁC

Ở tuổi 85, chú Đỗ Hữu Huề vẫn hồng hào, tươi vui, tinh tường. Chú vẫn thường xuyên vẽ, đọc sách, tham gia triển lãm hoặc đi thăm bạn bè… Để có được bài phỏng vấn này (và giúp xác...

Sôi nổi Hội thi vẽ “Tây Hồ quê hương em”

Hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4), sáng 17/4 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận Tây Hồ, quận Tây Hồ đã tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc quận Tây Hồ năm 2024. Phát...