Ở tuổi 85, chú Đỗ Hữu Huề vẫn hồng hào, tươi vui, tinh tường. Chú vẫn thường xuyên vẽ, đọc sách, tham gia triển lãm hoặc đi thăm bạn bè… Để có được bài phỏng vấn này (và giúp xác định nhiều thông tin về Khóa Tô Ngọc Vân), chú đã hai lần đến trò chuyện trực tiếp với Ban biên tập Tạp chí Mỹ thuật tại tòa soạn. Và lần nào cũng vậy, mặc dù chú phải leo thang bộ lên đến tận tầng 5, nhưng trông chú dường như chẳng mệt chút nào. Thật tuyệt vời!
Quang Việt (QV): Thưa chú Đỗ Hữu Huề, chú có còn nhớ Khóa Tô Ngọc Vân có tất cả bao nhiêu học sinh không ạ?
Đỗ Hữu Huề (ĐHH): Nói về con số thì tôi không nhớ chắc chắn, chỉ nhớ là đông đấy. Vì đây là lực lượng mỹ thuật ta chuẩn bị cho ngày thống nhất đất nước sau tổng tuyển cử, dự kiến sẽ sớm diễn ra ngay trong thời gian đó theo Hiệp định Genève 1954. Khi ấy, Trường Mỹ thuật vẫn còn trực thuộc Bộ Tuyên truyền (sau Bộ Tuyên truyền mới đổi thành Bộ Văn hóa).
À này, khi Khóa Tô Ngọc Vân học được chừng một năm, Nhà trường còn mở thêm một “Khóa Tô Ngọc Vân” nữa (tức Khóa Trung cấp 2 năm 1956-1958/ QV), nhưng về sau hình như ít ai để ý. Khóa này có Sơn Minh, Diệu Tần, Bùi Tấn Hưng, vân vân.
QV: Thế thời gian nhập học và thời gian kết thúc khóa học của Khóa Tô Ngọc Vân chú có còn nhớ hay không?
ĐHH: Cái này tôi cũng không nhớ chính xác. Nhưng tôi vẫn còn giữ được bản chép tay của tôi ghi lại bài phát biểu đầu tiên của ông Tố Hữu trong ngày khai giảng (1955). Tôi vẫn còn nhớ ngày ấy ông Tố Hữu hay gọi “các ngài”…
Tiếp theo bài phát biểu của Tố Hữu thì có đáp từ của Nguyễn Huy Tưởng, Trần Văn Cẩn…
Sau chúng tôi đã có mấy buổi sinh hoạt, thảo luận về bài phát biểu ấy của ông Tố Hữu.
QV: Nội dung của bài phát biểu ấy như thế nào, thưa chú?
ĐHH: Đại ý rằng, Nhà trường phải là một pháo đài của Chủ nghĩa xã hội.
Ở đây, cần nói thêm như thế này: Khóa Tô Ngọc Vân là một tập hợp của các anh em yêu nghề, theo nghề đến cùng. Rất nhiều anh chị em trong đó đã trở thành những “cốt cán” của nền mỹ thuật Việt Nam sau Khóa Đông Dương và Khóa Kháng chiến. Chỉ có khoảng mươi mười lăm phần trăm “rơi rụng”.
QV: Để vào học Khóa Tô Ngọc Vân, các chú có phải thi không?
ĐHH: Thi chứ! Số người dự thi đến hàng mấy trăm. Trượt nhiều. Sau thi vào Cao đẳng còn trượt nhiều nữa.Thi văn, hình họa, trang trí…
Tôi đỗ nhưng không được học bổng. Học bổng chỉ có độ 4-5 người không được. Hình như có chủ trương ưu tiên những học sinh đã đi làm hoặc ở trong diện “cơ bản”. Ngày ấy học chính trị khá nhiều. Riêng Phùng Dzi Thuần chỉ học có một thời gian rồi bỏ, đi làm sơn mài.
QV: Vì sao chú lại thi vào Khóa Tô Ngọc Vân?
ĐHH: Tôi theo Khóa Tô Ngọc Vân vì trước đó đã từng học Trường Quốc gia Mỹ nghệ ở Hà Nội. Học được gần 3 năm, khoảng từ 1950 đến 1953, chưa có bằng.
Đang học, vì sợ tôi phải đi lính (lính ngụy), nên bố tôi đã xin cho tôi một chân đánh máy ở Sở quân nhu Pháp, ở trong thành, gần Cột cờ.
Bố tôi làm công chức cho “ngụy”, là “kế toán sổ cái” ở Dinh Thủ hiến Bắc Việt. Gia đình tôi không thuộc thành phần cơ bản, cách mạng.
Sau 1954, bố tôi mất việc. Khổ! Các cậu các chú tôi phải đi “buôn thồ” (đi buôn bằng xe đạp) lên tận Đồng Mỏ, Lạng Sơn. Tôi cũng phải đi. Khi đi thì mang theo đường kính, bóng đèn, giày dép, khi về thì đem măng khô đổ cho chợ Đồng Xuân…
Tôi nghe thấy thông báo tuyển sinh mỹ thuật (Khóa Tô Ngọc Vân) khi tôi đang ở Đồng Mỏ. Thích lắm! Có điều…
QV: Điều gì cơ hả chú?
ĐHH: Về đến Hà Nội tôi nộp đơn bị chậm. Lúc ấy văn phòng của Trường Mỹ thuật nằm trên phố Hai Bà Trưng (địa điểm Trường Nghệ thuật Hà Nội bây giờ). Ở đấy có ông tên là Thông nhận đơn. Ông Thông đi vào bên trong xin ý kiến thì người ở trong bảo “cứ nhận”. Sau tôi mới được biết người ấy chính là cụ Trần Văn Cẩn.
Thực tình, tôi cũng không nghĩ mình đi học được, vì ai kiếm cơm cho mình ăn. May mà bố tôi được xếp vào “công chức lưu dung”, lương cao gấp trăm lần cán bộ cùng nghề đi kháng chiến về.
Khi nhận được phiếu dự thi tôi rất phấn khởi, mặc dù vẫn cảm thấy mình khó đỗ! Thế rồi tôi cũng đỗ thật.
QV: Ở Khóa Tô Ngọc Vân các chú đã học tập như thế nào?
ĐHH: Học vui lắm! Tinh thần tự giác rất cao. Học xen kẽ với đi thực tập, thực tế. Nghiêm túc, kỷ luật như “quân quản”. Lớp trưởng ngày ấy được gọi là “hiệu đoàn trưởng”…
Ngoài học, còn hoạt động văn nghệ. Ai có năng khiếu nhạc thì sáng tác nhạc, có năng khiếu sân khấu thì sáng tác sân khấu. Tôi lại nhảy đầm giỏi, nhảy với thầy Lương Xuân Nhị đi cặp rất ăn ý, người khác thì giẫm vào chân thầy. Về nhảy đầm thầy Nhị là nhất, thầy Nguyễn Tiến Chung, thầy Phạm Gia Giang nhảy cũng đẹp. Các thầy khác thì không biết nhảy…
QV: Trong bài thi tốt nghiệp Khóa Tô Ngọc Vân của chú, chú vẽ gì?
ĐHH: Học hết Khóa Tô Ngọc Vân thì thi tốt nghiệp. Tôi thuộc nhóm làm bài thi ở chùa Thầy, Sài Sơn, vẽ đề tài nông thôn. Còn một nhóm đi Bắc Sơn để vẽ đề tài kháng chiến.
Các bài thi đều được vẽ bằng chất liệu nhẹ. Bài tốt nghiệp của tôi vẽ “Hội chùa Thầy”, thuốc nước trên giấy, khổ cỡ bằng cái màn hình máy vi tính, khoảng 40x60cm.
QV: “Đơn giản” thế thôi ạ?
ĐHH: Ừ, thì chỉ để lấy bằng Trung cấp 2 năm thôi mà.
Trong đợt đi ấy ở Sài Sơn, thầy Lưu Văn Sìn có vẽ một tranh “cảnh nông thôn”, vẽ trực tiếp bằng sơn dầu, đặt giá vẽ tại chỗ, theo phương pháp như của Inguimberty. Tôi cùng một cậu nữa đi theo “điếu đóm” cho thầy. Thầy Bùi Xuân Phái thì vẽ chân dung Giáng Hương, sơn dầu, có cái hỏng còn xóa đi hết. Thầy Nguyễn Tiến Chung thì hay lấy ký họa chì, trên những tờ giấy rất bé.
Ngoài mấy thầy tôi vừa kể, dạy Khóa Tô Ngọc Vân còn có các thầy Trần Văn Cẩn, Trần Đình Thọ, Tạ Thúc Bình (dạy trang trí), Sỹ Ngọc (lúc đầu dạy hình họa), Văn Bình, Nguyễn Văn Tỵ, Hoàng Tích Chù, Hoàng Lập Ngôn, hình như có cả Ngô Tôn Đệ… Cụ Phan Chánh cũng có dạy ở Trường nhưng là dạy lụa “đại học” về sau.
Theo truyền thống có từ thời Mỹ thuật Đông Dương, các thầy đã luyện cho chúng tôi rất kỹ về lấy ký họa. Và có thể nói, ở Khóa Tô Ngọc Vân, ký họa chính là “chủ bài”.
Tôi vẫn còn nhớ các thầy rất giỏi trong nghệ thuật vẽ bằng bút lông (loại bút tròn như bút để viết chữ nho). Thầy Sỹ Ngọc, thầy Trần Đình Thọ có những tranh thuốc nước rất đẹp. Đặc biệt, thầy Nguyễn Tiến Chung vẽ mực, vẽ màu nước trên giấy dó, giấy xuyến chỉ, màu và mực tỏa êm đẹp vô cùng…
Nhìn chung, học sinh có rất nhiều khả năng, nhất là có thể học cao lên. Vì không đánh giá riêng được nên Nhà trường mới có chủ trương đào tạo theo lối Trường Mỹ thuật Đông Dương. Đến khi có hệ Cao đẳng, xu hướng “sùng bái” Liên Xô tăng lên. Các giáo viên còn phải xem các chuyên gia Liên Xô vẽ thị phạm, chẳng hạn như xem ông Kuznetsov vẽ thế nào! Nghe nói ông Kuznetsov chê Bùi Xuân Phái “kém về hình”.
Trường Suricov còn gửi các bài học sang để ta tham khảo, hàng trăm bản (nguyên bản hoặc ảnh chụp).
Ghi-vi (người Gruzia/Georgia) thì làm chuyên gia về điêu khắc, rất trẻ, dạy Nguyễn Hải, Lê Công Thành. Anh này mê cô Bích Châu (diễn viên kịch nói), đổ tượng hai bàn tay Bích Châu, lãng mạn lắm… Năm 1984, tôi cùng Trịnh Dân đi giao lưu văn hóa với Hội Mỹ thuật Liên Xô, có về thăm quê Ghi-vi ở vùng dân tộc thiểu số, được ăn thịt nướng kiểu dân dã truyền thống, uống rượu “quốc lủi” tự chế, và tôi có vẽ Ghi-vi một bức chân dung. Vì lúc ấy không tìm được người phiên dịch biết tiếng Việt, chúng tôi đã phải nhờ một cô phiên dịch tiếng Pháp.
QV: Năm 1958, Khóa Tô Ngọc Vân có bao nhiêu người vào học Cao đẳng khóa đầu tiên, thưa chú?
ĐHH: Chỉ có 12 người vào Cao đẳng I. Như đã nói ở trên, cũng phải thi cả. Tôi đỗ thứ 6/12. Bài thi của tôi vẽ trang trí một lọ gốm, có hình mấy cô người thiểu số xoay quanh lọ. Nhìn bài của tôi, thầy Sỹ Ngọc bảo: “Thôi được rồi đấy”.
Cao đẳng I chia đều thành 4 nhóm theo 4 chuyên ngành, mỗi nhóm 3 người. Điêu khắc có Nguyễn Thiện, Phạm Mười, Lê Công Thành. Sơn dầu có Phạm Công Thành, Đặng Quý Khoa, Nguyễn Thế Hùng. Sơn mài có Đỗ Hữu Huề, Ngọc Thọ, Trọng Cát. Lụa- khắc gỗ có Nguyễn Thụ, Giáng Hương, Lê Thiệp.
Trung cấp thì có rất nhiều khóa (2 năm, 3 năm). Sau học Liên Xô lại có thêm “sơ-trung” 5 năm, rồi “sơ-trung” 7 năm.
Năm 1960, chúng tôi đi thực tập ở Nhà máy Cơ khí Cẩm Phả, nơi Phạm Phi Châu đang công tác. Ở đấy, tôi có vẽ tranh “Thợ già hướng dẫn thợ trẻ”, sơn dầu, trong có tả ánh lửa hàn lóe lên màu tím biếc, bị anh Quang Thọ chê là “theo đuôi Ấn tượng”, hình thức chủ nghĩa, không chịu xuất phát từ nội dung tư tưởng. Bức tranh này sau lưu trong kho Nhà trường, hình như mất rồi. Cũng vào những kỳ thực tập như vậy, Huy Oánh, học Cao đẳng khóa II, vẽ “Công nhân lò đọc báo”, “Thợ mỏ tắm”- đều là những tranh tốt.
QV: Vì sao chú học chuyên về sơn mài mà lại hay thấy chú vẽ bằng các chất liệu khác như sơn dầu, khắc gỗ?
ĐHH: Thầy Trần Đình Thọ đánh giá cao bài tốt nghiệp bằng sơn mài của tôi – tranh “Dân quân hợp tác xã Đại Phong đi khai hoang”. Tranh này tôi làm hai bản, một bản nộp cho Trường, còn bản chính hiện tôi vẫn đang giữ. Hì hì… Có thể vì chiến tranh, phải đi sơ tán liên miên, nên tôi không làm nhiều bằng sơn mài được.
Tôi được giữ lại Trường làm giảng viên cũng là do Nhà trường đánh giá tốt về khả năng sơn mài. Ngọc Thọ, Thanh Ngọc thì sang dạy ở Trường Mỹ thuật Công nghiệp, Đặng Quý Khoa thì sang Trường Kiến trúc…
Tôi dạy sơn mài rất nhiều khóa, có dạy cả hình họa khỏa thân (académie) đen trắng, bột màu.
QV: Nhiều người vẫn luôn luôn nhắc tới chú là tác giả của bức tranh sơn dầu “Bác Hồ thăm lớp vỡ lòng”…
ĐHH: Tranh “Bác Hồ thăm lớp vỡ lòng” tôi bắt đầu vẽ từ đầu năm 1975. Thiếu màu, gặp ông Mai Văn Hiến, ông Hiến bảo “đến Hiến, Hiến cho”. Cùng lúc đó, tôi vẽ tranh cổ động: “Tuổi xanh nhịp bước theo chân Bác/ Xây dựng non sông rộn tiếng ca”, đạt giải A, tranh được in và phát hành rộng rãi. Thoạt đầu tôi vẽ tranh này “cho miền Bắc xã hội chủ nghĩa”, sau giải phóng thì tranh mới được phổ biến trên cả ba miền Bắc Trung Nam.
Tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 1976, tranh “Bác Hồ thăm lớp vỡ lòng” của tôi đạt giải C (giải ba). Bảo tàng mua ngay tại triển lãm, 7 hay 8 trăm đồng. Năm ấy tranh “Tan ca” của Nguyễn Đỗ Cung giành giải nhất.
QV: Chú từng dạy ở Trường Mỹ thuật Hà Nội rất lâu năm, cảm tưởng của chú về Trường hiện nay thế nào?
ĐHH: Trường Mỹ thuật Hà Nội về hình thức có vẻ phát triển, nhưng thực chất thì có vẻ đi xuống, tiêu điều. Người lãnh đạo hiện nay không được tín nhiệm. Nếu góp ý thẳng thì “phũ phàng” quá.
Tóm lại: Thoái trào!
Trong khi ấy, các chuyên ngành của Trường vẫn có những giảng viên trẻ tài năng, nhưng chưa phát huy được. Thời của Nguyễn Lương Tiểu Bạch, Lê Anh Vân còn khá. Bây giờ Trường bị nhiều người than phiền.
QV: Cuối cùng, đối với cá nhân chú, việc chuyển từ Trường Quốc gia Mỹ nghệ sang học Trường Mỹ thuật Việt Nam Khóa Tô Ngọc Vân có thể coi là một bước ngoặt trong đời hay không?
ĐHH: Trường Quốc gia Mỹ nghệ đào tạo nghệ nhân, Trường Mỹ thuật Việt Nam Khóa Tô Ngọc Vân thì đào tạo nghệ sĩ – đều là đào tạo ra những người có tay nghề. Đây là một sự thật. Nhưng, có thể nói, phải từ Khóa Tô Ngọc Vân, những người học như tôi mới có được kiến thức, kỹ năng tổng hợp, mới có được cái gọi là “tổng giác” của người làm nghệ thuật. Nguyễn Sáng hay Nguyễn Tư Nghiêm “bốc lên”, bôi màu, vẽ nét điêu luyện chính là bởi mấy cái đó!
QV: Câu chuyện của chú rất xác thực và thú vị. Thay mặt bạn đọc Tạp chí Mỹ thuật, cháu xin được chúc chú luôn luôn dồi dào niềm vui và cảm hứng trong cuộc sống cũng như trong sáng tác. Cảm ơn chú Đỗ Hữu Huề rất nhiều.
Hà Nội ngày 4.10.2020
Quang Việt