Đá nhân tạo Biên Hòa

 

Năm 1933, ông Robert Balick, hiệu trưởng trường Mỹ nghệ Biên Hòa thành lập một tổ chức gọi là La Société coopérative artisanale des potiers et fondeurs de Bienhoa (Hợp tác xã Mỹ nghệ thủ công của thợ gốm và thợ đúc đồng Biên Hòa) gọi tắt là Hợp tác xã Mỹ nghệ Biên Hòa. Mục đích là tập hợp các cựu học sinh của trường để làm công ăn lương. HTX Mỹ nghệ Biên Hòa hoạt động trên ba lĩnh vực: Đúc đồng, Gốm và Đá – đá Angkor phục chế. Theo yêu cầu của đa số người yêu thích sản phẩm Angkor (Campuchia), các nghệ nhân của HTX đã sử dụng chất liệu giống như bản gốc để thực hiện mẫu mã nghệ thuật tượng Campuchia – Khmer.
Ông Huỳnh Văn Thọ kể rằng vào những năm 1930, ông cùng các ông Trương Văn Chỉ, Nguyễn Văn Yến là thợ HTX Mỹ nghệ Biên Hòa được cử đi Singapore trang trí cho chi nhánh Ngân hàng Đông Dương, các ông học được nghề giả đá khi về truyền lại cho anh em thợ, hơn nữa theo yêu cầu của đa số những người yêu thích sản phẩm Angkor, đã thúc đẩy ông Balick đưa môn đúc đá nhân tạo (gọi tắt là đá) vào chương trình giảng dạy của trường Mỹ nghệ Biên Hòa.

Tháng 2 năm 1935, HTX Mỹ nghệ và giáo viên trường Mỹ nghệ Biên Hòa gồm 30 người đi tham quan Angkor (Đế Thiên Đế Thích) để nghiên cứu chất liệu đá cùng các đền đài, các mô hình tốt nhất của nghệ thuật làm tượng Khmer. Những dãi trang trí, đường diềm các cột của Angkor Vat, các phù điêu, pho tượng của đền Bayon với lớp phủ hoành tráng trang trí cho nội thất. Hình tượng voi, sư tử ngồi xổm dùng cho trang trí ngoại thất sân vườn, bậc thềm. HTX Mỹ nghệ đã pha chế chất liệu đá giống như chất liệu bản gốc để thực hiện mẫu mã nghệ thuật tượng Campuchia – Khmer.
Công thức pha chế đá nhân tạo như sau:
. Màu xám:
Xi – măng rây nhuyễn 33%
Bột đá xanh rây nhuyễn 66%
Bột đá ong hay chu đỏ 1%.
. Màu hồng:
Xi – măng rây nhuyễn 32.5%
Bột đá xanh rây nhuyễn 65%
Bột đá ong hay chu đỏ 2.5%.

Tượng Đức Phật Thích Ca (cao 4m50) đặt tại Chùa Xá Lợi (Tp. HCM), ảnh chụp bởi Thomas W. Johnson khoảng năm 1960. Ảnh này chụp trước năm 1969, trước khi pho tượng được thếp lại toàn thân bằng vàng như hình dáng ngày nay.

Tuy nhiên, tỷ lệ bột đá hay chu đỏ có thể thêm bớt tùy theo phẩm chất của màu.
Ba thành phần trên pha trộn thành đá nhân tạo. Dùng khuôn đúc ra sản phẩm đá, làm nguội bằng cách “băm” là hoàn tất sản phẩm.
Theo trí nhớ của một số nghệ nhân mỹ nghệ hiện còn sống, thì số nghệ nhân làm bên ban Đá – đá Angkor phụ chế của HTX Mỹ nghệ Biên Hòa không nhiều, chuyên môn giỏi và có thời gian dài làm có thể kể đến các vị sau: Nguyễn Văn Hải (quê quán Bửu Hòa), Nguyễn Văn Yến (Bến Gỗ), Trần Văn Hộ (Bửu Hòa), Võ Đăng Khoa (Chợ Lớn), Đặng Văn Tứng (Sông Bé),…

Tác phẩm đá nhân tạo của trường Mỹ nghệ Biên Hòa hiện còn tồn tại không nhiều. Một số ít tác phẩm hiện còn được lưu giữ có thể cho ta biết đôi nét về tài năng của những người nghệ nhân xưa trong việc làm chủ một chất liệu. Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu: Tại phòng Bảo tàng của trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai hiện nay còn lưu giữ một tác phẩm của vị hiệu trưởng người Pháp Robert Balick sáng tác năm 1936, tượng mang tên Đức Mẹ bồng chúa Jésus (kích thước 150 x 50cm) được thể hiện bằng chất liệu đá nhân tạo. Đây là một đề tài tôn giáo phổ biến mà các họa sĩ, điêu khắc gia thường thể hiện trên tác phẩm của mình. Bức tượng thể hiện Mẹ Maria với đôi bàn tay giơ cao nâng đỡ Chúa Jésus, người con với đôi tay dang rộng và thân người thẳng như là một sự ẩn dụ của hình ảnh cây thập tự, một sự dâng hiến. Thân hình Mẹ Maria được thể hiện đơn giản, mặc dù được tạc bằng chất liệu đá nhưng những chi tiết như khuôn mặt, bàn tay, tà áo vẫn được thể hiện rất mềm mại và tinh tế. Với một bố cục lạ và sáng tạo, tác phẩm của vị hiệu trưởng đã tạo được ấn tượng và cảm xúc cho người thưởng lãm.

Giáo viên trường Mỹ nghệ Biên Hòa và thợ Hợp tác xã Mỹ nghệ Biên Hòa tham quan Angkor (Đế Thiên Đế Thích) vào tháng 2 năm 1935.

 

Huỳnh Văn Thọ tốt nghiệp trường Mỹ nghệ bản xứ Biên Hòa năm 1924, dạy tạo hình gốmtại trường Mỹ nghệ Biên Hòa từ 1938 đến 1961.

 

Trần Văn Hộ (1913 – 1990), thường gọi là Hai Hộ, ông là một trong những thợ đá nhân tạo tiêu biểu của Hợp tác xã Mỹ nghệ Biên Hòa.

Vào khoảng năm 1957, trường Mỹ nghệ Biên Hòa thực hiện tượng Đức Phật Thích Ca chiều cao 4m50, bằng đá nhân tạo cho Hội Phật học Việt Nam tại Chùa Xá Lợi. Bức tượng này đo điêu khắc gia Lê Văn Mậu sáng tác mẫu vào năm 1954, tượng từng được giới thiệu trên tạp chí Asia. Theo tài liệu Chùa Xá Lợi – truyền thống và đặc điểm văn hóa của Thích Đồng Bổn biên soạn cho biết thêm: “Chùa thờ duy nhất một tượng Phật Thích Ca lớn, trong tư thế ngồi kiết già trên tòa sen. Ban đầu khi xây chùa, pho tượng được giáo sư Trương Đình Ý thực hiện bằng xi măng và thạch cao, tiếc rằng pho tượng khi đúc xong quá lớn không đưa lên chánh điện trên lầu được, nên nhượng lại cho chùa khác (nay là tượng Phật cô đơn ở huyện Bình Chánh). Sau đó, hội Phật học nhờ trường Mỹ Nghệ Biên Hòa đắp tạo pho tượng khác bằng bột đá màu hồng, theo như kích thước của tòa sen trên Phật đài, tượng đúc xong được an vị vào ngày 24 tháng chạp năm Đinh Dậu 1958. Đến năm 1969, pho tượng được thếp lại toàn thân bằng vàng như hình dáng ngày nay. Tượng Phật chùa Xá Lợi là một tác phẩm mỹ thuật, đường nét hài hòa cân đối, mang tính cách một vị Phật Việt Nam, không chịu ảnh hưởng các nền văn hóa khác, là khuôn mẫu tiêu biểu cho nhiều tượng Phật được thực hiện sau này”.

Năm 1967, hiệu trưởng Lê Văn Mậu cùng trường Mỹ nghệ Biên Hòa thực hiện tượng đài bốn mặt với đề tài tượng trưng Tài nguyên và kinh tế Biên Hòa đặt tại Công trường Sông Phố (Tp. Biên Hòa) theo đơn đặt hàng của tòa hành chánh tỉnh Biên Hòa. Tượng đài được thể hiện bằng chất liệu đá nhân tạo với kích thước 1m20 x 4m20. “Tượng cao 4m20 đặt ở bùng binh quảng trường Sông Phố sau lưng dinh tỉnh trưởng Biên Hòa. Ý tưởng nảy sinh, tượng đài thể hiện theo thủ pháp hiện thực cách điệu hóa bằng các đường nét mạnh bạo, chắc, khỏe, dứt khoát: người nông dân trên đồng lúa trĩu bông, người thợ khai thác gỗ trên rừng với đàn khỉ chuyền chót vót ngọn cây, dân chài bủa lưới trên sông, thợ thuyền vóc dáng vạm vỡ bên cỗ máy. Tôi hài lòng với đứa con tinh thần, giới mỹ thuật có lời phẩm bình tốt đẹp. Năm 1970, tòa hành chánh tỉnh Biên Hòa thay đài phun nước Cá hóa long (cũng do tôi sáng tác) vào giữa hồ nước bùng binh thì ông đại tá tỉnh trưởng cho xe cần cẩu chuyển tượng đài Tài nguyên tỉnh Biên Hòa vào đặt ở tư dinh (nay là Nhà văn hóa Thiếu nhi tỉnh Đồng Nai).

Tượng Đức Mẹ bồng chúa Jésus (150 x 50 cm) ông Balick nguyên hiệu trưởng trường Mỹ nghệ Biên Hòa sáng tác năm 1936 hiện nay được lưu giữ tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai.

 

Tượng đài Tài nguyên tỉnh Biên Hòa của nhà điêu khắc Lê Văn Mậu đặt tại Công trường Sông Phố (Tp. Biên Hòa), ảnh chụp bởi Rickn năm 1967.

 

LÊ VĂN MẬU – Trưng Vương khải hoàn 1954. Đá nhân tạo 1m40 x 2m20. Tòa hành chánh Biên Hòa
LÊ VĂN MẬU – Bóng xế tà. 1964. Đá nhân tạo. 54x43cm Hiện trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Tp. HCM

 

Bài của học sinh Ph. Đ. Thành lớp 5B trường Kỹ thuật Biên Hòa (tiền thân là trường Mỹ nghệ Biên Hòa), năm 1964, đá nhân tạo.

Sau 1975, nhân danh chống văn hóa nô dịch cũ, một cán bộ của Ty văn hóa Biên Hòa, xách búa đập phá tượng đài Tài nguyên tỉnh Biên Hòa. Người đời đau một, tác phẩm nghệ thuật bị hủy hoại, tôi đau gấp đôi. Tôi rất mừng nếu ngành mỹ thuật đầu tư sửa chữa tượng đài này.” (Trích hồi ký của Lê Văn Mậu).

Một tác phẩm khác của Lê Văn Mậu từng được đặt ở tiền sảnh của Tòa Hành chánh Biên Hòa (còn gọi là Tòa Bố, nay là trụ sở UBND tỉnh Đồng Nai), đó là phù điêu Trưng Vương khải hoàn được thể hiện bằng chất liệu đá nhân tạo, với kích thước 1m40 x 2m20, đạt giải nhất trong cuộc thi điêu khắc ở tỉnh Biên Hòa năm 1954. Những năm 1990, Tòa Hành chánh Biên Hòa bị đập bỏ để xây dựng trụ sở UBND Đồng Nai, bức phù điêu được mang về lưu giữ tại Bảo tàng Đồng Nai.

Ngôi nhà của chú Hỏa năm nào nay là Bảo tàng Mỹ thuật Tp. HCM, một bức tượng bằng chất liệu đá nhân tạo hiếm hoi được trưng bày, với tên gọi Bóng xế tà. Tượng thể hiện chân dung bán thân của người phụ nữ ở độ tuổi thất tuần. Ở độ tuổi đó tuy lưng đã còng, không còn tinh anh nhưng người xem vẫn nhận thấy được ở đó một cái nhìn nghiêm nghị, quyền uy nhưng cũng không thiếu sự dịu dàng, trìu mến. Có lẽ đây là người phụ nữ thuộc từng lớp trên trong xã hội, và có ai đó nói rằng chân người phụ nữ trong tác phẩm này, tác giả đã tạc chân dung chính bà ngoại ông. Được sáng tác vào năm 1964, Bóng xế tà là một tác phẩm nổi tiếng của nhà điêu khắc Lê Văn Mậu, từng tham dự triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1976.

                                                                                                 

Các sản phẩm đá nhân tạo Biên Hòa nằm trong cuốn album mẫu sản phẩm của La Société coopérative artisanale des potiers et fondeurs de Bienhoa (Hợp tác xã Mỹ nghệ thủ công của thợ gốm và thợ đúc đồng Biên Hòa) năm 1938.

Ngoài ra, trong tài liệu phổ biến trong giờ Sinh hoạt hiệu đoàn của trường Mỹ nghệ Biên Hòa vào những năm 1968 – 1969, có giới thiệu các tác phẩm của điêu khắc gia Lê Văn Mậu cùng sự tham gia thực hiện của thầy và thợ HTX Mỹ nghệ Biên Hòa. Các tác phẩm này đều được thể hiện bằng chất liệu đá nhân tạo, có thể kể đến là: Ba bức tranh phù điêu tượng trưng Hiến pháp chế độ Sài Gòn, công bằng xã hội và tình Quân, Cán, Chính cho mặt tiền trụ sở Quốc hội cao 1m80 (năm 1959); Hai bức tranh phù điêu tượng trưng Công kỹ nghệ và Khoa học cho trường Kỹ sư Phú Thọ (năm 1960); Một bức tranh phù điêu tượng trưng kiều lộ cho Bộ Công Chánh và Giao thông; Một bức tranh phù điêu tượng trưng văn nghệ cho hội trường Bộ Nội Vụ.

Nhiều tác phẩm của trường Mỹ nghệ Biên Hòa đã được thể hiện bằng chất liệu đá nhân tạo, từng được trưng bày trang trí cho nhiều ngôi nhà công sở cũng như tư dinh. Mặc dù được xem như là một chất liệu bền vững dùng để thể hiện tác phẩm, nhưng qua thời gian và nhiều lý do khác nhau, nhiều tác phẩm đã không còn. Chính chất liệu này đến này cũng ít được nhắc tới, đôi khi có một số người đã không biết nó đã từng tồn tại. Bài viết nhỏ này, như là giữ lại đôi nét về một chất liệu mà thầy và trò trường Mỹ nghệ Biên Hòa đã dùng làm để thể hiện các tác phẩm, và đó là sáng tạo của tiền nhân, mà có thể một ngày nào đó đá nhân tạo chỉ còn được nhắc đến như một cái tên xa lạ.

Nguyễn Minh Anh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Hoa văn kể chuyện năm Rồng

Con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của dân tộc Việt Nam. Hình tượng rồng Việt vì thế hiện diện đa dạng trong mọi mặt đời sống xã hội từ...

Sự ra đời của hình ảnh rồng – tiên trong mỹ thuật

Việt Nam là một đất nước có thể tự hào với truyền thống văn hóa đặc sắc. Trong những truyền thuyết của người Việt chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, chuyện Cha Rồng Mẹ Tiên lý giải sự hình...

Gia đình và Bốn mùa

Trong nền văn học – nghệ thuật cổ điển của chúng ta xưa, các tác giả và người thưởng thức luôn có một quan điểm chung là: “Thi trung hữu họa, họa trung hữu thi” (trong thơ có họa, có...

Tranh cổ động một thời

Những họa sĩ tiền bối như Vũ Văn Thu, Nguyễn Hiếu, Nguyễn Hữu, Huỳnh Công Nhãn (Huỳnh Phương Đông), Nguyễn Thuận, Phan Thư, Linh Chi, Trịnh Kim Vinh, Văn Hoè, Đình Khang, Thang Trần Phềnh, Võ thành...

Tranh Tết những ngày độc lập

Cứ mỗi lần Tết đến, lại thấy những bức tranh có những màu sắc thô mộc, vui tươi, chân thật và biểu dương được cả một tinh thần dân tộc. Những tranh tết đó có từ lâu rồi, và cứ hàng...

Có thể bạn quan tâm

CẢM LUẬN VỀ TRANH SƠN DẦU NGỌC THỌ

  Tháng 3 năm 2021, tại phòng trưng bày mới nâng cấp của Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội, đã diễn ra cuộc triển lãm giới thiệu 25 bức tranh sơn dầu của họa sĩ Ngọc Thọ. Đây...

GIÁO SƯ PHẠM CÔNG THÀNH – MỘT NGƯỜI THẦY, MỘT HỌA SĨ HIỆN THỰC

  Hà Nội đẹp nhất từ khoảng giữa tháng 11 đến giữa tháng 12… Khi nắng vàng rót mật trên hàng cây, trên các con đường; lá chuyển vàng rơi đầy ngõ nhỏ; gió heo may xao xác thổi về; không...

Bức tranh "tái sinh" của Nguyễn Tư Nghiêm

    Rất khó, nếu không muốn nói-là không có một họa sĩ bậc thầy nào lại không có một kỹ thuật riêng nào đó, bởi vì kỹ thuật là yếu tố hàng đầu tạo nên phong cách. Kỹ thuật đã...

VĂN GIAO – NGƯỜI ĐƯƠNG THỜI

  Họa sĩ Văn Giao vốn là người tài khéo, quan hệ rất rộng với các văn nghệ sĩ nổi tiếng như nhà văn Kim Lân, họa sĩ Văn Đa. Đặc biệt ông rất thân với Bùi Xuân Phái. Xuất phát điểm của...

KỶ NIỆM KHI ĐƯỢC TRANH TẾT NGÀY XUÂN

  Thế là một Xuân nữa lại đến. Xuân làm nở những nụ cười trẻ thơ khi được tiền mừng tuổi, nhưng người già lại buông tiếng thở dài bởi quỹ thời gian lại hao đi một chút. Cứ đến...