Mark Rothko (1903-1970) là họa sĩ Mỹ gốc Nga nổi tiếng với hình thái hội họa trừu tượng màu do ông thiết lập vào khoảng 1950. Ngoài hội họa, ông còn viết một bản thảo triết học nhan đề: “Hiện thực của họa sĩ”, mà người ta chỉ được biết đến nó sau khi ông mất. Năm 2004, Đại học Yale đã xuất bản cuốn sách này, với sự cộng tác của hai người con của tác giả là Kate Rothko Prizel và Christopher Rothko. Bài viết “Nghệ thuật như một chức năng sinh học tự nhiên” dưới đây là một phân đoạn trong cuốn sách “Hiện thực của họa sĩ” (sẽ được xuất bản bằng tiếng Việt vào cuối 2020). Nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất của Mark Rothko, Tạp chí Mỹ thuật xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Tại sao lại vẽ? Một câu hỏi đáng được đặt ra cho hàng ngàn người đang nằm trong các hầm mộ hay nhà thờ ở Paris và New York, trong những lăng mộ Ai Cập hay các tu viện ở phương Đông, những người đã bao phủ hàng triệu thước bề mặt bằng những bức tranh toàn cảnh về những tưởng tượng của mình trong suốt nhiều thời đại. Tôi dám nói rằng niềm hy vọng về sự bất tử và những ân thưởng cũng góp phần tạo nên động lực cho việc đó. Tuy nhiên, sự bất tử thì không dành cho tất cả mọi người, và ta biết rằng trong suốt nhiều thời đại, những người ban phát sự bất tử chính thức này đã đặc biệt từ chối không ban phát nó cho những kẻ làm công việc tạo ra hình ảnh. Không ai trong số họ có thể thừa nhận khả năng có được thứ gì đó đáng giá với một rủi ro như vậy.
Hãy xem xét cả những khó khăn mà con người phải chịu đựng. Trong thời đại chúng ta, sự đói khát là số phận được ấn định lên những người thực hành nghệ thuật. Thế nhưng đây vẫn là một tình cảnh vui vẻ nếu so với những cuộc đàn áp pháp lý ở Byzantium hay lời hứa về ngọn lửa địa ngục của người Do Thái, người theo đạo Hồi, hay những người Ki tô hữu sơ khai. Người ta đơn độc chịu đựng hoặc khéo léo luồn lách qua những tình cảnh này. Một cách lén lút, và trong tình trạng đối mặt với hiểm nguy, thực hành nghệ thuật vẫn được tiếp diễn và nghệ thuật vẫn tồn tại. Tất nhiên, những người nghệ sĩ sống trong thời Pericles hoàng kim hoặc những người được bảo trợ bởi những thương nhân có văn hoá trong thời Phục Hưng hay những nhà thơ -chiến sĩ vô thần thời Trecento, đều may mắn. Nhưng ta có nên khảo sát vận may và niềm vinh dự của nửa tá những người đã sống sót và lần theo công lao của hàng ngàn người đã miệt mài trên hằng hà sa số những tác phẩm của họ mà không được định danh, và những người mơ ước có thể trở nên vĩ đại như những người thầy của mình, và, ta có nên hồi sinh cuộc đời của tất cả những người mà vận may đã không mỉm cười với họ? Ta phải thấy rằng ngay tại những thời kỳ thịnh vượng đó, vinh quang và những phần thưởng cũng không quảng đại như ta muốn tin. Và hãy nghĩ đến những người đang sống trong các chế độ toàn trị ngay trong thời đại của chúng ta. Bao nhiêu trong số họ đã trốn chạy khỏi quê hương mình, sống trong nghèo đói và hiểm nguy, bật rễ khỏi mảnh đất của mình, từ chối bị bóp nghẹt bởi những mệnh lệnh và cấm đoán được đưa ra dựa trên chính tác phẩm của mình?
Ta cũng có thể nói tất cả những người này đã sống trong ảo tưởng rằng đến cuối cùng họ sẽ có được thành công. Con người có thể mù quáng trước một số yếu tố trong sự tồn tại của họ nhưng không phải tất cả. Họ có thể bị lừa dối về vị trí của mình trong lâu đài nghệ thuật vĩnh cửu hay về tầm quan trọng của công lao gạch vữa mà mình đã bỏ ra, nhưng họ không thể bị lừa dối về những ân thưởng trần thế – mà những ví dụ cho điều ngược lại đã quá rõ ràng – và bất cứ ai tin vào những điều thế này đều không biết gì về nghệ thuật hay mức độ liên quan của nghệ thuật đến sự hy sinh có ý thức.
Những điều đã nói ở trên không phải là lời cầu xin sự cảm thông. Người nghệ sĩ đã mở to mắt mà chấp nhận số phận an bài, và tôi không tin là anh ta cầu mong bất cứ sự bố thí nào cho sự hy sinh mà tự anh ta đảm nhận. Anh ta không cần gì khác ngoài sự thấu hiểu và tình yêu từ những thứ mình làm. Không thể có phần thưởng nào khác. Những điều đã nói ở trên, vì thế, không phải dựa trên tinh thần yêu cầu sự đóng góp từ thiện nào mà là dọn đường cho thứ thật sự là yếu tố thúc đẩy cho hiện tượng lạ lùng này: sự sáng tạo nghệ thuật.
Nếu việc cam kết với nghĩa vụ nhằm đảm bảo cho anh ta một vị trí tại kiếp sau là mục đích, thì người nghệ sĩ đã có thể tìm thấy, ở mọi thời điểm, những phương pháp trực tiếp hơn trong xã hội của mình để đạt tới kết cục ấy. Nếu sự bất tử mà chúng ta muốn nói đến là thứ được tiên tri bởi những người sùng đạo, chúng ta có thể thấy rằng người nghệ sĩ không thể tự coi mình là kẻ được thừa hưởng niềm vui sướng ấy. Hãy đọc những lời phỉ báng và hô hào chống lại những người tạo ra hình ảnh của Isaiah cùng nhiều nhà tiên tri khác, và hãy kinh ngạc trước những bi kịch về vật chất thảm khốc đã giáng xuống những người tạo ra hình ảnh lẫn những kẻ sử dụng chúng. Những tín đồ Hồi Giáo thậm chí còn tước bỏ mọi khoái lạc nơi thiên đường Hồi Giáo khỏi những ai sở hữu trong nhà mình các vật có tính tượng trưng. Tại Byzantium, trong vòng một trăm mười tám năm, thực hành tạo hình bị cấm bởi luật Công giáo, và điều này đã gây nên sự hủy diệt – nghĩa là phá hoại – đối với các tác phẩm nghệ thuật trong thời đại ấy, cũng như sự hủy diệt đối với các tác phẩm điêu khắc Hy Lạp mà những vị hoàng đế trước đó đã luôn sùng kính và gìn giữ và coi đó như một hành động phụng sự Thượng Đế. Người Thổ Nhĩ Kỳ ở phía bên kia thì tẩy trắng toàn bộ những bức tranh tường tuyệt đẹp và phá dỡ những bức tranh khảm bên trong nhà thờ Sofia vĩ đại. Ở Ai Cập, nghệ sĩ sáng tác vì sự bất tử chứ không vì riêng bản thân mình, bởi sự trường tồn của những tượng đài bằng đá mà anh ta làm ra vẫn tiếp tục duy trì và kéo dài sự hiện hữu của người mà những tượng đài ấy đại diện thay vì người nghệ sĩ đã tạo nên chúng.
Nhìn chung, chúng ta có thể nói rằng con người vẫn thường phá hủy tác phẩm của nghệ sĩ với hy vọng đạt được sự bất tử cũng như họ đã hy vọng đạt được sự bất tử thông qua việc tạo nên những tác phẩm ấy. Thậm chí muộn hơn vào thế kỉ 15, Savonarola đã công khai chỉ trích việc vẽ tranh. Ông đã kêu gọi quần chúng tiêu hủy các bức tranh và truyền lòng nhiệt thành của mình tới chính những người nghệ sĩ, thuyết phục họ tự nguyện ném các tác phẩm của mình vào giàn hoả thiêu với hy vọng đạt được sự bất tử. Trong số những nghệ sĩ ấy có Botticelli, người đã phá hủy một vài tuyệt tác của mình, mặc dù sau này ông cũng vẫn tiếp tục vẽ. Cuộc Cải Tổ ấy, không còn nghi ngờ gì, đã góp phần khiến người Hà Lan chuyển hướng sang nghệ thuật miêu tả cảnh sinh hoạt đời thường, bởi họ nhất định đã cảm nhận được chủ nghĩa Cựu Ước thuần tuý trong các hình ảnh tượng trưng cho những thứ thuộc về tâm linh. Sự thay đổi này đã hình thành nên một kiểu phá hủy của riêng nó, bởi nó đã có đóng góp rất lớn vào sự suy tàn của nghệ thuật cổ điển lớn.
Tuy vậy, ý niệm về sự bất tử không thể bị loại bỏ hoàn toàn. Có một kiểu bất tử khác, kiểu bất tử mà con người đã mãi khắc ghi một cách bản năng xuyên suốt sự tồn tại của mình, và trong vòng vài trăm năm trở lại đây, nó đã được giải thích một cách tương đối sáng sủa. Đây chính là khái niệm bất tử về mặt sinh học, bao gồm quá trình sinh sản, sự nới rộng của một cá thể ra với thế giới của môi trường khả tri, rất giống với biểu đạt của Shakespeare trong những bài thơ xonê của mình. Điều này liên hệ quá trình sáng tác với mọi quá trình căn cốt khác; thứ có tính sinh học và tất yếu.
Nằm bên hữu ngạn sông Seine ở Thủ đô Paris của nước Pháp, Louvre là một bảo tàng lớn nhất và nổi tiếng nhất trên thế giới, với khối kiến trúc tráng lệ và là nơi lưu trữ những kiệt tác,...
Nếu nước Mỹ nổi tiếng với đại lộ Danh vọng Hollywood, nơi những ngôi sao nổi tiếng nhất trong làng điện ảnh, sân khấu thế giới được vinh danh gắn sao và tên trên đại lộ. Thì người Pháp...
Không phải ngẫu nhiên mà người ta cho rằng nước Pháp quyến rũ hơn những quốc gia khác. Đặc biệt là Paris được mệnh danh là thành phố của kiến trúc, nghệ thuật, thủ đô hoa lệ, kinh đô của...
Sau nhiều giờ bay và Transit tại Dubai chúng tôi đã đặt chân đến Edinburgh xứ sở Vương quốc Scotland. Lúc này là cuối chiều, thời tiết tháng 6 ở đây rất lạnh. Tuy vậy, chúng tôi vẫn tranh thủ...
Odilon Redon (1840 – 1916) là một nghịch lý khuất lấp. Ông sống giữa thời đại Ấn tượng và hậu-Ấn tượng trăm hoa đua nở của những Renoir, Gauguin và Van Gogh. Song, ngoại trừ được công nhận trong...
Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...
Nghệ thuật truyền thống Iran là sự kết hợp vô cùng điêu luyện giữa các hoa văn, họa tiết và màu sắc, tạo nên vẻ đẹp hoàn mỹ qua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống. Nhân kỷ niệm...
Tháng 12 năm 1978, Khoa Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật, trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, được thành lập. Đó là quyết định táo bạo của nhà trường, ông hiệu trưởng Trần Đình Thọ và...
VTV.vn – Với thứ ngôn ngữ cổ xưa của mình, “Đất cất lời kể” cho công chúng yêu nghệ thuật những câu chuyện ngàn năm. Triển lãm tranh của họa sĩ Lâm Na với chủ đề “Đã...
Sáng 31/10, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã chủ trì phối hợp cùng Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo Mỹ thuật khu vực III Tây Bắc – Việt Bắc, năm 2023. Đây là...