Những thành phố ven biển có hải cảng thường lôi cuốn các họa sĩ. Và mỗi thành phố biển như thế đều có một sức hút rất riêng.
Hải Phòng cách Hà Nội 100 cây số có lẻ, không quá gần cũng không quá xa để người Hà Nội luôn luôn muốn “xuống” và người Hải Phòng luôn luôn muốn “lên”. Một trăm cây số ấy cũng là khoảng cách vừa đủ để Hà Nội và Hải Phòng gần gũi nhau, chia sẻ, thông cảm với nhau bằng cái rất riêng của từng thành phố. Hải Phòng giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, là một trong những lò tôi luyện của giai cấp công nhân Việt Nam. Người dân lao động Hải Phòng cũng rất thủy chung, kiên cường, tháo vát.
…“Nhớ Hải Phòng”, Nguyễn Đình Thi không chỉ nhớ một hành trình kháng chiến và xây dựng gian khổ, nguy nan, đầy sắt thép, khói lửa, bụi bặm; nhớ cái khí phách hiên ngang của người Hải Phòng; ông còn nhớ những cô gái Hải Phòng mỗi sớm tinh sương chở hoa tươi sáng lấp lánh trên những chiếc xe đạp, chuyển cái đẹp, niềm vui sống cho người Hải Phòng. Nguyễn Đình Thi nhìn Hải Phòng không chỉ bằng tâm hồn của một nhà thơ, một nhà văn, mà ông còn nhìn Hải Phòng bằng tâm hồn, con mắt của người họa sĩ.
Nhạc sĩ – họa sĩ Nguyễn Đức Toàn đã từng nói: “Ở Hải Phòng, tiếng tu tu tu của còi tàu từ biển chiều vọng vào làm lòng người không thể dửng dưng được”.
Ngay cả tiếng động của Hải Phòng cũng nhiều âm sắc mà người họa sĩ rất muốn thể hiện.
Họa sĩ Pháp Joseph Inguimberty (quê ở thành phố cảng Marseille), một trong mấy người thầy đầu tiên của các họa sĩ Việt Nam thời kỳ hiện đại – đã vẽ những bức tranh đầu tiên về Việt Nam tại cảng Hải Phòng. Mối tình đầu với Việt Nam của Inguimberty cũng là mối tình đầu với thiên nhiên, cuộc sống và con người Hải Phòng.
Các cuộc triển lãm mỹ thuật lớn thời thuộc Pháp, đặc biệt Triển lãm SADEAI (Hội An-Nam khuyến khích Mỹ thuật và Kỹ nghệ), sau khi mở ở Hà Nội thì bao giờ điểm tiếp theo cũng là ở Hải Phòng. Xưa, Nhà hát lớn Hải Phòng là một trong những nơi trưng bày tác phẩm được nhiều họa sĩ nổi tiếng ưa thích nhất.
***
Ai ai cũng đều biết, Hải Phòng không chỉ là nơi đã sinh ra, mà còn là một cái nôi, mảnh đất lành hội tụ và nuôi dưỡng biết bao nhiêu tài năng nghệ thuật xuất chúng. Các họa sĩ như Mai Thứ, Trần Văn Cẩn, Văn Cao đều xuất thân từ Hải Phòng.
Mai Thứ sang Pháp từ 1937. Ông là một trong bốn, năm họa sĩ Việt Nam đã tạo nên “Trường phái Hà Nội” vẻ vang trên đất Pháp. Không chỉ nổi tiếng về vẽ thiếu nữ và trẻ em, Mai Thứ còn là một nhạc công đàn bầu cừ khôi. Tâm tính đằm thắm, chân tình, bản tính yêu đời, hóm hỉnh của con người và nghệ thuật Mai Thứ cũng là cái tâm tính, bản tính ông đã kế thừa được từ truyền thống quê hương Hải Phòng.
Mai Thứ cũng là tác giả của bộ phim phóng sự lịch sử “Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Phạm Văn Đồng ở Paris 1946”. Hiện ở Hải Phòng đã có một đường phố mang tên Mai Trung Thứ (Mai Thứ).
***
Trần Văn Cẩn sinh ra ở Kiến An, phố Ký Túc. Ông là một trong những đại diện xuất sắc nhất của nền mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, Huân chương Độc lập hạng nhất.
Nghệ thuật Trần Văn Cẩn luôn luôn gắn liền với đời sống của nhân dân lao động. Ngay từ thời cách mạng mới thành công, ông đã rất có ý thức về sứ mệnh của một họa sĩ hiện thực xã hội, và đã ra sức làm cho sứ mệnh ấy trở thành bản năng của chính mình. Di sản nghệ thuật đồ sộ của ông là một bộ sưu tập quý về cái Đẹp, cái Thơ của non sông đất nước, cái Hùng, cái Bi trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, và niềm hân hoan vô tận của toàn dân về Tổ quốc hòa bình thống nhất.
Trong suốt 25 năm (1958 -1983) làm Tổng thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam, Trần Văn Cẩn đã góp nhiều công phu xây dựng Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành hai địa phương có phong trào mỹ thuật lớn mạnh nhất trên cả nước. Ông đã về Hải Phòng nhiều lần, có lần chỉ về với tư cách cá nhân, gửi xe đạp theo ô tô hay tàu hỏa để đến nơi còn có phương tiện đi lại…
Tình cảm của Trần Văn Cẩn đối với quê hương Hải Phòng vô cùng đằm thắm. Xa quê từ thuở thiếu niên, khi đã ngoài 70 tuổi, ông vẫn còn nhớ: “… Kiến An ngày xưa chỉ là một dãy phố nhỏ chạy dài dưới chân núi như một phố huyện với hai dãy nhà thấp vừa ngói vừa tranh. Lặng lẽ, ít người. Cả thị xã chỉ có một trường tiểu học, một nhà bưu điện và tòa công sứ… trên đỉnh núi Phù Liễn có nhà, có đài thiên văn, có một người Tây vẫn chiều chiều dắt vợ Việt Nam xuống dạo thị xã”.
Hòa theo nhịp đổi thay của đất nước, của quê hương, tình cảm và cách nhìn của Trần Văn Cẩn cũng khởi sắc, tự nhiên, dứt khoát, từ “bâng khuâng”, “cô đơn” chuyển thành “tươi vui”, “hồ hởi” – như ông đã tự nói.
***
Sinh ở Nam Định, nhưng con đường nghệ thuật của Văn Cao lại bắt đầu từ Hải Phòng, với nhóm “Đồng vọng”. Không chỉ là tác giả “Quốc ca Việt Nam”, “Trường ca Sông Lô” và nhiều ca khúc cách mạng và trữ tình bất hủ, thơ và họa của Văn Cao cũng không kém phần đặc sắc. Ngay từ trong kháng chiến chống Pháp, có thể nói, Văn Cao đã là một trong những họa sĩ Việt Nam đầu tiên đã “tấn công” chiếm lĩnh các trường phái nghệ thuật hiện đại. Hội họa của Văn Cao giàu tính ẩn dụ, biểu đạt sự tinh khiết của tâm hồn. Mấy chục năm cuối đời, ông chủ yếu vẽ bìa sách và minh họa, nhất là cho tuần báo “Văn Nghệ”, với một bút pháp đồ họa triệt để, độc đáo và tao nhã lạ thường. Năm 1985, khi đã 62 tuổi, Văn Cao còn về tận Hải Phòng cùng đạo diễn Vũ Minh dựng vở “Lịch sử và Nhân chứng” của Hoài Giao, phụ trách thiết kế sân khấu. Văn Cao, “viên ngọc quý khảm trên tấm thảm văn hóa Việt Nam” ấy, chính là niềm tự hào của cái nôi đã nuôi dưỡng tài năng nghệ thuật của ông trong thời kỳ khởi đầu sự nghiệp – thành phố cảng Hải Phòng.
***
Ngay sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, năm 1956, Lưu Công Nhân đã về ở hẳn Kiến An một thời gian để sáng tác. Một số tranh đáng nhớ nhất của Lưu Công Nhân như “Trên xe tải”, “Làn khói trắng” và bộ tranh màu nước vẽ sông và phố Tam Bạc cũng đã ra đời từ thời kỳ ấy. Năm 1958, khi ghé vào Hải Phòng trên đường ra Hồng-Quảng, Lưu Yên đã gặp Lưu Công Nhân đang đạp xe đạp chạy phăng phăng trên một con phố bụi bặm, lầm lũi những bóng người. Họ hẹn nhau ăn một bữa cơm trưa, nhưng vì Lưu Công Nhân mải vẽ, đi mất hút, nên bữa cơm ấy không thành…
Lưu Yên, tên đầy đủ là Lưu Vĩnh Yên, nhưng vì ông gọi Mai Thứ là cậu, nên nhiều người vẫn nhầm gọi thành Mai Lưu Yên. Lưu Yên người Hải Phòng. Sau khi học Khóa Tô Ngọc Vân (1955 – 1957), ông “bị” cử ra làm việc ở Hồng – Quảng, lao động như một thợ mỏ, thợ hầm lò, rồi tham gia xây dựng Bảo tàng Quảng Ninh ở Hòn Gai (nay là thành phố Hạ Long). Năm 1961, Lưu Yên quay lại Hà Nội, nhận công tác ở Nhà xuất bản Phổ thông…
Lưu Yên vẽ rất đẹp, định hình được quan niệm riêng. Màu của ông “long lanh”, đầy biểu cảm. Ông vẽ khá nhiều về mỏ, các hoạt động và chân dung của thợ mỏ, hiện thực, nhân từ, bằng cái nhìn của một họa sĩ – thợ mỏ.
***
Cũng quãng đó, năm 1960, Nguyễn Văn Trường, một họa sĩ kỳ cựu của Hải Phòng, sáng tác “Cảng Hải Phòng” – một tranh sơn khắc “panorama” rộng trên dưới ba thước vuông, rực sắc đỏ, để ai đã xem rồi cứ nhớ mãi màu đỏ Hải Phòng ấy. Một bức tranh sơn khắc khác của Nguyễn Văn Trường: “Quê tôi chống Pháp” – cũng là một bức tranh rất cần nhắc tới khi nói về hội họa Hải Phòng, về các họa sĩ Hải Phòng, và về các họa sĩ đã từng sống, sáng tác ở Hải Phòng xưa.
Hà Thái Hà