1. ÔNG ĐÀO HUY NGỌC, ÔI MỘT ĐỜI NGHỆ SĨ
Thân tặng nữ họa sĩ H.T.N.,
người đã từng biết ông Đào Huy Ngọc
Trong ký ức của tôi, hình bóng ông thoắt ẩn, thoắt hiện, lướt khẽ như ma. Ông sinh và mất năm nào, hầu như không ai biết. Cái danh phận là “họa sĩ” của ông, hầu hết những người biết cũng đều đã cùng ông đi xa…
Trong các cuốn sách sử mỹ thuật Việt Nam, nếu có thông tin gì về ông, thì cũng chỉ vẻn vẹn ghi: Học khóa 17 Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng khóa với Mai Văn Hiến, Mai Văn Nam, Lê Thanh Đức, Phạm Tăng, Trần Duy…
Ông là Đào Huy Ngọc!
* * *
Người ông Đào Huy Ngọc nhỏ choắt choằn choặt. Một hôm ông đến nhà tôi chơi, tôi can thế nào ông vẫn cứ dứt khoát đòi để dép ở ngoài cửa. Dép của ông bé đến nỗi, vợ tôi đi về, cứ ngỡ là dép của trẻ em, bèn hỏi nựng: “Thằng cu nào đang ở trong nhà tôi thế?”
Ông Ngọc vốn con nhà. Nghe nói mẹ ông buôn “đồ nâu” (thuốc nhuộm), rất phát đạt. Vậy ông đúng là cậu ấm (cậu ấm “sứt vòi”, như các bạn của ông thường gọi đùa, vì hình như ông cũng chưa bao giờ lấy vợ và cũng chưa bao giờ công tác ở đâu cả).
Ông Ngọc kể: Từ bé ông đã rất thích vẽ. Mẹ ông hỏi: “Có thích đi học không?” Ông trả lời “Thích”. Thế là mẹ ông dắt ông vào Trường Mỹ thuật, chân đi guốc mộc le te. Ngày ấy vẫn còn ông Tardieu. Ông Tardieu bảo: “Nó thích vẽ thì cho vào thử”. Thử xong, ông Tardieu khen: “Thằng này vẽ được”. Kể từ đó, ông Ngọc học dự bị ở trường, dễ đến 7-8 năm.
Riêng về tài vẽ “académie” (vẽ người mẫu khỏa thân) của ông thì ai ai thời đó cũng biết. Một cái tài đã đạt tới trình độ quỷ khốc thần sầu.
Có lần, về cái tài ấy của ông Đào Huy Ngọc, bố tôi (họa sĩ Quang Phòng) nhớ lại: “Chà! Cái thằng Ngọc. Nó cứ loi cha loi choi, đung đưa cái đầu, lúc lên cao lúc xuống thấp, lúc sang phải lúc sang trái, lúc rụt về sau lúc rướn lên trước – y như đầu con cú vọ, đánh loáng cái đã xong… Ai mới vào học mà xem nó vẽ thì đều phải nghĩ: có tu đến mười đời cũng không vẽ được bằng nó đâu!”
Đến năm 1943, như đã nói, ông Đào Huy Ngọc đỗ chính thức vào khóa 17, khoa hội họa. Ông học sau bố tôi một khóa, nhưng nói về tuổi vẽ thì ông hơn bố tôi nhiều.
* * *
Quả tình, lúc ông Đào Huy Ngọc còn sống, tôi chưa bao giờ được xem tranh ông. Mà có muốn xem cũng không biết xem ở đâu. Nhà ông tôi cũng chưa hề đến.
Hay nói chính xác hơn, tôi mới chỉ được xem của ông một vài bức ký họa, và lạ thay, xem ở ngay giữa đường, hết sức tình cờ, khi tôi bất chợt gặp ông tay cắp chiếc cặp vẽ đang đứng nghển cổ ngắm nhìn một ngôi nhà cũ trên phố Hai Bà Trưng. Tôi đùa hỏi: “Chú cũng chịu khó đi vẽ nhỉ?” Không ngờ ông chóe lên: “Ối giời ơi! Tôi còn đi vẽ nhiều hơn cả Phái ý chứ.”
… Gần đây, qua một người bạn, tôi mới được biết sau khi ông Đào Huy Ngọc mất, người nhà ông đã phải chở đến mấy xích lô mới hết tranh của ông. Không biết số phận chúng giờ ra sao?
* * *
Giữa những năm 1980, đói! Một hôm, giữa trưa nắng hè chang chang, ông Đào Huy Ngọc đến tìm tôi, bảo: “Mày làm giúp chú một ít khung nhé”. Hình như ông định làm triển lãm, nhưng là triển lãm… ngoài trời, ngay trước vỉa hè nhà ông, để bán tranh.
Làm giúp ông xong, tôi chỉ lấy tiền tôi thuê thợ, còn phần việc của tôi thì thôi. Tôi hỏi ông: “Chú còn tiền để tiêu không?” Tần ngần một lát, ông bỏ về, không thèm chào tôi lấy một câu.
Nhìn dáng ông đi hun hút, tôi thấy ông thật đáng thương. Ồ! Một con người khốn khổ, nhưng khái tính khái nết.
… Một hôm khác, ông Đào Huy Ngọc đem đến tôi một xấp tranh, toàn cỡ A4 đổ xuống, trong có cả ký họa chì của Bùi Xuân Phái, ý muốn bán. Tôi xem không thấy được bức nào, kể cả tranh Phái, và xem chỉ vì bản tính tôi thích xem. Vả, tôi cũng đâu có dư dả gì để mua.
Còn ít tiền nào trong túi, tôi đưa biếu ông Ngọc. Không ngờ, lại không ngờ, ông hiểu nhầm và lại chóe lên: “Ối giời ơi! Cậu trả tôi có từng này á. Cậu không biết chơi rồi!” Hehe.
Lúc đầu tôi giấu, sau không biết thế nào tôi lại đem chuyện kể với bố tôi, bố tôi bảo cũng đã có nhiều người gặp chuyện như thế với ông Đào Huy Ngọc, chứ không riêng gì tôi. Rồi bố tôi kết luận: “Đồ hấp hơi”.
* * *
Ông Đào Huy Ngọc sống một thân một mình trên một căn gác rộng, ở phố Bát Sứ, gần nhà Bùi Xuân Phái trên phố Thuốc Bắc. Ông hầu như không phải trả tiền điện, cũng chẳng có cái gì cần đến điện. Tối đến là ông đi ngủ, nhà tối thui.
Ông chết không một ai biết. Sau mấy ngày hàng xóm mới phát hiện ra, vì có mùi “nhằng nhặng”. Tội nghiệp ông!
Lần cuối cùng tôi được gặp ông Đào Huy Ngọc là ở 51 Trần Hưng Đạo. Biết ông đi mua đồ vẽ, tôi vẫn cứ vờ hỏi: “Chú Ngọc đi đâu thế này?” Như chỉ đợi có thế, ông lại chóe lên: “Người ta đi mua màu mà cứ hỏi”.
Đúng là ông Đào Huy Ngọc.
2. LƯU CÔNG NHÂN OANH LIỆT
Thân tặng hai bạn L.Q.K và L.H.O., những người yêu thích tranh Lưu Công Nhân
Cảm giác vời vợi trước sự ra đi của chú Lưu Công Nhân nay vẫn còn rất rõ trong tâm trí tôi, cho dù đã 10 năm trôi qua. Lưu Công Nhân mất vào mùa hè 2007, tháng 7.
Một người con của đất Phú Thọ sao lại nằm xuống trên cao nguyên Lâm Đồng?! Rất nhiều người bạn Hà Nội của Lưu Công Nhân đã không “gặp lại” được Lưu Công Nhân lần cuối…
1991-1992, trong cuốn vựng tập đầu tiên (in nhân dịp triển lãm tranh Lưu Công Nhân cùng năm tại Hà Nội), nhỏ chỉ bằng bàn tay, bìa mềm, khổ ngang, chú Lưu Công Nhân có viết cho bố tôi, không phải ở trang đầu mà ở trang cuối, rằng: “Sắp hết đời rồi ông ơi!”
Vậy là chú đã sống và vẽ được thêm chừng 15-16 năm nữa, trong đó có đến 12 năm chú phải chống chọi với căn bệnh Parkinson.
* * *
Nhiều người bảo Lưu Công Nhân sinh năm 1930, tuổi Canh Ngọ. Nhưng tuổi đúng của chú phải là Tân Mùi, 1931. Lưu Công Nhân tuổi Mùi!!!
Cũng có người thắc mắc về cái tên “Công Nhân” hơi là lạ của chú. Kể cũng có lý. Thực ra, tên “nôm” của chú Lưu Công Nhân là “Nhẫn”. Không biết chú đã bỏ dấu ngã từ khi nào. Tôi biết chính xác điều này, đã rất lâu rồi, trong một buổi trưa trò chuyện với họa sĩ Hoàng Công Luận và đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, hai người bạn từ thuở thiếu thời của chú Lưu Công Nhân.
Người ta cũng hay viết Lưu Công Nhân là “học trò yêu” của Tô Ngọc Vân. Riêng Lưu Công Nhân thì tự viết là “học trò trực tiếp”.
Tô Ngọc Vân vốn là người “lăng-xê” giỏi. Và không chỉ Lưu Công Nhân, mà ngay cả Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên quả thực đều ít nhiều được hưởng từ cái tài ấy của ông Vân.
* * *
Có một câu chuyện đáng ghi. Tại một lớp học “chỉnh huấn” trong kháng chiến chống Pháp (quãng 1952-1953), Lưu Công Nhân có “tuyên bố”: Bao giờ Lưu Công Nhân có đủ trình độ tranh luận, Lưu Công Nhân sẽ tranh luận với Tô Ngọc Vân,v.v.
Không ngờ, trên đường từ lớp học trở về, Tô Ngọc Vân đã vừa rơi nước mắt vừa nói với Nguyễn Tư Nghiêm: Cái thằng Nhân gớm thật!
Nguyễn Tư Nghiêm nghe vậy thì trách Tô Ngọc Vân: Tại thầy cứ khen nó cho lắm vào.
… Sau cùng Tô Ngọc Vân chốt lại: Thôi. Không sao cả. Lưu Công Nhân sẽ là người đi đến tận cùng con đường của hội họa.
Ngày Lưu Công Nhân biết câu chuyện ấy, câu chuyện đã cũ đến 40 năm, Lưu Công Nhân cũng khóc lặng đi. Chú khóc, có lẽ, không phải vì ân hận hay hối tiếc (bởi cũng chẳng có gì tới mức phải ân hận hay hối tiếc), mà chú khóc vì được biết quá muộn một câu chuyện quá cảm động về người thầy của mình, khóc vì một lời tiên tri cao thượng đã dành cho mình, và khóc cho cái tuổi trẻ đầy hoài bão của chính mình nay đã lùi xa không lấy lại được.
* * *
Lưu Công Nhân là một người suốt đời đi săn tìm những tình huống hài hòa của thiên nhiên, cuộc sống và con người. Chú rất hay đặt ra chữ “giá mà” để “additus” (bổ sung) cái gì đó cho các tình huống mà chú cho rằng có khả năng trở nên hài hòa…
Ngược lại, trước bất kỳ cái gì chú không thích, không ưa, không hào hứng thì chú quay đi, và vừa quay đi vừa nói hàng tràng: “không, không, không”, chỉ nghe đã thấy chán.
Lưu Công Nhân, như chính Lưu Công Nhân nói: “Có thói hư thích tranh của người khác”. Xem tranh của người khác, bất kể của ai, chú rất vô tư, thấy tranh của ai đẹp chú xuýt xoa không tiếc lời. Ngay từ trong kháng chiến, người nào vẽ được tranh đẹp mà Lưu Công Nhân đã thích rồi – thì phải cẩn thận, bởi không chừng Lưu Công Nhân “nhót” mất, chỉ để chơi thôi. Ồ! Một con người yêu cái đẹp tới mức kỳ lạ.
Trong nghệ thuật, Lưu Công Nhân rất dân chủ. Vẽ được gì, viết được gì chú cũng muốn công khai luôn, và luôn luôn muốn xin ý kiến. Ngày chú ra cuốn sách đầu tiên (1995), chú viết thư bảo tôi: “Hay hay dở, đẹp hay xấu, phải nói thật cho chú biết nhé”. Kỳ thực, tranh của chú vẽ quá hay, không phải nói, nhưng sách “mise” lại quá xấu. Tôi không dám nói với chú mà chỉ dám nói vui với Tô Ngọc Thành: “Lưu Công Nhân nấu phở tuyệt ngon, nhưng lại hắt phở ra bàn để người ăn liếm”. Không biết có đến tai chú hay không. Chỉ biết bận sau, chú viết cho tôi: “L.Đ.C. mới in một cuốn sách rất công phu. Xem xong chỉ muốn vứt”.
* * *
Quãng 1997-1998 gì đó, trong tùy bút “Thời chúng tôi sống” (đã đăng trên báo Văn Nghệ và được bầu là bài viết hay nhất trong tháng của tờ báo), Lưu Công Nhân có kể lại một trải nghiệm tình cảm của mình trước cái chết của một người bạn (có thể là đạo diễn Trần Thịnh). Vào giờ phút cuối cùng của cuộc đời, người bạn ấy mới cảm nhận được hết cái mát lành của gió trời, của bầu trời, khi nằm trên chiếc xe cáng để đi qua cái “dặm xanh” (“green mile”- chữ của Stephen King) trong sân bệnh viện. “Trời xanh quá, gió mát quá”- có lẽ, là câu nói cuối cùng của người bạn đã được Lưu Công Nhân ghi lại.
Sau Tết Đinh Hợi (2007), Lưu Công Nhân có gửi cho tôi cuốn sách mới nhất của chú. Trong sách có in một bức ảnh chụp chú đang ngồi uống trà ở ngoài vườn, bên cạnh một cái cây đang trổ hoa, với một dòng chữ đề tặng run run (vì bệnh Parkinson) mà tôi đã rất quen: “Sáng ngày 1 tháng 1 năm 2007. Chúc mừng năm mới nhé”.
Đó cũng là dòng chữ cuối cùng của chú gửi cho tôi.
* * *
Sinh thời, bố tôi thường nói: “Ngày kháng chiến, Lưu Công Nhân xinh trai, sáng sủa lắm. Tô Ngọc Vân rất thích”. Và bất cứ khi nào có dịp nói chuyện với bố tôi, Lưu Công Nhân cũng đều nhắc đến “ông Vân” và… “cô Huệ” cấp dưỡng. Lưu Công Nhân từng viết trong thư: “Viết về Trường Mỹ thuật kháng chiến, giá có một đoạn về cô Huệ thì hay quá nhỉ”.
Bên ngoài, Lưu Công Nhân có vẻ lãng đãng, nhưng kỳ thực, trong sâu thẳm, chú không quên cái gì, không quên ai cả. Nhớ gì, nhớ ai chú cũng đều nhớ bằng hình ảnh, rất cụ thể, rất xác thực và rất có ý nghĩa – một phẩm chất của một họa sĩ đích thực. Lưu Công Nhân vẽ đẹp cũng vì thế, một cái đẹp có ý thức và hiếm có.
Một số người đã cho rằng: Lưu Công Nhân chỉ ăn thua ở tranh ký họa và tranh thuốc nước. Riêng đối với tôi, đó lại là một lời khen. Bởi vì hội họa ấn tượng chẳng đã từng được báo hiệu từ chính những tranh thuốc nước của Turner, của Jongkind, cũng như hội họa trừu tượng cũng đã chẳng bắt đầu từ chính những tranh thuốc nước của Kandinsky, hay sao? Cái gì đã hay, đã đẹp thì không câu nệ chất liệu, to nhỏ.
Trong số các họa sĩ xuất thân kể từ sau Cách mạng Tháng Tám, có thể nói Lưu Công Nhân là người đáng kể đến đầu tiên.
Sự nghiệp hội họa của Lưu Công Nhân quá oanh liệt, quá “công thành”, công thành đến mức tuyệt diệu, với hàng ngàn, hàng ngàn tác phẩm. Xưa, vì quá yêu cái tài của Lưu Công Nhân mà ông Bổng sưu tập hay gọi đùa Lưu Công Nhân thành Lưu “công toi”. Kể cũng là hay.
3. LÊ THANH ĐỨC NGƯỜI LÀM THẬT, ĂN GIẢ
Tôi thân thiết với chú Lê Thanh Đức dễ chừng cũng ngót nghét đến 30 năm. Bố tôi thì vừa là bạn thân, học với chú từ thời trai trẻ, vừa là ông mối mát tay đã xe duyên chú với cô Ngô Thiên Kim. Cô Kim lại vốn là học trò của bố tôi.
Nói đến chú Lê Thanh Đức là phải dùng đến nhiều chữ “nhiều”: nhiều tài, nhiều kiến thức, nhiều ngoại ngữ, nhiều nghề, nhiều ham mê và rất nhiều… nỗi. Một lần chú bảo tôi: “Cậu có nhắc gì về tớ thì chỉ nên gọi tớ là Lê Thanh Đức thôi nhé”. Rồi chú giải thích: “Giá trị của một con người là ở cái tên, chứ không phải ở danh tước, danh vị… Bây giờ có nhiều người làm danh thiếp dài như tờ sớ.” Hehe.
Nhiều người cho rằng Lê Thanh Đức tự cao tự đại, vừa đúng vừa không đúng. Vì tự cho mình là tài, là giỏi hơn người (hay đúng hơn, một số người) mà chú đã bị “mất Đảng”, bị một ông bí thư và một chi bộ cô lập hóa, “nhẹ nhàng tước quyền sinh hoạt”(?) Thế nhưng cũng vì cho mình “chưa bằng ai”, chưa bao giờ tự thỏa mãn với chính mình – mà cả đời chú đã phấn đấu không biết mệt mỏi để tự hoàn thiện mình, nâng cao mình, thực hiện những hoài bão, ước mơ của mình.
“Tớ sinh ra đâu có bị lác. Chỉ vì trong chiến tranh, ham đọc sách quá, đọc dưới ánh đèn dầu, nên tớ mới bị như thế đấy chứ” – một lần khác, chú kể với tôi…
Lê Thanh Đức sống vô cùng giản dị, giản dị tới mức giản đơn: Ăn cơm chan với nước lọc, với mấy quả cà, xong! Nhưng tiền để mua sách, mua dụng cụ, mua vật liệu làm việc thì chú không bao giờ tiếc, kể cả phải đi vay. Cũng theo triết lý sống ấy, trong một hội nghị có sự tham gia của các cơ quan Đảng và chính quyền, Lê Thanh Đức đã dõng dạc phát biểu: “Nhà nước có thể bớt đi vài ki-lô-mét đường cao tốc, bớt đi vài chiếc ô tô công vụ hạng sang – để dành tiền cho nghệ thuật, được không?” Thế là cả hội nghị cười ầm lên. Hình như người ta đã cho rằng: Cái ông họa sĩ này nghệ sĩ quá!
… Một hôm, bố tôi bảo tôi: “Lê Thanh Đức đói đấy. Bố mời ông ấy đi ăn phở mà ông ấy lại ra điều kiện: Không mời tôi hai bát thì tôi không ăn! Mà đúng là ông ấy ăn được thật.”
Đứng về mặt lao động, có lẽ không ai, không có cái gì đày đọa Lê Thanh Đức bằng Lê Thanh Đức tự đày đọa chính mình. Chỉ đến khi nào đã kiệt sức, lực bất tòng tâm, hoặc bị cản trở bởi những yếu tố khách quan nào đó không thể vượt qua – chú mới chịu “tặc lưỡi” (chữ của chú) chấp nhận những cái mà theo chú là chưa hoàn hảo. Trong khi ấy, tiền chữ, tiền công chú nhận được chẳng đáng là bao!
Nhớ ngày Lê Thanh Đức làm cuốn “Chùa Bút Tháp”, chú khăn gói lên đường không biết bao nhiêu lần, lỉnh kỉnh bao nhiêu đồ nghề, trên chiếc xe “ba-bét-nhè” mù mịt khói. Khi ấy chú đã trên 70 tuổi.
Ngày chú làm cuốn “Đình làng miền Bắc” cũng vậy. Sách đã lên khuôn, chuẩn bị in, chỉ vì một đôi ba chữ chưa ưng ý, chú cành cạch đến cơ quan tôi “nài” sửa cũng không biết bao nhiêu lần, khiến cô đánh máy phát bẳn, không chịu nổi, phải mách tôi: “Bác ấy chữa đi chữa lại nhiều quá. Nay bác sửa mai bác lại bảo phục hồi lại như cũ, đến hàng chục lần. Chóng hết cả mặt.”
Bởi Lê Thanh Đức yêu lao động, lao động hết mình, nên chú cũng rất ghét những người lười, những người mà chú bóng bẩy gọi là “những kẻ tiêu dao”… Và cũng chỉ vì bị chú gọi bằng cái tên như vậy mà giữa chú và ông Triệu Thúc Đan đã nảy sinh xung đột dữ dội trên diễn đàn của Tạp chí Mỹ thuật, quãng 1998-1999.
Số là, về học thuật, ông Triệu Thúc Đan đã từng đụng độ với một vài người, nhưng ông chưa bao giờ đụng đến Lê Thanh Đức, bởi vì hai ông thân nhau, cho dù không hẳn đã đồng quan điểm với nhau. Tuy nhiên, có một thời cơ tốt tình cờ đã đến để ông Triệu Thúc Đan có lý do chứng minh rằng ông không hề lười như Lê Thanh Đức đã “vu oan”. Đó là vào thời điểm Lê Thanh Đức tung ra bài “Văn hóa thị giác”. Mà lạ thay, cũng chính là Lê Thanh Đức, tác giả của bài báo, chứ không phải ai khác, đã tự tay đem tới nhà ông Triệu thúc Đan để tặng và… khoe!
Trong cuộc chiến ấy, dĩ nhiên ông Triệu Thúc Đan cũng có lý của ông khi ông kịch liệt phản bác một số quan điểm nghệ thuật của Lê Thanh Đức, và bản thân ông cũng đã nhận được nhiều ý kiến ủng hộ, nhưng về mặt tình thì giữa ông và Lê Thanh Đức chẳng còn ký-lô nào hết, hay nói cách khác, là đã về “mo”! Đây dường như cũng là cái “tập tính” chung chưa hay của người Việt Nam chúng ta trong hoạt động tranh luận.
Thế rồi, một hai năm sau, lại có thêm một người phản ứng với quan điểm nghệ thuật của Lê Thanh Đức, và phản ứng bằng ý kiến nói chứ chưa tới mức bằng chữ in trên mặt báo. Người đó chính là tôi. Tôi biết chú Đức rất giận tôi, thậm chí chú đã đề nghị cơ quan tôi tổ chức một cuộc họp để “đấu” tôi?!
Trước khi mất ít lâu, chú gọi điện cho bố tôi, bảo: “Từ giờ tôi không quan tâm đến cái gì nữa đâu nhé”.
Ngày chú ốm, tôi và bố tôi liên lạc thế nào cũng không gặp được chú. Nghe nói, chú dưỡng bệnh ở một ngôi nhà gần Bệnh viện E, và đã ra đi từ đấy.
Một đoạn bản thảo còn dở dang trong cuốn sách cuối cùng của Lê Thanh Đức hiện vẫn nằm trong ngăn kéo của tôi ở cơ quan. Mỗi lần nhìn thấy nó tôi lại rưng rưng nhớ chú: Một con người tài năng, suốt đời lao động mà tới khi chết vẫn chỉ có đúng một căn phòng nhỏ cũ kỹ ẩn khuất trên tầng hai do bố mẹ để lại, không có tài sản vật chất gì đáng kể hơn!
4. HUỲNH VĂN GẤM “GIẢ” CÓ VỢ
Tôi không nhớ chính xác năm nào, chỉ nhớ ít lâu sau khi ông Huỳnh Văn Gấm mất (1987), bố tôi có viết bài “Cái còn… là nghệ thuật” đăng trên Tạp chí Mỹ thuật, như để khóc ông. Đến năm 2004, bố tôi có sửa chữa và bổ sung đôi chút để in trong cuốn “10 nghệ sĩ tạo hình Giải thưởng Hồ Chí Minh, đợt II, 2000”. Và bố tôi đã luôn cho rằng đó là bài viết hay nhất của bố tôi ở thể loại chân dung nghệ thuật.
Huỳnh Văn Gấm học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 15, trên bố tôi một khóa. Là bạn học cùng trường, nhưng chỉ từ sau hòa bình lập lại, qua một lớp chỉnh huấn dài ngày học cùng một tổ, bố tôi mới bắt đầu thân với ông. Ông Huỳnh Văn Gấm thường “xuềnh xoàng với cái vét-tông xám bạc, cái quần ka-ki cũ, gầy và cao lênh khênh trên chiếc xe đạp Đi-a-măng, một bên ghi-đông treo cái túi da có tay xách đựng đủ giấy tờ công văn lẫn cả bao diêm và gói thuốc lào Tiên Lãng”, đôi khi còn lủng lẳng thêm một chùm nem chua gói vuông, lạt đỏ, để nhắm rượu…
Năm 1968, Huỳnh Văn Gấm đi dự Đại hội Văn hóa Á-Phi-Mỹ Latinh tổ chức ở La Habana. Khi ông về đến Hà Nội thì vợ con ông đang đi sơ tán hết. Đêm đã khuya, ông đến nhà tôi, và ở lại nhà tôi mấy hôm. Kể từ đó, tôi đã trở thành một người bạn nhỏ của ông. Chai rượu màu nâu sần mác “Ca-nây” ông đem về từ Cu Ba thuở ấy, đến nay đã vừa tròn 50 năm, tôi vẫn giữ làm kỷ niệm.
Năm 1979, trước khi Huỳnh Văn Gấm vào công tác và ở hẳn tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông có ghé vào tạm biệt gia đình tôi. Ngày ấy tôi trẻ người non dạ lắm, bỏ học đi chơi tới mức bị đuổi. Bố tôi mách với ông, ông cười, vỗ về tôi: “Thằng này hư, nhưng chưa hỏng”. Ồ! Một câu nói vô cùng giản dị, thậm chí hơi sáo, nhưng với cách bộc lộ tình cảm vô cùng ấm áp của ông, tôi đã không bao giờ quên được câu nói ấy.
Sau Huỳnh Văn Gấm bị ung thư thực quản, ăn không được mà uống cũng rất khó. Ông ra Hà Nội để mổ. Vì ông uống rượu nhiều (ông tự gọi mình là một gã “an-cô-lích”), nên ông phải chịu “mổ sống”, không đánh được thuốc mê. Ca mổ thành công, nhưng ông vẫn không qua được bao lâu. Ông mất ở Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 65 tuổi, đúng bằng Nguyễn Sáng.
* * *
Sinh thời, bố tôi thường hay kể với tôi về Huỳnh Văn Gấm. Có một câu chuyện bố tôi bất chợt kể ra, và kể chỉ đúng một lần. Cho dù chưa rõ thực hư thế nào, tôi vẫn tin câu chuyện là có thật, vì bố tôi và Huỳnh Văn Gấm rất tin nhau, hầu như không giấu nhau chuyện gì.
Câu chuyện là như thế này, cũng rất ngắn thôi.
… Ngày xưa, vào cái thời chàng trai Huỳnh Văn Gấm còn hoạt động cách mạng ở Nam Bộ (từng là đội trưởng đội du kích thị xã Tân An, Phó bí thư Tỉnh ủy Tân An, đại biểu Quốc hội khóa I), tổ chức có giao cho ông một nhiệm vụ đặc biệt nào đó, mà để giữ bí mật, ông phải có “một gia đình”, để ngụy trang, hay nói khác đi, ông phải “có vợ”.
Thế rồi, một hôm, tổ chức mời ông đến một địa điểm. Ở đó đã có mấy người phụ nữ trẻ đang ngồi đợi. Không khí rất thân mật, vui tươi, tếu táo. Hóa ra, người ta đang “dàn xếp” để ông Huỳnh Văn Gấm “chọn” vợ.
Bản tính Huỳnh Văn Gấm khề khà, hay ngượng, khi được “lệnh” – chọn, ông chỉ biết cười, không dám quyết định… Dĩ nhiên, ông cũng đã kịp nhận ra cô nàng nào xinh nhất.
Lần khân không đi tới kết quả, người ta sốt ruột, bèn “lệnh” tiếp: “Thôi, bây giờ đồng chí nào tình nguyện sắm vai chị Tư thì xin giơ tay!” (Huỳnh Tư là bí danh của Huỳnh Văn Gấm khi ấy).
Mấy cô gái rúc rích, thụi vào hông nhau đun đẩy, cười nghiêng ngả…
Dùng dằng mãi, cuối cùng, cũng có một cô dũng cảm giơ tay. Thực oái ăm, đó lại là cô… “xấu” nhất!
Ai cũng biết, thời trẻ Huỳnh Văn Gấm rất đẹp trai, phong độ trượng phu, khí chất đàn ông, lại rất hào hoa. Tuy nhiên, vì kháng chiến, ông vui mà! Vả, cái thế “bị động” ấy là do ông tự đặt mình vào đấy chứ. He he.
(Tôi viết câu chuyện này chỉ cốt giúp bạn đọc hiểu thêm về sự phong phú của đời sống cách mạng kháng chiến. Nếu có gì bất cập tôi xin được gia đình của ông Huỳnh Văn Gấm lượng thứ).
5. BỨC TRANH “KỲ QUẶC” CỦA NGUYỄN ĐỨC NÙNG
Ông Nguyễn Đức Nùng xưa hay đi dép cao su quai to, người tầm thước, hơi đậm, nhưng lanh lẹn. Giữa ông và bố tôi có một tình cảm anh em rất đặc biệt. Ngày bố tôi bị “vạ lây” với Nhân văn, ông Nùng đã viết một bản “nhận thực” hết sức cảm động để bênh vực, nhất là về thời kỳ ông và bố tôi cùng hoạt động ở Khu 4 cũ trong kháng chiến chống Pháp…
Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 9 (1933-1938), Nguyễn Đức Nùng đã có một phòng tranh cá nhân tổ chức tại Nhà Khai Trí Tiến Đức, và ông cũng đã được bổ nhiệm một chân quản thủ bảo tàng tại Viện Viễn Đông Bác Cổ. Trình độ tiếng Pháp của ông rất tốt. Năm 1973, ông giữ cương vị viện trưởng Viện Mỹ thuật, học hàm phó giáo sư, từng là chủ biên hai công trình nghiên cứu nghệ thuật Lý Trần.
* * *
Nguyễn Đức Nùng vẽ giỏi, không thua kém ai. Bức tranh sơn mài “Bình minh trên nông trang” của ông, khi đem đi triển lãm ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, đã được ca ngợi nhiệt liệt.
Theo lời kể của họa sĩ Hoàng Quy, năm ông Hoàng Quy sang Liên Xô học, có một số người ở bên đó đã hỏi: “Bên nước các bạn đã có Nguyễn Đức Nùng rồi, các bạn còn sang đây học làm gì nữa?” Vậy mà nghe nói, có một thời gian, không biết thế nào, người ta đã tưởng ông Nguyễn Đức Nùng bỏ nghề?!
Đã hơn 40 năm rồi, nhưng buổi trưa ấy, cái buổi trưa mà tôi và bố tôi đến thăm ông Nguyễn Đức Nùng trên đường Nguyễn Du, nay vẫn không hề phai mờ trong tâm trí tôi, với tất cả tinh thần, chi tiết và trình tự các chi tiết của nó.
… Nhà ông Đức Nùng ở gác hai, nhà Tây cũ, rất nhiều ánh sáng vì có cửa sổ lớn. Trong nhà có một bức tranh sơn mài đang vẽ dở, chỉ mới có nét tô cồn đã bóc đi, đen, trên nền bạc, nhưng rõ ràng đã thấy đó là một bức tranh đề tài “Chiến thắng Điện Biên Phủ”, có hầm Đờ-Cát và ba người đứng phất cờ…
Bộ bàn ghế tiếp khách của ông Đức Nùng kê ngay tại đấy. Ngày ấy người ta đi làm thông tầm, ở những ngôi nhà như nhà ông Nùng thường yên ắng tới mức nghe thấy cả tiếng chim hót từ những cây cao vọng vào. Và dưới đây là phần chính của câu chuyện hôm ấy.
* * *
Quả tình, lúc đầu, bố tôi và tôi không để ý gì lắm, và chỉ xem bức tranh bằng thói quen, theo một thứ lô-gíc “hình thức” nào đó mà đến bây giờ tôi cũng chưa thể gọi được tên.
Úi chà chà! Rồi cũng đến lúc chúng tôi phát hiện ra một điều vô lý: Ba người phất cờ trong bức tranh ấy của ông Đức Nùng hình như không hẳn là bộ đội. Hay nói chính xác hơn, họ có vẻ là bộ đội, nhưng sao lại đội mũ lưỡi trai của công nhân?!
Bố tôi hỏi ông Nguyễn Đức Nùng: “Sao ông lại vẽ thế này nhỉ?”
Ông Nùng tỏ vẻ ngạc nhiên, hỏi lật lại: “Ông hỏi sao nghĩa là thế nào?”
“Thế mấy người phất cờ kia là ai?” Bố tôi lại hỏi tiếp.
Bắt đầu hiểu ý người hỏi, ông Đức Nùng cười, chép miệng, ra chiều suy nghĩ.
Sau giây lát, ông gãi mũi, rồi gãi cổ, chạnh môi:
– Là thế này. Ông Đức Nùng nói rất thong thả. Ban đầu tôi phác thảo đúng là có ba anh bộ đội thật. Mà bộ đội thì phải đội mũ của bộ đội. Ai chả biết vẽ như thế mới phải… Nhưng cái ông họ H. bí thư (cũng là một họa sĩ – QV) đã góp ý là tôi vẽ sai.
– Sai? Bố tôi đập bàn gắt lên, rồi lại dịu giọng xuống, thủ thỉ từng tiếng một với ông anh Đức Nùng: Sai – thế – nào?
– Ông ấy bảo, bộ đội cũng là giai cấp công nhân, giai cấp công nhân lãnh đạo, thế mới có thắng lợi. Vậy là tôi đã chữa lại theo ý ông ấy…
Ha ha ha!!!
* * *
Rất may thời ấy đã qua, thời mà ngay cả một nghệ sĩ- trí thức tài danh như ông Nguyễn Đức Nùng cũng đã “từng như vậy” đấy.
Bức tranh ấy của ông Nùng, sau thế nào, tôi cũng không bao giờ được biết nữa…
6. HOÀNG LẬP NGÔN NGƯỜI ĐI TRONG MƠ
Lần cuối cùng tôi được trông thấy cụ Hoàng Lập Ngôn “còn sống” là thấy trên tivi, trong một video clip ca nhạc quay ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Khoảng một hai năm sau, cụ mất ở Hà Nội, thọ 96 tuổi. Đám tang cụ không đông, vì bạn hữu của cụ chẳng còn mấy ai chờ được tới cái ngày ấy. Kỷ lục tuổi thọ của cụ trong giới họa, đến nay mới chỉ có hai người vượt qua: Trần Thanh Ngọc 97 và Nguyễn Tư Nghiêm 98!!!
Từ Bệnh viện Hữu nghị, chiếc xe tang đưa cụ Ngôn chầm chậm đi trên con đường nhựa men theo chân đê… Đó cũng là lần đầu tiên và lần duy nhất tôi được tận mắt thấy cụ “xê dịch” bằng một phương tiện, chứ không phải bằng đôi chân của mình.
* * *
Thực ra, tôi biết và “bạn” với cụ Hoàng Lập Ngôn còn trước cả biết Hoàng Hồng Cẩm, con trai cụ. Hay nói sát với thực tế hơn, thì chính là qua giới thiệu của cụ Hoàng Lập Ngôn tôi mới biết Hoàng Hồng Cẩm.
… Những năm 1980, ngày cụ Ngôn còn ở phố Hàng Dầu, hầu như chiều nào tôi cũng thấy cụ đi bộ bát quanh các phố Hàng Khay, Hàng Bài, Tràng Tiền… Có thể nói, cụ là một trong những người đầu tiên ở Hà Nội chơi mốt thổ cẩm, áo thổ cẩm, túi thổ cẩm, thậm chí mũ thổ cẩm, nên cụ cũng rất dễ “bị” phát hiện. Thi thoảng, cứ hễ thấy cụ là tôi đi theo. Tôi cứ lặng lẽ đi đằng sau, bám theo cụ, có khi còn phải đi rất nhanh vì cụ đột nhiên tăng tốc… Và rồi cũng đến lúc tôi đi vượt lên, chặn lại, để hỏi cụ, luôn luôn với một câu hỏi: “Cụ Ngôn đi đâu đấy ạ?” Thế là hai cụ cháu, hôm chuyện ngắn, hôm chuyện dài, có hôm cụ chỉ cười rồi chia tay.
Một hôm tôi gặp cụ, cũng y như mọi lần, chỉ khác là tôi đi cùng bố tôi. Câu chuyện tào lao hôm ấy rất vui, nhưng chỉ được một lát thì cụ Ngôn bảo: “Thôi, tôi phải đi đây. Nói chuyện với mấy bố cu chán bỏ xừ”.
Sau tôi được cụ Hoàng Lập Ngôn cho biết: Cụ có mở một hộp thư riêng ở Nhà bưu điện Bờ Hồ (ồ, một lối chơi cũ rất Tây), bởi vậy hầu như chiều nào cụ cũng có cái thú vui đi kiểm tra hộp thư… Tôi đem chuyện nói với Hoàng Hồng Cẩm, Cẩm bảo: “Cụ vẫn yiêu”. He he.
* * *
Những năm 1941-1944, cụ Hoàng Lập Ngôn đi vẽ dọc Bắc Nam bằng chiếc xe ngựa “Nhà lăn Mê li” nổi tiếng một thời, ai ai cũng đều đã biết. Thế nhưng, theo lời kể của Hoàng Hồng Cẩm, quãng 1948-1949, cụ Ngôn còn có một chuyến lữ hành sang tận bên nước Pháp nữa, và có lẽ chuyến đi ấy phải được liệt hạng thành một huyền thoại. Nghe nói cụ đi một mình, bằng tàu thủy, chỉ mang theo mấy bao gạo và cái bếp cồn, tự tung tự tác hết. Như để chứng minh, Hoàng Hồng Cẩm còn tặng tôi một tấm ảnh cũ chụp cụ Ngôn đang ngồi ở một quán cà-phê ở Paris, mắt đeo kính sáng lấp lánh, rồi không biết thế nào tôi đã đánh mất tấm ảnh quý ấy.
* * *
Về cuối đời, cụ Hoàng Lập Ngôn hay đi trú rét ở Sài Gòn. Ở Hà Nội, kể từ khi cụ bà mất, cụ thường ở nhà chị Ly, con gái cả, trên phố Đào Duy Từ.
Một buổi tối, tôi và vợ tôi đến thăm thì không thấy cụ đâu, nhưng chị Ly vẫn một mực bảo: “Cụ có nhà”. Hóa ra, vì không muốn hút thuốc nhiều, thuốc lào, nên cụ phải gửi điếu bên hàng xóm, chỉ khi nào thèm quá thì cụ mới sang đấy hút… Lát sau, nghe tiếng ho khục khục, chúng tôi biết cụ đang về. Gặp vợ chồng tôi, cụ không nói, mà chỉ dùng tay ra hiệu rằng cần phải tiếp tục theo cụ leo lên căn gác xép (hình như là thế giới riêng của cụ). Leo lên tới nơi, cụ thở đánh phào một cái (như người vừa rũ được bụi trần), rồi cụ mới vào chuyện.
Về chuyện tranh, cụ bảo “không còn giữ được gì”. Song, nghĩ thế nào, cụ tìm cho chúng tôi xem một bức tranh lụa, không có khung, cứ lật phà lật phật, rồi lại thêm mấy bức “caricature”, mà cụ vẫn gọi là “tinh tướng họa”, nhưng cũng chỉ còn bản photocopy. Xem bức tranh lụa, tôi hỏi cụ: “Mộng mơ hiển hiện, đúng không ạ?” Cụ Ngôn cười tươi, ngạc nhiên hỏi lại: “Sao biết?” Tôi cũng chỉ cười.
Bức tranh lụa vẽ một cô gái trẻ, hình như là người Thụy Điển, tóc dài để xõa, mờ ảo lung linh sương khói, phong cách rất Hoàng Lập Ngôn. Với cái tên gọi ấy, nó đã từng được trưng bày tại một cuộc triển lãm mà tôi đã xem.
… Cuộc gặp buổi tối hôm ấy cũng là lần cuối cùng tôi được gặp cụ Hoàng Lập Ngôn.
* * *
Trong suốt cuộc đời, cụ Hoàng Lập Ngôn đã có tới năm lần triển lãm cá nhân, vào các năm 1940, 1942, 1944, 1954 và 1993, với một số tác phẩm nổi tiếng như “Ngây thơ” (vẽ “cô Nhung”), “Thiếu nữ Việt Nam” (vẽ “nghệ sĩ dương cầm Thái Thị Sâm”) và bộ tranh 10 chân dung văn nghệ sĩ.
Mỗi lần nhớ tới cụ, tôi cứ tự hỏi: Chiếc bánh xe mà cụ Ngôn luôn luôn vẽ bên cạnh chữ ký của cụ, giờ đang lăn ở xứ mộng mơ nào?
7. BỮA CƠM “HỤT” Ở NHÀ ÔNG VĨNH PHỐI
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bố tôi có hai chuyến đi vào phía Nam: 1976 đi Thành phố Hồ Chí Minh, bằng máy bay vận tải C.130, để tổ chức các phòng tranh của các họa sĩ miền Bắc lưu động suốt từ Thành phố Hồ Chí Minh lên Đà Lạt; và 1979, tháng 3, đi Huế (cùng họa sĩ Hoàng Công Luận) để sáng tác và giao lưu với các họa sĩ ở Huế, cũng là để lấy tư liệu phục vụ công tác xuất bản.
Ngày ấy, giữa các họa sĩ Bắc- Nam dường như vẫn còn có một “khoảng cách” nào đó, chưa thật cởi mở với nhau. Trong đợt công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh, theo thư giới thiệu của họa sĩ Trần Văn Cẩn, bố tôi có đến thăm họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Bố tôi kể, vì Trần Văn Cẩn và Nguyễn Gia Trí vốn là bạn học cùng khóa, nên ông Trí hình như đã phải nể tình “cố” tiếp khách Bắc, “chỉ nói với nhau mấy câu xã giao, và không có được một ngụm nước nào”…
Khi vào Huế, nhờ có họa sĩ Phạm Đăng Trí là bạn cũ từ hồi học ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nên bố tôi thấy thoải mái hơn, và qua ông Phạm Đăng Trí, bố tôi và ông Hoàng Công Luận có được biết thêm nhiều họa sĩ khác ở Huế. Và một trong những người ấy chính là họa sĩ Vĩnh Phối.
Theo lời kể của bố tôi, ông Vĩnh Phối là một con người rất đáng yêu, nhẹ nhàng và cực kỳ nhiệt tình, có học thức, vẽ cũng rất mới và có vị lạ rất Huế. Mặc dù bận việc giảng dạy, nhưng ông Vĩnh Phối vẫn dành rất nhiều thời gian để chở bố tôi đi thăm hầu hết các địa danh ở Huế, có hôm còn lên tận khu Sáu Hầm hay Chín Hầm gì đó, bằng chiếc xe Honda cũ. Trời thì nắng chang chang, nhưng hai anh em cứ mải miết đi, rất vui vẻ. (Khi ấy bố tôi 55, còn ông Vĩnh Phối mới 40-41 tuổi).
Trước ngày bố tôi về, ông Vĩnh Phối có hẹn bố tôi và ông Hoàng Công Luận đến chơi nhà ông để ăn một bữa cơm thân mật đúng kiểu Huế và đúng kiểu của “Mệ”. Thật là háo hức quá! Bởi vì không dễ gì có được những dịp như vậy.
Vậy nhưng, có một sự cố bất ngờ đã xảy ra. Ông Vĩnh Phối đã đến “đón” khách sớm hơn dự định, với điệu bộ có vẻ bối rối, không được tự nhiên. Ông bảo: Bữa cơm ấy đã chuẩn bị sẵn sàng… nhưng… thật có lỗi vì phải khất hẹn hai ông anh vào một dịp khác…
Sau, không biết thế nào, bố tôi lại biết được hết sự tình. Nó là như thế này: Ngày hôm ấy, gia đình ông Vĩnh Phối đã làm cơm để đãi bốn năm người khách gì đó. Tuy nhiên có một hay hai người trong số đó bảo rằng họ không “hạp” ngồi với hai ông họa sĩ người Bắc kia, và họ sẽ xin phép được cáo lui nếu hai ông họa sĩ kia đến. Và điều quyết định nhất cho cái kết của câu chuyện này chính là – khi ấy, họ (một hay hai người đó) đã đến trước và đã có mặt tại nhà ông Vĩnh Phối rồi. Bởi vậy, ông Vĩnh Phối đã không còn một sự lựa chọn nào khác cho bố tôi và ông Hoàng Công Luận.
Hôm sau, đúng theo kế hoạch, bố tôi và ông Hoàng Công Luận đã phải trở lại Hà Nội. Nhưng vẫn còn may vì trước đó mấy hôm, cả hai ông đã được thưởng thức cơm “Mệ” thứ thiệt ở nhà ông Phạm Đăng Trí. Đúng là “phúc bất trùng lai”!
Quãng 1983-1986, ông Phạm Đăng Trí hay ra thăm Hà Nội, và lần nào ra Hà Nội ông Phạm Đăng Trí cũng ghé vào thăm bố tôi. Gặp ông Phạm Đăng Trí, bố tôi bao giờ cũng gửi lời hỏi thăm các họa sĩ Huế, những người mà ông gọi là “anh em”, đặc biệt là ông Vĩnh Phối. Bố tôi hay nói: “Vĩnh Phối nó dễ thương lắm”. Và mỗi khi viết hay luận đàm về các họa sĩ ở Huế , bố tôi luôn luôn dành riêng cho ông Vĩnh Phối những tình cảm rất thân thương và trân trọng.
Chuyến đi Huế đó cũng là chuyến đi vào phía Nam cuối cùng của bố tôi. Và tôi cũng không biết sau đó bố tôi và ông Vĩnh Phối có gặp lại nhau lần nào nữa không.
8. “ĐEN-ĐỎ” HAY LÀ MỘT KỶ NIỆM VỚI CÔ THANH NGỌC
Tôi không còn nhớ tôi được biết cô Thanh Ngọc từ bao giờ, nhưng chắc chắn đã rất lâu rồi. Vì cô học cùng và thân với cô Giáng Hương, nên tôi cứ quen gọi là “cô”, chứ thực ra cô còn hơn bố tôi đến mấy tuổi. Với tôi, cô hay gọi thân mật là “mày”, và xưng “tao”.
Khi tôi viết cuốn “Từ điển họa sĩ Việt Nam”, tôi ghi cô Thanh Ngọc sinh năm 1920, nhiều người đã cho là tôi nhầm. Tôi đem chuyện kể với cô, cô Ngọc bảo: “Mày mà nhầm”.
Trong đời nghệ thuật của cô Thanh Ngọc, tôi rất thích mấy chi tiết: Cô đã từng theo học tại lớp bàng thính Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1936-1938) và chỉ tạm thôi sau khi lập gia đình. Hòa bình lập lại, khi đã là người mẹ của năm đứa con, đứa bé nhất mới một tuổi, cô lại quyết tâm học tiếp tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, khóa Tô Ngọc Vân (1955-1957) và đại học chính quy (1959-1963). Thật là một phụ nữ tràn đầy say mê và nghị lực!
Nhà cô Thanh Ngọc ở phố Hàng Bài, gần cơ quan tôi trên phố Hàm Long, nên thỉnh thoảng cô vẫn ghé vào chơi. Hôm thì cô đưa cho dăm bức ảnh chụp tranh, hôm thì cô đưa cho mấy tấm ảnh chụp thời cô còn trẻ, đặc biệt thời kỳ cô học ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, hôm thì cô kể cho tôi nghe đôi câu chuyện cũ. Qua những câu chuyện của cô Ngọc, tôi mới được biết, chẳng hạn ông Lưu Văn Sìn đã lấy tư liệu để vẽ bức tranh sơn dầu nổi tiếng “Cảnh nông thôn thanh bình” ở chùa Thầy, Sài Sơn, khi ông cùng Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tiến Chung đưa học trò về thực tập tại đấy…
Một đoạn hồi ký viết tay cô Ngọc viết về chuyến đi thực tế ở Đại Phong, Quảng Bình (đầu những năm 1960) sau tôi đã “phát triển” lên thành một bài báo đăng trên Tạp chí Mỹ thuật.
* * *
Quãng 1995-1996, ngày bố tôi viết về bức tranh sơn mài “Vườn Đại Phong” của cô Ngọc, ông rất thích cái rợp mát trong veo của bức tranh, nhưng ông lại chỉ có trong tay phiên bản đen trắng. Và ông nghĩ nền của bức tranh chắc chắn phải là màu đen. Viết xong bố tôi hỉ hả lắm, vì nghĩ mình có phát hiện mới.
Thế rồi, một hôm bố tôi bồn chồn bảo tôi: “Bố con mình sang nhà Thanh Ngọc đi”. Tôi cũng không biết lý do vì sao. Sang tới nơi thì thấy cô Ngọc ló qua cửa sổ, bố tôi nói ngay: “Tôi không vào nhà đâu. Tôi chỉ hỏi bà đúng một câu thôi”. Cô Ngọc cười hiền, tỏ vẻ ngạc nhiên, chăm chú đợi nghe.
– Cái tranh Vườn Đại Phong của bà nền đen hay nền đỏ? Bố tôi hỏi (hỏi một cách lo lắng).
– Nền đen. Cô Ngọc trả lời.
– Có thế chứ! Bố tôi thở hắt ra – Nếu đỏ thì tôi “phá sản”.
Rồi bố tôi kéo tay tôi ra về, cử chỉ rất âu yếm, trong khi cô Ngọc “ngơ ngác” nhìn theo.
* * *
Trước cửa nhà cô Thanh Ngọc có một hàng cơm bình dân, ngon và rẻ. Quãng 2009-2010, một buổi trưa tôi và mấy người bạn sang ăn thì thấy cô Thanh Ngọc, cô Giáng Hương, cô Hồng Hải, cô Mộng Bích đang “chén chú chén anh” trong nhà. Thấy tôi cô Ngọc mời vào chơi. Tôi nói đùa với các cô: “Mấy bà già này khiếp quá!” Câu chuyện râm ran hồi lâu, vô cùng vui vẻ. Không ngờ đấy cũng là lần cuối cùng tôi được gặp cô Thanh Ngọc. Nghe nói cô đã chuyển đi ở chỗ khác, ngôi nhà của cô một thời để không, cho đến khi cô mất.
… Cô Thanh Ngọc sống thọ ngang với Nguyễn Tư Nghiêm, 97-98 tuổi. Về cô, tôi đã từng viết: “Một trong những nữ họa sĩ tiêu biểu nhất của nền mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20”.
9. NGUYỄN ĐÌNH THI “MUA CHỊU” SÁCH
Nguyễn Đình Thi là một người đàn ông đẹp. Cái đẹp, nhất là cái tài của ông thì khỏi cần nói. Huy Cận đã từng phát biểu: “Nguyễn Đình Thi là Chủ tịch Liên hiệp văn học nghệ thuật. Và bản thân ông cũng đã là một hội liên hiệp văn học nghệ thuật”. Trong giới văn nghệ, ai vừa tài, vừa đẹp, người ta thường hay ví với Nguyễn Đình Thi. Ở Nguyễn Đình Thi, thời trai trẻ, còn có cái lãng tử, cái phong trần, dọc ngang “kiểu Che” (và có lẽ chỉ thiếu mỗi điếu xì-gà). Sau Nguyễn Đình Thi làm “quan văn nghệ”, trông ông lại “đạo mạo”, có phần khác trước.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Nguyễn Đình Thi đi vào mặt trận Trường Sơn, sáng tác bài thơ “Lá đỏ”. Nhưng chuyến đi sinh tử của ông vòng qua Campuchia để vào tới tận miền Nam, tới tận R, giữa những năm 1960, thì có lẽ không nhiều người biết…
* * *
Nguyễn Đình Thi có mối tình thân với nhiều họa sĩ. Gia đình ông và gia đình Tô Ngọc Vân đã từng cùng nhau vượt bến đò ngang ở Trung Hà để đi lên Việt Bắc. Ở Việt Bắc, Tô Ngọc Vân đã sáng tác tranh cổ động “Hà Nội vùng đứng lên”, lấy cảm hứng từ bài hát “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi, là cái tình của Tô Ngọc Vân đối với Tổ quốc, với Hà Nội, và cũng là cái tình riêng dành cho tác giả “người ra đi đầu không ngoảnh lại, sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”.
Riêng với Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Đình Thi đã có một tình bạn chung thủy, dài lâu. Từ một người bạn ngoài cuộc đời, Nguyễn Tư Nghiêm đã trở thành “anh họa sĩ Tư”, một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết “Vỡ bờ” của Nguyễn Đình Thi.
Có lần, Nguyễn Tư Nghiêm kể với tôi: “Nguyễn Đình Thi đến tôi chơi luôn. Ông ấy bị trĩ, ngồi cứ nhấp nha nhấp nhổm”. Rồi Nguyễn Tư Nghiêm cười “khành khạch”, y như trẻ con. Lúc ấy, tôi chợt nghĩ: Ơ, cái ông cụ già này hay thực, hồn nhiên quá! Đúng là Nguyễn Tư Nghiêm.
Tôi được thấy Nguyễn Đình Thi lần đầu tiên khi tôi mới 13-14 tuổi, quãng 1972-1973. Một buổi tối, ông đến nhà tôi chơi. Úi chà chà! Ông đẹp làm sao, thật lộng lẫy! Người ông cao lớn, vận đồ sẫm, tóc bồng bềnh, đi chiếc xe máy “Xô-lếch” màu đen, bóng loáng (một “kỳ quan” của thời ấy).
Nghe nói ông đang chuẩn bị đi dự một hội nghị nào đó ở Tây Bá-Linh, và cần có một món quà nghệ thuật quý giá để tặng các văn nghệ sĩ người “phương Tây”. Theo lời khuyên của Nguyễn Tư Nghiêm, ông muốn hỏi bố tôi xem có còn tập “Tranh dân gian Việt Nam” nào không? (Hai tập tranh này do bố tôi biên tập và chỉ đạo phục dựng, in theo lối cổ, và do Nguyễn Tư Nghiêm trình bày, đã từng đoạt huy chương vàng IBA tại Hội chợ sách quốc tế Leipzig và Triển lãm sách quốc tế ở Moskva). Kết quả thế nào tôi không được biết, nhưng hình như không được việc, vì số lượng sách làm chỉ có mấy cuốn, không còn đủ cho nhu cầu của ông Nguyễn Đình Thi.
… Nguyễn Đình Thi và bố tôi biết nhau từ trước cách mạng, họ đã cùng hoạt động “văn hóa cứu quốc” và “truyền bá quốc ngữ” bên cạnh ông Đặng Thai Mai. Khi về già, giống như một số người bạn cũ của Nguyễn Đình Thi, bố tôi mới lại có dịp gần gũi ông hơn. Hễ ai trêu bố tôi “nói nhiều”, bố tôi đều bảo: “Nguyễn Đình Thi nói Quang Phòng nói nhiều, nhưng Quang Phòng cũng làm được nhiều đấy chứ. Mày có bằng Nguyễn Đình Thi không?” Hehe.
* * *
Năm 2000, nhân kỷ niệm 990 năm và tiến tới 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, bố tôi và tôi làm cuốn sách “Mỹ thuật Thủ đô Hà Nội thế kỷ 20”. Tôi làm biên tập là chính. Ở chương kháng chiến chống Pháp, tôi đề nghị nên có thủ bút của Nguyễn Đình Thi chép lại đoạn mở đầu ca khúc “Người Hà Nội”.
Bố tôi hưởng ứng: “Hay đấy! Đấy là một sáng kiến”. Bàn xong, bố con tôi rắp tâm thực hiện.
Khổ nỗi, ông Nguyễn Đình Thi quá bận (với chức Chủ tịch Liên hiệp), rất khó gặp, mà thời gian làm sách thì gấp. Tôi và bố tôi đành phải “đánh úp”, vào buổi trưa, nhằm đúng lúc ông Thi nghỉ ở văn phòng, và sau mấy bận như vậy, cũng gặp được ông.
Nghe lời đề nghị, Nguyễn Đình Thi cười, thậm chí có vẻ hơi ngượng (có lẽ vì tôi và bố tôi đến quá đường đột, vấn đề đặt ra lại hơi là lạ), nhưng ông vẫn đồng ý đáp ứng. Ông cặm cụi ngồi kẻ từng dòng khuông nhạc một. Và ông đã chép cho chúng tôi đến hết câu “Hà Nội cháy khói lửa ngợp trời…” Thật là một cao điểm vô cùng hay, khả dĩ mở đầu cho “mỹ thuật Hà Nội từ 1946”!
Khi sách ra, gặp tôi, ông Nguyễn Đức Toàn, nhạc sĩ, họa sĩ, nói mát: “Sách mỹ thuật của các ông có cả nhạc. Oai quá nhỉ! Các ông chơi với Nguyễn Đình Thi chứ chơi gì với tôi”…
Chữ viết của Nguyễn Đình Thi nhỏ, rất nhỏ, cẩn trọng, dễ đọc, và phải nói đúng là rất chân phương, kể cả chữ ký của ông cũng vậy. (Nguyễn Đình Thi học luật, nhưng ông đã trở thành một nghệ sĩ thay vì trở thành một luật sư). Nhìn chữ của Nguyễn Đình Thi, bố tôi đã phải thốt lên: “Một người nhẫn nại”. Cuối đời, Nguyễn Đình Thi có làm một bài thơ “tự trào”, và có tặng anh Triều Dương một bản, tôi chỉ được nghe anh Triều Dương “tả” lại, chứ không cho xem.
* * *
Nguyễn Đình Thi là một người đọc sách. Theo Trần Văn Cẩn, trong tủ sách của Nguyễn Đình Thi có nhiều cuốn sách nghệ thuật thuộc hàng “búa bổ”, chủ yếu bằng tiếng Pháp, “mà không hiểu sao ông ấy đọc được, chứ tôi thì chịu, đọc vào đau đầu lắm”.
… Năm 2001-2002, tôi làm biên tập cho ông Trần Duy cuốn “Cảm luận nghệ thuật”. Trong suốt mấy chục năm làm ở Nhà xuất bản Mỹ thuật, đây là một trong những cuốn sách hay nhất mà tôi đã từng gặp.
Sách in xong, ông Trần Duy vui khôn xiết, mở cả cỗ để chào mừng, cho dù khi ấy ông vẫn còn đang phải ở tạm nhà thuê trên đường Âu Cơ, và tình nguyện không lấy nhuận bút, chỉ xin sách.
Cuốn sách “hoàn hảo” đến mức ông Trần Duy đã phong cho tôi là “cô đỡ” mát tay, và đã có một bạn đọc ở tận Bình Định gửi thư ra, trong thư có câu: “Sách của bác viết rất hay, chỉ thiếu đúng một dấu phẩy quan trọng…” Mà đúng có một dấu phẩy quan trọng bị thiếu thật, trong đoạn nói về vua Quang Trung.
“Tại cậu chứ không phải tại tớ đâu nhé” – ông Trần Duy nói với tôi. Tôi chỉ cười, vì nếu cứ chiếu theo bản thảo gốc của ông Trần Duy, thì chỉ riêng về dấu phẩy, ông không chỉ viết thiếu một, mà là cả một gánh dấu phẩy. Khi ấy ông Trần Duy đã trên 80 tuổi.
Phản hồi về cuốn sách rất tốt. Không chỉ cụ Vũ Khiêu, ông Huy Cận, ông Nguyễn Đình Thi khen, mà còn có rất nhiều họa sĩ khen cuốn sách.
… Thế rồi, một buổi sáng sớm, tiết trời se lạnh, tôi vừa đến cơ quan thì thấy cô Hương, cán bộ phát hành của nhà xuất bản, báo: “Bác Nguyễn Đình Thi vừa qua lấy một cuốn Cảm luận nghệ thuật của ông Trần Duy, nhưng… chưa trả tiền”, và “vì bác ấy bảo quên mang tiền”… và “vì bác ấy quen anh và ông Trần Duy nên em mới cho chịu”, vân vân và vân vân.
(Cuốn sách được ghi giá 175.000 đồng, mà tính theo thời giá bây giờ là khoảng trên một triệu).
Nghe vậy, tôi cười, nói với cô Hương: “Yên tâm đi. Bác Nguyễn Đình Thi đọc sách của nhà xuất bản mình là quý lắm rồi. Để anh nói với chú Trương Hạnh biếu bác ấy. Không thì anh trả. Thế đã được chưa?”
Thấy câu chuyện quá ngộ, tôi bèn gọi ngay cho ông Trần Duy. Ông Trần Duy khoái trá reo lên: “Sách của tớ chúa thế chứ!”, và chỉ thắc mắc: “Ơ hay! Tớ biếu sách ông ấy rồi cơ mà?!”
Nói xong, ông Trần Duy liền gọi tiếp cho ông Nguyễn Đình Thi, rồi lại gọi cho tôi, bảo: “Tiền sách ông Thi để tớ trả nhé”. Tôi trả lời: “Cụ cũng không phải trả đâu…”
Sau tôi đem chuyện nói với anh Trương Hạnh, giám đốc, anh chỉ cười “hì”, tỏ vẻ đồng tình với tôi…
Sự tình rốt cuộc là như thế này: Ông Trần Duy đã biếu sách của ông cho Nguyễn Đình Thi, nhưng khi ông Nguyễn Đình Thi đang mải mê xem thì bị cô cháu nội “cướp”… vì sách hay quá!!! Vậy là ông Thi đành phải kiếm ngay một bản khác để thay thế.
Có điều lạ, cuốn sách ấy, cho đến nay, hình như vẫn còn nằm trong danh mục “sách đã bán” (chưa thu tiền), chứ không phải trong danh mục “sách biếu”, hiện lưu ở nhà xuất bản. Điều đó cũng có nghĩa, chưa có ai nhớ để cho cuốn sách có một “danh nghĩa” rõ ràng, kể cả ông Trần Duy, cả anh giám đốc Trương Hạnh, cả tôi nữa.
Tình cảm con người thật lạ. Đôi khi nó có thể làm ta quên đi những nguyên tắc, những thủ tục do chính chúng ta đặt ra, và tự giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống theo cách rất riêng của nó.
Ông Nguyễn Đình Thi đã mất. Ông Trần Duy và anh Trương Hạnh cũng đều đã ra đi. Bởi vậy tôi muốn viết lại câu chuyện này như để làm một thứ “chứng từ” cho cuốn sách mà ông Nguyễn Đình Thi đã “mua chịu”, một cuốn sách hay của Trần Duy.
Không biết giờ cuốn sách ấy đang ở đâu?
Yêu nghệ thuật trăm năm quá ngắn
Làm “kiếp người” một tuổi, dài ghê
Dẫu biết làm gì có thời gian (như Albert Einstein hay Nguyễn Gia Trí đã khẳng định), nhưng chúng ta vẫn cần phải chấp nhận thời gian như một thước đo cho lịch sử và mỗi cuộc đời con người… Tuy nhiên, thời gian, cũng như không gian, đều mang tính tương đối. Và đôi khi, người nghệ sĩ, bằng cuộc đời và tác phẩm của mình, đã tạo ra được cái “hằng sống” mà ta vẫn gọi là cái bất tử.
Có lẽ bởi vậy, tôi lại phải dùng lại hai câu thơ ấy của cụ Đào Mộng Long, hai câu thơ đã kết thúc cho Mùa I (“Những nghệ sĩ kỳ lạ, những câu chuyện kỳ lạ, những kỷ niệm kỳ lạ”, Tạp chí Mỹ thuật số Xuân Đinh Dậu 2017), để kết thúc cho chín câu chuyện của Mùa II này.
Quang Việt
(*) Bài viết đã được đăng trên Tạp chí Mỹ thuật số 301 & 302 tháng 1 – 2 năm 2018