Cú lừa đảo tranh giả lớn nhất trong lịch sử

 

Một trong các bức tranh giả của hắn được treo trong một cuộc triển lãm ở Bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan. Steve Martin từng mua một bức tranh giả khác của hắn. Và nhiều bức khác đã được bán đấu giá, mang tới cho hắn nhiều triệu đô. Gã người Đức tự cho mình là một tay hippie này đã thực hiện thắng lợi một trong những cú lừa đảo lớn nhất, sinh lợi nhất trong lịch sử thế giới mỹ thuật như thế nào? Và hắn đã bị tóm ra sao?

Không ai ở Freiburg nhớ nổi có một bữa tiệc nào giống kiểu đó hay chăng. Đó là ngày 22/9/2007, đôi vợ chồng Wolfgang và Helene Beltracchi, hai cư dân mới giàu có ở cái làng đại học sôi nổi gần Rừng Đen của Đức này, đã mời bạn bè và hàng xóm tới ăn mừng một sự kiện trọng đại. Thợ thầy vừa kết thúc những chi tiết công trình cuối cùng của cái villa giá 7 triệu đô của họ, sau 19 tháng cải tạo và mở rộng thêm. Đèn lồng sáng rực khắp con đường đi bộ rải sỏi dẫn tới ngôi nhà trên đồi, một tòa nhà với mặt tiền lắp kính và gỗ thông Siberi, rầm thép, sàn lát đá màu nhạt, và đầy ắp những tranh tượng đương thời trong mỗi phòng. Nhân viên của khách sạn hạng sang Colombi ở Freiburg – nơi vợ chồng Beltracchi từng cư ngụ trong một căn phòng giá 770 đô/đêm vào thời gian đang sửa nhà – đã chuẩn bị đủ đồ ăn thức uống, bao gồm những chai sâm-panh thượng hạng cỡ lớn. Thậm chí đôi vợ chồng còn thuê cả một nhóm vũ công flamenco bốn người tới từ Granada để phục vụ cho 100 khách khứa.

Wolfgang Beltracchi trong Tòa án Cologne, mùa thu 2011. Ảnh đính kèm: Tranh đỏ với đàn ngựa, được cho là tác phẩm của họa sĩ trường phái biểu hiện Đức Heinrich Campendonk, do Beltracchi làm giả; nó được bán đấu giá với giá 3,6 triệu USD năm 2006.

Những điệu ba-lát Tây ban Nha vang vọng từ khắp sân vườn cho tới khu hồ bơi che kính. Bên trong, khách dự tiệc hau háu nhìn một bức tranh cỡ lớn của họa sĩ lập thể người Pháp Fernand Léger. Một số khác ngắm nghía những tác phẩm sắp đặt bày đầy khắp tòa nhà, bao gồm Cái bàn Baghdad, một mô hình cách điệu rắc rối của thủ đô Iraq, sáng tác của nhà thiết kế công nghệ người Israel Ezri Tarazi. Từ sân hiên, họ nhìn xuống ánh đèn của cái thành phố trung cổ xa xa bên dưới. Wolfgang, một gã đàn ông 56 tuổi, tóc dài, trông hao hao giống họa sĩ Đức Albrecht Durer, và Helene, một phụ nữ 49 tuổi ra vẻ ngây thơ với mái tóc nâu buông xỏa tới eo, không hề tiếc tiền của để thông báo sự hiện diện của họ ở Freiburg. “Ai cũng choáng cả hồn,” Michel Torres nhớ lại; anh là người đã thay mặt vợ chồng Beltracchi thuê nhóm vũ công flamenco và là bạn cùa họ trong thời gian họ sống ở miền nam nước Pháp. “Không thể nào quên được bữa tiệc đó.”Thế nhưng trộn lẫn với sự ngưỡng mộ trước phong cách và thị hiếu của đôi vợ chồng này là một cảm giác khó chịu. Không ai trong số các kiến trúc sư, luật sư, giáo sư đại học, và các cư dân Freiburg khác biết tí gì về xuất xứ của chủ nhà, hay họ đã làm giàu bằng cách nào. Magali Richard-Malbos, một trong số bạn bè người Pháp của đôi vợ chồng, nhớ lại, “Một phụ nữ (Đức) hỏi tôi, ‘Tay này là ai vậy? Anh ta là một siêu sao nhạc rock à?’ Và tôi đáp, ‘Không, không. Anh ta là một nghệ sĩ, một nhà sưu tập.’’’

Nói một cách nghiêm túc, điều đó đúng. Phải thêm ba năm nữa sự thật về việc Beltracchi là loại nghệ sĩ gì mới lộ ra.

‘Câu hỏi lớn mà mọi độc giả đều muốn biết là vì sao và bằng cách nào một cá nhân trở thành một tay làm tranh giả?’ Wolfgang Beltracchi nói với tôi. Đó chỉ là một cách tỏ ra khiêm tốn: thật sự, Beltracchi chính là chủ mưu của một trong những vụ làm giả tranh đắt giá nhất trong lịch sử châu Âu hậu chiến. Trong suốt nhiều thập kỷ, tay họa sĩ tự học này, kẻ từng sống lăn lóc ở Amsterdam, Morocco, và nhiều nơi khác trên bước đường giang hồ, đã chào bán những bức tranh mới vẽ của mình với tư cách những tuyệt phẩm của Max Ernst, André Derain, Max Pechstein, Georges Braque, và nhiều họa sĩ biểu hiện và siêu thực khác hồi đầu thế kỷ 20. Helene Beltracchi, cùng với hai đồng sự khác – bao gồm em gái mình – đã bán những bức tranh với giá sáu hoặc bảy con số thông qua các sàn đấu giá ở Đức và Pháp, bao gồm Sotheby’s and Christie’s. Một tranh giả Max Ernst đã treo suốt nhiều tháng trong một cuộc triển lãm hồi tưởng quá khứ ở Bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan New York. Steve Martin đã mua một tranh giả Heinrich Campendonk thông qua phòng tranh Cazeau-Béraudière ở Paris với giá 860.000 đô năm 2004; đại gia ngành xuất bản tạp chí người Pháp Daniel Filipacchi đã trả 7 triệu đô cho một tranh giả Max Ernst, có tên là Khu rừng năm 2006. Với 14 tranh giả đã bán được, họ kiếm được khoảng 16 triệu euro hay 22 triệu đô Mỹ. Tổng thu của họ trong nhiều năm hẳn phải hơn thế rất nhiều.

Tôi gặp hai vợ chồng này hồi mùa đông năm ngoái tại phòng khách của tay luật sư của họ ở Surth, một ngoại ô thịnh vượng của Cologne. Những ô cửa sổ rộng trông ra một khu vườn phủ tuyết, và ngay mé ngoài là dòng sông Rhine đóng băng trong buổi sáng chói chang và lạnh giá này. Sau những cuộc đàm phán rắc rối, họ đã đồng ý kể cho tôi nghe câu chuyện của mình.

Beltracchi, với cái quần jean và áo khoác xanh nhạt, vẫn toát ra phong thái của một tay lừa đảo. Mái tóc dài chấm vai vàng rực của hắn, cùng với bộ ria vàng và bộ râu dê hơi ngã xám, khiến hắn trông hao hao giống một tay giang hồ hảo hán trong Ba người lính ngự lâm, pha thêm chút xảo trá. Trông hắn trẻ đến không ngờ ở tuổi 61, với một ngoại hình được nâng cao bởi một cuộc phẫu thuật mí mắt trên và dưới mà hắn đã tiến hành tại một thẩm mỹ viện ở miền nam nước Pháp sáu năm trước. Helene, với cái áo len cổ lọ màu xanh trời và những lọn tóc buông xõa tới eo, rõ ràng đã cố hết sức duy trì dáng vẻ thiếu nữ của mình. Cô nàng đắm đuối nhìn ông chồng trong lúc hắn bắt đầu giải thích điều đã lôi kéo hắn vào cuộc sống của một tội phạm.

“Rõ ràng người ta phải đầu tư khá nhiều thời gian để đạt được thành công bằng cách tự sáng tác,” hắn nói với tôi, không chút giấu giếm cái mà người Đức gọi là Selbstgefulligkeit, hay tự mãn. “Tôi luôn là một kẻ muốn rong ruổi đó đây… Đối với tôi, cuộc sống là ở bên ngoài ngôi nhà chứ không phải bên trong.”

Tranh do hắn vẽ khi không làm giả tranh: Cú rơi của các thiên thần (The Fall of the Angels), một tác phẩm của Wolfgang Beltracchi. Ảnh: Joshua Hammer

Beltracchi, tên cúng cơm là Wolfgang Fischer, chào đời năm 1951 ở Hoxter, một ngôi làng ở Westphalia, vùng trung bắc nước Đức. Cha hắn là một thợ sơn nhà kiêm thợ phục chế các nhà thờ, kiếm thu nhập bằng cách tạo ra những bản sao rẻ tiền của Rembrandts, Picassos, và Cézannes. Beltracchi thừa kế kỹ năng cầm cọ của cha mình, và đã nâng nó tới một tầm cỡ mới: ở tuổi 14 hắn đã làm cho cha mình kinh ngạc, hắn kể, bằng cách vẽ một tranh giả Picasso coi được trong chỉ một ngày – “một bà mẹ và đứa con trong Thời kỳ Xanh” và bổ sung thêm những hoa văn gốc. Ba năm sau, hắn theo học một trường mỹ thuật ở Aachen, nhưng kết thúc bằng cách nhảy cóc hầu hết các lớp. Đó là vào cuối thập niên 1960, “thời đại hippie”, Beltracchi nói. Hắn để tóc dài, mua một chiếc Harley-Davidson, hút thuốc lá hashish rồi chuyển sang L.S.D. với những tay lính Mỹ đóng quân ở một căn cứ NATO trên đường từ Việt Nam về nước. “Nhiều người trong số họ đã trở nên điên khùng chút chút vì cuộc chiến,” Beltracchi nhớ lại. “Một số trở thành bạn của tôi.”

Trong thập niên 1970 và 1980, chàng trai trẻ Wolfgang Fischer sống một cuộc đời rong ruổi đó đây – giống như Peter Fonda trong in phim Easy Rider, Helene nói. Hắn trải qua một năm rưởi trên một bãi biển ở Morocco, và từng sống ở một làng quê ở Tây Ban Nha. Hắn trôi nổi khắp Barcelona, London, và Paris, mua bán tranh ở các khu chợ đồ cổ. Hắn sống trên một chiếc nhà thuyền ở Amsterdam, nơi hắn tổ chức những show diễn ánh sáng ảo giác ở hộp đêm Paradiso. Hắn đạt được một số thành công sớm với tư cách một họa sĩ với sáng tác của chính mình, đóng góp ba tác phẩm cho một cuộc triển lãm uy tín ở Munich năm 1978. Nhưng, theo thú nhận của chính hắn, hắn khoái cuộc sống ngoài vòng pháp luật hơn. Một hôm, trong những chuyến lang thang, hắn mua một cặp tranh phong cảnh mùa thu của một họa sĩ vô danh người Hà Lan với giá 259 đô mỗi bức. Trước đó Fischer đã nhận thấy những tranh phong cảnh hồi thời còn mô tả những người trượt băng có giá cao gấp năm so với những tranh không có người trượt băng. Trong xưởng vẽ của mình, hắn cẩn thận vẽ một đôi đang trượt băng vào tranh và bán lại với một khoản lời đáng kể. Ba mươi năm trước, những tranh giả khó phát hiện hơn bây giờ, hắn nói với tôi. “Chúng không phải là những tranh giả đầu tiên do tôi làm, nhưng chúng là một bước quan trọng.” Sau đó ít lâu, hắn mua những khung tranh cũ bằng gỗ và những tranh vẽ cảnh trượt băng bán xôn, rồi bán lại chúng như các tác phẩm của những họa sĩ tiền bối bậc thầy.

Năm 1981, Fischer cố gắng duy trì một việc làm bình thường. Hắn và một tay nhà buôn địa ốc ở Dusseldorf thành lập một hãng mua bán tranh, Kurten & Fischer Fine Arts GmbH. “Tôi phải ngồi lì trong một văn phòng, và tôi nhanh chóng nhận ra rằng tôi ghét công việc đó,” Beltracchi nói. Không lâu sau đó, hắn rút lui khỏi hãng, đổ lỗi cho sự cẩu thả của người cộng tác, và khi phải đối mặt với những khó khăn về tiền bạc, hắn bắt đầu chuyển sang làm tranh giả.

Hắn chuyển từ các bậc thầy tiền bối sang các họa sĩ Pháp và Đức đầu thế kỷ 20, một phần vì dễ tìm màu vẽ và khung ở thời kỳ đó hơn. Các bức tranh giả ra đời theo “đợt”, tùy vào nhu cầu tiền mặt của hắn. “Đôi khi, tôi vẽ 10 bức một tháng, rồi suốt sáu tháng sau không vẽ bức nào.” Trong số tranh hắn chuyên làm giả có tác phẩm của họa sĩ biểu hiện Đức Johannes Molzahn, người đã bỏ trốn khỏi chế độ phát xít và tị nạn ở Mỹ năm 1938; Fischer đã bán hơn chục bức tranh giả Molzahns, thu được khoảng 45.000 đô. (Thậm chí có một bức được mua bởi chính vợ góa của họa sĩ này.) Hắn bảo hắn đã tìm cách đưa được ba bức tranh giả theo ba họa sĩ khác nhau vào một cuộc đấu giá đơn được tổ chức bởi nhà buôn tranh Jean-Louis Picard ở Paris năm 1991.

Vào giữa thập niên 1980, Fischer cũng bắt đầu vẽ những tranh giả theo phong cách Heinrich Campendonk, một họa sĩ biểu hiện khác ở Hạ lưu sông Rhine. Bị những người theo chủ nghĩa phát xít kết án là một “nghệ sĩ suy đồi” ông chạy trốn sang Hà Lan không lâu sau khi phe này lên nắm quyền lực. Trong thời kỳ này, Andrea Firmenich, một nữ học giả mỹ thuật trẻ người Đức ở Bonn, đang thu thập một danh mục đầy đủ các tác phẩm của Campendonk với sự hỗ trợ của con trai ông ta; Beltracchi nói “năm hoặc sáu” bức tranh giả của hắn đã lọt vào danh mục của Firmenich. “Điều này thật sự xuất sắc,” Ralph Jentsch nhận định; là một chuyên gia về mỹ thuật hiện đại, sau này ông ta đã đóng một vai trò quan trọng trong việc vạch trần sự giả mạo của vợ chồng nhà Beltracchi. “Nó cho thấy tiềm năng tội phạm của anh chàng này… Nó cũng cho thấy Firmenich đã bất cẩn như thế nào.” Về phần mình, Firmenich chống chế rằng tác phẩm của Campendonk nhiều đến bất thường (hơn 1.200 bức), và có hai chuyên gia khác tư vấn cho bản danh mục, và “không chuyên gia nào không phạm phải sai lầm.” Cô xuống nước với chi tiết sâu hơn, “Tổn hại đối với cá nhân tôi lớn đến độ tôi không thể nói bất cứ điều gì ‘chính thức,’ cô viết cho tôi trong một email. “Tổn hại đối với các chuyên gia rất lớn, và cái cách công chúng xem Beltracchi như một người hùng thì ngu xuẩn đến độ tôi hy vọng anh có thể hiểu ý của tôi.”

Cũng trong thời gian này, khi la cà ở quán cà phê giới họa sĩ hay lui tới, Fischer đã kết bạn với Otto Schulte-Kellinghaus, kẻ mà hắn khoái giới thiệu là Bá tước Otto. Theo lời Beltracchi, thiếu chuyên môn nhưng lại nôn nóng muốn gia nhập vào giới mỹ thuật, chẳng bao lâu Schulte-Kellinghaus được coi như là thủ lĩnh trong kế hoạch leo thang của hắn.

Helene Beltracchi không mấy ấn tượng với Wolfgang Fischer khi họ gặp nhau lần đầu. Đó là tháng 2/1992, và Helene – một nhà buôn bán tranh cổ không chuyên, lớn lên ở Bergisch-Gladbach, gần Cologne – đang sống với bạn trai lâu ngày của mình và làm cho một hãng phim Cologne. Vào thời điểm đó, Fischer, đang sống chung trong căn nhà lớn mà hắn đã mua và sửa lại ở gần Viersen với cô bạn gái cũ và đứa con trai bốn tuổi của họ. Thị trường mỹ thuật đã rơi tới đáy trong cuộc chiến Vùng vịnh 1990-1991, và Fischer phải tạm thời đình chỉ hoạt động giả tranh. Lúc đó hắn viết và tung ra một phim tư liệu tự bỏ tiền túi làm, nói về những tên cướp biển, mà hắn hy vọng sẽ bán được cho giới làm truyền hình châu Âu. Với số tiền kiếm được từ những tranh giả mạo, Fischer đã mua một chiếc thuyền buồm dài 80 bộ và thuê một thủy thủ đoàn 5 người. Hắn đang chuẩn bị dong thuyền vòng quanh thế giới, từ Majorca tới Madagascar rồi tới Nam Mỹ, theo lộ trình của những tên cướp biển lịch sử và đương thời, từ Sir Francis Drake tới bọn cướp biển ở Nam Hải.

Ông chủ của Helene là một người hậu thuẫn cho kế hoạch này, và một hôm Wolfgang xuất hiện ở hãng phim để cắt bỏ một số cảnh phim đầu. Helene gặp hắn lần đầu trong một phòng biên tập trailer. “Tôi nghĩ gã này là đúng là một tay khoác lác và điên rồ,” cô nàng nói. Nhưng trong một cuộc hội thảo kéo dài một tuần về sản xuất phim 16 mm do Fischer tổ chức, “Tôi thấy rằng anh ấy là một người cầu toàn tuyệt đối, thông minh, có học thức, và hoàn toàn cởi mở, một con người của xã hội,” cô nàng nói. Fischer chết mê cô nàng 34 tuổi hấp dẫn, trông vẫn như thiếu nữ này: “Khi nhìn thấy cô ấy lần đầu, tôi tự nhủ, mình sẽ cưới người phụ nữ này và có con với cô ta,” hắn nói với tôi. Cuối cuộc hội thảo, cô nàng chia tay với bồ cũ và chuyển tới sống với Fischer. Cũng vào thời gian đó, bộ phim tư liệu thất bại trong niềm oán hận, con thuyền và đoàn thủy thủ bị bỏ mặc nằm ì ở Majorca. (Helene bảo Fischer đã cho đứt chiếc thuyền, chịu mất khoảng 100.000 đô, và đã thanh toán tiền cho đám thủy thủ.) Tháng 2/1999 họ kết hôn, và Wolfgang lấy họ của Helene Beltracchi. Con gái họ, Franziska, chào đời chín tháng sau.

Helene Beltracchi đóng giả làm bà ngoại của mình, trong một tấm ảnh giả cổ được ngụy tạo để tạo uy tín cho lai lịch hư cấu của các bức tranh giả của Wolfgang Beltracchi. Trên tường mé bên trái là một tranh giả Fernand Léger; ở mé x bên phải là một tranh giả Max Ernst

Helene Beltracchi nói với tôi rằng cô nàng đã phát hiện ra sự thật về nghề nghiệp bí mật của Wolfgang vào “ngày đầu hoặc thứ hai” trong mối quan hệ của họ. Họ đang ở nhà của hắn ở Viersen, và cô nàng chú ý tới tranh của một số họa sĩ nổi tiếng thế kỷ 20 đang treo trên tường. “Tôi hỏi ảnh, ‘Mấy bức này có đúng là tranh thật không?’ Và ảnh đáp, ‘Chúng là của tôi… tôi đã vẽ chúng.’ Tôi nói, “Vậy là anh là một tay làm giả tranh hả?” Và anh ta đáp, ‘Chính xác. Đó là công việc của tôi. Đó là nghề nghiệp của tôi.’”

Không lâu sau phát hiện đó, Wolfgang đề nghị Helene thông đồng với mình. Đó là năm 1992, và sau ba năm đình trệ của thị trường mỹ thuật, giá cả lên trở lại, được nạp nhiên liệu bởi số tiền chảy vào từ Nhật. Wolfgang quyết định bán một số tranh giả, và – sau khi giải quyết “các vấn đề làm ăn” với đối tác cũ Schulte-Kellinghaus – hắn cần một người môi giới mới. “Ông xã tôi hỏi tôi, “Em có muốn làm một việc không?’” Helene nhớ lại. “Tôi nghĩ, Chà, mình hãy suy nghĩ về việc đó. Tôi biết nó là gì, và biết nó bất hợp pháp.” Nhưng cô nàng đồng ý. Không lâu sau đó, cô nàng thông báo với Lempertz, một sàn đấu giá sành điệu ở Cologne, rằng mình có một bức tranh cần bán của họa sĩ lập thể Pháp đầu thế kỷ 20 Georges Valmier. “Nó được treo trên tường [ở Viersen], và họ cử một chuyên gia tới, Helene nhớ lại. “Cô ta nhìn khoảng vài phút, nói rằng nó rất tuyệt, rồi hỏi, ‘Chị muốn bán nó bao nhiêu?’” Họ thống nhất giá là 20.000 mark. Đó là một số tiền khiêm tốn, nhưng khi thị trường nóng lên, hai vợ chồng theo dõi giá trị tăng vùn vụt của bức tranh Valmier giả; chỉ vài năm sau nó được bán đấu giá ở New York với giá 1 triệu đô.

Helene nhận ra cuộc thử sức với cái nghề phi pháp này rất thú vị, và khao khát có thêm. “Đầu tiên, nó giống như sống trong một cuốn phim,” cô nàng nói. “Như thể nó không dính dáng gì tới tôi. Đó là một con người khác – một người buôn tranh, mà tôi đang thủ vai.” Cô nàng không thể tin nổi việc lừa bịp sàn đấu giá lại dễ dàng như thế. “Thông thường, một cá nhân sẽ nghĩ rằng mấy chuyên gia đó sẽ nghiên cứu bức tranh và tìm chứng cứ cho lai lịch của nó. [Chuyên gia chứng thực] chỉ hỏi hai ba câu, rồi ra về trong vòng 10 phút.” Một đại diện pháp lý cho Lempertz nghi ngờ các lý lẽ của Helene, nhưng xác nhận rằng sàn đấu giá đã thật sự bán được bức tranh.

Ba năm sau, Helene giới thiệu với giới mỹ thuật “bộ sưu tập” mà cô nàng tuyên bố là đã thừa kế từ người ông kinh doanh kỹ nghệ vừa mới qua đời của mình, Werner Jagers. Ông này chào đời ở Bỉ nhưng tạo dựng sự nghiệp ở Cologne và thật sự là ông ngoại của Helene; ông đã từ hôn với bà ngoại sau Thế chiến II, Helene nói, và cô nàng chỉ có một cuộc gặp ngắn ngủi với ông ngay trước khi ông chết ở tuổi 82 vào năm 1992. Câu chuyện mà cô nàng kể với các ông chủ phòng tranh và nhà sưu tập là thế này: một trong những người bạn của J#gers vào các thập niên 1920 và 1930 là một nhà buôn tranh và nhà sưu tập nổi tiếng người Do Thái tên là Alfred Flechtheim. Năm 1933, nhiều tháng sau khi Adolf Hitler lên nắm quyền, Flechtheim chạy trốn sang tị nạn ở Paris, và nhà nước phát xít tịch thu các phòng tranh của ông ta ở Dusseldorf và Berlin. Nhưng trước sự kiện này, theo lời của Helene, Flechtheim đã bán nhiều tác phẩm với giá rất hời cho Jagers, kẻ cất giấu chúng trong ngôi nhà miền quê của mình ở vùng núi Eifel, gần Cologne, an toàn trước sự cướp bóc của quân phát xít.

Thật sự, dù Jagers và Flechtheim là láng giềng ở Cologne thời kỳ trước chiến tranh, đường đi của họ hầu như chắc chắn không bao giờ giao nhau; Jagers trẻ hơn Flechtheim 34 tuổi và hẳn chỉ mới hết tuổi thiếu niên khi được cho là thu thập bộ sưu tập mỹ thuật; ngoài ra, theo Helene, ông ta là đảng viên phát xít vào thập niên 1930 và do đó không có khả năng là một kẻ hâm mộ mỹ thuật “suy đồi” và là bạn thân với một nhà buôn tranh Do Thái. Nhưng các chi tiết này không bao giờ bị tra hỏi bởi các chuyên gia của giới mỹ thuật. Helene nói rằng cô nàng đã bịa ra lịch sử giả tạo đó ngay tại chỗ sau khi một chuyên gia của Christie’s yêu cầu cô nàng giải thích về lai lịch của bức Cô gái với chim thiên nga, được cho là của Heinrich Campendonk. “Tôi không dự tính trước bất kỳ điều gì,” cô nàng khẳng định. “Nhưng câu chuyện về Jagers nghe rất có lý. Ông ngoại tôi làm ăn tại Cologne. Flechtheim có một phòng tranh ở Cologne. Ông tôi sống ở Krefeld, và họa sĩ này cũng vậy. Vì thế tôi có thể dễ dàng nói rằng tất cả bọn họ có mối liên hệ với nhau.” Để giúp giải thích của Helene đáng tin cậy hơn, Wolfgang ngụy tạo một tấm ảnh đen trắng trong đó Helene thủ vai bà ngoại của mình, Josefine Jagers. Mặc một cái váy đen và đeo một xâu chuỗi ngọc trai, “Josefine” ngồi tạo dáng trước nhiều bức tranh trong “Bộ sưu tập của Jagers.” Tấm ảnh hơi nhòa, và được in trên giấy ảnh thời tiền chiến.

Bức Cô gái với chim thiên nga trở nên nổi bật trong một cuộc đấu giá tranh Đức và Áo của Christie’s vào tháng 10/1995. Trong cuốn danh mục — chuyên gia về tranh của Campendonk — Andrea Firmenich ca ngợi cách nhà họa sĩ sử dụng màu và Christie’s thông báo với các khách hàng của mình rằng Firmenich đã xác nhận lai lịch của tác phẩm. Để củng cố thêm cho trò bịp, Wolfgang Beltracchi đã dán vào phía sau khung tranh, lần đầu tiên, một tấm nhãn lấy từ “Sammlung Flechtheim” – Bộ sưu tập Flechtheim. Tấm nhãn thể hiện một hình biếm họa của Alfred Flechtheim, nhà sưu tập Do Thái được cho là đã cung cấp nhiều tranh cho Jagers. Với ý thức trách nhiệm, Christie’s xác nhận trong cuốn danh mục lai lịch của bức Cô gái với chim thiên nga như sau: “Alfred Flechtheim, Dusseldorf; Werner Jagers, Cologne.” Nó được bán với giá 67.500 euro- hơn 100.000 đô vào thời đó. “Đây là một trường hợp khá khác thường,” Christie’s trả lời cởi mở hơn khi được hỏi về sự cố này và vụ kiện vợ chồng Beltracchi và nói thêm, “Chúng tôi đã tiến hành các bước phù hợp để giải quyết vấn đề này.”

Năm 1995, quá khứ đe dọa đuổi kịp Wolfgang Beltracchi. Sau khi vụ việc được tường thuật trong tạp chí Đức Der Spiegel, một cuộc điều tra khoa học được khởi xướng ở Munich bởi người mua bức tranh được cho là của Molzahn, tên gọi là Erigone và Maira, đã xác định rằng bức tranh đó, và hai bức khác, là đồ giả mạo; một bức gọi là Bố cục tuyến màu (Linear Color Composition), được cho là vẽ vào đầu thập niên 1920, chứa chất liệu màu chỉ mới được phát minh vào năm 1957. Cảnh sát ngờ rằng Beltracchi và Schulte-Kellinghaus có liên quan tới việc bán các tác phẩm giả mạo đó. Tuy nhiên, vì quy định giới hạn năm năm đã hết, họ chỉ có thể triệu tập hai gã này với tư cách là nhân chứng về chất liệu trong một cuộc điều tra tập trung vào nhà buôn tranh Berlin, kẻ đã thực hiện vụ mua bán những tranh giả Molzahns. Giữa năm 1996, cảnh sát triệu tập Schulte-Kellinghaus để điều tra, và bắt đầu nhìn sang Beltracchi.

Beltracchi đang thực hiện một tranh giả Max Ernst hồi đầu năm 2012 ở thị trấn Bergisch Gladbasch, Đức.

Tháng 7 năm đó, vợ chồng Beltracchi bán tống bán tháo ngôi nhà ở Viersen với giá 1,7 triệu đô, mua một chiếc xe Winnebago, sơn lại bên trong màu hồng và lam ngọc, rồi vọt sang Tây Ban Nha, rồi miền Nam nước Pháp. Nhiều năm sau, hắn bị ốm và cần thay đổi không khí. “Chúng tôi đang chạy trốn,” hắn nói với tôi, và dù không gặp khó khăn gì, họ hầu như không thông báo cho bất cứ một ai đích đến cuối của của mình. Một người láng giềng ở Viersen chỉ báo với cảnh sát rằng họ đã lên đường “du lịch vòng quanh thế giới”. Trong chừng mực cảnh sát Đức nắm được thông tin, vợ chồng Beltracchi đã biến mất.

Họ đỗ chiếc Winnebago ở một điểm cắm trại tại Marseillan, cạnh Vịnh Thau, nổi tiếng về bãi nuôi sò, và nhanh chóng thu hút một đám đông họa sĩ, nhà văn và các dạng người có óc sáng tạo khác. Michel Torres, một giáo viên ở Marseillan, gặp Wolfgang lần đầu ở trường học địa phương. “Anh ta xuất hiện trong một chiếc xe cắm trại to đùng, và anh ta nói, ‘Con tôi không nói được từ tiếng Pháp nào. Anh có thể dạy nó giùm được không?’” Torres nhớ lại. “Tôi biết tất cả các họa sĩ ở khu đó, và tôi bắt đầu giới thiệu anh ta với họ.” Hai năm sau, Beltracchi mua một ngôi nhà nông trại xiêu vẹo cất từ năm 1858 và thuê Pierre Malbos, một thợ mộc kiêm thợ rèn và sửa nhà, để làm những cánh cửa và cửa sổ. Malbos bị mê hoặc bởi sức hấp dẫn pha đểu cáng của Wolfgang. “Anh ta có một cái mũ và một cái áo sơ mi in hoa và mái tóc dài vàng óng… Anh ta kể cho tôi nghe những câu chuyện về việc hút ma túy, lái xe Harley chạy vòng vòng, la cà rong chơi với đám lính Mỹ,” Malbos nói. “Anh ta tạo ra ấn tượng về một kẻ luôn sống… ở miền biên ải.”

Rõ ràng vợ chồng Beltracchi có nhiều tiền, dù họ nói rất mơ hồ về nguồn gốc của nó. Họ bỏ ra nhiều thời gian la cà trong các phòng tranh và tiệm đồ cổ địa phương, tạo phong cảnh đẹp cho khu vườn của mình, và tiêu khiển trong những nhà hàng hay trên sân hiên căn biệt thự của họ. “Tôi nghĩ thái độ của anh ta là ‘Tôi không muốn làm việc quá vất vả, nhưng tôi muốn giàu có,’” Malbos nói. “Họ biết cách sống thoải mái, và họ rất phóng khoáng… Chúng tôi thường dạo chơi cuối tuần tới Barcelona, thăm các viện bảo tàng, mua những đồ nội thất cổ.” Thỉnh thoảng Michel Torres cùng đi nghỉ với gia đình này – bao gồm việc ở trong một căn biệt thự thuê có 18 phòng và một hồ bơi cỡ Olympic, tọa lạc trên sườn của một ngọn núi có rừng che phủ nhìn xuống biển, trên hòn đảo vùng Caribbean của Guadeloupe. Vợ chồng Beltracchi ở đó sáu tháng, Torres nói, dạo chơi bằng thuyền buồm, lặn với bình khí nén, và phơi nắng trên bãi biển.

Ngôi nhà Pháp, Domaine des Rivettes, trở thành niềm đam mê của họ. Một buổi chiều lộng gió tháng 2, Torres dẫn tôi đi vòng quanh khu nhà, nằm ở giữa vùng quê trồng nho xứ Languedoc. Chúng tôi lang thang qua những hàng cây bách, những vườn nho và những cụm ô liu được trồng có hàng có lối – và dừng lại để ngắm nghía một khu vườn điêu khắc và một cái ao lúc nhúc cá chép Nhật. “Khi họ mới tới đây, toàn bộ nơi này là một đầm lầy, một đống lộn xộn,” Torres nói. Beltracchi đã dựng một lăng tẩm nhỏ trên khu đất, vì, hắn nói với ông bạn người Pháp Pierre, “Tôi muốn được chôn tại đây.” Chúng tôi vào ngôi nhà chính qua một khoảnh sân rải sỏi và bước vào căn phòng ngủ ngập nắng của đôi vợ chồng, lát sa thạch Burgundy màu hồng và màu be. Không thứ gì bị dịch chuyển từ lần cuối vợ chồng Beltracchi ghé tới hồi màu hè 2101. Những bản dịch tiếng Đức tác phẩm của Patricia Highsmith, một đĩa CD nhạc của Led Zeppeli và những đĩa DVD của cuốn phim Ice Ageand Ocean’s 13đặt vương vải trên bàn cạnh cái giường bốc cọc. Trên tường treo những tấm tranh to, đầy màu sắc của một họa sĩ địa phương tên là André Cervera, người mà Beltracchi đã giúp cho thăng tiến. Hai tầng trên là xưởng vẽ của Beltracchi, nơi hắn làm những bức tranh giả. “Tôi chưa bao giờ nhìn thấy anh ta vẽ,” Torres khẳng định. Cái xưởng vẽ có rầm bằng gỗ đặt một tấm tranh đang vẽ, ký tên Beltracchi: The Fall of the Angels, gợi nhớ tới thứ nghệ thuật truyện tranh, mô tả một thiên thần đẫm máu đang lao thẳng xuống đất, bên trên một biển những gương mặt nhăn nhó. “Đó là một công trình lớn; anh ta mất hai năm để vẽ nó, Torres nói với tôi, nhìn bức tranh với vẻ ngưỡng mộ. Tôi nhận thấy hầu như không thể nhìn vào bức tranh này nổi.

Vợ chồng Beltracchi sống như những địa chủ miền quê ở Domaine des Rivettes. Thị trường mỹ thuật đang bùng nổ, và mỗi năm Wolfgang chỉ cần bán hai ba bức tranh giả là đủ để sống xa hoa vương giả (dù đôi khi, trong cơn hứng khởi hắn có thể vẽ tới năm bức trong một tuần). Thông thường Beltracchi bỏ ra hai giờ mỗi ngày để vẽ, hắn nói với tôi; đôi khi là “hai ngày” nếu đó là một bức lớn. Sau đó Helene, em gái cô ta, Jeanette Spurzem, hoặc Otto Schulte-Kellinghaus, kẻ đã nối lại tình xưa, sẽ giao các bức tranh cho Christie’s, Sotheby’s, Lempertz, và các sàn đấu giá khác cho các cuộc bán đấu giá mùa xuân và mùa thu.

Wolfgang, vợ hắn nói, có một cảm giác hầu như “tự kỷ” về việc nhại theo kỹ thuật của một họa sĩ. Nhưng hắn cũng, cô nàng khẳng định, tự chuẩn bị cho mình. “Ảnh đọc về họa sĩ đó, tới nơi ông ta từng sống, lần theo dấu của ông ta trong văn học. Ảnh giống như một diễn viên.” Wolfgang lý giải: “Anh phải biết về quá khứ, hiện tại và tương lai của người họa sĩ. Anh phải biết cách ông ta di chuyển và việc ông ta phải mất bao nhiêu thời gian để hoàn tất một bức tranh.” Tuy nhiên, dường như đôi khi Beltracchi sử dụng một phương pháp đơn giản hơn. Aya Soika, một chuyên gia về tranh của họa sĩ biểu hiện Đức Max Pechstein, sống ở Berlin, nói rằng Beltracchi sử dụng một máy chiếu để phóng các bức tranh màu nước và mực của Pechstein lên tấm vải, rồi sử dụng màu dầu tô lại. (Beltracchi phản đối khẳng định này.) “Anh ta thay đổi kích thước, nhưng tỷ lệ vẫn đúng như cũ,” Soika nói. Ông đã kiểm tra hai bức giả Pechsteins, Seine Bridge with Freight Barges và Reclining Nude with Cat.

Vào đầu thập niên 2000, những bức tranh giả của Beltracchi được bán đấu giá cho các nhà sưu tập với những sáu con số cao, đôi khi còn hơn nữa. Năm 2004, Steve Martin đã trả 860.000 đô cho một bức giả Campendonk gọi là Phong cảnh với đàn ngựa (Landscape with Horses), rồi 18 tháng sau bán lại nó thông qua Christie’s, chịu lỗ 240.000 đô, vẫn chưa biết rằng ông ta từng làm chủ một bức tranh giả. Năm 2007, một phòng tranh Pháp bán bức Chân dung của một phụ nữ đội mũ (Portrait of a Woman with Hat), một bức bán khỏa thân được cho là của họa sĩ phái Fausvist người Hà Lan Kees van Dongen cho một nhà sưu tập giàu có người Hà Lan, Willem Cordia, với giá 3,8 triệu đô. Nhiều tranh giả khác lọt vào tay của các phòng tranh, viện bảo tàng và các nhà sưu tập tư nhân ở những nơi xa xôi như Tokyo và Montevideo, Uruguay. Ngoài việc nhái theo tác phẩm của các họa sĩ biểu hiện và lập thể hạng hai như Louis Marcoussis, Oskar Moll, và Mo#se Kisling, Beltracchi bắt đầu thực hiện một công việc nguy hiểm hơn: làm giả tranh của các họa sĩ lớn như Fernand Léger, Georges Braque, và Max Ernst. Trong khi chúng thường đòi hỏi giá cao hơn, các bức tranh này cũng có nguy cơ mời gọi sự thâm cứu cẩn trọng hơn. Beltracchi bảo hắn đặc biệt mê tranh của Ernst, vì “ông ấy giống cha tôi về ngoại hình.”

Bất chấp khả năng đánh cược cao, hoặc có lẽ chính do vậy, các chuyên gia mỹ thuật nôn nóng nhảy lên cỗ xe hoa. Thật sự, vợ chồng Beltracchi phòng bị bằng cách viện dẫn những phát biểu về tính xác thực từ những kẻ có thẩm quyền hàng đầu để dập tắt những ngờ vực tiềm tàng trước khi giao tranh cho các sàn đấu giá và phòng tranh. Werner Spies, hiện đã 75 tuổi, cựu giám đốc của bảo tàng mỹ thuật hiện đại ở Trung tâm Pompidou, Paris kiêm chuyên gia hàng đầu thế giới về Max Ernst, đã thực hiện một chuyến hành hương tới Domaine des Rivettes hồi đầu năm 2004 để điều tra bức Cánh rừng (The Forest). Bức tranh lớn mô tả một vầng mặt trời gồm nhiều vòng tròn đồng tâm màu đỏ, xanh dương, trắng và vàng, nhô lên trên hàng bách. Beltracchi đã vẽ bức tranh lớn này trong hai ngày, sử dụng cùng phương pháp mà Ernst thường dùng: chà một cái bay lên những mảng gỗ xù xì, những vỏ sò, và các vật thể tìm được khác mà ông đã đặt bên dưới tấm toan. Với sự sợ hãi của Wolfgang – hắn không bao giờ tự để lộ bản thân trước những người mua tiềm năng hay các chuyên gia, hắn nói – Helene đi cùng Spies vào phòng ngủ của họ. Bức tranh giả Ernst treo trên tường phía sau cái giường. “Spies bước vào, nhìn tấm tranh, và cực kỳ phấn khích,” Helene nói. Ông ta tuyên bố rằng bức Cánh rừng xác thực.

Spies – kẻ không hề phúc đáp những e-mails hay cú điện thoại đề nghị đưa ra nhận định – nhanh chóng giúp Helene tiếp xúc với một nhà buôn tranh người Thụy Sĩ. Ông này đã bán thành công bức tranh Cánh rừng đã mất tích lâu ngày của Max Ernst cho một công ty gọi là Salomon Trading với giá khoảng 1,8 triệu euro, hay 2,3 triệu đô. Bức tranh được chuyển tới một phòng tranh ở Paris, Cazeau-Béraudière. Nơi này bán nó với giá 7 triệu đô cho Daniel Filipacchi vào năm 2006. “Vợ góa của Max Ernst [Dorothea Tanning, vừa chết hồi tháng 1 vừa rồi] nhìn thấy bức tranh và nói rằng nó là bức đẹp nhất mà Max Ernst từng vẽ,” Helene hể hả nói. Cô nàng và Wolfgang rất ngạc nhiên trước sự khờ dại cả tin của những người bị họ lừa, Helene nói. “Chúng tôi vẫn còn cười bò vì việc này.”

Nhiều tháng sau bữa tiệc tân gia của vợ chồng Beltracchi ở Freiburg, một chuyện bất ngờ đã xảy ra, một đốm lửa có thể dẫn tới cháy rừng. Hồi tháng 10/2006, em gái của Helene Beltracchi đã mang tới Lempertz một tranh giả Campendonk khác mà Wolfgang đã vẽ nhanh tại Marseillan. Một công ty có trụ sở ở Matta, Trasteco Ltd., mua bức Tranh đỏ với đàn ngựa (Red Picture with Horses) trong một cuộc đấu giá của Lempertz với giá 2,8 triệu euro (3,6 triệu đô vào lúc đó) – cái giá cao nhất từng được trả cho một tác phẩm của họa sĩ Đức sinh sống tại Hà Lan này. Trasteco chuyển tiền cho Lempertz, nơi này khấu trừ tiền hoa hồng rồi chuyển số còn lại cho vợ chồng Beltracchi. Thế rồi, thật bất ngờ, Trasteco yêu cầu Lempertz cung cấp một giấy chứng nhận lai lịch bức tranh. Nó không tồn tại. “Thông thường, chúng tôi nhờ chuyên gia làm cho chúng tôi, nhưng trong trường hợp này Lempertz đã hứa sẽ làm việc đó, rồi họ không làm. Họ không phải là những người nghiêm túc,” Helene phẫn nộ nói. (Đây là một phán xét kỳ cục phát ra từ một tội phạm sừng sỏ, kẻ đã dành phần lớn thời gian trong suốt 20 năm để lừa những ai mình tình cờ gặp. “Đơn giản là quá đáng!” một luật sư của Lempertz nói, phản đối rằng hãng này chưa bao giờ hứa hẹn một điều như thế với Helene Beltracchi, và đã thật sự thực hiện các nghĩa vụ của chính nó trước cuộc đấu giá.) Không thỏa mãn với phúc đáp từ Lempertz, Trasteco thuê Andrea Firmenich kiểm tra bức tranh. Firmenich, theo lời của chuyên gia mỹ thuật hiện đại Ralph Jentsch, trước đó đã xác nhận lai lịch của một số tranh của Campendonks mà giờ đây ông tin là do Beltracchi vẽ. Tuy nhiên, lần này, cô ta nỗ lực một cách khác thường để xác định lai lịch của bức tranh.

Tháng 10/2008, Jentsch được yêu cầu kiểm tra cái nhãn “Bộ sưu tập Flechtheim” gắn ở lưng bức Tranh đỏ với đàn ngựa. Jentsch biết ngay lập tức cái nhãn này là đồ giả hiệu. Ông đã nhìn thấy những cái nhãn thật của phòng tranh. Ngoài ra, ông nói, “Flechtheim là một chuyên gia, một nhà sưu tập, một người thị hiếu độc đáo. Ông ta không đời nào chấp nhận một biểu tượng kiểu đó.” Nhận xét của Jentsch xác nhận những gì Firmenich đã hiểu ra sau khi nộp bức tranh để phân tích hóa học. Trong một phòng thí nghiệm ở Munich, các nhà hóa học xác định rằng bức tranh chứa một chất màu trắng titan không hề tồn tại vào năm 1914. Ngay lập tức, Trasteco kiện Lempertz, yêu cầu hoàn trả 2,8 triệu euro. (Một tòa án ở Cologne đã tuyên án vào hồi tháng 9 năm ngoái rằng Lempertz, vốn trước đó đã hoàn lại 800.000 euro cho Trasteco, do đã nhận định bức tranh là của Campendonk mà “không có cơ sở đầy đủ”, phải hoàn trả thêm 2 triệu euro nữa.)

Beltracchi nói rằng hắn luôn cố gắng hết sức để bảo đảm chất liệu mà hắn sử dụng không sai niên đại, nhưng đôi khi “không thể” không phạm sai lầm. “Chúng tôi bị sốc,” Wolfgang nói. Hắn biết về vụ kiện thông qua giám đốc của Lempertz, Henrik Hanstein. “Chúng tôi nghĩ, Cuộc chơi đã kết thúc.”

“Phải, phải, tất nhiên rồi,” Helene nói xen vào. “Nó đã kết thúc.”

“Sau đó là hiệu ứng domino,” Wolfgang nói.

Chỉ trong vòng hai tuần, Jentsch xác định thêm 15 bức tranh có nhãn Flechtheim giả hiệu. Một trong số đó là Cánh rừng của Max Ernst, được trưng bày một cách nổi bật trong căn hộ ở Manhattan của ông trùm xuất bản Filipacchi. Khi nói chuyện qua điện thoại, Filipacchi, người sở hữu nhiều tranh của Max Ernsts, nói với tôi rằng thoạt đầu ông “không tài nào tin nổi” khi biết được sự thật về Cánh rừng từ một bài báo viết về nạn tranh giả đang rộ lên. “Tôi yêu bức tranh này. Nó là một trong những bức Max Ernsts tuyệt nhất mà tôi từng thấy, và vì Werner Spies đã cung cấp một giấy chứng nhận [về lai lịch] và nói rằng nó rất đẹp, tôi rất ngạc nhiên.” Hai người đã có nhiều cuộc chuyện trò sau khi vụ lừa đảo bị phát hiện. “Ông ta rất bối rối, nói một cách rất nghiêm túc, và tôi không thể nào tin rằng ông ta đã sai,” Filipacchi nói thêm. Ông cất bức tranh giả vào nhà kho ở New York, và muốn quên đi vụ này. “Nhưng cảnh sát Đức gọi cho tôi, và họ nói rằng tôi nên kiện những người đã bán bức tranh cho tôi, rằng nếu tôi không kiện, tôi sẽ trông như một tên đồng lõa.” Phòng tranh Cazeau-Béraudière ở Paris đề nghị thu xếp vụ kiện bằng cách trao cho Filipacchi một bức tranh chính gốc của Max Ernst vẽ năm 1928 và hai bức của họa sĩ siêu thực người Romany Victor Brauner, nhưng Filipacchi đã khước từ đề nghị này.

Cục Phòng chống Lừa đảo Nghệ thuật Landeskriminalamt’ của Berlins chiếm lĩnh tầng bốn của một văn phòng hiện đại, bình dị, kế bên sân bay đã bị bỏ xó Tempelhof, được chế độ phát xít xây dựng vào thập niên 1930 và từng nổi tiếng với tư cách một căn cứ không vận của Berlin hồi 1948. Nó là đơn vị lớn nhất trong số ba đơn vị trong toàn nước Đức chuyên xử lý lừa đảo nghệ thuật – hai đơn vị khác ở Munich và Stuttgart-và thường được mời tới để điều tra những ca vượt khỏi thẩm quyền tài phán trong nước của nó. Hồi tháng 1/2010, khi vụ Trasteco kiện Lempertz vừa bắt đầu, René Allonge, chánh thanh tra của cục, khi đó 36 tuổi, và tám đồng sự của anh bắt đầu nhận được những manh mối cho thấy có một vụ lừa đảo lớn đang diễn ra ở châu Âu. Gợi ý đầu tiên xuất hiện khi một chuyên gia về họa sĩ lập thể Pháp Jean Metzinger ở Paris gọi tới với một câu mách nước: cô ta đã nghe nói về một “nhóm ở Đức” đang bán tranh đính những cái nhãn đáng ngờ từ bộ sưu tập của Flechtheim. Cô ta cũng cung cấp cho cảnh sát một cái tên đã nằm trong hồ sơ của họ từ thập niên 1990: Otto Schulte-Kellinghaus. Vào tháng 3, Ralph Jentsch nói với cảnh sát về cuộc điều tra riêng của mình đối với các tấm nhãn Flechtheim. Hai tháng sau, tay luật sư Berlin đại diện cho Trasteco, Friederike von Bruhl, đệ trình một đơn khiếu nại hình sự về vụ mua bán bức Tranh đỏ với đàn ngựa đáng ngờ, và cung cấp tên của Jeannette Spurzem, em gái của Helene, người đã giao bức tranh cho Lempertz.

“Chúng tôi đã có đủ các mảnh của trò chơi lắp ghép, nhưng chưa có ai gắn chúng vào nhau,” Allonge nói. Nhưng tay cựu binh 15 năm của cục này ngờ rằng họ đang đi theo “một vụ gì đó lớn”. Allonge nhận diện “năm hoặc sáu” tranh giả mang nhãn “Bộ sưu tập Flechtheim” và bổ sung một đối tượng tình nghi vào danh sách: Helene Beltracchi, kẻ mà các chủ phòng tranh đã nhận diện là người đã bán nhiều bức tranh đáng ngờ. Wolfgang Beltracchi, kẻ vẫn còn nấp dưới bóng tối trong suốt quá trình điều tra, vẫn chưa lọt vào tầm ngắm của cục. Nhưng vào cuối tháng 8, cảnh sát bắt đầu theo dõi điện thoại của Spurzem, Schulte-Kellinghaus, và nhà của Beltracchi ở miền Nam nước Pháp. Và họ truy tìm gốc tích, phỏng vấn các thành viên gia đình của Werner Jagers, kỹ nghệ gia quá cố xứ Cologne, kẻ được cho là nguồn của hàng chục bức tranh giả. Tất cả đều thống nhất rằng ông ta chưa bao giờ biết Alfred Flechtheim, và cũng chưa bao giờ có một Bộ sưu tập Jagers.

Sáng ngày 25/8/2010, trong chiến dịch lớn nhất mà Cục Phòng chống Lừa đảo Nghệ thuật Berlin từng tiến hành, các toán cảnh sát càn quét khắp nước Đức. Một đơn vị đột kích vào nhà của Spurzem ở Cologne, phát hiện một manh mối quan trọng mới: một bản di chúc mà cuối cùng dẫn lối cho cảnh sát tới căn biệt thự của Wolfgang và Helene Beltracchi ở Freiburg. Một toán khác cố chuẩn bị một cuộc đột kích đồng thời vào biệt thự Domaine des Rivettes ở Marseillan, nhưng, Allonge nói, “tòa án Pháp đang đi nghỉ,” và không ai có quyền ra lệnh lục soát. Cũng trong ngày hôm đó, Allonge và một đồng sự, hành sự theo một lời chỉ điểm, vội vã tới Kunstmuseum Ahlen, phía bắc Dusseldorf, và thu được một bức tranh được cho là của Fernand Léger, có đính nhãn Flechtheim. Bức này sắp được bán cho một nhà sưu tập tư nhân với giá 6,2 triệu đô.

Cũng vào hôm đó, nhiều giờ sau cuộc đột kích vào nhà của Spurzem, các nhà điều tra nghe trộm được một cuộc trò chuyện giữa Wolfgang Beltracchi ở Marseillan và con trai hắn, Manuel, khi đó 22 tuổi, ở căn biệt thự tại Freiburg. Với giọng bình thản, Beltracchi bảo con trai hắn thủ tiêu hai cái máy tính chứa đầy chứng cứ. ‘Chúng tôi tiến hành theo dõi qua video, và chúng tôi quan sát cậu con trai – một tiếng rưởi trước khi đột kích vào ngôi nhà – đi ra cửa với hai cái máy vi tính cặp dưới nách,” Allonge nói. Cậu nhóc Beltracchi giấu hai cái máy ở nhà của một người bạn, nơi sau đó cảnh sát tìm ra. Sau đó Manuel thú nhận với cảnh sát cậu đã cố gắng che đậy chứng cứ, và các cáo buộc dành cho cậu được gác lại.

Ngày 27/8, vợ chồng Beltracchis quay lại Freiburg từ miền Nam nước Pháp, dự định sẽ đầu thú. “Chúng tôi có con cái. Chúng tôi không thể lẩn trốn,” Helene nói. “Chúng tôi muốn nói sự thật.” Họ khẳng định rằng cảnh sát đã phớt lờ một cú gọi đề nghị nộp mình. Lúc 7:30 chiều ngày 27/8/ 2010, khi họ đang trên đường đi ăn tối ở trung tâm Freiburg với Manuel và Franziska, năm chiếc xe cở đầy cảnh sát bao vây xe của họ. Ánh đèn pha chói chang, vợ chồng Beltracchis kể, lũ cảnh khuyển gầm gừ, và các đặc vụ chĩa súng tự động yêu cầu các nghi phạm bước ra khỏi xe. “Họ bảo tôi đứng cạnh chiếc xe, giơ cao hai tay,” Franziska nói. Lúc đó cô bé mới 16 tuổi. Cô bảo rằng cô không biết gì về hành vi phạm tội của cha mẹ. “Nó giống như bộ phim hình sự Miami Vice – đúng theo kiểu Mỹ,” Wolfgang nói. “Họ để chúng tôi đứng ngoài trời dưới cơn mưa như trút. Tôi ướt nhẹp cả người,” Helene càm ràm. Với vẻ mặt choáng váng và sợ hãi, Wolfgang và Helene bị bắt và đưa đi trong một chiếc xe cảnh sát, để lại Manuel và Franziska lái xe hơi về nhà. “Chúng tôi trở về nhà và gọi một luật sư,” cô nói. “Tôi không biết gì về vụ này [cho tới khi] tôi nghe thấy tin tức trên tivi và đọc trên báo.”

Vợ chồng Beltracchi bị bắt ở Freiburg và được chở tới nhà giam ở Cologne. Tại đó, họ bị cách ly và tạm giam phi bảo lãnh 23 giờ mỗi ngày. Sau 6 tháng, họ nói, mỗi nửa tháng họ được cho phép gặp nhau nửa giờ. Helene, người đã bị phát hiện mắc bệnh ung thư vú, “vô cùng đau khổ” trong nhà tù, anh bạn người Pháp Magali Richard-Malbos của hai vợ chồng nói. Wolfgang giết thì giờ bằng cách vẽ chân dung của các bạn tù và lính canh.

Cùng thời gian đó, Allonge thu giữ các bức tranh và chuẩn bị các chứng cứ của vụ lừa đảo. Anh phát hiện ra các tấm nhãn của “Bộ sưu tập Flechtheim” đã được cổ hóa bằng cà phê và trà. Cái khung gỗ trên đó một trong những bức tranh được cho là của Pechstein được căng ra và đóng đinh có cùng xuất xứ từ một thân cây với khung của một bức tranh giả Léger, một bức tranh giả Derain, và một bức tranh giả Campendonk. (Cho tới hôm đó, vợ chồng Beltracchi vẫn khăng khăng rằng phân tích của cảnh sát là sai; mấy cái khung, họ nói, mua ở hai chợ trời khác nhau ở Pháp.) Beltracchi “rất xuất sắc trong việc giả cổ các bức tranh của mình – những cái khung, những cây đinh, màu sắc,” Allonge nói. “Tuy nhiên, cuối cùng khoa học cũng sờ được gáy của anh ta.”

Vụ xét xử vợ chồng Beltracchi bắt đầu vào ngày 1/9/2011 trong một phòng xử án tầng trệt của Tòa án Khu vực Cologne. Ngay từ đầu, theo lời của Michael Sontheimer, một phóng viên từ tờ Der Spiegel, người đã bám theo vụ này suốt hai năm, phiên tòa này là một “vở hài kịch”. Nhiều tờ báo mô tả đôi vợ chồng như là hai tay hippy thích vui đùa và là hai kẻ nổi loạn đáng ngưỡng mộ mà tội lỗi chỉ là lừa bịp những kẻ giàu có và nổi tiếng. Helene, ốm yếu xanh xao sau ca điều trị ung thư thành công, và Wolfgang diễn trò trước đám đông, đắm đuối ôm chặt lấy nhau vào đầu giờ xử án hàng ngày. Bên công tố yếu thế do thiếu chứng cứ chứng minh Wolfgang Beltracchi đã vẽ các bức tranh giả. Ngày 27/10, quan tòa tuyên bố rằng đôi bên đã thỏa thuận với nhau, và kết thúc vụ án, giải tán gần 200 nhân chứng bên nguyên và các cảnh sát điều tra tức điên người. Trong một lời thú tội dài dòng đậm kịch tính, Beltracchi mô tả những đam mê tuổi trẻ của mình đối với “ma túy và nhạc rock ’n’ roll,” khoái tấn công những kẻ “tham lam” và “ngạo mạn” của thị trường mỹ thuật, và thừa nhận rằng sự lừa bịp này “cực kỳ thú vị”. Trong cuộc phỏng vấn sau phiên tòa của chúng tôi, hắn vui vẻ thú nhận đã cho ra lò những bức tranh giả nhiều triệu đô của mình trong “ba hoặc bốn giờ, đôi khi còn nhanh hơn.”

“Đó là một thành tích khó tin,” Sontheimer nói. “Cái gã này đúng là cực kỳ tự mãn.” Để đổi lại việc thú nhận trước tòa đã làm giả 14 bức tranh, Wolfgang và Helene chỉ nhận bản án tù sáu và bốn năm, lần lượt từng người, với thời gian tại ngoại vì có thái độ hành xử tốt. Miễn là họ chấp hành đúng quy định, họ chỉ ngồi tù vào ban đêm. Đây là một hình phạt rất nhẹ đối với trọng tội này. Vợ chồng Beltracchi mỉm cười và ôm chầm lấy nhau sau khi nghe tuyên án. Schulte-Kellinghaus nhận một án tù 5 năm nhưng chỉ bị giam vào ban đêm giống như vợ chồng Beltracchis; Spurzem nhận 21 tháng tù treo. “ “Những gì họ đã làm là tội hình sự – đó là sự thật,” Franziska, con gái của vợ chồng Beltracchi nói. “Nhưng tôi nghĩ họ không thật sự làm tổn thương bất cứ người nào. Họ nhận tiền cho những bức tranh mà mọi người muốn có. Có thể giờ đây chúng chả có giá trị gì, nhưng họ vẫn có tranh. Tôi nghĩ thật không công bằng khi họ phải ngồi tù.”

Allonge tức giận và tẩy chay phán quyết đó. Hôm nay, viên cảnh sát điều tra cẩn trọng nói về các cảm giác của mình. “Một tòa án Đức đã xét xử những người này, và tôi không có quyền tự do phê phán,” anh nhận xét. “Tất cả những gì tôi có thể nói là tôi cảm thấy khó chịu khi một ai đó bước ra khỏi phòng xử án với vẻ đắc thắng chắc chắn như thế. Có những tội phạm tương tự đã nhận sự trừng phạt nghiêm khắc hơn nhiều, chịu những án tù lâu năm hơn nhiều. Tôi nghĩ điều này không mang tới một ấn tượng tốt.”

Vụ án này cũng để lại trong vòng nghi vấn một số câu hỏi gây tò mò và bối rối. Beltracchi đã thật sự làm giả bao nhiêu bức tranh? Điều gì xảy ra với những bức tranh giả chưa được xác định? Cho tới lúc đó, cảnh sát Berlin đã nhận diện được 58 tranh giả nghi là của Beltracchi và nói tổng số mà hắn đã làm có thể gấp đôi con số đó. Beltracchi thừa nhận với tôi là hắn đã làm ra “hàng trăm” tranh giả trong quá trình phạm tội kéo dài qua bốn thập niên; mới đây, hắn nói với tờ Der Spiegel rằng hắn đã vẽ tranh của “hơn 50” họa sĩ khác nhau, nhưng hắn không chịu đưa ra một con số chính xác.

Ngày nay, các nhà phê bình đang đấu đá với nhau về việc Beltracchi là một tay lừa đảo có hạng đến cỡ nào. Daniel Filipacchi nói ông ta vẫn rất ấn tượng với tài năng của Beltracchi. “Hắn là một thiên tài. Bức Cánh rừng rất thành công, và những bức ‘Max Ernsts’ mà tôi đã nhìn thấy đều là những bức tranh tuyệt vời.” Werner Spies đồng ý: “Chỉ có thể mô tả rằng chúng là tác phẩm của một gã làm tranh giả xuất chúng.” Nhưng Aya Soika nghĩ tài năng lớn nhất của Beltracchi là với tư cách một gã tự chào hàng. Cô nhận xét rằng việc hắn sử dụng máy chiếu cho thấy ít nhất một số tác phẩm của hắn là kết quả của sự sao chép tỉ mỉ hơn là sáng tạo nghệ thuật. Ralph Jentsch thì cho rằng đống tranh giả của Beltracchi chỉ là thứ “rác rưởi” và “đồ giả thô kệch”. Chế giễu việc Beltracchi tự mô tả mình như là một kịch sĩ xuất chúng có thể nắm bắt được tâm tưởng của những họa sĩ lớn, Jentsch bảo Beltracchi tiếp cận với việc vẽ tranh giống như “một ai đó trang trí một cây thông Noel. Thêm vài bóng đèn ở chỗ này, vài quả châu ở chỗ khác. Một nghệ sĩ không làm việc như thế.” Thế vì sao có quá nhiều chuyên gia mỹ thuật lầm lẫn về thứ rác rưởi của Beltracchi trong thời gian lâu như vậy? Jentsch quy lý do cho sự nhẹ dạ, lười biếng, và trong một số trường hợp, một mong muốn mãnh liệt muốn tin. Vợ chồng Beltracchi đã khai thác một cách thông minh sự mù quáng và cả tin đã thấm đẫm giới nghệ thuật có tính chất đánh cược cao, nơi sự am hiểu và lai lịch tác phẩm có thể đi lạc trong cảm giác phấn khích điên cuồng trước một phát hiện mới. Họ cũng đã tận dụng những hoàn cảnh cụ thể ở Đức, nơi quá khứ phát xít có thể được khai thác một cách ranh ma như lối tắt đi tới tính hợp pháp – tận dụng những kho tích trữ tội lỗi và mất mát của nước Đức. Vợ chồng Beltracchi, Jentsch nói “rất thông minh… từ một quan điểm tâm lý học. Họ nghĩ, Chúng ta phải làm sao để mọi người tin vào câu chuyện của mình.” Và, ông ta kết luận, “họ đã thực hiện nó một cách xuất sắc.”

Trường hợp đáng buồn nhất, Jentsch nghĩ, là của Werner Spies, kẻ đã chứng nhận bảy bức tranh giả Max Ernsts và hiện đang đối mặt với một vụ kiện dân sự ở Pháp từ người mua bức tranh giả Ernst có tên gọi Tremblement de Terre, mà Sotheby’s đã bán ra với giá 1,1 triệu đô. Sotheby’s từ chối không đưa ra nhận định về bất kỳ phương diện nào trong vụ án Beltracchi. “Spie đã bị bịp theo một cách rất tệ hại,” Jentsch nói. Chuyên gia này rõ ràng đã bị mê hoặc bởi câu chuyện đầy kịch tính về việc Jagers “cứu vớt” các tuyệt phẩm ra khỏi bàn tay phát xít, bao gồm hàng chục bức tranh của Max Ernst đã bị cho là biến mất trong những ngày đầu của chế độ của Hitler. “Khi Spies nhìn thấy những bức tranh đó, với những cái nhãn Flechtheim, ông ta nói với tôi, ‘Tôi rất hạnh phúc, tôi thật tâm tin rằng đó là một phần của những bức tranh năm 1933 đã thất lạc của Ernst.’ Một khi bạn đáp một chuyến tàu sai, cần có thời gian để thức tỉnh và nhận ra sai lầm của mình.”

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ tạp chí hàng tuần Đức Stern, Spies thừa nhận rằng đã có lúc ông nghĩ tới việc tự sát sau khi vụ scandal nổ ra. “Làm sao tôi có thể chịu đựng điều mà tôi đã nhận ra?” ông nói. ‘Sự mất mát thanh danh! Nó khiến tôi nghĩ rằng tôi nên từ giã thế giới này.” Allonge không mấy cảm thông với Spies. Tay chuyên gia về Ernst này, anh chỉ ra, đã kiếm một khoản tiền lớn cho việc trao giấy chứng nhận lai lịch cho các tác phẩm giả mạo của Beltracchi. Chỉ riêng vợ chồng Beltracchi, những giấy chứng nhận đã mang tới cho ông ta 500.000 đô. Ngoài ra, những tay buôn tranh đã trả cho ông ta những khoản hoa hồng ngất ngưỡng theo tỷ lệ phần trăm giá bán.

Trong văn phòng ở tầng 4 của cơ quan Landeskriminalamt, Allonge gỡ tấm nhựa trùm lên một trong hai bức tranh giả của Beltracchi mà cảnh sát đã lưu làm chứng cứ, bức tranh bán khỏa thân Portrait of a Woman with Hat, được cho là của Kees van Dongen. Anh quay bức tranh lại và chỉ cho tôi thấy nửa tá nhãn giả từ “Bộ sưu tập Flechtheim” và từ các phòng tranh Đức tiền chiến khác. Bị tháo khỏi khung và đặt nằm trên bàn tang chứng, bức tranh – từng mang tới nhiều triệu đô ở sàn đấu giá – trông có vẻ tẻ nhạt đến khó tin, một bức tranh rẻ tiền có thể tìm thấy ở một quầy tranh vỉa hè dọc sông Seine. “Beltracchi có một cuộc sống tốt đẹp từ những gì anh ta đạt được,” viên cảnh sát điều tra nói với tôi, rõ ràng phẫn nộ bởi cách minh họa của giới truyền thông Đức về tay làm tranh giả như là một Robin Hood và một thiên tài đểu cáng. “Anh ta không có bằng cấp chuyên môn nào cả, anh ta kiếm được nhiều triệu, anh ta du lịch khắp thế giới – luôn luôn nhờ phí tổn từ kẻ khác. Đó không phải là tiền của anh ta. Hẳn tôi sẽ có cảm giác tốt đẹp nếu anh ta đóng góp một phần tiền cho một chính nghĩa xứng đáng. Nhưng anh ta chưa bao giờ làm điều đó.”

Nhiều phần trong số tiền đó nếu không phải là tất cả giờ đang có nguy cơ biến mất. Cảnh sát chỉ tịch thu được trên 1 triệu đô từ một tài khoản ở Thụy Sĩ, và mùa xuân năm trước vợ chồng Beltracchi đã tuyên bố phá sản. Một cán bộ do tòa chỉ định đã tịch thu số tài sản còn lại của họ. Nhà của họ ở Freiburg và Marseillan sẽ được đưa ra đấu giá. Số tiền đó sẽ được sử dụng để giải quyết ít nhất bốn vụ kiện dân sự chống lại họ, bao gồm một vụ do Lempertz khởi kiện năm ngoái liên quan tới bức tranh giả Campendonk Tranh đỏ và đàn ngựa. Bất chấp các tường thuật của tờ Der Spiegel rằng họ đã cất giấu nhiều triệu ở Andorra, hai vợ chồng vẫn khăng khăng rằng cảnh sát đã “tịch thu mọi thứ.” Thế nhưng họ vẫn lên mặt triết lý. “Chuyện này không quá tệ. Đó chỉ là tiền,” Helene nói với tôi. “Chúng tôi có những đứa con thật tuyệt, và Wolfgang rất có tài.”

Vợ chồng Beltracchis đồng ý nói chuyện với tôi như một phần của một nỗ lực, được đốc thúc bởi luật sư của họ, nhằm chuyển tai tiếng của mình thành một thuận lợi tiếp thị. Cười hô hố, nói đùa trong lúc ngốn ngấu spaghetti và bánh nhân táo được phục vụ bởi cô vợ liên tục nhả khói thuốc của Birkenstock, rõ ràng họ đang tận hưởng những tháng tự do cuối cùng trước khi quay lại nhà tù vào tháng 3/2012. Họ đang thương lượng giá cả cho một cuốn tự truyện và lên kế hoạch tới căn biệt thự của họ ở Marseillan, để bắt đầu thực hiện cái mà Wolfgang mô tả như là một “phim tư liệu pha hư cấu” về cuộc đời của họ. Họ đang vui vẻ chè chén trong sự chú ý của truyền thông châu Âu, một số trong đó đã ca tụng đôi vợ chồng này như những kẻ đập phá thánh tượng, những kẻ đã thực hiện một cú bịp dài hơi với mấy gã khoái phô trương.

Wolfgang đã bắt đầu tự thay đổi bản thân với hy vọng xây dựng một sự nghiệp mới. Gần đây hắn mở một website để giới thiệu “Dự án Beltracchi”: một phi vụ cộng tác phi lợi nhuận giữa hắn và một người bạn, nhiếp ảnh gia Manfred Esser. Cặp đôi này đã bắt đầu sản xuất những “bản tranh in khổ lớn, đen trắng và màu của họa sĩ Wolfgang Beltracchi, được quét sơn lên để biến mỗi hình ảnh trở thành một độc bản.” Những bức tranh này rút ra từ “những trải nghiệm đầy kịch tính” của Beltracchi trong phiên tòa và trong nhà giam. Một bức đã hoàn thành, được đưa lên website, là chân dung cỡ lớn của Beltracchi, in chồng lên đó là một phiên bản mới của Lũ người, một tranh giả Max Ernst đã được bán cho triệu phú Đức Reinhold Wurth hồi cuối thập niên 2000 với giá hơn 4 triệu đô… Beltracchi đã bán tác phẩm hỗn hợp mới này cho một nhà sưu tập Đức ít lâu sau lần gặp đầu tiên giữa chúng tôi với giá 12.500 đô.

Vào giữa tháng 7, tôi lại bắt gặp hai vợ chồng tại một căn gác xép lớn ở thị trấn Bergisch Gladbach, nơi Helene Beltracchi trải qua thời thơ ấu. Họ đã quay được nửa cuốn phim tư liệu, tạm gọi là Beltracchi: Nghệ thuật Lừa đảo. Khi tôi bước vào studio, Wolfgang đang đứng tạo dáng trước một tấm tranh lớn, đặt những nét cọ cuối cùng lên một phiên bản khác của Lũ người. Trong lúc hắn đang trát sơn xanh từ một tấm bảng màu lên tác phẩm, một thợ quay phim quay lại từng đường cọ của hắn. Dưới chân hắn là cái mà hắn gọi là “thùng Max Ernst” – một thùng các tông chứa đầy gỗ, vỏ sò, bọt biển, dây thừng, và các chất liệu khác mà hắn sử dụng để nhái theo kỹ thuật vẽ-đè-lên-vật-thể- tìm-thấy của họa sĩ này. Đứng bên cạnh hắn là đạo diễn Arne Birkenstock, con trai của luật sư của hắn, một đạo diễn phim tài liệu có uy tín từng làm những cuốn phim về các chủ đề từ lũ voi Sri Lankan cho tới khiêu vũ điệu tango. Birkenstock nói với tôi rằng dù vợ chồng Beltracchi đã đồng ý hết lòng hợp tác với dự án, họ không có quyền biên tập đối với bản phim cuối cùng. Lời hứa duy nhất mà Birkenstock đưa ra, theo lời cậu ta, là “nếu Wolfgang đề cập tới những tranh giả không được biết tới, và chúng tôi nhận thấy nó có thể gây rắc rối cho ông ta, chúng tôi sẽ không tiết lộ chúng.”

Vợ chồng Beltracchis đã ngồi tù được 5 tháng, và có một số than phiền về các điều kiện. Cả hai đều được chỉ định ngồi tù “mở” – một dạng tương tự như các “halfway house” ở Mỹ, không có chấn song, súng ống, hay lính gác – và đang làm việc ở xưởng phim của Esser 5 ngày mỗi tuần, thường là tới chín giờ tối. Họ cũng có 80 giờ “tự do” mỗi tháng, 21 đêm cuối tuần tự do mỗi năm, và một ngày tại ngoại vào lễ Giáng sinh và Phục sinh. Họ đã thuê một căn hộ ở Cologne để ở trong những lúc tự do. “Hệ thống giam giữ này không tồn tại ở bất kỳ nơi nào trừ nước Đức,” Wolfgang nói với một nụ cười toe toét trong bữa ăn trưa với món bê chiên kiểu Viene và khoai tây chiên ở một nhà hàng trong khu biệt thự cổ ở mé dưới con đường một đoạn. Tuy nhiên, các cán bộ trại giam nhất quyết giữ nghiêm giờ giấc: nếu hai vợ chồng trở về muộn ba lần trong một tháng. Wolfgang nói, “họ sẽ lập tức ném chúng tôi vào nhà giam kín – khỏi xin xỏ cho mất công.”

Vì hắn và Helene phạm tội lần đầu, họ có thể hy vọng được giảm án một phần ba. Xét tới thời gian đã ngồi tù trước phiên tòa, có lẽ họ sẽ hoàn tất hình phạt trong hai năm nữa. “Nó trôi qua nhanh,” Wolfgang nói. Hai vợ chồng đã lên kế hoạch cho cuộc sống hậu nhà tù của mình. “Khi ra tù,” Helene nói với một nụ cười, “chúng tôi sẽ tới miền Nam nước Pháp, hay có thể là vùng biển Caribbean. Chúng tôi sẽ đi cùng một ngày.”

Josua Hammer 

(Nguyễn Thành Nhân dịch)

(*) Bài viết đăng trên Tạp chí Mỹ thuật số 297-298, tháng 9-10 năm 2017.

 

Tin cùng chuyên mục

10 tranh đắt nhất thế giới trong năm 2023

Tranh người tình của Picasso giá 139,4 triệu USD, “Quý cô cầm quạt” của Gustav Klimt đạt hơn 108 triệu USD, là những tác phẩm đắt nhất năm nay. Theo thống kê từ trang web nghệ thuật Artsy,...

Vấn đề đương đại và nghệ thuật đương đại

Vấn đề đương đại (contemporary issues) và nghệ thuật đương đại (contemporary art) là một trong những mấu chốt quan trọng trong công việc thực hành nghệ thuật (art practice) của mỗi nghệ sĩ. Khái...

“Femme à la montre” của Picasso trở thành tác phẩm đấu giá đắt giá nhất trong năm nay

NDO – Kiệt tác “Femme à la montre” (tạm dịch: Người phụ nữ đeo đồng hồ) sáng tác năm 1932 của danh họa Pablo Picasso đã được bán với giá hơn 139 triệu USD tại cuộc đấu giá của...

Abanindranath Tagore – Người đặt nền móng cho nghệ thuật hiện đại Ấn Độ

Vào giữa thế kỷ 19, lợi dụng sự xung đột nội bộ giữa các tôn giáo, các tiểu vương quốc trên lãnh thổ Ấn Độ, người Anh, thông qua công ty Đông Ấn, đã dần dần kiểm soát gần hết tiểu...

Những bức tranh đắt giá nhất thế giới

Trong số hàng triệu bức tranh đang tồn tại trên thế giới, có những bức đắt và hiếm đến mức đa số người yêu nghệ thuật không có cơ hội chạm đến. Theo The Collector, định giá tác phẩm nghệ...

Có thể bạn quan tâm

Mở niêm phong bộ sưu tập tranh của họa sĩ Lê Bá Đảng do ông bà Lê Tất Luyện-Thụy Khuê trao tặng

NDO – Sáng 15/11, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức mở niêm phong bộ sưu tập tranh của hoạ sĩ Lê Bá Đảng do ông bà Lê Tất Luyện-Thụy Khuê là hai nhà trí thức Việt sống và làm việc...

Triển lãm “Tái hình lập ảnh” tại VCCA

Từ ngày 20/04/2024, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) sẽ mở cửa triển lãm kỹ thuật số mang tên “Tái Hình Lập Ảnh”. Triển lãm giới thiệu các tác phẩm kinh điển của trường phái...

Abanindranath Tagore – Người đặt nền móng cho nghệ thuật hiện đại Ấn Độ

Vào giữa thế kỷ 19, lợi dụng sự xung đột nội bộ giữa các tôn giáo, các tiểu vương quốc trên lãnh thổ Ấn Độ, người Anh, thông qua công ty Đông Ấn, đã dần dần kiểm soát gần hết tiểu...

Tiêu chuẩn thành viên và số lượng thành viên Ban Chấp hành Chi hội Mỹ thuật Việt Nam khóa IX (Nhiệm kỳ 2019 – 2024)

    HỘI MỸ THUẬT VIỆT NAM                                                  CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM         Số: 229/19/BCH                         ...

Khai mạc triển lãm “Ngộ” với 40 bức tranh nhẹ nhàng và tinh tế

Chiều 13/9, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội), đã chính thức khai mạc Triển lãm “Ngộ” của 4 họa sĩ Trường Thịnh, Nguyễn Đỗ Long, Anh Nguyên và Vũ Thùy Mai; đem đến cho người xem...