XUÂN VÀ CỔ NGOẠN

 

 

Xuân Cổ Ngoạn

Mấy ngày áp tết miền Bắc lên cơn rét cằn rét đụn. Ngoài trời thì cứ rả rích mưa phùn, trong nhà thì vẫn trầm trà xen lẫn khói hương… Nói đến thú sưu tầm cổ vật (STCV) ở đất Bắc giai đoạn đầu đến quãng cuối thế kỷ 20, thì phải nói đến cụ Nguyên Ninh (bánh cốm Hàng Than), cụ cả Được, cụ Huệ (muối), cụ Hoài (min)… là những cây đại thụ trong làng Cổ Ngoạn đất Hà Thành, và một số mà nay cũng đã thuộc bậc lớp cao niên như ông Cường (mesp), ông Khôi (nhà thờ), ông Tuyên (Sinh Từ), ông Thái (nhôm), ông Trường (tóc bạc)…vv, từng vẫn được người chơi nhắc đến trong mỗi cuộc “thưởng ngoạn” trước bức tranh Cổ Đồ của giới sưu tập cổ vật (STCV) đất Bắc đặc biệt đam mê đến bộ môn sắp đặt – bày biện – decor… tạo nên bức tranh “cổ – kỳ – mỹ” mà đến giới ngoại đạo đôi khi cũng phải ngả nón bội phục xen lẫn thích thú trầm trồ trước sự cầu kỳ “mải chơi” đạt đến cảnh giới trước một vẻ đẹp xưa cũ mà không thể biểu đạt gọi tên! “Xuân Kỷ Hợi”

 

 

 

Đón bạn ngày xuân

Ở thời khắc xuân sang, thì xuân nào cũng vậy! Dù là xuân thập niên hay xuân của hiện tại, thì xuân đến đối với mỗi người lớn, đa phần vẫn là bộn bề lo toan, nhưng cái lo toan ấy lại chính là một phần trong hương vị của Tết… để rồi khi mà bao cái lo toan ấy được bù đắp bằng 3 ngày tết. Ba ngày tết hầu như trọn vẹn đủ đầy, không toan tính, không âu lo, không phiền muộn! Cứ dịp Tết đến Xuân về trên mọi nẻo đường, dù có bận đến mấy, dù có thiếu đến đâu… thì đối với cánh STCV cũng vẫn tự thưởng cho mình một bức tranh decor mang tên “Cổ Ngoạn” bày biện trang trọng phòng khách trong nhà, ngoài hiên, để đón xuân đón bằng hữu… người thân. Tất thảy bấy nhiêu cũng đã đủ thay cho lời bộc bạch, trân trọng và hiếu khách!

 

 

Đồ Sứ Ký Kiểu Trong Không Gian Xưa

Tiềm Chân Cao được đặt làm vào Thế kỷ 18 thuộc dòng đồ sứ xanh trắng thời Lê – Trịnh… với đồ án xuân sang ẩn sắc sau dải mây lụa cùng những họa tiết hoa văn kỷ hà mang dấu ấn Cát Khánh – Cát Tường trên hầu hết bề mặt. Với thiết kế tạo tác khuôn dáng đi qua nhiều thế kỷ mà vẫn xuyên suốt một phong cách kiểu dáng kinh điển đậm chất cung đình!

 

 

Hàng Long – Phục Hổ

Hàng long La Hán còn gọi là Khánh Hữu Tôn giả. Tương truyền có ác ma Ba tuần xúi giục người nước Na Kiệt sinh lòng ác, phá hủy chùa chiền, giết hại tăng sĩ và cướp hết kinh điển đưa về Na Kiệt. Long Vương nhân đó dâng nước ngập xứ Na Kiệt chuyển hết kinh phật về cất giữ ở Long Cung. Sau đó nhờ Tôn giả Khánh Hữu hàng phục được Long Vương, nên chuyển kinh điển trở về thế gian. Phục hổ La Hán: tức Tân Đầu Lư Tôn giả. Chỗ ngài tu hành có nhiều hổ. Ngài nhiếp phục được, khiến chúng không sát hại các loài khác để ăn thịt. Mỗi khi đói chúng gầm lên, Tôn giả lấy cơm cho hổ ăn. Nhân gian thấy vậy tôn xưng ngài là “Phục Hổ La Hán”.

(Trích trong quyển “Những nét đan thanh” của học giả Trần Đình Sơn)

 

HOA XUÂN CA

Trời lẩm nhẩm mưa, lẩm nhẩm lạnh từ chiều kéo dài cho đến đêm, mà khéo đến mai còn chưa tạnh! Anh ngồi thu lu một mình trên chiếc ghế dài, giật mình nghe tiếng côn đồng hồ khô khốc điểm, trong sự cô đơn tĩnh lặng của loài người, báo hiệu vừa hết canh ba. Cái lưng cũng lẩm nhẩm đau, lẩm nhẩm nhức sau một ngày dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón năm mới. Phải chăng mùa xuân này là mùa xuân của sự “trưởng thành”, khiến tâm hồn đứa trẻ trong anh cũng dần biến mất…

Tiếng tích tắc mỗi lúc một rõ hơn trong màn đêm, khiến anh vô thức đếm và dõi theo chiếc kim dài cứ miệt mài trượt, trong một vòng tròn luẩn quẩn. Một vòng, hai vòng rồi ba vòng. Tích tắc, tích tắc rồi lại tích tắc. Cứ thế, cứ tuần tự như sợi dây vô hình, níu anh trở về, về với cái thời còn nồng nồng hơi đất, cỏ cây dại còn mọc ven đường, và mùa xuân thì thổn thức như chính vẻ đẹp mang tên nó vậy. Bóng xưa cứ thoắt ẩn thoắt hiện trước cỗ máy thời gian treo trên tường, nhắc nhớ anh về một ký ức, về một mùa xuân ngây ngô thủa nào!.

Chiều ba mươi tết, trời hừng sáng không một gợn mây, lạnh buốt và khô cóng, gió heo may thổi về mỗi lúc một nhiều. Làm cho người lớn họ như trắc ẩn, bồi hồi – trẻ em thì lâng lâng cồn cào, chờ giao thừa đến…

Gió thổi đằng đông rồi lại thổi đằng tây, lửa tạt sang trái rồi lại tạt sang phải, nồi bánh thì cứ bập bùng! Mẹ sai vào bếp xách cái bu gà đem ra phía cửa để cắt tiết vặt lông. Con gà trống mơ bà ngoại cho để cúng giao thừa…, siêu nước làm gà dày nhọ nồi để ké bên nồi bánh sôi reo lên, gần hai mươi chiếc bánh bố gói đêm qua, giờ chắc cũng đã rền!?

Khói bay lên từ miệng nắp, khiến cho mùi thơm của lá lẫn vào đám lông gà gập nước sôi, làm cậu bé trong tôi từ tò mò đến nao nao khó tả!

Xa xa đằng kia, với dáng người tất bật không lẫn vào đâu. Bố tôi… cành đào vác trên vai, nhuộm đỏ cả một góc trời, đang tiến về nhà.

“Mùa xuân nồng nàn và mơn man là vậy”.

Trời buông chiều rồi kéo màn đêm xuống rất nhanh dưới phố, khi cả khối đã lên đèn. Đâu đó nhà ai chó sủa, hương trầm thơm đón khách… cơm tất niên, xen lẫn tiếng nhạc xập xình… một số khác thì còn việc nhà chưa xong, khiến tiếng bát tiếng đĩa va vào nhau lanh canh đến tận đầu phố…

Bác xích lô ngoài kia như không để ý đến thời gian, cứ cút kít… sắp giao thừa đến mà vẫn hoài đạp!

Bữa cơm ấm áp chiều cuối năm bên gia đình cuối cùng cũng đã xong. Được bày thịnh soạn dưới chiếu trải giữa nhà… thơm mùi bánh mới xanh lá dong, quyện vào vại hành muối rơm nếp để xó nhà, vàng lâng lâng chai rượu chanh thời bao cấp, đậm đặc vị xuân nồng…

Ăn xong, bố treo bánh pháo dài bằng hơn hai người tôi lên đầu giọt gianh mà cũng gần chấm đất. Mưa phùn bắt đầu rơi, ngoài trời đêm ba mươi tối mù mịt. Gió thổi làm nó đung đưa như muốn đứt vì nặng trĩu. Ông trưởng khối gần nhà vừa mới đến hỏi thăm: “nhà năm nay, gà thịt mấy con…” mà đánh thoắt một cái, ba kim đồng hồ đã chập làm một, và tiếng pháo bắt đầu nổ!

Khói pháo mù mịt gặp mưa xuân nên cứ bay ngang, chiếc mành tre chắn gió đung đưa trước cửa nhà nhuộm đầy xác giấy đỏ. Chúng tôi chỉ có thể nhìn thấy nhau qua những chớp sáng. Nhà kế bên còn thêm dây pháo hồng mậu dịch, khiến tiếng kêu của nó đinh tai nhức óc. Xa xa là tiếng pháo cối pháo đùng như sấm rung, lóe lên, xé toạc màn đêm đen, sáng rực cả một góc trời. Trong nhà văng vẳng thư chúc tết của Chủ Tịch Nước qua chiếc đài phát thanh… cùng ca khúc “Mùa xuân làng lúa làng hoa” do nữ ca sĩ Thanh Hoa cất lên đầy nội lực, với khát vọng thanh niên của cô gái văn công, có giọng hát trong veo quê Hà Nội, mang mạch sống từ bông hoa lúa đến ca sĩ với mùa xuân no ấm, như mong mỏi của bao thế hệ cha anh sau ba cuộc chiến tàn khốc, và giọng thơ, ngâm lúc trầm lúc bổng, khi thì lên cao vút như cung tên, của nghệ sĩ ưu tú Trần Thị Tuyết, mang hồn sâu lắng núi sông trong thời khắc thiêng liêng của đất trời, cũng là lúc tiếng pháo thưa dần, đưa mọi người chìm vào giấc ngủ…

Tiếng gà gáy, chợt tỉnh giấc sớm khi trời còn mù sương. Ngọn đèn dầu trên ban thờ vẫn leo lét trong ánh sáng lờ mờ từ hiên hắt vào. Dưới bếp mẹ đang cặm cụi bóc bánh đơm xôi để chuẩn bị thắp hương…

Mùi nước gà luộc với gừng cay, quyện vào nén hương bố thắp khiến tôi vùi chăn ngồi dậy. Mở tủ lấy bộ cánh mới mà bố chở đi may hồi trong năm trên chiếc xe đạp cũ Thống Nhất… vẫn còn thơm mùi sợi, vải xanh chéo công nhân, áo hai túi kiểu bộ đội, quần có túi hậu đính cúc nâu, mẹ dặn để dành đến sáng mùng một tết mới được đem ra mặc!

Cho bánh pháo tép có nhiều mầu vào túi quần bên phải, cho một vốc kẹo bọc giấy có in hoa hồng vào túi quần bên trái cùng nén hương dài dùng để đốt pháo… tôi bước ra phía cửa, xé toạc màn sương sớm, hít một hơi dài rồi nhả làn khói mỏng từ trong miệng ra. Dưới làn gió lạnh và mưa phùn khiến hai hàm răng cứ va vào nhau lập cập… nhưng chân vẫn bước!

Màu không gian như nhuộm mầu thời gian trầm xuống… con đường đất lẫn đá trắng vẫn còn vương thời khắc giao thừa trên bề mặt, khói cứ là là mặt đất bay lên, cỏ cây dại ven hai bên đường hoa cũng bừng nở, cội găng già giữa phố sáng nay bỗng đâm chồi…

Đâu đây chợt văng vẳng câu hát đêm qua khiến đột nhiên tôi thấy nhớ mẹ…!

“Bên lúa, anh bên lúa,

cánh đồng làng ven đê

Hồ Tây xanh mênh mông

trong tươi thắm nắng chiều…”

Lương Trần 

 

Tin cùng chuyên mục

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Ba lần gọi họa sĩ Trần Hữu Chất

Năm 2007, khi viết cuốn “Từ điển họa sĩ Việt Nam”, tôi có mở một từ mục viết về họa sĩ Trần Hữu Chất. Đó cũng là một trong 171 từ mục tôi viết về 171 họa sĩ Việt Nam. Cuốn sách đã...

Những ký ức tháng năm

Khi tôi ra đời, ba tôi đã năm mươi tuổi. Ông vui mừng biết bao, sau bao năm ông mới có đứa con gái đầu lòng của chính mình. Ông coi tôi là viên ngọc quí và đặt tên con là Ngọc Huyền (Lấy cảm...

Một hay nhiều sự thật

Đây là câu chuyện không có gì mới, đã diễn ra ở khắp nơi từ khi có thị trường nghệ thuật. Mà thị trường nghệ thuật (hay đồ cổ nói chung) thực chất cũng có ở Việt Nam đến hai ngàn năm...

Thị trường và thẩm định

Cách đây độ mươi năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có phòng giám định các tác phẩm nghệ thuật. Khai trương được hơn năm thì đóng cửa vì không có “đầu vào”. Tức là không có khách...

Tin cùng chuyên mục

Sôi nổi Hội thi vẽ “Tây Hồ quê hương em”

Hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4), sáng 17/4 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận Tây Hồ, quận Tây Hồ đã tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc quận Tây Hồ năm 2024. Phát...

“Tháng Tư hy vọng” – thắp sáng ước mơ hội họa cho trẻ tự kỷ

Triển lãm tranh của trẻ tự kỷ với chủ đề “Tháng Tư hy vọng” vừa khai mạc hôm nay (17/4) tại Hà Nội. Triển lãm mang đến cho công chúng Hà Nội hơn 60 tác phẩm của 13 “họa sĩ” là...

Đại diện Hội đồng Tăng – già Phật giáo toàn đảo quốc Sri Lanka gặp gỡ giao lưu với các nghệ sĩ thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam

Sáng 15/4, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Hòa thượng Mugunghwa Anuruddha, đại diện Hội đồng Tăng – già Phật giáo toàn đảo quốc Sri Lanka đã tới Nhà Triển lãm Mỹ thuật...

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Giới thiệu chất liệu truyền thống tại triển lãm mỹ thuật “Ngũ hình”

(Chinhphu.vn) – Ngày 30/3, tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội, Triển lãm mỹ thuật “Ngũ hình” của 5 họa sĩ đã giới thiệu tới người yêu mỹ thuật các tác phẩm bằng...

Có thể bạn quan tâm

Triển lãm mỹ thuật Đông Dương quy mô lớn nhất tại Việt Nam

NDO – Từ ngày 14 đến 17/8, Sotheby’s tổ chức triển lãm mang tên “Mộng Viễn Đông” tại Park Hyatt Saigon, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây được xem là một trong những triển lãm nghệ thuật Đông...

TRANH BỘT MÀU NHỮNG NĂM 1967 – 1980 CỦA HỌA SĨ NGUYỄN ĐĂNG PHÚ

  Còn nhớ đầu những năm 2000, tôi gặp gỡ họa sĩ Nguyễn Đăng Phú (sinh 1947) lần đầu tiên với xưng danh “chú Phú”. Họa sĩ Nguyễn Đăng Phú là bạn đồng hương – đồng nghiệp của nhà...

ĐỖ HIỆP – NGHỆ SĨ LÀ TẤM HÌNH PHẢN CHIẾU TỪ XÃ HỘI

  Đỗ Hiệp: sinh năm 1984. tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật hà nội (2007). Cao học Đại học Mỹ thuật Việt Nam (2012). Hiện đang sống và hoạt động nghệ thuật tại Hà Nội. Chủ nhiệm...

Bài 3: Công nghệ – Sự thay đổi có tính cách mạng trong hoạt động bảo tàng

(Chinhphu.vn) – Công nghệ đã làm cho ngôn ngữ bảo tàng trở nên sống động, đa dạng, hấp dẫn, tăng khả năng tiếp cận công chúng. Có thể nói, công nghệ đã góp phần không nhỏ đem lại sự thay...

HỒNG ĐỨC THANH – HỌA SĨ CÓ BÚT PHÁT TẠI TÂM SINH

  Tôi gặp họa sĩ Hồng Đức Thanh (bút danh Hồng Mễ Xuyên) tại Workshop Art cùng các họa sĩ quốc tế ở Kỳ Long Art vào mùa xuân 2019. Anh là họa sĩ duy nhất đến từ Nauy. Với dáng người cao,...