ĐỖ HIỆP – NGHỆ SĨ LÀ TẤM HÌNH PHẢN CHIẾU TỪ XÃ HỘI

 

Đỗ Hiệp: sinh năm 1984. tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật hà nội (2007). Cao học Đại học Mỹ thuật Việt Nam (2012). Hiện đang sống và hoạt động nghệ thuật tại Hà Nội. Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghệ sĩ Trẻ thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Tạp chí Mỹ thuật (TCMT): Chào anh Đỗ Hiệp, xin hỏi anh câu đầu tiên: Nếu nói về hoạt động của nghệ sĩ trẻ ngày nay, anh sẽ nói gì nhỉ ?

Đỗ Hiệp (ĐH): “Độc lập”. Đó chính là từ ngắn gọn, chính xác, cập nhật nhất về nghệ sĩ trẻ hiện nay. Độc lập về tư duy, về sáng tác. Độc lập về không gian và thời gian. Độc lập về phương thức hoạt động nghề nghiệp. Nếu như 10 năm về trước, tôi vẫn thấy sự rộn ràng, mong ngóng, háo hức chia sẻ thông tin về các cuộc thi, các cuộc triển lãm mang tính hội, nhóm hoặc của các tổ chức thì nay, điều đó với tôi dường như có phần dửng dưng hơn, không hào hứng cho lắm. Các nghệ sĩ đã có nhiều không gian để giới thiệu công việc của mình hơn, đa dạng về sự lựa chọn trong vô số gallery, phòng trưng bày độc lập.

Đỗ Hiệp (sinh 1984) – Tôi là tiên. Điêu khắc nhỏ. Composite, sơn, cẩn ốc, bạc, gỗ

TCMT: À ra thế. Vậy so với thời anh mới vào nghề thì sự thay đổi này có ý nghĩa như thế nào ?

ĐH: Tốt chứ! Bởi nghệ thuật vốn sinh ra đã chứa cái tôi trong đó, không chờ đợi, không thúc giục, mà là sự bày tỏ. Chưa có một sự thống kê nghiên cứu nào về lứa tuổi trong các cuộc thi, song tôi chắc chắn rằng, sau mỗi năm, nghệ sĩ trẻ lại càng ít tham gia các cuộc thi hơn. Họ thích nhóm lại để tự tạo ra các cuộc chơi nghệ thuật với nhiều mục đích khác nhau của riêng họ. Có thể là những người bạn thân, có thể là chung chủ đề sáng tác, chất liệu, lứa tuổi, vùng miền…
Những “bữa tiệc” đó diễn ra với mật độ dày đặc và rất đều đặn. Song cũng có một thực tế đang diễn ra, đó là lứa 9x ra trường thường ít làm công việc sáng tác hơn, mà chuyển sang làm nhiều công việc khác như thiết kế, phim, ảnh, đi dạy… cũng do sự khắc nghiệt của nghề. Họ thực tế hơn, không “mơ, bay” với nghiệp nhiều.
So với 8x thì 9x tuy chưa xuất hiện nhiều nhân tố nổi bật, nhưng có cảm giác họ chủ động hơn trong mọi việc. 9x là sự cập nhật xu thế, xu hướng và có phần thực tế hơn. Có lẽ chính vì vậy nên những bạn 9x ra trường và gắn với công việc sáng tác trong thời điểm hiện tại là không nhiều. Họ cũng muốn ổn định cuộc sống với các công việc bền và đều đặn hơn.
Khá nhiều người bạn cùng trang lứa với tôi sau nhiều năm thử nghiệm với các loại hình mới như sắp đặt, video art, trình diễn… nay trở lại dành nhiều sự bày tỏ hơn với hội họa. Họ cũng bán được tranh nhiều hơn, đời sống cũng ổn định hơn bởi đã xuất hiện nhiều tầng lớp người yêu nghệ thuật trong nước chia sẻ, quan tâm và tìm hiểu. Trong đó, khá nhiều người đã coi nghệ thuật là một kênh đầu tư mới.
Đa phần nghệ sĩ đã năng động hơn trong việc giới thiệu, quảng bá và tìm cơ hội bán các tác phẩm của mình. Đó là những tín hiệu đáng mừng.

TCMT: Phải chăng Sắp đặt, Video Art, Trình diễn…chỉ là nơi để nghệ sĩ giải tỏa những vấn đề mà họ không thể mang được vào tranh ?

ĐH: Tôi cho rằng hội họa dễ bán hơn so với các loại hình nghệ thuật khác. Mỗi loại hình nghệ thuật đều có thế mạnh riêng. Hội họa có thể sẽ không thể mang lại cảm giác đa chiều như video art hay trình diễn. Song để bán các tác phẩm thuộc các loại hình mới thì vẫn sẽ khó hơn rất nhiều so với tranh, tượng. Thế nên, việc các nghệ sĩ tìm về hội họa tôi nghĩ một phần cũng vì vậy. Phần khác tôi cho rằng đấy cũng là sự thay đổi cảm giác và phương thức để làm mới mình. Ăm cơm lâu thì cũng có thể đổi khẩu vị sang phở, nó cũng đều là thứ nuôi sống tinh thần cho người nghệ sĩ. Có điều nó còn phụ thuộc vào tính cách, sở thích và đam mê lâu dài của nghệ sĩ đó. Tôi cũng rất thích xem sắp đặt và video art.

Đỗ Hiệp (sinh 1984) – Tạm dừng và… 2019. Acrylic, gỗ, giấy Dó, cẩn trai ốc, sơn then, vàng

TCMT: Vậy hoạt động nghệ thuật của bản thân anh hiện nay ra sao?

ĐH: Cũng như nhiều anh em cùng trang lứa khác, tôi đang dành phần lớn thời gian cho những dự định riêng của mình. Các cuộc thi và triển lãm tập trung không còn là mối quan tâm chính nữa. Không còn sự chờ đợi, chuẩn bị trước các tác phẩm “để đời” để tham dự một cuộc thi nào đó, có chăng đó chỉ là tùy “duyên”. Nếu thấy có tác phẩm phù hợp thì tham gia, còn không thì cũng chỉ đi xem và học hỏi…

TCMT: Nghe có vẻ Đỗ Hiệp đã “trưởng thành” hơn thời gian trước nhiều rồi đấy chứ nhỉ ?
ĐH: Có trưởng thành lên cũng là phù hợp với quy luật của tự nhiên thôi mà. Hì hì.

TCMT: Nói vậy thôi chứ tôi biết tranh của anh luôn mang đến sự thích thú nhất định cho người xem mà. Anh có thể nói thêm về quan điểm và tư duy nghệ thuật của mình được không?

ĐH: Tôi không đặt cho mình một tuyên ngôn hay quan niệm, định hướng gì. Nghệ thuật khi thấy thoải mái, vui, “thèm” thì mình làm. Làm những cái mình nghĩ, những cái mà mình thấy rung rinh và hạnh phúc với những quãng cảm xúc ngắn, dài đó. Cũng không cho rằng, phải đi theo một trường phái, một phong cách, hay một bút pháp nào đó để thành đường. Tôi không có thói quen hỏi mình sẽ vẽ gì, sẽ thực hành nghệ thuật ra sao, bởi nó là thứ tự nhiên mà, cũng như khát thì uống, đói thì ăn thôi. Phong cách có chăng chỉ là cách người ta đặt tên cho một cái xác, còn phần hồn thì lại quá khó để kêu tên cho nó. Nó là tính cách của người vẽ, là lối suy tư chiêm nghiệm riêng mình. Thật khó để mà tự diễn giải nó. Bởi tôi nghĩ ta hít vào và thở ra chứ không phải ta hít ra rồi thở vào, những trải nghiệm của bạn, dù cho bạn làm thế nào thì nó vẫn là bạn, còn bạn cố với diện mạo khác thì thực sự nó chỉ mang tính hình thức.

TCMT: Anh thường nghĩ gì, vẽ về cái gì ?

ĐH: Trong những năm gần đây, tôi thường lấy chính hình ảnh của mình làm chủ thể trong các tác phẩm cũng không hẳn là tôi bị “Ái kỷ”, mà tôi nghĩ rằng mình chính là hình ảnh phản chiếu của xã hội, của đời sống bên ngoài. Chung mà riêng, riêng mà lại chung. Tôi thường thích quan sát cây cối, con người, không khí, ánh sáng, bóng tối, thích ngắm những mảng chạm khắc họa tiết trong vốn cổ, hình hài và những câu chuyện xã hội thu nhỏ trong đó. Đem những thứ ấy mà so sánh, mà đặt cùng mình xem ngày xưa các cụ nghĩ gì, chơi gì, vui thú gì? Nhất là những mảng chạm hình hài Tiên trong các đình làng Việt. Rất dung dị, bay, thoát tục mà vẫn rất chân chất thuần nông và hóm hỉnh. Những đôi cánh Tiên đó gây cảm xúc mạnh trong tôi, dù đã qua rất nhiều năm, mà mỗi lần nhìn thấy tôi vẫn rộn ràng như thủa đầu. Ở đó tôi thấy được tự do, thư thái miên man như tinh thần mỗi lần làm việc vậy.

Đỗ Hiệp (sinh 1984) – Bao giờ là ban đầu. 2019. Acrylic, gỗ, giấy Dó, cẩn trai ốc, sơn then, vàng

TCMT: Thế còn những tạo hình phồn thực trong tác phẩm của anh thì lấy cảm hứng ở đâu nhỉ ?

ĐH: Điều đó bắt đầu từ những năm 2010, khi tôi tham quan và xem nhiều các tượng thờ Linga và Yoni hay những bức phù điêu đình làng Bắc Bộ… Những lúc vậy tôi cực kỳ hào hứng, trong đầu nghĩ tại sao “các Cụ” lại tinh tế, hóm hỉnh, đời như vậy ngay trong những nơi thiêng liêng mà lại không hề tục. Tôi bắt đầu yêu thích và cảm giác như phần “chìm” của mình đã thức dậy, những câu chuyện về đề tài có chất liệu phồn thực thường trực sẵn sàng trong các suy nghĩ và câu chuyện của tôi, tất nhiên, với nhiều khía cạnh và có lẽ là lâu chán đấy (cười). Tôi cũng thấy những hình tượng đó không hề tục, trái lại nó rất “kiu” (cute) bởi sự kết hợp với các hình ảnh Tiên (phương Đông), Vitruvian ( nghiên cứu cơ thể của Leonardo da Vinci), mọi người rất thích thú khi chúng được in trên áo, decan dán số, điện thoại…

TCMT: Sau khi nghe anh nói thì tôi cũng đang muốn sở hữu ngay một chiếc áo in hình ấy đây.
ĐH: Để lần tới gặp, tôi sẽ đem tặng bạn vài cái dùng dần nhé. Cũng sắp vào hè rồi thì phải. Hehe.

TCMT: Nghệ thuật đương đại Việt Nam đang có những bước phát triển nhất định trong những năm gần đây. Mọi thứ ngày càng cởi mở hơn, sự sáng tạo cũng ngày càng được chấp nhận hơn. Vậy bản thân anh tự cảm thấy mình có vị trí và đóng góp như thế nào nếu xét trên phương diện “đương đại” ?

ĐH: Những thứ sáng tạo nhất lại thường tới trong hoàn cảnh thiếu thốn và gò bó. Đời sống nghệ thuật Việt Nam những năm gần đây có “cởi” nhưng người nghệ sĩ có “mở” được hay không lại là câu chuyện dài. Có rất nhiều hình thức và lối tư duy mới xuất hiện, song tôi cho rằng nghệ sĩ vẫn rén và chưa quyết liệt. Bản thân tôi cũng vậy. Tôi cũng được mọi người động viên, song tự thấy mình vẫn còn loanh quanh và luẩn quẩn, bởi sự đọc và hiểu của mình chưa sâu, phải trau dồi và học hỏi cũng như nhiệt hơn, buông bỏ bớt những thứ quen mắt, quen tay.
Tôi cũng chưa cho rằng mình đóng góp được gì cho mỹ thuật nước nhà cả, có chăng chỉ là góp thêm một phần trong thế hệ 8x đang hoạt động năng nổ thôi. Mong là thế hệ này sẽ không làm phụ lòng các anh và các chú, các bác đi trước, sau rồi sẽ hỗ trợ lại lứa 9x thật tốt.

TCMT: Trong thời đại 4.0 này, theo anh các nghệ sĩ nên trang bị thêm cho mình những hành trang gì để góp phần đưa nghệ thuật nước nhà đi lên ?
ĐH: Thời đại mở, cái gì cũng mở toang nên những thứ ta nghĩ là sáng tạo tìm tòi thì vô hình trung lại có thể gặp đâu đó trên mạng ngay được. Tôi nghĩ điều cần nhất là sự thực tâm và yêu công việc mình làm, sau đó cần bổ sung kiến thức, trải nghiệm cùng sự tự tin.

TCMT: Cảm ơn anh một lần nữa về cuộc trò chuyện! Chúc anh có nhiều cảm hứng để tiếp tục sáng tác được những tác phẩm tốt trong thời gian tới.
ĐH: Xin cảm ơn TCMT đã cho tôi vinh dự được trò chuyện.

Hoàng Chính (thực hiện  )

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Odilon Redon người tự minh họa giấc mơ

Odilon Redon (1840 – 1916) là một nghịch lý khuất lấp. Ông sống giữa thời đại Ấn tượng và hậu-Ấn tượng trăm hoa đua nở của những Renoir, Gauguin và Van Gogh. Song, ngoại trừ được công nhận trong...

Thực hành giám tuyển trong giáo dục nghệ thuật

Với tư cách là một nghệ sĩ-nhà giáo dục, tôi ví vai trò cố vấn-hướng dẫn của mình giống như vai trò của một curate-người chăm lo, được tin tưởng chăm sóc những sinh viên đại học bằng...

Mối quan hệ giữa mỹ thuật ứng dụng và các loại hình nghệ thuật khác

Khi nói tới mối quan hệ qua lại giữa các ngành nghệ thuật, tới sự trợ giúp và ảnh hưởng lẫn nhau của chúng; cũng như sự tác động của các loại hình nghệ thuật khác tới sự sáng tạo mỹ...

Những dấu ấn quy hoạch, kiến trúc của kiến trúc sư Ernest Hesbrard

Ernest Hébrard (1875 – 1933) sinh ngày 11/9/1875 tại Paris. Ngày 15/10/1891, khi 16 tuổi ông đã bắt đầu theo học tại xưởng vẽ của Trường Đại học Mỹ Thuật Paris (Ecole nationale et spéciale des Beaux Arts de...

Thành phố sáng tạo và nghĩa cử tri ân sự sáng tạo

Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến, với danh hiệu Thành phố vì Hòa Bình đang tiến về phía trước với mục tiêu trở thành thành phố sáng tạo hàng đầu trong khu vực. Trải qua nhiều cuộc chiến...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

Lời dặn dò thật thiêng

Nhân kỷ niệm 100 năm sinh họa sĩ Mai Văn Hiến (1923-2023) – Tổng biên tập Tạp chí Mỹ thuật từ 1981-1982 Hiếm ai như họa sĩ Mai Văn Hiến! Mỗi khi nhắc đến ông là trên môi mỗi người đều nở...

Tia- Thủy Nguyễn – Nghệ sĩ độc lập và tự chủ về tài chính dễ sáng tác và tự do hơn

  Tia-Thủy Nguyễn: sinh năm 1981, lớn lên ở Hà Nội, hiện ở TP. Hồ Chí minh. Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 2006. học bổng du học tại Học viện Nghệ thuật và Kiến trúc...

NGHỆ THUẬT ĐA PHƯƠNG TIỆN TRONG THIẾT KẾ NỘI THẤT SHOWROOM BMW WELT

Đầu thế kỷ 21, sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin đã mang lại cho lĩnh vực thiết kế nội thất showroom những biểu hiện nghệ thuật mới. Thông qua khoa học và công nghệ hiện đại,...

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội diễn ra từ 17 – 26/11/2023

(ĐCSVN) – Tiếp nối thành công của Lễ hội Thiết kế sáng tạo các năm 2021, 2022, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 với chủ đề “Dòng chảy” sẽ diễn ra từ ngày 17 đến 26/11,...

Thông báo về triển lãm mỹ thuật khu vực II Đồng bằng Sông Hồng lần thứ 26 năm 2021

 ...