HỒNG ĐỨC THANH – HỌA SĨ CÓ BÚT PHÁT TẠI TÂM SINH

 

Tôi gặp họa sĩ Hồng Đức Thanh (bút danh Hồng Mễ Xuyên) tại Workshop Art cùng các họa sĩ quốc tế ở Kỳ Long Art vào mùa xuân 2019. Anh là họa sĩ duy nhất đến từ Nauy. Với dáng người cao, gương mặt sáng, cách ăn nói thẳng thắn pha chút hài hước, anh luôn mang tiếng cười đến cho mọi người. Đặc biệt, các sản phẩm sứ anh vẽ bày trong Workshop đã thu hút người xem, đưa chúng tôi đến sự tò mò, muốn tìm hiểu về tác giả đã thổi hồn vào các sản phẩm sứ đẹp mê ly này.

Tác phẩm vẽ trên sứ của họa sĩ Hồng Đức Thanh khá đặc biệt, tất cả các hình hài, hoa văn được vẽ cầu kỳ, tỉa tót chi tiết, tinh vi, có nhiều nét bé hơn sợi tóc; các mảng màu và nét vẽ chứa đủ độ chuyển đậm nhạt và sắc nóng lạnh. Ngạc nhiên hơn bởi sản phẩm sứ anh vẽ hầu hết rất mỏng, nhẹ, dáng thanh thoát, màu men sáng bóng như men ngọc. Thấy tôi thích thú ngắm các sản phẩm của anh, anh ưu ái cho tôi được bưng chiếc bát anh đang bày trong triển lãm. Đây là chiếc bát sứ to, đẹp nhất tôi được đụng đến từ trước đến nay. Bát có đường kính 45cm, mỏng tang, được vẽ trang trí cả mặt trong lẫn mặt ngoài bằng những bông hoa hồng tuyệt đẹp.

Nghệ sĩ Hồng Đức Thanh ra mắt tác phẩm trên chiếc bát sứ mỏng nhất thế giới ở Đài Loan và chiếc bát này đã nằm trong bảo tàng Thượng Hải, Trung Quốc.

Workshop diễn ra mấy ngày, có một buổi vẽ trên sứ tại Công ty Cổ phần Công nghiệp Gốm sứ Taicera. Hôm đó họa sĩ Hồng Đức Thanh bắt đầu trổ tài, anh mở túi đồ nghề có hàng trăm chiếc bút với chiếc bảng pha màu của riêng anh bày lên bàn, thoạt nhìn đã thấy sự chuyên nghiệp của người nghệ sĩ sẵn sàng bắt tay vào việc. Từng chiếc bút anh dùng được đặt làm từ châu Âu, châu Mỹ, đều có dấu ấn thương hiệu của anh. Màu sắc anh dùng có màu chứa cả vàng thứ thiệt, chúng được pha với một loại dầu đặc biệt, có mùi thơm dễ chịu. Khi anh bắt đầu vẽ, từ cách nâng tấm sứ, cách đặt bút, chấm màu, thuần thục, nhịp nhàng, như một bản nhạc êm đềm đang diễn ra. Tấm sứ phẳng khổ 40×60 cm, tôi đặt lên bàn, kê cẩn thận, khi vẽ còn sợ vỡ, thế mà tài tình thay, anh nâng trên tay xoay nhẹ nhàng, khéo léo như một bàn xoay thực thụ. Với phong thái thoải mái, ung dung, vừa vẽ anh vừa ngẩng lên hội thoại cùng các họa sĩ hoặc các người hâm mộ đứng xung quanh. Anh thuộc từng đặc điểm của các loài hoa, thuộc đến ăn nhập vào tâm hồn để diễn đạt lên tranh nhẹ như chơi. Một đốm màu rơi vào mặt gốm cũng gợi cho anh bố cục tranh, một nét phẩy bút anh vẽ cũng tạo ra các đường gân hoa lá… Ông Tổng giám đốc tập đoàn Taicera đã hút hồn về phía họa sĩ Hồng Đức Thanh, riêng chồng tôi mải xem anh múa bút quên cả vẽ. Thật bất ngờ, chỉ khoảng hơn một tiếng đồng hồ anh đã vẽ xong bức tranh hoa trên tấm sứ to 40x60cm. Người Đài Loan tặng cho anh biệt danh nghệ sĩ “Bút pháp tại tâm sinh” quả không sai, cứ như mọi thứ đã có sẵn trong tâm anh và được anh truyền lên tay để thể hiện trên sứ.

Tác phẩm “Mèo và hoa mẫu đơn”

 

Hồng Đức Thanh nhận Giải thưởng tại Ý năm 2012

Thán phục tài vẽ trên sứ của anh, tôi hỏi cơ duyên nào đưa anh đến vẽ sứ. Anh kể, hồi 19 tuổi đặt chân đến Nauy, theo học trường Kỹ thuật thiết kế máy. Trong thời gian học, anh yêu và lấy Maria Kurud- cô thiếu nữ Nauy xinh đẹp tài ba làm vợ. Vợ anh biết được đam mê mỹ thuật của chồng, cô khích lệ, động viên anh theo đuổi ước mơ trở thành họa sĩ. Nhiều lần đi ngang qua lớp dạy vẽ sứ của nghệ nhân Borghild Huseby, Hồng Đức Thanh bị mê hoặc loại hình nghệ thuật này. Nhận ra điều đó, bà Borghild Huseby cho anh vào lớp học, chẳng bao lâu anh đã lĩnh ngộ được hết kiến thức bà truyền cho. Ham học hỏi, Hồng Đức Thanh mày mò học phương pháp công bút của nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, anh sang Trung Quốc và Đài Loan, nơi có nghệ thuật gốm sứ phát triển mạnh từ lâu đời để tu nghiệp, học hỏi. Anh lăn lộn với nghề, ăn với tranh men sứ, ngủ với tranh men sứ, anh lĩnh hội được mạt cốt bút pháp của Lĩnh Nam Phái kết hợp với công bút của châu Âu, hình thành phong cách vẽ sứ của Hồng Đức Thanh vừa truyền thống, vừa hiện đại. Thông thường, vẽ tranh trên sứ  người ta phải vẽ từng lớp từ nhạt đến đậm, phải nung vài lần, vẽ vài lượt, vậy mà tranh sứ của Hồng Đức Thanh với tài công bút nặng, nhẹ, dài ngắn, nhuần nhuyễn, uyên thâm, anh chỉ đặt bút vẽ là xong và nung đúng một lần.

Tài nghệ và kiến thức sư phạm của anh đã được trường Floke Universitetet ở Nauy mời về làm giáo viên ngay từ năm 1983, trong suốt 30 năm làm giáo viên anh được mời đi giảng dạy ở khắp nơi trên thế giới như: Thụy Điển, Thụy sĩ, Đan Mạch, Phần Lan, Ý, Pháp, Anh, Đức, Malaysia, Singapor, Hồng kông, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan… Hiện nay anh lập trường tư lấy tên là Art Thanh Hong.as tại Nauy.

Nghệ sĩ Hồng Đức Thanh với đồ nghề luôn mang bên mình đang vẽ trên đĩa sứ

 

Hồng Đức Thanh đang vẽ bức tranh sứ đường kính 1,2m

Với nhiều lần tham gia các triển lãm hàng đầu thế giới về tranh sứ, anh đã nhận được nhiều giải thưởng có giá trị ở Đài Loan, Trung Quốc, Ý, Mỹ…., tên tuổi anh đã nồi bật trong các nghệ sĩ vẽ dòng tranh trên sứ. Anh được mời làm giám khảo trong nhiều triển lãm mỹ thuật quốc tế. Người Nauy yêu quý anh, lấy tên thị trấn anh đang cư trú để đặt tên cho anh, đó là anh Brumuddal Teknisk.

Năm 2010, anh từng vẽ một bức tranh sứ tròn có khổi nổi, đường kính 120 cm và đã có người mua với giá 25000 usd. Cũng năm đó, anh được mời hợp tác với Huỳnh Chánh Nam, đại sư cho ra đời chiếc bát sứ mỏng nhất thế giới, mỏng hơn vỏ trứng, chỉ 0,09 mm, đường kính bát là 45 cm. Cả Đài Loan có khoảng 10 chiếc bát này, riêng Hồng Đức Thanh vẽ 7 chiếc. Một trong những chiếc bát sứ mỏng nhất thế giới anh vẽ hiện nằm trong bảo tàng Thượng Hải, trị giá 492.000 usd. Có rất nhiều khách hàng trên thế giới đặt hàng anh, anh không nhớ nổi.

Với tính cách nghệ sĩ, hào hoa, nhưng họa sĩ Hồng Đức Thanh luôn thủy chung với vợ, nghiêm túc với nghề, thích đi sâu tìm hiểu nghiên cứu nghệ thuật, thông thạo cả về thiết kế, xây dựng. Chính đôi bàn tay khéo léo vẽ trên sứ của anh cũng là đôi tay xây trát, trang trí tổ ấm gia đình vợ chồng anh sống. Mỗi kỷ niệm anh luôn nhắc tới người vợ thân yêu, anh nói “chính vợ anh là người đã chắp cánh cho anh trong cả sự nghiệp này”. Nhưng buồn thay, chị đã về với tổ tiên tròn một năm bởi căn bệnh ung thư. Nói ra điều này mắt anh còn ngấn lệ.

Kết thúc Workshop, vợ chồng tôi tạm biệt anh, hẹn một ngày gặp lại ở Nauy, Hà Nội hay một nơi nào đó để chiêm ngưỡng tài nghệ vẽ sứ của anh. Chúng tôi sẽ nhớ mãi hình ảnh anh ngồi vẽ ở Kỳ Long Art, nhớ cách thuần thục, tài tình đưa bút, vờn tỉa cánh hoa, cụm lá của anh, nhớ biệt danh người ta đặt cho anh- họa sĩ “Bút pháp tại tâm sinh”. Còn họa sĩ Hồng Đức Thanh, anh vẫn theo thói quen của nhà giáo, ở lại Kỳ Long Art vài ngày để dạy vẽ sứ cho mấy họa sĩ yêu thích môn phái này. Chúc anh sức khỏe, nhiều niềm vui để sáng tác được nhiều tranh sứ cho đời.

Đặng Thị Bích Ngân

 

 

Tin cùng chuyên mục

Quyện trong thế giới hội họa của Nguyễn Đình Tuyên

NDO – Không khoa trương, không ồn ào, không nổi loạn, Nguyễn Đình Tuyên đến với hội họa bằng một tình cảm chân thành hiếm có. Bút pháp của anh hòa quyện giữa tô và vẽ, giữa vẽ và bôi,...

Triển lãm cá nhân “Ảnh xạ” của họa sĩ Trang Thanh Hiền

Triển lãm cá nhân “Ảnh xạ” diễn ra từ ngày 07 đến 15/11/2023 tại phòng Bảo tàng, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, số 42, Yết Kiêu, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Triển lãm cá nhân lần thứ hai của...

Cảm nhận làng quê Cao Bằng qua bức tranh “Bản em” của hoạ sĩ Nông Thị Thu Trang

Quê hương luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận của văn nghệ sĩ. Sự ngọt lành, yên bình của nơi “chôn rau cắt rốn” cùng với những điều giản dị, chân phương mộc mạc nuôi dưỡng vùng...

Trần Ngọc Hưng và chất liệu bột màu, giấy dó

Sáng tạo nghệ thuật, trong chừng mực nào đó dường như là sự chiến thắng chính mình của ngày hôm qua, thoát khỏi cái khung ràng buộc do chính mình tạo ra để tiến tới cái mới. Do đó, nghệ thuật...

Nhã

  “Từ những bức bé tí bằng bàn tay đến những tranh hàng thước vuông, rồi bộ đôi bộ ba gần hai thước vuông vẽ trong hơn hai năm vừa rồi, Nhã có vẻ đã nhìn ra chính mình, một cá thể tự...

Có thể bạn quan tâm

MỘT KỶ NIỆM NHỎ VỀ NGƯỜI BẠN LỚN

Hôm ấy chưa phải đã vào thu, nhưng Hà Nội nắng đẹp và không quá nóng. Đó là cái ngày mà sau này chúng tôi cứ nhớ mãi: 12 tháng 7 năm 1984 – ngày khai mạc triển lãm cá nhân lần đầu tiên của...

Bức tranh "tái sinh" của Nguyễn Tư Nghiêm

    Rất khó, nếu không muốn nói-là không có một họa sĩ bậc thầy nào lại không có một kỹ thuật riêng nào đó, bởi vì kỹ thuật là yếu tố hàng đầu tạo nên phong cách. Kỹ thuật đã...

GIẢI THƯỞNG TRIỂN LÃM MỸ THUẬT NGÀNH MỸ THUẬT ỨNG DỤNG – KHU VỰC I (HÀ NỘI) LẦN THỨ 26 NĂM 2021

           ...

GIẢI THƯỞNG TRIỂN LÃM MỸ THUẬT KHU VỰC I – HÀ NỘI CHUYÊN NGÀNH ĐỒ HỌA, ĐIÊU KHẮC, MỸ THUẬT ỨNG DỤNG LẦN THỨ 23 NĂM 2018

  Từ ngày 06/08 đến ngày 16/08/2018, tại nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội đã diễn ra triển lãm Mỹ thuật khu vực I – Hà Nội ngành Đồ họa, Điêu khắc và Mỹ thuật Ứng dụng...

 PHONG VỊ CHÀO XUÂN CANH TÝ 2020

  Một buổi chiều tàn cuối đông. Những đợt gió giá buốt vẫn không ngừng thổi. Trời hừng sáng chiếu những tia nắng dài như thanh đòn và sắc nhọn, bỗng chuyển thành xù xì kéo dần xuống...