NHỚ LẮM NINH BÌNH ƠI

 

Tháng 9/1967

Sau khi tốt nghiệp Trung cấp Khóa 7 năm (1960 – 1967) Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tôi được điều về Ty Thông tin Ninh Bình công tác. Do chiến tranh nên ô tô khách xuất phát từ bến xe Kim Liên lúc trời vừa xẩm tối, mãi đến hơn 11 giờ đêm, chiếc xe khách ọc ạch vòng vo mới bò đến cầu Huyện. Theo chỉ dẫn tôi xuống ở đó và đi bộ về nơi cơ quan sơ tán cách đường quốc lộ 7km về phía Trường Yên. Trăng thượng tuần như chiếc lưỡi liềm treo lơ lửng trên đỉnh núi, cảnh quan vắng lặng, đã khuya lắm những hình trái núi lừng lững, đen sạm, đường vắng, tôi lầm lũi đi theo lời dặn trong thư. Qua động Thiên Tôn đến Cầu Lòn đây rồi! Trước một khung cảnh tan hoang của cây cầu bị bom Mỹ oanh kích, một cầu phà đi tạm được lắp ghép cách đó không xa và cũng tại đây bên kia cầu tôi bị dân quân xã bắt. Họ bắt tôi là phải, bởi nhìn từ đầu đến chân tôi không giống ai, từ quần áo, cặp vẽ, giày, mũ… đều một màu đen tuyền, y phục thời chiến, trong cặp vẽ lại toàn giấy vẽ các tư liệu để sáng tác lại càng tăng sự nghi ngờ là biệt kích vẽ bản đồ địa dư chỉ điểm cho máy bay. Giữa một khung cảnh tan hoang của cây cầu, đêm về khuya, sự xuất hiện của tôi với bộ dạng như trên thì nhìn giống như là biệt kích rồi! Một đêm sống chung với muỗi rừng trong chuồng bò, họ giam tôi trong đó, những ấn tượng về một địa danh mình sẽ tới làm việc đã tan nhanh trong suy nghĩ. Sáng hôm sau được sự bảo lãnh của cơ quan, anh Chưởng thương binh cụt tay (quê Kim Sơn) phụ trách tổ chức đưa tôi về cơ quan cách đó không xa…

LÊ ĐỨC BIẾT – Thu dọn xác máy bay F4 bị dân quân xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh, Ninh Bình bắn hạ. Tháng 12/1967

1967 – 1975…

Chín năm, thời gian không nhiều, song cũng đủ để bản thân tôi kiểm nghiệm, suy ngẫm lại năng lực chuyên môn và đặc biệt là tư chất của người cán bộ mới ra trường được xung vào mặt trận tư tưởng. Chín năm, biết bao những dữ kiện, biến thiên của cuộc sống, lúc đó ngấp nghé tuổi 20, cuộc sống đã rèn giũa từ một Trung cấp mỹ thuật “mới bóc tem”, những kiến thức chuyên môn còn quá non nớt, tuổi đời và tuổi nghề như vậy được tung vào cuộc sống “đơn phương độc mã” làm gì mà không run. Trong hoàn cảnh đó, đã thử thách lòng quả cảm của con người, phải gồng mình vượt qua những vật cản những thực tế mà trong giáo án, giảng đường không có đáp số. Cuốn theo dòng thời gian, thành quả của những nỗ lực học hỏi, những kiến thức trong giảng đường được vận dụng một cách hợp lý, linh hoạt, khoa học và bài bản. Những giàn tranh cổ động cao ngất ngưởng với nội dung động viên quân dân tỉnh Ninh Bình trong sản xuất và chiến đấu. Ninh Bình cửa ngõ của Khu 4, nơi tuyến lửa đầy bom đạn với trục giao thông quốc lộ 1 nhiều cầu, phà là trọng điểm của không quân Mỹ bắn phá, hứng đựng nhiều trận bom hủy diệt. Một màu ghi xám bao trùm lên thị xã Ninh Bình sau những trận bom bình địa, dân thị xã sơ tán về các vùng núi, các hoạt động văn hóa Thông tin cũng nằm trong vòng quay đó. Tôi và các đồng nghiệp tham gia mở lớp tập huấn phóng tranh cổ động, kẻ khẩu hiệu, dàn dựng các chương trình văn nghệ thông tin cổ động, triển lãm nhỏ, vẽ phim Đèn chiếu, biên tập và cập nhật tin chiến thắng 2 miền… Bên cạnh đó nhằm rèn giũa chuyên môn, tranh thủ ký họa, ghi chép tài liệu để sau này có điều kiện dựng tranh và là dịp ôn luyện lại những kiến thức cơ bản ở trường vận dụng vào thực tế có chắt lọc và thường xuyên cập nhật các hoạt động mỹ thuật của bè bạn các tỉnh và Hà Nội, tránh sự rơi rụng kiến thức.

LÊ ĐỨC BIẾT – Nữ dân quân Cồn Thoi, Kim Sơn, Ninh Bình. 1970

 

LÊ ĐỨC BIẾT – Cô Hạnh tự vệ xí nghiệp chiếu cói Kim Sơn, Ninh Bình. 1969

Chín năm, chín năm! Ninh Bình đã trở thành quê hương thứ hai của tôi, nơi tôi gửi gắm tình cảm và đã có ở đó một gia đình xum vầy, là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống và là bệ phóng cho tôi trong các hoạt động nghệ thuật, là nơi được rèn giũa trong cuộc sống, là chỗ dựa tình cảm, tinh thần trong lao động sáng tạo nghệ thuật. Thời gian qua đi nhưng làm sao có thể quên được những dòng kênh con suối tại hang Luồn, mây trời bảng lảng, kinh đô một thời vàng son Đinh – Lê, có địa danh Trường Yên nổi tiếng với thế núi rồng cuốn hổ chầu, nhớ những giò phong lan của đại ngàn Cúc Phương của các cô gái xứ Mường trong dàn Cồng Chiêng trao tặng khi chia tay về xuôi. Nhớ những thảm cói tươi màu trên khung dệt và cặp mắt lúng liếng biết nói của các thôn nữ vùng Nộn Khê Yên Tử, nhớ đêm hội trăng rằm tại chùa Bái Đính. Đêm trắng của lễ Noel bên Nhà thờ đá Phát Diệm, thánh đường của bà con công giáo, nhớ ly cà phê sánh đặc của nông trường Đồng Giao, nhớ những ngày lao động gặt hái với bà con tại Khánh Tiên, Khánh Thiện. Nhớ đến tình cảm của bà con xã Ninh Hòa (Gia Khánh) đã chia sẻ tình cảm da diết trong những năm trên bom dưới đạn một thời, nhớ những lần hút chết với đồng đội khi đi vẽ ở trận địa pháo Cầu Gián, thị xã Ninh Bình, cầu Non Nước…

LÊ ĐỨC BIẾT Nữ dân quân Cồn Thoi, Kim Sơn, Ninh Bình. 1970

 

 

LÊ ĐỨC BIẾT – Cô Thắm, tự vệ xã Ninh An (Bảo vệ Cầu Yên). 1967

Nhắc đến Mỹ thuật Ninh Bình, “dân trong làng nghệ thuật kinh điển” này không thể không nhắc đến những viên gạch đầu tiên sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp . Những năm đầu hòa bình trên miền Bắc những họa sĩ “quê tứ chiến” đã quy tụ lại xây dựng ngôi nhà mỹ thuật Ninh Bình, không thể không nhắc đến: Họa sĩ Bùi Ngọc Tư, Phạm Vĩnh, Lê Trọng Cường, Lê Đức Biết, Quách Đại Hải… Những họa sĩ, nhà điêu khắc có tên trong bản đồ mỹ thuật nước nhà quê gốc Ninh Bình đang sống và làm việc trên khắp mọi miền đất nước: Đinh Trọng Khang, Cần Thư Công, Nguyễn Lương Tiểu Bạch, Nguyễn Phú Cường, Thế Hùng, Nguyễn Quyến, Tô Ngọc, Đinh Gia Lê, Đinh Ý Nhi, Đinh Quang An, Phạm Ngọc Tới, Đinh Gia Thắng, Nguyễn Thị Hải, Trần Hiếu Lễ, Nguyễn Phú Kim, Lương Khánh Toàn… và đặc biệt hiện tại dưới mái nhà chung Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình có bộ máy lãnh đạo đủ tâm, đủ tài, nơi quy tụ một lực lượng hùng hậu văn nghệ sĩ, được đào tạo bài bản đã và đang xây dựng ngôi nhà văn nghệ Ninh Bình khởi sắc hơn bao giờ hết, là một trong những địa phương có phong trào mỹ thuật mạnh của khu vực Đồng bằng sông Hồng. Những cánh chim đầu đàn như họa sĩ, điêu khắc gia Kù Kao Khải, Phú Văn, Đào Công Huân, Trọng Văn, Bùi Thanh Liêm, Kim Đức Thạo, Phan Dư, Phan Nguyễn, Đinh Đức Hưng, Nguyễn Phúc Khôi, Vũ Bình, Nguyễn Anh Đức… một lực lượng trẻ được trang bị kiến thức mỹ thuật hiện đại: Đinh Văn Phương, Nguyễn Thị Thu Hường… là niềm tin vào mỹ thuật Ninh Bình trong tương lai gần.

Thời gian như con thoi, mới đó mà đã hơn nửa thế kỷ, cái ngày mà tôi ngáo ngơ nhập gia mỹ thuật tỉnh nhà. Thế mà đã ngót 60 năm, nhanh quá! ược đào tạo bài bản từ trung cấp lên đến Đại học, năm tháng qua đi, cuộc sống biến thiên, biết bao dữ kiện như con tạo xoay vần, dù đi đâu, ở đâu, làm gì, vẫn đau đáu nhớ về một vùng quê là bước khởi đầu trong cuộc đời công tác và hoạt động nghệ thuật của tôi.
Nhớ lắm quê ngoại Ninh Bình ơi!

Hà Nội, đêm trở gió mùa Đông Bắc 2022
Lê Đức Biết

 

Tin cùng chuyên mục

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Ba lần gọi họa sĩ Trần Hữu Chất

Năm 2007, khi viết cuốn “Từ điển họa sĩ Việt Nam”, tôi có mở một từ mục viết về họa sĩ Trần Hữu Chất. Đó cũng là một trong 171 từ mục tôi viết về 171 họa sĩ Việt Nam. Cuốn sách đã...

Những ký ức tháng năm

Khi tôi ra đời, ba tôi đã năm mươi tuổi. Ông vui mừng biết bao, sau bao năm ông mới có đứa con gái đầu lòng của chính mình. Ông coi tôi là viên ngọc quí và đặt tên con là Ngọc Huyền (Lấy cảm...

Một hay nhiều sự thật

Đây là câu chuyện không có gì mới, đã diễn ra ở khắp nơi từ khi có thị trường nghệ thuật. Mà thị trường nghệ thuật (hay đồ cổ nói chung) thực chất cũng có ở Việt Nam đến hai ngàn năm...

Thị trường và thẩm định

Cách đây độ mươi năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có phòng giám định các tác phẩm nghệ thuật. Khai trương được hơn năm thì đóng cửa vì không có “đầu vào”. Tức là không có khách...

Có thể bạn quan tâm

BỨC CHÂN DUNG CUỐI CÙNG VẼ TẶNG VỢ

  Bùi Xuân Phái vẽ rất nhiều chân dung. Ở tất cả các tranh chân dung của ông, người ta thấy người mẫu thường là những người rất thân với họa sĩ, được ông dành tất cả tình cảm như...

Thông báo số 10 của Ban Chấp hành TW Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa VIII (Nhiệm kỳ 2014 – 2019)

HỘI MỸ THUẬT VIỆT NAM                        CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM      Số: 118/19/BCH                                                 Độc lập...

SỰ KIỆN GIỚI THIỆU SÁCH "NGUYỄN TRUNG WORKS" Ở THƯỢNG HẢI

  Năm 2020 là năm kỷ niệm quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Việt Nam tròn 70 năm, cũng là năm mừng “đại thọ” lần thứ 80 của họa sĩ Nguyễn Trung. Nguyễn Trung là một trong những họa sĩ...

Triển lãm “Đối thoại với dòng tranh gỗ Nhật Bản Ukiyo-e”

(ĐCSVN) – Từ ngày 23/01 – 12/3/2024, triển lãm “Đối thoại với dòng tranh gỗ Nhật Bản Ukiyo-e” diễn ra tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám giới thiệu 38 tác phẩm...

Tiêu chuẩn thành viên và số lượng thành viên Ban Chấp hành Chi hội Mỹ thuật Việt Nam khóa IX (Nhiệm kỳ 2019 – 2024)

    HỘI MỸ THUẬT VIỆT NAM                                                  CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM         Số: 229/19/BCH                         ...