BỨC CHÂN DUNG CUỐI CÙNG VẼ TẶNG VỢ

 

Bùi Xuân Phái vẽ rất nhiều chân dung. Ở tất cả các tranh chân dung của ông, người ta thấy người mẫu thường là những người rất thân với họa sĩ, được ông dành tất cả tình cảm như vợ con, anh em, người hàng xóm, bạn bè đồng nghiệp… Người phụ nữ được ông vẽ nhiều chân dung nhất, chính là người vợ của ông (bà Nguyễn Thị Sính). Những bức chân dung vẽ vợ ông người ta vẫn thường gọi chung là Chân dung bà Phái, và để phân biệt từng bức, người ta thường đề thêm năm vẽ vào sau tiêu đề bức tranh. Chân dung bà Phái xuất hiện từ năm 1952 và bức cuối cùng ông vẽ rất chăm chút dành để tặng bà vào năm 1986. Có thể thấy, ông vẽ bà từ khi bà còn là một thiếu nữ, theo thời gian cho đến khi người bạn đời của ông đã là một bà lão. Số chân dung ông vẽ bà còn nhiều hơn số ảnh bà được chụp. Ngay cả trong những bức ký họa của họa sĩ, mọi gương mặt phụ nữ đều thấp thoáng mang hình ảnh bà – như một ám ảnh trong tâm hồn về người đàn bà của đời ông, để mỗi khi đưa bút, gương mặt thương yêu và hiền hậu ấy lại hiện về.

BÙI XUÂN PHÁI – Chân dung bà Phái. 1986. Sơn dầu
BÙI XUÂN PHÁI – Chân dung bà Phái. 1952. Sơndầu

Tại triển lãm nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Bùi Xuân Phái, bức Chân dung bà Phái (1986), lần đầu tiên được công bố. Bức tranh đã được bày ở nơi trang trọng nhất.
Hôm Bùi Xuân Phái vẽ bà Phái bức chân dung này, bà bảo ông:
-Để tôi trang điểm và diện bộ mà tôi vừa ý nhất cho ông vẽ nhé.
Bà lấy chiếc khăn khoác của Natasha tặng mà bấy lâu vẫn chưa có dịp để thể hiện khoác lên hai vai mình. Bức tranh đã được hoàn thành trong buổi chiều hôm đó. Bùi Xuân Phái hỏi bà:
-Bà xem đã vừa ý chưa để tôi ký tên nào?
Bà Phái thích bức chân dung đó lắm, bà hiểu rằng ông đã chiều mình mà vẽ khá là “realist” để bà có thể thích và hiểu được. Bà vốn là người phụ nữ không quan tâm và cũng không hiểu nhiều lắm về nghệ thuật của ông, nên bà cho rằng, lần này, ông vẽ bà khác hẳn những bức trước đây vốn là những bức ông vẽ cho ông với quan niệm nghệ thuật của ông. Có thể vì nghĩ như vậy, bà Phái đã bảo ông:
– Tôi muốn lần sau ông vẽ tôi một bức khác theo đúng phong cách của ông. Tôi thích ông vẽ tôi một bức chân dung thật phá phách và tự do theo đúng chất của ông.
Bùi Xuân Phái gật đầu, hứa sẽ vẽ cho bà bức chân dung theo ý muốn ấy của bà.

BÙI XUÂN PHÁI – Chân dung Bùi Kỳ Anh. 1976. Sơndầu

 

Bùi Xuân Phái và bà Nguyễn Thị Sính, vợ ông

 

Bùi Xuân Phái cùng vợ và các con đón giao thừa năm 1980

Nhưng lời hứa ấy của ông với bà đã mãi mãi chỉ là lời hứa. Bà đã không bao giờ có dịp để ngồi làm mẫu cho ông vẽ chân dung nữa. Bức chân dung mà bà nhận xét là hiền lành và realist không ngờ lại là bức chân dung cuối cùng ông vẽ bà. Ngày tiễn đưa Bùi Xuân Phái về cõi vĩnh hằng, bà Phái lấy trong tủ ra bộ com-lê sang trọng nhất trong đời ông, bộ com-lê này bà đi may cho ông khi bà hay tin: Nhà nước đã chấp thuận cho ông xuất ngoại theo lời mời của người Pháp. Bà muốn ông sang Pháp diện bộ đồ thật oách. Nhưng ông đã chưa có dịp được mặc bộ com-lê thật oách đó một lần nào. Trong lúc mặc bộ com-lê sang trọng đó cho ông, bà Phái mếu máo nói:
-Ông đã hứa vẽ cho tôi bức chân dung thật là bạt tê, phá phách rồi đấy nhé! Ông vẫn còn nợ tôi một bức chân dung đó.
Và cứ thế, những giọt nước mắt của bà không ngừng rơi xuống khuôn mặt đã bất động của ông…

Bùi Thanh Phương

Tin cùng chuyên mục

Một kỷ niệm với Trần Duy

Một kỷ niệm Huế, những ngày tháng Tám… Tôi quen Trần Duy từ thuở ấy. Hai đứa gặp nhau ở Sở Tuyên truyền Trung bộ mới thành lập. Bấy giờ, anh Nguyễn Duy Trinh là Ủy trưởng Tuyên truyền Trung...

Chuyện ông Ba Đông

Với chiếc xe đạp mini mua từ năm nảo năm nào, thoắt cái ông ở chỗ này chỗ nọ. Trong nhà ông, tranh lụa, tranh sơn dầu, sơn mài… chật cả phòng khách. Còn ở phòng vẽ thì ngổn ngang những tranh...

Con trâu là đầu cơ nghiệp… nay đâu?

Năm 2004, tôi được mời sang Bordeaux tham gia một dự án Nghệ thuật. Một ngày cuối tuần đi dạo ven dòng sông Ga-Rôn cùng giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Dominik Lobera, tôi bắt gặp 17 cụm tượng thép...

35 năm chặng đường thăng trầm của Nhà xuất bản Mỹ thuật

  Đầu năm 2009 tôi về công tác ở Tạp chí Mỹ thuật (TCMT ), khi đó TCMT đã hơn 30 tuổi và Nhà xuất bản Mỹ thuật (NXBMT) hơn 20 tuổi. Ban đầu tôi nhận nhiệm vụ làm Phó Tổng Biên tập TCMT,...

BÁN TRANH

  Cô Minh, con gái họa sĩ Trần Lưu Hậu, từng đứng bán tranh ở gallery số 7 Hàng Khay năm xưa…trong một lần trò chuyện với tôi, cô bảo: “Không có tranh đẹp hay tranh xấu chú ạ, chỉ có...

Có thể bạn quan tâm

Hiện thực và Siêu thực: Hai trạng thái của vòng lặp

  Trong nghệ thuật biểu hình, hiện thực và siêu thực là hai ngôn ngữ thể hiện rất rõ cách nhìn về đời sống và thế giới nội tâm của mỗi họa sĩ. Triển lãm Vòng lặp khai mạc vào ngày 30/5...

 PHONG VỊ CHÀO XUÂN CANH TÝ 2020

  Một buổi chiều tàn cuối đông. Những đợt gió giá buốt vẫn không ngừng thổi. Trời hừng sáng chiếu những tia nắng dài như thanh đòn và sắc nhọn, bỗng chuyển thành xù xì kéo dần xuống...

ĐÚC ĐỒNG MỸ NGHỆ BIÊN HÒA

  Bên cạnh một dòng gốm Biên Hòa nổi tiếng, trường Mỹ nghệ Biên Hòa cũng có một dòng đồ đồng một thời cũng nổi danh không kém. Ngành đúc đồng theo lối thoát sáp và nghệ thuật mạ...

HÀ NỘI XƯA CÒN ĐÓ TRONG TRANH PHỐ XƯƠNG

  Ai cũng mong đến Tết. Nhưng những ngày cuối đông đầu Xuân này thời tiết vẫn còn lành lạnh, bầu trời xám đục, người ta lại mong sớm được thấy những giọt nắng đầu Hạ. Đúng dịp...

PHỎNG VẤN HỌA SĨ TRẦN VĂN CẨN – CÂU CHUYỆN SAU CHUYỂN THĂM NƯỚC PHÁP (1)

Vào tuổi 80, họa sĩ Trần Văn Cẩn còn minh mẫn lắm. Trong căn phòng ở vừa dùng là xưởng họa ở gác ba phố Nguyễn Thượng Hiền tôi đến thăm và phỏng vấn anh. Hữu Ngọc (H.N): Từ ngày anh đi Pháp...