NHỮNG NGHỆ SĨ HIỆN ĐẠI VÀ ĐƯƠNG ĐẠI CÓ ẢNH HƯỞNG NHẤT NĂM 2019

Phần II
11. MICKALENE THOMAS
Nghệ sĩ sinh năm 1971 ở Camden, New Jersey. Sống và làm việc ở New York. Mickalene Thomas là một nghệ sĩ thị giác người Mỹ gốc Phi đương đại nổi tiếng, cô được biết đến qua các tác phẩm phức tạp sử dụng kim cương giả, acrylic và men.Mickalene Thomas được tạp chí OUT bình chọn là một trong những nghệ sĩ trẻ nổi bật nhất và hình ảnh của cô xuất hiện trên trang bìa tạp chí vào số tháng 3/2019. Trong số đặc biệt này của tạp chí OUT – kỷ niệm 50 năm cuộc bạo loạn Stonewall (một cuộc bạo loạn phản đối nạn kì thị người đồng tính), gương mặt của Mickalene được xuất hiện trên trang bìa như một biểu tượng về sự thanh lịch, đầy sức mạnh và tuyệt vời của phụ nữ da màu. Việc xuất hiện trên bìa tạp chí Out không chỉ là bước đột phá vượt ra ngoài thế giới nghệ thuật trong năm nay của Mickalene Thomas, cô cũng được biết đến qua các thiết kế họa tiết độc đáo của mình cho bộ sưu tập thời trang của Dior. Ngoài ra, cô cũng cộng tác với nhà thiết kế thời trang danh tiếng Grace Wales Bonner để cho ra mắt lại chiếc áo khoác Bar nổi tiếng.
Thomas tiếp tục trở thành một gương mặt sáng trong giới nghệ thuật thế giới, với các cuộc triển lãm cá nhân tại Galerie Nathalie Obadia ở Paris tại Hội chợ nghệ thuật đương đại (FIAC), tại Trung tâm nghệ thuật đương đại ở New Orleans, và các tác phẩm khác tại tuần lễ Art Basel tại Miami Beach. Vào tháng 5/2019, bức “Just a Whisper Away” (2008) đã được rao bán tại Christie ở New York. Tác phẩm đã vượt qua ước tính ban đầu 100.000 đô la để bán với giá 495.000 đô la, thiết lập kỉ lục đấu giá mới cho tác phẩm của Thomas.

 

“Just a Whisper Away” (2008)- Mickalene Thomas.
12. KAWS
Sinh năm 1974 ở thành phố Jersey, New Jersey. Sống và làm việc ở New York.
KAWS (tên thật là Brian Donnelly) là một nghệ sĩ đường phố người Mỹ nổi tiếng trong việc sử dụng lặp đi lặp lại một dàn nhân vật hoạt hình và họa tiết tượng hình, các nhân vật của KAWS đã trở nên quen thuộc với công chúng Mỹ từ những năm 1990. Cái tên KAWS vừa là nghệ danh của Brian Donnelly mà cũng là tên một nhân vật do chính anh tạo ra, gắn liền với các tác phẩm và cũng là biểu tượng của anh.
KAWS đã trở thành một cái tên rất “hot” trên thị trường đấu giá trong năm vừa qua: đầu năm 2019, một bức tranh của KAWS vẽ các nhân vật phim “Gia đình Simpsons” (một series phim hoạt hình nổi tiếng của Mỹ) đã ghi được 14,8 triệu đô la khi đấu giá, đánh dấu một kỷ lục giá tranh dành cho nghệ sĩ này; và vào tháng năm, một bức tranh vẽ SpongeBob (Nhân vật hoạt hình bọt biển trong series phim hoạt hình cùng tên của Mỹ)  từ năm 2012 đã bán được gần 6 triệu đô la.
Mặc dù  các thực hành nghệ thuật của KAWS đã gây tranh cãi trong giới phê bình nghệ thuật nhưng không thể phủ nhận rằng việc sử dụng các nhân vật văn hóa đại chúng để sáng tạo đã buộc thế giới nghệ thuật phải nhìn nhận cách thực hành nghệ thuật đặc biệt của KAWS. Phòng trưng bày Skarstedt đã khẳng định tầm cỡ của KAWS, khi treo các tác phẩm của anh bên cạnh các tác phẩm của những nghệ sĩ uy tín, nghiêm túc, như nghệ sĩ người Đức Albert Oehlen. Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Detroit cũng tổ chức một cuộc triển lãm các nhân vật của KAWS. Danh tiếng của KAWS càng ngày càng được biết đến trên toàn cầu khi anh hợp tác với hãng thời trang nổi tiếng Uniqlo, cho ra một dòng thời trang với hình ảnh các tác phẩm của anh, hiện đã trở thành xu hướng được yêu thích bởi giới trẻ.
Sự lan toả toàn cầu của KAWS tiếp tục với sự kiện khai mạc triển lãm vào cuối tháng 10/2019 tại Qatar. Đây là lần đầu tiên KAWS tổ chức tại Trung Đông, các tác phẩm được giám tuyển bởi nhà sử học nghệ thuật danh tiếng Germano Celant. HOLIDAY (2019), một tác phẩm điêu khắc bơm hơi khổng lồ miêu tả  “nhân vật đồng hành “ suốt bao năm qua với KAWS đã  được đặt tại bến cảng của Hong Kong đến tháng 1/2020.
Tác phẩm sắp đặt “Kì nghỉ của KAWS”- Hong Kong 2019
13. NAN GOLDIN
 Nan Goldin sinh năm 1953 ở Washington, D.C. Sống và làm việc tại New York.
Trong số mùa thu năm qua của tạp chí ArtReview, Nan Goldin được bình chọn là người có ảnh hưởng lớn thứ hai  trong thế giới nghệ thuật của ArtReview. Nữ nghệ sĩ đã tích cự tham gia chống gia đình Sackler – chủ sở hữu một công ty dược phẩm lớn của Mỹ khi công ty này bị cáo buộc liên quan tới việc can thiệp vào việc kê đơn, gây nghiện thuốc.
Goldin đã cho ra mắt một cuộc triển lãm cá nhân tên “Mỹ nhân ngư” năm 2019 – đây cũng là triển lãm đầu tiên của cô với Gallery Marian Goodman. Điểm nổi bật của triển lãm là một tác phẩm video art: Sirens (Mỹ nhân ngư) và Memory Lost (Mất trí nhớ), trình chiếu hàng trăm hình ảnh thân mật đề cập đến trải nghiệm của chính nghệ sĩ với chứng nghiện thuốc.
Với dự án nghệ thuật PAIN (Nỗi đau), Goldin đang thực hiện nhiệm vụ thanh trừng gia đình Sacklers, người đứng sau Purdue Pharma, một công ty đã bị buộc tội lạm dụng thuốc giảm đau nhóm opioid, và điều đáng nói là lợi nhuận của họ chủ yếu đến từ các hoạt động tại các tổ chức nghệ thuật thế giới. Phòng trưng bày chân dung quốc gia London, Tate, Guggenheim và Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan tuyên bố họ sẽ không còn chấp nhận tiền của nhà  Sackler. Vào ngày 1/7/2019, Goldin đã dẫn đầu một cuộc biểu tình mang tên PAIN tại Bảo tàng Louvre và chỉ vài tuần sau đó, bảo tàng đã đáp lời kêu gọi của các nhà hoạt động phản đối nhà Sackler. Mùa thu vừa qua, Goldin lần đầu tiên đưa dự án PAIN đến Vương quốc Anh, cho thấy cô chỉ mới bắt đầu trên con đường đấu tranh cho công lý của mình.
14. MICHAEL RAKOWITZ
Sinh năm 1973 ở Great Neck, New York. Sống và làm việc tại Chicago.
Michael Rakowitz nổi tiếng với nghệ thuật khái niệm và phong cách đặc biệt của ông.
Các tác phẩm của Michael Rakowitz đã xuất hiện ở các bảo tàng và triển lãm nổi tiếng trên toàn thế giới bao gồm MoMA, MassMOCA, Castell di Rivoli, Sydney Biennale lần thứ 16, Istanbul Biennials lần thứ 10 và 14, Sharjah Biennial 8, Tirana Biennale… Ông đã có các dự án và triển lãm cá nhân được tổ chức bởi các tổ chức nghệ thuật danh tiếng như Creative Time, Tate Modern London, MCA Chicago, Lombard Freid Gallery ở New York, Galerie Barbara Wien, Berlin, Rhona Hoffman Gallery, Chicago và Kunstraum Innsbruck. Ông đã mang về vô số giải thưởng danh giá như giải thưởng Herb Alpert 2018 về nghệ thuật; một giải thưởng của Tiffany Foundation 2012 tài trợ vốn sáng tạo năm 2008; một giải thưởng của Ban giám tuyển Sharjah Biennale; một giải của Quỹ New York năm 2006 cho Quỹ học bổng nghệ thuật về kiến ​​trúc và cấu trúc môi trường; Giải thưởng Dena Foundation 2003 và Giải thưởng Thiết kế 21 Grand Prix 2002 từ UNESCO. Các tác phẩm của ông được công chúng đón nhận từ phòng trưng bày Whitechapel ở London, đến Castell di Rivoli Museo d’Arte Contemporanea ở Torino vào năm 2019, đến Trung tâm nghệ thuật Jameel ở Dubai vào năm 2020.
15. EMILY KAME KNGWAREYE
Sinh năm 1910 ở Soakage Bore, Australia, mất năm 1996 ở Alice Springs, Australia.
Tham gia hội họa ở tuổi 80, họa sĩ thổ dân Úc Emily Kngwarreye đã vẽ nên những bức tranh trừu tượng bằng các chấm, đường nét tự do và các mảng màu bằng acrylic. Bà đã dành cả đời để tạo ra các thiết kế phục vụ cho các nghi lễ của phụ nữ thổ dân, vẽ trên cơ thể và các hoạt động truyền thống khác.
Emily Kngwarreye  được mệnh danh là họa sĩ của sa mạc Úc. Các tác phẩm của bà đã được trưng bày trong một cuộc triển lãm lớn phi lợi nhuận của thổ dân tại Gagosian, Úc. Sự kiện đã thu hút sự chú ý của công chúng tới những bức tranh trừu tượng đặc biệt đến từ các cộng đồng bản địa Úc. Bà có thể là người được ca ngợi nhiều nhất trong số các họa sĩ bản địa này. Trong suốt cuộc đời, Kngwarreye đã lấp đầy những bức tranh rực rỡ của mình bằng các chấm, xoáy và các đường rối xen kẽ gợi lên bản đồ địa hình và bầu trời đêm.
Tháng 12 /2019, nhà đấu giá Sotheby’s đã tổ chức phiên đấu giá nghệ thuật thổ dân Úc đầu tiên tại New York, truyền tải sự quan tâm của công chúng Mỹ đối với thể loại nghệ thuật này. Hai bức tranh của Kngwarreye đóng vai trò là những tác phẩm nổi bật của phiên: bức “Vô đề” (1990), giá trị ước tính 250.000-300.000 đô la và bức “Lễ chào hạ“(1991) ước tính mang lại 300.000-500.000 đô la. Một số nhà sưu tập nổi tiếng như Steve Martin và Dennis và Debra Scholl, đã giúp nâng cao tầm ảnh hưởng của Kngwarreye, tạo điều kiện cho các tác phẩm của bà có thể tiếp cận với công chúng trên toàn thế giới.
16. Nhóm nữ nghệ sĩ: Rugilė Barzdžiukaitė, Vaiva Grainytė, and Lina Lapelytė
Sống và làm việc tại London, Anh và Vilnius, Cộng hòa Litva.
Tại Pavilion của Cộng hòa Latvia tại Venice Biennale 2019, bộ ba nghệ sĩ nữ đã giành giải thưởng cao quý nhất của Biennale – giải thường Sư tử vàng. Kết hợp chuyên môn của mỗi người về nghệ thuật, làm phim, sân khấu, âm nhạc và viết lách, bộ ba nghệ sĩ  dàn dựng bối cảnh tác phẩm “Sun & Sea”(Marina) (Bến du thuyền) (2019), một chuyên luận gây cười và hài hước về biến đổi khí hậu.
Bối cảnh sắp đặt “Sun & Sea”(Bến du thuyền) diễn ra trên một bãi biển nhân tạo nằm trong tòa nhà quân sự cũ ở Venice, với những người biểu diễn mặc đồ bơi đang tận hưởng một ngày bên bờ biển. Với chất lượng sản xuất điện ảnh, giọng ca tài năng và kịch bản táo bạo, các nghệ sĩ đã tham gia vào chủ nghĩa tư tưởng. Ở Venice, hàng dài những người yêu nghệ thuật háo hức xếp hàng hàng giờ đồng hồ để được hòa mình vào tác phẩm. Tác phẩm đã trở thành một hiện tượng trên mạng xã hội Instagram. Mặc dù nghệ thuật về biến đổi khí hậu thường mang tính ảm đạm, nhưng Barzdžiukaitė, Grainytė và Lapelytė đã chỉ ra rằng còn có cách tiếp cận hài hước mà vẫn sâu sắc với vấn đề khẩn cấp này của nhân loại.
17. DORIS SALCEDO
Nghệ sĩ sinh năm 1958 ở Bogotá, Colombia. Sống và làm việc tại Bogotá.
Vào tháng 10/2019, Doris Salcedo đã giành được Giải thưởng Nghệ thuật Nomura trị giá 1 triệu đô la là giải thưởng có trị giá lớn nhất trong thế giới nghệ thuật đương đại. Nghệ sĩ sinh ra ở Colombia đã được bình chọn cho giải thưởng cao quý này nhờ các tác phẩm điêu khắc năng động, đầy tâm huyết của bà, thể hiện sự khủng khiếp của chiến tranh và bạo lực. Châm ngôn của bà là “ không ngại sự thay đổi và hãy quyết tâm trở thành người thay đổi cuộc chơi”.
Nữ họa sĩ có kế hoạch kêu gọi tiền tài trợ để tiếp tục loạt  tác phẩm từ năm 1999 đến nay của mình có tiêu đề “Act of Mourning” (Thương tiếc). Qua đó bà kể những câu chuyện về các nạn nhân và những người sống sót sau cuộc nội chiến ở Colombia. Trong một triển lãm lớn cùng tên, Salcedo đã trình bày một số tác phẩm này tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Ailen vào mùa xuân vừa qua.
Salcedo cũng đã tạo nên làn sóng dư luận trong năm nay thông qua tác phẩm nghệ thuật công cộng của bà ở Bogotá có tên là Fragmentos (2018), một tác phẩm để tưởng nhớ, chống cuộc xung đột kéo dài năm thập kỷ ở Colombia. Tác phẩm được lắp đặt 1296 viên gạch thép được làm từ súng trường tan chảy từng thuộc về lực lượng phiến quân và bị tịch thu sau thỏa thuận hòa bình năm 2016. Nghệ sĩ đã thuê những phụ nữ là nạn nhân chiến tranh để tạo ra các mảnh trong xưởng đúc.
18. ISAAC JULIEN
Sinh năm 1960 ở London. Sống và làm việc tại London, Anh và Santa Cruz, California, Mỹ.
Isaac Julien là một nhà làm phim và nghệ sĩ video art nổi tiếng. Năm 2019, bộ phim “Lessons of the Hour” (2019) của ông đã kịch tính hóa các sự kiện trong cuộc đời của học giả và nhà hoạt động thế kỷ 19 Frederick Doulass với các chi tiết lộng lẫy và sự vĩ đại của điện ảnh và đã được ông cho ra mắt tại Metro Pictures ở New York vào tháng 3 và tiếp tục được chiếu ở Rochester, Savannah và  Georgia. Năm 2019 cũng đánh dấu kỷ niệm 30 năm tác phẩm điện ảnh đột phá của Julien vào năm 1989 “Looking for Langston”. Bộ phim đã được trình chiếu năm nay tại bảo tàng Ruby City mới của Tate Britain và San Antonio, và một suất chiếu đặc biệt trong buổi trình diễn tại New York.
19. YAYOI KUSAMA
Bà sinh năm1929 ở Matsumoto, Nhật Bản. Sống và làm việc tại Tokyo.
Yayoi Kusama đã trở thành cái tên rất quen thuộc khi nhắc tới nghệ thuật đương đại Nhật Bản. Ở tuổi 91, Kusama vẫn có rất nhiều cống hiến mới cho nền nghệ thuật đương đại Nhật Bản và thế giới.
Khinh khí cầu được thiết kế riêng bởi Yayoi Kusama, được mệnh danh là” Love Flies Up to the Sky” (2019), đã trở thành một điểm nhấn của cuộc diễu hành trong ngày lễ Tạ ơn ở Macy 2019. Đầu tháng 11/2010, triển lãm “Mỗi ngày tôi cầu nguyện cho tình yêu” (Every Day I Pray for Love) đã được khai mạc tại phòng trưng bày David Zwirner ở New York, với một “phòng gương vô cực” đem lại trải nghiệm thị giác tuyệt vời cho người xem. Triển lãm của bà đã thu hút khoảng 750000 khách tham quan tới phòng trưng bày Zwirner.
Các tác phẩm sắp đặt của Kusama luôn rất hấp dẫn và trong năm 2019, các tổ chức, gallery, bảo tàng trên khắp đất Mỹ đã lần lượt trưng bày các “Căn phòng gương vô cực” của bà. Tác phẩm “Tình yêu mời gọi”(Love is calling) (2013) đang được trưng bày tại Viện nghệ thuật đương đại ( ICA) Boston,  và “Căn phòng gương-Trái tim bay nhảy trên vũ trụ” (2018) đã trở thành tác phẩm sắp đặt vĩnh viễn tại Bảo tàng Crystal Bridges từ tháng 10/2019; còn tác phẩm “All the Eternal Love I Have for the Pumpkins” (2016), thuộc sở hữu của hoàng gia Saudi, đang được triển lãm tại Viện nghệ thuật đương đại (ICA) Miami .
20. JEFF KOONS
Sinh năm 1955 ở York, Pennsylvania. Sống và làm việc ở New York.
Jeff Koons và tác phẩm “Rabbit”(1986), được bán với giá 91 triệu USD tại Christie’s.
Jeff Koons trở thành nghệ sĩ đương đại “đắt giá” nhất thế giới, một lần nữa, khi tác phẩm điêu khắc biểu tượng Rabbit (Con thỏ) (1986) của ông được bán với giá 91 triệu đô la tại Christie hồi tháng 5/2019.  Ông nổi tiếng với các tác phẩm điêu khắc như “bóng bay” , với màu sắc sặc sỡ của mình.
Ngoài việc thực hiện các cuộc đấu giá tại các nhà đấu giá danh tiếng, các hội chợ nghệ thuật, Koons đã có hai triển lãm bảo tàng lớn trong năm qua: một triển lãm cá nhân tại Bảo tàng Ashmolean của Đại học Oxford, và một triển lãm kết hợp với nghệ sĩ Marcel Duchamp tại Bảo tàng Jumex của Mexico City. Koons tiếp tục trở thành một ngôi sao nghệ thuật đương đại toàn cầu.
Anh Thư

 

Tin cùng chuyên mục

10 tranh đắt nhất thế giới trong năm 2023

Tranh người tình của Picasso giá 139,4 triệu USD, “Quý cô cầm quạt” của Gustav Klimt đạt hơn 108 triệu USD, là những tác phẩm đắt nhất năm nay. Theo thống kê từ trang web nghệ thuật Artsy,...

Vấn đề đương đại và nghệ thuật đương đại

Vấn đề đương đại (contemporary issues) và nghệ thuật đương đại (contemporary art) là một trong những mấu chốt quan trọng trong công việc thực hành nghệ thuật (art practice) của mỗi nghệ sĩ. Khái...

“Femme à la montre” của Picasso trở thành tác phẩm đấu giá đắt giá nhất trong năm nay

NDO – Kiệt tác “Femme à la montre” (tạm dịch: Người phụ nữ đeo đồng hồ) sáng tác năm 1932 của danh họa Pablo Picasso đã được bán với giá hơn 139 triệu USD tại cuộc đấu giá của...

Abanindranath Tagore – Người đặt nền móng cho nghệ thuật hiện đại Ấn Độ

Vào giữa thế kỷ 19, lợi dụng sự xung đột nội bộ giữa các tôn giáo, các tiểu vương quốc trên lãnh thổ Ấn Độ, người Anh, thông qua công ty Đông Ấn, đã dần dần kiểm soát gần hết tiểu...

Những bức tranh đắt giá nhất thế giới

Trong số hàng triệu bức tranh đang tồn tại trên thế giới, có những bức đắt và hiếm đến mức đa số người yêu nghệ thuật không có cơ hội chạm đến. Theo The Collector, định giá tác phẩm nghệ...

Có thể bạn quan tâm

Bìa Tạp chí Mỹ thuật số 335&336 tháng 11-12/2020

...

Triển lãm gốm nghệ thuật “Linh thú thời nay”

(ĐCSVN) – Triển lãm gốm nghệ thuật “Linh thú thời nay” thể hiện sự kết hợp các yếu tố tạo hình của hội họa, ngôn ngữ của điêu khắc trong sáng tạo kiểu dáng, sự kế thừa tinh hoa...

DÒNG TRANH CHÂN DUNG VÀ TẠ TỴ TÀI HOA

  Tờ báo trào phúng Loa xuất bản tại Hà Nội phát hành tại miền Nam vào khoảng giữa thập niên 1930, theo ký giả Vũ Xuân Tự trong cuốn “Túi bạc miền Nam”. Tuy không được độc giả trong Nam...

Lịch khai mạc triển lãm mỹ thuật khu vực lần thứ 24 năm 2019

...

Triển lãm “Cha và con”

Vào lúc 17h00 thứ Năm ngày 26 tháng 10 năm 2023, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ diễn ra Triển lãm “Cha và con”, giới thiệu tới công chúng hơn 60 tác phẩm của hai cha con: Cố họa sĩ Trần...