Gốm cổ Việt Nam chất tạo hình vẻ đẹp truyền thống – hiện đại

Trong những năm gần đây, nhờ sự phát triển của ngành khảo cổ và văn hóa, công chúng yêu nghệ thuật đã có dịp làm quen với nhiều loại hình gốm cổ. Nhưng có lẽ chưa bao giờ chúng ta có dịp được xem một sưu tập lớn, đẹp và hoàn chỉnh như lần trưng bày chuyên đề của Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tổ chức vào mùa thu năm 1976.

Theo trật tự thời gian, mở đầu trang sử là một số mẫu vật gốm thô nguyên thủy của thời đại đá mới – thời đại con người tìm ra lửa – cũng là thời đại khai sinh ra gốm và những bước đi ban đầu của nền nghệ thuật tạo hình sơ sinh nhân loại. Đó là những mảnh lọ, vò, nồi, đồ dùng của người Việt cổ còn ở dạng đất nung thô, nhiều tạp chất, độ lửa chưa cao, nhưng đã xuất hiện một số hoa văn đẹp, đầy hấp dẫn. Từ thực dụng, lần đầu tiên khái niệm về cái đẹp đã ra đời. Bằng kỹ thuật chế tác, ban đầu – như vỗ, đắp, đập, chải, vạch… – gốm đá mới đã tạo ra những văn dạng mang dấu ấn sơ khai bởi một số mô-típ hình kỷ hà. Cụ thể là những đường thẳng, đoạn thẳng gẫy khúc, đường tròn song hàng, sóng lượn, trám lồng, xoắn ốc… những ngôn ngữ đã trở thành phổ cập và “đồng nhất” đối với hầu hết các trung tâm gốm sơ sinh trên địa bàn khảo cổ.

Chuyển sang thời đại đồ đồng, gốm Việt Nam chủ yếu vẫn ở dạng đất nung thô. Điển hình là gốm tìm thấy ở các di chỉ Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Sa Huỳnh… Từ đây, gốm đã có những bước tiến rõ rệt về phương thức chế tác. Lần đầu tiên kỹ thuật bàn xoay đã xuất hiện. Chất đất đã tốt hơn; độ lửa đã cao; kiểu dáng và văn dạng cũng giàu hơn. Nói chung, gốm đã mang ý nghĩa thực dụng, nghệ thuật và ý nghĩa xã hội với chiều rộng và chiều sâu của nó. Mấy ai nghĩ rằng những trống đồng và tháp đồng Đông Sơn đã tạo ra từ những bộ khuôn đúc bằng đất, mà thực chất là những “xương gốm”? Không có một nền nghệ thuật gốm cao, một bộ óc khái quát và đôi tay tinh luyện, thật khó mà tạo ra được những nghệ thuật phẩm có vẻ đẹp độc đáo ấy. Nói như các nhà khảo cổ và nghệ thuật học tiền sử, đó là những “bức tranh nguyên bản”, những tác phẩm mà người xưa đã đạt tới mức khái quát hóa bởi tính hình học hóa và đồ họa hóa cao của nền nghệ thuật tạo hình nguyên thủy.

Ngoài những hình khắc họa trên hiện vật, còn có cả tượng tròn mà pho tượng nhỏ hình “bò tót” đào được ở Đồng Đậu là một trong những dẫn chứng điển hình. Pho tượng nhỏ ngộ nghĩnh và độc đáo này hầu như hoàn toàn đã thoát khỏi mẫu vật nhưng người xem vẫn nhận ra sự sống động hiện thực qua hình khối diễn đạt.

Sang thời Bắc thuộc, chúng ta làm quen với những chất liệu “nửa đất nung, nửa sành xốp”, không men, hoặc có men xám, hoặc men da lươn mỏng – thứ men truyền thống xuyên suốt quá trình phát triển của gốm dân tộc. Phổ biến là những chiếc bình thường được gắn một số quai trên vai mà nhiều người đã gọi một cách định kiến sai lầm đầy tai hại là “bình Hán” (!). Thực tế, ít nhiều nó có phảng phất dáng dấp gốm bởi những ảnh hưởng nặng nề đương thời trong chính sách “Hán hóa” của bọn phong kiến ngoại xâm. Song sự thật, bằng con mắt nghề nghiệp, ta thấy chúng vẫn giữ được cá tính đặc thù của gốm dân tộc. Cụ thể ở những bình Hán, những vị trí thường được trang trí bằng những mặt hổ phù – từ nguồn gốc nó là thứ văn dạng trang trí trên đồ đồng Trung Hoa thời Thương – Chu. Nhưng ở gốm Việt Nam, hoặc gốm Hán vừa xâm nhập và đồng hóa gốm Việt, thì chúng đã nhanh chóng bị nghệ sĩ gốm Việt Nam loại trừ, bằng cách đã thay thế chúng bằng những “vòi voi” hoặc hình “đầu gà”; những chiếc quai to và nặng nề đã được thay thế bằng những quai mới – ‘“Tay xách”, hoặc “Tay ôm”, hợp với tầm mắt và tình cảm của người Việt bản địa. Nhưng đáng tự hào nhất phải kể đến sự tồn tại đầy sức sống của dòng gốm truyền thống Đông Sơn muộn, vẫn âm ỉ, trường tồn cùng với sức bền và tuổi xuân dân tộc.

Chân chạc và nồi gốm Đồng Đậu.

Người xem rất thích thú khi được nhìn chiếc mâm gốm tráng men xám vàng, ngà (đào được ở Lạch Trường Thanh Hóa). Mâm trang trí ba con cá đang chụm đầu vào nhau bơi lội và những vòng hồi văn vốn rất quen thuộc trên các đồ đồng Đông Sơn trước nó. Mẫu vật ít ỏi và quý giá này đã trở thành niềm tin và nhân chứng khá trung thành, nối liền mắt xích lịch sử trong sự phát triển liên tục của gốm Việt Nam bản địa. Nổi bật trong hiện vật này là những hình cá lội mà sau này ta được thấy tái hiện trên gốm Lý của thời Đại Việt. Hoặc hình mặt trời, hay ngôi sao, mà ta thấy lần chót ở đáy chiếc chậu đồng Đông Sơn muộn, thì sau này, chúng lại được tái hiện trên một số mẫu vật gốm cổ dân gian mà các nhà cổ học “sính chữ” thường gọi một cách văn chương là đĩa “thất tự”, hay “thất tinh”. Cách “chơi chữ” như thế, nhằm “tôn” vẻ đẹp “vương giả” của vật phẩm. Nhưng thực ra, ngay từ thuở ra đời ở thời hồng hoang của gốm, con người đâu đã có văn tự mà đặt tên cho sản phẩm một cách quá hào hoa như thế? Dẫu sao, trên văn dạng, cũng gợi cho con người hiện đại biết tìm về nơi nguồn gốc phát triển xa xưa của mình, nếu ta biết ngược dòng lịch sử để tìm ra một sự thật tự hào của tổ tiên mình qua nghệ thuật trang trí.

Chấm dứt nghệ thuật gốm Bắc thuộc, chúng ta đến với gia tài giàu có và vương giả thực sự của nền nghệ thuật gốm Đại Việt dưới thời phong kiến tự chủ hùng cường, thế kỷ VI đến nửa đầu thế kỷ XV. Điển hình cho giai đoạn này là sự ra đời của gốm “sành sứ”, “sành trắng”, “sành xốp”, với nhiều loại men quý – men ngọc, men da lươn, men trắng, men lục… Với gốm thời Lý, văn dạng thường được thể hiện bằng những nét khắc nổi nhẹ hoặc chìm, tô hoa nâu, hoặc láng men chảy, hoặc đắp nổi. Đề tài phổ biến là hoa sen, hoa súng, hoa phù dung, hoa cúc giây, chim, cá, người, hổ báo, rồng, phượng, rất gần với đời sống dân dã và dân tộc. Về đề tài thường được trang trí ở bên trong, nếu là bát, đĩa; hoặc trang trí bên ngoài, nếu là tháp, bình, thố, liễn, âu… Và thông thường những đề tài đó thường được bố cục trong những hình tròn đồng tâm, vành khăn; hoặc được bố cục trong các ô vuông, chữ nhật. Về hình dáng, gốm Lý trông thanh nhã quý tộc mà vững vàng. Miệng loe chân thót, nếu là bát hay đĩa; hình khỏe và vững, nếu là bình, thạp, thố. Dù là gốm cung đình hay gốm dân dụng, nó cũng vẫn giữ được vẻ đẹp hồn nhiên, không quá cầu kỳ đến mức tủn mủn, nệ vào kỹ thuật hay tiểu xảo, tuy có trau chuốt nuột nà. Vì vậy, cũng không dễ lầm lẫn với gốm thời Nam Tống phương Bắc, cùng thời, kể cả thứ men ngọc dễ giống nhau đi nữa. Men của gốm Lý so với gốm Tống phương Nam Trung Quốc, về sắc độ không trong bằng, hay xương đất có dầy hơn đôi chút nhưng chính vì thế mà nó lại gợi cho ta một vẻ đẹp khác biệt bởi chiều sâu, dáng khỏe và cảm xúc trầm lắng, đầy dư vị. Đó là chưa nói tới nét bút hay nét khắc luôn tỏ ra hoạt trong sự dìu đặt và hiền hòa, chứ không tỏ ra quá cầu kỳ và cân nhắc đến trở thành công thức, kỹ xảo.

Xác định gốm Lý, cho đến nay, về niên đại học, dù chưa thể quả quyết hoàn toàn, nhưng về cơ sở của tài liệu nghệ thuật và khảo cổ học, cũng đã giúp cho ta đi được đến những kết luận tương đối tin cậy. Đó là khi chúng ta đã định được niên đại của một số công trình nghệ thuật thời Lý – như Phật Tích, Thăng Long, Long Đọi, Chương Sơn(1)… Đối chiếu với những hoa văn trang trí trên đá và đất nung – như hoa sen, hoa giây, hoa cúc giây, hình Phỗng trên hoa sen… so với văn dạng trên gốm thì chúng rất gặp nhau về phong cách và bút pháp. Như vậy là, nói theo danh từ khảo cổ học lịch sử, chúng ta đã dựa vào cơ sở của cái đã biết, để đi tìm ra cái chưa biết, và trên cơ sở cái chưa biết, bằng phương pháp so sánh, chúng ta đã nhận ra được những nét phổ biến đồng nhất của chúng với những cái đã biết.

Thố gốm Phùng Nguyên.

Tiếp theo phong cách gốm Lý, gốm thời Trần – thế kỷ XIII, XV – cũng có những nét tương đồng: những chiếc bát vẫn ưa thể hiện hình cánh sen hoặc lá sen; trôn vẫn nhỏ, miệng vẫn loe như gốm Lý. Duy về cách tạo hình, tạo dáng đã có xu hướng hơi thô và khỏe, mặc dù vẫn giữ được vẻ hồn nhiên và thanh thoát bởi tính truyền thống của nền nghệ thuật trước nó. Về mặt này, để phân biệt gốm Lý với gốm Trần, nhà nghiên cứu, bằng cặp mắt thực nghiệm, tinh tế sẽ dễ dàng nhận ra được diện mạo của chúng. Tuy nhiên, còn một chứng cứ hiển nhiên nữa, bằng văn tự còn lưu lại trên hiện vật, nhà nghiên cứu cũng có thể căn cứ vào đó mà đối chiếu với những hiện vật chưa biết. Đó là khi chúng ta đã phát hiện được một số phế phẩm lò gốm có men ngọc và men da lươn kiểu dáng gần như đồ Lý; dưới trôn một kiếu bát và đĩa còn đề dòng chữ ghi tên địa phương chế tác: “Thiên trường phủ chế”(Thuộc thôn Tức Mạc, Phủ Thiên Trường, Nam Định, nơi Phủ đệ quê hương nhà Trần – TT).

Khác với gốm Trung Hoa, Nhật Bản, gốm thời Lý – Trần (kể cả gốm thời Lê – Mạc sau này), một đặc điểm khác nữa là, hầu như không ưa kể những tích truyện dài trên vật phẩm.

Điểm cần nhấn mạnh nữa là từ thế kỷ XIV (thời Lê sơ), gốm hoa lam bắt đầu xuất hiện và phát triển mà trước đó ở thời Lý, hầu như chưa thấy. Phổ biến nhất là những chiếc bát, đĩa, có trôn to, cao, không tỉ lệ với thân, và dưới đáy thường được láng men nâu. Và trên đà này, nó kéo dài tới các thời Lê – Mạc – Trịnh, thế kỷ XV, XVI, XVII, XVHI. Từ đây, theo đà biến thiên của lịch sử, nó chuyển dần qua tính dân gian dưới sự ra đời của nhiều lò gốm và các phường thợ thủ công ở các cộng đồng làng xã. Điển hình cho trào lưu này là lò Bát Tràng, Chu Đậu thời Lê – Mạc, rồi lần lượt đến các lò Thanh Hóa, Thổ Hà, Phù Lãng, Hương Canh, Vân Đình, Bình Định, Lái Thiêu, Biên Hòa, Móng Cái… Bây giờ những đồ đàn, sành xốp, sành nâu, sứ thô… với nhiều loại men màu, như vàng, lục, nâu, lam… đã ồ ạt xuất hiện. Một sự kiện mới đánh dấu cho vai trò và địa vị của người nghệ sĩ gốm đương thời là, từ các thế kỷ XVI, XVII – chủ yếu là thời Mạc và Lê trung hưng – đã xuất hiện trên rất nhiều vật phẩm tên tuổi và địa danh của người nghệ sĩ cũng như nơi làm; hoặc nơi cung tiến. Đó là những cây đèn thờ, lư hương, ngai khám, đắp nổi, chạm lộng, khắc chìm, hoặc vẽ nét hoa lam men lục, xương trần hoặc điểm men màu thật phong phú và đa dạng. Có thể nói đây là thời hoàng kim của gốm dân gian Bát Tràng và Chu Đậu (Hải Dương) mà người nghệ sĩ dân gian hoàn toàn làm chủ, như lịch sử đã giải thích, thời mà người nông dân và thợ thủ công ít bị cay cực, giai cấp phong kiến đang trên đường khủng hoảng và suy vong, không thể với tay được xuống hết các làng xã, thì nghệ thuật cũng được tự do nảy nở trong ý nghĩa giải phóng rõ ràng. Sang cuối thế kỷ XIX trở đi thì phong cách gốm Việt Nam nói chung, đã không còn giữ được tính thuần khiết của nền nghệ thuật dân tộc, trừ một số lò gốm vùng quê xa kinh kỳ, kẻ chợ. Đó là dưới triều Nguyễn với những ông vua sành ngoại, ưa học đòi, đã làm mất đi vẻ đẹp truyền thống vốn đã được duy trì và phát triển từ nhiều thế kỷ trước, kể từ thời văn minh Đông Sơn qua thời tự chủ hùng cường.

Đĩa gốm Chu Đậu.

Bên cạnh kho gốm thực dụng và gốm mỹ nghệ, trang trí, còn có cả một kho tàng gồm kiến trúc của nhiều thời đại. Đó là những đầu đao con giống bằng sành nâu hoặc đất nung, gồm nhiều loại gạch, ngói – tráng men hoặc không men – có trang trí đề tài hoa lá, rồng phượng, người, vật, văn kỷ hà… tìm thấy ở nhiều di chỉ – như Cổ Loa, Hoa Lư, Quần Ngựa, Bách Thảo, Ngọc Hà, Kiếp Bạc, Tức Mạc… làm chứng cho những công trình này, ngày nay chúng ta còn bảo lưu được một số ngọn tháp đất nung khá đẹp và đồ sộ, xây dựng từ thời Trần như tháp Bình Sơn (Vĩnh Phú), tháp Tức Mạc (Hà Nam Ninh); hoặc ngôi mộ cổ Bà chúa Mạc, thế kỷ XVI, sau chùa Tức Mạc; những bệ thờ bằng đất nung trang trí rồng, hoa sen, vũ nữ, hoa giây… là những dẫn chứng điển hình. Hoặc đi vào miền Trung, chúng ta còn được chiêm ngưỡng một số ngôi tháp cổ bằng gạch nung giàu chất trang trí và đồ sộ trong kiến trúc của những người nghệ sĩ Chàm xưa, vẫn sừng sững còn đó, giữa đồi cao.

Xác định niên đại, giải thích chất tạo hình, cũng như tìm hiểu phong cách và vẻ đẹp truyền thống của nền nghệ thuật gốm cổ dân tộc, còn là công việc lâu dài, liên tục, không mệt mỏi, đầy hào hứng của các nhà nghiên cứu, sáng tác.

Người xem thật vui mừng được thấy những thành tựu nghiên cứu sưu tầm bước đầu đã đạt được kết quả tốt đẹp của các nhà nghệ thuật và bảo tàng học nghệ thuật. Tuy nhiên, kho tàng gốm cổ Việt Nam còn rất giàu có, đang còn được lòng đất ấp ủ và gìn giữ mà những bí mật đó, cho đến hôm nay, mới chỉ hé mở một phần. Trong tương lai không xa, lần theo nhát cuốc của các nhà khảo cổ, chắn chắn chúng ta sẽ còn được xem nhiều tác phẩm mới lạ hơn nữa mà hôm nay mới chỉ là một phần nhỏ của gia tài giàu có ấy.

(1) Ở Phật Tích, chúng ta đã đào được những viên gạch xây tháp mang niên hiệu “Lý gia đệ tam đế Long Thụy – Thái Bình tứ niên tạo”. Nghĩa là làm năm thứ tư niên hiệu Long Thụy – Thái Bình đời vua thứ 3 nhà Lý, tức Lý Thánh Tông (1054-1072).

TRẦN THỨC

Tin cùng chuyên mục

Những dấu ấn quy hoạch, kiến trúc của kiến trúc sư Ernest Hesbrard

Ernest Hébrard (1875 – 1933) sinh ngày 11/9/1875 tại Paris. Ngày 15/10/1891, khi 16 tuổi ông đã bắt đầu theo học tại xưởng vẽ của Trường Đại học Mỹ Thuật Paris (Ecole nationale et spéciale des Beaux Arts de...

Thành phố sáng tạo và nghĩa cử tri ân sự sáng tạo

Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến, với danh hiệu Thành phố vì Hòa Bình đang tiến về phía trước với mục tiêu trở thành thành phố sáng tạo hàng đầu trong khu vực. Trải qua nhiều cuộc chiến...

Biến chuyển cảnh quan truyền thống – hiện đại từ phù thế họa (ukiyo-e) đến phim của Ozu Yasujiro

Tranh khắc gỗ (Ukiyo-e, Phù thế hội) là thể loại độc đáo riêng có của hội họa Nhật Bản, thể hiện một cách đầy thi vị và đa diện về cõi phù thế của những thị dân Edo. Ukiyo-e cũng đã...

Đấu xảo hoàn vũ Paris năm 1867 – Hội chợ triển lãm quốc tế đầu tiên có người Việt tham gia

Hoàn cảnh và lý do người Việt có mặt tại Đấu xảo Hoàn vũ ở Paris năm 1867 Sau Hòa ước Nhâm Tuất (05-06-1862), thực dân Pháp được quyền chiếm đóng và quản lý ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Vào...

Đào tạo sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật trong đại học đa ngành

Các trường đại học đa ngành cùng tư duy liên ngành được kỳ vọng có thể đóng góp vào cách tiếp cận mới trong đào tạo đội ngũ sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật (VHNT). Ðó...

Tin cùng chuyên mục

Triển lãm cá nhân “Ảnh xạ” của họa sĩ Trang Thanh Hiền

Triển lãm cá nhân “Ảnh xạ” diễn ra từ ngày 07 đến 15/11/2023 tại phòng Bảo tàng, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, số 42, Yết Kiêu, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Triển lãm cá nhân lần thứ hai của...

Bài 5: Cần sự đầu tư xứng đáng cho bảo tàng

(Chinhphu.vn) – Câu chuyện bảo tàng vì sao vắng khách tuy không mới nhưng luôn nhận được sự quan tâm của các nhà chuyên môn bởi bảo tàng có vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa...

Bài 4: Tăng ‘giáo dục trải nghiệm’ tại các bảo tàng, di tích

(Chinhphu.vn) – Gần đây, các bảo tàng đã chú trọng thay đổi về nội dung, không ngừng đa dạng hóa, đổi mới nhiều lĩnh vực hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu và đem đến những trải nghiệm...

Bài 2: Để bảo tàng thực sự ‘hữu xạ tự nhiên hương’

(Chinhphu.vn) – Nếu như trước đây, bảo tàng không nằm trong danh sách những nơi cần phải đến của khách du lịch khi đến Việt Nam, hay của chính những người dân Việt Nam, thì nay mọi thứ đang...

Bài 1: Vì sao bảo tàng đìu hiu vắng khách?

(Chinhphu.vn) – Bảo tàng, di tích là nơi chúng ta có thể biết được nhiều điều nhất, học được nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất. Nhưng trên thực tế, trong khoảng thời gian dài, bảo tàng...

Có thể bạn quan tâm

Họa sĩ Hoàng Công Luận sự nghiệp sáng tác và đào tạo

Năm 1958, đặc khu Hồng Quảng (nay là tỉnh Quảng Ninh) mở đợt chỉnh đốn vùng than, được gọi là cải tiến quản lý xí nghiệp nhằm tăng nhanh sản lượng than đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất...

TRÒ CHUYỆN CÙNG HỌA SĨ ĐỖ HỮU HUỀ: KHÓA TÔ NGỌC VÂN VÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN KHÁC

Ở tuổi 85, chú Đỗ Hữu Huề vẫn hồng hào, tươi vui, tinh tường. Chú vẫn thường xuyên vẽ, đọc sách, tham gia triển lãm hoặc đi thăm bạn bè… Để có được bài phỏng vấn này (và giúp xác...

CÂU CHUYỆN SƯU TẬP

  Tỷ phú châu Á mua tranh danh họa châu Âu Cách đây không lâu, trong triển lãm tranh ký họa “Nét thời gian” của họa sĩ Ngô Mạnh Lân, đầu tháng 11.2019, một nhà sưu tập khủng nhưng rất...

TRƯỜNG MỸ THUẬT KHÁNG CHIẾN QUA MỘT SỐ TRANG NHẬT KÝ CỦA LINH CHI

25/10/1951: Anh Vân (Tô Ngọc Vân-TCMT) đang vẽ bức tranh lụa “Bộ đội hành quân qua suối” và tranh cổ động tố cáo tội ác của giặc Pháp “Giặc giết”… bằng chì than. Anh để hết tâm trí làm...

NGHỆ NHÂN SƠN MÀI ĐINH VĂN THÀNH: ĐÔI NÉT VỀ CUỘC ĐỜI VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP CHO NỀN NGHỆ THUẬT SƠN MÀI VIỆT NAM

Tôi là cháu ngoại của cụ Phó Thành (Đinh Văn Thành) là nghệ nhân sơn mài vốn quen biết nhiều họa sĩ của Trường Mỹ thuật Đông Dương từ thời Pháp thuộc. Tôi có may mắn được sinh ra và lớn...