Tôi là cháu ngoại của cụ Phó Thành (Đinh Văn Thành) là nghệ nhân sơn mài vốn quen biết nhiều họa sĩ của Trường Mỹ thuật Đông Dương từ thời Pháp thuộc. Tôi có may mắn được sinh ra và lớn lên khi hòa bình lập lại, rồi từ năm 1964 khi chiến tranh chống Mỹ lan ra miền Bắc, đã sơ tán về quê làng sơn mài Hạ Thái, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông, sống suốt thời thơ ấu cùng ông bà ngoại cho đến khi vào học Đại học Xây dựng Hà Nội, được cùng ông ngoại gặp gỡ tiếp xúc với nhiều bác họa sĩ của Trường Mỹ thuật Việt Nam. Nay ông ngoại đã đi xa, mỗi lần tết đến lại nhớ cái Tết năm Đinh Tỵ (1977) các bác họa sĩ Lê Quốc Lộc, Trần Văn Cẩn, nhà báo Ba Kỳ về quê chúc tết ông tôi, vui vẻ trao đổi chuyện nghề và cũng là tết cuối cùng của ông ngoại tôi trước khi đi xa mãi mãi
Thời thơ ấu được ở cùng ông ngoại, tôi đã được nghe ông kể nhiều chuyện về cuộc đời ông gắn liền với nghề sơn mài cùng những mẩu chuyện lý thú với các bác họa sĩ. Nhớ gì viết nấy, nay tôi kể đôi nét về quê nội, quê ngoại một phường sơn truyền thống bên dòng sông Tô Lịch cũng như cuộc đời của ông ngoại tôi, một nghệ nhân sơn mài tài hoa đất làng nghề Hạ Thái.
… Xóm Phố (tên cổ còn gọi là xóm Thượng Kiệt, xóm Gia Hát) thuộc xã Hạ Thái, tổng Ninh Xá, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông nằm dọc theo con sông Tô Lịch chảy từ kinh đô Thăng Long về và bên con đường cái quan xưa kia đi từ kinh đô Huế ra Hà Nội. Như bao làng quê, xóm Phố có cây đa cổ thụ đầu làng, mái chùa cổ kính cuối làng và bao bọc là lũy tre xanh. Gọi là xóm Phố vì xóm lúc nào cũng mở hàng quán phục vụ khách qua đường cái quan vui như phố phường. Đầu xóm Phố có một gia đình họ Đinh cha truyền con nối nghề sơn (còn gọi là nghề sơn ta) trang trí đình chùa, đồ thờ cúng. Đó là gia đình cụ Đinh Văn Thìn một nghệ nhân làm sơn nổi tiếng trong làng Hạ Thái, vùng quê có truyền thống nghề sơn. Theo các nhà nghiên cứu, nghề sơn có ở Hạ Thái từ khoảng thế kỷ 16, tuy không phải là phường đất tổ nghề sơn của Việt Nam nhưng phường sơn Hạ Thái ngày xưa được trọng dụng vì có nhiều thợ tài hoa, khéo léo, sáng tạo, chuyên về những sản phẩm sơn truyền thống lâu đời trang trí ở đình chùa, kiệu rước trong các lễ hội làng quê và đồ thờ tư thất. Cụ Thìn vốn theo nghề sơn do cha ông truyền dạy và đã sớm truyền nghề cho các con. Cụ sinh được chín người con, có ba người con trai: cụ Đinh Văn Thành là cả (còn gọi là cụ cả Thiềng) sinh năm 1898, cụ Đinh Văn Dần là thứ hai (cụ hai Dần) sinh năm 1913 và cụ Đinh Văn Lịch là thứ ba (cụ ba Lịch) sinh năm 1916. Cả ba người con ai cũng thành thạo nghề sơn từ khi còn rất trẻ. Hiện nay gia đình còn lưu giữ bức hoành phi sơn ta với ba chữ nho “CẦN, PHÁC, TRÁC” làm vào mùa thu năm Đinh Mùi, năm Thành Thái cuối cùng (1907).
Ông ngoại tôi (cụ Phó Thành) kể lại, tuy nhà nghèo nhưng cha vẫn cho con học chữ nho được 3 – 4 năm với mong muốn để làm chức sắc trong làng, những mong thoát cảnh nghèo, nhưng sau ông ngoại tôi không theo học nữa và được cha truyền cho học nghề sơn ta từ năm 15 tuổi. Hai em của ông ngoại tôi sau này cũng được cha và anh truyền dạy và dìu dắt nghề. Vốn có năng khiếu, ham học hỏi tìm hiểu nghề sơn từ cha và với đôi tay tài hoa, óc tổ chức nên ngay từ năm 17 tuổi ông ngoại đã đứng ra làm phó cả trong những kíp thợ chuyên hành nghề sơn trang trí truyền thống ở các đình chùa, nhà thờ họ, tư thất. Có lần cụ Phó Thành đã đứng ra nhận làm hai cỗ kiệu sơn son thếp vàng của làng bên đặt hàng và đã chỉ đạo tổ chức kíp thợ ngày đêm miệt mài gấp rút thực hiện và hoàn thành đúng thời hạn kịp ngày rước lễ. Cụ Phó Thành đã cùng kíp thợ sơn làng Hạ Thái đi khắp các nơi trong vùng nhận làm các đồ trang trí truyền thống bằng sơn ta và rất được tín nhiệm. Không chịu làm nghề quanh vùng, cha của ông ngoại tôi (cụ Thìn) đã lên tận Hà Nội dựng xưởng ở khu 24 gian (173 phố Huế) cùng các con thuê thợ làm hoành phi câu đối bán. Sau cụ Thìn bị mù mắt phải về quê nên xưởng giải tán. Ông ngoại tôi lại tiếp tục cùng hai người em trai là cụ hai Dần, cụ ba Lịch, và cụ hương Sàn (ông nội tôi) cùng một số thợ của làng vào phường Nam Ngư để kiếm sống bằng nghề cha truyền.
Năm 1925, Trường Mỹ thuật Đông Dương được thành lập ở Hà Nội, ngay sau khi mở trường, 1927, người Pháp đã chủ trương mở khoa sơn dạy cho sinh viên nghề làm đồ sơn mỹ nghệ. Ông ngoại tôi, bác Phó Thành, một người nắm được rất nhiều kỹ thuật nghề sơn truyền thống được nhà trường mời vào làm việc dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo của ngài Joseph Inguimberty mà ông ngoại tôi gọi là ông “I Tây” (cụ bảo để phân biệt với ông “Y ta” mà sau này tôi được biết là ông Nguyễn Văn Y).
Việc tìm ra cách làm sơn mài đã được họa sĩ Lê Quốc Lộc trực tiếp trao đổi với cụ Phó Thành và ghi lại trong bài báo “Gặp gỡ nghệ nhân sơn mài cao tuổi Đinh Văn Thành” đăng trên báo Văn nghệ số 23 ngày 7/6/1975: “Bác Thành kể lại cho tôi nghe cái việc tìm ra cách làm sơn mài: …Từ năm 1932, lớp sinh viên mỹ thuật thường sử dụng sơn ta để vẽ bài trang trí. Các thứ sơn cánh gián, sơn cánh gián pha son, lúc đó đều có pha dầu trẩu, gọi là sơn quang dầu. Vẽ xong, sơn khô là được, chứ không mài để ra tranh. Cho nên mặt sơn có dầu thường bóng loáng, gợn nét vẽ, không phẳng nhẵn, mịn màng như sơn mài về sau. Có lần anh Trần Văn Cẩn vẽ hình con phượng bằng sơn then, rồi phủ sơn son lên hình phượng, phủ bằng sơn không có dầu mà có nhựa thông. Khi sơn khô bác Thành đem mài, hình phượng rõ ra, mặt tranh nhẵn phẳng. Sự tìm tòi ra cách làm này mở đầu cho kỹ thuật mài sơn, khiến cho người giáo sư Pháp khi xem, quá mừng rỡ, đem đập vỡ hết các chai đựng dầu pha sơn. Ông ta cho rằng đó là một khám phá quan trọng đối với nghề sơn”.
Ông ngoại tôi còn kể lại: ông tôi phải đóng một cái thùng gỗ to, sau đó ông chui vào thùng đóng kín, làm thử nghiệm sản phẩm ở trong đó để tránh bụi bám mặc dù trời rất nóng bức, rất kỳ công.
Đánh giá về thời kỳ đầu của sơn mài Việt Nam, họa sĩ Nguyễn Gia Trí, một người sau này có những tác phẩm hội họa sơn mài đã làm rạng rỡ, vẻ vang cho hội họa sơn mài Việt Nam trên thế giới có nói: “…Nếu không có cụ I và bác Phó Thành thì cũng không có sơn mài của tôi” (Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo, Nguyễn Xuân Việt ghi, trang 32).
Năm 1937 có Hội chợ Đấu xảo quốc tế ở Paris, thủ đô nước Pháp. Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã cử bác Phó Thành cùng một số sinh viên của trường mang theo một số đồ trang trí, sản phẩm sơn ta và sơn mài của Việt Nam sang dự hội chợ và trình bày giới thiệu.
“Sơn mài Việt Nam ra mắt ở nước ngoài đầu tiên là tại hội chợ đấu xảo quốc tế ở Ba-lê, thủ đô nước Pháp, vào năm 1937. Chính bác Thành là người có mặt tại hội chợ lớn này. Lúc đó bác Phó sơn Đinh Văn Thành, còn gọi là Phó Thiềng, mặc áo the thâm, đội khăn gỗ, đi giày Gia Định. Con người cũ kỹ, chất phác như bác đã có những giờ phút bay bướm trổ tài thao diễn nghề sơn trước công chúng đến thăm hội chợ. Người dân Pháp thời ấy chỉ có thể hiểu việc đó là một thứ công nghệ ở một xứ thuộc địa xa xôi. Chứ họ có biết đâu rằng lịch sử Việt Nam đang tiến tới một bước chuyển mình, dẫn tới cách mạng tháng 8 thành công, nhờ đó mà nghệ thuật sơn mài đi đến một thời kỳ mới đầy hứa hẹn…” (trích “Gặp gỡ nghệ nhân sơn mài cao tuổi Đinh Văn Thành”, tài liệu đã dẫn).
Sang dự Hội chợ Đấu xảo Paris là cả một hành trình xa xôi, gian nan và vất vả. Cụ Phó Thành có kể cho con cháu nghe hành trình đó: …Trước khi đi hội chợ đấu xảo gia đình ông rất nghèo, nợ nần chồng chất nên khi được cử đi hội chợ ông đã phải trốn bố mẹ từ Hà Nội xuống Hải Phòng để đi tàu thủy vào Sài Gòn và tiếp tục đi tàu biển sang Pháp. Có một người cùng làng gặp ông ở Hải Phòng đã nhắn về nhà cho thầy u ông biết, gia đình đã tức tốc cho người xuống Hải Phòng gọi về thì đã muộn, tàu thủy vừa rời bến cảng. Tàu thủy cặp bến ở Sài Gòn, tại Sài Gòn ông đã gặp gỡ các thợ sơn ở lò sơn Thủ Dầu Một trao đổi nghề truyền thống. Sau đó ông đã cùng số sinh viên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (trong đó có họa sĩ Nguyễn Khang) rời cảng Sài Gòn sang Pháp. Tàu thủy đi lênh đênh trên biển hàng tháng trời, suốt ngày đêm chỉ có trời và nước, nghe tiếng chim kêu trên biển cả mênh mông cũng khắc khoải nhớ nhà nhớ quê, nhớ cha mẹ và các em da diết. Tàu đi qua kênh đào Xuy-ê, ghé lên bờ thăm một nước châu Phi toàn người lùn cao không đến một mét. Rồi tàu thủy cập bến kịp dự hội chợ đấu xảo tại Ba-lê. Tại đây lần đầu tiên người Pháp được thấy tận mắt những sản phẩm sơn mài Việt Nam, ông đã thao tác nghề sơn cho họ xem, và họ rất khâm phục.
Thời gian ở thủ đô nước Pháp ông vẫn mặc áo the, đội khăn xếp, đi giày Gia Định, còn họa sĩ Nguyễn Khang lại mặc đồ Tây nên họ bảo là hai vợ chồng. Được ăn đồ Tây nên chóng béo, áo the cúa ông bị bục chỉ phải thuê đầm Tây khâu nới ra. Ở Pháp khi đó cũng có người nghèo vô gia cư nghiện thuốc lá phải nhặt các đầu mầu dỡ ra cuốn lại hút nên rất nặng. Hàng sơn mài của ông bán hết ngay, khi về nước nhờ có tiền bán hàng ở hội chợ ông đã trả hết nợ nần lại tậu được hơn tám sào ruộng tốt và gần hai sào vườn. Ông cho hai em: ông hai Dần một cái kèn hát, khi chạy cả xóm nghe mà trầm trồ khen lạ, và cho ông ba Lịch một cái máy ảnh có chân chống…
Do có những công lao đóng góp cho nghề sơn truyền thống và cho sự ra đời của sơn mài Việt Nam, ngày 24/5/1941 (năm Bảo Đại thứ 16), cụ Phó Thành đã được nhà vua ban tặng sắc phong. Sắc phong ghi: “Sắc vua ban cho thợ sơn Đinh Văn Thành quê xã Hạ Thái, tổng Ninh Xá, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông theo lời đề nghị của quan Bộ Lại: Nay ban thưởng cho ngươi sắc tòng cửu phẩm bá hộ danh giá này”. Sắc phong này được viết trên giấy bản, có dấu son của vua và dấu màu tím của chính quyền Pháp bên cạnh, hiện nay gia đình tôi vẫn đang giữ gìn cẩn thận.
Sau khi về nước, ông ngoại tôi tiếp tục giảng dạy tại Ban sơn, môn sơn mài ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Các em của cụ như cụ Đinh Văn Dần, cụ Đinh Văn Lịch và cụ Nguyễn Đình Lan cũng được cụ giúp đỡ, giới thiệu làm sơn ở các xưởng sơn mài của các họa sĩ Phạm Hậu, Nguyễn Gia Trí… Tháng 12/1943 Mỹ ném bom diệt quân Nhật ở Hà Nội, nhà đấu xảo cạnh phố Yết Kiêu (nơi có Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) bị trúng bom, Trường Mỹ thuật phải sơ tán lên ở Văn Miếu Sơn Tây. Tại đây, năm 1944 bác Sỹ Ngọc đã vẽ ký họa chân dung bác Phó Thành mặc áo the rất giống (gia đình hiện nay vẫn lưu giữ). Đến tháng 11/1946 cụ tiếp tục làm sơn ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam dân chủ cộng hòa, bị dở dang do nhà trường đóng cửa vì chiến tranh. Năm 1948 cụ lên Hà Nội làm sơn cùng họa sĩ Phạm Hậu, sau đó năm 1950 cụ chuyển sang dạy sơn mài ở Trường Quốc gia Mỹ nghệ (tiền thân của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội). Năm 1951, nhà điêu khắc Phạm Gia Giang đã tạc một bức phù điêu cụ Phó Thành và được cụ chuyển thành tác phẩm sơn son thếp vàng rất lộng lẫy sống động, năm ra đời của bức phù điêu còn trước cả năm ra đời tôi, gia đình hiện vẫn đang gìn giữ.
Từ hòa bình lập lại (năm 1954) cụ Phó Thành là giảng viên về kỹ thuật sơn mài tại Trường Mỹ nghệ Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội), đã đào tạo nhiều thế hệ họa sĩ sơn mài, cho đến khi cụ nghỉ hưu tại quê nhà năm 1963. Cụ đã giảng dạy, đào tạo và truyền niềm say mê nghề sơn mài cho nhiều thế hệ sinh viên tiếp nối phát huy nghề truyền thống của dân tộc.
Năm 1960, cụ Thành là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Bên cạnh công tác giảng dạy cụ còn thường xuyên gặp gỡ các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Sỹ Ngọc, Lê Quốc Lộc, Mai Văn Hiến, Phan Kế An, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Thị Kim, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Cao Thương… và các họa sĩ nổi tiếng khác để trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, đồng thời cụ đã sáng tác nhiều tác phẩm sơn truyền thống và sơn mài có giá trị thẩm mỹ cao, được lưu giữ tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, ở các nước Bắc Âu và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây như: kiệu sơn son thếp vàng (năm 1959), lọ hoa sơn mài hình con cá vàng mắt lồi (năm 1960), hộp sơn mài ô-van hình nổi con thỏ, con khỉ (năm 1960), hộp sơn mài hình nổi gà mẹ và đàn gà con dựa theo tranh Đông Hồ (năm 1962)…
Khi nghỉ hưu ở quê nhà làng Hạ Thái, hàng năm vào mùa hè các họa sĩ lão thành, nổi tiếng như Trần Văn Cẩn, Phan Kế An, Phạm Văn Đôn, Lê Quốc Lộc, Mai Văn Hiến… thường rủ nhau về quê gặp “bác Phó Thành” để xem những tác phẩm sơn mài cụ mới hoàn thành, thưởng thức xôi gà, rượu thanh mai do cụ tự làm để mời khách quý và đàm đạo kỹ thuật sơn mài, ôn lại kỷ niệm thời xưa ở Trường Mỹ thuật Đông Dương cũng như trao đổi kinh nghiệm để phát triển hơn nữa nghề nghiệp. Lúc đó còn chiến tranh chống Mỹ, các họa sĩ cùng ông ngoại tôi khi trao đổi kỹ thuật sơn mài đều nuối tiếc họa sĩ Nguyễn Gia Trí, một tài năng hiếm có đã vào Nam
không biết khi nào được gặp lại.
Chiến tranh phá hoại ra miền Bắc của giặc Mỹ ngày càng ác liệt, năm 1967 trước khi vào tuyến lửa miền Trung, họa sĩ Nguyễn Cao Thương là thương binh tập kết ra Bắc, một thương binh hạng ba bị thương ở gót chân đã từng là chiến sĩ bắn hạ máy bay của giặc Pháp đầu tiên tại Nam Bộ, có một đêm đã chuyển toàn bộ tài liệu học tập hội họa của mình về gửi ở quê nhà ông ngoại tôi bằng xe bò kéo. Thế là tôi được xem bao nhiêu tài liệu về hội họa của các họa sĩ Liên Xô và của họa sĩ Cao Thương thời kỳ học tập ở Học viện Mỹ thuật Surikov, rất thú vị. Khi sáng tác tác phẩm sơn dầu “Bác Hồ thăm trận địa pháo cao xạ Hồ Tây”, bác Cao Thương đã mượn cái áo ka-ki của ông ngoại tôi làm mẫu để vẽ hình tượng Bác Hồ.
Tết Mậu Thân (1968), ông ngoại tôi đã mời bác Cao Thương về quê nhà ăn Tết và sáng tác tranh. Tôi nhớ đó là một cái Tết đầm ấm, phấn khởi với những chiến công vang dội của quân dân miền Nam quê hương bác. Bà ngoại tôi đã tận tình làm các món ăn truyền thống ngày Tết ở miền Bắc như thịt đông, cá kho, bánh chưng, chè đậu đãi, giò lụa để đãi khách miền Nam xa quê hương. Tại quê ông tôi, họa sĩ Cao Thương đã sáng tác bức tranh sơn mài vẽ các công nhân điện đang lắp ráp đường dây cao thế trên cao, phía dưới là mặt trời đỏ rực rất đẹp mắt. Rất tiếc ít lâu sau tôi có đến nhà họa sĩ ở Trường Mỹ thuật thì thấy bác Cao Thương dùng dao trổ đục tung tấm vóc vẽ bức tranh này ra, hóa ra theo như bác nói là tấm vóc bị mọt ăn ngầm phải bỏ, thật tiếc công sáng tác.
“Bác Phó Thành” rất tận tâm với bạn bè họa sĩ và các học trò nên ai cũng quý mến chia sẻ tình cảm riêng tư, chuyện nghề. Về chuyện nghề, ông tôi thường nói: “Hát phải có người nghe, không thì đàn gẩy tai trâu”, “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Nói với học trò Trường Mỹ nghệ Quốc gia, học trò học chểnh mảng, ông bảo: “các anh không chịu khó học, sau này hai anh may ra mới lấy được một cô vợ”. Ấy thế mà ông tôi kể, một hôm đang đạp xe trên đường phố thì có một anh học trò cũ đi xe gắn máy kề tới gần, bảo “thưa bác chúng cháu đã lấy mỗi người một vợ, không phải lấy chung rồi, cũng nhờ vào nghề của bác dạy”.
Một ngày thu năm 1969, mến tài năng của cụ Phó Thành, nhà điêu khắc Tô Sanh trong một lần gặp gỡ đã xin được tạc tượng chân dung. Nhận lời, cụ mời bác Tô Sanh (một nhà điêu khắc người miền Nam tập kết ra Bắc từng bị quân Pháp đánh gãy cả hai hàm răng trong tù) đến nhà riêng của cụ trong ngõ Trung Tả, phố Khâm Thiên để tạc tượng. Chỉ có một ngày lao động nghệ thuật mà bác Tô Sanh đã hoàn thành cơ bản tượng. Tôi pha chè cho bác Tô Sanh và ông tôi uống và được trực tiếp chứng kiến bác nặn tượng. Đến hôm sau tượng đã hoàn thành rất có hồn như nguyên mẫu. Sau này ông ngoại tôi mang về quê và toát màu sơn hồng lên pho tượng, khi ấy tượng nặn còn hiếm nên ai cũng khen là giống như thật.
Ông ngoại tôi rất đa tài. Năm 1965, Hội Mỹ thuật Việt Nam có tổ chức thi làm đèn trung thu, bác Trần Văn Cẩn có mời cụ Phó Thành tham gia. Ông tôi đã dùng nan cây giang, giấy bản tạo nên một cái đèn hình con cá mẹ xung quanh là đàn con và được ban giám khảo chấm giải nhất. Nhận tiền thưởng, ông đã khao cả nhà một bữa cá chép nấu giấm ngon lành. Mỗi mùa thu ngày rằm tháng tám các cháu lại háo hức được ông ngoại tôi tạo khuôn Tôn Ngộ Không, Đường Tăng, Sa Tăng, hay dùng giấy bản bồi thành các mặt nạ cho các cháu chơi thật thú vị.
Có lần ông tôi cho đánh gộc tre được hai đống to, rồi ông kỳ công chọn ra được hai gốc tre, đục đẽo được một đôi guốc theo lối guốc cổ ngày xưa, sau này nghe nói để lưu trữ ở thư viện Trường Mỹ thuật Hà Nội.
Hồi giảng dạy ở Trường Mỹ nghệ Quốc gia, ông ngoại tôi có sáng tác một các gối gỗ từ một phiến gỗ chữ nhật rồi phủ sơn. Mọi người không tin là gối liền vì các thanh đan chéo có thể ghép rồi sơn liền. Ông tôi đã làm mộc một cái khác (gia đình vẫn còn giữ) để mọi người xem. Khi nói cách làm để các thanh đan chéo liền nhau thì mọi người thấy dễ quá, ông tôi bảo khó là ở tìm ra cách làm.
Với quê hương Hạ Thái, ông ngoại tôi tuy bận công tác giảng dạy ở Hà Nội, không trực tiếp tham gia nhưng vẫn tận tình dìu dắt, hướng dẫn giúp đỡ về kỹ thuật sơn mài cho các em của cụ như cụ hai Dần, cụ ba Lịch, cụ Lan và những người thợ sơn mài khác làm nòng cốt để ra đời Tổ sơn mài Thanh Hà, ngày 17/1/1959 thành lập Hợp tác xã sơn mài Thanh Hà. Từ tổ sơn mài đầu tiên đã trưởng thành về quy mô, sản phẩm, phát triển lên thành Hợp tác xã sơn mài Bình Minh chuyên làm các mặt hàng sơn mài xuất khẩu sang các nước xã hội chủ nghĩa trước đây. Đất nước nhiều đổi thay, nghề sơn mài có lúc thăng, lúc trầm nhưng vẫn tiếp tục giữ được những tinh hoa của làng nghề để làm đẹp cho quê hương.
Sinh thời ông ngoại tôi rất muốn lúc nào đó gặp được các đồng nghiệp ở Thủ Dầu Một trong Nam để hàn huyên chuyện nghề nghiệp. Năm 1975 miền Nam giải phóng, các họa sĩ Hội Mỹ thuật Việt Nam về quê mời cụ vào Nam chơi nhưng vì tuổi cao sức yếu nên ông tôi không đi được. Ngày 13/9/1977, cụ đã về cõi vĩnh hằng hưởng thọ 79 tuổi.
Nhớ đến ông ngoại tôi là nhớ đến một người ông hiền từ, quý mến con cháu, nhớ đến sự đam mê tận tụy suốt đời vì nghề sơn truyền thống và sơn mài, nhớ đến tình nghĩa chân chất của cụ với bạn bè, các bác họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương. Gia đình hiện nay vẫn trân trọng gìn giữ những kỷ vật của ông ngoại tôi ở quê hương làng Hạ Thái như là một gạch nối chuyển tiếp giữa nghề sơn truyền thống với sơn mài Việt Nam hiện nay mà ông ngoại tôi là một đại diện có phần đóng góp từ thuở sơ khai.
Thuần khiết tinh giản, tinh giản đồng nhất, hồn hậu tự nhiên dưỡng như không có gì là gì gắng gượng… là cảm giác mênh mông vô định… khi một mình trầm ngâm – tha thẩn trong phòng tranh...
Ở phương xa khi hay tin hoạ sĩ Hồ Hữu Thủ đã ra đi, lòng tôi trĩu nặng nỗi thương tiếc. Ông không chỉ là một hoạ sĩ tài ba mà còn là nguồn cảm hứng cho biết bao thế hệ. Tôi xin gửi lời chia...
Triển lãm cá nhân Họa sĩ và những người bạn của cố họa sĩ Hoàng Đỗ Cường (18/4/1959 – 15/2/2023) sẽ khai mạc lúc 17h ngày 17/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, kéo dài đến hết ngày...
NDO – 50 năm lăn lộn với các tỉnh miền núi phía bắc trong vô vàn các chuyến công tác đã để lại trong họa sĩ Đỗ Đức những ký ức và cảm hứng để đến khi về hưu, ông đã dành toàn bộ...
Triển lãm tranh sơn mài Nghe kể chuyện làng mình của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu đang diễn ra Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, kéo dài đến hết ngày 15/9, bày khoảng 65 tranh sơn mài, đa số khổ lớn. Trên địa...
Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...
Đề tài “con giống” thực ra xuất phát từ một ghi chép của Nguyễn Tư Nghiêm trước bức chạm gỗ cổ “Mèo ngoạm cá” ở đình Bình Lục, Đông Triều, Quảng Ninh, những năm 1955 – 1956....
Từ ngày 14 đến 29/9, triển lãm cá nhân Hiện thực song song của họa sĩ trẻ Vũ Tuấn Việt sẽ được diễn ra tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San, Thành phố Hồ Chí Minh. ...
Tranh người tình của Picasso giá 139,4 triệu USD, “Quý cô cầm quạt” của Gustav Klimt đạt hơn 108 triệu USD, là những tác phẩm đắt nhất năm nay. Theo thống kê từ trang web nghệ thuật Artsy,...
NDO – Thuộc thế hệ họa sĩ đương đại lứa 8x, sáng tác của họa sĩ Lưu Tuyền chứa đựng trong đó các giá trị văn hóa truyền thống dưới những góc nhìn khác nhau về đời sống xã hội. Anh...
Đầu năm 1954, Công ty Steuben Glass, một công ty danh tiếng của Mỹ, thành lập từ năm 1903, chuyên sản xuất các sản phẩm thủy tinh và pha lê nghệ thuật, đã quan tâm đến việc thu thập bản vẽ...