Phong cách Precisionism trong hội họa nước Mỹ đầu thế kỷ 20

 

Phong cách Precisionism xuất hiện sau Thế chiến I, thể hiện rõ trong hội họa, nhưng cũng có thể thấy trong nhiếp ảnh và in ấn. Những người theo phong cách Precisionism không đưa ra tuyên ngôn, cũng không thành lập trường phái, nhưng họ đã tạo ra một phong trào không chính thức. Trong thập niên 1920, 1930, nhiều người trong số họ đã cùng nhau trưng bày các tác phẩm của mình ở New York. Các nghệ sĩ đã miêu tả kiến trúc, máy móc công nghiệp và phong cảnh nước Mỹ mang tính lý tưởng hóa về chủ đề công nghiệp bằng những đường nét và mảng hình đơn giản nhưng có độ chính xác cao, phần nào chịu ảnh hưởng từ khuynh hướng Lập thể và Vị lai. Phong cách nghệ thuật này kéo dài cho đến sau Thế chiến II, khi hình thức nghệ thuật dần chuyển sang chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Trừu tượng và Siêu thực.

Thuật ngữ “Precisionism”

Thuật ngữ “Precisionism” bắt nguồn từ tính từ “precise” với danh từ “precision” trong tiếng Anh, có nghĩa là được thể hiện với sự chính xác về cách thể hiện hoặc qua các chi tiết [7, tr.1125]. Tính từ này thường được các nhà phê bình sử dụng vào đầu thế kỷ 20 để miêu tả tác phẩm của các họa sĩ theo phong cách Precisionism. Nhà phê bình Robert Allerton Parker đánh giá độ chính xác trong các tác phẩm của Sheeler đôi khi như thể một vị bác sĩ phẫu thuật [8, tr.23]. Nhà sử học Milton W. Brown nhận xét cách các nghệ sĩ cố gắng để mang đến cho sự vật như thể “một cảm giác về khối cơ bản, rõ ràng và chính xác” [8, tr.23]. Nhà phê bình nghệ thuật Henry Mcbride trong một bài viết năm 1923 đã khen ngợi một số tác phẩm của Preston Dickinson là “sự duyên dáng, chính xác và sang trọng đáng chú ý” [1, tr.37].
Cho đến nay vẫn tồn tại tranh luận xoay quanh việc ai là người đã đặt ra thuật ngữ này. Bài luận về Precisionism của tác giả Jessica Murphy của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan đề cập đến việc Alfred H. Barr, giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA) chính thức sử dụng cách gọi trên vào năm 1927, để mô tả các nghệ sĩ có cùng phong cách và đam mê đối với chủ đề công nghiệp như một nhóm [6]. Mặt khác, một số tác giả như nhà sử học nghệ thuật Amy Dempsey [3, tr.134] hay nhà phê bình nghệ thuật Roberts Huges [4, tr.398] lại cho rằng cách gọi này được Charles Sheeler đặt ra để mô tả nghệ thuật nhiếp ảnh sắc nét và phong cách hội họa có cảm giác giống như một bức ảnh của ông.

Hậu tố “-ism” được định nghĩa trong từ điển The Consise Oxford Dictionary là “biểu thị cho một hệ thống, nguyên tắc hoặc phong trào ý thức hệ” [7, tr.749]. Precisionism không có hệ thống nguyên tắc để được gọi là chủ nghĩa, không có sức ảnh hưởng để xem như trường phái, và cũng không có phong trào ý thức hệ để được gọi là trào lưu hay xu hướng nghệ thuật. Tuy nhiên, thuật ngữ này được củng cố bởi các nhà phê bình nghệ thuật đương thời và phổ biến đến công chúng nhờ một số chủ phòng tranh tại thành phố New York vào đầu thế kỷ 20.

Charles Demuth – Aucassin and Nicolette (Aucassin và Nicolette). 1921 Sơn dầu trên toan. 61.2×50.8 cm Bảo tàng nghệ thuật Columbus. Nguồn ảnh [9]
Bối cảnh ra đời

Nửa đầu của thế kỷ 20 là khoảng thời gian thế giới nói chung và Hoa Kỳ nói riêng có những thay đổi mạnh mẽ về mặt xã hội. Các cuộc di cư từ châu Âu và quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng đã thay đổi diện mạo của đô thị. Thế chiến I làm gián đoạn sự giao thoa văn hóa và trao đổi ý tưởng trong thực hành nghệ thuật giữa Mỹ và châu Âu, trung tâm nghệ thuật của thế giới bấy giờ. Ngược lại, Thế chiến II đưa các nghệ sĩ châu Âu cùng nghệ thuật của họ đến với các studio tại New York. Bối cảnh chính trị, xã hội và văn hóa cùng sự tin tưởng ngày càng tăng của nước Mỹ vào giá trị văn hóa của mình đã dần hình thành một nền nghệ thuật độc lập.
Một trong những biểu tượng đại diện cho sự hiện đại và giàu mạnh của Hoa Kỳ là những tòa nhà chọc trời [8, tr.18]. Sự chấp nhận của công chúng đối với tính thẩm mỹ hiện đại của những tòa nhà cao tầng và hiệu quả sử dụng của chúng dẫn tới thực trạng về sự gia tăng tốc độ xây dựng kiến trúc công nghiệp này. Tần suất xuất hiện ngày càng nhiều của các tòa nhà, đặc biệt là ở thành phố New York, đã làm nảy sinh những lo ngại về việc độ cao của chúng sẽ khiến cho những con phố bên dưới chìm trong bóng tối. Cũng tại thời điểm này, nước Mỹ đang trải qua các phản ứng tâm lý từ hậu quả của Thế chiến I, cùng với tổn thất nặng nề về kinh tế sau cuộc Đại suy thoái. Theo Jessica Murphy, điều này dẫn đến hai quan điểm tồn tại đối lập về vị trí của máy móc trong xã hội hiện đại tại Hoa Kỳ [6]. Một mặt, công nghiệp được xem như phương tiện mang đến một thế giới hiện đại qua việc nâng cao tốc độ, hiệu suất lao động và sự sạch sẽ trong cuộc sống thường nhật. Mặt khác, tồn tại quan điểm rằng sự xuất hiện của máy móc sẽ thay thế người lao động, gây ra ô nhiễm và phá hủy các cảnh quan tự nhiên.

Vào năm 1913, công ty Ford Motor công bố dây chuyền lắp ráp chuyển động đầu tiên, giảm thời gian chế tạo một chiếc ô tô từ 12 giờ xuống 2 giờ 30 phút, nâng cao năng suất sản xuất đến mức trước giờ khó ai có thể tưởng tượng được. Nhằm quảng bá cho những phát kiến mới trong ngành công nghiệp sản xuất, Ford Motor đã ủy quyền cho nghệ sĩ Charles Sheeler thực hiện loạt ảnh về khu liên hợp công nghiệp River Rouge của mình [5, tr.90]. Khung cảnh hùng vĩ với sự kết hợp khỏe khoắn giữa kiến trúc công nghiệp và máy móc trong dây chuyền sản xuất đã thành công thể hiện sự “hiệu quả” mà công ty đề cao. Tuy nhiên, điều đã không được miêu tả trong những bức ảnh chính là thực tế lao động khắc nghiệt trong nhà máy, không chỉ tại Ford Motor mà cả những nơi khác [5, tr.95]. Dù vậy, thời đại công nghiệp vẫn mang đến sự phổ biến rộng rãi của các chủ đề cơ học trong nghệ thuật. Triển lãm Quốc tế về Nghệ thuật hiện đại ở New York năm 1913, hay còn được gọi là The Armory Show, là một cột mốc đáng chú ý trong lịch sử nghệ thuật nước Mỹ khi giới thiệu với khán giả những xu hướng tiên phong trong nghệ thuật hiện đại quốc tế qua các tác phẩm của Henri Matisse, Pablo Picasso và Marcel Duchamp.

Francis Criss – Waterfront (Khu vực ven sông). Sơn dầu trên toan. 77.5×92.7cm Sưu tập của Học viện Nghệ thuật Detroit. Nguồn ảnh [9]
Phong cách Precisionism xuất hiện từ sau Thế chiến I và đạt đến đỉnh cao vào những năm 1920 và 1930. Các nghệ sĩ theo đuổi phong cách Precisionism như Charles Sheeler, Preston Dickinson, Niles Spencer, Charles Demuth, Davis Stuart, George Ault, Francis Criss… tìm cách nắm bắt chính xác công nghệ và kiến trúc của thế giới hiện đại, bao gồm cả việc tái hiện những khía cạnh tiêu cực của chúng. Hai quan điểm đối lập của xã hội về máy móc thời bấy giờ, lý tưởng về một cuộc sống hiện đại với nền công nghiệp phát triển mạnh và những tác động hủy diệt của máy móc đối với nhân loại, có đôi lúc cùng tồn tại trong một tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ theo phong cách Precisionism. Precisionism thoái trào khi Thế chiến II nổ ra. Tuy tồn tại trong thời gian ngắn nhưng phong cách này để lại ảnh hưởng đến các nghệ sĩ Mỹ cũng như các xu hướng nghệ thuật sau này tại xứ sở cờ hoa.
Đặc điểm phong cách Precisionism trong hội họa

Sự thể hiện cảnh quan mới của nước Mỹ đầu thế kỷ 20

Sáng tác hội họa của các nghệ sĩ theo phong cách Precisionism là những tấm gương phản chiếu sự thay đổi trong xã hội Mỹ đương thời. Tác phẩm của họ thể hiện cảnh quan nước Mỹ đầu thế kỷ 20 trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp. Họ thể hiện sự quan tâm, yêu thích và tìm tòi những công trình kiến trúc mới, những bộ máy công nghiệp khổng lồ, những yếu tố góp phần tạo nên dấu ấn của thời đại máy móc. Từ một đề tài tương đối mới trong hội họa đầu thế kỷ 20, nó đã dần trở nên phổ biến. Lấy hiện thực làm nguồn cảm hứng, các nghệ sĩ tìm cách khai thác một khía cạnh khác của đời sống đô thị hiện đại, khía cạnh cho thấy vẻ đẹp từ thành quả lao động và sự phát triển không ngừng của con người.

Ở các đô thị lớn, kiến trúc cao tầng trở thành nguồn cảm hứng chung cho nhiều sáng tác theo phong cách Precisionism, không chỉ bởi khả năng đại diện cho thời đại mà còn bởi vẻ đẹp hiện đại và sang trọng của chúng, đến nghệ sĩ Marchel Duchamp cũng phải thốt lên tán thưởng: “Mỹ là đất nước của nền nghệ thuật của tương lai… Hãy nhìn những tòa nhà chọc trời mà xem! Liệu châu Âu có gì đẹp hơn thế?” [2, tr.129]. Cùng lúc đó, cảnh quan công nghiệp tại các nhà máy và các sản phẩm của chúng xuất hiện ngày càng nhiều trên đất nước Hoa Kỳ và cũng hiện diện nhiều hơn trong các tác phẩm hội họa. Một số nghệ sĩ còn chọn lọc và đặc tả một cỗ máy hay bộ phận cơ khí riêng biệt, tách chúng ra khỏi bối cảnh công nghiệp để tôn lên vẻ đẹp từ chính bề ngoài và cấu trúc của chúng.
Đường nét chính xác, sắc cạnh.

Charles Demuth – I Saw the Figure 5 in Gold (Tôi đã thấy hình 5 bằng vàng). 1928 Sơn dầu, than chì, mực và lá vàng trên bìa. 90.2×76.2cm Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan. Nguồn ảnh [9]
Vào thập niên 1910, “hiệu quả” là từ khóa chủ chốt đại diện cho nền công nghiệp nước Mỹ với hàng loạt phát minh về cơ học và đặc biệt quy trình tự động hóa trong sản xuất. Không lâu sau đó, “hiệu quả” cũng trở thành từ khóa biểu đạt cho nội dung và thẩm mỹ của phong cách Precisionism, được thể hiện một phần qua sự chính xác, sắc cạnh trong diễn tả đường nét. Đặc điểm này trước hết xuất phát từ mong muốn theo sự tái hiện hình ảnh một cách chân thực, hình ảnh về sản phẩm của thời đại máy móc, do những cỗ máy chế tạo ra với độ chính xác cao. Những nét vẽ đầy biểu cảm bị thay thế bởi các đường nét như đã được “gia công” cẩn thận, thẳng và sắc cạnh. Sự kiểm soát của người họa sĩ đối với sự thể hiện hình ảnh trên tấm toan đã trở thành một trong những biểu hiện bên ngoài để nhận diện phong cách nghệ thuật Precisionism.

Bản thân tên gọi của phong cách đã nêu lên đặc điểm đặc sắc nhất của nó. “Precisionism” bắt nguồn từ danh từ “precision” chỉ tính chính xác, được thể hiện qua đường nét trong tác phẩm, cũng để biểu đạt phẩm chất của những cỗ máy và ngành công nghiệp trong thời đại Máy móc. Nét đặc trưng này được thấy rõ ràng nhất qua các sáng tác xuyên suốt sự nghiệp của Charles Sheeler. Có những thời điểm, các nét vẽ của ông chính xác như thể nó được tạo ra bởi một chiếc máy chứ không phải từ cây cọ của người họa sĩ. Tính chính xác cũng được thể hiện qua cách Spencer sử dụng những dạng thức hình học cơ bản với đường nét rõ ràng, khỏe khoắn và cách Dickinson đưa tính trang trí vào cách tạo hình khiến cho các mảng hình trở nên gọn gàng. Không chỉ những đối tượng miêu tả trong tranh có tính hiệu quả mà bản thân những nét vẽ của các họa sĩ Precisionism cũng thể hiện được sự hiệu quả của ngành công nghiệp.
Cấu trúc hình, mảng dưới dạng hình học

Những dạng thức hình học tiềm ẩn trong kiến trúc hiện đại và cấu trúc công nghiệp là điều thu hút các họa sĩ phong cách Precisionism. Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, nguyên tắc thiết kế mới ra đời – hình thức tuân theo chức năng – mà trong đó hình dạng của một tòa nhà hoặc đồ vật cần trước hết liên quan đến chức năng hoặc mục đích sử dụng của nó. Hiển nhiên, các công trình kiến trúc sau đó được xây dựng với phong cách tối giản hơn nhiều so với trước đây, những bức tường phẳng, chạy dọc dài xuyên suốt từ trên xuống dưới và những ô cửa vuông vắn không rườm rà.

Davis Stuart – Lucky Strike (Thuốc lá Lucky Strike). 1921 Sơn dầu trên toan. 84.5×45.7cm Nguồn ảnh [9] 
Charles Sheeler – Church Street El (Đường sắt phố Nhà Thờ). 1920. Sơn dầu trên toan 40.6×48.5cm. Bảo tàng Nghệ thuật Cleveland. Nguồn ảnh: [9]
Những hình khối cơ bản của hình học đều được tận dụng tối đa trong các sáng tác theo phong cách Precisionism. Sheeler kết hợp cấu trúc hình học đơn giản với chủ nghĩa hiện thực. Dickinson cách điệu khung cảnh hiện thực dựa trên việc khai thác và điều chỉnh những dạng thức hình học của chính sự vật để đưa ra bố cục mà ông thấy vừa lòng. Hay như Schamberg tái hiện những công cụ hiện đại qua các hình thức cơ bản nhất của từng chi tiết trong cấu tạo. Ralston Crawford với các góc cắt độc đáo tôn lên vẻ đẹp khỏe khoắn tùy đơn giản của sự vật. Elsie Driggs theo đuổi những đường tuyến tính và hình trụ dài với bố cục hướng lên phía trên trong các công trình công nghiệp hoành tráng. George Ault lợi dụng sự tương phản sắc độ để làm nổi bật một phần kiến trúc được ông chắt lọc dưới dạng hình mảng…

Bằng cách chắt lọc các khía cạnh hiện đại của thành phố thành những mảng hình cơ bản mang tính thẩm mỹ cao, các họa sĩ Precisionism cho thấy sự đa dạng trong khả năng bố cục và biểu đạt thông qua hình mảng. Yếu tố cơ bản trong nghệ thuật này dường như đã bị lãng quên khi chủ nghĩa Ấn tượng ra đời và các họa sĩ tìm kiếm ánh sáng và sự rung động của những nét bút. Phong cách Precisionism dần xuất hiện như một cuộc tìm kiếm cấu trúc thực tế cơ bản, như phản ứng chống lại hội họa Ấn tượng lúc bấy giờ.

Sự đơn giản hóa các chi tiết

Để tôn lên cấu trúc hình, các chi tiết trong hiện thực được các họa sĩ Precisionism đơn giản hóa hoặc lược bỏ hoàn toàn. Đối với họ, kiến trúc hiện đại là phương tiện hoàn hảo để thử nghiệm các đường nét chính xác, các hình phẳng với bề mặt hoàn thiện mà không có quá nhiều chi tiết trang trí. Kể cả khi sự vật trong tranh vốn đã rất giản đơn, để phục vụ ý đồ của tác giả khi xây dựng bố cục, công việc giản lược vẫn được tiếp tục. Đối tượng tiếp theo được lược bỏ là chi tiết trong cấu trúc. Đối với các công trình kiến trúc, ô cửa và gờ tường là lựa chọn phổ biến của các họa sĩ. Người xem thường không thấy sự hiện diện của khung cửa hay sự diễn tả về chất liệu tạo thành, cái họ thường thấy nhất là tổ hợp những ô vuông hoặc chữ nhật trải đều từ tòa nhà này sang tòa nhà khác. Đối với cấu tạo cơ khí, họa sĩ tập trung vào đường chu vi bên ngoài bộ phận hay những hình bóng đổ tuyệt đẹp mà chúng tạo nên trong khung cảnh tranh tối tranh sáng. Những mấu nối của đường ống kim loại, những chiếc ốc vít kết hợp các bộ phận, hoặc quá vụn vặt để đưa vào bố cục, hoặc không thực sự cần thiết trong việc cấu thành hệ thống nhịp điệu tranh, đều được phần lớn các họa sĩ bỏ lại bên ngoài khung tranh.
Sự lược bỏ yếu tố tự nhiên và hình ảnh con người

Hình ảnh con người được lược bỏ hay thậm chí không hề xuất hiện trong các tác phẩm theo phong cách Precisionism của nhiều họa sĩ. Đây là một trong những khía cạnh đáng chú ý của hội họa với phong cách Precisionism. Trong thực tế, những khung cảnh được thể hiện trong các tác phẩm của phong cách này – các thành phố lớn hay các khu công nghiệp – đều là những nơi có mật độ dân cư cao. Những địa điểm vốn nên sầm uất và sống động qua những nét cọ lại trở thành một quang cảnh tĩnh lặng đến kỳ lạ.

George Ault – View from Brooklyn (Nhìn từ Brooklyn). 1927 46.4×54.6cm. The Vilcek Foundation. Nguồn ảnh [9]
Charles Sheeler giảm số lượng nhân vật trong Suspended Power (Sức mạnh bị đình chỉ) để phục vụ chủ ý của bức tranh về một xã hội khi mà máy móc thay thế công việc của người lao động. Với những bức tranh khác của ông, việc đưa con người vào bố cục dường như là không cần thiết khi những gì ông muốn khai thác là quang cảnh kiến trúc và những cỗ máy. Bên cạnh một số chân dung về những người bạn của mình, các nhân vật trong các tác phẩm với phong cách Precisionism của Dickinson cũng thường chỉ là một chi tiết nhỏ trong bố cục của ông và rất ít xuất hiện. Còn với Niles Spencer, những gì ông đam mê là các dạng thức hình học và tính trừu tượng trong cấu trúc công trình. Hình ảnh con người chỉ xuất hiện ở một vài sáng tác thời kỳ đầu sự nghiệp, đa phần không được diễn tả cụ thể mà chỉ là những bóng đen nhỏ bé mà ông quan sát thấy từ xa.

Sự hiện diện của con người đôi khi được ngụ ý qua các chi tiết trong bố cục. Hàng loạt những ô cửa trên các tòa nhà chọc trời như sự ám chỉ về mật độ dân cư đông đúc tại các đô thị. Những cột khói tại khu công nghiệp và nhà máy là bằng chứng của hoạt động sản xuất, dù các cỗ máy được tận dụng để đạt hiệu quả tối đa nhưng đôi bàn tay người công nhân mới là thứ vận hành các cỗ máy. Do đó sự lược bỏ hình ảnh con người như một cách thức để các họa sĩ Precisionism khiến khán giả tập trung vào kiến trúc công nghiệp và sản phẩm cơ khí, bỏ qua những vấn đề xã hội để thưởng thức vẻ đẹp xuất phát từ những hình khối cơ bản, khỏe khoắn và ẩn chứa năng lượng của thời đại. Đồng thời, sự tĩnh lặng của khung cảnh cũng cho thấy khía cạnh cảm xúc chính của thời đại mới – sự cô đơn và xa cách giữa người với người.

Ngoài ra, đối với đa số các tác phẩm theo phong cách Precisionism, yếu tố tự nhiên thường không xuất hiện trong bố cục tranh. Preston Dickinson có thể được xem như một trong những ngoại lệ bởi nguồn cảm hứng chính của ông là sông Harlem, và khung cảnh thường xuất hiện nhất trong sự nghiệp của ông là cảnh mùa đông với những lớp tuyết dày trắng xóa. Trong khi đó, khi so sánh với sáng tác của Sheeler và Spencer, yếu tố tự nhiên như đồi núi, sông hồ và cây cối rất ít hiện diện, và hiếm khi nằm trong trọng tâm của bố cục. Đây là điều dễ hiểu bởi đối tượng miêu tả chủ yếu của các họa sĩ Precisionism thường là các thành phố lớn và các khu công nghiệp. Những địa điểm này đã trải qua một thời gian dài liên tục quy hoạch và xây dựng, diện tích đất tự nhiên dần được thay thế bằng những tòa nhà kiên cố và các cỗ máy khổng lồ. Dù phong cách Precisionism thường cho thấy sự tôn vinh những phát kiến trong công nghiệp, cách các họa sĩ lược bỏ con người và yếu tố tự nhiên phần nào bộc lộ những dấu hiệu gợi về mối đe dọa tiềm ẩn của cơ khí đối với xã hội loài người.

Lời kết
Phong cách Precisionism phản ánh những thay đổi trong diện mạo của Hoa Kỳ trong nửa đầu thế kỷ 20, đồng thời cho thấy mong muốn xác định bản sắc dân tộc của các nghệ sĩ Mỹ. Sự phản ánh hiện thực đương thời gắn liền với đề tài công nghiệp và đô thị trong các tác phẩm Precisionism đã đặt ra những tranh luận liên quan đến những ảnh hưởng của công nghiệp và máy móc trong xã hội đương thời. Trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày càng công nghiệp hóa, phong cách Precisionism vẫn có giá trị nghiên cứu và tham khảo bởi sự liên kết của nó với sự phát triển của đô thị và công nghiệp.

Lê Yến Nhi

Tài liệu tham khảo:
1. Cloudman, Ruth (1979), Preston Dickinson 1889 – 1930, Nebraska Art Association.
2. Danto Author C. (2003), The Abuse of Beauty: Aesthetics and the Concept of Art (The Paul Carus Lectures Series 21) (Lạm dụng cái đẹp: Thẩm mỹ và Khái niệm nghệ thuật) (Bài giảng của Paul Carus Series 21), Open Court.
3. Dempsey Amy (2002), Styles, Schools and Movements (Phong cách, Trường phái và Trào lưu), Thames & Hudson.
4. Hughes, Robert (1999), American Visions: The Epic History of Art in America (Tầm nhìn nước Mỹ: Sử thi về Nghệ thuật ở Hoa Kỳ), Alfred A. Knopf.
5. Lucic, Karen (1993), Charles Sheeler and Cult of the Machine (Charles Sheeler và sự sùng bái máy móc), Harvard University Press.
6. Murphy, Jessica (2007), Precisionism, Metropolitan Museum of Art.
7. Oxford University (2008), The Concise Oxford Dictionary (Từ điển Oxford súc tích), Oxford University Press.Preziosi.
8. Vowles, Diana (1994), Art in the USA (Nghệ thuật ở Hoa Kỳ), JG Press.
9. Wikimedia Commons. https://commons.wikimedia.org

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

10 tranh đắt nhất thế giới trong năm 2023

Tranh người tình của Picasso giá 139,4 triệu USD, “Quý cô cầm quạt” của Gustav Klimt đạt hơn 108 triệu USD, là những tác phẩm đắt nhất năm nay. Theo thống kê từ trang web nghệ thuật Artsy,...

Vấn đề đương đại và nghệ thuật đương đại

Vấn đề đương đại (contemporary issues) và nghệ thuật đương đại (contemporary art) là một trong những mấu chốt quan trọng trong công việc thực hành nghệ thuật (art practice) của mỗi nghệ sĩ. Khái...

“Femme à la montre” của Picasso trở thành tác phẩm đấu giá đắt giá nhất trong năm nay

NDO – Kiệt tác “Femme à la montre” (tạm dịch: Người phụ nữ đeo đồng hồ) sáng tác năm 1932 của danh họa Pablo Picasso đã được bán với giá hơn 139 triệu USD tại cuộc đấu giá của...

Abanindranath Tagore – Người đặt nền móng cho nghệ thuật hiện đại Ấn Độ

Vào giữa thế kỷ 19, lợi dụng sự xung đột nội bộ giữa các tôn giáo, các tiểu vương quốc trên lãnh thổ Ấn Độ, người Anh, thông qua công ty Đông Ấn, đã dần dần kiểm soát gần hết tiểu...

Những bức tranh đắt giá nhất thế giới

Trong số hàng triệu bức tranh đang tồn tại trên thế giới, có những bức đắt và hiếm đến mức đa số người yêu nghệ thuật không có cơ hội chạm đến. Theo The Collector, định giá tác phẩm nghệ...

Có thể bạn quan tâm

Thông báo về triển lãm mỹ thuật khu vực IV Bắc miền Trung lần thứ 26 năm 2021

   ...

DỰ ÁN NGHỆ THUẬT CÔNG CỘNG PHÚC TÂN

  Nhiều nghệ sĩ tạo hình trên thế giới nổi tiếng với khả năng biến một nơi không ai muốn đến thành những địa điểm đắt giá chỉ sau một thời gian ngắn. Có một từ dành riêng cho hoạt...

“Những chân trời vô tận” – Triển lãm giao lưu quốc tế của 8 nữ họa sĩ Việt Nam và Philippines

Khai mạc ngày 28/10/2023, triển lãm “Những chân trời vô tận” là sự kết hợp của 8 nữ họa sĩ: Trang Thanh Hiền, Nguyễn Thu Thuỷ, Nguyễn Mỹ Ngọc, Ly Trần, Phạm Thị Hồng Sâm đến từ Việt Nam và...

Trưng bày hơn 80 tác phẩm hội họa về đất nước

(ĐCSVN) – Triển lãm “Đất nước tôi” giới thiệu tới công chúng hơn 80 tác phẩm hội họa thuộc thể loại tranh phong cảnh, được sáng tác từ năm 1930 đến năm 2007 của nhiều danh họa trong...

ĐỘC ĐÁO HÌNH TƯỢNG CON VOI TRÊN GỐM CỔ

  Từ xa xưa, voi đã là loại động vật quen thuộc với người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới ở châu Phi, châu Á… Lịch sử và truyền thuyết của Việt Nam không thể thiếu hình tượng...