DỰ ÁN NGHỆ THUẬT CÔNG CỘNG PHÚC TÂN

 

Nhiều nghệ sĩ tạo hình trên thế giới nổi tiếng với khả năng biến một nơi không ai muốn đến thành những địa điểm đắt giá chỉ sau một thời gian ngắn. Có một từ dành riêng cho hoạt động này là “gentrification”. Điển hình là khu Soho của New York, vốn là nơi của trộm cắp, ma tuý và còn có tên lóng là “100 hecta sa mạc” vì bị bỏ hoang với các xưởng sản xuất của nhà máy cũ. Nhưng khi các nghệ sĩ và gallery dọn đến vào giữa thập niên 1960, trong đó có những nghệ sĩ danh tiếng như Andy Warhol, Philip Glass, Twyla Tharp, Jean-Michel Basquiat và David Bowie, họ đã thổi linh hồn vào khu hoang phế này, biến nó thành một trung tâm hoạt động nghệ thuật nổi tiếng, một nơi mua bán tấp nập, an toàn và sang trọng của thành phố New York. Bằng chứng là, chỉ sau hơn 10 năm, các nghệ sĩ đã phải dọn đi nơi khác trước làn sóng các shop thời trang cao cấp và thiết kế mới dọn tới do mức độ thu hút quá lớn của khu vực này. Các gallerist và nghệ sĩ lại dần rời lên khu Chelsea. Và ngày nay, Chelsea lại tiếp tục trở thành một khu nghệ thuật nổi tiếng của New York với những gallery nổi tiếng nhất thế giới tụ họp lại.
Luôn là thế, nghệ sĩ và nghệ thuật có những đóng góp quan trọng trong việc đưa một khu phố ra khỏi sự trì trệ và phức tạp xã hội, biến một địa điểm thành địa danh trên bản đồ văn hoá quốc gia. Tại Việt Nam, dự án Nghệ thuật Công cộng – Phúc Tân đã chuyển đổi một khúc bờ sông bị bỏ quên thành một địa điểm du lịch văn hóa tiềm năng với vài triệu khách thưởng ngoạn mỗi năm. Nghệ thuật phản ánh tư duy của trí thức Việt và làm toả sáng khu bờ sông dọc cầu Long Biên cho tới cầu Chương Dương. Thông điệp của nó sẽ đi vào tâm thức của nhiều người bằng hình ảnh, chất liệu, khối và màu sắc. Đó là sức mạnh của nghệ thuật tạo hình công cộng – một hình thức nghệ thuật độc đáo ở Việt Nam và thế giới được 16 nghệ sĩ trong và ngoài nước sáng tạo trên bức tường dài 500m dọc bờ sông Hồng.

Nguyễn Ngọc Lâm – Thành phố bên sông. 2020. Thùng phuy tái sử dụng, lưới sắt, đèn led. 600x500cm . Ảnh chụp: Nguyễn Thế Sơn

Nhiều thế hệ công chúng Việt đã quen với áp phích và tranh cổ động đặt ở các góc đường.  Những tranh ảnh đó đã và đang đáp ứng nhu cầu thông tin của xã hội và có tính nhất thời. Tuy nhiên, vẫn còn rất thiếu vắng các tác phẩm công cộng mang đậm dấu ấn nghệ thuật bởi các nghệ sĩ đương đại hàng đầu của Việt Nam. Nghệ thuật đương đại trong bảo tàng quan trọng, song nghệ thuật công cộng đem lại nhiều cái mà bảo tàng không làm được cho người xem, ví dụ như: sự trực tiếp và lâu dài với người thưởng ngoạn, không gian mở, kích thước lớn, ánh sáng mặt trời thay đổi tạo nên vẻ đẹp sáng, chiều và tối. Khác với nghệ thuật trong bảo tàng (white box), nghệ thuật công cộng đứng giữa dòng đời, người xem không cần vé và sự cho phép, họ có thể dễ dàng thưởng ngoạn bất cứ lúc nào họ muốn. Các tác phẩm nghệ thuật vô hình trung đã được sự “cấp phép” của dân cư một khu vực (Phúc Tân) và chính quyền (Hà Nội).Đặc biệt, ở đây diễn ra sự đối thoại của các tác phẩm với chính nơi đặt tác phẩm. Ví dụ như hình cây cầu Long Biên, quang cảnh và người xem phản chiếu lên hàng trăm mảnh gương ghép trên các tác phẩm thuyền của nghệ sĩ Cấn Văn Ân. Không những thế, nghệ thuật công cộng cho phép sự tiếp xúc trực tiếp. Người xem có thể tương tác ngược lại, đụng chạm và thậm chí đẩy kéo, ví dụ kéo tai Con voi vàng của George Burchett, quay những bánh xe máy với hình ảnh lịch sử màu mono-chrome cầu Long Biên của Trịnh Minh Tiến, bệ ngồi gạch bông của Trần Hậu Yên Thế và bệ ngồi gắn kính cường lực của Ưu Đàm. Một cách tương tác khác của Phương Đức với bức tường cũ tạo ra vẻ đẹp tự nhiên của rêu phong hướng tới một không gian thiêng và nhắc khéo “đừng nghịch với chó đá” dùng một phần vật liệu từ phù sa sông Hồng.

Nguyễn Thế Sơn – Gánh hàng rong, phù điêu Đông Dương. 2020. Sắt tái chế cắt CNC, Inox gương, phù điêu xi măng. 1300x180cm. Ảnh chụp: Nguyễn Thế Sơn

Nghệ thuật công cộng ở đây đề cập đến những vấn đề cấp bách của thời đại, chẳng hạn như khí thải từ 40 triệu xe máy, sự ô nhiễm rác trong môi trường, sự liên tưởng giữa quá khứ và tương lai, đô thị mới, trong sự phát triển của Việt Nam… Những đề tài đương đại này cần sự thể hiện đa dạng mới mẻ qua cách sử dụng các vật liệu tái chế mà chúng ta thấy được qua tác phẩm đa dạng nhiều màu sắc của 16 nghệ sĩ trên bức tường dọc sông Hồng lần này.
Nghệ thuật công cộng còn có thể là sự can thiệp trực tiếp vào một vật thể của địa phương như bức màn đang vén lên trong tác phẩm “Kẹp tóc” của Trần Tuấn được tạc vào trong chính bức tường cũ dọc bờ sông nói về sự phát triển của địa ốc và sự lấn chiếm tất yếu. Nó cũng có thể là hình ảnh các Thánh Gióng nam nữ đang cưỡi “ngựa sắt”, giết mãng xà khí thải do chính “ngựa sắt” của họ tạo ra của Nguyễn Trần Ưu Đàm (UuDam Tran Nguyen) vẽ trên thép cắt nối với hộp kính đựng xác “ngựa sắt cũ”. Nó cũng có thể là cổng thành của những phố phường thực và hư, đã và đang mất đi trên những rạn nứt của 24 đĩa gắn trên tường của nghệ sĩ Vương Văn Thạo. Nó cũng là sự tương phản giữa hai bức phù điêu của Vũ Cao Đàm và Georges Khánh làm đối trọng cho hình ảnh cầu Long Biên và khách thưởng ngoạn phản chiếu trong các hình người được cắt trên nhôm gương 2 màu của Nguyễn Thế Sơn như sự chiêm nghiệm về chính mình trong hình bóng lịch sử của người dân của sông Hồng hơn một trăm năm trước, khi bờ sông là nơi nhộn nhịp bán buôn. Nghệ sĩ Thế Sơn cũng là giám tuyển của dự án này.

Lê Đăng Ninh – Nhà nổi. 2020. Thùng phi sắt, alu gương và đèn led. 600x250cm. Ảnh chụp: Nguyễn Thế Sơn

 

Trịnh Minh Tiến – Vòng quay. 2020. Vành xe. 400x300cm. Ảnh chụp: Nguyễn Thế Sơn

Mỗi nghệ sĩ sử dụng vật liệu tái chế một cách khác nhau, nghệ sĩ Nguyễn Hoài Giang với tác phẩm “Emoji City – Tôi yêu Phúc Tân, Hà Nội” sử dụng nắp chai nhựa thu gom, làm sạch, phân loại, cắt vụn, và đổ nhựa trong để tạo liên kết thành nhiều mảnh và ghép lại thành các emoticon thân thiện chào mừng khách tới khu Phúc Tân.  Del Valle Cortizas Diego, một kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia và nhà thiết kế thời trang dùng rọ tre làm đèn treo kết hợp với tranh tường và ghép kính vụn của một con rồng dài 15m sặc sỡ trên tường. Nghệ sĩ Vũ Xuân Đông trình làng một tác phẩm đồ sộ dùng 10,000 chai nhựa phế thải các loại để tạo nên 4 con thuyền màu sắc lộng lẫy trượt trên các ngọn sóng cũng ghép bằng chai nhựa, gợi nhớ bến tàu và đèn hoa trên song xưa, rất công phu và sáng tạo. Can thiệp nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, nghệ thuật công cộng sẽ trở thành một phần của cảnh quan, trong không gian sống quen thuộc của hàng ngàn cư dân. Đây là một lợi thế của nghệ thuật công cộng -một bảo tàng ngoài trời không có nhân viên bảo vệ.
16 nghệ sĩ tên tuổi trong và ngoài nước tham gia sắp đặt tác phẩm trên một khoảng không gian tường cũ kéo dài từ cầu Long Biên tới cầu Chương Dương. Đây là bức tường tạo nên ranh giới giữa khu dân cư Phúc Tân và bờ sông nhìn ra cầu Long Biên – cây cầu lớn nhất Đông Dương đầu tiên do Pháp xây dựng. Nghệ sĩ Xuân Lam khai thác khía cạnh tuổi thơ với hình ảnh tò he cổ điển nhưng áo quần in hình các logo các nhà thiết kế thời trang hiện đại. Lê Đăng Ninh nhắc đến một quá khứ không xa với sự hiện diện qua hình các nhà nổi trên sông khắc thủng trên thùng phi gắn trên mặt cắt của một căn nhà bằng nhôm kính. Nguyễn Ngọc Lâm với hình ảnh của thành phố dùng các thùng phi đủ màu cắt lỗ vuông như các cửa sổ những chung cư đô thị Hà Nội thu nhỏ. Trần Hậu Yên Thế với tác phẩm “Bức tường danh vọng” lấy cảm hứng từ những căn nhà phố cổ và sự đến rồi đi của các vật liệu cũ mới làm dưới dạng tranh và phù điêu lõm qua hình dáng các song cửa sắt. Phạm Khắc Quang với tác phẩm “Xẩm tàu điện”, kết hợp nét văn hoá cổ hát Xẩm và các lớp vật liệu đương đại nilon và thép cắt lung linh trong sự tương phản giữa các chất liệu sáng tạo.Người xem có thể thấy các tác phẩm chuyển biến ngoạn mục giữa ánh sáng tự nhiên và ánh sáng đèn khi ngày chuyển qua đêm.

Nguyễn Xuân Lan – #PhucTanGang. 2020. Composite. 700x400cm. Ảnh chụp: Nguyễn Thế Sơn

Rất đặc biệt, ngay trong dự án này, chúng ta chứng kiến sự ra đời của một mini Phuc Tan gallery có tên là TSGITW (The Smallest Gallery In The World) với hai không gian trưng bày siêu nhỏ dành cho nghệ sĩ và dân địa phương làm nghệ thuật. Gallery nhỏ nhất thế giới này hướng tới bảo tồn những nét văn hoá cũ của địa phương và du nhập hơi thở của cuộc sống hàng ngày tại đây. Qua sự trao đổi ngẫu hứng giữa trong quá trình, chúng tôi quyết định giữ lại chiếc ghế cũ xi-măng rêu phong và kéo dài nó ra bằng vật liệu sắt không rỉ và kính cường lực. Hai ô trống của ghế xi măng cũ được gắn đèn chiếu sáng trang trọng dành để trưng bày các tác phẩm nghệ thuật từ các nghệ sĩ và dân địa phương. Ai cũng có thể tham gia và bằng cách đó hiểu thêm về nghệ thuật đương đại qua thực hành. Đây là một cách tiếp cận nghệ thuật dưới dạng mở và đương đại chưa từng có trên thế giới, sẽ bắt đầu đón nhận nghệ sĩ từ đầu tháng 4. Sáng tạo ươm mầm sáng tạo. Đó cũng là ý nghĩa của Gallery Nhỏ nhất Thế giới (TSGITW) này.
Trong bối cảnh thiếu vắng các bảo tàng nghệ thuật đương đại chính quy ở Việt Nam, các phòng trưng bày tư nhân, bảo tàng, các bộ sưu tập cá nhân và không gian nghệ thuật như Nguyen Art Foundation, Post ViDai, Trần Hậu Tuấn, Nguyễn Chí Sơn, Zero Station, Salon Saigon, Art Space, The Factory Contemporary Art Center và TSGITW chính là những nỗ lực cá nhân đóng góp quan trọng cho nền Mỹ Thuật Đương Đại Việt Nam.
Ngoài ra, Flamingo Đại Lải với chương trình Art in The Forest đầu tư rộng rãi và thái độ làm việc nghiêm túc cũng đã đem lại một bộ sưu tập công cộng rất đáng giá về điêu khắc và hội hoạ của nhiều nghệ sĩ trong và ngoài Việt Nam từ 2015; dự án Phố Bên Đồi tại Đà Lạt biến các con hẻm nên thơ thành những bức tranh đầy màu sắc hoa lá và yếu tố lịch sử bản địa. Dự án Nghệ Thuật – Phùng Hưng do hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn làm đồng giám tuyển cũng đã trở thành một nét văn hoá độc đáo của Hà Nội.

Trần Tuấn – Kẹp tóc. 2020. Xi măng, sắt. 600x180cm. Ảnh chụp: Nguyễn Thế Sơn

Bên cạnh đó, các cơ sở tư nhân như Toong co-working space đã đưa sự độc đáo của nghệ thuật đương đại vào các công trình của mình. Toong Vista Verde (Tp.HCM) trưng bày thường trực tác phẩm điêu khắc hút-bơm khí “Thở” với 900 bịch nylon nhiều màu phồng lên xẹp xuống như một bộ phổi khổng lồ trải dài suốt hai tầng lầu. Trong năm 2020, Toong cũng sẽ triển khai một không gian nghệ thuật đầy tính táo bạo mới kết hợp chặt chẽ giữa kiến trúc, điêu khắc và kinh doanh. Đây là một ví dụ rất đáng khích lệ khi những người làm việc trong các lĩnh vực kinh doanh khác nhau dần chú trọng tới việc đưa nghệ thuật vào các nơi công cộng.
Có những lúc chúng ta tự hỏi tại sao lại phải đi nước khác để xem nghệ thuật, tại sao một thiết kế công cộng trong nước lại không thoả mãn được thị hiếu của người thưởng ngoạn, cả Việt Nam lại không kiếm được một bức tượng để thoả mãn một công trình kiến trúc, câu trả lời sẽ nằm ở nhiều nơi, ở nghệ sĩ, ở những nhà sưu tập và nhà nước. Sự đầu tư đúng lúc sẽ giúp nghệ thuật công cộng tại Việt Nam, tiếng tăm của một quốc gia và kinh tế ở một khu vực đi lên. Đây là quyền lực mềm. Dự án Phúc Tân với 16 nghệ sĩ là một ví dụ khiêm tốn cho những gì các nghệ sĩ tại New York đã làm cho Soho từ những năm 65 tới 80 của thế kỷ trước.
Đứng từ bờ sông Phúc Tân nhìn ra là một khoảng không xanh mênh mông mát màu cây cỏ, là một nơi có tiềm năng lớn cho cư dân Hà Nội tiếp cận bộ phổi khổng lồ của mình sau một ngày làm việc sáng tạo. Đây có thể ví như là một Central Park khổng lồ (to hơn của New York rất nhiều lần) và vườn treo của Singapore tại Gilman Barack cộng lại cạnh phố cổ Hà Nội. Nếu được đầu tư hợp lý, chắc chắn khu vực bãi sông Hồng này sẽ trở thành một địa điểm văn hoá, du lịch và hoạt động ngoài trời nổi tiếng của Hà Nội trong một tương lai gần.
Bắt đầu từ dự án này, đường mới sẽ được xây, các bạn trẻ sẽ tới check-in, các ông bà sẽ ra đánh cờ, chạy tập thể dục, tập võ, ca hát. Rất mau, dự án “Nghệ thuật công cộng Phúc Tân và Công viên sông Hồng khổng lồ” này sẽ là một phần không thể thiếu của văn hoá Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung. Đây là tâm huyết của 16 nghệ sĩ và hy vọng là sẽ nhiều thêm nữa trong tương lai cho một Hà Nội xanh hơn, trong lành hơn.

Nguyễn Trần Ưu Đàm 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Hoàng Đỗ Cường – Trời xanh số phận…

Những gì thông sự chiếm đoạt… cá tính số phận đồn thổi cáo buộc… bình bình luận luận tán tỉnh thừa hơi… nhớ lại rằng… trò chơi con chữ… thời gian rồi cũng nhạt tèo – trôi...

Bắc cầu mỹ thuật truyền thống đến cộng đồng

Nếu như trước đây, các không gian sáng tạo ở Hà Nội chủ yếu liên quan đến những loại hình văn hóa nghệ thuật hiện đại, thì nay đã xuất hiện không ít không gian sáng tạo chuyên về mỹ thuật...

Họa sĩ Đỗ Đức: Triển lãm và bán đấu giá tranh góp tiền xây trường cho trẻ em vùng cao

NDO – 50 năm lăn lộn với các tỉnh miền núi phía bắc trong vô vàn các chuyến công tác đã để lại trong họa sĩ Đỗ Đức những ký ức và cảm hứng để đến khi về hưu, ông đã dành toàn bộ...

Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu – Những vệt màu cảm xúc!

Triển lãm tranh sơn mài Nghe kể chuyện làng mình của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu đang diễn ra Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, kéo dài đến hết ngày 15/9, bày khoảng 65 tranh sơn mài, đa số khổ lớn. Trên địa...

Shireen Narizee và nghệ thuật đương đại ở Việt Nam

Shireen Narizee (1947 – 2018) là một trong những nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật người Malaysia, bà đồng thời là một giám tuyển có tầm cỡ quốc tế. Trong suốt cuộc đời sự nghiệp của mình,...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

Gốm cổ Việt Nam chất tạo hình vẻ đẹp truyền thống – hiện đại

Trong những năm gần đây, nhờ sự phát triển của ngành khảo cổ và văn hóa, công chúng yêu nghệ thuật đã có dịp làm quen với nhiều loại hình gốm cổ. Nhưng có lẽ chưa bao giờ chúng ta có dịp...

GIẢI THƯỞNG TRIỂN LÃM MỸ THUẬT KHU VỰC I – HÀ NỘI CHUYÊN NGÀNH ĐỒ HỌA, ĐIÊU KHẮC, MỸ THUẬT ỨNG DỤNG LẦN THỨ 23 NĂM 2018

  Từ ngày 06/08 đến ngày 16/08/2018, tại nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội đã diễn ra triển lãm Mỹ thuật khu vực I – Hà Nội ngành Đồ họa, Điêu khắc và Mỹ thuật Ứng dụng...

Hiện thực hóa tầm nhìn Thành phố sáng tạo Hà Nội

(Chinhphu.vn) – Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và các địa điểm khác đã chính thức khép lại. Thành công lớn của lễ hội đã khơi nguồn và lan tỏa tinh thần...

Nhân đọc "Lịch sử vú" lạm bàn về đầu ti tiên nữ Việt

  Một trong những cuốn sách được mong chờ nhất đầu năm 2022 này là cuốn “Lịch sử vú” của Marilyn Yalom (Nguyễn Thị Minh dịch). Một cuốn sách đầy chất nữ tính, mô tả về một bộ...

TÔI HỌC KHÓA TÔ NGỌC VÂN

  Đây là lần thứ ba Tạp chí Mỹ thuật trích đăng “Hồi ký” của họa sĩ Thanh Ngọc (Trần Thanh Ngọc). Bài đầu trích đăng năm 2012 (đoạn kể về chuyến đi thực tế của Trường Cao đẳng...