MẤY DÒNG CHIA TAY HỌA SĨ PHAN KẾ AN

 

Từ ngày ông Phan Kế An chuyển từ phố Thợ Nhuộm về sống ở một khu chung cư trên phố Lò Đúc, tôi đã nhiều lần hạ quyết tâm phải đến thăm ông và căn nhà mới của ông. Nhưng phần vì bận, phần vì ngại ông “không nghe được”, nên tôi cứ lần lữa mãi… và rồi không bao giờ được gặp ông nữa!!!

Cách đây hai năm, cũng vào dịp giáp Tết, tôi và Hoàng Anh, Tổng biên tập Tạp chí Mỹ thuật, có đến thăm ông Phan Kế An. Ngoài thăm, còn có hai việc: thứ nhất, biếu báo Tết trong có bài phỏng vấn ông (Hoàng Anh thực hiện); thứ hai, chuyển một cuốn sách viết về Đảng, trên bìa có in tranh của ông, và số tiền nhuận bút 500.000 đồng, do họa sĩ Hà An Huy ở Nhà xuất bản Trẻ nhờ tôi chuyển giúp cho ông Phan Kế An.

Nhận tiền, ông Phan Kế An cười khề khà, hỏi: “Có tiền nữa cơ à?”

Buổi trưa hôm ấy rất vui. Ông Phan Kế An, tôi và Hoàng Anh còn chụp chung rất nhiều ảnh. Sau Hoàng Anh bảo:Trông tôi còn già hơn cả cụ Phan Kế An! Tệ thế đấy!!!

Nghe chị giúp việc nói, ông Phan Kế An vẫn uống được rượu vang, uống với măng đóng hộp. Vậy xem ra ông còn khỏe, chỉ có chữ ký của ông thì nhỏ xíu, trông rất tội.

PHAN KẾ AN – Nhớ một chiều Tây Bắc. 1955. Sơn mài. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Bố tôi (họa sĩ Quang Phòng) có lần kể: Khoảng giữa năm 1947, khi bố tôi vừa về đến Bắc Cạn, thì hai người bố tôi gặp đầu tiên chính là Tô Ngọc Vân và Phan Kế An. Trên khắp các nẻo đường kháng chiến ở Việt Bắc, có rất nhiều người nhớ đến Phan Kế An, bởi ông vừa là họa sĩ (họa sĩ ngày ấy không nhiều), vừa là con trai của cụ Phan Kế Toại.

Bố tôi có một bà cô tên là bà giáo Thư, chỉ gặp ông Phan Kế An đúng một lần (khi ông cùng bố tôi ghé vào nghỉ nhờ ở Bắc Giang), mà mấy chục năm sau, bà cứ hỏi thăm “anh họa sĩ Phan Kế An” suốt.

Ông Phan Kế An khá thạo nghề y, Tây y. Ở Việt Bắc, nghe nói ông cũng đã chữa được bệnh cho một số người. Có lần, có một gia đình có người bị bệnh nhờ người ta đi gọi thầy thuốc, nhưng lại dặn kỹ “Nhớ gọi ai thì gọi chứ không gọi ông Phan Kế An”. Vậy mà được tin, ông Phan Kế An vẫn vui vẻ đến chữa và chữa khỏi. Gia đình người bệnh vừa biết ơn vừa ân hận vì đã trót lỡ lời với ông Phan Kế An…

Họa sĩ Phan Kế An (người bên phải) và họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm ở Việt Bắc, 1948
PHAN KẾ AN – Chân dung Hồ Chủ tịch. 1948-1970. Khắc gỗ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Cách đây 5-7 năm, một lần, gặp tôi, ông Phan Kế An khoe: “Tao vừa được sang thế giới bên kia, khoảng… 5 phút!” Thì ra ông vừa bị “một cú” gì đó về sức khỏe liên quan đến tim, may mà ông và gia đình ông biết cách sơ cứu đúng phương pháp, và ông đã “sống lại” trong bệnh viện.

Xưa, ông Phan Kế An và tôi hay “có việc” phải đi với nhau, rất nhiều thứ việc, loại việc. Ông cứ thong thả đạp chiếc xe đạp Đi-a-măng cũ, trời rét thì ông đeo găng tay len, thường chỉ đeo găng ở một tay (có lẽ do thói quen hút thuốc). Hôm nào hẹn ông, tôi cứ đến cửa nhà ông giật chuông (chuông cơ học) – là y như rằng, một là cô Khanh (vợ ông), hai là chính ông, thò đầu qua cửa sổ trên tầng hai để thả gọn đúng một câu: “Đợi tí nhé”, rất niềm nở.

Nhà ông bừa bộn hiếm có, không có chỗ nào là không có vài thứ gì đấy. Hình như còn nuôi cả mèo. Trong căn phòng làm việc của ông có mấy cái kệ, trên để tranh, báo, giấy tờ, tài liệu, cao tú hụ, có đống tôi thấy cả chục năm không hề suy suyển. Ông bảo: “Cứ lấy mấy tờ giấy to phủ lên, chẳng mất cái gì bao giờ”. Mà đúng là ông không đánh mất cái gì bao giờ thật.

Cách đây mấy năm, ông đến bảo tôi: “Bao giờ tao soạn xong toàn bộ tranh biếm họa, mày làm giúp tao quyển sách nhé”.

* * *

Năm 2008, một buổi chiều chủ nhật, rét, tôi đến “làm việc nghiêm túc” với ông Phan Kế An. Nói là nghiêm túc vì lần đó tôi muốn cùng ông chốt lại một số vấn đề về cuộc đời hoạt động của ông. Chưa kịp nói gì, ông đã đánh mắt “tình tứ” hỏi tôi: “Làm tí không?” Tôi thưa có.

Thế là ông và tôi vào chuyện bằng rượu…

Rồi tôi đề nghị: “Thôi! Để đỡ mất thì giờ của cụ, cụ cứ cho cháu xin cái lý lịch”.

Không ngờ ông có lý lịch khai sẵn thật, rất tỉ mỉ, đầy đủ. Ông cười, bảo: “Mày lại lười rồi!”

Cuối cùng, ông Phan Kế An đưa cho tôi một tập ảnh chụp tranh, phóng khá to, trong có cả mấy ảnh chụp tranh biếm họa của ông in trên bìa báo “Sự thật”. Tôi chỉ chọn đúng một cái biếm họa, có vẻ “hiền” nhất. Ông lại bảo: “Sợ à?” Tôi trả lời ông: “Không ạ. Chỉ vì mấy cái kia bây giờ không hợp”. Thế là ông nhìn tôi, cười khanh khách…

Trên thực tế, từ trước tới giờ, tôi làm gì cho ông Phan Kế An, ông cũng đều rất ưng ý. Ông hay bảo: “Riêng mày, tao không phải nghĩ”.

Không biết đoạn viết “Chia tay” này của tôi, ông có ưng ý không nhỉ?!

Chiều 22/1/2018

 

 HỌA SĨ PHAN KẾ AN (1923 – 2018)

1944-1945, Phan Kế An học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khóa cuối cùng 18, bị dở dang do trường giải thể vì Nhật đảo chính Pháp. Sau tiếp tục học một thời gian tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội, 1946) và thực tập về hội họa hoành tráng tại Viện hàn lâm Mỹ thuật Repin (Leningrad, 1960-1962).Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật 2001. Bút danh “Phan Kích” (ký trên biếm họa). Quê thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây. Sinh ở Hà Tĩnh, trong một gia đình nhân sĩ dân chủ, thân phụ là cụ Phan Kế Toại, nguyên Khâm sai Đại thần Bắc Bộ, đã từng giữ các chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Phó Thủ tướng Chính phủ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Ông tham gia cách mạng từ tháng 4/1945, trong phong trào sinh viên cứu quốc.

1945-1947, công tác ở Hội Văn hóa Cứu quốc (Trung ương), Bộ Thanh niên, Trường Phan Châu Trinh (của Mặt trận Việt Minh) và báo “Toàn dân Kháng chiến” (mới thành lập).

1947-1951, công tác tại tòa soạn báo “Sự thật”, ủy viên tòa soạn, vẽ đăng báo “Sự thật” khoảng 200 tranh biếm họa chính trị.

Họa sĩ Phan Kế An đang đọc báo Mỹ thuật tại nhà riêng, Hà Nội 2016 Ảnh: Hoàng Anh

1951 – 1957, ông công tác ở Ngành văn nghệ Trung ương, ủy viên Ban Mỹ thuật (Trung ương).

1957-1988, công tác tại Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ sáng tác. Hội viên sáng lập Hội Mỹ thuật Việt Nam, phó tổng thư ký (từ 1958 đến 1978), ủy viên Ban chấp hành khóa 1 (1957-1983, danh sách bổ sung 1958) và khóa 2 (1983-1989).

Từ 1999, là ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khóa 5 và khóa 6, ủy viên Hội đồng Tư vấn về lĩnh vực văn hóa.

Nghệ thuật Phan Kế An, về căn bản, dựa trên hệ thống cổ điển, chú trọng hiệu quả xa gần và tương phản sáng tối qua thuật diễn hình có không gian, được làm vững bởi năng lực tạo thể chất và biệt tài vẽ những đường nét gân cốt mạnh mẽ, rất thành công khi thể hiện những cảnh tượng hùng vĩ.

Sử dụng các chất liệu sơn dầu, lụa, khắc gỗ, chì than nhưng ông được biết đến nhiều nhất ở sơn mài và là một trong những họa sĩ đã đem lại cho hội họa sơn mài những sắc thái xanh “hiện thực” mới lạ.

Tác phẩm: Trời giông trên thành cổ Thanh Hóa (1946, sơn dầu), Nhớ một chiều Tây Bắc (1955, sơn mài, giải nhất Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 1955, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), Gặt ở Việt Bắc (1955, sơn mài, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), Gác chuông chùa Trăm Gian (1958, sơn mài, Bảo tàng Ermitage, Saint Pétersbourg), Chân dung Hồ Chủ tịch (1970, khắc gỗ đen trắng, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), Lưới trên sông Hàn (1981, lụa, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)…

Phan Kế An cũng đã hai lần giành giải nhất Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc về biếm họa (1951, 1960). Ông có sở trường vẽ biếm họa chính trị và biếm họa chân dung, đồng thời là tác giả của hàng trăm bài báo viết về mỹ thuật từ 1950 đến nay.

Quang Việt

 

(*) Bài viết đã được đăng trên Tạp chí Mỹ thuật số 303 & 304 tháng 3 – 4 năm 2018

Tin cùng chuyên mục

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Ba lần gọi họa sĩ Trần Hữu Chất

Năm 2007, khi viết cuốn “Từ điển họa sĩ Việt Nam”, tôi có mở một từ mục viết về họa sĩ Trần Hữu Chất. Đó cũng là một trong 171 từ mục tôi viết về 171 họa sĩ Việt Nam. Cuốn sách đã...

Những ký ức tháng năm

Khi tôi ra đời, ba tôi đã năm mươi tuổi. Ông vui mừng biết bao, sau bao năm ông mới có đứa con gái đầu lòng của chính mình. Ông coi tôi là viên ngọc quí và đặt tên con là Ngọc Huyền (Lấy cảm...

Một hay nhiều sự thật

Đây là câu chuyện không có gì mới, đã diễn ra ở khắp nơi từ khi có thị trường nghệ thuật. Mà thị trường nghệ thuật (hay đồ cổ nói chung) thực chất cũng có ở Việt Nam đến hai ngàn năm...

Thị trường và thẩm định

Cách đây độ mươi năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có phòng giám định các tác phẩm nghệ thuật. Khai trương được hơn năm thì đóng cửa vì không có “đầu vào”. Tức là không có khách...

Có thể bạn quan tâm

Khắc phục bất cập trong hoạt động mỹ thuật

Từ nay đến hết ngày 30/1/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công khai lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/NĐ-CP (ngày...

KÝ HIỆU THI CA TRONG TRANH LÊ THÁNH THƯ

  Lê Thánh Thư đột ngột qua đời lúc 2h sáng 16/7/2021, khi còn đang khá mạnh khỏe. Gia đình cho biết anh tự xét nghiệm và phát hiện ra dương tính Covid-19 chiều 15/7, hơn 10 tiếng sau thì qua đời....

MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ TRANH LỤA

  Bài viết này nằm trong tư liệu gia đình họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ lưu giữ, có tiêu đề :“Sơn mài và tranh lụa – hai dòng nghệ thuật truyền thống Việt Nam”. Bài bao gồm hai phần. Một phần...

THANH NGỌC – THIẾU NỮ DÂN TỘC

Hội họa của Thanh Ngọc là hội họa của tình cảm, và bao giờ cũng bắt nguồn từ tình cảm chân thực. Trong một thời gian dài, mỗi năm bà đều có ít nhất hai tháng đi thực tế từ miền Bắc đến...

Tác phẩm “Hội cầu mưa” của họa sĩ Nguyễn Thái Cớ thể hiện giao cảm và những nét độc đáo

Tham gia nhiều hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật Hưng Yên, tôi có nhiều cơ duyên gặp họa sĩ trẻ Nguyễn Thái Cớ. Mỗi lần trao đổi về nghệ thuật, tôi đều có ấn tượng về tố chất...