NHÂN NGÀY TẾT LẠI NHỚ HOÀNG TÍCH CHÙ

 

Hoàng Tích Chù ở ngôi nhà hai tầng trong một ngõ khuất ở phố Ngô Sĩ Liên. Ông có dáng người mập mạp, đầu cạo trọc, nom như ông sư phá giới. Hoàng Tích Chù vui tính nên cũng dễ gần. Kể về ông cũng thấy hay hay…
Ông có người anh ruột là Hoàng Tích Chu (tức Hoàng Hồ), học làm báo ở bên Tây về, có tư tưởng tiến bộ, đã từng cùng với Đỗ Văn ra chung tờ báo “Đông Tây” ở Hà Nội. Hoàng Hồ được tiếng là hào hoa phong nhã, ông có dan díu với cô Vương Thị Phượng. Cô Phượng có bố người Hoa, mẹ người Việt, nổi tiếng đẹp nhất Hà thành hồi bấy giờ. Cô lấy chồng là cậu Ả Cẩu – cháu cụ Phan Bách Vạn. Cụ Vạn có cửa hàng bán tơ lụa to nhất ở phố Hàng Ngang…
Hôm cưới cô Phượng và cậu Ả Cẩu, nườm nượp nào ô tô, nào xe song mã đỗ đầy phố, tiếng pháo nổ ran, người đứng xem đông như hội. Trong nhà mọi người thi nhau đập nồi niêu, bát đĩa, muối gạo ném ra tứ phía, rồi khóc om xòm. Có một “bà mụ khách” cõng cô dâu ăn mặc xiêm áo theo lối tuồng Tàu. Khi cõng ra ô tô có màn che phủ kín. Cô dâu ngồi trong xe miệng gào khóc tay đập vào đùi bì bạch như người bị bắt cóc. Vì người Tàu có tục cho rằng đã lấy chồng là xa cha mẹ cửa nhà, chẳng chết cũng coi như chết. Khi đưa dâu về đến nhà chồng, “bà mụ khách” lại cõng cô từ xe xuống, vừa vào đến cửa muối gạo lại ném xuống, rồi cõng cô dâu vào buồng. Sau đó, ra lễ từ đường cúi chào cha mẹ, ông bà, chú bác.
Đến tối, gia đình đặt tiệc mời anh em thân bằng cố hữu và bạn bè thân thích. Cô dâu đi mời bánh mứt từng người. Các bạn thân chú rể nô đùa làm tội cô dâu, tục gọi là “náo phòng”. Mãn tiệc rồi ai về nhà nấy.
Ba ngày sau cô đã ra ngồi bán hàng, nhờ có sắc đẹp, ăn nói dịu dàng nên đông khách mua.
Hai vợ chồng ăn ở với nhau mấy năm đã được ba mụn con gái. Nhưng anh chồng thì mê gái định đòi lấy thêm cô đào Tuệ vốn là con đầu hát ở phố Hàng Giấy. Cậu Ả Cẩu say mê cô đầu nên nã tiền vợ đem cho nhân tình, xảy ra chuyện cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Lắm lúc lại đánh vợ, thượng cẳng chân hạ cẳng tay, khiến cô thâm tím mặt mày.

HOÀNG TÍCH CHÙ – Bản giao hưởng trắng. 1975. Sơn dầu. Sưu tập tư nhân, Hà Nội

Hoàng Hồ dò biết chuyện liền xúi cô Phượng đi kiện. Thời buổi văn minh này, nam nữ bình quyền, chồng mà đánh vợ gây ra thương tích có khi phải đi tù chứ chả chơi.
Hai người quen biết nhau, qua lại với nhau theo kiểu “già nhân ngãi non vợ chồng”. Họ hẹn hò rủ nhau khi thì đến thăm chùa Trấn Quốc, lúc ngồi máy bay lượn trên không trung ngắm cảnh Hà Nội. Từ trên nhìn xuống thấy sông Hồng chỉ nhỏ như chiếc đòn gánh kéo dài, nhà cửa bé xíu, ngôi nhà nào to nhất cũng chỉ bằng bao diêm. Sở dĩ hai người được đi máy bay như vậy vì Hoàng Hồ quen biết ông chủ nhiệm báo “Tiến hóa”, nên có giấy mời cả hai vợ chồng theo phương pháp lịch sự phương Tây.
Thời đó, vào năm 1919 được đi máy bay là chuyện hiếm có trên đời.
Sau chuyến bay đó, cô Phượng được báo chí hết lời ca ngợi vì là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được ngồi trên máy bay.
Việc này đến tai Ả Cẩu nên hắn đã đuổi cô ra khỏi nhà. Cô đành cuốn gói theo Hoàng Hồ. Khi hai người ra vịnh Hạ Long ngắm cảnh đất trời bao la, trên trời dưới biển, phía tây có núi chè, phía nam có núi đũa, núi Tử Viên nhô lên trên mặt biển, bên trong có hang động giống như cột đá dựng lên những khối thạch nhũ hầm sâu thăm thẳm, thuyền nhỏ có thể đi thẳng vào được. Họ phong lưu ngắm cảnh, bày biện lương thực ra ăn, khi hai người ra về trời đã nhá nhem tối.
Sau đó, hai người lại có chuyến xuống Hải Phòng đi tàu thủy vào Sài Gòn. Ở đây gọi là Khánh Hội. Bước tới Sở Thụy Bình, rẽ ra đường Quảng Đông. Suốt từ Bình Tây đến Bình Đông, mọi nẻo phố phường đâu cũng đông đúc như ngày hội. Ở Sài Gòn được ít lâu Hoàng Hồ lại sang Pháp, cô Phượng ở Việt Nam. Hai người xa nhau từ đó nhưng trong lòng vẫn quyến luyến.
Cô Phượng bị bơ vơ không nơi nương tựa nên phải trải qua 5, 6 lần đò. Cuối cùng, cô bị điên, chết ở nhà thương Phủ Doãn, Hà Nội. May mắn thay, cô được nhân tình cũ là Louis Chước, chủ một xe đòn đám ma đứng lên mai táng và chôn cất ở nghĩa trang Bạch Mai.
Hồi ấy ở Hà Nội có ra quyển truyện lấy tên là “Mồ cô Phượng”, truyện dài độ 150 trang viết rất hay về cuộc đời bi thương của cô.
Thôi, miên man quá, tôi quay lại kể về chuyện ông Chù.
Trong gian nhà ấm cúng của Hoàng Tích Chù, trên bức tường treo tranh sơn mài vẽ cô thiếu nữ khỏa thân gảy đàn Tỳ bà trông có vẻ tình tứ. Cạnh bên có hai bức tranh sơn dầu của Bùi Xuân Phái vẽ cảnh bên trong sân khấu chèo.

HOÀNG TÍCH CHÙ – Tổ đổi công miền núi cấy lúa. 1958. Sơn mài. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Ông Chù thủ thỉ kể chuyện, ông theo học lớp dự bị để thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương mà mấy lần không đậu. Năm 1936, ông mới thi đỗ vào học khóa 11. Hoàng Tích Chù tốt nghiệp năm 1941, cùng khóa với Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Văn Tỵ và Bùi Trang Chước…
Năm 1949, ông lên Việt Bắc vẽ tranh tuyên truyền chống Pháp và dạy học ngắn ngày trong quân đội. Năm 1952, ông vào thành hoạt động bị cảnh binh bắt, giam ít ngày rồi thả.
Khi hòa bình 1954, ông dạy họa ở Trường Mỹ thuật Việt Nam, sau đó được cử làm Viện trưởng Viện Mỹ nghệ. Tôi ngồi với ông, từ chuyện Đông đến chuyện Tây, chuyện trong Nam chuyện ngoài Bắc rồi đến chuyện ăn mặc. Ông khen phụ nữ trong Nam mặc áo dài hở cổ hình vuông theo kiểu Trần Lệ Xuân là rất đẹp và văn minh. Còn tôi lại cho rằng mặc áo dài cổ cao như Nam Phương Hoàng hậu vợ vua Bảo Đại thì cũng rất đẹp và nền nã…
Hoàng Tích Chù cũng ngợi khen bảo nhìn phụ nữ đeo kính râm to, mặc quần tuýp trông văn minh và hợp thời. Tôi thì lại thấy cái kính to đùng che hết cả khuôn mặt thì chả hiểu còn đẹp ở chỗ nào.
Nhắc lại chuyện cũ, khi ông làm Viện trưởng Viện Mỹ nghệ, ông bảo nhóm thợ làm chiếc ấm pha trà quai bằng mây, chén làm hình vuông chứ không làm hình tròn, khay đựng chén trà cũng vậy.
Thấy vậy tôi bảo “Ông ơi! cái mà ông cho là mới chính là cái cũ của Nhật Bản, họ đã làm từ thời vua Minh Trị Thiên hoàng. Nếu đem ra so sánh thì thua đứt Nhật Bản rồi”.
Ngày Tết tới nhà Hoàng Tích Chù chơi, ông không mời ăn bánh mứt mà ăn bánh gio. Cái thứ bánh làm bằng gạo nếp ngâm với nước vôi trong, rồi gói bằng lá dong hay lá gio hay gio bếp gì đó, đun kỹ vớt ra khi bóc trông như mật ong đựng ở trong chai, xắn ra từng miếng chấm vào với mật ăn vào thấy rất ngon miệng có khi hơn cả bánh chưng. Chuyện trò đã khá dài tôi cáo từ ra về. Rời khỏi nhà ông trời đã sâm sẩm tối.

Ngày 6/11/2020
Nguyễn Bá Đạm

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Ba lần gọi họa sĩ Trần Hữu Chất

Năm 2007, khi viết cuốn “Từ điển họa sĩ Việt Nam”, tôi có mở một từ mục viết về họa sĩ Trần Hữu Chất. Đó cũng là một trong 171 từ mục tôi viết về 171 họa sĩ Việt Nam. Cuốn sách đã...

Những ký ức tháng năm

Khi tôi ra đời, ba tôi đã năm mươi tuổi. Ông vui mừng biết bao, sau bao năm ông mới có đứa con gái đầu lòng của chính mình. Ông coi tôi là viên ngọc quí và đặt tên con là Ngọc Huyền (Lấy cảm...

Một hay nhiều sự thật

Đây là câu chuyện không có gì mới, đã diễn ra ở khắp nơi từ khi có thị trường nghệ thuật. Mà thị trường nghệ thuật (hay đồ cổ nói chung) thực chất cũng có ở Việt Nam đến hai ngàn năm...

Thị trường và thẩm định

Cách đây độ mươi năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có phòng giám định các tác phẩm nghệ thuật. Khai trương được hơn năm thì đóng cửa vì không có “đầu vào”. Tức là không có khách...

Có thể bạn quan tâm

10 tranh đắt nhất thế giới trong năm 2023

Tranh người tình của Picasso giá 139,4 triệu USD, “Quý cô cầm quạt” của Gustav Klimt đạt hơn 108 triệu USD, là những tác phẩm đắt nhất năm nay. Theo thống kê từ trang web nghệ thuật Artsy,...

CHIẾC ĐỒNG HỒ CỦA BÙI XUÂN PHÁI

  Nhiều người đã bất ngờ và thú vị khi xem mặt sau của một bức họa vẽ trên giấy của họa sĩ Bùi Xuân Phái có dòng chữ do chính ông viết: “Tiến tới cần một xe đạp riêng và một đồng...

Bộ sưu tập Collection Tạp chí Mỹ thuật tháng 7-8 năm 2020

  Trần Quang Trân có thị hiếu cổ điển, sở thích của ông là vẽ chùa chiền, các công trình kiến trúc cổ, cây cổ thụ, mặt nước… Xem tranh ông người ta thường thấy nắng và những cái bóng...

Triển lãm “Tôi yêu Sushi”

Thông tin từ ban tổ chức: Vào năm 2013, UNESCO đã ghi danh washoku — Ẩm thực Nhật Bản — vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể, với sushi là ví dụ điển hình. Sushi là một món ăn tinh tế, tốt cho...

CHUYỆN VỀ ÔNG THIẾU BẢO

  Năm 1982, Bùi Xuân Phái lại vấp phải một “tai nạn” nghề nghiệp lần chót. Đó là vụ bản thảo tập thơ chép tay về Kinh Bắc của Hoàng Cầm. Khi đó, ông Thiếu Bảo (Trần Thiếu Bảo, giám...