CHUYỆN VỀ ÔNG THIẾU BẢO

 

Năm 1982, Bùi Xuân Phái lại vấp phải một “tai nạn” nghề nghiệp lần chót. Đó là vụ bản thảo tập thơ chép tay về Kinh Bắc của Hoàng Cầm. Khi đó, ông Thiếu Bảo (Trần Thiếu Bảo, giám đốc Nhà xuất bản Minh Đức đã từng bị xử 15 năm tù trong vụ Nhân văn Giai phẩm) cầm tập thơ này đến nhờ Bùi Xuân Phái vẽ phụ bản. Bùi Xuân Phái chiều bạn và đã nhận lời. Ông vẽ được sáu bức. Bùi Xuân Phái đọc xong tập thơ, sau đó đến tôi đọc. Tôi thấy tập thơ có điều gì ghê gớm đâu. Vậy mà không thể hiểu được vì sao ngày đó người ta gọi là “phản động”?

Sau khi ông Thiếu Bảo đến nhận sáu bức tranh dùng làm phụ bản cho tập thơ của Hoàng Cầm, số tranh phụ bản của Bùi Xuân Phái, bìa do Văn Cao trình bày. Vài hôm sau xảy ra vụ nhà thơ Hoàng Hưng gặp rắc rối. Tôi nghe nói, họ muốn chuyển tập bản thảo thơ này cho một nhà xuất bản ở Pháp để ấn hành. Trong lúc nhà thơ Hoàng Hưng cầm bản thảo này trên đường đi thì bị bắt, và bị kết vào tội “lưu truyền văn hoá phẩm phản động”. Nhà thơ Hoàng Hưng đã bị cho đi tập trung cải tạo 39 tháng vì vụ này. Toàn bộ bản thảo cùng tranh phụ bản của Bùi Xuân Phái bị tịch thu. May khi đó người ta đã không gọi đến Bùi Xuân Phái để thẩm vấn. Tuy nhiên, tôi biết ông cũng đã phải sống trong tình trạng ưu phiền và lo âu. Qua đây tôi cũng muốn lưu ý rằng, sáu bức phụ bản của Bùi Xuân Phái minh họa cho tập thơ về Kinh Bắc, ngày nay là những tác phẩm đẹp và rất có giá trị. Nếu như người ta còn lưu giữ trong hồ sơ thì thiết tưởng nên chuyển sáu bức này cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hơn là số phận của chúng phải chịu cảnh nằm im lìm trong tủ sắt.

BÙI XUÂN PHÁI – Chân dung ông Thiếu Bảo

Tôi cũng không biết vì sao Bùi Xuân Phái được người ta “lờ” đi trong vụ vẽ mấy bức tranh phụ bán minh họa cho tập thơ “Về Kinh Bắc” của Hoàng Cầm. Trong khi những người có liên quan đều bị xét hỏi và có người còn bị đi tù. Những ngày tháng đó, chúng tôi thực sự đã sống trong lo âu sau khi nghe tin Hoàng Hưng bị bắt, Hoàng Cầm bị bắt và rồi Thiếu Bảo bị gọi lên thẩm vấn… Trong vụ bản thảo “về Kinh Bắc” này, nhà thơ Hoàng Cầm bị bắt giam 18 tháng. Tâm trạng của Bùi Xuân Phái khi đó là lo âu nơm nớp như cá nằm trên thớt…

Tôi đã cho rằng, chiều hướng của năm 1982 đã khác với 1956. Khi nói chuyện với các bạn hữu về vấn đề này, có bạn cho rằng, ở ta còn là hiền lành nếu so với Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc và Bùi Xuân Phái chắc đã “lên đường từ lâu” chứ chẳng còn được sống để mà cầm cọ, vẽ miệt mài suốt trong mấy chục năm như thế. Mặt khác, đến thập niên 80, tên tuổi Bùi Xuân Phái đã rất quen thuộc với công chúng trong và ngoài nước. Từ năm 80, đã bắt đầu thường xuyên có khách ngoại quốc đến thăm xưởng vẽ của ông. Nếu chỉ là một họa sĩ trẻ, chưa được quần chúng rộng rãi biết tới, thì trong trường hợp như vậy chắc sẽ không tránh khỏi sự trừng phạt hoặc bị gọi lên để nhận những lời răn đe.

Trường hợp của mấy bức vẽ phụ bản này (năm 1982) tình huống của nó cũng giống như năm 1956. Nghĩa là do bạn nhờ Bùi Xuân Phái vẽ minh họa và ông là người có tiếng là hay chiều bạn nên không từ chối với lời đề nghị vẽ của các bạn bao giờ. Vụ năm 1956 cũng vì ông vẽ mấy tấm minh họa do bạn nhờ mà sau đó người ta khép ông vào “faute” (tham gia và dính líu vào nhóm Nhân văn Giai phẩm). Sự trừng phạt kéo dài này không chỉ giáng trực tiếp vào ông mà còn giáng cả vào chúng tôi nữa (con của Bùi Xuân Phái). Tất cả chúng tôi, năm người con của Bùi Xuân Phái, khi đi học phổ thông đều bị xếp vào thành phần có vấn đề và đều không được phép kết nạp Đoàn. Trong cơ chế giáo dục ở Việt Nam khi đó, một học sinh nếu không phải là Đoàn viên đồng nghĩa với viễn cảnh là cánh cửa trường đại học đã đóng sập xuống trước ngưỡng cửa tương lai của họ. Giá như tôi cũng được bước chân vào trường đại học, có thể số phận tôi đã khác, có thể hay hơn bây giờ và cũng có thể tệ hơn bây giờ. Không biết thế nào nhưng chắc chắn đã khác.

Ảnh chụp Bùi Xuân Phái tại studio của ông tại 87 phố Thuốc Bắc

Đưa nhau vào chốn bụi hồng làm chi

Ông Thiếu Bảo (giám đốc Nhà xuất bản Minh Đức) sau khi đã lãnh đủ 15 năm trong lao tù (do ông liên quan trong vụ Nhân văn Giai phẩm) trở về sống trong cảnh khó khăn, không nơi nương tựa. Khi đó, ông Thiếu Bảo đã là người đàn ông cao tuổi, sống độc thân, lại chẳng có nghề hay công việc gì để mưu sinh. Cũng may cho ông cựu giám đốc là ông còn có một căn nhà mặt phố bé tí tẹo ở phố Bát Đàn, diện tích chỉ khoảng 4 tước ca-rê. Ông Thiếu Bảo mở quán cà phê tại căn nhà đó nhưng do bị đồ đạc chiếm mất chỗ nên quán chỉ đủ chỗ cho 2 người khách ngồi.

Ban đầu, quán của ông cũng có đồ ăn sáng, nhưng vừa đắt vừa không ngon, nên không có khách gọi. Ông vội vàng kết thúc không phục vụ bữa ăn sáng nữa, chỉ bán cà phê và đồ giải khát. Cung cách bán hàng cùng các đồ dùng phục vụ của quán ông Thiếu Bảo nghĩ lại vừa kinh ngạc vừa buồn cười. Đó là cà phê được rót ra chiếc tách bé xíu. Khách gọi bất kể loại nước uống nào cũng nhận được chiếc cốc bé xíu, như thể những đứa trẻ chơi đồ hàng.

Họa sĩ Bùi Xuân Phái và con trai Bùi Thanh Phương tại tư gia

Nhưng với một người đã sống trong lao tù nhiều năm, chắc ông Thiếu Bảo cho rằng như thế là đã lắm rồi, chẳng còn gì phải đòi hỏi sang hơn.
Tôi thường rủ bạn đến quán này, chủ yếu muốn ủng hộ ông là chính và cũng rất tiện là quán của ông Thiếu Bảo (5 Bát Đàn) chỉ cách nhà tôi có vài bước chân. Ngồi quán nhấm nháp ly cà phê, nghe ông kể chuyện về những năm tháng khốn khó, ông thường chép miệng nói: “Cuộc đời tựa như giấc ngủ trưa”. Bình thường, ông Thiếu Bảo là người hiền lành và có tính lạc quan. Sau khi về nhà, gia sản không, tiền bạc không, vậy mà ông vẫn ôm mộng xuất bản. Tôi thường nghe ông nói về những kế hoạch phát triển và những chiến lược về xuất bản. Biết là ông nói phét cho thích cái miệng, nhưng thương ông đang phải sống trong cảnh khó khăn, nên cũng đành chiều ông mà gật gù tán thưởng.

Vào những buổi chiều, ông hay chạy sang nhà tôi, ngồi chơi tán gẫu với Bùi Xuân Phái. Có người hỏi “Ông bỏ cửa hàng mà đi thế à?” Ông cựu giám đốc trả lời “Tôi biết vào tầm này chẳng có ma nào đến cả”. Bùi Xuân Phái cũng quý ông Thiếu Bảo, hai người từ thưở xa xôi đã cùng có những kỷ niệm đẹp. Tôi thấy khi gặp nhau họ thường ôn lại những chuyện đã xa lắc, mù khơi, rồi cùng cười vui thích. Có hôm tôi thấy họ đồng thanh cùng nhau đọc lại bài thơ từ bao giờ nghe ngân nga như bài hát :

Làm sao cũng chẳng làm sao
Dầu có thế nào cũng chẳng làm chi
Lắm chi cũng chẳng làm chi
Dầu có bề gì cũng chẳng làm sao

Nhớ có lần ông Thiếu Bảo nhờ mẹ tôi chuyển giúp ông một bức thư cho một người đàn bà goá cũng là người cùng phố. Vài ngày sau, ông Thiếu Bảo nhận được thư hồi âm. Không ai biết bức thư trả lời ông, người đàn bà goá ấy đã nói gì với ông, chỉ thấy ông Thiếu Bảo tỏ ra thất vọng. Ông từng than trách: “Ở tuổi này mới lại càng cần có nhau chứ sao lại còn hỏi: “Đưa nhau vào chốn bụi hồng làm chi?”.

Sau giấc mộng không thành với người đàn bà góa đó, có thể đã làm tinh thần suy sụp. Từ đấy, tôi không bao giờ còn gặp thấy ông Thiếu Bảo nữa. Ông chuyển nhà đi đâu không rõ. Nghe có người bảo ông đã chết bệnh ở đâu đó.

                                                                                                                                                                                                                                     Bùi Thanh Phương 

 

Tin cùng chuyên mục

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Ba lần gọi họa sĩ Trần Hữu Chất

Năm 2007, khi viết cuốn “Từ điển họa sĩ Việt Nam”, tôi có mở một từ mục viết về họa sĩ Trần Hữu Chất. Đó cũng là một trong 171 từ mục tôi viết về 171 họa sĩ Việt Nam. Cuốn sách đã...

Những ký ức tháng năm

Khi tôi ra đời, ba tôi đã năm mươi tuổi. Ông vui mừng biết bao, sau bao năm ông mới có đứa con gái đầu lòng của chính mình. Ông coi tôi là viên ngọc quí và đặt tên con là Ngọc Huyền (Lấy cảm...

Một hay nhiều sự thật

Đây là câu chuyện không có gì mới, đã diễn ra ở khắp nơi từ khi có thị trường nghệ thuật. Mà thị trường nghệ thuật (hay đồ cổ nói chung) thực chất cũng có ở Việt Nam đến hai ngàn năm...

Thị trường và thẩm định

Cách đây độ mươi năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có phòng giám định các tác phẩm nghệ thuật. Khai trương được hơn năm thì đóng cửa vì không có “đầu vào”. Tức là không có khách...

Có thể bạn quan tâm

VỀ BỘ SƯU TẬP TRANH CÔNG GIÁO CỦA CỐ LINH MỤC ĐAMINH TRẦN THÁI HIỆP

  Có thể nói về một nền Nghệ thuật Công giáo Việt Nam, và một trong những người có công hàng đầu trong việc thúc đẩy cho sự ra đời và phát triển của nền nghệ thuật này, chính là cố...

Họa sĩ Hoàng Lan triển lãm “Solo Art Exhibition: Ấn tượng”

NDO – Chiều 13/12, Triển lãm mỹ thuật “Solo Art Exhibition: Ấn tượng” của họa sĩ Hoàng Lan đã khai mạc tại Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền (Hà Nội), đánh dấu chặng đường 20 năm chị...

MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ TRANH LỤA

  Bài viết này nằm trong tư liệu gia đình họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ lưu giữ, có tiêu đề :“Sơn mài và tranh lụa – hai dòng nghệ thuật truyền thống Việt Nam”. Bài bao gồm hai phần. Một phần...

Triển lãm gốm nghệ thuật “Linh thú thời nay”

(ĐCSVN) – Triển lãm gốm nghệ thuật “Linh thú thời nay” thể hiện sự kết hợp các yếu tố tạo hình của hội họa, ngôn ngữ của điêu khắc trong sáng tạo kiểu dáng, sự kế thừa tinh hoa...

Sắc Chàm: Nét đẹp văn hóa và con người vùng cao

BBK – Tiếp nối thành công của triển lãm lần 1 năm 2022, ngày 03/11/2023, triển lãm “Sắc Chàm” lần thứ II của nhóm họa sĩ Bắc Kạn sẽ khai mạc tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, phường Tràng...