BỨC TRANH LỤA “SƠN NỮ” CỦA LÊ THỊ LỰU Ở BẢO TÀNG MỸ THUẬT VIỆT NAM

 

Cuối năm ngoái (2018), khi có thông tin gia đình họa sĩ Lê Thị Lựu sẽ tặng một số tranh của bà cho Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, đã có người hỏi tôi: “Tại sao họ lại tặng tranh Lê Thị Lựu cho Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh mà lại không tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhỉ?”

Tôi đã trả lời: “Lê Thị Lựu là người Bắc, miền Nam cũng là nơi bà có nhiều kỷ niệm một thời dạy học. Giá gia đình bà tặng cho cả hai nơi thì hay hơn”.

Nói vậy thôi, chứ tôi cũng mập mờ hiểu nguyên do. Nó có thể nằm trong câu chuyện dưới đây.

  1.  Sau tết Giáp Tuất (1994), có một người lạ đến tìm tôi ở Nhà xuất bản Mỹ thuật. Tôi không nhớ là nam hay nữ, chỉ nhớ người ấy mang theo một lời nhắn: Chồng của họa sĩ Lê Thị Lựu mới từ Pháp về, và ông muốn gặp tôi, tại một địa chỉ ở Khu tập thể Nghĩa Tân đã ghi sẵn trên một tờ giấy kèm theo số điện thoại.

Tôi phấn khởi lắm, vì đây có thể là một dịp tốt hiếm có để xin thông tin về các họa sĩ Việt Nam sống ở Pháp, mà khi ấy chúng ta hầu như chưa có gì.

  1.  Thực ra, mối liên hệ này đã nảy sinh từ hơn một năm trước (1993), khi tôi làm biên tập cho cuốn sách “Các họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương”, và rất cần tư liệu về bà Lê Thị Lựu, nữ họa sĩ hiện đại đầu tiên của nước ta. Nghe theo chỉ dẫn của họa sĩ Nguyễn Dũng (còn gọi là Dũng Trắng) ở 13 phố Bà Triệu, tôi tìm đến nhà bà Lê Thị Đào, em gái bà Lê Thị Lựu, khi ấy có cô con gái đang mở tiệm may tại nhà, lấy tên “Lê Đào”, trên đường Kim Mã. Đó là một tiệm may nhỏ, có vẻ đông khách.
LÊ THỊ LỰU (1911 – 1988) – Sơn nữ. Lụa. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Bà Lê Thị Đào đã gần 80 tuổi, nhỏ gầy, lanh lẹn và dễ mến. Hàng ngày bà vẫn nhận dạy tiếng Anh cho một lũ trẻ, vừa dạy vừa tranh thủ lo cơm nước… Khi nói chuyện với tôi, bà tỏ ra vô cùng tự hào về người chị tài sắc của mình. Nhưng có thể vì chị em bà xa cách nhau đã quá lâu, nên thông tin về Lê Thị Lựu nhận được từ bà Đào cũng không nhiều (thông tin quan trọng nhất: Lê Thị Lựu sinh năm 1911, mất năm 1988). Rất may bà Đào vẫn còn giữ được mấy tấm ảnh cũ chụp bà Lê Thị Lựu trước khi bà Lựu sang Pháp (khoảng 1938-1939), rất đẹp, cùng một bản in màu bức tranh lụa “Mẹ con” (loại phiên bản cao cấp, cỡ khổ A3). Và thể theo nguyện vọng của tôi, bà đã cho tôi mượn cả. Bà bảo: “Ở đây mà có người nghĩ đến Lê Thị Lựu thì còn gì quý bằng.”

… Sách in xong, tôi đem một cuốn đến tặng bà Lê Thị Đào. Trong sách có in lại bức tranh và ảnh do bà cung cấp. Bà mừng lắm.

Sau tôi có quay lại thăm bà Đào đôi ba lần, cho đến khi… đường Kim Mã mở rộng, và không biết bà đã chuyển đi đâu nữa. Thật buồn quá!

  1. Tôi nhớ tôi đến gặp cụ ông – chồng bà Lê Thị Lựu, chỉ sau lời nhắn của ông ít hôm. Ồ! Ông cụ tóc bạc trắng, vóc người cũng nhỏ, sống ở Pháp đã hơn nửa thế kỷ nhưng phong thái rất Việt Nam.

Ông vừa đi thăm vịnh Hạ Long về, mượn ô tô tự lái lấy. Ông bảo: “Tôi quen lái xe ở bên Pháp, không dùng còi, vì vậy không đi nhanh được. Ra đến Hạ Long cũng phải mất gần một ngày mới tới nơi”.

Ông tự giới thiệu: “Tôi tên là Ngô Thế Tân. Bà Lê Thị Lựu là vợ tôi. Đây là nhà của đứa cháu tôi.”

Họa sĩ Lê Thị Lựu (ngoài cùng bên phải) đến thăm gia đình ông Đức Minh trong dịp về thăm Việt Nam năm 1975

Rồi ông vào đề rất rành rọt: “Tôi đã có cuốn sách do cháu biên tập. Muốn gặp cháu để cảm ơn vì đã in tranh Lê Thị Lựu, lại có cả Lê Phổ, Mai Thứ, Vũ Cao Đàm đều là bạn thân. Trước ở miền Nam cũng đã có một cuốn gần giống như cuốn này, nhưng cuốn này tôi thích hơn”.

Dừng một lát, ông Ngô Thế Tân nói tiếp: “Chỉ tiếc, tranh Lê Phổ, Vũ Cao Đàm in trong sách chưa thực sự tiêu biểu cho phong cách, bút pháp của hai ông. Bởi vậy, nếu có lần xuất bản sau, tôi sẽ tình nguyện huy động tư liệu cho cháu… Lê Thị Lựu cũng có nhiều tranh khác hay không kém bức đã in. Tất nhiên, những người làm sách không có thiếu sót gì cả, chỉ vì chúng ta chưa được gặp nhau.”

Buổi trò chuyện hôm ấy của ông Ngô Thế Tân diễn ra khá lâu, rất thân tình, vui vẻ. Song, có một tình tiết cuối cùng hơi “gờn gợn”.

Ông Ngô Thế Tân kể: “Năm nhà tôi về thăm Việt Nam (1975), nhà tôi có tặng Việt Nam một bức tranh. Hình như Bảo tàng Mỹ thuật ở Hà Nội giữ. Gần đây tôi có hỏi lại, nhưng người ta trả lời không có”…

  1. Trở về Pháp, ông Ngô Thế Tân thường xuyên viết thư cho tôi. Cũng có lần ông nhờ tôi hỏi xem bức tranh của Lê Thị Lựu “tặng Việt Nam” liệu có còn không? Và nếu còn thì đang ở đâu?

Ông Tân rất yêu vợ, nâng niu tất cả những gì bà để lại. Ông hay bảo: “Lựu vẽ đẹp lắm!” Ông còn dự định in cho bà một cuốn sách, nhưng tình hình tài chính của ông có vẻ eo hẹp. Có lúc ông còn chỉ định in dăm chục bản, bằng máy photocopy màu, để lưu lại như một kỷ niệm nho nhỏ, không biết sau có thực hiện được không?

Riêng lời hứa giúp tôi về tư liệu ở Pháp, ông Ngô Thế Tân đã giúp không tiếc công sức. Ông “điều động tấn công” (chữ của ông) cả ông bà Lê Phổ, gia đình ông Victor Tardieu, gia đình ông Vũ Cao Đàm cùng vào việc. Khi gửi tư liệu về cho tôi, trong thư ông Tân viết: “Đây là những tài liệu quý hóa không sao còn có được nữa. Cháu giữ cẩn thận mà dùng riêng hoặc đưa vào trường mỹ thuật. Khi nào có in sách, tôi chỉ cần dăm bản, một bản để chơi, còn lại để trả ơn người ta”.

Tết Bính Tý (1996), ông Tân còn gửi thiếp chúc mừng năm mới cho tôi. Thiếp là một bức ảnh hoa do ông tự chụp, dán trên nền giấy điều (ông Ngô Thế Tân là kỹ sư canh nông, đồng thời là một họa sĩ, nhà nhiếp ảnh tài tử).

Mãi về sau tôi mới được biết ông đã mất vào năm 1997, sau đó một năm.

  1.  Việc ông Ngô Thế Tân nhờ tôi hỏi về bức tranh của Lê Thị Lựu “tặng Việt Nam”, tôi rất nhớ và muốn giúp ông, nhưng quả tình tôi cũng chẳng biết hỏi ai và hỏi như thế nào.

… Rốt cuộc, phải cần đến hơn 20 năm sau, cơ hội để giúp ông Ngô Thế Tân làm việc ấy mới đến, như tôi đã nói ở đầu bài viết: Gia đình bà Lê Thị Lựu chính thức tặng tranh của bà cho Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh!

Thư của ông Ngô Thế Tân gửi tác giả bài viết, đề ngày 6-7-1995 (mặt sau)

Trước khi anh Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội đi dự “Lễ trao tặng” theo lời mời của Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, tình cờ gặp anh, tôi có hỏi: “Trước đây, trong lần về thăm Việt Nam, bà Lê Thị Lựu cũng đã có tặng một bức tranh. Nghe nói, nó nằm ở Bảo tàng anh. Nhưng sao không thấy trưng bày? Gia đình người ta hỏi thì lại bảo không có?”

Ngay lập tức, anh Minh cho cán bộ đi kiểm tra lại – thì quả đúng trong kho lưu trữ của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện có một bức tranh lụa của bà Lê Thị Lựu, với nhan đề “Sơn nữ”(*), ở tình trạng bảo quản tốt (xem minh họa).

Tôi thấy nhẹ cả người, lòng xốn xang nhớ tới ông Ngô Thế Tân.

Anh Nguyễn Anh Minh bảo tôi: “Nếu bức tranh anh hỏi chính là bức tranh này thì không còn gì phải bàn nữa”.

Tôi lắc đầu: “Không biết ông Ngô Thế Tân, chồng bà Lê Thị Lựu đã hỏi ai, chứ biết sự thật như thế này, mọi việc có thể sẽ khác đi ít nhiều”. Tôi còn nói thêm với anh Minh: “Nếu gặp gia đình bà Lê Thị Lựu, anh nên khéo trình bày vấn đề. Không phải để thanh minh, mà là để tránh hiểu nhầm. Việc tặng tranh Lê Thị Lựu cho quê hương lần này chắc chắn xuất phát từ ý nguyện của ông Ngô Thế Tân lúc sinh thời, nhưng không thể ngoại trừ việc chọn nơi để tặng đã có sự tác động của một thành kiến nào đó”.

* Trong cuốn “Lê Thị Lựu, ấn tượng hoàng hôn” của Thụy Khuê (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2018), ở phần viết của ông Ngô Thế Tân: “Cuộc đời Lê Thị Lựu”, trang 24, ghi: “Năm 1975 khi Lựu về Hà Nội thăm gia đình, Hội Mỹ thuật tỏ ý muốn có một bức tranh. Lựu rất lúng túng. Làm sao chọn được chủ đề ăn khớp với hiện thực xã hội chủ nghĩa? Sau khi hội ý cùng gia đình, Lê Thị Lựu đã chọn vẽ bức ‘Phụ nữ gặt lúa’. Bức tranh này hiện nay không biết ở đâu?”

Nhưng theo tác giả bài viết được biết: Trong lần về thăm Việt Nam của bà Lê Thị Lựu, chúng ta có ngỏ ý mong muốn bà vẽ tặng một bức tranh, và đã mời bà đi “thực tế” ở nhiều vùng nông thôn. Song có lẽ vì thời gian eo hẹp, nên thay vì vẽ tặng một bức tranh, bà đã tặng một bức khác. Ông Ngô Thế Tân có thể đã nhớ nhầm về nội dung tranh và tên tranh?! Việc tặng có thể thông qua Hội Mỹ thuật Việt Nam, thời gian và thủ tục trao tặng cũng chưa rõ.

Bởi vậy, khả năng bức tranh “Sơn nữ” hiện lưu tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chính là bức tranh mà bà Lê Thị Lựu đã tặng dường như là chính xác, vì cũng chưa tìm được tư liệu nào ghi còn có thêm lần tặng nào khác.

Nhân đây, tác giả bài viết cũng mong bạn đọc gần xa nếu ai có thông tin cụ thể hơn thì xin rộng lòng cung cấp.

Quang Việt

 

Tin cùng chuyên mục

Nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng: Từ tượng đài đến những phá cách

NDO – Tại triển lãm “Nắng tháng 3” khai mạc ngày 16/4 do Hội Mỹ thuật Thành phố Đà Nẵng sẽ phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức tại Bảo tàng, nhà điêu khắc, tác giả...

Tác phẩm “Hội cầu mưa” của họa sĩ Nguyễn Thái Cớ thể hiện giao cảm và những nét độc đáo

Tham gia nhiều hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật Hưng Yên, tôi có nhiều cơ duyên gặp họa sĩ trẻ Nguyễn Thái Cớ. Mỗi lần trao đổi về nghệ thuật, tôi đều có ấn tượng về tố chất...

Dòng chảy âm thầm, sâu lắng trong tranh Nguyễn Ngọc Thọ

Cố họa sĩ Ngọc Thọ (1925-2016) thuộc thế hệ thứ ba của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, sau “Đông Dương” và “Kháng chiến”. Tên tuổi ông gắn với hội họa sơn mài, sơn dầu, mang bản...

Tiếng hót trong đêm

Trong những ngày Hà Nội vào độ cuối thu, Blue Space Gallery kết hợp với Manzi Art Space đã tổ chức một sự kiện văn hóa đặc biệt: triển lãm “Tiếng hót” kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố họa sĩ...

Quyện trong thế giới hội họa của Nguyễn Đình Tuyên

NDO – Không khoa trương, không ồn ào, không nổi loạn, Nguyễn Đình Tuyên đến với hội họa bằng một tình cảm chân thành hiếm có. Bút pháp của anh hòa quyện giữa tô và vẽ, giữa vẽ và bôi,...

Tin cùng chuyên mục

Họa sĩ Nguyễn Linh tổ chức triển lãm”Nguyễn Linh 6″ tại TP. HCM

Ngày 5/5/2024, triển lãm Nguyễn Linh 6 của hoạ sĩ Nguyễn Linh đã khai mạc tại An Gallery, 159 Đồng Khởi, Quận 1, đánh dấu cột mốc lần đầu tiên trong sự nghiệp ông chính thức ra mắt những đứa con...

Khai mạc triển lãm “Hoạ sĩ Lê Huy Toàn – Ký ức Điện Biên” tại Hà Nội

Hòa cùng không khí cả nước kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 – 7-5-2024), hôm nay ngày 4-5-2024 tại Phòng tranh Aqua Art – 44 Yên Phụ, Hà Nội, Quỹ hỗ trợ Bảo tồn di sản văn...

Khai mạc trại sáng tác Gốm Sắc Hạ 2024

Sáng 03/5, tại Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt, Bát Tràng đã diễn ra lễ khai mạc trại sáng tác gốm Sắc Hạ 2024 của các nghệ sĩ đến từ Câu lạc bộ Gốm nghệ thuật – Hội Mỹ thuật Việt Nam....

Sôi nổi Hội thi vẽ “Tây Hồ quê hương em”

Hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4), sáng 17/4 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận Tây Hồ, quận Tây Hồ đã tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc quận Tây Hồ năm 2024. Phát...

“Tháng Tư hy vọng” – thắp sáng ước mơ hội họa cho trẻ tự kỷ

Triển lãm tranh của trẻ tự kỷ với chủ đề “Tháng Tư hy vọng” vừa khai mạc hôm nay (17/4) tại Hà Nội. Triển lãm mang đến cho công chúng Hà Nội hơn 60 tác phẩm của 13 “họa sĩ” là...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

Nghiệm cảnh để phân biệt hội họa và minh họa ý tưởng

Triển lãm cá nhân với chủ đề “Nghiệm cảnh” của họa sĩ Nguyễn Thế Dung diễn ra từ nay đến 17-12, tại J Art Space (30 Đường số 10, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức). Cuộc trưng bày này là...

Nghệ thuật Bùi Trang Chước – Khi sự kỳ khu đã trở thành cái riêng biệt

  Có một số họa sĩ mà sức nhìn và kỹ năng của họ có thể đạt đến những độ thấu đáo đáng kinh ngạc. Vậy cũng có nghĩa, ta dường như đang nói đến một chủ đề liên quan đến tính chi...

Nghệ thuật Việt Nam thế kỷ 20 – Phiên đấu giá của Nhà đấu giá Le Auction House

  Hướng tới mốc kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, Nhà Đấu giá LE AUCTION HOUSE tổ chức phiên Phiên đấu giá “Nghệ Thuật Việt Nam Thế Kỷ 20” vào ngày 10/03/2024. Quy...

Định vị giá trị văn hoá đặc sắc trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng

(Chinhphu.vn) – Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh điều này trong Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo...

BÍ ẨN HÌNH TƯỢNG CHUỘT TRONG BỨC TƯỢNG LORENZO II MEDICI CỦA MICHELANGELO

  Lorenzo II de Medici – Công tước xứ Urbino(1492-1519) có cùng tên với người ông của mình, Lorenzo il Magnifico, nhà bảo trợ nghệ thuật vĩ đại thời Phục hưng. Lorenzo cháu cưới một công chúa...